Mô Hình Mối Quan Hệ Giữa Môi Trường, Kinh Tế Và Xã Hội Với Thành Quả Hoạt Động Của Doanh Nghiệp Của Kocmanová Và Dočekalová (2011)


Cuối cùng, luận án đưa ra các hàm ý quản trị về tác động của CS đến HQHĐ của các DNDL cũng như các hàm ý quản trị về vai trò trung gian của SGBNV, SCKNĐT và STGCĐĐP trong tác động của CS đến HQHĐ của các DNDL mà các công trình nghiên cứu trước đây chưa đề cập đến.

1.7 Ý nghĩa của đề tài nghiên cứu

1.7.1 Về mặt khoa học

Thứ nhất, nghiên cứu hệ thống hoá các lý thuyết nền liên quan đến vấn đề nghiên cứu như lý thuyết tính chính đáng, lý thuyết thể chế, lý thuyết các bên liên quan và lý thuyết phụ thuộc nguồn lực. Bên cạnh đó, luận án tổng hợp và hệ thống các nghiên cứu liên quan đến vấn đề nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam.

Thứ hai, trên cơ sở lý thuyết nền và các nghiên cứu trước, luận án xây dựng mô hình nghiên cứu tác động của CS đến HQHĐ của các DNDL và vai trò trung gian của SGBNV, SCKNĐT, STGCĐĐP và được kiểm định tại vùng DHNTB của Việt Nam.

Cuối cùng, nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh và đánh giá thang đo của các khái niệm nghiên cứu. Từ đó, phát triển các khái niệm nghiên cứu phù hợp trong điều kiện của Việt Nam nói chung và vùng DHNTB tại Việt Nam nói riêng. Do đó, luận án đảm bảo được tính mới. Đồng thời, các nghiên cứu tiếp theo có thể kế thừa và tiếp tục phát triển hơn nữa những vấn đề nghiên cứu của luận án.

1.7.2 Về mặt thực tiễn

Khảo sát tình hình thực tế, nghiên cứu đánh giá được thực trạng nhận thức cũng như thực hành CS tại các DNDL vùng DHNTB, Việt Nam.

Với mục tiêu nghiên cứu là tìm hiểu tác động của CS đến HQHĐ của các DNDL vùng DHNTB tại Việt Nam và vai trò trung gian của SGBNV, SCKNĐT, STGCĐĐP, nghiên cứu sẽ hỗ trợ các DNDL trong ngành tăng cường sự hiểu biết về các hoạt động CS để doanh nghiệp hoạt động một cách bền vững và từ đó nâng cao HQHĐ của DNDL. Đồng thời, nghiên cứu này sẽ góp phần khuyến khích các DNDL quan tâm hơn nữa đến các bên liên quan trong việc hoạch định chính sách và thực thi các chiến lược kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 268 trang tài liệu này.

Nghiên cứu này cũng mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới cho các nhà nghiên cứu trong trong tương lai khi tìm hiểu về bền vững doang nghiệp, SGBNV, SCKNĐT, STGCĐĐP và HQHĐ trong các lĩnh vực khác.


1.8 Kết cấu của đề tài

Nghiên cứu được thiết kế theo bố cục 5 chương như sau:

Chương 1. Giới thiệu về đề tài nghiên cứu

Trình bày lý do chọn đề tài, mục tiêu nghiên cứu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu đồng thời trình bày ý nghĩa của nghiên cứu và những điểm mới của luận án.

Chương 2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Trình bày, tổng hợp, hệ thống các lý thuyết nền và các khái niệm nghiên cứu. Từ đó, nghiên cứu đề xuất mô hình nghiên cứu cùng với các giả thuyết nghiên cứu phù hợp trong điều kiện vùng DHNTB tại Việt Nam.

Chương 3. Phương pháp nghiên cứu

Trình bày quy trình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. Bên cạnh đó, luận án trình bày cách thức xây dựng thang đo, cách thức thu thập dữ liệu trong nghiên cứu định lượng sơ bộ và nghiên cứu định lượng chính thức, phương pháp phân tích dữ liệu.

Chương 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Trình bày kết quả xử lý dữ liệu bao gồm thống kê mẫu, đánh giá độ tin cậy của thang đo, phân tích EFA, đánh giá mô hình đo lường và mô hình cấu trúc, kiểm định sự khác biệt giữa các nhóm và thảo luận kết quả nghiên cứu cũng đã được thực hiện so với các nghiên cứu có trước và dựa vào tình hình thực tế của vùng DHNTB tại Việt Nam.

