Sử dụng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt tại Hà Nội trong dạy học lịch sử Việt Nam ở trường trung học phổ thông - 28

PL49


Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng gồm 8 điểm di tích thành phần, phân bố trên địa bàn 3 thôn của xã Phù Đổng, với tổng diện tích 60.343,7m2.

1. Đền Thượng (đền Phù Đổng Thiên Vương), là ngôi đền chính, quay hướng Nam, trông ra đê sông Đuống. Đền gồm các hạnh mục: thủy đình, cổng ngũ môn (năm cửa), phương đình, tiền đường, trung đường, hậu cung, tả hữu mạc, nhà giám, nhà ba gian, nhà khách, nhà hiệu.

Thủy đình nằm ở giữa ao đình, phía trước đền, có mặt bằng hình vuông, với hai tầng, 8 mái, lợp ngói mũi hài. Các bộ vì có kết cấu chồng rường giá chiêng, hoành mái được phân khoảng kiểu thượng tam, hạ tam. Hệ mái tì lực trên 4 hàng chân cột.

Cổng ngũ môn (năm cửa) với 3 cửa chính và 2 cửa phụ, mang dáng dấp đồ sộ như một cổng thành, được xây bằng gạch, các khuôn cửa đều có cấu tạo dạng vòm cuốn, cánh cửa kiểu thượng song, hạ bản. Trên cổng là tòa nhà kiểu 2 tầng 8 mái.

Phương đình là tòa nhà 2 tầng 8 mái, lợp ngói mũi hài, có mặt bằng nền hình vuông, bờ nóc, bờ dải đắp hình hoa chanh, hoa văn hình học, 8 góc đao gắn hình lá lật. Hệ khung mái được đỡ bởi 4 hàng cột, kết cấu vì dạng thượng rường, hạ cốn.

Tiền tế gồm 5 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc, mái kiểu chồng diêm hai tầng, hệ mái tì lực trên 6 bộ vì gỗ, trong đó, 4 bộ vì giữa được kết cấu theo dạng thượng đinh, hạ kẻ, 2 vì hồi kiểu thượng giá chiêng, hạ cốn, bẩy hiên.

Trung tế gồm 5 gian, 2 dĩ, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc, bờ dải đắp kiểu bờ đinh, hai đầu hồi xây tường bao, mặt trước và mặt sau để trống, bộ khung gồm 6 bộ vì gỗ, tì lực trên 6 hàng chân cột, 4 vì giữa kiểu thượng đinh, hạ kẻ, 2 bộ vì bên kiểu thượng giá chiêng, hạ cốn, bẩy hiên.

Hậu cung có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Công, gồm ngoại cung, ống muống và hậu cung.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 234 trang tài liệu này.

Tả mạc, hữu mạc là 2 dãy nhà, mỗi bên 9 gian, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bộ khung mỗi tòa gồm 10 bộ vì kiểu thượng giá chiêng, hạ cốn, bẩy hiên.

Nhà khách có mặt bằng hình chữ Nhất, tường hồi bít đốc, hệ thống cửa bức bàn, hai đầu bờ nóc đắp rồng lá cách điệu. Bộ khung gồm 4 bộ vì, được kết cấu kiểu chồng rường giá chiêng, mái phân khoảng hoành kiểu thượng tam, hạ ngũ. Hệ khung mái tì lực trên 3 hàng chân cột.

Nhà giám có mặt bằng dạng chữ U, gồm cung chính và 2 dãy nhà ngang hai bên. Cung chính gồm 5 gian, 2 dĩ, mái lợp ngói mũi hài, 6 bộ vì gỗ được kết cấu theo kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ ngồi, bẩy hiên, tì lực trên 6 hàng chân cột.

2. Đền Hạ, còn gọi là đền Mẫu, quay hướng Tây, tọa lạc ở vị trí ngoài đê sông Đuống, bao gồm các hạng mục: nghi môn, tả - hữu mạc và kiến trúc chính dạng chữ Tam, gồm tiền tế, trung tế và hậu cung.


Nghi môn gồm 3 cửa dạng vòm cuốn. Trên cửa chính (giữa) xây tòa nhà 8 mái. Tả - hữu mạc, mỗi bên 5 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bộ khung mỗi tòa gồm 6 bộ vì gỗ, được kết cấu kiểu thượng giá chiêng, hạ cốn, tì lực trên 6 hàng chân cột.

