MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Quản lý nhà nước về đô thị là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh nói chung .Trong đó, quản lý nhà nước về trật tự xây dựng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quản lý nhà nước về đô thị nhằm xây dựng và phát triển đô thị theo đúng quy hoạch, kế hoạch đã được đề ra, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội,…đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện như: Ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng để tổ chức quản lý một cách chặt chẽ; công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch được thực hiện cơ bản đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; công tác cấp phép xây dựng, kiểm tra việc thực hiện xây dựng và xử lý vi phạm về trật tự xây dựng ngày càng được tăng cường,…Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng công tác quản lý trật tự xây dựng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế đó là: Công tác quy hoạch vẫn còn nhiều bất cập, nhất là việc chồng chéo giữa Quy hoạch xây dựng và Quy hoạch sử dụng đất; việc triển khai cắm quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức; một số công trình xây dựng chưa tuân thủ quy hoạch; việc xây dựng nhà ở không phép, sai phép vẫn còn xảy ra; công tác kiểm tra và xử lý vi phạm về trật tự xây dựng vẫn chưa thường xuyên, quyết liệt; ý thức chấp hành pháp luật về xây dựng của một số tổ chức, cá nhân chưa cao,…làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Thị xã Buôn Hồ là một đô thị mới, được thành lập theo Nghị định 07/NĐ-CP, ngày 23/12/2008 của Chính phủ trên nền tảng chính là thị trấn
Buôn Hồ, huyện Krông Búk. Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, thị xã Buôn Hồ đang trong quá trình đô thị hóa một cách mạnh mẽ, nhiều công trình xây dựng, nhà ở được triển khai đầu tư trên địa bàn. Mặc dù thị xã đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý trật tự xây dựng, song tình hình vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn xảy ra tại một số xã, phường làm ảnh hưởng đến quy hoạch và mỹ quan đô thị. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ được đặt ra một cách cấp thiết nhằm xây dựng và phát triển thị xã Buôn Hồ xứng đáng là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Bắc của tỉnh Đăk Lăk và đạt đô thị loại III vào năm 2025 theo Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk. Xuất phát từ mục đích, ý nghĩa nêu trên và từ thực tiễn công tác tại phòng Quản lý đô thị thị xã Buôn Hồ, tác giả lựa chọn đề tài: “Quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk” làm luận văn tốt nghiệp của mình.
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk - 1
- Khái Niệm, Đặc Điểm, Vai Trò Của Quản Lý Hành Chính Nhà Nước
- Quy Hoạch Đô Thị, Nội Dung Quản Lý Nhà Nước Về Quy Hoạch Đô
- Tổ Chức Thực Hiện Quản Lý Nhà Nước Về Trật Tự Xây Dựng
Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Quản lý nhà nước về trật tự xây dựng hiện nay là một vấn đề được nhiều nhà quản lý và nhà khoa học quan tâm, đã có rất nhiều công trình được công bố và tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, trên các địa bàn khác nhau như:
- Tác giả GS.TS. Nguyễn Đình Hương và ThS. Nguyễn Hữu Đoàn (2003) “Quản lý đô thị”, Nhà xuất bản Thống kê Hà Nội. Nội dung giáo trình gồm 10 chương, mỗi chương tương ứng với một vấn đề lớn được đặt ra cho quản lý đô thị, tổng quan đô thị và quản lý đô thị, bộ máy quản lý nhà nước về đô thị, quản lý quy hoạch và kiểm soát phát triển đô thị, quản lý kinh tế đô thị, đất đai và nhà ở đô thị.
- Tác giả TS. Võ Kim Cương (2004) “Quản lý đô thị thời kỳ chuyển đổi”, Nhà xuất bản xây dựng Hà Nội. Nội dung giáo trình bao gồm thông tin
về đô thị học và quản lý đô thị, khái niệm về đô thị và đô thị hóa, định hướng quản lý đô thị chuyển đổi, một số vấn đề nhạy cảm trong lĩnh vực quản lý đô thị: Quan điểm và chính sách quản lý đô thị, các vấn đề về quy hoạch đất đai, các vấn đề về quản lý phát triển và các vấn đề về cải cách hành chính xây dựng bộ máy quản lý đô thị.
