So sánh nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Nam Cao Việt Nam và Ruinôxke Akutagawa Nhật Bản - 2


Đó là hai công trình nghiên cứu chuyên biệt về Nam Cao của giáo sư Phong Lê với Nam Cao phác thảo sự nghiệp và chân dung [97] và của giáo sư Hà Minh Đức với Nam Cao - Đời văn và tác phẩm [45].

Năm 1998, Trần Đăng Suyền trong bài Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn [145] đã nhận định: Phần nhiều tác phẩm của Nam Cao “được dệt nên bằng toàn những “cái hàng ngày” chủ yếu liên quan đến cuộc sống riêng tư của các nhân vật” [145,156]. Nhưng chính những “cái vặt vãnh nhỏ nhoi, tủn mủn mà nhà văn gọi là “những chuyện không muốn viết”... lại có sức mạnh ghê gớm” [145,156]. Về nghệ thuật, Trần Đăng Suyền cho rằng: nghệ thuật miêu tả tâm lý nhận vật đã trở thành “linh hồn”, “cốt tuỷtrong sáng tác của Nam Cao.

Năm 2000, Nguyễn Hoa Bằng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Thi pháp truyện ngắn Nam Cao [14]. Có thể coi đây là công trình nghiên cứu về thi pháp truyện ngắn Nam Cao tương đối đầy đủ, toàn diện và có hệ thống. Trên cơ sở phân tích những phương diện đa dạng của thi pháp như: Ngôn ngữ đa thanh; nhân vật thời gian – không gian – ý thức; kết cấu đa quan hệ..., tác giả khẳng định đặc trưng cơ bản của thi pháp truyện ngắn Nam Cao là “thi pháp đối thoại”.

Năm 2001, tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng trong luận án Thi pháp hoàn cảnh trong tác phẩm của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao viết “thiên nhiên, cảnh vật trong tác phẩm của Nam Cao không phải chỉ đơn thuần là những bức tranh phong cảnh. Nhiều khi nó là yếu tố biểu hiện tâm lý” [76,136].

Cũng trong năm này, nhà nghiên cứu Vũ Thăng, với chuyện luận Một vài đặc điểm thi pháp truyện Nam Cao [148] đã khám phá nghệ thuật sáng tác của Nam Cao ở góc độ thi pháp. Trong chương “Nam Cao – sự khám phá thế giới nội tâm con người”, nhà nghiên cứu đưa ra nhận xét: “Tính chất đa thanh, phức điệu của tác phẩm Nam Cao có nguồn gốc sâu xa từ cái nhìn hiện thực


mới mẻ rất đỗi đời thường của ông... Đặc điểm của tính phức điệu trong tác phẩm Nam Cao là khả năng đối thoại, độc thoại đa dạng, nhiều tầng, nhiều lớp...” [148,60].

Trong cuốn Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao [146], khi tìm hiểu vấn đề loại hình và thi pháp trong sáng tác của nhà văn, Trần Đăng Suyền viết: “Nam Cao ít khi lựa chọn một kiểu cốt truyện được xây dựng trên cơ sở miêu tả những hành động bên ngoài của nhân vật” [146,39], mà “thường được xây dựng trên cơ sở miêu tả những cuộc đấu tranh nội tâm của nhân vật” [146,44]. Và gần đây nhất năm 2007, Bích Thu đã tái bản lần thứ năm cuốn Nam

Cao về tác giả và tác phẩm [151]. Đây là công trình tập hợp tư liệu và chọn lọc những bài viết tiêu biểu về Nam Cao của nhiều tác giả trong gần nửa thế kỷ qua. Bàn về nghệ thuật miêu tả tâm lý trong truyện ngắn Nam Cao, nhà nghiên cứu viết: Nam Cao tỏ ra có sở trường trong miêu tả tâm trạng, quá trình diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật làm nổi bật bi kịch đời thường, bi kịch nhân cách, bi kịch tinh thần của con người” [151,23].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 143 trang tài liệu này.

