phối hợp giữa các bộ phận, dẫn tới sự chồng chéo trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư. Nhiều cuộc xúc tiến đầu tư cho kết quả thấp do có nhiều yếu tố như: phương thức tổ chức chưa phù hợp, vấn đề cần nắm bắt thông tin và kết nối với các nhà đầu tư trước, trong và sau hội nghị chưa thông suốt. Nhiều cuộc xúc tiến đầu tư diễn ra như một diễn đàn thảo luận làm thế nào để phát triển kinh tế Nghệ An chứ chưa giới thiệu được tiềm năng thế mạnh đến các nhà đầu tư. Ngoài ra, cách thức tiếp xúc với nhà đầu tư, tạo cho nhà đầu tư cảm giác yên tâm chưa thực sự tốt. Trong thu hút chưa thực sự xác định cụ thể mình muốn gì, cần gì và có gì... chính điều này đã dẫn đến những dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư, tức là nằm trong qui hoạch, nhưng khi nhà đầu tư đến tìm hiểu thì bị từ chối vì đã thay đổi. Phần lớn các nhà đầu tư tự tìm đến, số nhà đầu tư được mời vào thì chưa có, đặc biệt là những dự án lớn, có tác động thay đổi cơ cấu của nền kinh tế. Hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh còn quá chung chung, không biết nhà đầu tư muốn gì và cần gì nên không thể lôi kéo được nhà đầu tư.
Thứ tư, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn nhiều yếu kém.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều cố gắng trong việc huy động các nguồn lực cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật nhưng còn chưa đồng bộ, chất lượng còn nhiều yếu kém. Đây cũng là một nguyên nhân khiến chi phí đầu tư, kinh doanh vào tỉnh cao, nguồn vốn đầu tư dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng trong các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp mới còn quá thấp chỉ 20 - 30% tổng nguồn vốn đầu tư, chưa huy động được nguồn vốn khác để phát triển hạ tầng một cách đồng bộ, cụ thể:
- Cơ sở hạ tầng của khu kinh tế và các khu công nghiệp tập trung.
Nhìn chung, cơ sở hạ tầng KKT và KCN của Nghệ An còn chưa hoàn chỉnh, hạ tầng kỹ thuật xã hội thiết yếu chưa được triển khai xây dựng. Nghệ An có khu kinh tế Đông Nam được thành lập năm 2008 nhưng chỉ mới phê duyệt quy hoạch chung, chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết, cơ sở hạ tầng hầu
như chưa triển khai xây dựng, các doanh nghiệp vào đầu tư phải tiến hành đền bù giải toả và san lấp mặt bằng. KKT và các KCN tại tỉnh Nghệ An chủ yếu được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, chưa huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách nên tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư. Chỉ có duy nhất khu công nghiệp Hoàng Mai là huy động được nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, hiện tại cũng đang trong quá trình triển khai xây dựng. Cơ sở hạ tầng tại KKT và các KCN vẫn còn tình trạng thiếu điện, thiếu nước, việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối giữa KKT và các KCN với bên ngoài còn kém và chưa được quan tâm đúng mức, nhiều tuyến đường nối vào mặc dù mới được xây dựng nhưng bị xuống cấp trầm trọng, chỉ có 9,17% số doanh nghiệp đánh giá chất lượng KKT và các KCN là tốt và rất tốt.
- Về hệ thống đường bộ.
Mặc dù tỉnh Nghệ An có Quốc lộ 1A với hơn 100 km, có đường mòn Hồ Chí Minh dài 132 km, có Quốc lộ 7, Quốc lộ 46, Quốc lộ 48, 421 km đường cấp tỉnh và 3.670 km đường cấp huyện nhưng nhiều tuyến đường đã xuống cấp, chật hẹp, mặc dù được sửa chữa, nâng cấp nhiều lần nhưng thực tế vẫn không được cải thiện đáng kể thậm chí có xu hướng ngày càng xấu đi do lưu lượng tham gia giao thông ngày càng đông. Tốc độ tăng dân số nhanh, quy hoạch yếu, hệ thống đường sá nhỏ, hệ thống đường rải nhựa chưa cao, chất lượng không đồng đều..., Trong tỉnh Nghệ An chỉ có 18,92% đường bộ được đánh giá có chất lượng tốt hoặc rất tốt, tỉ lệ đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ được rải nhựa chỉ đạt 41%, trong khi trung bình của cả nước là 51,44
Có thể bạn quan tâm!
