gũi, gắn bó, hiểu rõ phong tục tập quán của đồng bào để tuyên truyền, vận động có hiệu quả, được đồng bào tin tưởng, yêu mến.
Chương 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA HUYỆN CƯ M’GAR HIỆN NAY
2.1. Khái quát vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội huyện Cư M’gar
2.1.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
Cư M’gar là một huyện của tỉnh Đắk Lắk, phía Đông giáp huyện Krông Búk, phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Ea Súp và Buôn Đôn, phía Nam giáp thành phố Buôn Ma Thuột, phía Bắc giáp huyện Ea Hleo, với tổng diện tích tự nhiên là 82.443 ha.
Địa hình huyện Cư M’gar tương đối bằng phẳng, không bị chia cắt bởi các dãy núi cao và sông sâu, mà chỉ toàn là gò đồi và núi thấp. Hiện nay trên bề mặt của địa hình ở đây vẫn còn những ngọn núi (phần nhiều là núi lửa đã tắt), nằm rải rác như Chư Kéh, Chứ Kty, Chứ Đrưng, Chứ H’Lâm, Chứ Suê, Chứ M’gar với độ cao chưa đầy 600m so với mặt nước biển (tức chỉ cao hơn mặt đất gần 100 m). Cư M’gar là một huyện không có con sông nào chảy qua, nhưng lại có nhiều dòng suối lớn như: Ea Mđroh, Ea Tul, Ea Săng, Ea Hđing, Ea Tar và hàng trăm con suối nhỏ khác.
Tuy là một huyện miền núi, nằm trên cao nguyên và lại gần đường xích đạo, nhưng khí hậu ở Cư M’gar cũng như Đắk Lắk tương đối ôn hòa, mát mẻ hơn so với nhiều tỉnh khác. Một năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Tháng nóng nhất và tháng lạnh nhất chỉ chênh nhau 3-40C. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 230C. Lượng mưa lên tới trên 2000mm/năm và ít chịu ảnh hưởng của gió bão.
Điều kiện đất đai và thời tiết như vậy lý tưởng cho việc phát triển nền kinh tế nông, lâm nghiệp vững mạnh. Ở đây có thể phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê, điều, hồ tiêu; xen canh bơ, sầu riêng;
chăn nuôi được phát triển mạnh tạo nên vùng đất của Cư M’gar rất phong phú, đa dạng và có đầy đủ khả năng đem lại hiệu quả kinh tế, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Về giao thông cũng khá thuận lợi, mặc dù chỉ có tỉnh lộ 8 chạy qua, nhưng việc đi lại giữa các xã, thị trấn, thôn, buôn, giữa trung tâm huyện tới các điểm dân cư cũng dễ dàng, thuận lợi. Mặt khác do vị trí của huyện nằm cận kề với thành phố Buôn Ma Thuột, nên từ lâu huyện Cư M’gar đã triệt để khai thác điều kiện khách quan thuận lợi này nhằm phục vụ cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa và tình cảm của nhân dân trong huyện với bên ngoài và ngược lại.
Tóm tại, Điều kiện tự nhiên trong đó đất đai là tiềm năng nổi trội của huyện Cư M’gar. Hiện nay huyện Cư M’gar đang có kế hoạch toàn diện và đồng bộ nhằm khai thác một cách có hiệu quả hơn nữa, để giữ gìn được cảnh quan, môi trường, môi sinh, vừa phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phồn vinh của huyện [44, tr.11].
2.1.2. Khái quát về kinh tế
Kinh tế chủ đạo của huyện Cư M’gar chủ yếu là phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá và tương đối ổn định, năm 2020 đạt 10,21%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 85 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đà phát triển, năm 1984 nền kinh tế chủ yếu là thuần nông với tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên 85%, đến cuối năm 2020 cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 39,29%, công nghiệp - xây dựng 21,75%, thương mại - dịch vụ 38,96%.
