Đối Tượng Đánh Thuế (Đối Tượng Chịu Thuế)

sách địa phương trong hệ thống ngân sách nhà nước thống nhất.

- Xác định cụ thể trách nhiệm và quyền hạn thu chi giữa các cấp ngân sách.

- Đảm bảo sự hợp lý và công bằng giữa các địa phương.

6.2.1. Phân định nguồn thu giữa các cấp ngân sách

Có 4 phương pháp thực hiện phân phối nguồn thu giữa các cấp ngân sách:

- Phương pháp thu đủ chi đủ: nội dung của phương pháp này là toàn bộ số thu và các nhiệm vụ chi của ngân sách đều do ngân sách trung ương đảm nhận. Phương pháp thu đủ chi đủ đảm bảo cho trung ương quyền chủ động nhưng hạn chế khả năng sáng tạo của địa phương.

- Phương pháp khoán gọn: trung ương giao cho địa phương được thu một số khoản thu xác định để đảm bảo nhiệm vụ chi cho địa phương. Phương pháp này khuyến khích địa phương quan tâm và bồi dưỡng nguồn thu của mình nhưng không chú ý đến nguồn thu của trung ương.

- Phương pháp dự phần: theo phương pháp này ngân sách địa phương được hưởng một phần từ các khoản thu chung được xác định theo tỷ lệ phần trăm hay còn gọi là tỷ lệ điều tiết. Phương pháp này khuyến khích địa phương quan tâm đến khoản thu nhưng phân định nguồn thu giữa các cấp ngân sách rất phức tạp và hàng năm phải điều chỉnh.

- Phương pháp hỗn hợp: Là phương pháp áp dụng hỗn hợp cả ba phương pháp trên, nguồn thu của ngân sách địa phương bao gồm 3 phần chính: Các khoản thu ổn định, các khoản thu điều tiết và các khoản trợ cấp từ ngân sách trung ương.

6.2.2. Phân định chi giữa các cấp ngân sách

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 209 trang tài liệu này.

Phân công quản lý nhà nước về kinh tế xã hội giữa các cấp chính quyền là cơ sở để phân định chi giữa các cấp ngân sách. Trong cơ chế thị trường, nhà nước sử dụng ngân sách nhà nước làm công cụ quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế thì phân cấp quản lý chi giữa các cấp ngân sách được thực hiện theo các nguyên tắc:

- Ngân sách trung ương đảm nhận nhiệm vụ chi theo các chương trình quốc gia hoặc các dự án phát triển nhằm hình thành thế cân đối cho nền kinh tế và tạo môi trường thuận lợi kích thích quá trình tích tụ và đầu tư vốn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và dân cư.

Tài chính tiền tệ - 7

- Ngân sách địa phương thực hiện các khoản chi gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương.

6.3. Quá trình ngân sách nhà nước

Quá trình ngân sách nhà nước là một quá trình bao gồm 3 giai đoạn: lập và phê chuẩn ngân sách, chấp hành ngân sách và quyết toán ngân sách. Quá trình ngân sách

cho thấy toàn bộ hoạt động của một ngân sách từ khi bắt đầu hình thành cho tới khi kết thúc để chuyển sang ngân sách của năm tài chính mới. Thời gian của quá trình ngân sách dài hơn so với năm tài chính (còn được gọi là năm ngân sách hay tài khoá) điều đó được thể hiện ở chỗ giai đoạn lập và phê chuẩn ngân sách được bắt đầu trước năm tài chính, giai đoạn quyết toán ngân sách được thực hiện sau năm tài chính và trong năm tài chính là thời gian chấp hành ngân sách. Quá trình ngân sách của nước ta được qui định trong luật Ngân sách Nhà nước.

6.3.1. Lập và phê chuẩn ngân sách

Mục tiêu của giai đoạn này là để xác định nhiệm vụ động viên, phân phối tối ưu các nguồn vốn nhằm bảo đảm tính vững chắc, tính khả thi của ngân sách. Giai đoạn này bao gồm:

- Lập ngân sách (lập dự toán ngân sách)

Hàng năm vào thời điểm qui định trước khi năm tài chính bắt đầu Chính phủ và Bộ tài chính ra thông báo về yêu cầu, nội dung và hướng dẫn lập dự toán ngân sách cho các ngành, các cấp. Các đơn vị căn cứ vào hướng dẫn của bộ tài chính lập dự toán ngân sách cho đơn vị mình dựa trên hệ thống luật, định hướng phát triển kinh tế xã hội của năm kế hoạch và các chính sách, định mức tài chính.

