Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất theo pháp luật Việt Nam hiện nay - 2

MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của đề tài

Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bổ các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng1. Ngay từ xa xưa, con người đã nhận biết được tầm quan trọng đặc biệt của đất đai. W. Petty - nhà kinh tế học người Anh đã khẳng định: “Lao động là cha, đất đai là mẹ tạo ra mọi của cải vật chất”. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: “Của báu của một quốc gia không gì ngoài đất đai. Tất cả của cải, nhân dân từ đó mà sinh ra”

… Với một nước nông nghiệp có nghề trồng lúa nước truyền thống như Việt Nam thì đất đai có vị trí vô cùng quan trọng. Các nhà nước trong lịch sử luôn quan tâm đến vấn đề đất đai với chính sách lộc điền, chính sách quân điền thời nhà Lê Sơ, chính sách khẩn hoang thời nhà Trần, nhà Nguyễn … Kể từ khi ra đời, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng đến lĩnh vực đất đai và coi đó là vấn đề trọng yếu của cách mạng. Chính sách, pháp luật đất đai góp phần quan trọng vào những thành tựu phát triển đất nước. Qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới được khởi xướng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đến nay cho thấy việc coi trọng, bảo hộ quyền sở hữu tài sản của cá nhân là “chìa khóa” thành công chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện; đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội rất đỗi tự hào. Sự thay đổi tư duy về quản lý kinh tế của Đảng ta bắt đầu từ việc xác định, đề cao vai trò của hộ gia đình, cá nhân trong sản xuất nông nghiêp: Hộ gia đình, cá nhân là đơn vị kinh tế tự chủ trong nông nghiệp; thực hiện việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài; công nhận quyền sử dụng đất của người sử dụng đất nói chung và hộ gia đình, cá nhân nói riêng; cho phép họ được chuyển quyền sử dụng đất trong thời hạn giao đất …. Như vậy, nội hàm của quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân được mở rộng với những giá trị mới, nhận thức mới. Nó vượt qua khuôn khổ “chật hẹp” của quan niệm truyền thống là quyền khai thác, sử dụng các thuộc tính có ích của đất để mang lại giá trị vật chất cho con người. Quyền sử dụng đất được trị giá thành tiền đem ra trao đổi trên thị trường; được sử dụng làm tài sản đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự trong quan hệ vay vốn với các ngân hàng


1 Lời nói đầu của Luật Đất đai năm 1993

thương mại, tổ chức tín dụng và góp vốn liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư, sản xuất

- kinh doanh … Những nội dung này được quy định lần đầu tiên trong Luật Đất đai năm 1993 tạo cơ sở pháp lý ban đầu cho việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất có tổ chức ở nước ta. Chế định quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được kế thừa, bổ sung, hoàn thiện trong các đạo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1998, năm 2001; Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Để nâng cao tính khả thi của chế định quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong triển khai thực hiện; pháp luật đất đai có các quy định về bảo đảm quyền của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất; các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành bộc lộ những vướng mắc, trở ngại như chưa quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng sử dụng đất đối với phần đất là tài sản chung trong diện tích đất của hộ gia đình; chưa quy định rõ về quyền sử dụng đất của thành viên hộ gia đình là phụ nữ kết hôn, lấy chồng ở địa phương khác đối với đất giao cho hộ gia đình; khái niệm hộ gia đình, khái niệm hộ gia đình sử dụng đất quy định trong Luật Đất đai năm 2013 chưa phù hợp; một số quy định về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân chưa tương thích với quyền và nghĩa vụ của các chủ thể sử dụng đất khác như: i) Phạm vi góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân hẹp hơn so với tổ chức sử dụng đất; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN); ii) Đối tượng nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất hạn chế hơn so với đối tượng nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của tổ chức; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh; iii) Cơ chế xác định giá đất cụ thể làm căn cứ để tính bồi thường, hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng chưa phù hợp làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của hộ gia đình, cá nhân; iv) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp có vốn ĐTNN đã hạn chế việc tiếp cận nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp v.v. Cho dù tìm hiểu quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là đề tài mới và đã có một số công trình được công bố ở các phạm vi, mức độ khác nhau song với những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành như đã đề cập nêu trên thì lĩnh vực này vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu. Với ý nghĩa đó, nghiên cứu sinh (NCS) lựa chọn đề tài “Quyền và nghĩa vụ của hộ

gia đình, cá nhân sử dụng đất theo pháp luật Việt Nam hiện nay” làm luận án tiến sĩ luật học.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 178 trang tài liệu này.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

