Mô Hình Đánh Giá Tác Động Của Hội Nhập Tài Chính Đến Tình Trạng Đói Nghèo


KẾT LUẬN CHƯƠNG 3


Chương 3 của luận án phản ánh thực trạng về mức độ hội nhập tài chính ở các quốc gia đang phát triển khu vực Châu Á đang có xu hướng tăng khi được đánh giá dựa trên cả hai chỉ số cơ bản: chỉ số thực tế (de facto) tổng tài sản nước ngoài và tổng nợ nước ngoài so với GDP và chỉ số pháp lý (de jure) Kaopen. Tuy nhiên, trong giai đoạn khủng hoảng (2008-2010) các quốc gia này nhìn chung đã thận trọng hơn trong quá trình mở cửa nền kinh tế nói chung và hội nhập tài chính nói riêng. Phân tích hệ thống cơ sở dữ liệu thứ cấp cho thấy, cùng với sự gia tăng về mức độ hội nhập tài chính, tình trạng đói nghèo của các nước này cũng được cải thiện một cách đáng kể trong thời gian nghiên cứu. Từ sự phân tích hai nội dung trên, kết luận mang tính định tính quan trọng nhất của Chương 3 là những tác động tích cực và một số hạn chế của hội nhập tài chính đối với đói nghèo thông qua kênh tăng trưởng kinh tế và sự phát triển tài chính. Tuy nhiên, kết luận về mối quan hệ giữa hội nhập tài chính cũng như những tác động đến tình trạng đói nghèo của các nước đang phát triển khu vực Châu Á có thể sẽ được củng cố thêm với các các nội dung kiểm định và nghiên cứu định lượng ở Chương 4.


Chương 4:

ƯỚC LƯỢNG TÁC ĐỘNG CỦA HỘI NHẬP TÀI CHÍNH ĐẾN TÌNH TRẠNG ĐÓI NGHÈO CỦA CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN KHU VỰC CHÂU Á‌

Chương 4 của luận án nghiên cứu sâu hơn về tác động của hội nhập tài chính đến tình trạng đói nghèo của các nước đang phát triển khu vực Châu Á thông qua mô hình kinh tế lượng. Mô hình thực nghiệm được xây dựng dựa trên các nghiên cứu trước đây trên thế giới và cơ sở lý thuyết đã được hệ thống hoá trong Chương 2 của luận án và sử dụng hệ thống giữ liệu của 25/29 nước đang phát triển khu vực Châu Á từ năm 2005- 2018. Kết quả nghiên cứu sẽ được sử dụng làm căn cứ để nghiên cứu và đề xuất các khuyến nghị góp phần tăng cường lợi ích của hội nhập tài chính đối với quá trình giảm đói nghèo tại các quốc gia này.

4.1. Mô hình đánh giá tác động của hội nhập tài chính đến tình trạng đói nghèo

Theo như nghiên cứu lý thuyết đã trình bày ở chương 2, hội nhập tài chính có thể tác động làm trầm trọng thêm vấn đề đói nghèo hoặc cũng có thể làm giảm đói nghèo thông qua việc tự do di chuyển dòng vốn xuyên biên giới, đa dạng hoá cơ hội đầu tư và khả năng tiếp cận các nguồn vốn của người nghèo. Dựa trên nền tảng lý thuyết tân cổ điển, lý thuyết tự do hoá tài chính, sự tác động của hội nhập tài chính đối với tình trạng đói nghèo sẽ được kiểm định trong mô hình hồi quy dữ liệu mảng, phát triển dựa trên nghiên cứu của Arestis & Caner (2010), Vũ Thuỳ Dương (2019). Cụ thể:

HDIit = β0 + β1IFit + βjXit + εit (1)


Trong đó:

- i là quốc gia thứ i;

- t là số năm nghiên cứu;

- HDI: là chỉ số phát triển con người và được coi là biến phụ thuộc đại diện cho tình trạng đói nghèo;

- IF: là biến giải thích đại diện cho mức độ hội nhập tài chính,

- X là tập hợp các biến kiểm soát được lựa chọn đưa vào mô hình nghiên cứu dựa trên các nghiên cứu thực nghiệm trước đây của Heckscher & Ohlin (1991), Gregorio & Guidotti (1995), Calderon & Liu (2003), Tsai, 1995, Figini & Görg, 2011 và dựa trên cơ sở lý thuyết những yếu tố này đều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo gồm lạm phát (CPI), tăng trưởng kinh tế (lnGDP), y tế (Health), phát triển tài chính (FD), thể chế (Institution).


