Cơ Sở Lý Luận Về Rủi Ro Và Quản Lý Rủi Ro Trong Kinh Doanh Ngoại Hối Của Các Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần


Bên cạnh đó luận án có tham khảo các nguồn tư liệu từ nghị định của chính phủ, các văn bản hướng dẫn của NHNN, các tạp chí khoa học, tạp chí chuyên ngành, các tài liệu của các nhà khoa học, các ý kiến của đồng nghiệp và những nhà quản lý ngân hàng.

4.2.2. Phân tích dữ liệu

Dữ liệu thu thập sẽ thống kê, phân tích, tổng hợp, hiệu chỉnh và đánh giá; đồng thời sử dụng của bảng, biểu đồ và hình để minh họa làm tăng độ tin cậy trong nghiên cứu.


5. KẾT CẤU ĐỀ TÀI

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, đề tài được trình bày ba chương:

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ RỦI RO VÀ QUẢN LÝ RỦI RO TRONG KINH DOANH NGOẠI HỐI CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ RỦI RO TRONG KINH DOANH NGOẠI HỐI CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN TẠI TP.HCM

CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ RỦI RO TRONG KINH DOANH NGOẠI HỐI CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN TẠI TP.HCM

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 250 trang tài liệu này.


6. NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN

Quản lý rủi ro trong kinh doanh ngoại hối của các Ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM - Trường ĐH Ngân hàng - 3

Làm rõ những nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ngoại hối và gây ra rủi ro trong kinh doanh ngoại hối trong điều kiện hiện nay.

Làm rõ những tồn tại trong quản trị rủi ro trong kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM.

Đề xuất các chính sách và giải pháp để tăng cường quản lý rủi ro trong kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM.


CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ RỦI RO VÀ QUẢN LÝ RỦI RO TRONG KINH DOANH NGOẠI HỐI

CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN


1.1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI VÀ KINH DOANH NGOẠI HỐI

1.1.1. Quan hệ ngoại hối trong nền kinh tế

Trong lịch sử phát triển của thị trường ngoại hối, có giai đoạn chỉ có các ngân hàng lớn thực hiện các giao dịch ngoại hối. Sự hạn chế đó đã bị phá bỏ nhanh chóng nhờ sự phát triển của công nghệ, mạng Internet và đặc biệt là các phần mềm. Những yếu tố này làm cho tính thanh khoản của thị trường tăng lên còn chi phí thì giảm xuống. Dần dần, việc giao dịch kiếm lời đã phát triển bùng nổ khi tất cả mọi người đều có thể tham gia vào thị trường.

Có ba lý do chính khiến các chủ thể trong nền kinh tế tham gia vào quan hệ ngoại hối: đầu tư, bảo vệ mình khỏi các rủi ro ngoại hối và đầu cơ. Nhưng lý do cuối cùng là động cơ chính của những người tham gia thị trường, bởi có đến 80- 90% các nhà kinh doanh hướng tới mục đích tìm kiếm lợi nhuận nhờ vào chênh lệch tỷ giá ngoại tệ và giá vàng. Các đồng tiền và cặp tiền tệ trên thị trường ngoại hối cũng đồng thời được sử dụng trong các giao dịch tài chính với vai trò là phương tiện thanh toán. Chính các giao dịch thanh toán quốc tế được thực hiện bởi các doanh nghiệp và tổ chức là đảm bảo cho sự vận hành của nền kinh tế nói chung, cũng như hoạt động và sự ổn định thị trường ngoại hối nói riêng.

TTNH là thị trường tài chính toàn cầu lớn nhất, không có một thị trường tài chính nào có thể so sánh với TTNH về quy mô, nhưng những thị trường tài chính khác có thể tác động đến TTNH. Ví dụ, thị trường trái phiếu Mỹ có thể tác động tới giá trị của đồng đôla cũng giống như thị trường chứng khoán Nhật tác động tới giá trị của đồng Yen Nhật. Từ đó các quan hệ ngoại hối bị tác động nhiều bởi các yếu tố


thay đổi của các thị trường khác trong nền kinh tế như thị trường hàng hóa, trái phiếu, chứng khoán,….