2.1. Mục đích nghiên cứu

Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất theo pháp luật Việt Nam hiện nay - 2

Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn của quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình sử dụng đất, của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Từ đó, nêu phương hướng và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật và thực hiện hiệu quả pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Khái quát cơ sở lý luận về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất theo pháp luật Việt Nam hiện nay, xây dựng khung lý thuyết về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là hộ gia đình và cá nhân trong thời gian tới.

- Nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất và rút ra những bài học thành công và chưa thành công để khuyến nghị đối với Việt Nam.

- Phân tích, đánh giá thực trạng các quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuộc hai nhóm đất: Nhóm đất nông nghiệp và nhóm đất phi nông nghiệp, đi sâu phân tích quyền và nghĩa vụ sử dụng đất nông nghiệp theo pháp luật Việt Nam hiện nay, nêu rõ kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập đó.

- Đề xuất quan điểm, phương hướng và giải pháp đổi mới và cơ chế thực hiện về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong hai nhóm đất: đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp, đồng thời có giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo xu hướng lành mạnh, minh bạch.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án khu trú vào các nội dung chủ yếu sau đây:

- Quan điểm, đường lối của Đảng về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai nói chung và các quy định về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nói riêng trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

- Các luận điểm khoa học, trường phái lý thuyết về hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất nói chung và quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nói riêng.

- Nội dung quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.

- Thực tiễn thi hành pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.

- Triết lý, cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng, thực hiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất v.v.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Quyền và nghĩa vụ của của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất theo pháp luật Việt Nam hiện nay là đề tài có phạm vi nghiên cứu rộng, liên quan đến quy định của nhiều đạo luật. Tuy nhiên, trong khuôn khổ có hạn của một bản luận án tiến sĩ luật học; luận án giới hạn phạm vi nghiên cứu vào một số nội dung cụ thể sau đây:

Phạm vi về nội dung: Luận án nghiên cứu các quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.

Theo đó, luận án nghiên cứu quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong hai nhóm: đất nông nghiệp và đất ở, tập trung nghiên cứu sâu hơn về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp, bởi vì lĩnh vực đất nông nghiệp còn nhiều bất cập, hạn chế cản trở phát triển kinh tế nông nghiệp, hạn chế tạo việc làm cho dân cư.

Phạm vi về thời gian: Phạm vi nghiên cứu về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được nghiên cứu là văn bản quy phạm pháp luật từ khi Luật Đất đai năm 2013 được ban hành đến nay. Trong phạm vi nhất định, luận án nghiên cứu các văn bản có liên quan được ban hành trước Luật Đất đai năm 2013.

Phạm vi về không gian: Phạm vi nghiên cứu về thực hiện Luận án về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất theo quy định pháp luật trong phạm vi toàn quốc.

4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Để đạt được mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu, luận án sử dụng các phương pháp chủ yếu sau đây:

Phương pháp luận nghiên cứu duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác - Lê nin nghiên cứu quyền tài sản nói chung, quyền và nghĩa vụ sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nói riêng, nguồn gốc, bản chất; quá trình hình thành và phát triển; phân tích đánh giá về quyền và nghĩa vụ pháp lý của hộ gia

đình và cá nhân trong mối quan hệ biện chứng với các quan hệ pháp lý khác và phải phân tích chúng trong bối cảnh lịch sử nhất định.

- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Còn gọi là phương pháp nghiên cứu tư liệu thứ cấp, được sử dụng để thu thập, phân tích và khai thác thông tin từ các nguồn có sẵn liên quan đến chủ đề của luận án; các văn kiện của Đảng, bản tổng kết đánh giá tình hình thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất qua số liệu của Bộ Tài Nguyên và Môi trường; của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và một số đề án, dự án phân tích tình hình thi hành Luật Đất đai của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB) Ngân hàng Tái thiết Châu Á (ADB).

