- Phần tư thứ 2 (Tiếp tục duy trì): những yếu tố nằm ở phần tư này được xem là rất quan trọng đối với khách hàng và nhà cung ứng dịch vụ cũng đã có mức độ thể hiện rất tốt. Nhà quản trị cung ứng dịch vụ nên tiếp tục duy trì và phát huy thế mạnh này.
- Phần tư thứ 3 (Hạn chế phát triển): những yếu tố nằm ở phần tư này được xem là có mức độ thể hiện thấp và không quan trọng đối với khách hàng. Nhà quản trị cung ứng dịch vụ nên hạn chế nguồn lực phát triển những yếu tố này.
- Phần tư thứ 4 (Giảm sự đầu tư): những yếu tố nằm ở phần tư này được xem là không quan trọng đối với khách hàng, nhưng mức độ thể hiện của nhà cung ứng rất tốt. Có thể xem sự đầu tư quá mức như hiện tại là không phù hợp. Nhà quản trị cung ứng dịch vụ nên sử dụng nguồn lực này tập trung phát triển những yếu tố khác.
Luận án sử dụng phương pháp phân tích IPA để xem xét các yếu tố đã phát triển tốt, nên duy trì hay cần tăng cường phát triển tại một số điểm DLCĐ ở các tỉnh Tây Bắc thông qua đánh giá của khách du lịch. Những kết luận rút ra từ việc sử dụng phương pháp này là một trong những cơ sở để nhận định kết quả của QLNN đối với PTDLCĐ của địa phương cấp tỉnh và làm cơ sở đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ nói chung và các giải pháp về PTDLCĐ và QLNN đối với PTDLCĐ nói riêng.
Để sử dụng phương pháp phân tích IPA, luận án đã thiết kế bảng câu hỏi đối với khách du lịch có hai phần trả lời cho cùng một câu hỏi. Đó là phần trả lời về mức độ quan trọng (Importance) và phần trả lời về mức độ thực hiện (Performance) đối với 10 yếu tố có ảnh hưởng đến PTDLCĐ ở các tỉnh Tây Bắc (giao thông, cảnh quan, an ninh, an toàn….) [23, 81, 97, 113]. Kết quả phân tích theo phương pháp phân tích IPA được mô tả trong chương 3 của luận án.
1.2.2.5. Phương pháp chuyên gia
Phương pháp chuyên gia là phương pháp sử dụng trí tuệ của đội ngũ chuyên gia để xem xét, nhận định, cho ý kiến về bản chất một sự kiện khoa học hay thực tiễn phức tạp, để tìm ra giải pháp tối ưu cho các sự kiện đó hay đánh giá một sản phẩm, một vấn đề khoa học [68, 75, 109]. Phương pháp này có thể được tiến hành
qua hình thức hội thảo, tranh luận, đánh giá, nghiệm thu công trình khoa học, lấy ý kiến… Phương pháp chuyên gia thường được sử dụng ở giai đoạn cuối cùng, hoặc khi phương pháp nghiên cứu khác không cho kết quả. Trong quá trình nghiên cứu đề tài luận án, nghiên cứu sinh sử dụng phương pháp chuyên gia để xin ý kiến về các tiêu chí đánh giá QLNN đối với PTDLCĐ, đánh giá các kết quả QLNN đối với PTDLCĐ ở một số địa phương vùng Tây Bắc theo bảng hỏi được chuẩn bị sẵn. Các chuyên gia là các nhà quản lý trong lĩnh vực du lịch, DLCĐ ở các cơ quan QLNN ở trung ương (TW) và địa phương; các nhà nghiên cứu ở các viện nghiên cứu, trường đại học có đào tạo về du lịch… Các ý kiến của các chuyên gia được tổng hợp, phân tích và sử dụng trong quá trình nghiên cứu của luận án.
1.2.3. Phương pháp thu thập dữ liệu
Để đánh giá, phân tích kết quả hoạt động của QLNN đối với PTDLCĐ ở một số tỉnh vùng Tây Bắc theo tiếp cận định tính nêu trên, luận án sử dụng 2 nguồn dữ liệu là dữ liệu thứ cấp và dữ liệu sơ cấp. Dữ liệu sơ cấp được thu thập bằng điều tra xã hội học qua phương pháp phỏng vấn có cấu trúc. Mục đích của điều tra xã hội học là thu thập bổ sung thông tin mà dữ liệu thứ cấp không cung cấp đủ như: ngày lưu trú bình quân, mức độ hài lòng của khách du lịch đến các điểm DLCĐ; nhìn nhận của CĐDC, doanh nghiệp về QLNN đối với PTDLCĐ… Ngoài ra, luận án sử dụng phương pháp quan sát trên thực địa để thu nhận thông tin cũng như xác minh dữ liệu thu được từ các nguồn khác về PTDLCĐ, QLNN đối với PTDLCĐ và các nhân tố khác có liên quan đến PTDLCĐ và QLNN đối với PTDLCĐ của địa phương cấp tỉnh.