4.1.2. Vấn đề so sánh Nam Cao với các tác giả văn học nước ngoài

Nam Cao là một nhà văn có tầm vóc nổi bật. Điều này đã được minh chứng bằng việc nhà nghiên cứu Liên Xô - N.I.Niculin trong ba cuốn từ điển đồ sộ là Từ điển bách khoa văn học giản yếu [118]; Đại từ điển bách khoa Liên Xô [119]; Từ điển bách khoa văn học [120] đã dành riêng một mục để viết về ông. Bên cạnh đó, các tác phẩm của Nam Cao còn được dịch và giới thiệu ở một số nước trên thế giới.

So sánh nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn của Nam Cao Việt Nam và Ruinôxke Akutagawa Nhật Bản - 2

ở Việt Nam, hướng tiếp cận Nam Cao từ góc độ so sánh với các tác giả văn học nước ngoài đã manh nha từ những năm 60, 70 và 80. Hai nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức là những người đầu tiên đặt Nam Cao bên cạnh các nhà văn lớn của thế giới như Sekhov, Dostôievski để thấy được tầm vóc nổi bật của ông. Phan Cự Đệ cho rằng “Nam Cao gần Sekhov,


Dostôievski, nhất là Sekhov” [40,121]. Đồng tình với ý kiến này, Hà Minh Đức cũng khẳng định cách miêu tả trạng thái tâm lý ở nhân vật Nam Cao “gần gũi với miêu tả tâm lý của Dostôievski và đặc biệt là Sekhov” [43,73].

Năm 1987, giáo sư Phong Lê trong bài viết Nam Cao – nhìn từ cuối thế kỷ [99] đã khẳng định “Nam Cao có một vị trí tựa A. Sekhov”. Trên cơ sở đó nhà nghiên cứu cho rằng: “Cả hai, Nam Cao và T.A.Sekhov đều tìm về một chủ nghĩa hiện thực của đời thường, soi chiếu các giá trị phổ quát của đời sống...” [99,114].

Bước sang thập niên 90, phương pháp tiếp cận Nam Cao từ góc độ so sánh được các nhà nghiên cứu quan tâm và nghiên cứu chuyên sâu hơn. Trong cuốn Nghĩ tiếp về Nam Cao [3] do giáo sư Phong Lê chủ biên đã tập hợp và giới thiệu với bạn đọc một chùm ba bài viết về Nam Cao từ góc độ so sánh của ba nhà nghiên cứu là Đào Tuấn ảnh với Tsêkhov và Nam Cao – một sáng tác hiện thực kiểu mới [3]; Trần Ngọc Dung với Gặp gỡ giữa M.Gorki và Nam Cao [33]; Và Phạm Tú Châu với Đôi điều so sánh giữa Chí Phèo và AQ [19]. Trong đó, nhà nghiên cứu Đào Tuấn ảnh đã chỉ ra điểm nổi bật khi đặt Nam Cao bên cạnh Sekhov là Nam Cao và Sekhov “đều viết về những điều vặt vãnh của đời sống hàng ngày” [3,203]. Họ đều “khước từ kiểu cốt truyện truyền thống” và toàn bộ sáng tác của họ “được xây dựng trên chất trữ tình – trên tiếng cười và nỗi buồn” [3.208].

Còn Trần Ngọc Dung thì cho rằng sự “gặp gỡ giữa M.Gorki và Nam Cao” là sự gặp gỡ ngẫu nhiên giữa hai nhà tư tưởng lớn, cả hai đều là “hai nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn...” [33,214].

Phạm Tú Châu cũng có nhiều phát hiện độc đáo về cách thức xây dựng hai nhân vật Chí Phèo cũng như AQ của hai nhà văn hiện thực xuất sắc Nam Cao và Lỗ Tấn.