Việc nhu cầu hàng hóa toàn cầu gia tăng đã kéo thị trường hàng hóa và TTNH gần nhau hơn. Mọi nền kinh tế trên thế giới đều phải nhập khẩu một số mặt hàng hóa để tiêu dùng, để mua những hàng hóa này, những nhà nhập khẩu phải đổi đồng tiền của họ ra đồng tiền của nước mà họ muốn nhập khẩu hàng hóa. Giao dịch này sẽ khiến nhu cầu về đồng tiền của nước xuất khẩu cao hơn và tăng giá trị cho đồng tiền đó. Giao dịch này cũng sẽ khiến cung tiền của nước nhập khẩu cao hơn và làm giảm giá trị của đồng tiền đó. Điển hình như trường hợp của ba nước xuất khẩu lớn: Úc, Canađa và NewZealand, ba đồng tiền lớn là đô Úc, đô Canada và đô New Zealand có mối quan hệ mật thiết với giá trị của hàng hóa. Khi giá của hàng hóa tăng, giá trị của những đồng tiền này cũng gia tăng và ngược lại. Mỗi đồng tiền trong nhóm trên bị tác động bởi rất nhiều loại hàng hóa khác nhau. Ví dụ, đồng đôla Úc có mối liên hệ chặt chẽ với giá vàng, nếu giá vàng tăng thì giá trị của đồng đôla Úc cũng tăng theo và ngược lại.

Bên cạnh việc bị tác động bởi thị trường hàng hoá, các quan hệ ngoại hối còn chịu sự ảnh hưởng của thị trường trái phiếu. Sau thị trường ngoại hối, thị trường trái phiếu là thị trường tài chính lớn thứ hai trên thế giới, các chính phủ, các tổ chức và các nhà đầu tư cá nhân đều tham gia hoạt động trên thị trường trái phiếu. Mỗi thành phần này đều có chung một mục đích đó là tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động đầu tư của họ. Trái phiếu chính phủ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong thị trường trái phiếu, các trái phiếu này là những tài khoản đầu tư có độ rủi ro gần như bằng không bởi chúng được đảm bảo bởi niềm tin của chính phủ các quốc gia, một số chính phủ trả lãi suất trên trái phiếu của họ cao hơn các chính phủ khác. Các nhà đầu tư quốc tế thu được lợi nhuận khi họ quyết định trái phiếu của chính phủ nào họ sẽ đầu tư. Các trái phiếu với lãi suất cao hơn sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư hơn khi nền kinh tế của các trái phiếu đó phát triển ổn định.

Những nhà đầu tư mong muốn mua trái phiếu chính phủ sẽ phải dùng tiền của chính phủ đó để mua, nếu các nhà đầu tư muốn mua trái phiếu của chính phủ


Mỹ, họ phải chuyển đổi sang đồng tiền của chính phủ Mỹ (đồng USD), điều này sẽ làm tăng nhu cầu của đồng đôla Mỹ và làm tăng giá trị của đồng đôla Mỹ. Cùng thời điểm đó, nguồn cung của các đồng tiền khác sẽ tăng và làm giảm giá trị của các đồng tiền đó. Hiểu biết chính phủ nào đưa lãi suất của trái phiếu cao hơn và trái phiếu nào đang tăng phổ biến sẽ giúp chúng ta biết được cặp đồng tiền nào nên mua và cặp nào nên bán.