- Tác giả TS. Kts. Lê Trọng Bình (2009) “Pháp luật và Quản lý đô thị”, Trường Đại học Kiến trúc, Hà Nội. Giáo trình đã đưa ra một số khai niệm về đô thị và quản lý đô thị, pháp luật trong lĩnh vực quản lý đô thị, cán vấn đề về đô thị và chính sách quản lý đô thị Việt Nam, nội dung chủ yếu của một số văn bản pháp luật về quản lý đô thị, tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý xây dựng đô thị.
- Luận văn thạc sỹ của Trịnh Trọng Thành, đề tài “Quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh”, Học viện Hành chính quốc gia – 2020. Luận văn đã hệ thống hóa các cơ sở lý luận về quản lý nhà nước nói chung về quản lý nhà nước về trật tư xây dựng nói riêng. Trên cơ sở đó, luận văn đã đánh giá được thực trạng quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn quận Thủ Đức từ đó đã đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn quận Thủ Đức.
- Luận văn thạc sỹ của Quách Thị Thu Hằng, đề tài “Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng nhà ở trên địa bàn huyện Krông Búk, tỉnh Đăk Lăk”, Học viện Hành chính – 2018. Luận văn đã hệ thống hóa cơ sở lý luận công tác quản lý trật tự xây dựng nhà ở, đánh giá được thực trạng công tác quản lý về trật tự xây dựng nhà ở trên địa bàn huyện Krông Búk, từ đó đã đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý trật tự xây dựng nhà ở trên địa bàn huyện Krông Búk.
- Luận văn thạc sỹ của Đặng Như Phú Tân, đề tài “Xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk”, Học viện Hành chính – 2017. Luận văn đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng; đánh giá tổ chức thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, làm rõ những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân trong tổ chức thực hiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Cư Kuin; đề xuất một số giải pháp, kiến nghị cụ thể để nhằm hoàn thiện xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Cư Kuin.
- Tác giả GS, TS, Kts. Nguyễn Tố Lăng (2021) “Nhận diện vấn đề đô thị và quản lý phát triển đô thị khi đất nước dần trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, cổng thông tin điện tử Tạp chí Cộng sản (tapchicongsan.org.vn). Tác giả nghiên cứu về việc nhận diện các đô thị để đánh giá thực trạng phát triển và xây dựng định hướng phát triển trong tương lai, trong đó nhấn mạnh sự tác động của đô thị đến vấn đề phát triển dân số, nghề nghiệp, lối sống và môi trường.
- Tác giả Khả Lê (2019) “Thắt chặt quản lý bất động sản, lập lại trật tự xây dựng”, cổng thông tin điện tử Báo Đăk Lăk (baodaklak.vn). Tác giả đã phỏng vấn Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đăk Lăk liên quan đến thực trạng quản lý bất động sản, quản lý trật tự xây dựng và đề ra một số giải pháp để thực hiện tốt công tác quản lý bất động sản, lập lại trật tự xây dựng trong thời gian tới.
Qua nghiên cứu một số công trình, đề tài liên quan đến quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên đây, đa số các công trình đều đã đề cập đến cơ sở lý luận công tác quản lý trật tự xây dựng và một số nội dung về công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng nhà ở, công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng,….; thực trạng và một số giải pháp tăng
cường công tác quản lý trật tự xây dựng tại một số địa phương. Tuy nhiên, các công trình chưa phân tích, nghiên cứu sâu một số công cụ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, giải pháp nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Chính vì vậy, trên cơ sở kế thừa các kết quả của các công trình nghiên cứu liên quan, luận văn tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ sở lý luận, thực tiễn quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ giai đoạn 2015-2020, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ trong thời gian tới.
