Rào cản phi thuế quan đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam - 25



giữa các chủng loại sản phẩm... Chính vì vậy, các doanh nghiệp có tính chuyên môn hoá cao hơn và mức độ hợp tác cũng cần phải phát triển ở mức độ mang tính chiến lược dài hạn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp da giày cũng cần nghiên cứu và triển khai ứng dụng mô hình quản lý tiên tiến, hiện đại, tinh giản bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả điều hành trong doanh nghiệp, ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ thiết kế giầy dép, đội ngũ cán bộ kinh doanh giỏi về marketing và xuất nhập khẩu. Những hướng đi này sẽ không chỉ làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn hướng tới những mặt hàng có giá trị cao hơn, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường ngay từ khâu nguyên liệu và sản xuất, loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn của các rào cản kỹ thuật.

- Đối với ngành Thủy sản:

Thuỷ sản có nhiều nét đặc trưng khác biệt so với dệt may và da giày trong việc phân bổ nguồn lực nhằm vượt qua các rào cản phi thuế quan do phần lớn các khâu tạo ra giá trị của sản phẩm được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam (ngoại trừ một phần nguyên liệu thuỷ sản nhập ngoại để chế biến xuất khẩu). Để đảm bảo một chất lượng toàn diện, thoả mãn những yêu cầu khắt khe nhất của các thị trường nhập khẩu, các doanh nghiệp thuỷ sản cần tiếp tục đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, cơ giới hoá và tự động hoá dây chuyền chế biến, đẩy mạnh việc liên kết hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành ngành chế biến thuỷ sản để tiếp cận nền công nghiệp chế biến hiện đại của thế giới. Công tác nghiên cứu, phát triển và đổi mới sản phẩm, mở rộng chủng loại các mặt hàng thuỷ sản chế biến có giá trị gia tăng cao, hàng phối chế, hàng ăn liền cần phải được chú trọng nhằm đạt tỷ trọng 60 - 65% sản phẩm giá trị gia tăng trong cơ cấu giá trị xuất khẩu thuỷ sản. Nâng cao năng lực kiểm nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện sớm dư lượng kháng sinh, hoá chất trong nguyên liệu, có biên pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là nguồn nguyên liệu nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ chất lượng nguồn nguyên liệu. Các doanh nghiệp thuỷ sản cũng cần góp phần tích cực và chủ động hơn trong việc nghiên cứu và triển khai ứng ứng dụng công nghệ sản xuất giống chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh tốt. Ưu tiên nhập công nghệ sản xuất giống thuỷ sản các loài có giá trị, phục vụ cho xuất khẩu. Một giải pháp quản lý khác cần được phát huy là đa dạng hoá thị trường thực hiện nguyên tắc



phân tán rủi ro. Khi một thị trường có quá nhiều quy định chặt chẽ thì sẽ phải tìm hướng phát triển sang các thị trường khác.

3.5 Một số kiến nghị về xây dựng và sử dụng rào cản ở Việt Nam

Trước hết cần phải khẳng định chúng ta sẽ tiến hành xây dựng và áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định pháp lý nhằm phục vụ chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam phù hợp với vị thế của mình trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Các tiêu chuẩn và quy định này có thể trở thành rào cản khi cần thiết. Chính vì vậy, trong khuôn khổ phần này, chỉ nghiên cứu các tiêu chuẩn kỹ thuật và các biện pháp pháp lý dưới góc độ là các rào cản phi thuế quan của Việt Nam nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, phù hợp với các quy định của WTO. Bản thân việc xây dựng và sử dụng rào cản trong TMQT hoàn toàn không đi ngược lại với xu hướng tự do hoá thương mại và công bằng trong TMQT nếu chúng dựa trên các cơ sở khoa học chứng tỏ các biện pháp được áp dụng là phù hợp, ở mức cho phép.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 224 trang tài liệu này.

Ngày 4 tháng 4 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 46/2000/QĐ-TTg về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001-2005. Chính phủ đã ban hành các Quy định chung và một số Quy định riêng về quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, danh mục các hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được phân thành 4 loại là: Hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Thương mại; Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành; và Quy định riêng đối với xuất khẩu, nhập khẩu gỗ và sản phẩm đồ gỗ, xuất khẩu hàng dệt may vào những thị trường theo hạn ngạch, xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón, nhập khẩu xăng dầu, nhiên liệu, nhập khẩu linh kiện lắp ráp ô tô và xe 2 bánh gắn máy, về quản lý phế thải, phế liệu. Để thực hiện Quy định 46/2001/QĐ-TTg, Chính phủ giao cho Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thuỷ sản, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục bưu điện (nay là Bộ Bưu chính Viễn thông), Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Y tế, Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện. Đến nay, hầu hết các tiêu chuẩn kỹ thuật đã được xây dựng và áp dụng một cách phân tán theo các quy định trong thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan.