Ngoài mô hình (1) để kiểm định tác động của hội nhập tài chính đến giảm đói nghèo, nghiên cứu bổ sung thêm biến tương tác IF x EDL để xem xét, so sánh tác động của hội nhập tài chính đến sự giảm đói nghèo của các nhóm quốc gia có thu nhập bình quân đầu người khác nhau. Biến IF x EDL là tương tác giữa IF với ba nhóm quốc gia được chia thành nhóm quốc gia thu nhập dưới mức trung bình, mức thu nhập trung bình và thu nhập trên mức trung bình.

Biến giả EDL – tương ứng ba nhóm quốc gia: thu nhập dưới mức trung bình, mức thu nhập trung bình và thu nhập trên mức trung bình

𝐸𝐷𝐿𝑑𝑢𝑚𝑚𝑦1 tương ứng các quốc gia có thu nhập trên mức trung bình

𝐸𝐷𝐿𝑑𝑢𝑚𝑚𝑦2 tương ứng các quốc gia có mức thu nhập trung bình

𝐸𝐷𝐿𝑑𝑢𝑚𝑚𝑦3 tương ứng các quốc gia có thu nhập dưới mức trung bình

HDIit = β0 + β1IFit + β2IF x EDL + βjXit + εit (2)

Trong mô hình số (2), biến IF x EDL là biến tương tác giữa IF với ba nhóm quốc gia được chia thành nhóm quốc gia thu nhập dưới mức trung bình, mức thu nhập trung bình và thu nhập trên mức trung bình, còn các biến khác trong mô hình được sử dụng tương tự như trong mô hình số (1).

Các giả thuyết nghiên cứu trong mô hình định lượng:

Dựa trên khung lý thuyết tân cổ điển và lý thuyết tự do hoá tài chính, các giả thuyết được đưa ra là:

Giả thuyết H1: Việc tăng cường hội nhập tài chính có tác động làm giảm tình trạng đói nghèo tại các quốc gia đang phát triển.

Giả thuyết H2: Việc tăng cường hội nhập tài chính có tác động khác nhau đến giảm tình trạng đói nghèo tại các quốc gia đang phát triển có mức thu nhập khác nhau.

4.2. Biến số và dữ liệu nghiên cứu sử dụng trong mô hình

Dựa vào cơ sở lý luận và các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của hội nhập tài chính đối với tình trạng đói nghèo, một vài các biến cơ bản được đề xuất sử dụng trong mô hình như sau:

HDI: là chỉ số phát triển con người, được lựa chọn là biến đại diện cho tình trạng đói nghèo, là biến phụ thuộc trong mô hình nghiên cứu thực nghiệm. Trên thực tế, có nhiều cách khác nhau dùng để đo lường đói nghèo như chỉ số tính theo đầu người, chỉ số khoảng cách đói nghèo, chỉ số nghèo đa chiều khi nghiên cứu ở phạm vi nghiên cứu cấp quốc tế. Tuy nhiên, các nguồn số liệu của các chỉ số trên rất hạn chế, không được


cập nhật một cách thường xuyên. Ở một số quốc gia, thậm chí thống kê tỷ lệ đói nghèo dưới chuẩn 10 năm một lần hay các quốc gia có dân số ít hầu như không thực hiện thống kê về những tỷ lệ liên quan đến đói nghèo, dẫn đến số liệu sẽ không còn khả dụng trong thời điểm hiện tại. Việc thiếu dữ liệu dẫn đến kết quả thiếu tin cậy khi tiến hành kiểm định mối quan hệ giữa hội nhập tài chính và tình trạng đói nghèo bằng mô hình thực nghiệm, từ đó không thể đưa ra các chính khuyến nghị chính sách phù hợp. Để khắc phục tình trạng trên, chỉ số phát triển con người (HDI) đã được đề xuất làm biến đại diện cho đói nghèo sẽ được sử dụng trong nghiên cứu này với các lý do sau:

Thứ nhất, dựa trên cơ sở lý thuyết về phương pháp đo tình trạng đói nghèo,chỉ số này phản ánh những khía cạnh khác nhau trong quá trình phát triển của con người (Fosu, 2007). Theo quan điểm giảm nghèo bền vững và sâu sắc, HDI được xây dựng dựa trên 3 yếu tố sức khoẻ, tri thức và thu nhập, do đó sẽ đánh giá được toàn diện hơn về điều kiện sống của con người.