Chương 5. Kết luận và hàm ý quản trị

Tổng kết kết quả nghiên cứu đạt được và từ đó đưa ra các hàm ý quản trị cũng như nêu ra những hạn chế của nghiên cứu và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo.

Kết luận Chương 1

Việt Nam là nước đang phát triển với ngành du lịch được xem là ngành có nhiều tác động đến kinh tế, xã hôi và môi trường. Phần lớn các nghiên cứu về CS và CSR đã được thực hiện trong bối cảnh phương Tây. Thực tế cho thấy khái niệm CS và CSR của phương Tây không phù hợp với bối cảnh các nước phương Đông. Các nghiên cứu trước đây tại Việt Nam chỉ đề cập đến CSR thay vì nghiên cứu về CS. Đề tài này đã tổng quan tài liệu và xây dựng khung nghiên cứu lý thuyết về CS trong điều kiện phù hợp với Việt Nam nói chung và vùng DHNTB tại Việt Nam nói riêng. Khung nghiên cứu lý thuyết về CS này có thể là một gợi ý để các nhà nghiên cứu sử dụng làm công cụ để tiếp tục các nghiên cứu trong tương lai.


CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU

Chương 2 tổng quan các khái niệm nghiên cứu. Bên cạnh đó, chương này cũng giới thiệu các lý thuyết nền của nghiên cứu gồm: lý thuyết tính chính đáng, lý thuyết thể chế, lý thuyết các bên liên quan và lý thuyết phụ thuộc nguồn lực. Luận án vận dụng lý thuyết nền và các nghiên cứu trước để đề xuất mô hình nghiên cứu và đưa ra các giả thuyết nghiên cứu.

2.1 Các khái niệm

2.1.1 Bền vững doanh nghiệp

Bền vững doanh nghiệp là một khái niệm có liên quan, kế thừa một số chủ đề và các khái niệm như: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility); Lý thuyết các bên liên quan (Stakeholder Theory); PTBV (Sustainable Development) và Trách nhiệm thực hiện hoặc giải trình của doanh nghiệp (Corporate Accountability) (Wilson, 2003). Để làm rõ khái niệm bền vững doanh nghiệp, sự tương đồng và khác biệt giữa khái niệm CS các khái niệm có liên quan đến trách nhiệm xã hội, luận án trình bày khái niệm về bền vững doanh nghiệp và về các chủ đề liên quan đến bền vững doanh nghiệp.

Khái niệm bền vững doanh nghiệp

Bền vững doanh nghiệp (Corporate Sustainability – CS) là khái niệm được phát triển sau khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility – CSR). CS đang được các nhà khoa học và nhà quản lý giành nhiều sự quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

Căn nguyên của khái niệm CS được cho là bắt nguồn từ cuối những năm 1980, cùng thời gian khi khái niệm PTBV đã đạt được sức hút (Schwartz và Carroll, 2008; Hahn và cộng sự, 2017). Định nghĩa về CS được áp dụng từ sự PTBV và có thể được xem là sự đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan khác nhau của doanh nghiệp mà không làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai (Dyllick và Hockerts, 2002). Là một cách tiếp cận kinh doanh đa ngành, mang tính chiến lược, CS tạo ra giá trị lâu dài cho các bên liên quan của doanh nghiệp. Sự khác biệt giữa PTBV và CS là PTBV đề cập đến tính bền vững ở cấp độ vĩ mô trong khi CS được liên kết với tính bền vững ở cấp độ vi mô hoặc cấp độ doanh nghiệp (Dyllick và Muff, 2015).

Đồng tình với quan điểm này, Bansal (2005) và Sharma (2002) cũng cho rằng CS có tương quan với sự thịnh vượng kinh tế, công bằng xã hội và tính toàn vẹn môi trường.


Cụ thể, trong nghiên cứu của mình Bansal và Song (2017) đã một lần nữa khẳng định rằng hai khái niệm CS và CSR cùng liên quan đến một vấn đề nhưng không giống nhau. Bansal và Song (2017) cho rằng trách nhiệm doanh nghiệp và sự bền vững cùng giải quyết mối quan hệ giữa doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, hai lĩnh vực nghiên cứu này đã hội tụ và chính điều này đã gây nên những trở ngại và vướng mắc cho việc nghiên cứu chúng. Cũng theo đó, nghiên cứu CSR là những chuẩn mực, đạo đức và chống lại sự bất hợp pháp trong các hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, nghiên cứu về CS đưa ra một viễn cảnh hệ thống, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những thất bại do hoạt động kinh doanh không chú trọng đến các khía cạnh xã hội và môi trường tự nhiên.