Rào cản phi thuế quan đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam - 25


Tuy nhiên, trong quá trình thực thi cho thấy tính hiệu lực và hiệu quả của các quy định còn hạn chế cần phải khắc phục đó là:

+ Danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu chưa cụ thể và chi tiết, chưa được tập hợp thành một văn bản pháp luật về hàng hoá cấm nhập khẩu. Chính sự không rõ ràng và chồng chéo đã dẫn tới sự mâu thuẫn giữa các quyết định của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giải quyết một vụ việc (ví dụ nhập khẩu sắt thép, phế liệu). Chi tiết hoá danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu để hải quan và các cơ quan có chức năng về kiểm tra, kiểm soát thị trường có thể ngăn chặn được các hàng hoá nguy hại xâm nhập vào thị trường nội địa, đặc biệt là bằng con đường nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới. Danh mục các loại hoá chất độc hại cần được quy định cụ thể đến tên khoa học của từng loại hoá chất để cơ quan hải quan và quản lý thị trường có thể tra cứu và thực hiện. Nghiên cứu, bổ sung diện mặt hàng phải áp dụng hạn ngạch thuế quan thay cho việc phải xin giấy nhập khẩu (mà thực chất là không cấp phép) để bảo hộ hợp lý, có chọn lọc và có thời hạn đối với một số sản phẩm, áp dụng thuế tuyệt đối và tuyệt đối thay thế để hạn chế gian lận thương mại và nhằm thực hiện quy định quốc tế về tính trị giá hải quan.

+ Cần xây dựng điều kiện kỹ thuật rất chặt chẽ ở mức độ cao để hàng hoá đã qua sử dụng rất khó có thể xâm nhập được vào thị trường Việt Nam mà không vi phạm các quy định của quốc tế. Trường hợp tiếp tục để ở danh mục hàng cấm nhập khẩu thì cần nêu rõ mục đích cấm là vì vấn đề môi trường, sức khoẻ hoặc vì những lí do rõ ràng khác.

+ Cần đổi mới biện pháp quản lý đối với hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành từ quản lý bằng giấy phép nhập khẩu, giấy phép khảo nghiệm, chỉ định doanh nghiệp được phép nhập khẩu, đăng ký lưu hành sang quản lý theo các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành khác. Đặc biệt, cần chú trọng đến các quy định về quy trình và phương pháp sản xuất, các biện pháp kiểm dịch động thực vật và các tiêu chuẩn, quy định đối với sản phẩm; nhãn mác sinh thái, chứng chỉ về xuất xứ sản phẩm. Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hoá, sản phẩm và các quy định về môi trường (nhãn mác sinh thái, bao bì phế thải và tái chế bao bì.). Khi mà kinh phí của Nhà nước đầu tư cho



công tác xây dựng tiêu chuẩn còn có hạn thì cần tăng cường cho công tác nghiên cứu để công nhận hợp chuẩn. Có thể lấy các tiêu chuẩn của châu Âu đối với hàng nông sản, thực phẩm và tiêu chuẩn khu vực ASEAN đối với tiêu chuẩn máy móc, thiết bị để hạn chế các hàng hoá có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và động thực vật khó có khả năng xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

+ Xây dựng cơ chế phối hợp và điều phối tập trung thống nhất, có hiệu quả để tránh sự chồng chéo hoặc bỏ sót. Từ thực tiễn đã cho thấy có những hàng hoá vừa là thực phẩm lại vừa là dược phẩm (trà giảm béo, sâm tươi và khô các loại.), có những hàng hoá bị cấm sử dụng cho những mục đích xác định (cấm sử dụng hàn the cho chế biến thực phẩm nhưng lại cần cho các ngành công nghiệp). Vì vậy nếu không có sự phân công và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước thì dễ dẫn tới hiện tượng bỏ sót. Sớm thành lập bộ phận quản lý chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu thuộc Bộ Thương mại để thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu.

+ Tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị của các cơ quan quản lý tại cửa khẩu đi đôi với việc xây dựng quy định về cửa khẩu thông quan. Đây là biện pháp chỉ định cửa khẩu thông quan đối với một số sản phẩm hàng hoá (với lý do cửa khẩu khác chưa có điều kiện kiểm tra). Biện pháp này WTO không cấm, các nước khác trên thế giới thường sử dụng.