Thứ hai, HDI có mối tương quan chặt chẽ với tình trạng đói nghèo ở các quốc gia đang phát triển. Để đưa ra kết luận về mối tương quan giữa hai yếu tố này, luận án đã tiến hành kiểm định Pearson correlation đối với chỉ số HDI và chỉ số khoảng cách đói nghèo tại các mức $3,2/ngày và $1,9/ngày. Dữ liệu được thu thập từ 48 quốc gia đang phát triển trên thế giới (Phụ lục A6) vào năm 2016. Kết quả được thể hiện như Bảng 4.1 dưới đây:

Bảng 4.1: Tương quan giữa HDI và đói nghèo tại các nước đang phát triển năm 2016


Khoảng cách nghèo tại $1,9/ ngày

Khoảng cách nghèo tại $3,2/ ngày

HDI

Correlation coefficient = -0.8052 P_value = 0,0008

Correlation coefficient = -0,8772 P_value = 0,0000

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 195 trang tài liệu này.

Tác động của hội nhập tài chính lên đói nghèo của các nước đang phát triển khu vực châu Á - 16

Nguồn: Tính toán của tác giả trên phần mềm STATA 16

Từ kết quả trên, có thể kết luận đối với các quốc gia đang phát triển, chỉ số HDI và chỉ số đo lường đói nghèo có mối tương quan chặt ngược chiều với nhau với mức ý nghĩa ở mức 1%. Như vậy, việc sử dụng chỉ số HDI để làm đại diện cho tình trạng đói nghèo là phù hợp.

Thứ ba, chỉ số phát triển con người (HDI) đã được sử dụng là biến đại diện cho tình trạng đói nghèo trong nhiều nghiên cứu thực nghiệm. Trong nghiên cứu của Uttama


(2015) về tác động của FDI đối với tình trạng giảm đói nghèo ở các nước Đông Nam Á trong giai đoạn 1995-2011, tác giả đã sử dụng HDI làm biến đại diện cho tình trạng đói nghèo với lập luận rằng HDI thể hiện quan điểm giảm nghèo bền vững và sâu sắc hơn có tính đến tuổi thọ, trình độ học vấn và mức sống. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Gohou & Soumare (2012) đã kiểm định lại về mối quan hệ giữa dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tình trạng đói nghèo ở Châu Phi. Chỉ số phát triển con người (HDI) đã được sử dụng làm biến đại diện của tình trạng đói nghèo. Kết quả của kiểm định là mối quan hệ giữa dòng vốn FDI ròng và giảm nghèo ở Châu Phi là tích cực và có ý nghĩa mạnh mẽ nhưng có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực Châu Phi. Cụ thể, FDI có tác động lớn hơn đến giảm tình trạng đói nghèo ở các nước nghèo hơn là ở các nước giàu hơn. Ngoài ra, HDI đánh giá một trong những tiêu chí cần đạt được trong mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, cụ thể là mục tiêu giảm tình trạng đói nghèo (Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển 2013). Tương tự, Sahay & các cộng sự (2006) đã lựa chọn HDI để đo lường tình trạng đói nghèo bởi vì HDI có tương quan chặt chẽ với chỉ số đo nghèo khác như chỉ số đói nghèo của con người (HPI), chỉ số khoảng cách đói nghèo khi nghiên cứu về các chính sách kinh tế vĩ mô và tình trạng đói nghèo ở 100 quốc gia trong giai đoạn 1975- 1998.

Thứ tư, về mặt dữ liệu, chỉ số HDI có thể được thu thập hàng năm ở các nước đang phát triển khu vực Châu Á trong giai đoạn nghiên cứu 2005-2018.

Từ những lý do trên, luận án sử dụng HDI để làm đại diện cho tình trạng đói nghèo để nghiên cứu tác động của hội nhập tài chính đến tình trạng đói nghèo tại các nước đang phát triển khu vực Châu Á.

IF: là chỉ số thực tế (de facto) được đo lường bằng tổng tài sản nước ngoài và tổng nợ nước ngoài tính theo phần trăm GDP (Lane & Milesi-Ferretti's, 2007), được lựa chọn là biến hội nhập tài chính, là biến giải thích trong mô hình nghiên cứu thực nghiệm. Dữ liệu về tài sản và nợ nước ngoài của các quốc gia được Lane và Milesi-Ferretti cung cấp cho mỗi năm trong giai đoạn 2000-2012. Ngoài ra, IFS (Thống kê Tài chính Quốc tế) của IMF có sẵn hàng năm và hàng quý để tính chỉ tiêu tổng tài sản và nợ nước ngoài của tất cả các thành viên từ năm 2000 đến nay. Chỉ số thực tế (de facto) này được lựa chọn đo lường hội nhập tài chính trong các nghiên cứu của Edison & các cộng sự (2002), Flood (2003), Agustin (2008), Rahman & các cộng sự (2020).

TRADE: là biến độ mở thương mại, được đo bằng tổng xuất khẩu và nhập khẩu của một quốc gia (%GDP), là biến kiểm soát trong mô hình nghiên cứu thực nghiệm. Biến độ mở thương mại được sử dụng trong công trình nghiên cứu của Heckscher & Ohlin (1991). Tác giả đã lập luận rằng việc gia tăng thương mại ở các nước có đa số lao


động phổ thông làm giảm tình trạng đói nghèo. Theo như cơ sở lý thuyết, mở cửa thương mại là một nội dung của toàn cầu hóa, và có tác động đối với đói nghèo thông qua hai kênh: thay đổi giá cả, tạo ra hoặc làm giảm thị trường và tăng trưởng kinh tế (Winters, 2002). Quá trình mở cửa thương mại có thể mang lại lợi ích cho người nghèo khi có sự gia tăng về giá sản phẩm mà các hộ nghèo là người cung ứng (lao động, hàng hóa và dịch vụ được sản xuất thủ công hay nông sản thực phẩm, v.v…). Tương tự, nếu sự mở cửa thương mại làm giảm giá cả, thì thu nhập thực tế của người nghèo cũng sẽ giảm theo. Cải cách thương mại có thể mang lại lợi ích hoặc tạo ra những bất lợi cho người nghèo. Cụ thể, nếu các hàng hoá được sản xuất bởi hộ nghèo được đánh giá cao hơn thì sẽ tạo ra thêm thị phần cho hàng hoá đó, điều này có thể dẫn đến xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, việc phá hủy một khu chợ có thể khiến người nghèo mất chỗ làm việc. Cuối cùng, kết luận chung là độ mở thương mại kích thích tăng trưởng trong dài hạn. Tuy nhiên, tăng trưởng không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích cho người nghèo.

CPI: là biến lạm phát, được đo lường bằng chỉ số giá tiêu dùng CPI (%) của một quốc gia, là biến kiểm soát trong mô hình nghiên cứu thực nghiệm. Lạm phát sẽ gây tổn hại cho người nghèo nhiều hơn một cách tương đối so với người giàu bởi vì những người có điều kiện tài chính có khả năng tiếp cận tốt hơn với các công cụ tài chính phòng ngừa lạm phát, trong khi người nghèo chủ yếu giữ tiền mặt trong danh mục đầu tư của họ (Easterly & Fischer, 2001). Nói cách khác, lạm phát có thể giảm thu nhập khả dụng của người nghèo. Hơn nữa, nếu tiền lương danh nghĩa tăng ít hơn giá cả hàng hoá tiêu dùng của những người làm công ăn lương, thu nhập thực tế của họ sẽ giảm, dẫn đến số lượng người nghèo cao hơn (Cardoso, 1992). Trong khi, Cardoso (1992) nhận thấy rằng lạm phát không ảnh hưởng đến những người dưới mức nghèo khổ ở Mỹ Latinh vì những người này nắm giữ một lượng không đáng kể tiền mặt thì Romer (1998) kết luận rằng trong ngắn hạn, một sự gia tăng lạm phát không lường trước được làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, điều này có thể mang lại lợi ích cho người nghèo. Hiệu ứng này có thể được đảo ngược trong dài hạn vì lạm phát cao hơn không thể giảm vĩnh viễn tình trạng thất nghiệp. Cuối cùng, mối quan hệ cùng chiều giữa lạm phát và tỷ lệ đói nghèo được tìm thấy bởi Agenor (1998) và Easterly & Fischer (2001).