Cho nên, các quan hệ ngoại hối trong nền kinh tế không phát sinh một cách độc lập, mà luôn chịu ảnh hưởng qua lại bởi rất nhiều yếu tố thị trường khác. Trên đây chỉ là hai yếu tố điển hình nêu lên sự tác động qua lại giữa các giao dịch ngoại hối trong TTNH với các thị trường khác như thị trường hàng hóa và trái phiếu. Ngoài ra, chúng ta có thể đề cập đến các thị trường khác và các chính sách khác như: thị trường chứng khoán, các chính sách chính trị, xã hội, kinh tế, …cũng tác động đến các quan hệ ngoại hối trong nền kinh tế.


1.1.2. Thị trường ngoại hối

1.1.2.1. Khái niệm thị trường ngoại hối

Một trong những điểm khác nhau cơ bản giữa thương mại quốc tế và thương mại nội địa là thương mại quốc tế thường liên quan đến việc chuyển đổi các đồng tiền khác nhau của các quốc gia khác nhau, trong khi đó thương mại nội địa thường chỉ liên quan đến nội tệ. Một nhà nhập khẩu Mỹ thường được yêu cầu thanh toán cho nhà xuất khẩu Nhật bằng Yên Nhật, cho nhà xuất khẩu Đức bằng Euro, cho nhà xuất khẩu Anh bằng Bảng Anh, v.v.. Với lý do này, để thanh toán tiền hàng, nhà nhập khẩu Mỹ phải mua các ngoại tệ thích hợp, tức bán nội tệ trên thị trường. Nghĩa là, một trong hai bên mua hoặc bán phải liên quan đến mua bán đồng ngoại tệ.

Giống như thương mại quốc tế, du lịch quốc tế, đầu tư quốc tế, quan hệ tín dụng quốc tế và các quan hệ tài chính quốc tế khác đều làm phát sinh nhu cầu mua bán các đồng tiền khác nhau trên thị trường.

Theo Marc Levinson (2005), thị trường ngoại hối là thị trường giao dịch các loại ngoại tệ phi tập trung và toàn cầu. [24]


Theo Investopedia, thị trường ngoại hối là thị trường toàn cầu giao dịch ngoại tệ suốt cả ngày và đêm. [29]

Theo Nguyễn Văn Tiến (2006), hoạt động mua bán các đồng tiền khác nhau được diễn ra trên thị trường, và thị trường này được gọi là thị trường ngoại hối (The Foreign Exchange Market – FOREX hay viết tắt là TTNH). [9] Một cách tổng quát: Thị trường ngoại hối là bất cứ đâu diễn ra việc mua, bán các đồng tiền khác nhau.

Theo tác giả, Thị trường ngoại hối là nơi diễn ra các hoạt động chuyển đổi, mua bán tiền tệ của các nước khác nhau; là nơi thực hiện các giao dịch vàng liên tục và toàn cầu; là nơi diễn ra các hoạt động đầu tư, lưu chuyển tài chính quốc tế nhằm thỏa mãn nhu cầu của các chủ thể kinh tế; đồng thời cũng xác định được các điều kiện giao dịch.

1.1.2.2. Đặc điểm, chức năng của thị trường ngoại hối

Đặc điểm của thị trường ngoại hối

TTNH không nhất thiết phải tập trung tại vị trí địa lý hữu hình nhất định, mà là bất cứ đâu diễn ra hoạt động mua bán các đồng tiền khác nhau, do đó nó còn được gọi là thị trường không gian.

Đây là thị trường toàn cầu hay thị trường “không ngủ”. Do có sự chênh lệch về múi giờ giữa các khu vực trên thế giới nên các giao dịch diễn ra suốt ngày đêm. Thị trường bắt đầu hoạt động từ Úc, Nhật, Singapore, Hongkong, châu Âu, NewYork, và cứ như vậy, khi thị trường khu vực châu Á đóng cửa thì thị trường Châu Âu rồi đến châu Mỹ bắt đầu hoạt động theo một chu kỳ khép kín toàn cầu.

