- Cơ quan phúc thẩm sẽ họp kín;
- Việc tố tụng tại Cơ quan phúc thẩm phải được giữ bí mật;
- Các ý kiến của thành viên Cơ quan phúc thẩm trong phiên họp sẽ được ghi vào báo cáo của Cơ quan phúc thẩm nhưng không được ghi tên của thành viên đã nêu ý kiến đó;
- Cơ quan phúc thẩm sẽ đề cập đến từng vấn đề được nêu trong kháng cáo phúc thẩm;
- Các kết luận của Cơ quan phúc thẩm có thể giữ nguyên, sửa đổi hoặc huỷ bỏ các kết luận pháp lý, các phán quyết của Ban hội thẩm.
1.2.2. Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp của WTO [10], [23]
Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO là một yếu tố chủ đạo trong việc tạo ra sự an toàn và tính khả đoán cho hệ thống thương mại đa biên. Các thành viên nhận thức được rằng hệ thống này ra đời nhằm bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của các thành viên theo các hiệp định có liên quan, nhằm làm rõ những điều khoản hiện hành của những hiệp định đó phù hợp với tập quán giải thích công pháp quốc tế. Các khuyến nghị và quyết định của DSB không thể làm tăng hoặc giảm các quyền và nghĩa vụ được quy định trong các hiệp định có liên quan.
Là một cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, DSB hoạt động trước hết phải theo các nguyên tắc xuyên suốt và chỉ đạo mọi hoạt động của WTO. Đó là các nguyên tắc không phân biệt đối xử, nguyên tắc công khai và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, nguyên tắc bảo hộ thông qua thuế quan, nguyên tắc tiếp cận thị trường, nguyên tắc bảo hộ phòng ngừa bất trắc. Các nguyên tắc này đóng vai trò quyết định trong việc duy trì hoạt động thương mại quốc tế thuận lợi, rõ ràng, hiệu quả cũng như tạo ra sự công bằng trong giao thương quốc tế, đảm bảo quyền bình đẳng giữa nước giàu và nước nghèo, giữa các nước phát triển, đang phát triển và chậm phát triển. Đồng thời, các nguyên tắc này cũng là căn cứ để WTO giải quyết các tranh chấp giữa các nước thành viên.
Có thể bạn quan tâm!
- Các nước đang phát triển với cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức thương mại thế giới - 2
- Những Hạn Chế Của Cơ Chế Giải Quyết Tranh Chấp Của Gatt Và Sự Cần Thiết Ra Đời Một Cơ Chế Giải Quyết Tranh Chấp Thiết Thực Và Hữu Hiệu - Cơ
- Cơ Quan Và Nguyên Tắc Giải Quyết Tranh Chấp Của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới
- Giai Đoạn Thi Hành Phán Quyết Và Khuyến Nghị
- Vị Trí Của Các Nước Đang Phát Triển Trong Wto
- Giải Quyết Tranh Chấp Của Các Nước Đang Phát Triển Theo Cơ Chế Giải Quyết Tranh Chấp Của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới
Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.
Ngoài các nguyên tắc chung nói trên, khi giải quyết tranh chấp, DSB dựa trên những nguyên tắc sau:
Thứ nhất, nguyên tắc bình đẳng giữa các nước thành viên tranh chấp. Theo nguyên tắc này các nước thành viên tranh chấp dù là nước lớn hay nhỏ, phát triển, hay chậm phát triển đều bình đẳng như nhau trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh. Nguyên tắc này chi phối tất cả các giai đoạn của quá trình giải quyết tranh chấp; bình đẳng khi tham vấn, bình đẳng khi đưa tranh chấp ra Ban hội thẩm, trong quá trình kháng cáo, khi thi hành khuyến nghị, phán quyết của DSB. Việc giải quyết nhanh chóng các tranh chấp giữa các thành viên là yếu tố cốt lõi quyết định hiệu quả của WTO.
Nguyên tắc bình đẳng cũng chi phối hoạt động của các hội thẩm viên, các thành viên Cơ quan phúc thẩm. Trong quá trình hoạt động giải quyết tranh chấp các hội thẩm viên, các thành viên của Cơ quan phúc thẩm hoàn toàn bình đẳng ngang nhau trong việc đưa ra ý kiến, quan điểm về các vấn đề cần giải quyết.