FD: là biến phát triển tài chính, được đo bằng tỷ lệ tín dụng trong nước cho khu vực tư nhân (%GDP), thể hiện mức độ cung cấp vốn của khu vực ngân hàng ra nền kinh tế, được sử dụng là biến kiểm soát trong mô hình nghiên cứu thực nghiệm. Chỉ tiêu này được sử dụng làm đại diện cho phát triển tài chính trong nghiên cứu của Gregorio & Guidotti (1995), Calderon & Liu (2003). Theo nghiên cứu lý thuyết ở trên, quá trình tự do hoá tài chính có thể mang lại nhiều cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng cho người nghèo.


Lý do là giảm yêu cầu dự trữ làm tăng cung cấp tín dụng cho một mức tiền gửi nhất định. Việc tăng lãi suất làm tăng tiết kiệm và tiền gửi ngân hàng do đó cho phép các ngân hàng cung cấp nhiều khoản vay hơn. Hơn nữa, việc loại bỏ các rào cản gia nhập làm tăng sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp trung gian tài chính và thúc đẩy các ngân hàng mở rộng dịch vụ của họ tới các bộ phận dân cư từng bị chối nhận các khoản vay trước đây (Chigumira & Masiyandima, 2003). Tuy nhiên, hội nhập tài chính có làm tăng nguồn cung cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và người nghèo hay không chưa có kết luận rõ ràng. Theo Chigumira & Masiyandima (2003), từ phía quan điểm của ngân hàng, việc cho người nghèo vay thường tốn kém hơn so với các công ty lớn, do chi phí xử lý, quản lý và giám sát cao hơn và rủi ro vỡ nợ cao hơn và khi cho vay, các ngân hàng nhắm tới mục tiêu lợi nhuận nhiều hơn là khả năng thực thi dự án tiếp cận xã hội.

LnGDP: là GDP bình quân đầu người của một quốc gia, được sử dụng làm biến đại diện cho tăng trưởng, là biến kiểm soát trong mô hình nghiên cứu thực nghiệm. Biến LnGDP đã được sử dụng trong các nghiên cứu của (Tsai, 1995, Figini & Görg, 2011). Biến PGDP là GDP bình quân đầu người của quốc gia i năm t theo giá cố định năm 2010. WB (2001) đưa ra một nhận định: với tốc độ tăng trưởng nhất định, mức độ giảm nghèo phụ thuộc vào cách phân phối thu nhập thay đổi theo tăng trưởng và phụ thuộc vào sự bất bình đẳng ban đầu về thu nhập, tài sản và việc tiếp cận các cơ hội sẽ có lợi cho người nghèo trong tăng trưởng. Nếu sự phân phối không hợp lý có thể người nghèo sẽ không được hưởng lợi từ tăng trưởng. Tuy nhiên, có hai cách tăng trưởng kinh tế có thể mang lại lợi ích cho người nghèo (Klasen, 2001). Đầu tiên, có những lợi ích trực tiếp trong đó tăng trưởng kinh tế thúc đẩy các ngành và khu vực nơi người nghèo sinh sống và các yếu tố sản xuất mà người nghèo sở hữu. Mặc dù các chính sách được sử dụng thông qua kênh trực tiếp có vẻ đáng tin cậy hơn trong việc giảm nghèo, nhưng chúng lại tạo ra nguy cơ người nghèo có thể chịu thiệt hại nhiều hơn trong thời kỳ suy thoái. Cũng có những lợi ích gián tiếp thông qua các chính sách phân phối lại, đặc biệt là thuế, chuyển nhượng và chi tiêu của chính phủ.

Health: là biến Y tế, được đo lường bằng chi tiêu y tế bình quân đầu người hiện tại (USD) của một quốc gia, được sử dụng là biến kiểm soát trong mô hình nghiên cứu thực nghiệm. Theo như nghiên cứu của Janjua (2014), sức khỏe được định nghĩa là “trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay ốm đau”. Nói chung, sức khỏe là mức độ hoạt động và hiệu quả trao đổi chất của con người. Hiệu quả này đôi khi được đo bằng tình trạng sức khỏe của con người như Chỉ số khối cơ thể (BMI). Tuy nhiên, để phân tích liên quan đến sức khỏe ở cấp quốc gia hoặc toàn cầu, các loại thước đo sức khỏe khác nhau được sử dụng trong các nghiên cứu thực nghiệm, ví dụ: tuổi thọ, tỷ lệ tử vong, mức chi tiêu


bình quân cho sức khoẻ. Sức khỏe tốt hơn được cho là sẽ làm tăng khả năng lao động và trí tuệ của con người. Sức khỏe là yếu tố quan trọng của vốn con người và được coi là yêu cầu để tăng năng suất lao động. Khả năng thể chất để làm việc phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi cá nhân. Những người lao động khỏe mạnh có năng suất cao hơn và họ có thể làm việc nhiều giờ hơn mỗi ngày so với những người lao động không khỏe mạnh. Năng suất cao hơn và khả năng làm được nhiều việc hơn giúp các cá nhân kiếm được nhiều tiền hơn những người khác (Pervez, 2014). Chính vì vậy, chi tiêu cho sức khoẻ có tác động tích cực đến vấn đề giảm nghèo. Mối quan hệ này sẽ được kiểm định trong nghiên cứu của tác giả.

Institution: là biến Thể chế. Chỉ số này gồm ổn định chính trị, bạo lực và khủng bố. Ước tính cung cấp điểm số của quốc gia trên chỉ số tổng hợp, theo đơn vị của phân phối chuẩn, nghĩa là nằm trong khoảng từ -2,5 đến 2,5. Theo (Anil, 2002), thể chế ảnh hưởng đến đói nghèo trực tiếp và gián tiếp thông qua một số yếu tố trung gian. Các thể chế ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ, từ đó tác động đến kết quả tăng trưởng và phân phối, cuối cùng ảnh hưởng đến tốc độ giảm nghèo. Ngoài ra, thể chế còn ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ và chất lượng của phát triển kinh tế. Trong nghiên cứu này, sự tác động của ổn định chính trị, bạo lực và khủng bố đến đói nghèo sẽ được kiểm định.

IF x EDL: là biến tương tác giữa IF với ba nhóm quốc gia được chia thành nhóm quốc gia thu nhập dưới mức trung bình, mức thu nhập trung bình và thu nhập trên mức trung bình

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu tổng hợp cho 25 nước đang phát triển khu vực Châu Á bao gồm: Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Trung Quốc, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Kiribati, CHDCND Lào, Malaysia, Maldives,Micronesia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Papua New Guinea, Philippines, Samoa, Quần đảo Solomon, Sri Lanka, Thái Lan, Timor- Leste, Tonga, Vanuatu và Việt Nam. Các quốc gia này được phân chia thành 3 nhóm nước căn cứ vào sự khác biệt về mức thu nhập trong giai đoạn 2005 đến 2018 như sau:

+ Nhóm các quốc gia có thu nhập trên mức trung bình gồm: Malaysia, Thái Lan và Maldives

+ Nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình gồm: Trung Quốc, Fiji, Sri Lanka, Indonesia, Mông Cổ, Bu-tan, Philippine, Timor-Leste, Tonga, Samoa, Ấn Độ, Lào và Việt Nam.

+ Nhóm các quốc gia có thu nhập dưới mức trung bình gồm: Micronesia, Myanmar, Papua New Guinea, Kiribati, Bangladesh, Vanuatu, Campuchia, Nepal và Đảo Solomon.

Dữ liệu của các quốc gia được thu thập từ các nguồn sau:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/06/2023