Thuế Tncn Có Đối Tượng Chịu Thuế Là Thu Nhập Của Cá Nhân

trốn, lậu thuế nếu quy định mức thuế suất cao. Hơn nữa, việc theo dõi, tính toán và thu thuế phức tạp, đặc biệt là thuế TNCN với diện thu thuế rộng và phân tán. Vì vậy, nếu không có biện pháp quản lý thu thuế hiệu quả thì dễ dẫn đến hạn chế tác dụng của loại thuế này trong việc tập trung đầy đủ, kịp thời về cho NSNN.

1.1.2.2 Thuế TNCN có đối tượng chịu thuế là thu nhập của cá nhân

Trong quá trình lao động, con người tạo ra thu nhập dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào tiêu chí phân loại. Mục đích của việc phân loại thu nhập là cơ sở cho việc phân định đối tượng chịu thuế của các sắc thuế khác nhau cũng như đặt ra cơ chế hành thu hiệu quả.

Khái niệm “thu nhập” hiện nay vẫn chưa được hiểu thống nhất nên vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Chính vì vậy, các nhà làm luật thường chỉ liệt kê các khoản được coi là thu nhập của tổ chức, cá nhân mà không đưa ra khái niệm thu cụ thể. Trong nền kinh tế thị trường, thu nhập của cá nhân phát sinh rất đa dạng. Nếu căn cứ vào hoạt động của các giao dịch làm phát sinh thu nhập thì thu nhập bao gồm: thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; thu nhập từ lao động; thu nhập từ tài sản, tiền vốn; thu nhập từ thừa kế quà tặng, thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm, v.v. Các loại thu nhập kể trên không phải thu nhập nào cũng phải chịu thuế mà chỉ có một số khoản thu nhập được pháp luật quy định rõ ràng là đối tượng chịu thuế mới là thu nhập chịu thuế. Thí dụ: Luật thuế TNCN của Hàn Quốc quy định thu nhập chịu thuế toàn cầu bao gồm (1) Thu nhập từ lao động; (2) thu nhập từ kinh doanh; (3) Thu nhập từ cho thuê bất động sản; (4) Thu nhập từ tài sản tạm thời; (5) Thu nhập khác và thu nhập chịu thuế riêng biệt: (6) Thu nhập từ lương hưu; (7) Thu nhập từ chuyển nhượng tài sản; (8) Thu nhập từ trồng rừng và khai thác gỗ. Luật thuế TNCN của Nhật Bản quy định thu nhập chịu thuế bao gồm: (1) Thu nhập từ công việc lao động; (2) Thu nhập từ hoạt động kinh doanh; (3)Thu nhập do

buốn bán bất động sản; (4) Thu nhập từ tiền lãi cổ phần; (5) Thu nhập từ lợi tức; (6) Thu nhập từ các khoản hưu trí; (7) Thu nhập từ buôn bán gỗ; (8) Thu nhập từ các khoản vốn; (9) Thu nhập bất thường; Thu nhập khác.[15, trang 5]

Pháp luật thuế TNCN nói riêng và thuế thu nhập nói chung ở các nước đều quy định khoản thu nhập chịu thuế làm cơ sở cho việc đánh thuế. Thông thường thu nhập chịu thuế phải là thu nhập hợp pháp, thực tế phát sinh, có tính phổ biến và nhà nước có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, quy định về loại thu nhập chịu thuế sẽ không hoàn toàn giống nhau ở các nước (thí dụ: Trung Quốc quy định 11 loại thu nhập chịu thuế TNCN, Thái Lan quy định 8 loại thu nhập chịu thuế TNCN, Philippin quy định 10 loại thu nhập chịu thuế TNCN [15, trang 4] vì các lý do như sau:

Mỗi quốc gia sẽ có nguyên tắc đánh thuế riêng. Các nguyên tắc đánh thuế phổ biến bao gồm: đánh thuế theo quốc tịch, đánh thuế theo theo phạm vi lãnh thổ (nguồn của thu nhập phát sinh từ quốc gia nào) và đánh thuế trên cơ sở cư trú/không cư trú của đối tượng nộp thuế. Mỗi quốc gia có thể lựa chọn sử dụng một hoặc hai hoặc phối hợp cả ba phương thức đánh thuế này [16, trang 178-179].

Thuế TNCN chỉ được áp dụng cho các khoản thu nhập mà nhà nước có thể kiểm soát và quản lý được. Như vậy, tùy thuộc khả năng và trình độ quản lý về thuế của mỗi nhà nước mà quy định về loại thu nhập chịu thuế TNCN cũng khác nhau.