Theo Aras và Crowther (2009), có nhiều giai đoạn trưởng thành khác nhau để phản ánh việc áp dụng CS và CSR. Ban đầu, các doanh nghiệp bắt đầu tham gia vào các hoạt động phản ánh CSR mà không có chất lượng. Giai đoạn thứ hai được gọi là ngăn chặn chi phí, theo đó các doanh nghiệp tái cấu trúc quy trình kinh doanh để giảm các tiêu thụ nước và năng lượng giúp giảm chi phí và cải thiện hiệu quả tài chính. Sự tham gia của các bên liên quan là giai đoạn thứ ba, theo đó các doanh nghiệp đã từng bước quan tâm đến sự thỏa mãn của nhân viên và khách hàng. Giai đoạn thứ tư bao gồm việc truyền đạt về các sáng kiến này bằng cách phát triển các báo cáo CSR. Giai đoạn thứ năm là sự bền vững (Sustainability), trong đó ngụ ý những thay đổi căn bản đối với thực tiễn kinh doanh và một lượng đáng kể quá trình của doanh nghiệp được tái thiết kế (Reengineering). Trong các bối cảnh này, dường như khái niệm CS có một tương lai tươi sáng, bởi vì cốt lõi của nó là giải quyết và nắm bắt những mối quan tâm quan trọng nhất của công chúng về các mối quan hệ kinh doanh, xã hội và môi trường.

Đồng thời, nghiên cứu của Kocmanová và Dočekalová (2011) chỉ ra rằng tính bền vững là một chiến lược của doanh nghiệp với mục tiêu tăng trưởng dài hạn, đem lại hiệu quả và làm tăng hiệu suất cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp bằng cách kết hợp các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường vào quản lý doanh nghiệp. Những cải tiến trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường có thể giúp tích hợp các khái niệm về PTBV vào thực tiễn kinh doanh và dẫn đến tính bền vững.

Do đó, CS thực sự có thể được định nghĩa là ứng dụng PTBV ở cấp độ vi mô, tức là cấp độ doanh nghiệp (Steurer và cộng sự, 2005; Baumgartner và Ebner, 2010; Lozano, 2015; Dyllick và Muff, 2015; Hahn và cộng sự, 2017). Theo đó, có thể xác định ba yếu tố chính cốt lõi của CS bao gồm ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường. Điều này


cho thấy, việc thực hiện các chiến lược của doanh nghiệp không chỉ xem xét các điều kiện tiên quyết về kinh tế mà còn phải xem xét các điều kiện về xã hội, môi trường và tác động của các hành động của doanh nghiệp cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau giữa ba phương diện này. Cùng với đó, việc thực hiện các hoạt động CS đòi hỏi một định hướng kinh doanh dài hạn làm cơ sở để đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan hiện tại và trong tương lai (Zink, 2008).


Nguồn Kocmanová và Dočekalová 2011 Hình 2 1 Mô hình mối quan hệ giữa môi 2

(Nguồn: Kocmanová và Dočekalová, 2011)

Hình 2.1: Mô hình mối quan hệ giữa môi trường, kinh tế và xã hội với thành quả hoạt động của doanh nghiệp của Kocmanová và Dočekalová (2011)

Tóm lại, dựa vào các quan điểm nêu trên, luận án định nghĩa CS là một mô hình chiến lược nhằm phát triển khả năng tạo ra giá trị lâu dài cho doanh nghiệp và các bên liên quan của doanh nghiệp bằng cách đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và các bên liên quan gắn với các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lại. Trong đó, các khía cạnh kinh tế đề cập đến việc quản lý doanh nghiệp nhằm giảm thiểu gánh nặng chi phí về môi trường, tiết giảm tiêu thụ năng lượng và nước, hợp tác tích cực với các bên liên quan, cải thiện quy trình hoạt động để phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của doanh nghiệp và đạt được khả nặng cạnh tranh bền vững trong thời gian dài; các khía cạnh xã hội đề cập đến việc quản lý doanh nghiệp theo cách tiếp cận nhằm giảm thiểu sự bất bình đẳng và chia rẽ xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng cường mối quan hệ với các bên liên quan khác nhau; cuối cùng, các khía cạnh môi trường đề cập