Trung tâm của TTNH là TTLNH với các thành viên chủ yếu là các Ngân hàng thương mại (NHTM), các nhà môi giới ngoại hối và các Ngân hàng trung ương (NHTW). Doanh số giao dịch trên TTLNH chiếm tới 85% tổng doanh số giao dịch ngoại hối toàn cầu.

Các nhóm thành viên tham gia thị trường duy trì quan hệ với nhau liên tục thông qua điện thoại, mạng vi tính, telex và fax. Do thông tin được truyền đi rất nhanh và hiệu quả, cho nên tuy các thành viên tham gia thị trường ở rất xa nhau nhưng họ vẫn có cảm giác là đang cùng hoạt động dưới một mái nhà chung.


Do thị trường có tính toàn cầu và hoạt động hiệu quả, cho nên các tỷ giá được yết trên các thị trường khác nhau nhưng hầu như là thống nhất với nhau và có độ chênh lệch không đáng kể.

Đây là thị trường rất nhạy cảm với các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý và nhiều yếu tố khác.

Thị trường ngoại hối hoạt động tích cực nhất là London, sau đó là New York, Tokyo, Singapore, Frankfurt... , đây là thị trường lớn nhất và có doanh số giao dịch cao nhất.

TTNH toàn cầu có tốc độ phát triển rất nhanh trong mấy thập kỷ qua, đặc biệt là từ cuối những năm 80 là do có những nguyên nhân chính sau:

Sau khi hệ thống tiền tệ Bretton Woods bị sụp đổ vào năm 1973, tỷ giá các đồng tiền trên thế giới được thả nổi và dao động mạnh đã buộc những nhà kinh doanh tiền tệ xuất nhập khẩu và đầu tư quốc tế phải tìm kiếm các biện pháp phòng chống rủi ro thông qua TTNH; mặt khác, họ cũng tranh thủ thời cơ tỷ giá biến động mạnh để hoạt động đầu cơ kiếm lời. Điều đó làm tăng nhu cầu giao dịch mua bán ngoại tệ, góp phần thúc đẩy TTNH phát triển nhanh chóng.

Xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư quốc tế diễn ra mạnh mẽ về chiều rộng lẫn chiều sâu, bao gồm cả các nước đang phát triển cũng đã và đang tích cực tham gia tiến trình hội nhập, là tiền đề để các nước tiến hành nới lỏng quy chế quản lý ngoại hối nhằm tạo điều kiện cho chu chuyển hàng hóa, dịch vụ và vốn quốc tế được hiệu quả. Điều này tạo nên một TTNH quốc tế ngày càng rộng lớn với doanh số giao dịch ngày một cao.

Tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã góp phần làm giảm chi phí giao dịch, tăng tốc độ thanh toán, góp phần tích cực thúc đẩy TTNH phát triển như ngày nay.

Bên cạnh tăng nhanh doanh số giao dịch, TTNH quốc tế còn phát triển mạnh về chiều sâu, đó là tạo ra nhiều loại hình nghiệp vụ kinh doanh mới, phức tạp hơn, tinh vi hơn và cũng trở nên rủi ro hơn.


Chức năng của thị trường ngoại hối

Chức năng cơ bản của TTNH là kết quả phát triển tự nhiên của một trong các chức năng cơ bản của NHTM, đó là: nhằm thực hiện dịch vụ thanh toán cho các khách hàng trong các giao dịch thương mại quốc tế. Ví dụ: một khách hàng là công ty muốn nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ nước ngoài sẽ có nhu cầu ngoại hối nếu hóa đơn hàng hóa và dịch vụ được ghi bằng ngoại tệ; hoặc là nhà xuất khẩu có nhu cầu chuyển đổi ngoại hối thành nội tệ, nếu hóa đơn xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ được ghi bằng ngoại tệ. Các giao dịch ngoại hối nhằm giúp khách hàng là nhà xuất khẩu hay nhập khẩu như trên là một trong những dịch vụ mà các NHTM luôn sẵn sàng cung cấp cho khách hàng, và đồng thời cũng là dịch vụ mà các khách hàng luôn mong đợi từ phía Ngân hàng.