- Đánh Giá Chung Về Tình Hình Thu Hút Vốn Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài Vào Tỉnh Nghệ An
- Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào tỉnh Nghệ An - 17
- Kết Quả Xếp Hạng Pci Của Tỉnh Nghệ An Từ 2005 - 2010
- Cơ Hội, Thách Thức Và Định Hướng Thu Hút Vốn Đầu Tư Nước Ngoài Vào Tỉnh Nghệ An
- Mục Tiêu Tổng Quát Phát Triển Kinh Tế Tỉnh Nghệ An Đến Năm 2020
- Thúc Đẩy Hoạt Động Xúc Tiến Thu Hút Vốn Fdi
Xem toàn bộ 223 trang tài liệu này.
%. Các tuyến đường chạy qua các huyện miền núi, nơi tập trung nhiều khoáng sản như: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong…chưa đảm bảo chất lượng, ngày càng xuống cấp gây khó khăn và tăng chi phí cho các nhà đầu tư nước ngoài.
- Đường hàng không.
Tỉnh Nghệ An mặc dù đã có Sân bay Vinh nhưng đây cũng chỉ là sân bay có quy mô nhỏ, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, kích thước đường băng ngắn và hẹp chỉ cho phép khai thác các chuyến bay nội địa.
- Hệ thống cảng biển
Tỉnh Nghệ An vẫn chưa có cảng nước sâu để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, cảng Cửa Lò với quy mô nhỏ chỉ cho phép những tàu có trọng tải dưới 3,5 triệu tấn vào, trang thiết bị bốc xếp còn lạc hậu, hệ thống giao thông ở hậu phương của cảng không đồng bộ vì vậy đã hạn chế phương thức vận tải biển, nhất là vận chuyển với quy mô lớn. Hơn nữa, chi phí bảo quản, bốc dỡ, vận chuyển tại cảng Cửa Lò cao cũng làm tăng chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài.
- Hệ thống mạng lưới điện.
Đa số mạng lưới điện trong tỉnh được xây dựng từ lâu nên đã hư hỏng nhiều, chất lượng đường dây kém. Hầu hết mạng lưới điện đều đi nổi gây khó khăn trong quản lý vận hành, không an toàn trong cung cấp điện. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng cắt điện không báo trước gây ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kéo theo đình trệ sản xuất, không hoàn thành hợp đồng kinh tế gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chỉ có 49,1% thời gian là doanh nghiệp được thông báo trước. Việc cắt điện còn tuỳ tiện gây bức xúc cho các doanh nghiệp.
- Hệ thống cấp thoát nước.
Hệ thống cấp thoát nước các đô thị chắp vá, không đồng bộ, chủ yếu là hệ thống cống chung, xây dựng chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ. Tại các KCN, KKT theo quy định cho phép đầu tư, hệ thống nước thải được xây dựng riêng, xử lý cho từng nhà máy, hoặc tập trung về trạm xử lý của từng khu để xử lý trước khi xả ra môi trường xung quanh nhưng phần lớn các KCN, KKT đang trong quá trình xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật vừa kêu
gọi đầu tư nên chưa có hệ thống thu và xử lý nước thải hoàn chỉnh, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng xử lý nước thải tại các KCN, KKT.
Thứ năm, chất lượng lao động còn thấp và trình độ quản lý nhà nước đối với FDI còn kém hiệu quả.
Tỷ lệ lao động có tay nghề thấp, phần lớn các doanh nghiệp phải tuyển dụng và tự đào tạo lao động, điều này làm cho họ mất thời gian và chi phí đào tạo, ngoài ra các dự án FDI khi tìm kiếm các nhân sự cấp cao, có trình độ rất khó khăn. Cơ cấu lao động tại Nghệ An còn mất cấn đối, còn yếu, nhất là công nhân kỹ thuật có tay nghề cao là ít, cơ cấu lao động còn bất hợp lý, thiếu lao động ở những ngành công nghệ cao, ngành mũi nhọn, lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Chất lượng lao động còn chưa cao, tính kỷ luật lao động còn thấp, chưa đều và có khoảng cách xa với yêu cầu công nghiệp hoá hiện đại hoá. Nguồn nhân lực còn phân phối chưa hợp lý và sử dụng chưa hiệu quả. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ…còn bộc lộ nhiều bất cập. Các trường đào tạo nguồn nhân lực mang nặng tính lý thuyết vì thế nếu được tuyển dụng các công ty cũng phải đào tạo lại, làm tăng thêm chi phí cho dự án và lãng phí nguồn lực xã hội.
Kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực FDI ở tỉnh Nghệ An còn yếu. Cán bộ tham gia quản lý điều hành trong các doanh nghiệp liên doanh chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của công tác do chưa được đào tạo một cách bài bản. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng bố trí cán bộ quản lý khu vực FDI một cách tuỳ tiện, không theo năng lực, buông lỏng quản lý, giám sát hoạt động FDI, thiếu kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, không nắm vững pháp luật, không thông thạo ngoại ngữ…Kết quả là các cán bộ quản lý này lúng túng trước các nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí có trường hợp chỉ chú ý đến lợi ích cá nhân, không thực hiện vai trò quản lý Nhà nước, bảo vệ lợi ích cho đất nước. Quản lý Nhà nước về FDI còn nhiều bất cập như:
- Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn mất nhiều thời gian làm triển khai dự án bị chậm tiến độ.
- Quy trình, thủ tục đầu tư chưa đồng bộ từ chủ trương, khảo sát, lựa chọn địa điểm, cấp giấy chứng nhận đầu tư đến thủ tục thuê đất, giao đất cấp phép xây dựng.
- Chưa chủ động trong theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án FDI đang thực hiện để kịp thời giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chưa kiên quyết trong việc thu hồi các dự án không có khả năng triển khai, việc hỗ trợ kinh phí cho các dự án còn kéo dài và chưa giải quyết dứt điểm. Một số dự án trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ có vốn đầu tư lớn, chiếm nhiều diện tích đất nhưng năng lực của chủ đầu tư có hạn, khó triển khai nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình giữ đất để chờ chính sách đã gây trở ngại cho các nhà đầu tư khác muốn vào mà cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa có biện pháp xử lý kịp thời.
Thứ sáu, cải cách thủ tục hành chính chưa tốt, công tác quy hoạch còn nhiều bất cập.
Công tác cải cách thủ tục hành chính nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việc triển khai thực hiện có lúc, có nơi còn tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với các nhà đầu tư. Đối với các dự án đầu tư ngoài các KKT và KCN, mặc dù Tỉnh đã cố gắng ban hành quy trình xử lý hồ sơ cho nhà đầu tư theo “cơ chế một cửa liên thông” theo mô hình của nhiều địa phương khác trong cả nước đã và đang áp dụng, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa làm được, điều này làm cho các nhà đầu tư phải đi lại nhiều nơi, nhiều lần. Ví dụ, liên quan đến địa điểm, thuê đất nhà đầu tư phải làm việc với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND các huyện, sau đó mới đến làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho nhà đầu tư tại Sở Kế hoạch & Đầu tư. Các Sở, Ban, Ngành khác chưa phối
hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch & Đầu tư để giải quyết các yêu cầu của nhà đầu tư. Giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư còn gặp nhiều khó khăn là nguyên nhân quan trọng nhất làm ách tắc quá trình triển khai thực hiện dự án. Chính sách đền bù đất đai, nhà cửa, hoa màu cho nhân dân còn chưa hợp lý, thường là thấp hơn so với thị trường; khi thực hiện đền bù thì không công khai minh bạch, không công bằng làm cho nhân dân nhiều nơi bất bình, khiếu kiện nên giải toả rất khó khăn; các chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ tái định cư, đào tạo nghề cho người nông dân còn nhiều trở ngại, chưa đến nơi, đến chốn.
Công tác quản lý quy hoạch còn thiếu tính khoa học đặc biệt chưa chú trọng đến hoạt động sau cấp phép đầu tư nên dẫn đến tình trạng một số dự án sau khi đi vào hoạt động vi phạm quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Điều tra, khảo sát và quản lý tài nguyên, khoáng sản chưa tốt nên không cung cấp đủ thông tin cần thiết cho các nhà đầu tư khi họ có ý định đầu tư tỉnh Nghệ An.
Thứ bảy, các dịch vụ hỗ trợ sau cấp phép cho các nhà đầu tư chưa tốt, nhất là tại các KCN, KKT.
- Dịch vụ hành chính công sau khi cấp phép còn kém, có đến 80% các doanh nghiệp FDI cho rằng nên có một đơn vị đầu mối chung để giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính công và cung cấp các văn bản liên quan đến các nhà đầu tư, đảm bảo an ninh tài sản cho người lao động.
- Hệ thống xử lý môi trường chưa được quan tâm đúng mức, có đến hơn 90% doanh nghiệp yêu cầu nên xây dựng hệ thống xử lý môi trường tập trung như nước thải, cây xanh, khói bụi…
- Dịch vụ hỗ trợ lao động cho các nhà đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu, có đến 65% doanh nghiệp cho rằng dịch vụ cung ứng lao động có chất lượng cho các nhà đầu tư còn kém.
- Các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào tỉnh Nghệ An chủ yếu vào
KCN, KKT. Khi đầu tư vào các khu vực này tuỳ theo thẩm quyền cấp phép, dựa vào quy mô vốn để thực hiện cấp phép. Các doanh nghiệp có vốn FDI đều cho rằng việc cấp giấy chứng nhận đã từng bước được cải thiện theo hướng thuận tiện và nhanh chóng, các thủ tục rõ ràng, được công khai phổ biến cho các nhà đầu tư. Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài còn cho rằng còn nhiều khúc mắc trong vấn đề sau khi cấp phép làm cho các nhà đầu tư lúng túng khi triển khai dự án như: Để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở phần đã thuê tại KCN, KKT, các doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận của chính quyền địa phương sau đó còn nhiều thủ tục liên quan khác mà các nhà đầu tư phải hoàn tất mới có thể tiến hành để xây dựng nhà xưởng.
Các yếu tố điện, nước phục vụ hoạt động tại các KCN, KKT còn thiếu, khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thì phải tiếp tục hoàn thiện; quá trình này qua nhiều thủ tục và liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau làm cho quá trình đầu tư bị chậm tiến độ. Thông thường, các nhà đầu tư khó chờ đợi công ty đầu tư cơ sở hạ tầng mà tự giải quyết, làm khó khăn thêm cho các nhà đầu tư và trên 50% các doanh nghiệp FDI cho rằng phục vụ của chủ đầu tư hạ tầng là chưa tốt. Khi phát sinh các vấn đề liên quan, nhà đầu tư phải gặp nhiều cơ quan khác nhau, các cơ quan này nhiều khi lại không thống nhất làm cho các nhà đầu tư không biết giải quyết thế nào.
Thứ tám, do chính tiềm lực tài chính của các nhà đầu tư: một số nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế năng lực tài chính nên không triển khai được các dự án, hoặc triển khai chậm, thậm chí không triển khai được dự án. Mặt khác, tình hình kinh tế thế giới trong những năm vừa qua biến động bất thường, khủng hoảng và suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều nơi, làm cho hoạt động đầu tư gặp khó khăn, có một số nhà đầu tư nước ngoài bị phá sản cho nên không triển khai hoạt động các dự án.
Kết luận chương 2
Trong chương 2, luận án đã tập trung làm rõ một số vấn đề sau:
1. Chủ trương thu hút nguồn vốn FDI là một chủ trương đúng đắn và là cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế. Vốn FDI vào tỉnh Nghệ An bước đầu đã có những thành công như bổ sung vào tổng nguồn vốn cho đầu tư phát triển, góp phần tăng thu cho ngân sách Tỉnh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy xuất khẩu, có tác động tích cực trong khai thác lợi thế so sánh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh Nghệ An.
2. Luận án đã đánh giá thực trạng thu hút vốn FDI, hệ thống chính sách ưu đãi, thu hút của vốn FDI đối với kinh tế Nghệ An. Bên cạnh những thành công ban đầu, vốn FDI đã bộc lộ nhiều hạn chế như: có sự mất cân đối trong đầu tư, ít nhà đầu tư lớn và các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển, hiệu quả đầu tư mang lại cho tỉnh Nghệ An còn thấp. Luận án cũng chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến hạn chế như: hệ thống pháp luật chưa theo kịp với hoạt động đầu tư, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chưa tốt, hiệu lực và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các dự án FDI sau cấp phép còn nhiều bất cập, chất lượng lao động thấp, hoạt động xúc tiến kém hiệu quả và đặc biệt là cơ sở hạ tầng còn yếu, chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh. Ngoài ra, cũng có một số nguyên nhân xuất phát từ phía nhà đầu tư nhưng trên hết những nguyên nhân xuất phát từ phía địa phương mới là cản trở chính để thu hút vốn FDI vào tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở đánh giá được thực trạng, tìm ra nguyên nhân của những hạn chế trong thu hút vốn FDI là căn cứ quan trọng để đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường thu hút vốn FDI vào tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.