- Phương pháp so sánh: Là một trong những phương pháp nghiên cứu quan trọng, được sử dụng ở nhiều nội dung của luận án, như nội dung về đặc điểm của hộ gia đình, cá nhân (nêu sự khác biệt giữa hộ gia đình và cá nhân với các chủ thể khác); so sánh, đối chiếu với các quốc gia khác; so sánh thay đổi chính sách, pháp luật đất đai và pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân qua các thời kỳ; so sánh nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật đất đai liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân, từ đó thấy được các quy định phù hợp và bất cập của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của họ.

- Phương pháp lịch sử: Phương pháp này được sử dụng nhiều ở Chương 2, trong các nội dung về lịch sử hình thành, phát triển của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở Việt Nam; đánh giá hiệu quả của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở Việt Nam ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình thực hiện ở Việt Nam.

- Phương pháp thống kê: Phương pháp này được sử dụng chủ yếu trong Chương 3 để làm sáng tỏ hơn những nhận định về thực trạng pháp luật, thực tiễn thực hiện pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở Việt Nam với các nội dung như việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở Việt Nam thông qua các tài liệu thứ cấp.

-Phương pháp quan sát: Phương pháp này được sử dụng để đưa ra những đánh giá, nhận xét về thực trạng thực hiện pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại Chương 3 của luận án. Trong quá trình thực hiện luận án, NCS đến một số địa phương, một số cơ quan nhà nước, hộ gia đình để quan sát hành vi của cán bộ có thẩm quyền và người sử dụng đất.

- Phương pháp phân tích chính sách: Đây là phương pháp không thể thiếu trong nghiên cứu hệ thống luật pháp, chính sách về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở Việt Nam hiện nay nhằm phân tích, so sánh mức độ đồng bộ hóa, tính phù hợp giữa luật pháp quốc gia với luật pháp quốc tế về vấn đề nghiên cứu, những khoảng trống hoặc sai sót cần khỏa lấp, các chủ thể chính và phối hợp trong giải pháp và chính sách can thiệp nhằm hoàn thiện hệ thống các quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất theo pháp luật Việt Nam hiện nay, nguồn lực và điều kiện thực hiện chính sách.

- Phương pháp đánh giá: Phương pháp này được sử dụng xuyên suốt toàn bộ các chương của luận án từ đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết của đề tài; đánh giá thực trạng pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất; đánh giá thực tiễn thi hành nhận diện những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân làm cơ sở đưa ra định hướng, giải pháp khắc phục.

- Phương pháp quy nạp: Phương pháp này được sử dụng chủ yếu tại Chương 4. Trên sở các kết quả nghiên cứu, đánh giá tại Chương 1, Chương 2, Chương 3; Luận án đưa ra định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất và nâng cao hiệu quả thi hành ở nước ta.

- Phương pháp hệ thống, liên ngành: Đây là phương pháp nghiên cứu đươc sử dụng phổ biến trong nghiên cứu khoa học mà nghiên cứu luật học không phải là một ngoại lệ. Phương pháp hệ thống, liên ngành được sử dụng để nghiên cứu quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn; nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển chế định pháp luật này. Luận án không chỉ nghiên cứu các quy định về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất của Luật Đất đai năm 2013 mà còn các quy định có liên quan của một số lĩnh vực pháp luật khác như pháp luật dân sự, pháp luật về thủ tục hành chính, pháp luật công chứng, chứng thực, pháp luật về tố tụng dân sự v.v

5. Những điểm mới của luận án

Hệ thống hóa, xây dựng cơ sở lý luận về hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và hội nhập kinh tế quốc tế.

Xác định bản chất, ý nghĩa, giá trị của các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong những giai đoạn lịch sử nhất định. NCS chứng minh rằng: Chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình có nguồn gốc sâu

xa, phong phú, đa dạng và phức tạp nhất trong các chủ thể sử dụng đất. Luận án làm rõ bản chất, đặc điểm và điều kiện để quyền sử dụng đất trở thành hàng hoá trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam.

NCS nghiên cứu các quy định về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất của một số quốc gia trên thế giới, so sánh với các quy định tương ứng của Việt Nam; trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm hợp lý khi ban hành và thực thi các quy định pháp luật đất đai dựa trên những nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế, theo đó quan trọng nhất là nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể sử dụng đất khi tham gia các quan hệ pháp luật đất đai.