Năm 2004, Viện văn học tổ chức cuộc hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của A.Sekhov. Tại đây, có rất nhiều bài viết tham luận về cuộc đời sự nghiệp của nhà văn Nga vĩ đại này. Trong đó, có bài viết sâu sắc so sánh A.Sekhov và Nam Cao của giáo sư Phong Lê: A.Sekhov và Nam Cao nhìn từ hai nền văn học [98]. Với bài viết này, tác giả đã tìm đến những nét giống và khác nhau giữa Nam Cao và A.Sekhov . Từ đó, nhà nghiên cứu khẳng định sự tương đồng giữa Nam Cao và A.Sekhov thể hiện ở “vai trò và sứ mệnh của mỗi người đối với lịch sử văn học dân tộc’’ [98,189] và “ở một lối tư duy nghệ thuật độc đáo - đào sâu vào đời sống tâm lý và hướng vào cuộc sống nhỏ nhặt thường ngày’’ [ 98,203].

Năm 2005, dựa trên những thành tựu nghiên cứu đã có, nhà nghiên cứu Đào Tuấn ảnh lại tiếp tục cho ra đời bài viết: A.Sekhov và Nam Cao nhìn từ góc độ thi pháp [4]. Trong bài viết này, nhà nghiên cứu chỉ ra sự tương đồng và khác biệt giữa Nam Cao và Sekhov trên hai phương diện cụ thể là: Cốt truyện và kết cấu văn bản trong truyện ngắn của hai nhà văn.

Ngoài ra, hai luận văn thạc sĩ (trường đại học sư phạm Thái Nguyênt): Một số vấn đề thi pháp truyện ngắn Nam Cao (so sánh với thi pháp truyện ngắn A.Sekhov) của Lương Thị Lan [91] và Sự gặp gỡ giữa Nam Cao và A.Sekhov trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật của Cầm Thị Bích Thu

[150] cũng là những khám phá và phát hiện mới mẻ về sáng tác của Nam Cao trong so sánh với văn hào Nga Sekhov. Tác giả các luận văn đã làm rõ những đặc điểm cách tân của Nam Cao ở lĩnh vực thi pháp truyện ngắn và đặt chúng trong cái nhìn đối chiếu với sáng tác của Sekhov dựa trên những phương diện thi pháp tương đồng.

Nhìn chung, những công trình chuyên biệt nghiên cứu về Nam Cao rất phong phú và đa dạng với hàng trăm tài liệu. Các bài nghiên cứu đã nhìn nhận nghệ thuật tự sự của Nam Cao ở nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, trong


khuôn khổ của đề tài, tác giả luận văn mới chỉ tập trung khai thác các tài liệu liên quan đến nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật trần thuật trong sáng tác Nam Cao và so sánh Nam Cao với các tác giả văn học nước ngoài. Trên cơ sở đó, tác giả luận văn hi vọng sẽ tiếp tục khám phá những “hạt ngọc”còn ẩn giấu trong truyện ngắn Nam Cao, đồng thời đối chiếu nó với nghệ thuật trong truyện ngắn của một văn hào Nhật Bản có nhiều nét tương đồng với ông

– văn hào Akutagawa.

4.2. Vấn đề nghiên cứu văn học Nhật Bản và Akutagawa

4.2.1. Về văn học Nhật Bản

Văn học Nhật Bản là một nền văn học lớn và độc đáo của Châu Á. Tuy nhiên, việc nghiên cứu văn học Nhật Bản ở nước ta còn rất hạn chế. Qua khảo sát tư liệu, tác giả luận văn nhận thấy vấn đề nghiên cứu văn học Nhật Bản ở Việt Nam tập trung vào hai mảng chính: Nghiên cứu của tác giả Việt Nam và những công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài đã được dịch sang tiếng Việt.

4.2.1.1. So với thế giới, việc nghiên cứu văn học Nhật Bản ở nước ta diễn ra còn chậm và chưa đồng bộ. Tuy vậy, các công trình và bài viết của các tác giả Việt Nam đã phần nào cung cấp cho bạn đọc những vấn đề cơ bản trong việc tiếp nhận văn học Nhật Bản như: Những vấn đề chung của văn học Nhật Bản; Vấn đề nghiên cứu một tác giả, tác phẩm; Vấn đề thể loại và vấn đề so sánh văn học...

