Thực Trạng Pháp Luật Về Giám Sát Và Bảo Đảm Sự Tuân Thủ Pháp Luật Trong Quản Lý Thuế Thu Nhập Cá Nhân

với nhau; trừ vào số tiền thuế phải nộp của lần nộp tiếp theo; đề nghị hoàn trả khi không còn nợ tiền thuế, tiền phạt” [5].

Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế quy định về xử lý số tiền thuế nộp thừa là chưa bao quát, nếu người nộp thuế có số tiền phạt, tiền chậm nộp thừa thì xử lý ra sao? “Đồng thời, pháp luật quản lý thuế thiếu quy định thời hiệu xử lý đối với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, dẫn đến khó khăn nhất định trong thực tiễn thi hành và quyền lợi của người nộp thuế sẽ không được đảm bảo” [5].

2.1.2.5. Ấn định thuế

Ấn định thuế “là việc cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp và yêu cầu người nộp thuế chấp hành nộp thuế theo quyết định ấn định thuế của cơ quan thuế trong trường hợp người nộp thuế không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, trung thực” [13, tr.49].

Pháp luật quản lý thuế hiện hành quy định rõ: nguyên tắc ấn định thuế; các trường hợp ấn định thuế; cách thức ấn định; căn cứ ấn định thuế; thủ tục ấn định thuế và trách nhiệm của cơ quan thuế, người nộp thuế trong việc ấn định thuế.

Pháp luật quản lý thuế quy định rõ về căn cứ ấn định thuế như sau: cơ quan thuế ấn định thuế đối với người nộp thuế theo kê khai có vi phạm pháp luật thuế dựa vào một hoặc đồng thời các căn cứ: cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế thu nhập từ người nộp thuế trong các kỳ khai thuế trước, hoặc từ tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc các cơ quan quản lý nhà nước khác; tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực …

Cơ quan quản lý thuế thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về lý do ấn định thuế, căn cứ ấn định thuế, số thuế ấn định … Trường hợp số thuế ấn định của cơ quan quản lý thuế lớn hơn số thuế phải nộp thì cơ quan quản lý thuế phải hoàn trả lại số tiền nộp thừa và bồi thường thiệt hại theo quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Tòa án … Người nộp thuế có quyền yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích hoặc khiếu nại, khởi kiện về việc ấn định thuế.

Với những quy định như trên, việc ấn định thuế cũng phát sinh một số hạn chế trong thực tiễn thi hành:

Pháp luật quản lý thuế chưa phân biệt được trường hợp ấn định thuế do vi phạm pháp luật thuế và trường hợp ấn định thuế không do vi phạm pháp luật thuế như trường hợp người nộp thuế đã nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan quản lý thuế nhưng không tự tính được số thuế phải nộp, hoặc trường hợp ấn định mức thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế. “Theo chúng tôi, việc ấn định thuế cần có sự phân biệt về quyền lợi và trách nhiệm trong ấn định thuế cho hai loại đối tượng có vi phạm pháp luật thuế và đối tượng ấn định thuế không phải là do vi phạm pháp luật thuế” [5].

2.1.2.6. Hoàn thuế

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

Hoàn thuế thu nhập cá nhân là việc các cá nhân là đối tượng nộp thuế được trả lại số thuế đã nộp trong trường hợp số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp hoặc cá nhân đã nộp thuế nhưng có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế và các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc hoàn thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng đối với những cá nhân đã đăng ký thuế và có mã số thuế.