1.2.3.1. Thu thập dữ liệu thứ cấp
Dữ liệu thứ cấp không chỉ cung cấp nguồn thông tin hữu ích để giải quyết vấn đề cần nghiên cứu mà còn giúp diễn giải vấn đề nghiên cứu một cách thấu đáo và toàn diện [68, 109]. Các dữ liệu thứ cấp sử dụng trong luận án bao gồm:
- Các dữ liệu về đặc điểm tự nhiên, văn hoá, tình hình kinh tế xã hội, tình hình PTDL, PTDLCĐ của các tỉnh vùng Tây Bắc.
- Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển KTXH, PTDL, PTDLCĐ của quốc gia và của các tỉnh vùng Tây Bắc giai đoạn 2015-2019.
- Các bộ luật, các văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định, thông tư…), các tiêu chuẩn, quy định đang có hiệu lực liên quan đến QLNN đối với PTDLCĐ.
- Các kết quả nghiên cứu liên quan đến PTDLCĐ và QLNN đối với PTDLCĐ ở trong nước và ngoài nước.
Các dữ liệu nêu trên được thu thập từ các Sở VHTTDL các tỉnh trong vùng Tây Bắc, Tổng cục Du lịch, Tổng cục Thống kê… Các kết quả nghiên cứu liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài luận án được thu thập từ các giáo trình, các sách chuyên khảo, các đề tài nghiên cứu khoa học, bài báo có liên quan ở trong và ngoài nước.
1.2.3.2. Thu thập dữ liệu sơ cấp
Để có thêm thông tin nhằm phân tích và đánh giá thực trạng QLNN đối với PTDLCĐ ở 3 tỉnh vùng Tây Bắc, cùng với dữ liệu thứ cấp, luận án đã thu thập dữ liệu sơ cấp bằng phương pháp phỏng vấn có cấu trúc, trên cơ sở các bảng hỏi với các câu hỏi được chuẩn bị sẵn.
Đối tượng khảo sát
Có 4 nhóm đối tượng được khảo sát là: (1) Các chuyên gia, các nhà nghiên cứu; (2) Các doanh nghiệp du lịch; (3) Cộng đồng dân cư tại các điểm DLCĐ; (4) Khách du lịch.
- Các chuyên gia, các nhà nghiên cứu: là cán bộ thuộc các cơ quan QLNN về du lịch/chính quyền địa phương; các chuyên gia làm công tác quản lý, nghiên cứu… liên quan đến PTDLCĐ tại Bộ VHTTDL, Hiệp hội du lịch, Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng; các nhà nghiên cứu về du lịch, DLCĐ tại các viện nghiên cứu, các trường đại học đào tạo về du lịch.
- Cộng đồng dân cư tại các điểm DLCĐ: cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn 3 tỉnh ở vùng Tây Bắc (Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên), bao gồm các hộ tham gia hoặc không tham gia vào các hoạt động du lịch tại điểm DLCĐ.
- Doanh nghiệp du lịch: các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến các điểm DLCĐ ở 3 tỉnh (Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên), và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại các điểm DLCĐ ở 3 tỉnh (Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên).
- Khách du lịch: là các khách đã từng đi du lịch đến các điểm DLCĐ ở ít nhất một trong ba tỉnh vùng Tây Bắc (Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên).
Nguyên tắc và công cụ xây dựng bảng hỏi
Việc khảo sát được thực hiện qua các bảng hỏi (xem phụ lục 5, phần phụ lục). Bảng hỏi được xây dựng dựa trên những nội dung cần nghiên cứu (xác định qua quá trình tổng hợp và phân tích những vấn đề lý luận của đề tài luận án) và qua các công đoạn: thiết kế, tham vấn ý kiến các chuyên gia, khảo sát thử, hoàn thiện bảng hỏi. Bảng hỏi được thiết kế sơ bộ, được hoàn thiện sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia. Tùy theo từng chủ đề, các câu hỏi đánh giá chủ yếu được thiết kế theo 5 cấp độ: 1. Rất kém, 2. Kém, 3. Bình thường, 4. Tốt và 5. Rất tốt (hoặc 1. Rất không quan trọng, 2. Không quan trọng, 3. Bình thường, 4. Quan trọng và 5. Rất quan trọng). Đây là thang đánh giá được sử dụng trong nhiều nghiên cứu gần đây trong lĩnh vực du lịch [13, 57].
Do điều kiện dịch bệnh Covid-19 nên việc khảo sát được thực hiện theo hai hình thức: trực tuyến và trực tiếp. Bảng hỏi in trên giấy được áp dụng để khảo sát cộng đồng dân cư địa phương, các đối tượng còn lại (khách du lịch, doanh nghiệp, chuyên gia) được khảo sát theo hình thức trực tuyến. Bảng hỏi trực tuyến được tạo tại địa chỉ: https://www.kobotoolbox.org/ - đây là công cụ cho phép tạo các bảng hỏi phức tạp mà Google Form không thực hiện được. Do điều tra trực tuyến nên bảng hỏi được thiết kế chung để đánh giá, nhận định cho cả 3 địa phương (Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên), vì vậy, người trả lời có thể lựa chọn đánh giá cho cả 3 địa phương hoặc chỉ đánh giá 1 hoặc 2 địa phương.
Xác định cỡ mẫu
Việc lựa chọn cỡ mẫu phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm của cuộc điều tra và phụ thuộc các yếu tố như độ tin cậy cần có của dữ liệu, sai số mà nghiên cứu có thể chấp nhận được; các loại phân tích thống kê sẽ thực hiện, kích thước của tổng thể…
[52, 68]. Thông thường có hai loại phân tích thống kê được thực hiện để phân tích các số liệu điều tra, bao gồm thống kê mô tả (phân tích định tính) để tóm tắt hoặc mô tả một tập hợp dữ liệu, một mẫu nghiên cứu dưới dạng số hay biểu đồ trực quan và thống kê suy luận (phân tích định lượng) để ngoại suy các đặc điểm của mẫu nghiên cứu ra thành các đặc điểm của quẩn thể nghiên cứu [52, 56].
Cho đến nay, các nghiên cứu, hướng dẫn về xác định cỡ mẫu chủ yếu được thực hiện cho các cuộc điều tra có thực hiện phân tích thống kê suy luận [22, 157]. Theo đó, xác định cỡ mẫu là việc tính toán số lượng cá thể được đưa vào mẫu nghiên cứu sao cho có thể ngoại suy từ các đặc điểm của mẫu ra các đặc điểm tương ứng của quần thể [22, 76]. Hiện nay, có nhiều cách xác định cỡ mẫu trong phân tích định lượng, phụ thuộc vào đặc điểm, yêu cầu của cuộc điều tra và phương pháp phân tích thống kê suy luận được sử dụng [52, 68, 76, 157]. Theo kinh nghiệm của nhiều nhà khoa học, kích thước mẫu tối thiểu trong phân tích định lượng nói chung gấp 5 lần tổng số biến quan sát [52, 56, 76, 77].
Đối với các cuộc điều tra chỉ sử dụng phân tích thống kê mô tả (phân tích định tính), các hướng dẫn về xác định số lượng mẫu cần có để đạt được các kết quả phân tích tin cậy nhìn chung chưa rõ ràng [102, 157]. Phần lớn các nghiên cứu đều cho rằng số lượng mẫu cần có là số mẫu đạt được ở “điểm bão hòa”, có nghĩa là nếu lấy thêm mẫu để phân tích thì kết quả cũng hầu như không thay đổi [68, 98, 157]. Theo cách tiếp cận này, số lượng mẫu không được xác định trước mà người nghiên cứu vừa thu thập số liệu vừa phân tích cho đến khi kết quả phân tích nhận được hầu như không thay đổi thì dừng và số lượng mẫu được xác định là số mẫu đã khảo sát đến thời điểm dừng [68, 157]. Một số tác giả đã sử dụng cách tiếp cận này, tuy nhiên, để đơn giản, số lượng mẫu được lấy trước theo cỡ mẫu cho các cuộc điều tra có thực hiện phân tích định lượng, sau đó tiến hành điều tra và phân tích thống kê. Nếu kết quả đánh giá nhận được có độ lệch chuẩn thấp (kết quả đánh giá tập trung, không phân tán) thì số lượng mẫu và kết quả là có thể tin cậy được, ngược lại, cần bổ sung mẫu nghiên cứu và tiếp tục phân tích [68, 102].
Điều tra xã hội học được thực hiện trong luận án để cung cấp bổ sung các dữ liệu mà các dữ liệu thứ cấp không phản ánh hết về PTDLCĐ, và hoạt động QLNN đối với PTDLCĐ. Các phân tích được thực hiện chủ yếu là phân tích thống
kê mô tả (tính tần số, tính trung bình…). Luận án vận dụng cách tiếp cận của một số nghiên cứu nêu trên với số lượng mẫu được lấy trước theo cỡ mẫu cho các cuộc điều tra có thực hiện phân tích định lượng (với kích thước mẫu tối thiểu gấp 5 lần tổng số biến quan sát: n=5*m với m là số lượng câu hỏi độc lập), sau đó tiến hành điều tra và phân tích thống kê. Luận án sử dụng độ lệch chuẩn của các kết quả tính toán để kiểm tra tính hội tụ của các kết quả đánh giá, nếu độ lệch chuẩn nhỏ hơn 1/3 giá trị trung bình của thông số tính toán thì kết quả chấp nhận được [52, 157]. Một số nghiên cứu gần đây đã lấy mẫu nghiên cứu theo cách này mặc dù không đưa ra cách thức kiểm tra độ tin cậy của kết quả phân tích [13, 57].
Nội dung các bảng hỏi và quá trình thu thập thông tin bằng bảng hỏi
- Bảng hỏi đối với khách du lịch
Mục đích điều tra khách du lịch là để thu thập thông tin về độ dài chuyến đi, những đánh giá của khách du lịch về thực trạng các điểm DLCĐ và những mong muốn của khách du lịch đối với các điểm DLCĐ thuộc 3 tỉnh Hoà Bình, Sơn La và Điện Biên. Bảng hỏi được thiết kế để có thể áp dụng được phương pháp phân tích IPA nhằm đưa ra những nhận định về mức độ phát triển tại một số điểm DLCĐ ở 3 tỉnh Tây Bắc (Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên), vì vậy, ngoài câu hỏi về nguồn thông tin mà khách du lịch biết đến các điểm DLCĐ và độ dài chuyến đi, bảng hỏi có 2 nội dung chính: đánh giá về mức độ quan trọng và đánh giá mức độ thực hiện của 10 yếu tố có ảnh hưởng đến PTDLCĐ ở các tỉnh Tây Bắc (giao thông, cảnh quan, an ninh, an toàn…) [23, 81, 97, 101, 113] (xem mẫu bảng hỏi số 03, phụ lục 5, phần phụ lục). Mức độ thực hiện của 10 yếu tố có ảnh hưởng và mức độ hài lòng của chuyến đi được yêu cầu đánh giá cho từng tỉnh.
Về cỡ mẫu, bảng hỏi khách du lịch có 23 câu hỏi độc lập. Theo cách xác định cỡ mẫu ở trên, để đảm bảo cho tất cả các tỉnh đều nhận được đủ số lượt trả lời, điều tra khách du lịch cần tối thiểu 115 lượt trả lời cho mỗi tỉnh. Để đảm bảo số lượng mẫu thu thập, nghiên cứu sinh đã gửi phiếu khảo sát cho 500 khách du lịch đã từng đến các điểm DLCĐ tại ít nhất một trong ba tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên. Khách du lịch được gửi phiếu khảo sát bao gồm 400 người, được tiếp cận
thông qua 10 công ty lữ hành trên địa bàn Hà Nội có gửi khách đến 3 tỉnh này và 100 người là bạn bè, người thân của nghiên cứu sinh.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên điều tra được thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Nghiên cứu sinh đã trực tiếp gửi đường dẫn tới phiếu khảo sát trực tuyến cho 100 người (trong danh sách bạn bè và người thân) qua địa chỉ thư hoặc tin nhắn trực tiếp. Với 400 người còn lại, đường dẫn tới phiếu khảo sát trực tuyến được gửi tới khách du lịch thông qua 10 công ty lữ hành. Để đảm bảo chắc chắn người trả lời đúng đối tượng (là khách du lịch đến các điểm DLCĐ các tỉnh Tây Bắc), người trả lời cần xác nhận đã từng đi DLCĐ tại các tỉnh Tây Bắc trước khi bắt đầu các câu trả lời của phiếu khảo sát, nếu không xác nhận, phiếu khảo sát sẽ không tiếp tục.
Thời gian thực hiện điều tra được bắt đầu từ tháng 4/2020 và dự kiến đến hết năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 10/2020, nghiên cứu sinh nhận được phản hồi của 450 khách du lịch, trong đó có 178 khách đánh giá cho cả 3 tỉnh, 142 khách chỉ đánh giá cho Hoà Bình, 28 khách chỉ đánh giá cho Sơn La, 13 khách chỉ đánh giá cho Điện Biên, số còn lại đánh giá cho 2 trong 3 tỉnh (mỗi khách có thể đánh giá cho một hoặc nhiều tỉnh) (xem mục 6.3, phụ lục 6, phần phụ lục).
Tại thời điểm điều tra, Việt Nam không đón khách du lịch quốc tế do dịch Covid- 19 nên toàn bộ 450 người trả lời là khách nội địa. Kết quả phân tích các phiếu khảo sát khách du lịch được trình bày trong mục 6.3, phụ lục 6, phần phụ lục.
- Bảng hỏi đối với chuyên gia:
Đối với các chuyên gia, luận án sử dụng 2 bảng hỏi khác nhau. Bảng hỏi thứ nhất để tham vấn ý kiến của các chuyên gia về các chỉ tiêu cụ thể của các tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động QLNN đối với PTDLCĐ của địa phương cấp tỉnh. Bảng hỏi thứ hai để khảo sát các chuyên gia về kết quả hoạt động QLNN đối với PTDLCĐ tại một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam.
Nội dung của bảng hỏi thứ nhất liên quan đến việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia về 20 chỉ tiêu được định danh trước của 4 tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động QLNN đối với PTDLCĐ của địa phương cấp tỉnh (xem mẫu bảng hỏi số 01, phụ lục 5, phần phụ lục). Các tiêu chí này là một trong các cơ sở để xây
dựng bảng hỏi thứ 2. Nếu chuyên gia đồng ý với chỉ tiêu nào thì đánh dấu vào mục “Cần thiết” trong bảng hỏi hoặc để trống mục này nếu không đồng ý. Chuyên gia cũng có thể bổ sung chỉ tiêu mới (theo từng tiêu chí) vào phần để mở của bảng hỏi.
Nghiên cứu sinh đã lập danh sách 120 chuyên gia để tham vấn ý kiến, số lượng cụ thể được thể hiện trên bảng 1.1 (xem bảng 1.1).
Bảng 1.1. Số lượng chuyên gia tham vấn ý kiến về các chỉ tiêu đánh giá kết quả hoạt động quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương cấp tỉnh
Đơn vị: Người
Số lượng | ||
Bộ VHTTDL | 24 | |
Sở VHTTDL | Hoà Bình | 3 |
Sơn La | 3 | |
Điện Biên | 3 | |
Chính quyền địa phương | Hoà Bình | 2 |
Sơn La | 2 | |
Điện Biên | 2 | |
Viện Nghiên cứu/Cơ sở đào tạo về du lịch | Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch | 10 |
Trường đại học có đào tạo về du lịch | 45 | |
Các đơn vị khác | Hiệp hội Du lịch | 14 |
Câu lạc bộ DLCĐ | 12 | |
Tổng | 120 |
Có thể bạn quan tâm!
- Quản lý nhà nước đối với phát triển du lịch cộng đồng ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, Việt Nam - 2
- Tổng Quan Các Nghiên Cứu Liên Quan Đến Quản Lý Nhà Nước Đối Với Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng
- Các Nội Dung Quản Lý Nhà Nước Đối Với Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng
- Sự Phù Hợp Của Các Chỉ Tiêu Đánh Giá Kết Quả Quản Lý Nhà Nước Đối Với Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng
- Điều Kiện Cần Thiết Cơ Bản Để Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng
- Sự Cần Thiết Của Quản Lý Nhà Nước Đối Với Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng Của Địa Phương Cấp Tỉnh
Xem toàn bộ 169 trang tài liệu này.
Nguồn: Nghiên cứu sinh xây dựng
Sau khi có danh sách 120 chuyên gia, nghiên cứu sinh đã tiến hành gửi thư mời qua thư điện tử kèm đường dẫn đến phiếu trả lời trực tuyến. Thời gian thực hiện tham vấn ý kiến được bắt đầu từ 1/2020. Đến cuối tháng 4/2020, nghiên cứu sinh nhận được 113 ý kiến trả lời từ 113 chuyên gia.
Kết quả xin ý kiến chuyên gia (xem mục 6.1, phụ lục 6, phần phụ lục) cho thấy, có 14 chỉ tiêu nhận được trên 70% ý kiến đồng thuận với mức độ ảnh hưởng