Từ những năm 60,70, những bài viết đầu tiên về văn học Nhật Bản đã được đăng trên Tạp chí văn học (Miền Nam). Đó là Tiểu thuyết Nhật Bản của Mai Chương Đức số 90, tháng 6 – 1969 [48]; Vài nét về thơ Nhật Bản, I.Takuboku của Vĩnh Sính số 90, tháng 6 – 1969 [110]; Kawabata – nhà văn Nhật Bản đầu tiên được giải Nobel của văn học của Mai Chương Đức số 114, tháng 3 – 1972 [49]...


Đến những năm 80, đặc biệt những năm về sau, những bài viết và sách nghiên cứu về văn học Nhật Bản xuất hiện nhiều và phong phú hơn. Về sách, có thể nói Nhật Chiêu là nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp nhất trong việc nghiên cứu văn học Nhật Bản với các cuốn sách có giá trị của ông. Từ năm 1994 đến 2000, Nhật Chiêu đã xuất bản bốn đầu sách về văn học Nhật Bản: Basho và thơ Haiku (1994) [25]; Nhật Bản trong chiếc gương soi (1997) [28]; Thơ ca Nhật Bản (1998) [26] và Văn học Nhật Bản từ khởi thuỷ đến năm 1868 (2000) [31] cùng nhiều bài nghiên cứu đặc sắc khác. Ngoài Nhật Chiêu, còn có hai nhà nghiên cứu Hữu Ngọc và Lưu Đức Trung. Trong đó, Hữu Ngọc đã đưa bạn đọc đến với văn học Nhật Bản qua cuốn Dạo chơi vườn văn Nhật Bản (1992) [125]. Còn Lưu Đức Trung thì giới thiệu một tác giả tiêu biểu với cuốn Y.Kawabata – Cuộc đời và tác phẩm (1997) [160].

Từ những năm 80 đến nay, nhiều bài nghiên cứu sâu sắc về văn học Nhật Bản đã được đăng tải trên các tạp chí lớn như: Tạp chí nghiên cứu văn học, Tạp chí văn học nước ngoài, Tạp chí nghiên cứu Nhật Bản, Tạp chí văn Sài Gòn... Bàn về những vấn đề chung của văn học Nhật Bản, tác giả các bài viết đã phác hoạ diện mạo của văn học Nhật Bản qua các thời kỳ với một cái nhìn khái lược. Trong đó, có thể kể đến những bài như: Văn học Nhật Bản hiện đại từ thời Minh Trị đến nay của Nguyễn Tuấn Khanh (Viện thông tin khoa học xã hội, 1998) [80]; Một số nét đặc trưng của văn học Nhật Bản – Trần Hải Yến (Nghiên cứu Nhật Bản số 4, 1999) [168]; Các khuynh hướng phản tự nhiên chủ nghĩa trong văn học Nhật Bản đầu thế kỷ XX – Khương Việt Hà (Nghiên cứu văn học số 8, 2005) [57].

Vấn đề nghiên cứu một tác giả, tác phẩm cụ thể cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu. Trong đó, Yasunari Kawabata là nhà văn được bàn đến nhiều nhất qua các bài viết: Yasunari Kawabata Người cứu rỗi cái đẹp–Nhật Chiêu N (Tạp chí văn số 16, 1991) [22]; Truyện ngắn trong


lòng bàn tay hay hồn thơ Kawabata Yasunari – Nhật Chiêu (Tạp chí văn số xuân, 1996) [24]; Thế giới Kawabata Yasunari (hay là cái đẹp: hình và bóng)

– Nhật Chiêu (Tạp chí văn học số 11, 2000) [29]; Kawabata Yasunari – Lữ khách muôn đời đi tìm cái đẹp–Nguyễn Thị Mai Liên N (Nghiên cứu văn học) [93]; Kawabata Yasunari giữa dòng chảy Đông - Tây - Đào Thị Thu Hằng (Tạp chí văn học số 7, 2005) [62]... Ngoài ra, còn có các bài viết về Oe Kenzaburo, Matsuo Basho...

Các bài nghiên cứu từ góc độ thể loại cũng chiếm một số lượng không nhỏ trên các tạp chí. Cụ thể là: Đôi điều về thơ Nhật Bản - Nguyễn Xuân Sanh (Tác phẩm mới số 4, 1992) [135]; Cảm nhận về thơ Haiku – Nhật Chiêu (Tác phẩm mới số 4, 1992) [136], Một số đặc điểm của thơ Haiku Nhật Bản – Hà Văn Lưỡng (Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á số 3, 2002)...