Pháp luật quản lý thuế trao cho các chủ thể là người nộp thuế tuân thủ đúng các nghĩa vụ về đăng ký thuế quyền được hưởng các ưu đãi về thuế, cụ thể ở đây là ưu đãi về hoàn thuế. Theo đó, khi các chủ thể thuộc một trong các trường hợp được hoàn thuế thì phải lập hồ sơ hoàn thuế bao gồm các giấy tờ sau:

So sánh pháp luật quản lý thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới - 8

- Văn bản đề nghị hoàn thuế (theo mẫu)

- Bản sao chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu

- Tờ khai quyết toán thuế Thu nhập cá nhân

- Chứng từ khấu trừ thuế, biên lai thu thuế Thu nhập cá nhân

- Chứng từ xác định tình trạng kết thúc thời gian làm việc

- Giấy ủy quyền trong trường hợp ủy quyền khai hoàn thuế

Sau khi hoàn tất đầy đủ các giấy tờ cần thiết trong hồ sơ hoàn thuế, người nộp thuế nộp lên cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền. Trách nhiệm của cơ quan thuế đó là tiếp nhận hồ sơ, sau đó giải quyết các hồ sơ hoàn thuế, cụ thể phân loại các hồ sơ hoàn thuế theo các diện:

- Hoàn thuế trước, kiểm tra sau: là hồ sơ của người nộp thuế có quá trình, chấp hành tốt pháp luật về thuế và các giao dịch được thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật.

- Kiểm tra trước, hoàn thuế sau: là hồ sơ còn lại không thuộc diện trên. Được quy định vụ thể tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Trong đó, các hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau là trường hợp cơ quan thuế hoàn thuế còn thừa cho người nộp thuế trước, sau đó cơ quan thuế mới tiến hành kiểm tra, xác minh tính hợp pháp, chính xác của các giấy tờ trong hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế về việc hưởng hoàn thuế đúng quy định của pháp luật. Đối với các trường hợp này, thông thường cơ quan thuế áp dụng với những người nộp thuế luôn luôn tuân thủ đúng pháp luật về nghĩa vụ nộp thuế, trên cơ sở tin tưởng của cơ quan quản lý thuế đối với người nộp thuế. Quy định này đảm bảo và tôn trọng quyền lợi của người nộp thuế một cách tối đa, bởi vì việc chấp hành tốt các nghĩa vụ về thuế nên trong trường hợp này cơ quan thuế ưu tiên việc họ được nhận lại số tiền thuế một cách nhanh nhất.

Với các hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, người nộp thuế sẽ phải chờ đợi thủ tục kiểm tra hồ sơ hoàn thuế được hoàn tất, nếu hồ sơ hoàn thuế hợp lệ, đúng pháp luật về hoàn thuế thì người nộp thuế mới được nhận lại tiền thuế và ngược lại sẽ không được hoàn thuế. Đối với trường hợp này, cơ quan thuế tiến hành kiểm tra trước nhằm đảm bỏ sự chính xác, giảm thiểu tối đa việc giải quyết những trường hợp không thuộc diện được hoàn thuế nhưng lại được nhận số tiền hoàn thuế.

Tuy nhiên, quy định về hoàn thuế trong pháp luật quản lý thuế cũng còn tồn tại một số hạn chế, cụ thể:

- Nếu như hoàn thuế trước, kiểm tra sau thuận lợi cho người nộp thuế thì kiểm tra trước, hoàn thuế sau lại gây ra rất nhiều khó khăn cũng như bất cập đối với cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế. Trên thực tế, có rất nhiều cá nhân, hộ kinh doanh cá thể gặp khó khăn về nguồn vốn hoạt động kinh doanh vì việc xin hoàn thuế lại diễn ra quá chậm do cơ quan thuế ngâm hồ sơ hoàn thuế quá lâu cũng như việc kiểm tra hồ sơ kéo dài thời gian khiến người nộp thuế ảnh hưởng quyền lợi