đến nỗ lực của doanh nghiệp để quản lý hoạt động của doanh nghiệp theo cách mà các sản phẩm cuối cùng của doanh nghiệp không gây hại cho môi trường, không gây ô nhiễm, giảm thiểu tiêu thụ tài nguyên và tuân thủ các quy định về môi trường. Đồng thời, doanh nghiệp phải có trách nhiệm báo cáo hiệu quả của các hoạt động CS đến các bên liên quan và toàn xã hội.

Các chủ đề liên quan đến khái niệm CS

a. Phát triển bền vững (Sustainable Development)

PTBV (Sustainable Development – SD) là sự phát triển của nhân loại không chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học (IUCN, 1980). Đến năm 1992, có ít nhất 70 định nghĩa khác nhau cho PTBV (Lozano, 2008) và gần 300 định nghĩa về tính bền vững và PTBV vào năm 2007 (Johnston và cộng sự 2007). Với số lượng lớn các định nghĩa được trích dẫn về PTBV trong báo cáo của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED) năm 1987 (còn được gọi là Báo cáo của Ủy ban Brundtland) thì PTBV được định nghĩa là "sự phát triển đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai". Định nghĩa từ Báo cáo của Ủy ban Brundtland có thể không biểu lộ sự phức tạp và mâu thuẫn cơ bản của khái niệm PTBV nhưng nó nhấn mạnh giá trị cơ bản rằng sự phát triển kinh tế không được làm suy yếu yếu tố xã hội và môi trường mà chúng dựa vào. Năm 1992, Hội nghị Liên hiệp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) được tổ chức tại Rio de Janeiro ở Brazil (Hội nghị thượng đỉnh Trái đất Rio) nhằm xây dựng các mục tiêu của Báo cáo của Ủy ban Brundtland, và tập trung vào phát triển khuôn khổ toàn cầu để giải quyết các thách thức môi trường, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học thông qua sự PTBV (Redclift, 2005).

Một thập kỷ sau Báo cáo của Ủy ban Brundtland, John Elkington (1998) đã đưa ra một định nghĩa cụ thể hơn về PTBV, theo đó PTBV thông qua lý thuyết về “ba điểm mấu chốt” (Triple Bottom Line - TBL), tức là theo đuổi đồng thời thịnh vượng kinh tế, chất lượng môi trường và công bằng xã hội (Elkington, 1998). TBL, còn được gọi là 3Ps, nhằm đạt được sự cân bằng giữa các khía cạnh xã hội (con người), môi trường (hành tinh) và kinh tế (lợi nhuận) với sự bền vững như nhau. Thật vậy, việc tích hợp và cân bằng các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế đồng thời cùng với việc tập trung


vào bản chất dài hạn của các hoạt động kinh doanh là những yếu tố cốt lõi trong PTBV (Robinson, 2004; Hahn và cộng sự 2015).

Tại Việt Nam, PTBV là một xu thế tất yếu và cấp bách trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và toàn cầu hóa đang diễn ra hiện nay. Việt Nam đã cam kết thực hiện “Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV của Liên hợp quốc”, gồm 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể. Vào năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, kế hoạch chỉ rõ PTBV là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Kế hoạch hành động thể hiện nỗ lực và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu PTBV, bao gồm những mục tiêu tổng quát và cụ thể làm cơ sở pháp lý để các bộ ngành, địa phương, các tổ chức và các cá nhân triển khai thực hiện và phối hợp hành động.

Tóm lại, theo tác giả, PTBV là sự phát triển nhằm giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với sự thịnh vượng, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo đảm một hành tinh bền vững, một thế giới dễ sống, một xã hội công bằng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

b. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility)