Trong những năm qua, Huyện Cư M’gar đã đầu tư phát triển kinh tế, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả theo hướng vững chắc, phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, bước đầu đã xuất hiện một số mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trên địa bàn huyện, Chương
trình phát triển cà phê bền vững của huyện đã đạt được những kết quả tích cực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xác định các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su, hồ tiêu là cây trồng chủ lực của huyện. Hiện nay, toàn huyện có 52.429 ha cây công nghiệp lâu năm, trong đó: cà phê 37.726 ha, cao su 7.210 ha, tiêu 2.564 ha, điều 2.408 ha; có 1 công ty, 3 hợp tác xã, 21 trang trại tổng hợp và nhiều tổ hợp tác phát triển cà phê bền vững với 12.000 ha, sản lượng đăng ký 35.000 tấn nhân xô/năm. Các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ... Sản xuất lương thực phát triển ổn định, tổng sản lượng lương thực năm 2020 đạt 84.392 tấn.
Chăn nuôi trên địa bàn huyện được thực hiện theo hướng chăn nuôi trang trại, công nghiệp hoá. Toàn huyện có 26 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 14 trang trại lạnh với thu nhập bình quân mỗi trang trại trên 1,3 tỷ đồng/1 năm. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có 845.637 con. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp năm 2020 đạt 17%.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng trên địa bàn huyện có mức phát triển khá, giá trị sản xuất hàng năm đều tăng. Toàn huyện có 940 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 1.090 tỷ đồng. Thương mại - dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng của Nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa hàng năm tăng mạnh, giá trị năm 2020 đạt 5.800 tỷ đồng. Toàn huyện có 01 siêu thị, 6 chợ. Số cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong toàn huyện là 4.522 cơ sở, tăng 2.420 cơ sở so với năm 2015.
Huyện Cư M’gar có địa thế đất đai bằng phẳng đã tạo điều kiện giao thông - vận tải, bưu chính - viễn thông thuận tiện. Khối lượng luân chuyển hàng hóa năm 2020 đạt 320 triệu tấn. Các dịch vụ xe khách, xe buýt, taxi được mở rộng đến các xã, thị trấn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và
đi lại của Nhân dân. Các công trình giao thông liên xã, liên thôn, điện thắp sáng trên địa bàn huyện đã được thực hiện cơ bản. Đến nay, tỷ lệ nhựa hoá, bê tông hoá đường huyện đạt 100%, 100% thôn, buôn và 99,8% hộ gia đình dùng điện. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 13 xã đạt chuẩn, trong đó có 1 xã chuẩn nông thôn mới nâng cao [31, tr.19].
2.1.3. Khái quát về văn hóa, xã hội
Toàn huyện gồm 15 xã, 02 thị trấn, có 189 thôn, buôn, tổ dân phố. Dân số 175.747 người, với 24 thành phần dân tộc, trong đó: đồng bào Kinh chiếm 54%, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 36%, dân tộc thiểu số khác chiếm 10%.
Nằm ở vị trí cửa ngõ của thành phố Buôn Ma Thuột, Cư M’gar hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù riêng, với những thế mạnh nổi trội từ điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, đã tạo điều kiện cho sự hội tụ, giao thoa của nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện với 25 dân tộc anh em chung sống đã mang đến một nền văn hóa đa dạng, phong phú. Những nét độc đáo của các nghi lễ truyền thống của người Êđê như: lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới, những kho tàng truyện cổ dân gian, những làn điệu kể Khan và một số nhạc cụ dân tộc độc đáo khác đã tạo ra những nét văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Việc chăm lo, phát triển đời sống nhân dân trên địa bàn huyện không ngừng được quan tâm, thực hiện. Chất lượng giáo dục, y tế ngày càng được nâng lên, các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế cho Nhân dân, nhất là ở vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm tạo điều kiện góp phần từng bước nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, tính đến tháng 12/2020 thu nhập bình quân đầu người 85 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm [31, tr.4].