cũng như hoạt động kinh doanh của họ trong khi số thuế họ đã đóng lên đến con số rất lớn mà lại đang mắc kẹt trong thủ tục giải quyết hoàn thuế của cơ quan quản lý thuế. Thực tế này không chỉ gây khó khăn, bất lợi cho người nộp thuế mà còn gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế. Bởi vì, nếu không giải quyết đúng trách nhiệm, đúng thời hạn giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế còn phải chịu trách nhiệm rất nặng. Đứng trước áp lực giải quyết hồ sơ hoàn thuế đúng thời gian quy định, cán bộ thuế không còn cách nào khác là yêu cầu người nộp thuế phải bổ sung hồ sơ, lúc giấy này, lúc giấy kia để kéo dài thời gian. Cách làm này khá dã man đối với đối tượng nộp thuế nhưng nếu không làm đúng quy trình thì cán bộ thuế phải chịu trách nhiệm. Nhưng nếu cứ khó khó khăn và người nộp thuế khốn đốn như thế này, khiến họ ngừng kinh doanh thì thử hỏi, Nhà nước sẽ tiếp tục thu thuế đóng góp cho nguồn thu NSNN được nữa hay không? “Ngoài ra, nếu hoạt động kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp bị ngưng trệ do thiếu vốn, không thể thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thì ảnh hưởng không chỉ đến nguồn thu ngân sách mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước” [33].

- Khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế quy định bộ hồ sơ hoàn thuế, bao gồm: văn bản yêu cầu hoàn thuế; các tài liệu liên quan đến yêu cầu hoàn thuế. Quy định này là chưa cụ thể, chưa rõ các loại giấy tờ, ngay cả khi chứng từ nộp thuế mà có số lượng lớn thì người nộp thuế phải nộp hết chứng từ hay chỉ nộp bảng kê chứng từ nộp thuế?

Tóm lại, việc pháp luật quy định là một chuyện, nhưng pháp luật có áp dụng được trong thực tiễn hay không lại là một vấn đề khác. Tuy nhiên, các quy định này nếu gây khó khăn và ảnh hưởng đến quyền lợi của người nộp thuế thì cần phải xem xét lại.

2.1.2.7. Về thủ tục miễn thuế, giảm thuế

Theo Điều 63 Luật quản lý thuế:

Trường hợp người nộp thuế tự xác định số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm thì việc nộp và tiếp nhận hồ sơ miễn thuế, giảm thuế được thực hiện đồng thời với việc khai, nộp và tiếp nhận hồ sơ khai thuế Tài liệu liên quan đến việc xác định miễn thuế, giảm thuế là một phần của hồ sơ khai thuế [29, Điều 63].

Với quy định này, thủ tục miễn, giảm thuế được đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Trường hợp miễn, giảm thuế phải do cơ quan thuế quyết định. Điều 4, Điều 5 Luật thuế thu nhập cá nhân có quy định cụ thể các trường hợp miễn, giảm thuế. Tuy nhiên, thời hạn giải quyết hồ sơ miễn thuế, giảm thuế là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. “Trường hợp cần kiểm tra thực tế để có đủ căn cứ giải quyết hồ sơ miễn thuế, giảm thuế thì trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm ra quyết định miễn thuế, giảm thuế hoặc thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế lý do không được miễn thuế, giảm thuế” [30, Điều 19]. Thời gian giải quyết hồ sơ miễn thuế, giảm thuế của cơ quan quản lý thuế như đã nêu là hơi dài, quyền lợi của người nộp thuế có thể bị ảnh hưởng do phải chờ đợi.

2.1.3. Thực trạng pháp luật về giám sát và bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trong quản lý thuế thu nhập cá nhân

2.1.3.1. Quản lý thông tin về người nộp thuế

Trước đây, những thông tin về người nộp thuế nghèo nàn và chỉ được lưu giữ, quản lý, sử dụng trong phạm vi cơ quan quản lý thuế trực tiếp đối với đối tượng nộp thuế. “Thông tin về người nộp thuế mà cơ quan thuế có được mang tính đơn lẻ, không đảm bảo độ chính xác, không đầy đủ, không được lưu giữ quản lý và khai thác có tính hệ thống. Thông tin về người nộp thuế phục vụ rất ít cho công tác quản lý thuế. Pháp luật hầu như không có quy định về vấn đề này” [4].