Tiền tế gồm 5 gian, 2 chái, bốn mái với 4 đao cong hình lá lật, các bờ guột được gắn những đầu kìm cách điệu, hai đốc mái đắp hai đấu hình chữ Nhật, bên cạnh gắn các đầu rồng chầu vào bờ nóc, mái lợp ngói mũi hài. Trung tế gồm 5 gian, 2 chái, có hình thức kết cấu kiến trúc giống tòa tiền tế. Hậu cung gồm 5 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bộ khung gồm 6 bộ vì gỗ, được kết cấu theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ, tì lực trên 6 hàng chân cột, hoành mái được phân khoảng kiểu thượng tam, hạ tứ.

3. Miếu Ban, nằm cách đền Thượng khoảng 200m, ở phía bên trong đê sông Đuống, gồm nghi môn, tả - hữu vu, sân, kiến trúc chính dạng chữ Đinh.

Nghi môn gồm 2 tầng, với 4 mái kiểu chồng diêm, lợp ngói mũi hài. Chính giữa nóc mái đắp hình mặt trời, bờ nóc, bờ dải trang trí hình hoa chanh, 4 góc đao đều gắn đầu rồng cách điệu. Tầng dưới có tường hồi bít đốc dạng tay ngai, mái lợp ngói ta. Nhà giải vũ mỗi bên 2 gian, với 3 bộ vì, được kết cấu kiểu thượng giá chiêng, hạ bẩy, hoành mái được phân khoảng kiểu thượng nhị, hạ tam.

Tòa tiền tế gồm 7 gian, tường hồi bít đốc dạng tay ngai, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp trang trí hình hoa chanh, chính giữa đắp bức cuốn thư có hình hổ phù, hai đầu hồi đắp hai đấu hình chữ Nhật, ở vị trí đầu kìm gắn hai đầu rồng quay về phía giữa bờ nóc. Bộ khung gồm 8 bộ vì, được kết cấu kiểu thượng rường, hạ kẻ suốt hoặc thượng rường, hạ cốn, tì lực trên trên 8 hàng cột.

Miếu là một nếp nhà 1 gian, 2 chái, ở phía sau tiền tế, hợp với tiền tế thành một kiến trúc có mặt bằng hình chữ Đinh. Toà này được xây theo kiểu tường hồi bít đốc, hệ khung có 2 bộ vì, được kết cấu kết dạng thượng ván mê, hạ cốn, tì lực trên 2 hàng chân cột.

4. Đình Hạ mã, nằm phía trái đền Thượng, có diện tích khoảng 200m2. Hiện

nay, kiến trúc này chỉ còn phần móng, đình đã bị huỷ hoại do không được tu sửa.

5. Cố viên, còn gọi là vườn rau, hay vườn cà, nằm trên thềm đất bãi sông, cách đền Hạ khoảng 500m. Tương truyền, mẹ Gióng ra vườn này hái rau, rồi ướm vào vết chân người khổng lồ, về nhà mang thai, sinh ra Gióng. Tại đây có 1 ngôi miếu nhỏ, với kết cấu 2 tầng, 8 mái, 4 mặt để thông. Bên cạnh có hòn đá hình thù đặc biệt, với nhiều vết lồi, lõm, được coi là vết chân người khổng lồ và một tấm bia mang dòng chữ “Đổng Thiên Vương Thánh Mẫu Cố trạch”.

6. Giá ngự, mới được phục dựng vào đầu thế kỷ XX, nằm ở phía bên kia đê, thuộc khoảng giữa đền Thượng và đền Hạ. Cổng vào Giá ngự có 2 trụ biểu cao khoảng 6m, đỉnh trụ đắp tượng nghê, phía dưới đắp đấu hình vuông, các ô lồng đèn đắp tứ linh, tứ quý, thân trụ bổ khung đắp câu đối.


7. Khu đánh cờ Đống đàm, là một bãi đất rộng, nằm cách đền Thượng khoảng 3 km, thuộc thôn Phù Đổng. Đây là nơi diễn ra trận đánh giặc Ân lần thứ nhất của Gióng trong hội.

8. Bãi đánh cờ - Soi bia, thuộc địa phận thôn Phù Đổng, là nơi diễn ra trận đánh giặc Ân lần thứ hai của Gióng trong hội.