2.2. Hoạt động về tôn giáo trên địa bàn huyện Cư M’gar
2.2.1. Khái quát về các tôn giáo trên địa bàn huyện Cư M’gar hiện nay
Huyện Cư M’gar hiện có 4 tôn giáo chính: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài, với 57.550 tín đồ tôn giáo, chiếm 32% dân số, trong đó Công giáo 17.840 tín đồ, chiếm 30,9% tín đồ tôn giáo toàn huyện, Phật giáo 11.167 tín đồ, chiếm 19,4% tín đồ tôn giáo toàn huyện; Tin lành 28.310 tín đồ, chiếm 49,2% tín đồ tôn giáo toàn huyện; Cao đài 0,5% tín đồ tôn giáo toàn huyện [46].
Toàn huyện có 34 chức sắc, chức việc tôn giáo. Trong đó Phật giáo có 10 đại đức, 03 sư cô, 01 ni sư, 01 tu sỹ; Công giáo 07 linh mục; Tin lành có 12 mục sư, Cao đài 01 Trưởng ban đại diện.
Các tôn giáo được truyền đạo và phát triển trên địa bàn huyện đều trải qua quá trình chọn lọc, hòa nhập mang đậm màu sắc dân tộc, gắn liền với văn hoá truyền thống dân tộc. Về mặt tín ngưỡng, tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, trong đó có huyện Cư M’gar nói riêng vẫn giữ tín ngưỡng nguyên thủy thờ đa thần với quan niệm vạn vật hữu linh và thờ cúng theo phong tục tập quán truyền thống.
Với chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện các tôn giáo trong cả nước giao lưu, hội nhập và tất yếu đỏi hỏi các tôn phải đổi mới để phát triển. Không nằm ngoài xu hướng đó, các tôn giáo trên địa bàn huyện Cư M’gar trong những năm gần đây trỗi dậy, phát triển mạnh mẽ, thông qua việc mở rộng địa bàn truyền đạo, củng cố và phát triển tín đồ, chia tách, thành lập các chi hội, điểm nhóm tôn giáo, xây dựng, cơi nới cơ sở thờ tự, nơi sinh hoạt tôn giáo không ngừng được mở rộng và phát triển; các hoạt động mua bán, sang nhượng đất nông nghiệp phục vụ cho việc xây dựng cơ sở tôn giáo được đẩy mạnh. Nếu như năm 2012 toàn huyện có 42.376 tín đồ các tôn giáo, chiếm 21,6% dân số, đến tháng 5/2021 tăng lên 57.550 tín đồ, chiếm 32% dân số; cơ sở tôn giáo năm 2012 toàn huyện có 13 cơ sở (gồm chùa, niệm phật
đường, giáo xứ, giáo họ, điểm sinh hoạt tập trung, điểm nhóm), đến tháng 5/2021 đã tăng lên 25 cơ sở tôn giáo. Địa bàn hoạt động của các tôn giáo cũng không ngừng được mở rộng phân bố trên địa bàn 17 xã, thị trấn của huyện. Trong đó, đặc biệt Công giáo, Tin lành đã tập trung mở rộng địa bàn hoạt động đến các xã vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh việc chia tách, thành lập Chi hội, điểm nhóm, giáo xứ, giáo họ, giáo đoàn, điểm sinh hoạt; phát triển tín đồ đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến tháng 5 năm 2021, tín đồ đồng bào dân tộc thiểu số có đạo toàn huyện 38.091 người, chiếm 60,67% tín đồ tôn giáo toàn huyện. Trong đó, tín đồ đồng bào DTTS đạo Tin lành 22.050 người, chiếm 77,82% tín đồ Tin lành toàn huyện, tín đồ đồng bào DTTS đạo Công giáo là 9.920 người, chiếm 55,6% tín đồ đạo Công giáo toàn huyện; tín đồ đồng bào DTTS đạo Phật giáo 6.121 người, chiếm 54,8% tín đồ Phật giáo toàn huyện.
Đi cùng với sự giao lưu, phát triển, xu hướng đa dạng hóa trong các tôn giáo được đẩy mạnh, trên địa bàn huyện xuất hiện các “hiện tượng tôn giáo mới”, “tà đạo”, “đạo lạ” như: Hà mòn, Pháp luân công, Truyền giảng Phúc âm, Thánh Đức chúa trời, Tin lành MCA…truyền bá nội dung mê tín, dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, văn hoá truyền thống dân tộc, mang màu sắc chính trị; các thế lực thù địch vẫn luôn tìm cách lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng và Nhà nước bằng nhiều phương thức tinh vi: sử dụng không gian mạng xã hội đăng tải, chia sẻ các bài viết bôi nhọ, xuyên tạc các chính sách tôn giáo của Nhà nước ta nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng; lôi kéo, kích động tín đồ tôn giáo cực đoan, móc nối số đối tượng Fulro đã bị bóc gỡ trở về địa phương bằng phương thức hỗ trợ tiền, vật phẩm dưới danh nghĩa từ thiện xã hội, sử dụng các băng đĩa, tài liệu phản động vào trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo nhằm lôi kéo, kích động, biểu tình, bạo loạn; phối hợp móc nối trong, ngoài huyện để tiến hành
phát triển nhiều hệ phái Tin lành trái phép phục vụ mục đích chống phá chế độ, gây mất đoàn kết dân tộc, tôn giáo, tác động an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống Nhân dân.
Bên cạnh đó, một số tổ chức tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Tin lành) thường xuyên tụ tập đông người, tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái phép về quy mô, địa điểm, nội dung không đăng ký hoặc không đúng với nội dung đăng ký với chính quyền địa phương. Một số chức sắc, chức việc, tu sỹ, tín đồ tôn giáo lưu trú các tu sỹ tôn giáo ở nước ngoài hoặc địa phương khác đến và truyền đạo trái phép trên địa bàn huyện; thực hiện mua bán, nhận sang nhượng đất đai với mục đích xây dựng, cơi nơi cơ sở thờ tự, biến thể đất ở thành địa điểm sinh hoạt tôn giáo, nghĩa trang tôn giáo trái phép. Với sự phát triển và biến chuyển không ngừng, các tôn giáo trên địa bàn huyện đã tạo nên bức tranh đa sắc diện, ánh sáng và bóng tối xen lẫn… Đặt ra những khó khăn, thách thức đối với chính quyền các cấp của huyện trong công tác quản lý về tôn giáo trên địa bàn huyện.
Bảng 2.1. Bảng tổng hợp số liệu tín đồ các tôn giáo trên địa bàn huyện Cư M’gar, giai đoạn 2012-2020
Tôn giáo | Năm | |||||
2012 | 2014 | 2016 | 2018 | 2020 | ||
1 | Công giáo | 10.553 | 14.211 | 15.604 | 16.824 | 17.840 |
2 | Phật giáo | 5.997 | 8.417 | 9.529 | 10.566 | 11.167 |
3 | Tin lành | 17.625 | 23.530 | 25.017 | 27.448 | 28.310 |
4 | Cao đài | 164 | 244 | 250 | 287 | 233 |
Tổng cộng | 34.339 | 46.402 | 50.400 | 55.125 | 57.550 | |
Tỷ lệ tín đồ tôn giáo/ dân số | 21,6% | 26,6% | 28,7% | 30% | 32% |
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk - 2
- Cơ Sở Lý Luận Và Thực Tiễn Quản Lý Nhà Nước Về Tôn Giáo.
- Nghiên Cứu Trong Lĩnh Vực Tín Ngưỡng, Tôn Giáo; Đào Tạo, Bồi Dưỡng Cán Bộ, Công Chức, Viên Chức Làm Công Tác Tín Ngưỡng, Tôn Giáo [55, Tr.11].
- Tình Hình Hoạt Động Của Các Tôn Giáo Trên Địa Bàn Huyện Cưm’Gar
- Thực Trạng Thực Hiện Các Nội Dung Quản Lý Nhà Nước Về Tôn Giáo Trên Địa Bàn Huyện Cư M’Gar
- Quản Lý Việc Tổ Chức Các Lễ Hội, Hội Nghị Đại Hội Của Các Tôn Giáo
Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.
Nguồn: Phòng Nội vụ huyện, 2021.