Khi chuyển sang thực hiện quản lý thuế theo cơ chế tự khai, tự nộp thuế, vấn đề thông tin về người nộp thuế trong quản lý thuế được xác định là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Luật quản lý thuế dành chương IX từ điều 69 đến điều 74 để quy định một nội dung mới quan trọng đó là thông tin về người nộp thuế. Trong đó, khoản 2 Điều 69 đã quy định rõ “Thông tin về người nộp thuế là cơ sở để thực hiện quản lý thuế, đánh giá mức độ chấp hành pháp luật của người nộp thuế, ngăn ngừa, phát hiện vi phạm pháp luật về thuế” [29, Điều 69].

Pháp luật quản lý thuế đã quy định khá rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc cung cấp thông tin về người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế. Cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của mình là trách nhiệm, nghĩa

vụ cơ bản của người nộp thuế. Thông tin của người nộp thuế là những thông tin liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và thậm chí là các thông tin bí mật mà người nộp thuế không muốn tiết lộ hay công khai ra ngoài, bởi chúng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Ngoài ra, đối với cơ quan thuế thì những thông tin này cũng hết sức quan trọng trong cho công tác quản lý của Nhà nước. Thông tin về người nộp thuế được xác định là cơ sở, là xuất phát điểm cho mọi hoạt động quản lý thuế của cơ quan quản lý thuế. Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về người nộp thuế được khai thác sử dụng trong hầu hết các nghiệp vụ quản lý thuế như: công tác đăng kí thuế; công tác xử lý tờ khai thuế, kế toán thuế, hoàn thuế; công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế thuế; công tác kiểm tra, thanh tra thuế; công tác phân tích dự báo thu NSNN; thông tin báo cáo phục vụ chỉ đạo điều hành và xây dựng chiến lược kế hoạch hoạt động của ngành thuế; cung cấp thông tin báo cáo cho Bộ Tài chính và các cơ quan Nhà nước có liên quan. Từ thông tin về người nộp thuế này, cơ quan thuế xử lý bằng các nghiệp vụ của mình như: phân tích, đối chiếu, so sánh … tìm ra các lỗi vi phạm, các hành vi gian lận, trốn lậu thuế của người nộp thuế, qua đó sẽ đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, phân loại đối tượng nộp thuế theo các mức độ khác nhau để có biện pháp quản lý thuế thích hợp tiếp theo cho từng loại đối tượng.

Ở Việt Nam hiện nay, Luật quản lý thuế đã quy định một số nội dung về thông tin người nộp thuế, cụ thể:

- Về trách nhiệm của các chủ thể trong việc cung cấp thông tin về người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế. Đối với người nộp thuế, cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế là một nghĩa vụ cơ bản của người nộp thuế [29, Điều 71]. Tại điều 71 Luật quản lý thuế quy định: Người nộp thuế phải cung cấp đầy đủ thông tin trong hồ sơ thuế; cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế. Ngoài ra, Luật quản lý thuế và văn bản quy định chi tiết còn quy định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong việc cung cấp thông tin về người nộp thuế như: cơ quan chi trả thu nhập; cơ quan công an; cơ quan thanh tra … Các quy định của pháp luật đã chỉ rõ thông tin cần cung cấp đối

với mỗi loại chủ thể, quy định những hình thức cung cấp thông tin (cung cấp thông tin bằng văn bản, bằng trả lời trực tiếp hoặc dữ liệu điện tử). Đồng thời, pháp luật quản lý thuế còn quy định một số quyền lợi và nghĩa vụ khác của chủ thể cung cấp thông tin như: tổ chức, cá nhân khi cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế không phải thông báo cho người nộp thuế biết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; người thứ ba có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu được cơ quan quản lý thuế chi trả chi phí đi lại, ăn ở theo chế độ quy định; …

Việc quy định trách nhiệm cung cấp thông tin về người nộp thuế của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xuất phát từ cơ sở lý luận thuế là tài sản của quốc gia được sử dụng để đáp ứng lợi ích chung của mọi người, bởi vậy trách nhiệm tham gia quản lý thuế là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Việc xác định trách nhiệm cung cấp thông tin về người nộp thuế của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan chính là sự thể hiện, sự cụ thể hóa trách nhiệm tham gia quản lý thuế của các chủ thể này.