Ngoài nghệ thuật kiến trúc, giá trị của di tích đền Phù Đổng còn được khẳng định qua hệ thống di vật, cổ vật, mang tính đa dạng, phong phú về chủng loại và chất liệu, trong đó, phải kể đến 37 đạo sắc phong có niên đại thời Lê Trung Hưng, Tây Sơn và thời Nguyễn; hệ thống bia đá, rồng đá, nghê đá, hoành phi, câu đối, cửa võng, long ngai, kiệu, hương án, tượng thờ, bát bửu…, mang giá trị nghệ thuật cao, gắn với nhiều giai đoạn lịch sử của lịch sử dân tộc, hàm chứa những quan niệm, triết lý nhân sinh sâu sắc.

Hội Gióng diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 7 đến mùng 9 tháng 4 (Âm lịch), từ lâu đã trở thành một trong những lễ hội nổi tiếng nhất vùng châu thổ Bắc Bộ và đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong hội có nhiều lớp văn hóa, tín ngưỡng đan xen lẫn nhau, như tín ngưỡng thờ thần mặt trời, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ tổ nghề rèn sắt... Và, có lẽ, nét đặc biệt và độc đáo nhất ở hội Gióng chính là diễn xướng bản anh hùng ca mô phỏng cuộc chiến đấu của đội quân Thánh Gióng với giặc Ân trong buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc - Huyền thoại Gióng luôn gắn liền với hầu hết nghi lễ và diễn trình trong hội Gióng.

7. Di tích lịch sử Đền Hai Bà Trưng

Đền Hai Bà Trưng còn gọi là đền Hạ Lôi thuộc thôn Hạ Lôi xã Mê Linh 1


Đền Hai Bà Trưng còn gọi là đền Hạ Lôi, thuộc thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Đền thờ hai vị liệt nữ - anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị - những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán vào năm 40 - 43 (sau Công nguyên), giành lại nền độc lập, tự chủ dân tộc.

Nằm trên một khu đất cao, rộng, nhìn ra đê sông Hồng, với diện tích

PL52

129.824.0m2, đền gồm các hạng mục: cổng đền, nhà khách, nghi môn ngoại, nghi môn nội, gác trống, gác chuông, nhà tả - hữu mạc, đền thờ Hai Bà Trưng, đền thờ thân phụ

- thân mẫu Hai Bà, đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách, đền thờ các nữ tướng triều Hai Bà Trưng, đền thờ các nam tướng triều Hai Bà Trưng, nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh, hồ bán nguyệt, hồ mắt voi, suối vòi voi, hồ tắm voi, thành cổ Mê Linh...

- Cổng đền: được xây 2 tầng, tầng dưới tạo 3 cửa vòm cuốn, tầng trên xây kiểu chồng diêm, với 2 tầng 8 mái. Bờ nóc đắp hình đôi rồng chầu mặt trời, phần cổ diêm trang trí hình hoa 4 cánh, các góc đao đắp hình lá hỏa, góc cột đắp hình hoa cúc dây, thân cột hình hoa lá.

- Nhà khách: gồm 7 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc.

- Nghi môn ngoại: xây kiểu cột đồng trụ hay còn gọi là tứ trụ. Đỉnh trụ trang trí tứ phượng kiểu lá lật, các ô lồng đèn phía dưới trang trí tứ linh. Hệ thống tứ trụ phân cách thành một cổng chính và hai cổng phụ.

- Nghi môn nội: gồm một gian, hai dĩ, với bờ nóc, bờ dải đắp hình hoa chanh, hai bên đầu hồi đắp hai đầu rồng, phần khúc nguỷnh đắp hai con nghê gắn sứ trong tư thế chầu vào nhau, bốn góc đao uốn cong, bộ vì đỡ mái làm kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền”.

- Gác chuông, gác trống: gác trống - gác chiêng đều được làm kiểu bốn mái uốn cong, bờ dải đắp hình hoa chanh, hai bên đầu hồi đắp hình hổ phù, tầng trên mở bốn cánh cửa quay về bốn hướng...

- Đền thờ Hai Bà Trưng:

+ Tòa tiền tế gồm 7 gian, 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai đầu đắp hình con đấu, đầu hai bờ dải đắp hình phượng vũ. Phía trước tiền tế có đôi voi đá trong tư thế quỳ chầu vào nhau. Hai cổng nhỏ với mái làm theo kiểu “chồng diêm”, mái uốn cong. Nối hai cổng nhỏ là hai bức “cánh phong”, phía trước có cột trụ biểu, đỉnh trụ hình trái giành, các ô lồng đèn đắp nổi tứ linh.

+ Nhà trung tế gồm 5 gian, 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp hình hoa chanh, chính giữa đắp hổ phù, hai mái kiểu chồng diêm… phía trước trung tế có lư hương đá...

+ Nối với gian giữa trung tế là hậu cung - một nếp nhà ba gian, một dĩ, được xây dọc, hợp với trung tế tạo thành một kiến trúc tổng thể dạng chữ Đinh. Bộ khung đỡ mái hậu cung gồm bốn bộ vì mang kết cấu “thượng giá chiêng hạ chồng rường, “thượng giá chiêng hạ cốn”. Các hàng cột có đường kính 35cm, trên cốn nách chạm hình chữ Thọ, hoa lá.

- Đền thờ thân phụ, thân mẫu Hai Bà Trưng: có mặt bằng dạng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung. Tiền tế gồm nhà 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, bờ dải kiểu bờ đinh. Hậu cung gồm 1 gian, 2 dĩ.


- Đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách: tọa lạc về phía bên trái đền thờ Hai Bà Trưng. Đền quay hướng Tây Nam, có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung.

- Đền thờ các Nữ tướng thời Hai Bà Trưng: có mặt bằng dạng chữ nhất, gồm 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Hai gian bên trổ cửa hình chữ Thọ để lấy ánh sáng cho di tích. Hệ khung đỡ mái gồm 6 bộ vì được kết cấu dạng “thượng giá chiêng, trung kẻ truyền, hạ bẩy hiên, hậu gối tường”. Chính giữa ban thờ xây bệ cao bài trí ngai và bài vị, phía trước bài trí hương án.

- Đền thờ các tướng Nam thời Hai Bà Trưng: quay hướng Đông Bắc, có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Nhất, gồm 5 gian, tường hồi bít đốc, với 6 bộ vì được kết cấu theo dạng “thượng giá chiêng, trung kẻ truyền, hạ bẩy hiên, hậu gối tường”. Chính giữa ban thờ xây bệ cao bài trí khám thờ và bài vị.

- Nhà tả/ hữu mạc: là nếp nhà 7 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc, bờ dải đắp hình hoa chanh, hệ vì đỡ mái được kết cấu dạng “thượng giá chiêng chồng rường, trung kẻ, hạ bẩy”. Phía trước hiên dãy nhà bên phải đền bài trí 8 con voi, ngựa, sư tử, bên trong trưng bày một số di vật khai quật tại thành cổ Mê Linh.

- Thành cổ Mê Linh: hiện vẫn còn dấu vết thành cổ đắp đất, hình “con rắn uốn mình”, dài 1.750m, với chỗ rộng nhất là 500m, chỗ hẹp nhất là 200m, đắp bằng đất luyện, dày khoảng 1 ngũ (khoảng 2m), cao 1 trượng (khoảng 4m). Bao ngoài bờ thành là quách dày 2 ngũ (khoảng 4m), cao 1 trượng (khoảng 4m). Khoảng cách giữa thành và quách là đường “thông cù” rộng 2 ngũ (khoảng 4m). Do có con đường “thông cù” này mà thành có tên là “thành Ống” Vòng ngoài cùng là hào cắm chông tre. Tương truyền, xưa trong thành có cung điện của Trưng Vương, ngoài thành có các trại quân bộ, quân thủy. Hiện nay còn di tích các đồn quân của nữ tướng Lự Nương và nam tướng Bạch Trạch ở phía trước đền Hạ Lôi, thuộc xã Tráng Việt. Đây chính là đất Phấn Lộ, huyện Chu Diên, nơi Hai Bà Trưng cho đắp đô thành. Thành cổ đã được khai quật khảo cổ và thu được nhiều hiện vật có giá trị.

- Nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh: được xây kiểu bốn mái, các góc mái uốn cong, chính giữa gắn tấm bia lưu niệm có nội dung: „„Nơi đây có cây lụa già thân rỗng là hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam những năm 1943 - 1945, đồng chí Trường Chinh đã lấy đền thờ Hai Bà Trưng là một trong những nơi hội họp bí mật để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền Thủ đô Hà Nội ngày 19/8/1945‟‟.

- Mắt voi, vòi voi, hồ tắm voi, hồ bán nguyệt: Tương truyền khu đền này được xây trên mảnh đất có thế (hình) đầu con voi nên có các tên gọi trên. Khu vực này hiện nay được kè đá, gạch, xung quanh trang trí hoa sen bằng đá xanh tạo cảnh quan cho khu di tích.