CSR là một cách thể hiện mối quan hệ và cam kết của doanh nghiệp đối với xã hội. Howard R. Bowen, người được Carroll gọi là “Cha đẻ của CSR” (Carroll, 1999), định nghĩa trách nhiệm xã hội là nghĩa vụ của các doanh nhân để theo đuổi các chính sách, để đưa ra các quyết định, hoặc để hành động theo các mong muốn về các mục tiêu và giá trị của xã hội (Bowen, 2013). Nghĩa vụ ở đây được hiểu là việc phải làm, thể hiện sự ràng buộc giữa các bên có liên quan trong những mối quan hệ cụ thể, trước hết là một phạm trù đạo đức học phản ánh trách nhiệm của một cá nhân hoặc một tổ chức đối với những việc phải làm trong những điều kiện xã hội cụ thể, trước một tình hình xã hội nhất định tại một thời điểm nhất định. Trong giai đoạn 1960-1970, khái niệm về CSR xoay quanh hai quan điểm tương phản. Những người ủng hộ CSR tin rằng các doanh nghiệp là một phần của xã hội và do đó có nghĩa vụ phải phát triển hoạt động xã hội và môi trường của họ ngoài các nghĩa vụ kinh tế và pháp lý (Frederick, 1960; McGuire, 1963). Mặt khác, những người phản đối CSR theo tư tưởng kinh tế cổ điển của thị trường


tự do cho rằng, các tập đoàn chỉ có một trách nhiệm và đó là kiếm lợi nhuận theo luật (Levitt, 1958; Friedman, 2007).

Mặc dù có những quan điểm khác nhau về cách CSR có thể mang lại lợi ích (hoặc cản trở) hoạt động của doanh nghiệp, khái niệm về CSR vẫn tiếp tục phát triển và mở rộng qua nhiều năm. Từ những năm 1950, một số mô hình CSR được phát triển để xây dựng vai trò và trách nhiệm tương ứng của các tập đoàn đối với các cổ đông và các bên liên quan. Những mô hình này đã được xem xét trong tài liệu nghiên cứu (Kanji và Agrawal 2016), một số trong số đó là Mô hình tự do (Friedman, 1970), Mô hình của Ackerman (Ackerman và Bauer, 1976), Mô hình các bên liên quan (Freeman, 2015), Mô hình kim tự tháp của CSR (Carroll, 1991), Mô hình ba miền của CSR (Schwartz và Carroll, 2003) và Mô hình 3C-SR (Meehan và cộng sự, 2006). Trong nửa thế kỷ qua, nhiều định nghĩa về CSR được đề xuất trong tài liệu nhưng gần như không có định nghĩa chính xác về thuật ngữ này (Matten và Moon, 2008; Nasrullah và Rahim, 2014). Sarkar và Searcy (2016) đã xác định 110 định nghĩa về CSR từ tạp chí, sách và các ấn phẩm phi học thuật được đánh giá từ năm 1953 đến 2014 và phân loại chúng thành ba giai đoạn. Ý tưởng về CSR của thời kỳ đầu tiên (1953 - 1982) được xây dựng dựa trên quan niệm rằng “các doanh nghiệp không chỉ có nghĩa vụ kinh tế và pháp lý mà còn có những phản hồi xã hội nhất định mà họ nên đáp ứng một cách tự nguyện. Lần thứ hai (1983 - 2002) chứng kiến “sự gia tăng sử dụng các thuật ngữ liên quan đến đạo đức”. Các mối quan tâm về môi trường, tính bền vững và các bên liên quan cũng được nêu bật trong một số định nghĩa từ thời kỳ này. Trong giai đoạn thứ ba (2003 - 2014), môi trường, các bên liên quan và các cân nhắc về đạo đức tiếp tục tạo thành một thành phần cốt lõi của định nghĩa CSR (Sarkar và Searcy, 2016). Dahlsrud (2008) cũng đã xác định và phân tích 37 định nghĩa về CSR từ 1980 đến 2003 và kết luận rằng các phiên bản chủ yếu phù hợp với nhau (Dahlsrud, 2008).

Giống như CSR, CS là một khái niệm gây tranh cãi cho thấy các cam kết của doanh nghiệp trong việc thúc đẩy các hoạt động của mình trong ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Hai khái niệm dường như được hội tụ gần đây (Montiel, 2008). Tuy nhiên, CS không chỉ tập trung vào các khía cạnh ngắn hạn mà cả các hoạt động dài hạn của các hoạt động doanh nghiệp (Bansal và DesJardine, 2014; Hahn và cộng sự, 2015). Căn nguyên của khái niệm CS dường như bắt nguồn từ cuối những năm 1980 cùng lúc khi khái niệm PTBV đã đạt được sức hút (Schwartz và Carroll, 2008; Hahn và cộng sự,

Xem tất cả 268 trang.

Ngày đăng: 07/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí