Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình - 2


MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Du lịch đã và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương - là ngành kinh tế mang tính tổng hợp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo công ăn việc làm, mở rộng giao lưu văn hoá và xã hội giữa các địa phương, giúp nâng cao hiểu biết, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hoà bình giữa các dân tộc, vùng miền. Du lịch được xem là một ngành “công nghiệp không khói”, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quảng Bình nằm trên dải đất miền Trung, có tài nguyên du lịch tương đối phong phú, đa dạng. Những năm gần đây, Quảng Bình đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và thế giới.

Đến với Quảng Bình, một trong những địa chỉ du lịch nổi bật là thành phố Đồng Hới. Cách di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 50km về phía Tây, cách Vũng Chùa - Đảo Yến - Cảng biển Hòn La 60km về phía Bắc và cách Khu du lịch suối Bang, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp 50km về phía Nam, thành phố Đồng Hới có vị trí rất thuận lợi- nằm trên trục giao thông Bắc Nam, có Quốc lộ 1A, đường sắt và đường Hồ Chí Minh, có sân bay, bến cảng, có bờ biển dài 12km và dòng Nhật Lệ chảy giữa lòng thành phố.

Đồng Hới hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đồng Hới lần thứ XX (nhiệm kỳ 2015-2020) đã khẳng định: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế thành phố. Xây dựng chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020. Tập trung đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, ưu tiên xây dựng các bãi tắm biển....”.

Trong những năm qua, dịch vụ du lịch đã từng bước khẳng định là


ngành kinh tế trọng tâm của thành phố. Lượng khách du lịch đến Đồng Hới tăng bình quân hàng năm 19,3%, tăng 2 lần so với năm 2010. Tuy vậy, hiện nay du lịch Đồng Hới vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chất lượng các dịch vụ phục vụ di lịch phát triển chậm, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư trên lĩnh vực vui chơi, giải trí, sản phẩm du lịch mang thương hiệu Đồng Hới chưa nhiều...

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

Để thực hiện các mục tiêu và quan điểm phát triển du lịch của thành phố, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố thì ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, về phía cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp đổi mới và thực hiện có hiệu quả trong thực tế. Thực hiện tốt quản lý nhà nước về du lịch sẽ góp phần giúp ngành du lịch thành phố Đồng Hới phát triển toàn diện và đạt hiệu quả cao hơn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với những lý do trên, tôi chọn đề tài: "Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình" làm Luận văn tốt nghiệp khóa học thạc sỹ của mình.

Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình - 2

2. Tình hình nghiên cứu của đề tài

Vấn đề quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch ở phạm vi cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng là đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, các nhà lãnh đạo và quản lý kinh tế. Đã có một số công trình khoa học nghiên cứu, bài viết về du lịch nói chung, du lịch Quảng Bình và thành phố Đồng Hới tiêu biểu như sau:

- Lê Mai Khanh (2005) “Phát triển du lịch Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”, Luận văn tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị, đề tài đề cập đến vai trò, vị trí của phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.


- Lê Hùng Phi (2009) "Quản lý di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch ở Quảng Bình" Luận văn thạc sỹ Quản lý công. Luận văn đã đề cập đến một số nội dung liên quan đến phát triển du lịch, mối quan hệ giữa di tích, danh thắng và du lịch; quản lý di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.

- Phan Hòa (2012), “Du lịch Quảng Bình trước xu thế phát triển” Tạp chí Văn hóa Quảng Bình, số 11 năm 2012. Khẳng định tiềm năng, lợi thế về du lịch của tỉnh Quảng Bình trước xu thế hội nhập; tuy nhiên kết quả đạt được trên lĩnh vực du lịch còn ở mức khiêm tốn; nguyên nhân chính là đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch chưa cao.

- Nguyễn Văn Mạnh và Lê Chí Công (2013), “Chất lượng điểm đến: Nghiên cứu so sánh giữa hai thành phố du lịch biển Việt Nam”, tạp chí Phát triển Kinh tế - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, số 10 năm 2013. Phân tích và đưa ra những điểm tương đồng, khác biệt giữa hai thành phố du lịch biển để nhấn mạnh các yếu tố tạo nên thành công của ngành này.

- Võ Văn Thành (2015), “Tổng quan du lịch”, Cuốn sách cung cấp những kiến thức cơ bản về du lịch một cách có hệ thống: Thế nào là du lịch, tài nguyên du lịch? Các vùng du lịch ở Việt Nam? Tác động của du lịch đối với kinh tế- văn hóa - xã hội và môi trường nước sở tại? Vài nét về nguồn nhân lực du lịch...

- Lê Thanh Bình (2014), “ Đẩy mạnh liên kết hợp tác trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch”, Tạp chí văn hóa Quảng Bình, số 11. Bài viết đã nhận diện một số thực trạng trong liên kết hợp tác quảng bá du lịch và đưa ra một số giải pháp hoạt động quảng bá du lịch Quảng Bình trong thời gian tới.

- Nguyễn Tú (2000), “Địa chí Đồng Hới”, Tập sách giới thiệu rõ nét về mảnh đất và con người Đồng Hới với đầy đủ thông tin từ sơ khai của địa danh


Đồng Hới đến địa danh, phong cảnh.

- Thành ủy- Hội đồng nhân dân- UBND thành phố Đồng Hới (2014),“Đồng Hới - tiềm năng - hội nhập và phát triển”, tập sách ảnh dành riêng một phần lớn giới thiệu các di tích và danh thắng tiêu biểu trên địa bàn thành phố Đồng Hới.

Như vậy, cho đến nay chưa có tác giả nào nghiên cứu sâu và toàn diện về quản lý nhà nước về du lịch ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Đề tài luận văn "Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình" vì thế hoàn toàn không trùng lặp với bất cứ công trình nghiên cứu khoa học nào.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn

3.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở hệ thống lý luận và thực tiễn quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, luận văn đề xuất các giải pháp quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn nhằm thúc đẩy ngành du lịch của thành phố phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Hệ thống hóa các kiến thức lý luận liên quan đến quản lý nhà nước về du lịch,

- Phân tích thực trạng quản lý nhà nước về du lịch của thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình từ năm 2011 đến năm 2017; đánh giá các kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân và xác định các vấn đề đặt ra cần giải quyết.

- Đề xuất các giải pháp quản lý nhà nước về du lịch ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế, tiềm năng du lịch của thành phố.

4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của luận văn


4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là hoạt động quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

+ Về không gian: Đề tài được tiến hành nghiên cứu trên phạm vi địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

+ Về thời gian: Phân tích thực trạng hoạt động du lịch và QLNN về du lịch tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình từ năm 2011 đến năm 2017.

+ Về nội dung: Nghiên cứu hoạt động du lịch và quản lý nhà nước về du lịch cấp thành phố.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận

Luận văn được thực hiện dựa trên các phương pháp luận: Phương pháp luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch;.....

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, đề tài sử dụng chủ yếu các phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp thống kê; phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp hệ thống, đánh giá, dự báo và phương pháp thực địa.

6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa khoa học

- Làm rõ hơn một số luận điểm, khái niệm về du lịch, quản lý nhà nước về du lịch, chính sách du lịch, nguồn nhân lực du lịch, thanh tra, kiểm tra, du lịch bền vững;

- Xây dựng được khung lý luận làm căn cứ, cơ sở để đánh giá thực trạng và xác định các vấn đề đặt ra trong QLNN về du lịch trên địa bàn cấp thành phố.


6.2. Ý nghĩa thực tiễn

- Kết quả thực tế của đề tài sẽ nhận diện được các hạn chế trong quá trình quản lý nhà nước về du lịch tại thành phố Đồng Hới. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế, góp phần đưa du lịch thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế hiện có.

- Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho đội ngũ cán bộ, công chức hoạt động trong lĩnh vực quản lý nhà nước về du lịch và các cơ quan và cá nhân trong việc nghiên cứu hoạch định chính sách phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

7. Kết cấu luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương.

Chương 1: Cơ sở khoa học về quản lý nhà nước về du lịch.

Chương 2: Thực trạng quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Chương 3: Quan điểm của Đảng và một số giải pháp quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.


Chương 1

CƠ SỞ KHOA HỌC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH


1.1. Lý luận chung về du lịch

1.1.1. Du lịch và các khái niệm liên quan

1.1.1.1. Khái niệm về du lịch.

Ngày nay, du lịch đã thực sự trở thành một ngành kinh tế có vai trò quan trọng không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, do quan điểm tiếp cận và góc độ nghiên cứu khác nhau, cho nên có rất nhiều cách hiểu khác nhau về du lịch.

Theo Từ điển Bách khoa Quốc tế về du lịch (Le Dictionnaire International du Tourisme, Viện Hàn lâm Khoa học quốc tế về Du lịch): “Du lịch là tập hợp các hoạt động tích cực của con người nhằm thực hiện một dạng hành trình, là một công việc liên kết nhằm thoả mãn các nhu cầu của khách du lịch, du lịch là cuộc hành trình mà một bên là người khởi hành với mục đích chọn trước và một bên là những công cụ làm thoả mãn các nhu cầu của họ” [29, tr.17]. Định nghĩa này chỉ xem xét chung hiện tượng du lịch, mà ít phân tích nó như một hiện tượng kinh tế.

Khái niệm về du lịch của Trường Đại học Tổng hợp kinh tế thành phố Varna, Bulgarie: “Du lịch là một hiện tượng kinh tế - xã hội được lặp đi lặp lại đều đặn - chính là sản xuất và trao đổi dịch vụ, hàng hóa của các đơn vị kinh tế độc lập - đó là các tổ chức, các xí nghiệp với cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên môn nhằm đảm bảo sự đi lại, lưu trú, nghĩ ngơi với mục đích thỏa mãn các nhu cầu cá thể về vật chất và tinh thần của những người lưu trú ngoài nơi ở thường xuyên của họ để nghỉ ngơi, chữa bệnh, giải trí mà không có mục đích lao động kiếm lời” [29, tr.18]. Định nghĩa này xem xét rất kỹ hiện tượng du lịch như là một phạm trù kinh tế với đầy đủ tính đặc trưng và vai trò của


một bộ máy kinh tế, kỹ thuật.

Tại Hội nghị quốc tế về thống kê du lịch ở Otawa – Canada (tháng 6/1991), du lịch được định nghĩa: “Là hoạt động của con người đi tới một nơi ngoài môi trường thường xuyên (nơi ở thường xuyên của mình), trong một khoảng thời gian ít hơn khoảng thời gian đã được các tổ chức du lịch quy định trước, mục đích của chuyến đi không phải là để tiến hành các hoạt động kiếm tiền trong phạm vi vùng tới thăm”. Định nghĩa này xem xét hoạt động du lịch ở góc độ khách du lịch, do vậy chưa phản ánh đầy đủ nội dung của hoạt động du lịch.

Tổ chức du lịch thế giới - WTO (viết tắt tiếng Anh của World Torism Organisation) đã thống nhất khái niệm du lịch phản ánh các mối quan hệ có tính bản chất bên trong làm cơ sở cho việc nghiên cứu các xu hướng và các quy luật phát triển của nó. Theo đó: “Du lịch là tổng thể của những hiện tượng và những mối quan hệ phát sinh do sự tác động qua lại giữa khách du lịch, người kinh doanh du lịch, chính quyền sở tại và cộng đồng dân cư địa phương trong quá trình thu hút và lưu giữ khách du lịch”. Định nghĩa này đã nêu bật lên đươc mối quan hệ, tác động qua lại của cả hệ thống con người, tổ chức thực hiện du lịch; đó chính là khách du lịch, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ du lịch, chính quyền địa phương sở tại và cư dân địa phương.

Luật Du lịch được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua khoá IX, kỳ họp thứ 7 tháng 06/2005, thuật ngữ “du lịch” được khái niệm như sau: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”. Định nghĩa này xem xét du lịch như là một hoạt động, xem xét du lịch thông qua những hoạt động đặc trưng mà con người mong muốn trong các

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 28/11/2024