Đền Hai Bà Trưng còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quý, đa dạng, phong phú về cả chủng loại và chất liệu như: gỗ, đá, đồng, sứ, giấy… trong đó di vật gỗ chiếm đa số. Các di vật có niên đại tập trung vào triều Nguyễn như hoành phi, hương án, đại tự, câu đối, khám, kiệu, tượng thờ…được chạm khắc công phu, tinh xảo, với các đề tài trang trí: rồng mây, hoa lá, văn triện, hổ phù… Đây là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện bàn tay tài hoa, khéo léo và tinh tế của ông cha ta trong nghệ thuật tạo tác, phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội và những ước vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đền Hai Bà Trưng là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương, qua đó những giá trị văn hóa phi vật thể đã được kết tinh và biểu hiện ở lễ hội và các trò diễn dân gian. Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức hang năm, từ ngày 4 đến ngày mồng 10 tháng Giêng (Âm lịch). Trong đó, chính hội là ngày mồng 6, tương truyền, đây là ngày Hai Bà Trưng mở tiệc khao quân, cho nên sau này dân làng mở hội để kỷ niệm sự kiện đó, nhằm ôn lại truyền thống hào hung của các bậc tiền nhân trong buổi đầu dựng nước và giữ nước. Cứ năm năm một lần, nhân dân trong làng lại tổ chức rước kiệu Hai Bà Trưng, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi.

di tích Hai Bà Trưng chứa đựng những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, kiến trúc.... Đây là nơi gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tự hào dân tộc, sự cố kết cộng đồng… của cư dân Hạ Lôi. di tích đã được Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ -TTg, ngày 09 tháng 12 năm 2013).

8. Di tích lịch sử Đền Hát Môn

Đền Hát Môn còn gọi là đền Quốc tế đền Hai Bà Trưng thuộc địa bàn xã 2

Đền Hát Môn, còn gọi là đền Quốc tế, đền Hai Bà Trưng, thuộc địa bàn xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Theo một số tài liệu ghi lại, vùng Hát Môn là nơi Hai Bà Trưng tổ chức hội quân sĩ sau khi hội tại thành Phong Châu. Đây cũng là nơi tuẫn tiết của Hai Bà Trưng khi cuộc khởi nghĩa thất bại.


Tương truyền, đền Hát Môn được khởi dựng sau khi Hai Bà Trưng hoá sinh vào cõi bất diệt. Đền quay hướng Tây Nam gồm các công trình kiến trúc chính: quán Tiên, miếu Tạm ngự, nghi môn, nhà phương đình, đàn Thề, tam quan, tiền tế, trung đường, hậu cung, tả hữu mạc, gò Giấu ấn, nhà tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định, nhà khách, khu phụ…

Quán Tiên: là một kiến trúc nhỏ, xây bằng gạch, cửa mở về hướng đền kiểu vòm cuốn, có mái đao cong, nền cao hơn mặt đường 45cm, tạo ba bậc lên nền quán. Theo cuốn thần tích của làng chép lại, thì nơi đây vốn là quán hàng bán bánh trôi nước. Khi nghĩa quân của Hai Bà Trưng hội tại đàn Thề, bà hàng bánh trôi đã dâng cả gánh bánh để Hai Bà ăn trước khi ra trận dẹp giặc. Ngôi quán nhỏ này được dân làng dựng lên để tưởng nhớ công ơn đối với bà hàng bánh trôi.

Miếu Tạm ngự: nằm phía trước bên phải đền chính, có mặt bằng dạng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung. Nhà tiền tế ba gian, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Các bộ vì kết cấu kiểu vì “giá chiêng, hạ kẻ bẩy hiên”. Toà hậu cung ba gian, xây nối liền với tiền tế, hệ vì đỡ mái có kết cấu tương tự nhà tiền tế. Phía trước mở hệ thống cửa kiểu bức bàn. Công trình kiến trúc này là nơi tạm ngự của Thánh Bà. Khi mùa nước lũ hàng năm, khu đền chính bị ngập, dân làng rước tượng, ngai thờ và toàn bộ đồ thờ tự của đền về đền Tạm ngự, hết mùa nước lũ lại rước Thánh hoàn cung.

Nghi môn ngoại: có niên đại khởi dựng vào thời Nguyễn, được làm kiểu tứ trụ xây gạch, đỉnh trụ đắp nổi hình tứ phượng, lân. Phần lồng đèn đắp nổi hình tứ linh (long, ly, quy, phượng). Thân trụ có câu đối chữ Hán. Từ nghi môn triền đê xuống là khu đền chính, bên phải có hồ nước, giữa hồ có nhà thủy đình (phương đình) mới xây dựng gần đây. Bên trái đường trên mặt đê là nhà tưởng niệm nữ tướng - nữ anh hùng Nguyễn Thị Định.