Các Bộ và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành tổng hợp dự toán ngân sách ở phạm vi mình quản lý gửi cho Bộ tài chính. Bộ tài chính sẽ xem xét dự toán thu chi của các Bộ và địa phương, tính toán khả năng thu chi, các giải pháp cân đối ngân sách và tổng hợp thành dự toán ngân sách của năm tài chính trình Chính phủ. Chính phủ xem xét, thảo luận, điều chỉnh lại các khoản thu chi nếu thấy cần thiết và trình Quốc hội.

- Phê chuẩn ngân sách

Dự toán ngân sách nhà nước trước hết sẽ được uỷ ban kinh tế và ngân sách của quốc hội nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh và trình Quốc hội. Quốc hội sẽ thảo luận dự toán ngân sách nhà nước về các nội dung: điều chỉnh tăng giảm các khoản thu trên cơ sở sửa đổi luật thuế, điều chỉnh tăng giảm các khoản chi dựa trên các giải pháp bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước. Sau khi thảo luận và thông qua, Quốc hội ra nghị quyết phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước và dự toán ngân sách nhà nước trở thành một đạo luật của nhà nước mà mọi pháp nhân và thể nhân trong xã hội điều có trách nhiệm thực hiện.

- Công bố ngân sách nhà nước

Sau khi dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội phê chuẩn sẽ được chuyển sang cho nguyên thủ quốc gia: Chủ tịch nước để công bố và giao cho Chính phủ thực hiện bằng cách uỷ nhiệm cho Bộ tài chính giao các chỉ tiêu pháp lệnh về thu và chi ngân sách cho từng Bộ và từng địa phương để thi hành.

6.3.2. Chấp hành ngân sách

Dự toán ngân sách được phê chuẩn và được thực hiện khi năm tài chính bắt đầu. Nội dung của giai đoạn này là tập trung đầy đủ, kịp thời mọi nguồn thu vào ngân sách và cấp phát cho các nhiệm vụ chi đã xác định nhằm động viên, phân phối và sử dụng các nguồn tài chính của xã hội để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm tài chính.

Chấp hành ngân sách bao gồm chấp hành thu ngân sách nhà nước và chấp hành chi ngân sách nhà nước.

- Chấp hành thu ngân sách nhà nước: là quá trình tổ chức và quản lý nguồn thu của ngân sách nhà nước. Hệ thống tổ chức thu ngân sách hiện nay ở nước ta có các cơ quan thuế và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ thu. Các cơ quan này có trách nhiệm kiểm soát các nguồn thu ngân sách nhà nước, xác định và thông báo số phải nộp cho các pháp nhân và thể nhân. Cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước phối hợp với ngành thuế và các cơ quan được giao nhiệm vụ thu để tổ chức thực hiện thu nộp cho ngân sách nhà nước và trích chuyển kịp thời các khoản thu giữa các cấp ngân sách nhà nước theo qui định.

- Chấp hành chi ngân sách nhà nước: là quá trình tổ chức và quản lý các khoản chi của ngân sách nhà nước. Tham gia vào chấp hành chi ngân sách gồm có các đơn vị sử dụng vốn ngân sách. Việc cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước được thực hiện theo qui định:

+ Căn cứ dự toán ngân sách được giao, các đơn vị thụ hưởng lập kế hoạch chi gửi cơ quan tài chính cùng cấp và kho bạc nhà nước nơi giao dịch để được cấp phát.

+ Cơ quan tài chính xem xét kế hoạch chi của đơn vị, căn cứ vào khả năng của ngân sách để bố trí số chi hàng quý thông báo cho đơn vị thụ hưởng và kho bạc nhà nước để thực hiện.

6.3.3. Quyết toán ngân sách

Nội dung của giai đoạn này là nhằm phản ánh, đánh giá và kiểm tra lại quá trình hình thành và chấp hành ngân sách nhà nước. Sau khi kết thúc năm tài chính, các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải khoá sổ kế toán và lập quyết toán ngân sách nhà nước theo số thực thu, thực chi theo hướng dẫn của Bộ tài chính.

Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ tài chính các đơn vị thụ hưởng ngân sách lập quyết toán thu chi của đơn vị mình gửi cơ quan quản lý cấp trên, số liệu quyết toán phải được đối chiếu và được kho bạc nhà nước nơi giao dịch xác nhận. Thủ trưởng các cơ quan nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, xử lý quyết toán thu chi ngân sách của các đơn vị trực thuộc, lập quyết toán thu chi ngân sách thuộc phạm vi mình quản lý gửi cho cơ quan tài chính cùng cấp. Cơ quan tài chính các cấp ở địa phương xét duyệt

quyết toán thu chi ngân sách của các cơ quan cùng cấp, thẩm tra quyết toán ngân sách cấp dưới, tổng hợp lập quyết toán ngân sách địa phương trình uỷ ban nhân dân cùng cấp để uỷ ban nhân dân cùng cấp xem xét trình hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn và gửi cho Bộ tài chính.

Bộ tài chính xem xét và tổng hợp quyết toán thu chi ngân sách của các bộ, ngành ở trung ương, kiểm tra xem xét quyết toán ngân sách của các địa phương, sau đó tổng hợp và lập tổng quyết toán ngân sách nhà nước trình Chính phủ để Chính phủ đệ trình Quốc hội. Quốc hội sau khi nghe báo cáo kiểm tra của cơ quan Tổng kiểm toán quốc gia sẽ xem xét và phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước.

BÀI ĐỌC THÊM


BÀI 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA LUẬT THUẾ

1. Các yếu tố cấu thành của luật thuế

Thuế là khoản đóng góp không hoàn trả cho Nhà nước và là công cụ quan trọng thực hiện chính sách kinh tế xã hội nên phải bắt buộc nộp và cần quốc hội phê chuẩn dưới hình thức luật. Luật thuế bao gồm 2 khía cạnh: quản lý thu nộp thuế và chính sách thuế. Chúng tạo nên những yếu tố cần thiết của luật thuế và chia các yếu tố thành 2 phần: phần các yếu tố riêng đặc trưng hay yếu tố cơ bản tạo ra sự khác nhau giữa các luật thuế và phần các yếu tố có nội dung chung cho mọi luật thuế.

2. Mục đích (ý nghĩa) của luật thuế

Bất cứ văn bản luật nào đều có phần lời nói đầu nhằm tuyên truyền cho người có nghĩa vụ thực hiện luật hiểu rò sự cần thiết phải ban hành để thực hiện tốt các quy định của luật. Luật thuế cũng vậy, lời nói đầu chỉ ra mục đích ban hành của luật thuế, thể hiện bản chất của loại thuế đó và được xây dựng trên cơ sở vai trò của thuế.

Để dễ quản lý, mỗi luật thuế chỉ bao gồm một đối tượng đánh thuế nhất định, do đó mỗi loại thuế có mục đích riêng như thuế tiêu thụ đặc biệt có tác dụng hướng dẫn tiêu dùng hợp lý, thuế nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, thuế thu nhập cá nhân tạo sự công bằng xã hội và có mục đích chung là tạo ra nguồn thu đảm bảo cho nhu cầu chi tiêu của Nhà nước và để cuối cùng nhằm mục đích phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển nền kinh tế. Mục đích, ý nghĩa của luật không phải là những quy định bắt buộc nên không đưa thành các điều khoản mà nó là căn cứ để xây dựng các điều khoản nhằm đạt mục đích đề ra.

3. Đối tượng đánh thuế (đối tượng chịu thuế)

Đối tượng đánh thuế hay đối tượng chịu thuế là đối tượng mà luật thuế tác động vào nhằm thực hiện vai trò của thuế. Thường người ta chia đối tượng đánh thuế làm 3 nhóm là: thu nhập (của cá nhân, doanh nghiệp), tài sản (nhà, đất, tài nguyên) và hàng hoá dịch vụ (thông thường, đặc biệt, xuất nhập khẩu). Mỗi loại đối tượng đánh thuế có đặc điểm riêng, đã tạo ra phần có nội dung khác nhau giữa các luật và làm cơ sở cho việc quy định các yếu tố quan trọng của luật thuế như người nộp thuế, căn cứ tính thuế, trường hợp ưu đãi. Mỗi đối tượng đánh thuế có tác dụng khác nhau và dẫn đến cách quản lý cũng khác nhau. Cho nên với mỗi đối tượng đánh thuế phải ban hành thành các luật thuế riêng biệt như không thể để chung thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp vào cùng một luật thuế. Chính vì vậy tên của luật thuế bao giờ cũng chỉ rò đối tượng đánh thuế của luật đó là gì.