Thứ hai, nguyên tắc bí mật. Các cuộc họp của Ban hội thẩm, của Cơ quan phúc thẩm là các cuộc họp kín, không công khai, các bên tranh chấp chỉ được mời tham dự khi cần thiết. Như vậy, nội dung các cuộc họp của Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm là bí mật đối với các nước thành viên thứ ba. Nguyên tắc bí mật phần nào cũng thể hiện trong giai đoạn tham vấn, đó là nội dung tham vấn giữa các nước thành viên tranh chấp không được thông báo cho các nước thành viên WTO biết.
Thứ ba, nguyên tắc "đồng thuận phủ quyết" (hay "đồng thuận nghịch"). Theo Điều 2.4: "Khi những quy tắc và thủ tục của Thỏa thuận này quy định DSB phải ra quyết định, thì việc ra quyết định này sẽ được tiến hành trên cơ sở đồng thuận"; Điều 6.1, Điều 16.4 và Điều 17.14, việc ra quyết định thành lập Ban hội thẩm, thông qua các báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm đều dựa trên nguyên tắc đồng thuận phủ quyết (hay đồng thuận nghịch), nghĩa là, trong mọi trường hợp, Ban hội thẩm sẽ được thành lập để giải quyết tranh chấp và các Báo cáo của Ban hội thẩm, của Cơ quan phúc thẩm sẽ được thông qua, trừ khi DSB quyết
định trên cơ sở đồng thuận không thành lập Ban hội thẩm hay không thông qua các báo cáo này.
Điều này dẫn tới việc hầu như Ban hội thẩm được thành lập một cách tự động khi có yêu cầu bằng văn bản của nguyên đơn và các báo cáo cũng được thông qua một cách tự động.
Thứ tư, nguyên tắc đối xử ưu đãi đối với các nước thành viên đang phát triển và chậm phát triển nhất. Việc đối xử ưu đãi với các nước đang phát triển chỉ thể hiện ở chỗ Ban thư ký dành hỗ trợ về mặt pháp lý cho các nước này, có thể kéo dài một số thời hạn trong quá trình giải quyết tranh chấp, quyền lợi và tình hình kinh tế của các nước này sẽ được chú ý tới trong các giai đoạn của quá trình giải quyết tranh chấp.
1.3. THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI
Thủ tục giải quyết tranh chấp theo cơ chế của WTO được quy định chủ yếu trong Thoả thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp (DSU), đây là một tài liệu pháp lý quan trọng trong tất cả các phụ lục, hiệp định và thoả thuận mà bất kỳ nước thành viên WTO nào cũng phải cam kết tham gia và thực hiện, mặc dù DSU không được gọi là hiệp định. DSU được đưa vào Hiệp định thành lập WTO với tư cách là Phụ lục 2 của Hiệp định Marrakesh thành lập WTO, được xây dựng trên cơ sở các quy định và thực tiễn của GATT với những sửa đổi thích hợp để các quy định này được áp dụng một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Điều Điều 3. 1 của DSU quy định: "Các nước thành viên khẳng định việc tuân theo những nguyên tắc giải quyết tranh chấp từ trước tới nay được áp dụng theo Điều XXII và XXIII của GATT 1947, và những quy tắc và thủ tục được tiếp tục sửa đổi bổ sung trong thoả thuận này". Như vậy, DSU cũng quy định 03 căn cứ khởi kiện giống như Điều XXIII của GATT:
- Khi có một biện pháp của một nước vi phạm một hiệp định;
- Khi có một biện pháp xâm hại quyền lợi của nước khác nhưng không có vi phạm hiệp định nào; và
- Khi có các tình huống bất kỳ đem lại thiệt hại về quyền lợi.
Thủ tục giải quyết tranh chấp theo cơ chế của WTO thường trải qua các giai đoạn: tham vấn và hoà giải, giải quyết tranh chấp tại Ban hội thẩm, kháng cáo và phúc thẩm, thi hành phán quyết và khuyến nghị. Tuy nhiên, không phải bất kỳ tranh chấp nào cũng đều phải trải qua tất cả các giai đoạn này. Tuỳ thuộc vào nội dung của tranh chấp, tính chất phức tạp của tranh chấp, thiện chí của các bên mà một tranh chấp có thể được giải quyết tại giai đoạn tham vấn và hoà giải, hoặc tại giai đoạn hội thẩm.
1.3.1. Giai đoạn tham vấn và hòa giải
Khi có một tranh chấp phát sinh, nếu như nước thành viên có quyền lợi bị vi phạm lựa chọn việc giải quyết thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO thì thủ tục đầu tiên được tiến hành là tham vấn. Tham vấn chính là việc các bên tranh chấp tiến hành đàm phán với nhau để đưa ra một thoả thuận thống nhất về việc giải quyết tranh chấp. Đây là thủ tục bắt buộc đối với các bên tranh chấp trước khi thành lập Ban hội thẩm, mục đích là tạo điều kiện để các bên chủ động tìm kiếm những giải pháp mang tính chất xây dựng, cùng có lợi cho cả đôi bên và nhanh chóng giải quyết xung đột. Các giải pháp đạt được trong giai đoạn này phải phù hợp với các Hiệp định của WTO và sẽ không được làm vô hiệu hay suy giảm những lợi ích của các thành viên hay cản trở việc đạt được bất kỳ mục tiêu nào của Hiệp định WTO. Như vậy quy định này đã hạn chế được ảnh hưởng của quyền lực chính trị trong việc tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp, đồng thời tăng cường tính khả đoán và minh bạch cho hệ thống thương mại quốc tế.
Bước đầu tiên trong giai đoạn tham vấn là khi một nước thành viên của WTO thấy một nước thành viên khác tiến hành một hay một số hành vi thương mại trái với các quy định của Hiệp định hay Thoả thuận của WTO, gây thiệt hại cho mình thì nước khiếu nại yêu cầu nước bị khiếu nại tiến hành tham vấn với mình. Điều 4.4 của DSU chỉ ra: "Tất cả những yêu cầu tham vấn như vậy sẽ được thành viên yêu cầu tham vấn thông báo cho DSB, các Hội đồng và Ủy ban liên quan. Bất cứ yêu cầu tham vấn nào cũng sẽ được đệ trình lên bằng văn bản và sẽ phải đưa ra lý do yêu
cầu, kể cả việc xác định mức độ của vấn đề và chỉ ra cơ sở pháp lý cho việc khiếu kiện".
Trong yêu cầu tham vấn, nước khiếu nại phải thể hiện rõ biện pháp để tiến hành tham vấn, cơ sở pháp lý để nước khiếu nại có quyền yêu cầu tham vấn (không đáp ứng yêu cầu này, thành viên yêu cầu tham vấn sẽ mất quyền được lập Ban hội thẩm để giải quyết tranh chấp nếu tham vấn không thành công).
Quá trình tham vấn phải được giữ bí mật, và không được gây phương hại đến quyền của bất kỳ thành viên nào trong bất kỳ một quy trình tố tụng tiếp theo nào.
Thời hạn của thủ tục tham vấn đã được đưa ra trong Điều 4.3 của DSU: "Nếu có yêu cầu tham vấn theo quy định của hiệp định có liên quan, thành viên được yêu cầu, trừ khi có thỏa thuận khác, sẽ trả lời yêu cầu này trong vòng 10 ngày sau ngày nhận được yêu cầu và sẽ tiến hành tham vấn một cách thiện chí trong thời hạn không quá 30 ngày sau ngày nhận được yêu cầu với quan điểm cố gắng đạt được giải pháp thỏa đáng cho các bên. Nếu thành viên này không trả lời trong thời hạn 10 ngày sau ngày nhận được yêu cầu, hoặc không tiến hành tham vấn trong thời hạn không quá 30 ngày, hoặc một thời hạn khác được các bên thỏa thuận, sau ngày nhận được yêu cầu, khi đó thành viên đã yêu cầu tham vấn có thể trực tiếp yêu cầu thành lập Ban hội thẩm".
Nếu tham vấn không giải quyết được tranh chấp trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn, bên nguyên đơn có thể yêu cầu lập Ban hội thẩm. Bên nguyên đơn có thể yêu cầu thành lập Ban hội thẩm trong thời hạn 60 ngày nói trên nếu các bên tham vấn cùng cho rằng việc tham vấn không giải quyết được tranh chấp.
Trong trường hợp khẩn cấp, kể cả những trường hợp có liên quan đến hàng dễ hỏng, các thành viên phải tiến hành tham vấn trong khoảng thời gian không quá 10 ngày sau khi nhận được yêu cầu. Nếu việc tham vấn không giải quyết được tranh chấp trong thời hạn 30 ngày sau ngày nhận được yêu cầu, bên nguyên đơn có thể yêu cầu thành lập Ban hội thẩm. Trong trường hợp này, các bên có tranh chấp, Ban
hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm sẽ thường xuyên có những nỗ lực để đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp đến mức độ tối đa có thể.
Khi một thành viên ngoài các thành viên tham vấn cho rằng họ có "lợi ích thương mại đáng kể" trong quá trình tham vấn đang được tiến hành phù hợp với đoạn 1 Điều XXII của GATT 1994, đoạn 1 Điều 22 của GATS hoặc các điều khoản tương ứng trong các hiệp định có liên quan khác. Thành viên này có thể thông báo cho các thành viên tham vấn và DSB về nguyện vọng muốn được tham gia vào thủ tục tham vấn trong vòng 10 ngày sau ngày nhận được yêu cầu tham vấn theo điều vừa nêu. Thành viên đó sẽ được tham gia vào việc tham vấn với điều kiện là thành viên nhận được yêu cầu tham vấn đồng ý rằng yêu cầu về lợi ích đó là có căn cứ xác đáng. Trong trường hợp đó, các thành viên sẽ phải thông báo cho DSB. Nếu yêu cầu tham gia vào việc tham vấn không được chấp thuận, thì thành viên nộp đơn sẽ được tự do yêu cầu tham vấn theo đoạn 1 Điều XXII hoặc đoạn 1 Điều XXIII của GATT 1994, đoạn 1 Điều 22 hoặc đoạn 1 Điều 23 của GATS, hoặc những điều khoản tương ứng trong các hiệp định có liên quan khác.
Trong khi tham vấn, các thành viên phải đặc biệt chú ý đến những vấn đề cụ thể và quyền lợi của các thành viên là các nước đang phát triển.
Có thể thấy rằng, tham vấn là một biện pháp giải quyết tranh chấp đã có từ lâu trong luật quốc tế, là một biện pháp trong nhóm các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng đàm phán thương lượng. Trong WTO, việc tiếp tục sử dụng biện pháp tham vấn đã gắn liền với các mốc thời gian cụ thể cho từng trường hợp qua đó nhằm đảm bảo quá trình giải quyết tranh chấp không bị kéo dài. Vì vậy, cùng với việc hạn chế các tác động của quyền lực chính trị trong thủ tục tham vấn, thủ tục này đã góp phần tích cực cho hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO. Điều đó được thể hiện thông qua một số lượng khá lớn các vụ việc đã được giải quyết xong trong giai đoạn này. Nếu trong giai đoạn tham vấn, các nước tranh chấp thống nhất được giải pháp cho vụ tranh chấp thì tranh chấp đã được giải quyết. Nếu các nước tranh chấp không thoả thuận được giải pháp thoả đáng cho vụ tranh chấp, thì việc giải quyết tranh chấp sẽ được tiến hành ở bước tiếp theo tại Ban hội thẩm.
Ngoài ra, để khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, hiệu quả và tránh sự đối đầu giữa các thành viên, theo quy định của DSU các nước tranh chấp có thể sử dụng biện pháp môi giới, hoà giải hoặc trung gian vào bất cứ thời điểm nào trong quá trình tố tụng. Việc sử dụng biện pháp này là do các bên hoàn toàn tự nguyện và được tiến hành không công khai để đảm bảo tính bí mật. Biện pháp môi giới, hoà giải hoặc trung gian không làm phương hại đến quyền tiến hành các bước tố tụng khác và các nước tranh chấp có thể tuyên bố chấm dứt biện pháp này vào bất cứ lúc nào.
Điều 5 của DSU quy định:
"1. Môi giới, hòa giải và trung gian là những thủ tục tự nguyện tiến hành, nếu các bên tranh chấp đồng ý như vậy.