- Về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong xây dựng, quản lý hệ thống thông tin về người nộp thuế. Xuất phát từ mục đích xây dựng hệ thống thông tin về người nộp thuế nhằm phục vụ cho công tác quản lý thuế, Luật quản lý thuế đã quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc tổ chức xây dựng, quản lý và phát triển cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật của hệ thống thông tin về người nộp thuế; tổ chức đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin, quản lý cơ sở dữ liệu và bảo đảm duy trì, vận hành hệ thống thông tin về người nộp thuế được áp dụng các biện phát nghiệp vụ cần thiết để thu thập, xử lý thông tin theo mục tiêu và yêu cầu quản lý thuế.

- Về trách nhiệm bảo mật thông tin về người nộp thuế, theo Luật quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế, tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế phải giữ bí mật thông tin của người nộp thuế theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin của người nộp thuế cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án, cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán Nhà nước, cơ quan quản lý thuế nước ngoài phù hợp quy định của pháp luật và với

điều ước quốc tế về thuế mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, Luật quản lý thuế còn quy định, cơ quan quản lý thuế được công khai các thông tin vi phạm pháp luật về thuế của người nộp thuế trên phương tiện thông tin đại chúng trong một số trường hợp. Tuy nhiên, pháp luật về thông tin trong quản lý thuế còn một số hạn chế cần được tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện:

- Một là, khái niệm hệ thống thông tin về người nộp thuế tại Khoản 1, Điều 69, Luật quản lý thuế định nghĩa: “Hệ thống thông tin về người nộp thuế bao gồm những thông tin, tài liệu liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế” [29, Điều 69]. Như vậy, Luật quản lý thuế chỉ đưa ra một định nghĩa khái quát, chỉ giới hạn phạm vi thông tin về người nộp thuế mà chưa làm rõ những thông tin, tài liệu nào là thông tin, tài liệu liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Vấn đề này khá quan trọng bởi vì liên quan đến trách nhiệm cung cấp thông tin của các chủ thể.

- Hai là, về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, tại Khoản 4, Điều 70, Luật Quản lý thuế quy định: “Bộ Tài chính quy định cụ thể việc xây dựng, thu thập, xử lý và quản lý hệ thống thông tin về người nộp thuế” [29, Điều 70]. Tuy nhiên, hiện nay những nội dung cụ thể này vẫn chưa được Bộ tài chính quy định, trong khi đây là vấn đề khá phức tạp liên quan nhiều đến việc xây dựng, triển khai ứng dụng tin học trong các nghiệp vụ quản lý thuế theo quy trình, thủ tục trong ngành thuế và sự phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Ba là, về bảo mật thông tin của người nộp thuế, Luật quản lý thuế mới chỉ quy định: Các chủ thể có được các thông tin về người nộp thuế có trách nhiệm phải giữ bí mật thông tin theo quy định của pháp luật. Nhưng phát luật hiện hành chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề này. Thông thường, những thông tin có tính bí mật dường như người nộp thuế vẫn còn dè dặt cung cấp ngay cả khi cơ quan quản lý thuế yêu cầu, phần vì họ sợ lộ bí mật nghề nghiệp, phần vì chưa thấy đảm bảo chắc chắn những thông tin đó không bị lạm dụng, bóp méo, có ảnh hưởng đến triển vọng phát triển của mình trong tương lai. “Từ thực tế tâm lý đó, người nộp thuế tìm mọi cách để giữ các thông tin, còn cơ quan quản lý thuế tìm mọi cách khai khác các thông tin kể cả từ nguồn không chính thức. Trong tình trạng đó, độ tin cập của các thông tin mà cơ quan thuế có được ở mức nào?” [4].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 01/12/2023