4. Người nộp thuế (đối tượng nộp thuế)

Là người có đối tượng chịu thuế nên có nghĩa vụ khai báo, nộp thuế cho Nhà nước và được luật thuế quy định. Họ là những doanh nghiệp và các cá nhân, trong thuế thu nhập là người có thu nhập, trong thuế tài sản là người sở hữu hoặc được Nhà nước giao quyền sử dụng, trong thuế hàng hoá, dịch vụ là người bán (tiêu thụ) hàng hoá, dịch vụ.

Khi xem xét từ khía cạnh tác động của chính sách thuế, cần biết người chịu thuế là ai, đó là người bị giảm thu nhập thực tế. Trong thuế thu nhập, tài sản thì người nộp và chịu thuế là một. Còn trong thuế hàng hoá dịch vụ người chịu thuế là các cá nhân khi tiêu dùng hàng hoá, nếu để người này nộp thuế thì Nhà nước rất khó thu thuế nên để đảm bảo hiệu quả thu thuế thì người nộp thuế lại là người bán hàng hoá dịch vụ và họ là người nộp hộngười tiêu dùng. Riêng trong quan hệ mua bán hàng hoá nhập khẩu, do các nước áp dụng chính sách kiểm soát nhập khẩu nên người nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào hàng nhập khẩu là bên nhập khẩu (người mua hàng). Hơn nữa nếu thu thuế hàng hoá dịch vụ ở khâu cuối cùng thì số thuế phải nộp rất lớn và tập trung ở một số ít doanh nghiệp, chủ yếu ở doanh nghiệp bán lẻ, do đó việc thu thuế rất khó khăn.

Luật thuế điều chỉnh quan hệ thu nộp thuế, vì vậy người chịu thuế không cần chỉ rò trong luật. Tuy nhiên, chính sách thuế là nhằm tác động đến người chịu thuế để thực hiện vai trò của thuế cho nên các điều khoản về thuế, nhất là đối tượng đánh thuế, thuế suất, ưu đãi thuế được quy định xuất phát từ góc độ người chịu thuế chứ không phải từ người nộp thuế.

5. Căn cứ tính thuế

Căn cứ tính thuế được thể hiện trong phương pháp (công thức) tính thuế như sau: Số thuế phải nộp = Số lượng đối tượng tính thuế x Thuế suất

Đối tượng tính thuế là cơ sở để tính số thuế phải nộp và được quy định sao cho phù hợp với mục đích của từng đối tượng đánh thuế.

Đơn vị dùng đo lường đối tượng tính thuế gọi là đơn vị tính thuế. Từ cách quy định đối tượng tính thuế như trên cho thấy có hai loại đơn vị tính thuế là đơn vị đo lường giá trị bằng tiền được dùng chủ yếu và đơn vị đo lường khác biểu hiện bằng lít, m2, cái, chiếc như điếu thuốc lá.

Để tính số lượng đối tượng tính thuế theo giá trị, luật quy định căn cứ tính là giá tính thuế hoặc giá tính thuế đơn vị:

Thuế suất là số tiền thuế phải nộp trên 1 đơn vị đối tượng tính thuế. Sau khi xác định đối tượng tính thuế là gì ta có thể xác định nội dung, cách quy định mức thuế suất. Trường hợp đối tượng tính thuế là giá trị, để tiện cho việc so sánh, người ta biểu

diễn thuế suất theo % như thuế suất thuế GTGT 5, 10, 20% giá trị gia tăng...

6. Các chế độ ưu đãi về thuế

Nó thể hiện chính sách điều tiết nền kinh tế của Nhà nước thông qua công cụ thuế. Để tránh trốn lậu thuế và đơn giản trong việc thực hiện có 4 cách quy định ưu đãi từ đơn giản đến phức tạp như sau:

- Không thuộc diện đối tượng chịu thuế: là một dạng miễn thuế dành cho những trường hợp được miễn thuế lâu dài và không cần làm bất cứ thủ tục gì. Riêng trong luật thuế xuất nhập khẩu, do đánh thuế từng lần chứ không tính trong một khoảng thời gian và để tránh trốn thuế nên phải làm hồ sơ xuất trình cho từng lần xuất nhập khẩu.

Lưu ý, trong một số luật thuế có trường hợp không thuộc diện đối tượng chịu thuế là để tránh đánh thuế trùng lắp hoặc làm cho hệ thống thuế đơn giản, tiết kiệm chi phí thu nộp. Ví dụ như trong thuế thu nhập cá nhân, lợi tức của chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc diện chịu thuế vì đã thuộc diện chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Tạm thời miễn thuế: Là trường hợp theo quy định vẫn thuộc đối tượng chịu thuế nhưng được miễn thuế không có thời hạn và không phải làm hồ sơ xin miễn. Ví dụ trong thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp lãi cho vay, lãi mua cổ phiếu; trong thuế đất có đất ở của người tàn tật mất khả năng lao động, người chưa đến tuổi thành niên, người già cô đơn không nơi nương tựa, không có khả năng nộp thuế, đất ở của gia đình thương binh nặng, gia đình liệt sĩ đang hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước...

- Thuế suất ưu đãi: Những đối tượng chịu thuế có thuế suất 0% hay có thuế suất thấp hơn mức trung bình là thuộc diện ưu đãi. Khi có thuế suất 0% vẫn phải làm thủ tục kê khai nộp thuế. Cách quy định này được dùng trong thuế hàng hoá dịch vụ, cụ thể là thuế xuất nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng cho những trường hợp ấn định được trước trong biểu thuế.

- Miễn, giảm thuế được quy định trong chương "Miễn giảm thuế": Là trường hợp ưu đãi có thời hạn nhất định và xuất hiện trong những hoàn cảnh, điều kiện nhất định. Vì vậy muốn được miễn giảm thuế phải lập hồ sơ xin miễn giảm và chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ trong thuế thu nhập doanh nghiệp thì cơ sở sản xuất mới thành lập được miễn thuế 2 năm đầu kể từ khi có thu nhập chịu thuế và được giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong thời gian 2 năm tiếp theo. Trong thuế xuất nhập khẩu thực hiện xét duyệt cho từng chuyến hàng.

7. Các yếu tố chung của mọi luật thuế

- Nghĩa vụ và quyền khiếu nại của người nộp thuế: Trong tất cả các luật thuế, người nộp thuế đều có nghĩa vụ cơ bản là kê khai, nộp thuế đúng, đủ, kịp thời, cung cấp tài liệu liên quan đến việc tính thuế nếu cơ quan thuế yêu cầu. Ngoài ra tuỳ luật thuế mà còn có các nghĩa vụ khác như chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kế toán, hoá

đơn, chứng từ trong luật thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Người nộp thuế có quyền khiếu nại việc cán bộ thuế, cơ quan thuế thi hành không đúng luật thuế.

- Thủ tục nộp thuế: Gồm các quy định về nội dung kê khai thuế, căn cứ và thời hạn kê khai, thời hạn nộp thuế và quyết toán thuế. Quy định nghĩa vụ của người nộp thuế và thủ tục nộp thuế là cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm luật thuế.

- Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thuế: hướng dẫn người nộp thuế thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định; thông báo số thuế phải nộp đúng, kịp thời; kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp thuế; xử lý các vi phạm hành chính về thuế và giải quyết khiếu nại...

Khi việc nộp thuế đi vào nề nếp sẽ giảm thủ tục thông báo thuế nhằm tạo điều kiện cho người nộp thuế ở thế chủ động tính thuế và nộp thuế, giảm chi phí quản lý thuế trong việc tính toán và ra thông báo thuế.

- Xử lý vi phạm luật thuế và khen thưởng đối với người nộp thuế, cán bộ thuế và cá nhân khác. Nếu người nộp thuế vi phạm nhẹ, bị xử phạt hành chính, nếu nặng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Xử phạt hành chính có các hình thức như: phạt tiền, cảnh cáo, tước giấy phép... Nộp thuế chậm thì bị phạt tiền, mỗi ngày nộp phạt 0,1% số tiền chậm nộp, so với lãi suất phạt trả chậm cao hơn rất nhiều. Nếu trốn lậu thuế thì tuỳ mức độ bị phạt từ 1 đến nhiều lần số tiền thuế gian lận. Không nộp thuế, nộp phạt thì bị trích từ tài khoản tiền gửi, giữ hàng hoá, kê biên tài sản. Để luật thuế được thực hiện nghiêm minh, chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Cán bộ thuế vi phạm thì bị xử lý kỉ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Khiếu nại: Thời hiệu khiếu nại thường 30 ngày. Đơn khiếu nại phải gửi đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế, nếu vẫn không đồng ý với quyết định của cơ quan giải quyết khiếu nại hoặc quá thời hạn quy định mà vẫn chưa được giải quyết thì có quyền khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên trực tiếp hoặc khởi kiện đến toà án.

- Hiệu lực thi hành: Thường sau 1 thời gian kể từ ngày quốc hội thông qua để có thời gian chuẩn bị.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/07/2022