Trong quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế và hội nhập sâu rộng, việc xác định loại thu nhập nào chịu thuế cũng phụ thuộc không nhỏ vào việc các quốc gia đó có tham gia các hiệp định song phương và đa phương theo đó quy định, xác nhận các loại thu nhập phải chịu thuế trên lãnh thổ của mình hay không.

1.1.2.3 Thuế TNCN là loại thuế có tính ổn định không cao và phức tạp

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.

Đặc điểm này của thuế TNCN thể hiện ở chỗ các quy định về thu nhập chịu thuế hoặc không chịu thuế thường xuyên thay đổi theo biến dộng của nền kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Ngoài ra, những quy định về giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc cũng có sự thay đổi linh hoạt do thuế điều tiết trực tiếp vào thu nhập của cá nhân nên có sự tác động rất lớn đến mức sống của cư dân và chịu tác động của giá cả thị trường.

1.1.2.4 Văn bản điều chỉnh quan hệ về thuế TNCN bao gồm các văn bản pháp luật của quốc gia và pháp luật quốc tế

Bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế thu nhập là cá nhân cư trú theo pháp luật Việt Nam - 3

Cả ba phương pháp thu thuế phổ biến là đánh thuế theo quốc tịch, đánh thuế theo theo phạm vi lãnh thổ (nguồn của thu nhập phát sinh từ quốc gia nào) và đánh thuế trên cơ sở cư trú/không cư trú của đối tượng nộp thuế dẫn đến hệ quả tất yếu là việc điều chỉnh thuế không chỉ dừng lại ở các văn bản pháp luật của một quốc gia được thu thuế mà còn liên quan đến văn bản pháp luật về thuế TNCN của quốc gia khác nơi người nộp thuế là công dân. Pháp luật quốc tế phổ biến về thuế TNCN là các điều ước quốc tế, hiệp định song phương về tránh đánh thuế hai lần mà các quốc gia ký kết để tránh đánh trùng thuế trên một khoản thu nhập của cá nhân khi cá nhân đó đồng thời hiện diện hoặc có thu nhập từ các quốc gia là thành viên của các hiệp định.

1.1.3 Nguyên tắc và phương pháp đánh thuế TNCN

1.1.3.1 Nguyên tắc đánh thuế TNCN

Trên thực tế, một cá nhân tuy có thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau nhưng không phải tất cả thu nhập phát sinh của cá nhân đều là đối tượng điều chỉnh của thuế TNCN. Ngoài ra, với ý nghĩa tạo tính công bằng, tăng thu cho NSNN và thúc đẩy phát triển kinh tế, chính phủ các nước cần phải lựa chọn phương pháp đánh thuế và thời gian tính thuế hợp lý để đảm bảo thuế TNCN được áp dụng đúng với ý nghĩa của nó. Có ba nguyên tắc mà các nước áp dụng thuế TNCN cần phải tuân theo, đó là:

(i) Đánh thuế TNCN trên cơ sở thu nhập thực tế

Trong số các thu nhập phát sinh từ các nguồn khác nhau của một cá nhân, chỉ có phần thu nhập chịu thuế - cơ sở để đánh thuế thu nhập - là đối tượng điều chỉnh của thuế TNCN. Để phản ánh đúng khả năng kinh tế của người nộp thuế, thu nhập chịu thuế của một cá nhân luôn là thu nhập ròng - nghĩa là thu nhập thực tế của cá nhân đó sau khi đã trừ đi những chi phí cần thiết để tạo ra nó và những khoản theo quy định được phép giảm trừ. Các nước khác nhau có cách xác định thu nhập chịu thuế và thu nhập được miễn trừ trong tổng thu nhập của một cá nhân khác nhau. Thu nhập không chịu thuế thu nhập thông thường là những khoản thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập hay một loại thuế tương đương ở một khâu nào đó hoặc những thu nhập nằm trong diện ưu tiên, khuyến khích theo chính sách của nhà nước.

Thu nhập chịu thuế của một cá nhân, về nguyên tắc là tất cả các khoản thu nhập phát sinh, kể cả tiền và hiện vật, không phân biệt nguồn tạo ra nó (sản xuất kinh doanh, lao động, đầu tư) sau khi loại bỏ những khoản được pháp luật quy định không phải chịu thuế TNCN. Ở hầu hết các nước, thu nhập chịu thuế được xác định trong các trường hợp cụ thể sau đây:

Thu nhập phát sinh từ những giao dịch trên thị trường được quy về hình thức tiền tệ. Thu nhập phát sinh từ những giao dịch trên thị trường được quy về hình thức tiền tệ trừ đi các khoản chi phí khách quan gắn liền với quá trình tạo ra thu nhập (cả chi phí sản xuất và chi phí khách quan khác). Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước mà các khoản chi phí miễn trừ này được quy định khác nhau.

Thu nhập của các tổ chức, cá nhân phát sinh từ giao dịch trên thị trường được miễn trừ thêm một khoản thu nhập để khuyến khích những hoạt động kinh doanh, đầu tư theo đinh hướng của nhà nước.

(ii) Áp dụng phương pháp lũy tiến để tính thuế TNCN

Thuế suất lũy tiến được coi là phương pháp hiệu quả nhất để đánh thuế theo "khả năng nộp thuế" của cá nhân và làm tăng tính hữu dụng đối với thu nhập, giảm thiểu sự mất mát tổng thể của xã hội do tính hữu dụng của thu nhập đối với chủ càng giảm khi thu nhập càng tăng.

Hiện nay, biểu thuế lũy tiến đã và đang được áp dụng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới vói những hình thức khác nhau. Có những quốc áp dụng biểu thuế toàn phần đối với từng loại thu nhập riêng biệt của cá nhân nhưng cũng có những quốc gia áp dụng biểu thuế lũy tiến trên toàn bộ thu nhập của cá nhân không phân biệt nguồn gốc phát sinh.

(iii) Xác định đúng thời gian phát sinh thu nhập chịu thuế TNCN

Thu nhập của một cá nhân được hình thành từ rất nhiều nguồn khác nhau. Chính vì vậy, việc xác định thời gian phát sinh thu nhập chịu thuế chỉ có tính tương đối về mặt thời gian. Chẳng hạn, khoản lợi tức mà cá nhân nhận được tại thời điểm hiện tại là kết quả của việc đầu tư của cá nhân đó tại quá khứ, hay khoản trả trước tiền nhà cá nhân nhận được là thu nhập ứng trước của hoạt động cho thuê nhà trong tương lai. Do vậy, để đảm báo tính khả thi và công bằng khi tính thuế, cần phải quy ước một sự phân đoạn về mặt thời gian để xác định thu nhập chịu thuế thu nhập của cá nhân. Thời gian tính thu nhập chịu thuế được áp dụng phổ biến trên thế giới thường là một năm tính thuế trùng với năm tài chính hoặc năm ngân sách. Những khoản thu nhập phát sinh trong thời gian đó là đối tượng chịu thuế thu nhập trong giai đoạn đó.

1.1.3.2 Phương pháp đánh thuế TNCN

Mỗi quốc gia với những điều kiện kinh tế, xã hội, trình độ quản lý, phong tục tập quán và chính sách khác nhau có thể chọn cho mình một phương pháp riêng để đánh thuế TNCN. Trên thế giới, nhìn chung các nước đều chọn một trong ba phương pháp đánh thuế TNCN là:

(i) Đánh thuế theo từng nguồn hình thành thu nhập

Theo phương pháp này, thuế suất thuế TNCN có rất nhiều mức độ khác nhau áp dụng cho những thu nhập có nguồn phát sinh khác nhau. Số thuế mà một cá nhân phải nộp sẽ là tổng số thuế cá nhân đó phải nộp theo từng nguồn. Vì đánh thuế trên từng loại thu nhập nên thuế TNCN sẽ được áp dụng với toàn bộ thu nhập chịu thuế của cá nhân và phương pháp này sẽ giúp nhà nước hạn chế tình trạng trốn thuế. Tuy nhiên, phương pháp đánh thuế trên từng nguồn hình thành thu nhập vẫn không phải là không có nhược điểm. Thứ nhất, việc áp dụng mức thuế suất khác nhau đối với từng loại thu nhập khác nhau sẽ khiến cho việc tính thuế, quản lý thu thuế của nhà nước trở thành công việc hết sức phức tạp và khó khăn. Thứ hai, một người có thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau, vì vậy, ranh giới để phân chia thu nhập xuất phát từ nguồn nào là rất khó chính xác. Để được hưởng mức thuế suất thấp hơn, người nộp thuế có thể sẽ gian lận trong khâu kê khai nguồn hình thành thu nhập và dẫn đến tình trạng trốn thuế. Ngoài ra, rất khó để áp dụng thuế suất lũy tiến cho phương pháp này, dẫn đến việc làm giảm tính công bằng khi đánh thuế TNCN.

(ii) Đánh thuế trên tổng thu nhập

Đây là phương pháp đang được hầu hết các nước phát triển trên thế giới áp dụng. Trái với phương pháp trên, ở phương pháp này, thu nhập của một cá nhân sẽ được tính tổng lại, không phân biệt nguồn hình thành thu nhập và chi phí tạo ra thu nhập. Sau đó, một biểu thuế suất lũy tiến sẽ được áp dụng chung cho toàn bộ thu nhập ròng của cá nhân đó. Phương pháp đánh thuế thu nhập này, về cơ bản, có thể khắc phục được những nhược điểm của phương pháp đánh thuế thu nhập trên từng nguồn phát sinh, do không có việc phân chia thu nhập của cá nhân. Bên cạnh đó, nó còn có ưu điểm là đơn giản, áp dụng biểu thuế lũy tiến một cách dễ dàng và hiệu quả, đạt được ý nghĩa công bằng khi đánh thuế TNCN. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là không

phân chia rõ từng loại thu nhập của một cá nhân nén rất khó để theo sát được từng nguồn thu nhập, dễ dẫn đến tình trạng trốn thuế của cá nhân.