Bên cạnh các tiêu chuẩn kỹ thuật, cần nâng cao khả năng áp dụng và triển khai thực hiện Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 29/4/2004. Đây là cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp tự vệ và đối kháng thương mại khi cần thiết. Tuy nhiên, hiện thiếu các quy định cụ thể và chi tiết để có thể triển khai trong thực tiễn. Trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn chỉnh các quy định, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để thực hiện pháp lệnh này. Bên cạnh đó, cần sớm triển khai bổ sung các văn bản pháp luật để áp dụng thuế đối kháng, thuế theo mùa vụ, v.v.

3.6 Điều kiện thực hiện các giải pháp

Để các giải pháp trên đây mang tính khả thi, có bốn điều kiện mang tính kiên quyết đảm bảo hiệu quả:


182



Thứ nhất, sự cam kết chặt chẽ của các lãnh đạo các cấp. Chính phủ cần thể hiện sâu sắc hơn vai trò định hướng và hỗ trợ của mình đối với phát triển kinh tế. Những cam kết của lãnh đạo cấp cao về cải thiện cơ sở hạ tầng, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, hỗ trợ về mặt bằng kinh doanh, giải quyết các vấn đề xã hội đối với người lao động cần phải được thực hiện với một quyết tâm cao hơn và một lộ trình rõ ràng hơn. Trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao và cộng đồng doanh nghiệp sẽ không chỉ làm cho sự chỉ đạo của Chính phủ sâu sát hơn mà còn nâng cao lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với Chính phủ.

Thứ hai, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Doanh nghiệp là nhân tố quyết định sự thành công của các giải pháp. Ngay cả khi môi trường kinh doanh thuận lợi thì chính các doanh nghiệp mới là người tạo ra sức mạnh để vượt qua các rào cản. Chính vì vậy, tinh thần đoàn kết nội bộ tạo sức mạnh tổng hợp có ý nghĩa quan trọng không kém so với nỗ lực cá nhân của từng doanh nghiệp. Hình ảnh của cây đũa và bó đũa trong tiềm thức văn hoá Việt cần được tái khẳng định trong ý thức kinh doanh của các doanh nhân Việt nam.

Thứ ba, sự ổn định của môi trường kinh tế xã hội. Một nền chính trị ổn định với các chính sách rõ ràng và mang tính chiến lược là đặc biệt cần thiết. Tuy nhiên ổn định cần được phân biệt rõ ràng so với trì trệ. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội, xoá đói giảm nghèo sẽ giúp cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh với chi phí thấp nhất. Sự khôn khéo và kiên định của Chính phủ trong đường lối kinh tế đối ngoại và ngoại giao sẽ làm nền tảng đảm bảo an toàn cho kinh doanh của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Thứ tư, Nguồn kinh phí thích hợp. Các giải pháp bao giờ cũng gắn liền với nguồn tài chính để thực hiện chúng. Chi phí cho những hoạt động nói trên cần được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, tuỳ thuộc vào tính chất của chúng. Nguyên tắc chung là hàng hoá công cộng nên do Chính phủ chi trả (có thể do các doanh nghiệp tư nhân cung cấp), còn lại các hàng hoá và dịch vụ khác, nên hoàn toàn do khu vực tư nhân đảm nhiệm. Trong khuôn khổ của Luận án rất khó có thể đưa ra một con số cụ thể cho tất cả các hoạt động. Mỗi một giải pháp đòi hỏi phải có một kế hoạch thực hiện thật chi tiết hơn để có thể đưa chúng vào cuộc sống.



***


Sau khi tổng kết các định hướng cơ bản về mặt hàng và thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới trong đề án phát triển xuất khẩu, luận án đã khẳng định các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU vẫn sẽ là những thị trường xuất khẩu chiến lược với những mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, thuỷ sản. Hệ thống các rào cản phi thuế quan vẫn sẽ là những trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp và hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trên các thị trường này khi mà các thị trường nhập khẩu vẫn sẽ tiếp tục duy trì các rào cản này vì những lợi ích quốc gia.

Chính vì vậy, Chính phủ cần phải đóng một vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua các rào cản nói trên thông qua các hoạt động tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp từ xây dựng cơ sở hạ tầng tới đào tạo nguồn nhân lực. Các hoạt động hỗ trợ trực tiếp thông qua hệ thống đại diện thương mại cần có sự tăng trưởng vượt bậc về chất.