Ngoài dịch vụ cho khách hàng thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế, TTNH còn có một số chức năng khác, như:

Giúp luân chuyển các khoản đầu tư, tín dụng quốc tế, các giao dịch tài chính quốc tế khác cũng như các giao lưu giữa các quốc gia.

Thông qua hoạt động của TTNH, mà sức mua đối ngoại của tiền tệ được xác định một cách khách quan theo quy luật cung cầu của thị trường.

TTNH là nơi kinh doanh và cung cấp các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng các hợp đồng như kỳ hạn, hoán đổi, quyền chọn, tương lai và các loại hợp đồng phái sinh kết hợp khác.

Thị trường ngoại hối là nơi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành can thiệp để tỷ giá biến động theo chiều hướng có lợi cho nền kinh tế và phù hợp với các mục tiêu chính trị đã được đề ra của Nhà nước.

1.1.2.3. Các chủ thể tham gia trên thị trường ngoại hối

Ngân hàng trung ương: NHTW thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động ngoại hối, xây dựng và ban hành chính sách quản lý ngoại hối, hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ chứng từ và thông tin báo cáo có liên quan đến hoạt động ngoại hối. Do đó, NHTW là một chủ thể


tham gia trên TTNH với vai trò là nhà tổ chức, kiểm soát, điều hành và ổn định TTNH.

Các ngân hàng thương mại: tham gia trên TTNH với tư cách vừa là nhà môi giới hay kinh doanh cho khách hàng, vừa là nhà đầu tư cho chính Ngân hàng của mình. Khi NHTM là nhà môi giới, các NHTM thực hiện chức năng KDNH hưởng phí dịch vụ từ khách hàng. Còn khi NHTM là nhà kinh doanh cho khách hàng, các ngân hàng thực hiện chức năng mua bán ngoại hối với khách hàng, ngân hàng có duy trì trạng thái ngoại hối và chấp nhận rủi ro. Khi ngân hàng kinh doanh cho chính danh mục ngoại hối của mình, các NHTM có thể thực hiện mua bán với khách hàng hay với các ngân hàng đối tác khác và có duy trì trạng thái ngoại hối cũng như chấp nhận rủi ro.

Các nhà môi giới: là chủ thể trung gian trong các giao dịch trên TTNH. Chức năng của các nhà môi giới là cung cấp cho khách hàng của họ cơ hội giao dịch trên TTNH, ví dụ như đảm bảo việc thực hiện lệnh nhanh chóng và chính xác một cặp tiền tệ nào đó theo giá thị trường, hay giúp khách hàng mua/bán một số lượng vàng trong thời gian nhất định. Một công ty môi giới không thực hiện giao dịch trên TTNH để thu lợi nhuận trực tiếp cho mình bởi nó chỉ là đơn vị trung gian, không chịu các rủi ro về thay đổi tỷ giá ngoại tệ hay giá vàng. Các nhà môi giới tìm kiếm lợi nhuận ngoài việc hưởng phí dịch vụ, họ còn có thể hưởng chênh lệch giữa giá mua và giá bán.

Các doanh nghiệp: tham gia chủ yếu trên TTNH là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Họ vừa là chủ thể cầu ngoại tệ, vừa là chủ thể cung ngoại tệ. Các doanh nghiệp thực hiện mua hay bán ngoại tệ nhằm thanh toán cho các hợp đồng xuất nhập khẩu và giao dịch của họ thường được mua bán thông qua các NHTM.

Các cá nhân hay tổ chức trong và ngoài nước khác: theo quy định của pháp luật, các chủ thể này không thể trực tiếp tham gia trên TTNH, các giao dịch của họ thường thực hiện qua các NHTM, việc giao dịch mua bán ngoại hối của họ phải theo đúng các điều kiện quy định của pháp luật.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/05/2023