Đàn Thề: được xây dựng mới ở phía trước cổng tam quan, cột đá thề được tạo kiểu trụ hình tháp, bốn mặt có khắc chữ Hán, đặt trên nền cao hơn mặt sân 65cm, trổ năm bậc lên, mặt hướng vào đền khắc nội dung lời thề của Hai Bà Trưng. Bao quanh đàn thề là tường bao lửng, phía ngoài đặt các tượng voi và ngựa bằng đá.

Nghi môn: gồm ba gian kiểu chồng diêm, hai tầng mái. Ba cửa vào đền làm kiểu ván bưng. Các bộ vì đỡ mái được kết cấu dạng “giá chiêng, hạ kẻ, bẩy hiên”, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch Bát.

Nhà bia: hai nhà bia được xây ở vị trí phía ngoài dãy nhà tả/ hữu mạc, trên nền cao hơn mặt sân 30cm, kiểu phương đình, mái lợp ngói ta, bốn đầu đao tạo cong vút.

Tả/ hữu mạc: mỗi dãy năm gian chạy dọc theo sân đền, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi, các bộ vì đỡ mái kết cấu dạng “giá chiêng, hạ kẻ”, được đặt lên tường bổ trụ trốn một hàng cột.


Nhà đại bái: gồm năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì đỡ mái kết cấu kiểu “thượng giá chiêng, chồng rường, cốn mê, bẩy hiên”, hoành mái phân “thượng tam

- hạ tứ”, mái lợp ngói ri, nền lát gạch Bát. Trang trí trên kiến trúc tập trung dày đặc ở đầu dư, cốn, xà nách, bẩy, ván gió dưới dạng chạm nổi, chạm lộng …, với các đề tài rồng, tứ linh. Đây là sản phẩm nghệ thuật từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn. Gian giữa treo hoành phi, các cột cái đều treo câu đối ca ngợi công đức Hai Bà.

Tiền tế: gồm năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, nền nhà cao hơn mặt sân 30 cm, xung quanh bó gạch vỉa, các bộ vì kết cấu“thượng rường giá chiêng, hạ bẩy hiên”.

Hậu cung: gồm ba gian, xây trên nền cao hơn mặt sân, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Phần mái của tòa này được nối với tòa trung đường qua phần mái của nhà cầu. Bộ khung gỗ đỡ mái gồm bốn bộ vì kèo dạng “chồng rường”. Trang trí trên kiến trúc này chủ yếu là phượng. Gian giữa cung cấm được tạo một khám gỗ bưng kín bằng các ván gỗ, là nơi thờ Hai Bà.

Nhà khách: gồm năm gian, kiểu tường hồi bít đốc. Các bộ vì đỡ mái tạo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ, bẩy hiên” cột trốn.

Gò Giấu Ấn: ở phía sau hậu cung đền. Tương truyền, đây là dấu tích nơi Hai Bà Trưng cất giấu ấn tín trước lúc rút quân hoá thân về cõi vĩnh hằng ở cửa sông Hát. Hiện nay, gò Giấu Ấn được bó vỉa, xây tường gạch bao quanh.

Đền Hát Môn còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị về văn hoá, lịch sử, gồm: 293 di vật, cổ vật với nhiều chủng loại và phong phú chất liệu, như: gỗ, đá, đồng, sứ, giấy, kim loại... có niên đại trải dài từ thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn đến nay.

Hội đền Hát Môn được tổ chức hằng năm vào ngày 6 tháng 3 (Âm lịch), với các nghi lễ và trò diễn dân gian thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương. Đặc biệt, tục làm bánh trôi và lễ rước bánh trôi dâng Hai Bà đã trở thành một sinh hoạt văn hóa độc đáo của vùng đất này.

Trong thời kỳ chống Pháp và chống M , Đền Hát Môn được chọn làm nơi sinh hoạt, luyện tập của dân quân du kích địa phương. Những sự kiện lịch sử và hệ thống di tích quanh vùng sông Hát góp phần làm giàu thêm nội dung và tôn cao giá trị của đền thờ Hai Bà Trưng.

Với những giá trị đặc biệt, di tích Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013).

Ngày 24/12, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 9), năm 2018. Theo đó Hà Nội có thêm ba di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, đó là:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/03/2023