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
3.1. Mục đích nghiên cứu
Luận văn góp phần làm rõ cơ sở lý luận quản lý nhà nước về trật tự xây dựng; nghiên cứu, đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về trật tư xây dựng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2015-2020; qua đó, đề ra một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về trật tư xây dựng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tổng hợp, khái quát khung lý luận quản lý nhà nước về trật tự xây
dựng.
- Phân tích, đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về trật tự xây dựng
trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
- Đề xuất phương hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ hiện nay và những năm tiếp theo.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi về nội dung: Công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Luận văn nghiên cứu sâu về công tác quản lý việc xây dựng theo quy hoạch, quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng và xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
- Phạm vi không gian: Trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
- Phạm vi thời gian: Luận văn nghiên cứu hoạt động quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ từ năm 2015 đến năm 2020.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn
5.1. Phương pháp luận
Phương pháp luận được tiếp cận chủ yếu trên cơ sở phép duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của triết học Mác- Lênin; tư tưởng Hồ Chí Mính; quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta về quy hoạch, quản lý trật xây dựng.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
5.2.1. Phương pháp thu thập số liệu
- Số liệu sơ cấp: Số liệu sơ cấp được thu thập thông qua phương pháp phỏng vấn sâu cá nhân nhằm tìm hiểu những quan điểm của những người quản lý về trật tự xây dựng trên địa bàn, chính quyền địa phương (150 người). Đối tượng thu thập số liệu là cán bộ, công chức được phân công QLTTXD và những tổ chức, cá nhân khác liên quan đến trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ.
- Số liệu thứ cấp: Phương pháp chủ yếu để thu thập số liệu thứ cấp là phương pháp tổng hợp tài liệu. Nguồn dữ liệu được thu thập từ các báo cáo của UBND thị xã Buôn Hồ, phòng quản lý đô thị thị xã Buôn Hồ, UBND các
xã, phường của thị xã Buôn Hồ; số liệu từ Niên giám Thống kê. Ngoài ra, thông tin trong luận văn còn được thu thập từ các tài liệu, số liệu đã được công bố, Website, giáo trình và các nghiên cứu liên quan đến quản lý nhà nước đối với trật tự xây dựng.
5.2.2. Phương pháp phân tích và xử lý số liệu
Các số liệu sau khi thu thập được tiến hành phân tích thành các nhóm chỉ tiêu khác nhau và phân tích, so sánh bằng phần mềm Microsoft Excel, từ đó tìm ra sự biến động. Đồng thời, vận dụng phương pháp so sánh nhằm phân tích số liệu trong khoảng thời gian nghiên cứu đề tài để đi đến phân tích và đề xuất biện pháp thích hợp nhất.
Các phương pháp nghiên cứu cụ thể:
- Phương pháp tổng hợp và phân tích kinh tế: Dựa trên cơ sở số liệu thứ cấp thu thập được từ các tài liệu của UBND thị xã Buôn Hồ, phòng Quản lý đô thị thị xã Buôn Hồ, Niên giám Thống kê.
- Phương pháp chuyên gia: Tham khảo ý kiến cán bộ lãnh đạo, người trực tiếp làm công tác quản lý trật tự xây dựng và người dân về công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
6.1. Ý nghĩa lý luận
Luận văn nghiên cứu, làm rõ hơn hệ thống cơ sở lý luận quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, góp phần khẳng định vị trí vai trò của công tác quản lý nhà nước về trật tư xây dựng ở nước ta giai đoạn hiện nay cũng như khẳng định được sự cần thiết phải tăng cường quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân để đề xuất các giải pháp mang tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế nhằm tăng cường hoạt động QLNN về trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo; luận văn gồm có 3 chương như sau:
Chương 1: Những vấn đề lý luận quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.
Chương 2: Thực trạng quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2015-2020.
Chương 3: Quan điểm và giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025.