(iii) Đánh thuế hỗn hợp

Để hạn chế nhược điểm và phát huy ưu điểm của cả hai phương pháp trên, thuế TNCN có thể được đánh theo phương pháp hỗn hợp. Nghĩa là ban đầu đánh thuế trên từng nguồn hình thành thu nhập vổi những mức thuế suất khác nhau, sau đó tổng hợp tất cả các thu nhập lại và đánh thuế trên thu nhập tổng đó một mức thuế suất chung khác nữa. Đây là phương pháp lý tưởng nhất cho việc áp dụng thuế TNCN. Vì nó vừa áp dụng được thuế suất lũy tiến (cho phần thu nhập tổng) lại vừa đảm bảo được việc theo sát từng nguồn thu nhập của cá nhân. Nhưng phương pháp này lại quá phức tạp khi tính toán, tốn kém trong khâu quản lý nên nó chỉ có ý nghĩa là "hình mẫu lý tưởng trên lý thuyết".

1.1.4 Cơ sở xác định thuế TNCN

Để xác định được số thuế thu nhập một cá nhân phải đóng, điều kiện cần và đủ là phải xác định được 3 yếu tố sau:

(i) Thu nhập chịu thuế.

(ii) Thu nhập được miễn trừ khỏi diện chịu thuế.

(iii) Thuế suất thuế TNCN.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất dể xác định chính xác thuế TNCN chính là thu nhập tính thuế của cá nhân đó. Thu nhập tính thuế của cá nhân có thể được tính bằng công thức:

Thu nhập tính thuế = thu nhập chịu thuế - các khoản giảm trừ

Qua đó có thể thấy, để xác định thu nhập tính thuế của cá nhân cần xác định thu nhập chịu thuế và các khoản giảm trừ trong thu nhập của cá nhân đó.

1.1.4.1 Xác định thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế của cá nhân trong công thức trên là tổng thu nhập của cá nhân không bao gồm các khoản miễn thuế. Việc xác định đâu là thu nhập chịu thuế và đâu là thu nhập được giảm trừ trong tổng thu nhập của một cá nhân đối với mỗi quốc gia là khác nhau tùy theo mục đích đánh thuế của quốc gia đó. Để xác định thu nhập chịu thuế, thông thường các quốc gia sẽ quy định căn cứ vào nguồn hình thành thu nhập. Thu nhập chịu thuế tại các nước đang phát triển có thể được xác định khác đi tùy chính sách của từng nước.

1.1.4.2 Xác định các khoản giảm trừ

Một trong những đặc điểm quan trọng của thuế TNCN là một số khoản thu nhập của đối tượng nộp thuế được trừ khỏi tổng thu nhập khi tính thuế TNCN. Thu nhập giảm trừ gồm 2 loại: giảm trừ tiêu chuẩn và giảm trừ cá nhân. Giảm trừ tiêu chuẩn là đưa ra một mức giảm trừ áp dụng chung cho toàn xã hội, nó được thực hiện thông qua việc xác định mức khởi điểm chịu thuế - mức thu nhập trung bình của xã hội đảm bảo trang trải đủ những chi phí cần thiết về mặt kinh tế - khoản thu nhập khởi điểm chịu thuế của những nước khác nhau là khác nhau phụ thuộc vào mức sống, quan niệm và tập quán của từng nước. Việc áp dụng thu nhập giảm trừ tiêu chuẩn sẽ không gây khó khăn trong quá trình tính toán thuế thu nhập, tiết kiệm chi phí nên đều được hầu hết các nước trên thế giới hiện nay áp dụng. Giảm trừ cá nhân gồm giảm trừ có tính chất kinh tế (giảm trừ những chi phí liên quan trực tiếp đến việc tạo ra thu nhập) và giảm trừ có tính chất xã hội (những khoản chi ủng hộ giáo dục, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn). Đây là đặc điểm giúp thuế TNCN thực hiện được ý nghĩa tạo ra sự công bằng trong xã hội. Tuy nhiên, do tính phức tạp và khó khăn trong tính toán, công nghệ nên những khoản giảm trừ cá nhân mới chỉ được áp dụng rộng rãi tại các nước phát triển và những nước có nền kinh tế đang chuyển đổi.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/12/2022