Hơn nữa, sự nỗ lực cố gắng của các doanh nghiệp trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế ISO, SA có ý nghĩa sống còn đối với việc vượt qua các rào cản của thị trường nhập khẩu. Và sự cam kết chặt chẽ của các cấp lãnh đạo cao nhất của chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết vượt qua các rào cản phi thuế quan trong tương lai.


KẾT LUẬN

Trong quá trình nghiên cứu, luận án đã cố gắng đạt đươc các mục tiêu đề ra thể hiện trong các nội dung của luận án. Trước hết, luận án đã làm rõ cơ sở lý luận và nội dung cơ bản của hệ thống rào cản phi thuế quan trong thương mại quốc tế, đi từ nguồn gốc tới bản chất và cơ chế tác động của các rào cản này. Luận án đã đưa ra cách phân loại mới đối với rào cản phi thuế quan thành các rào cản pháp lý và các rào cản kỹ thuật. Luận án cũng cho thấy tác động của rào cản phi thuế quan mang tính đa chiều cả tích cực và tiêu cực của chúng.

Trên cơ sở thu thập các số liệu từ nguồn thông tin thứ cấp và sơ cấp luận án đã tiến hành phân tích, đánh giá thực trạng năng lực vượt qua rào cản phi thuế quan của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Phần lớn các rào cản phi thuế quan đã đánh vào các điểm yếu của hàng hoá Việt Nam. Các nước nhập khẩu đã tìm hiểu và phân tích rất sâu sắc hàng hoá nhập khẩu nói chung và Việt Nam nói riêng trước khi đưa ra các rào cản phi thuế quan. các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và cố gắng trong việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Tuy vậy, những hạn chế về năng lực cạnh tranh về nguồn nguyên liệu, nhân lực, công nghệ của các doanh nghiệp đã làm cho xuất khẩu hàng hoá bị ảnh hưởng bởi các rào cản này. Những yếu kém trong tổ chức phối hợp công tư, phối hợp giữa các doanh nghiệp, vai trò hạn chế của các hiệp hội và các cơ quan Chính phủ đã làm giảm khả năng vượt rào của hàng hoá và các doanh nghiệp Việt Nam.

Trên cơ sở hệ thống lý luận và tình hình thực tiễn, luận án đã đề xuất một hệ thống giải pháp và các kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Với 09 kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước và 06 giải pháp đối với các doanh nghiệp, luận án cho thấy việc xây dựng năng lực vượt qua rào cản của các doanh nghiệp đòi hỏi phải có một sự phối hợp tổng thể và một tầm nhìn chiến lược. Các doanh nghiệp đơn lẻ không thể tự mình vượt qua các rào cản phi thuế quan. Chỉ có một quyết tâm thực sự, thể hiện qua những hành động cụ thể,



thiết thực của tất cả các bên liên quan mới tạo ra được một sức mạnh tổng hợp đối phó một cách có hiệu quả đối với các rào cản này.

Thông qua kết quả nghiên cứu, luận án mong muốn được đóng góp một phần nhỏ vào việc nâng cao năng lực vượt qua các rào cản trong thương mại quốc tế, thúc đảy xuất khẩu của hàng hoá Việt Nam. Đồng thời hy vọng công trình nghiên cứu này sẽ đáp ứng được các yêu cầu đề ra đối với một luận án tiến sỹ kinh tế. Mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng do trình độ và khả năng có hạn nên chắc chắn luận án còn có những thiếu sót nhất định, rất mong được sự góp ý của các thầy cô giáo và các bạn đồng nghiệp để luận án hoàn chỉnh hơn.

Nghiên cứu sinh xin được bày tỏ lời cám ơn sâu sắc tới các thầy hướng dẫn khoa học: PGS.TS Đinh Văn Thành và PGS.TS Hoàng Minh Đường, các Thầy cô giáo Khoa Kinh tế và kinh doanh quốc tế, Trường Đại học kinh tế Quốc dân, đặc biệt là GS. TS Đỗ Đức Bình, Trưởng Khoa; Ban Giám Hiệu, đồng nghiệp tại trường Đại học Ngoại thương, Ban Lãnh đạo và cán bộ Viện Sau Đại học, Đại học Kinh tế Quốc dân, các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn dệt may Việt Nam (VINATEX), Hiệp Hội Da giày Việt Nam, Hiệp hội Thuỷ sản, các công ty, viện..., các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, và gia đình đã giúp đỡ tôi hoàn thành luận án này.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 06/11/2022