Bên cạnh những vấn đề trên còn có vấn đề so sánh loại hình văn học (những nét tương đồng và dị biệt) giữa văn học Việt Nam và văn học Nhật Bản, tiêu biểu là bài viết: So sánh quan niệm văn học trong văn học cổ Việt Nam và Nhật Bản của Đoàn Lê Giang (1997) [52]. Trên cơ sở đó, Đoàn Lê Giang còn đi sâu nghiên cứu các tác giả cụ thể qua bài Basho – Nguyễn Trãi – Nguyễn Du những hồn thơ đồng điệu (1997) [53]...

Nhìn chung, tình hình nghiên cứu văn học Nhật Bản của các tác giả Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể với những bài viết chất lượng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có cuốn giáo trình nào hoàn chỉnh về văn học Nhật Bản. Đó là một hạn chế cần được khắc phục để đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy văn học Nhật Bản ở nước ta.

4.2.1.2 Do hạn chế về tình hình nghiên cứu văn học Nhật Bản ở trong nước nên các bài viết của các tác giả nước ngoài đã được dịch sang tiếng Việt cũng được quan tâm nhiều hơn. Các bài nghiên cứu và sách của các tác giả nước ngoài viết về văn học Nhật Bản được dịch chủ yếu từ tiếng Nga và tiếng


Nhật. Tiêu biểu trong số này là toàn tập Lịch sử văn học Nhật Bản của tác giả Shuichi Kato [79] do Trần Hải Yến dịch. Cuốn Văn học Nhật Bản từ cổ đại đến cận đại của tác giả N.I.Konrat [87] cũng là một cuốn sách trình bày hệ thống tiến trình văn học Nhật Bản qua các thời kỳ và dừng lại ở thời kỳ cận đại. Ngoài ra là những bài nghiên cứu của các tác giả Kiwao Nomura, Makoto Ueda và Saeki Shoichi, Keito Matsui Gibson, Peter Metevelis, Tadao Sato, Oe Kenzaburo... in trong chuyên đề “Văn học Nhật Bản” của Viện thông tin khoa học xã hội [112].

4.2.2. Về Akutagawa

Với độc giả Việt Nam, cái tên Akutagawa còn khá mới mẻ bởi văn học Nhật Bản ở nước ta chưa được nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu. Vả lại, người ta chỉ chú ý đến những nhà văn Nhật đã đoạt giải Nobel văn học. Trong khi đó, ở Nhật Bản, Akutagawa là một trong những văn hào được quan tâm và đánh giá cao nhất. Có thể nói, nếu không có sự tiên phong của Akutagawa, nền văn học “xứ phù tang” sẽ không có sự toả sáng với hai giải Nobel dành cho Yasunari Kawabata (1968) và Oe Kenzaburo (1994). Bởi vậy, toàn tập tác phẩm của ông đã được tái bản tới ba lần vào những năm 40, 50. Bên cạnh đó là nhiều công trình nghiên cứu dành cho ông. Nhiều truyện của ông đã được dịch ra các thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Tây Ba Nha, Italia...

Trong số những tài liệu tham khảo về Akutagawa, tác giả luận văn đặc biệt chú ý đến những bài nghiên cứu về truyện ngắn của ông. Trước hết là bài viết Một đôi nét về Akutagawa và truyện ngắn của ông được in thay cho lời kết của cuốn Akutagawa – Tuyển tập truyện ngắn của dịch giả Phong Vũ [1]. ở đó, Phong Vũ nhấn mạnh: “Akutagawa được coi là một bậc thầy ưu tú của truyện ngắn... Trong cuộc đời văn học ngắn ngủi của mình, ông đã tìm tòi không mệt mỏi, đã vật lộn khá gay go quyết liệt để tự vượt lên chính mình, tìm cho mình một tiếng nói nghệ thuật chân chính, độc đáo” [1,345]. Và điểm

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/12/2023