Đánh giá đúng thực trạng pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất; trong đó, đặc biệt là những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong các quy định và thực hiện quyền và nghĩa vụ sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân sử dụng nhóm đất nông nghiệp. Từ đó, luận án đề xuất cơ chế bảo đảm thực hiện pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong cơ chế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

NCS đưa ra các cơ sở lý thuyết như thuyết vật quyền, trái quyền, lý thuyết luật công bằng, thuyết bằng chứng thực tế... để lý giải các vấn đề nghiên cứu đồng thời đề xuất các giải pháp để sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật đất đai hiện hành nhằm phát huy mọi nguồn lực từ đất đai của kinh tế hộ gia đình, cá nhân nhằm phát triển kinh tế, đặc biệt kinh tế nông nghiệp, mà trên đó địa vị pháp lý của hộ gia đình, cá nhân nông dân đóng vai trò quan trọng, bên cạnh các chủ thể khác gồm các giải pháp như: Giao đất, thuê đất; góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất thay bằng góp đất qua đó hạn chế việc thu hồi đất; quyền của chủ thể sử dụng trong việc hình thành các hợp tác xã kiểu mới theo quy mô lớn; tích tụ đất nông nghiệp, giải pháp về nghĩa vụ tài chính... Mục đích của Luận án là đưa ra các phương hướng, giải pháp để bảo vệ quyền tài sản về đất đai của hộ gia đình, cá nhân, đề xuất, kiến nghị Nhà nước lập các Đề án giải quyết ngay những vướng mắc trong thi hành luật đất đai hiện hành, trong khi chờ đợi Luật đất đai sửa đổi ví như: Đề án tích tụ đất nông nghiệp; Đề án cơ chế góp đất của hộ gia đình, cá nhân. Nguyên tắc chung của cơ chế này là Nhà nước khuyến khích các chủ đất cùng góp đất vào phát triển các khu dân cư mới hoặc chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu để tạo quỹ đất và kinh phí cho mục đích phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng…thay vì thu hồi đất như hiện nay.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

6.1. Ý nghĩa lý luận

Kết quả nghiên cứu của luận án mang lại những ý nghĩa lý luận sau:

- Khái quát về mặt lý luận các quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, một chế định cơ bản của pháp luật đất đai. Luận án nhấn mạnh, đây là một tư duy pháp lý quan trọng với việc Nhà nước công nhận quyền về tài sản của hộ gia đình, cá nhân trong lĩnh vực đất đai.

- Thông qua việc sử dụng hệ thống các phương pháp nghiên cứu, luận án khái quát những nguyên tắc cơ bản mà pháp luật của nhiều nước trên thế giới đang vận hành, theo đó có thể áp dụng đối với Việt Nam, đặc biệt là nguyên tắc bình đẳng của mọi chủ thể sử dụng đất về mặt quyền và nghĩa vụ pháp lý.

- Qua phân tích thực trạng pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, tác giả đề xuất những đổi mới tư duy lý luận về hộ gia đình trong mối quan hệ với quyền sử dụng đất trong thời đại công nghiệp 4.0 và mô hình nền kinh tế tuần hoàn theo xu thế phát triển của thế giới. Về mặt lý thuyết cần phải nghiên cứu, đánh giá và xây dựng khung chính sách, khung pháp luật phù hợp, nhằm giải quyết những thiếu sót, bất cập đang cản trở sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp trong nền kinh tế ở nước ta hiện nay.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

- Kết quả nghiên cứu của luận án là cơ sở giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách, pháp luật tiếp tục xây dựng, đổi mới tư duy trong quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.

- Đóng góp vào việc xây dựng khung lý thuyết về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở Việt Nam hiện nay và pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp, thúc đẩy quá trình tích tụ đất nông nghiệp làm gia tăng quyền của hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp để trở thành hộ kinh doanh nông nghiệp thông qua những cơ chế thị trường thích hợp.

- Đóng góp vào việc đổi mới quy trình, phương pháp quản lý nhà nước đối với quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nói chung và quyền sử dụng đất nông nghiệp nói riêng theo pháp luật Việt Nam hiện nay.

- Đóng góp vào sự phát triển của khoa học luật học, khoa học quản lý, chính sách công, quản trị công để triển khai các mô hình liên doanh, liên kết giữa các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất với nhau hoặc với các chủ thể khác để phát triển

Xem tất cả 178 trang.

Ngày đăng: 23/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí