khoản của tài sản thông qua khả năng chuyển tài sản thành ngân quĩ; (iii) Lựa chọn danh mục tài sản phù hợp với điều kiện cụ thể của NHTM nhằm đảm bảo thanh khoản thông qua các tỷ lệ thanh khoản thích hợp hoặc thông qua dự đoán nhu cầu thanh khoản trong tương lai; (iv) Điều chỉnh tính thanh khoản của tài sản bằng cách thay đổi cấu trúc kỳ hạn của tài sản, hoặc tạo ra thị trường cho tài sản, nhằm thay đổi tính thanh khoản của tài sản.
Chiến lược này đòi hỏi ngân hàng phải chú ý một số vấn đề sau đây:
(i) Phân tích ngân quỹ
Ngân quỹ tại các ngân hàng bao gồm các tài sản thanh khoản, chúng được bổ sung thường xuyên từ các dòng tiền vào: sự gia tăng các khoản tiền gửi, tiền vay, thu nợ, chứng khoán nắm giữ sắp đến kỳ đáo hạn … Nếu một khách hàng trước đây có tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng, đến rút ra bằng tiền mặt, khi đó ngân hàng sẽ xuất từ quỹ tiền mặt để chi trả. Nếu khách hàng có số dư trên tài khoản tiền gửi thanh toán, ký séc hoặc ủy nhiệm chi để trả cho khách hàng tại một TCTD khác, khi đó ngân hàng sẽ sử dụng tài khoản tiền gửi tại NHTW hoặc tiền gửi tại tổ chức khác để chi trả. Nếu khách hàng có nhu cầu thanh toán song chưa có tiền (hoặc có nhưng chưa đủ), ngân hàng có thể cho vay nếu đủ điều kiện. Việc cho vay có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Các khoản vay đến hạn trả (NHTW hoặc phát hành trái phiếu…) ngân hàng sẽ trả bằng tiền mặt hoặc bằng chuyển khoản.…Tóm lại, các hoạt động này diễn ra hàng ngày tại các ngân hàng, giúp cho khách hàng thực hiện các hoạt động thanh toán và đầu tư kịp thời.
Tình hình ngân quỹ ở mỗi ngân hàng thường xuyên thay đổi phụ thuộc vào nhiều nhân tố khách quan cũng như chủ quan. Nhóm nhân tố khách quan bao gồm tính thời vụ, chu kỳ kinh doanh, thu nhập của khách hàng, sự thay đổi trong các quy định của các cơ quan quản lý, hoặc trong hệ thống… Sự thay đổi tăng hay giảm ngân quỹ trong từng thời kỳ do ngân hàng tự quyết định để đáp ứng nhu cầu thanh khoản đặt ra. Cần chú ý là nếu dự trữ ngân quỹ tăng lên thì thu nhập của ngân hàng sẽ bị giảm thấp và ngược lại. Do vậy, giảm thiểu dự trữ ngân quỹ là mục tiêu mà các ngân hàng luôn phải theo đuổi.
(ii) Dự trữ khác ngoài ngân quỹ
Ngân hàng luôn phải tìm kiếm các tài sản có khả năng thay thế được ngân quỹ trên phương diện thanh khoản, đồng thời gia tăng khả năng sinh lời, và trái phiếu Chính phủ ngắn hạn trở thành một thành phần của dự trữ thanh khoản của các ngân hàng và ưu việt hơn so với dự trữ bằng tiền mặt tại quỹ (dễ dàng chuyển hóa thành tiền mặt với chi phí thấp, lại tạo ra thu nhập, mặc dù tỷ lệ sinh lời của chúng là thấp). Loại tài sản này được xem là loại tài sản “đệm” (thanh khoản thứ cấp).
Các khoản mục tín dụng và chứng khoán khác cũng có tính thanh khoản khác nhau. Những ngân hàng không có điều kiện nắm giữ các chứng khoán thanh khoản thứ cấp vẫn có thể tạo nên tính lỏng của danh mục tín dụng và chứng khoán đầu tư thông qua việc lựa chọn các kỳ hạn: Các khoản cho vay chiết khấu có thể tái chiết khấu với chi phí thấp, các khoản tín dụng có chất lượng cao sắp đáo hạn hoặc dễ bán, các khoản tín dụng có nhiều kỳ hạn trả nợ nhỏ đều giúp tăng tính lỏng của tài sản.
Có thể bạn quan tâm!
- Quản Trị Rủi Ro Thanh Khoản Ở Ngân Hàng Thương Mại
- Các Bước Tính Toán Trạng Thái Thanh Khoản Ngân Hàng Kỳ Kế Hoạch
- Quy Trình Xác Định Luồng Tiền Thanh Khoản Của Ngân Hàng
- Nhân Tố Ảnh Hưởng Tới Quản Trị Rủi Ro Thanh Khoản Ở Ngân Hàng Thương Mại
- Bài Học Kinh Nghiệm Cho Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam
- Cơ Cấu Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam
Xem toàn bộ 224 trang tài liệu này.
(iii) Ước lượng cung thanh khoản từ phía tài sản
Mức duy trì thanh khoản là bao nhiêu phụ thuộc vào: dự trữ bắt buộc; chi trả hàng ngày cho những người gửi tiền; dự phòng cho các trường hợp đột xuất trong nhu cầu rút tiền gửi của khách hàng; cho vay nóng trong trường hợp cần thiết.
Tính thanh khoản của tài sản thay đổi thường xuyên, phụ thuộc vào: Thị trường bất động sản (Khi thị trường bất động sản đang sôi động, bất động sản có tính thanh khoản cao và ngược lại); Chính sách tiền tệ của NHTW (Khi NHTW thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng, khi đó các chứng khoán ngắn hạn có thể dễ dàng được tái chiết khấu).
Cần lưu ý là tính thanh khoản của tài sản là khác nhau tùy theo từng vùng trong từng quốc gia. Chính vì thế phải thường xuyên phân tích và định lượng tính thanh khoản của mỗi loại tài sản trong từng giai đoạn là vấn đề rất cần thiết.
Các tỷ lệ thanh khoản cần chú ý duy trì bao gồm:
1. Dự trữ sơ cấp/Tổng tài sản
2. (Dự trữ sơ cấp + Dự trữ thứ cấp)/Tổng tài sản
3. (Ngân quỹ + Chứng khoán thanh khoản)/Tiền gửi và vay ngắn hạn
4. Dự trữ sơ cấp/Tín dụng.
Cần chú ý phân tích tính phù hợp của từng tỷ lệ trên, lựa chọn các mức thích hợp cho từng thời kỳ. Cũng cần xác định tổng tài sản thanh khoản cần nắm giữ thông qua phân tích nhu cầu thanh khoản. Thời gian đáo hạn của tài sản nắm giữ cùng với ngân quỹ phải thỏa mãn yêu cầu của dự trữ bắt buộc và nhu cầu chi trả.
(iv) Chiến lược dự trữ và khả năng sinh lời
Chiến lược dự trữ của mỗi ngân hàng luôn phải cân nhắc giữa an toàn thanh khoản và sinh lợi. Phải có sự cân nhắc giữa thu nhập phải từ bỏ trong hiện tại để duy trì thanh khoản với chi phí có thể phải bỏ ra trong tương lai để mua thanh khoản. Cân nhắc này phải dựa trên phân tích và lượng hóa nhu cầu thanh khoản hiện tại và tương lai thông qua tính thanh khoản của tài sản. Chẳng hạn: Nếu như cho vay tỷ lệ sinh lời là 10,5%/năm, còn nếu nắm giữ chứng khoán thanh khoản thì chỉ có được thu nhập là 7%/năm (bao gồm lãi coupon 5%/năm và dự tính mức lời vốn là 2%/năm). Như vậy, thu nhập mà ngân hàng này phải từ bỏ là 3,5%/năm. Tuy nhiên, nếu nắm giữ chứng khoán, khi nhu cầu thanh khoản tăng, ngân hàng này có thể nhanh chóng bán được chứng khoán để chi trả. Còn nếu như cho vay (và khoản cho vay chưa đòi được) ngân hàng này khi đó sẽ buộc phải vay nóng trên thị trường với lãi suất cao (chẳng hạn lên tới 15%/năm). Khi đó, ngân hàng sẽ bị thiệt so với nắm giữ chứng khoán thanh khoản. Rõ ràng là việc nắm giữ chứng khoán hay cho vay phụ thuộc vào khả năng dự đoán về cầu thanh khoản và lãi suất trên thị trường trong tương lai.
Chiến lược quản lý thanh khoản thông qua việc tăng cường nắm giữ các tài sản thanh khoản thường được các ngân hàng có quy mô nhỏ hoặc chưa có uy tín, thương hiệu cao trên thị trường vận dụng trong công tác quản lý rủi ro, bảo đảm sự an toàn chắc chắn trong kinh doanh.
Tuy vậy, chiến lược này có một số nhược điểm: (i) Việc bán tài sản đồng nghĩa với việc sẽ mất đi thu nhập tạo ra từ tài sản trong tương lai và sẽ phải bán với mức giá thấp hơn, điều này khiến ngân hàng chịu tổn thất về vốn; (ii) Việc bán tài
sản liên quan đến chi phí giao dịch mà ngân hàng phải trả cho người môi giới; (iii) Việc bán tài sản cho mục tiêu thanh khoản thường là các chứng khoán Chính phủ, khi đó sẽ làm yếu đi hình ảnh của ngân hàng trên thị trường, điều mà các ngân hàng rất không mong đợi; (iv) Đầu tư vào tài sản thanh khoản khiến ngân hàng phải bỏ qua các tài sản tài chính khác có thu nhập cao hơn (vì các tài sản thanh khoản thường có tỷ lệ thu nhập thấp nhất so các tài sản tài chính khác).
Quản trị thanh khoản từ phía nguồn
Cùng với sự phát triển mạnh của thị trường các công cụ nợ, ngân hàng có thể đẩy mạnh việc huy động vốn trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu về thanh khoản.
Quản lý thanh khoản từ phía bên nguồn bao gồm các nội dung:
- Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến thời gian và chi phí huy động nguồn.
- Lựa chọn cung thanh khoản từ phía bên nguồn thông qua việc phân tích thời gian và chi phí để mở rộng nguồn.
- Nghiên cứu các công cụ nợ mới nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.
- So sánh chi phí nắm giữ tài sản thanh khoản và huy động.
Đáp ứng nhu cầu về thanh khoản từ phía nguồn phụ thuộc vào: (i) Sự phát triển của thị trường nguồn vốn; (ii) Chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ; (iii) Sự phát triển và tính chất cạnh tranh giữa các tổ chức tài chính trung gian, (iv) Sự nhạy cảm của tiền gửi đối với lãi suất; (v) Mạng lưới giao dịch của ngân hàng … Do vậy, việc nghiên cứu những nhân tố này, dự đoán sự thay đổi và mức độ ảnh hưởng của chúng tới công tác huy động vốn chính là một nội dung quan trọng trong chiến lược huy động vốn để đáp ứng nhu cầu thanh khoản.
Các ngân hàng đều thiết lập một chính sách huy động và sử dụng sao cho dòng tiền vào đều đặn sẽ đáp ứng nhu cầu tín dụng và đầu tư dự tính, đồng thời, duy trì thanh khoản ở mức cần thiết. Vấn đề là thường không có sự phù hợp về kỳ hạn và quy mô của các dòng tiền vào và nhu cầu sử dụng của mỗi ngân hàng. Chẳng hạn: một ngân hàng vừa huy động 50 tỷ đồng, song lại xuất hiện nhu cầu cho vay ngay 50 tỷ đồng. Việc đáp ứng nhu cầu về tín dụng của khách hàng tức thời như vậy đã làm giảm tính thanh khoản của tài sản ở ngân hàng. Nhưng nếu dòng tiền vào là
50 tỷ đồng, nhưng nhu cầu cho vay là 60 tỷ đồng, khi đó dự trữ của ngân hàng này sẽ bị sụt giảm. Hoặc khoản tiền huy động 50 tỷ đồng thời hạn là 12 tháng, nhưng nhu cầu vay vốn của khách hàng 50 tỷ đồng lại có thời hạn là 24 tháng… Có nghĩa là, việc hoán chuyển kỳ hạn các dòng tiền vào và ra (tức là tạo ra sự phù hợp về kỳ hạn của người gửi với kỳ hạn của người vay) là nội dung quan trọng trong hoạt động của ngân hàng. Khi hoán chuyển các kỳ hạn, ngân hàng đã đáp ứng yêu cầu về kỳ hạn của khách hàng, đồng thời, gia tăng khả năng sinh lời. Tuy nhiên, điều này khiến ngân hàng phải gánh chịu rủi ro lãi suất và RRTK. Chính vì sự không phù hợp về kỳ hạn giữa nguồn và tài sản như vậy, nên để giảm thiểu RRTK đòi hỏi ngân hàng phải nắm giữ nhiều tài sản thanh khoản hơn.
Các ngân hàng có thể có nhiều sự lựa chọn cung thanh khoản từ bên nguồn:
Vay NHTW. Đây thường được xem là nguồn có tính thanh khoản cao do lãi suất thường thấp, thời hạn được vay nhanh, nhất là trong các thời kỳ NHTW áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ. Do vậy, nguồn này thường được ưu tiên sử dụng để đáp ứng nhu cầu thanh khoản.
Vay các TCTD khác. Các ngân hàng có thể vay mượn lẫn nhau số tiền tạm thời chưa sử dụng trên thị trường liên ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu về thanh khoản. Đối với các ngân hàng tạm thời dư thừa dự trữ, thì việc cho vay như vậy sẽ mang lại thu nhập. Thông thường lãi suất cho vay qua đêm loại này cao hơn đôi chút so với lãi suất của NHTW, song tùy theo từng thời kỳ và căn cứ vào tương quan cung - cầu về thanh khoản mà lãi suất qua đêm thậm chí cao hơn đáng kể so với lãi suất chỉ đạo của NHTW.
Phát hành các công cụ nợ ngắn hạn (chẳng hạn các CDs). lãi suất các công cụ nợ thường cao hơn tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn, tuy nhiên, ngân hàng có thể chủ động huy động được một lượng vốn theo đúng yêu cầu trong khoảng thời gian xác định và tương đối nhanh.
Tăng lãi suất huy động. Biện pháp này chỉ được áp dụng trong điều kiện ngân hàng cần huy động vốn khẩn cấp.
Mở rộng và đa dạng hóa khách hàng gửi tiền nhằm hạn chế nhu cầu thanh khoản thời vụ và chu kỳ. Đây là chiến lược đáp ứng nhu cầu thanh khoản bằng chính cấu trúc nguồn, thông qua biện pháp mở thêm các chi nhánh mới ở những vùng khác, các nước khác, cung cấp nhiều loại hình tiền gửi, tăng tiện ích cho khách hàng gửi tiền, tạo ra những sản phẩm tiền gửi mới… Tuy nhiên, ngân hàng cần phải có sự cân nhắc giữa chi phí mở nhánh và các chi phí quản lý khác, khả năng cung cấp tín dụng và đầu tư…
Phương pháp quản trị thanh khoản nguồn có ưu thế: Chỉ khi thực sự cần vốn thì ngân hàng mới phải vay, không cần phải dự trữ thanh khoản gây tốn phí. Nó cũng cho phép ngân hàng duy trì quy mô và cấu trúc của danh mục tài sản nếu họ mong muốn. Việc quản lý nợ linh hoạt, có khả năng tự điều chỉnh theo chi phí (khi cần vay thêm vốn, ngân hàng chỉ cần nâng lãi suất cho tới khi nhận đủ vốn). Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một số nhược điểm: (i) lãi suất và quy mô tín dụng sẵn có trên thị trường tiền tệ có thể thay đổi nhanh chóng. (ii) ngân hàng thường phải mua thanh khoản trong những điều kiện khó khăn về giá cả và tính sẵn có. (iii) Chi phí vay vốn thường khó xác định chắc chắn, làm giảm tính ổn định của thu nhập; (iv) Những ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính thường có nhu cầu vay thanh khoản lớn nhất, vì người gửi tiền nhận thức được khó khăn của ngân hàng này và bắt đầu thực hiện rút vốn ra, đồng thời, các tổ chức tài chính khác cũng không muốn cho ngân hàng này vay vì sợ rủi ro.
Quản trị thanh khoản kết hợp
Chiến lược này trở nên phổ biến dựa trên quản lý dòng tiền vào và dòng tiền ra, trên cơ sở đó, sẽ tính toán khe hở thanh khoản của kỳ tới. Khe hở thanh khoản có thể tính cho từng ngày, tuần, tháng… dựa trên các nhân tố tác động (thời vụ, chu kỳ, tâm lý, áp lực cạnh tranh…). Bao gồm:
Ước lượng dòng tiền vào (cung thanh khoản). Bao gồm: tiền gửi có thể nhận được trong kỳ tới, các khoản tín dụng có khả năng thu hồi đến hạn ở kỳ tới, lãi có thể thu được, các khoản thu khác…
Ước lượng dòng tiền ra (cầu thanh khoản). Bao gồm: các khoản chi trả tiền
gửi, cho vay theo các cam kết tín dụng, trả lãi tiền gửi huy động và lãi tiền vay, các khoản tín dụng đến hạn phải trả, chi phí quản lý …
Ước lượng khe hở thanh khoản. Cần phải tính toán khe hở thanh khoản trong kỳ tới dựa trên cơ sở dự đoán dòng tiền vào và ra. Khe hở thanh khoản (chênh lệch dòng tiền vào và ra) có thể được tính cho từng ngày, tuần, tháng, năm. Các dự tính này được xây dựng dựa trên phân tích các nhân tố ảnh hưởng như thời vụ, chu kỳ, tâm lý, cạnh tranh… Nếu dòng tiền vào dự tính lớn hơn dòng tiền ra dự tính, ngân quỹ gia tăng. Nếu ngược lại thì ngân quỹ sẽ bị suy giảm. Ngân quỹ gia tăng có thể được chia thành: (i) Gia tăng chủ định: Nhằm ứng phó với những khó khăn về nhu cầu thanh khoản đột xuất trong kỳ tới. Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ phải cân nhắc giữa chi phí nắm giữ thêm ngân quỹ và chi phí có thể phải bỏ ra để đáp ứng nhu cầu thanh khoản kỳ tới; (ii) Gia tăng thụ động: Do hoạt động cho vay có khó khăn dẫn tới bị đọng vốn. Trường hợp này sẽ làm giảm thu nhập của ngân hàng. Khi đó, nhà quản lý phải có các biện pháp để giảm tính thanh khoản của tài sản bằng cách gia tăng tài trợ hoặc giảm huy động vốn. Như vậy, trên cơ sở dự tính cầu thanh khoản, ngân hàng sẽ quản lý thanh khoản của mình, theo đó, một phần nhu cầu thanh khoản dự tính sẽ được đáp ứng bằng việc dự trữ thanh khoản (chủ yếu là các chứng khoán Chính phủ, tiền gửi tại NHTW, tiền gửi tại các TCTD khác), phần còn lại sẽ được xử lý bằng những hợp đồng hạn mức tín dụng từ các TCTD khác, hoặc từ người cho vay. Những nhu cầu tiền mặt bất thường sẽ được giải quyết chủ yếu bằng việc vay vốn. Chiến lược quản lý thanh khoản như vậy sẽ cho phép giảm thiểu rủi ro do việc dựa quá nhiều vào vốn vay thanh khoản và giảm đáng kể chi phí dự trữ thanh khoản.
Tóm lại, vấn đề quản lý thanh khoản ở ngân hàng là một hoat động phức tạp, đòi hỏi có dự báo chính xác khe hở thanh khoản trong kỳ để từ đó đưa ra các quyết định quản lý thanh khoản cho phù hợp – tức là phải dựa trên các tín hiệu thị trường.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, để quản lý thanh khoản đem lại hiệu quả, không thể không chú ý đến các nhân tố sau đây:
Lòng tin của công chúng. Để đo lường nhân tố này thì cần phải căn cứ vào diễn biến thực tế xem có bất cứ bằng chứng nào về tiền gửi tại ngân hàng có thể giảm do các khách hàng lo ngại ngân hàng sẽ bị cạn kiệt tiền mặt hay không thể thanh toán được các khoản nợ hay không?
Sự vận động trong giá cổ phiếu. Liệu giá cổ phiếu của ngân hàng có bị sụt giảm bởi các nhà đầu tư lo ngại RRTK sẽ xảy ra với ngân hàng này không?
Phần bù rủi ro trên chứng chỉ tiền gửi (CDs) và các khoản đi vay khác. Liệu ngân hàng có đang phải trả một mức lãi suất cao hơn đáng kể trên tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn và các khoản vay vốn trên thị trường tiền tệ so với các ngân hàng khác có cùng quy mô và tính chất hoạt động trên cùng một thị trường hay không?
Tổn thất trong việc bán tài sản. ngân hàng có bị buộc phải bán tài sản vội vã với sự tổn thất lớn nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thanh khoản? Cần phải đánh giá xem đây là việc xảy ra đột xuất hay là thường xuyên?
Khả năng đáp ứng yêu cầu tín dụng của khách hàng. Ngân hàng có thể đáp ứng mọi yêu cầu vay vốn hợp pháp hay không? Hay áp lực thanh khoản buộc định chế phải từ chối một số yêu cầu vay vốn?
Vay vốn từ NHTW. Ngân hàng có bị buộc phải vay thường xuyên với quy mô lớn từ NHTW hay không?
Những câu hỏi trên đây buộc các nhà quản trị ngân hàng phải tìm lời giải thỏa đáng bởi nó giúp xem xét lại thực tế công tác quản trị thanh khoản của mình đã thực sự hợp lý hay chưa và từ đó đưa ra các quyết định điều chỉnh cho phù hợp. Không những vậy, các câu hỏi trên cũng rất có ý nghĩa đối với các nhà quản lý của ngành, bởi việc tìm câu trả lời cho các tình huống trên sẽ giúp hình dung được mức độ nghiêm trọng tình hình thanh khoản trên thị trường và từ đó định dạng các biện pháp để ứng phó phù hợp.