2. Việc tố tụng theo trình tự môi giới, hòa giải và trung gian, và đặc biệt là quan điểm của các bên tranh chấp trong trình tự này sẽ được giữ bí mật và không làm phương hại đến quyền của bất cứ bên nào đối với những thủ tục tố tụng tiếp theo những thủ tục này.
3. Bất cứ bên tranh chấp nào đều có thể yêu cầu môi giới, hòa giải hoặc trung gian vào bất cứ lúc nào. Những thủ tục này có thể được bắt đầu và chấm dứt vào bất kỳ thời điểm nào. Một khi những thủ tục này đã chấm dứt, bên nguyên đơn
có thể yêu cầu thành lập Ban hội thẩm.
4. Khi thủ tục môi giới, hòa giải hoặc trung gian được thực hiện trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn, bên nguyên đơn phải để một thời hạn là 60 ngày kể từ ngày nhân được yêu cầu tham vấn trước khi yêu cầu thành lập Ban hội thẩm. Bên nguyên đơn có thể yêu cầu thành lập Ban hội thẩm trong thời hạn 60 ngày nếu các bên có tranh chấp cùng cho rằng môi giới, hoà giải hoặc trung gian không thể giải quyết được tranh chấp.
5. Nếu các bên tranh chấp đồng ý, thì thủ tục môi giới, hòa giải hoặc trung gian có thể được tiếp tục ngay cả khi Ban hội thẩm tiến hành tố tụng.
6. Tổng Giám đốc có thể, trong phạm vi khả năng của mình, đưa ra sáng kiến về việc mình sẽ làm người môi giới, người hòa giải hoặc trung gian nhằm giúp các thành viên giải quyết tranh chấp".
1.3.2. Giai đoạn giải quyết tranh chấp tại Ban hội thẩm
Vì thủ tục tham vấn là bắt buộc nên chỉ sau khi đã tuân thủ giai đoạn tham vấn, nước khiếu nại mới có quyền yêu cầu thành lập Ban hội thẩm. Theo đó các bên tranh chấp có thể yêu cầu thành lập Ban hội thẩm (bằng văn bản) trong những trường hợp:
- Thành viên được yêu cầu tham vấn không trả lời yêu cầu này trong vòng 10 ngày (hoặc một thời hạn khác do các bên thoả thuận), thì thành viên đã yêu cầu tham vấn có thể đề nghị thành lập Ban hội thẩm, (Điều 4.3 DSU);
- Thành viên được yêu cầu tham vấn không tham gia vào quá trình tham vấn trong thời hạn 30 ngày (hoặc một thời hạn khác do các bên thoả thuận), thì thành viên đã yêu cầu tham vấn có thể đề nghị thành lập Ban hội thẩm, (Điều 4.3 DSU);
- Nếu tham vấn không giải quyết được tranh chấp trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn, bên nguyên đơn có thể yêu cầu thành lập Ban hội thẩm, (Điều 4.7 DSU);
- Ban hội thẩm có thể được thành lập trong thời hạn 60 ngày nói trên nếu các bên tham vấn cùng nhất trí rằng việc tham vấn không giải quyết được tranh chấp, (Điều 4.7 DSU);
- Trong trường hợp khẩn cấp, kể cả những trường hợp có liên quan đến hàng dễ hỏng, các thành viên phải tiến hành tham vấn trong khoảng thời gian không quá 10 ngày sau khi nhận được yêu cầu. Nếu việc tham vấn không giải quyết được tranh chấp trong thời hạn 20 ngày sau ngày nhận được yêu cầu, bên nguyên đơn có thể yêu cầu thành lập Ban hội thẩm, (Điều 4.8 DSU).
Thủ tục tố tụng tại Ban hội thẩm là giai đoạn thứ hai của tiến trình giải quyết tranh chấp theo cơ chế của WTO và khi có yêu cầu thành lập Ban hội thẩm của nước khiếu nại, DSB sẽ nhóm họp để xem xét yêu cầu này. Ban hội thẩm sẽ được thành lập vào phiên họp tiếp theo của DSB, trừ khi DSB quyết định trên cơ sở nhất trí không thành lập Ban hội thẩm.