Hình Thức, Phương Pháp Giảng Dạy Môn Tiếng Anh Ở Trường Trung Học Cơ Sở


- Có thể giao tiếp trong các tình huống cơ bản và đơn giản đòi hỏi các trao đổi thông tin đơn giản và trực tiếp về các vấn đề gần gũi và quen thuộc. Có thể sử dụng các cách nói đơn giản để nói về bản thân, môi trường gần gũi và những vấn đề liên quan đến nhu cầu trực tiếp.

- Sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp dưới dạng nghe, nói (đối thoại, độc thoại), đọc, viết nhằm đáp ứng các nhu cầu giao tiếp cơ bản và trực tiếp trong những tình huống gần gũi và thường nhật ở trình độ tương đương Cấp độ A2 của Khung Tham chiếu Chung Châu Âu về Ngôn ngữ;

- Có kiến thức cơ bản về ngôn ngữ tiếng Anh, bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và thông qua tiếng Anh, có những hiểu biết khái quát về đất nước, con người, nền văn hóa của các nước nói tiếng Anh trên thế giới, đồng thời có hiểu biết và tự hào về những điểm mạnh và giá trị của nền văn hóa dân tộc mình;

- Có thái độ tích cực đối với môn học và việc học tiếng Anh; biết sử dụng tiếng Anh làm công cụ tích hợp các nội dung dạy và học khác trong chương trình;

- Hình thành và sử dụng các phương pháp, phương thức và chiến lược học tập khác nhau để phát triển năng lực giao tiếp tiếng Anh trong và ngoài lớp học.

1.3.2. Hình thức, phương pháp giảng dạy môn tiếng Anh ở trường trung học cơ sở

1.3.2.1. Hình thức tổ chức giảng dạy môn tiếng Anh

Bộ GDĐT (2002), tiêu chí cơ bản của PPDH mới là hoạt động tự lập, tích cực, chủ động của HS trong giải quyết các nhiệm vụ giao tiếp bằng ngoại ngữ, tiêu chí chủ yếu để đánh giá kết quả học tập của học sinh là năng lực giao tiếp, năng lực ứng xử bằng ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp cụ thể. Đường hướng chủ đạo trong dạy tiếng Anh ở trường THCS được Bộ GDĐT chỉ đạo cho GV dạy tiếng Anh thực hiện cụ thể như sau:

- Tổ chức lớp học theo nhóm tương tác

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 115 trang tài liệu này.

GV tổ chức lớp học thành nhiều nhóm nhỏ từ 4 đến 6 học sinh, các em học tập cùng với nhau, trao đổi để giải quyết vấn đề GV đưa ra. Học sinh tiếp thu được bài học nhanh hơn trong quá trình trao đổi những cái đã biết và những cái chưa biết. HS chủ động lĩnh hội tri thức, không thụ động nhận kiến thức từ GV.


Quản lý hoạt động giảng dạy môn Tiếng Anh ở trường trung học cơ sở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long - 4

Trong hoạt động ở hình thức này, HS phát huy tư duy tích cực, rèn luyện tinh thần tập thể, phát huy kỹ năng hợp tác giảiquyết vấn đề. Đây là hình thức hoạt động hiệu quả trong dạy ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng. Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng hình thức hoạt động này, một số HS yếu không theo kịp sẽ chán nản, phó thác cho HS khá hơn thực hiện yêu cầu do GV đưa ra.

- Tổ chức lớp học theo hình thức giao việc cho cá nhân

Trong một số bài học, GV cần kiểm tra năng lực của từng cá nhân thông qua các phiếu giao việc, bài tập thực hành viết, vấn đáp nhằm phát hiện những HS yếu để kịp thời đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng đạt hiệu quả cao. Thông qua sản phẩm của cá nhân, GV có các phương pháp khác nhau, hình thức rèn luyện khác nhau nhằm hình thành được các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh, d0áp ứng mục tiêu của chương trình tiếng Anh THCS.

Việc GV tổ chức hình thức học tập cá nhân đem lại nhiều lợi ích như: HS nổ lực tự học; độc lập trong tư duy, giải quyết vấn đề; tự hoàn thiện kiến thức và kỹ năng.Tuy nhiên, với hình thức này một số HS yếu gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết các yêu cầu GV đưa ra, không tự tiếp thu kiến thức mới, đôi khi suy nghĩ sai các vấn đề dẫn đến hiểu sai bài học. Đối với hình thức này, GV cần theo dõi, kịp thời giúp đỡ và điều chỉnh những sai lệch của HS.

- Tổ chức các hoạt động trò chơi trong dạy học

Đối với môn tiếng Anh, việc tổ chức trò chơi trong tiết học đóng vai trò quan trọng không kém các hình thức học tập khác. Bản chất của hình thức sử dụng trò chơi trong học tập là thông qua việc tổ chức các hoạt động để chuyển tải nội dung, mục tiêu của bài học hoặc bài ôn tập. Dưới sự hướng dẫn của GV, HS vừa “chơi” vừa “học”, các em tiếp thu kiến thức mới một cách nhẹ nhàng hiệu quả. HS hình thành và phát triển được các kỹ năng như giao tiếp, hợp tác, tự đánh giá kết quả trong quá trình tham gia các hoạt động của trò chơi.

1.3.2.2. Phương pháp giảng dạy môn tiếng Anh

Nguyễn Quốc Hùng (2014), trong quá trình phát triển các phương pháp dạy ngoại ngữ, có rất nhiều phương pháp sáng tạo từ những quan niệm khác nhau về ngôn ngữ là gì (What’s language?) và sự cảm thụ ngôn ngữ (language acquisition).


Phương pháp Ngữ pháp- Dịch, phương pháp trực tiếp, phương pháp Nghe- nói, phương pháp Giao tiếp bằng động tác cơ thể và phương pháp Giao tiếp là năm cột mốc (milestones), năm bước ngoặt (turning points) của quá trình này.

Có nhiều phương pháp khác nhau dạy học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng nhưng có năm phương pháp dạy tiếng Anh được áp dụng phổ biến như: phương pháp Ngữ pháp–Dịch, phương pháp Nghe–Nhìn, phương pháp Nghe - Nói, phương pháp Giao tiếp.

Phương pháp Ngữ pháp – Dịch

Phương pháp này có tên tiếng Anh là “Grammar – Translation Method” hay còn gọi là phương pháp Truyền thống được áp dụng mạnh mẽ ở Việt Nam vào những năm 1970 cho đến tận những năm 1990. Nếu theo phương pháp này, chương trình tập trung chủ yếu vào phát triển kỹ năng đọc hiểu, học thuộc lòng từ vựng, dịch văn bản, viết luận (composition) và phân tích ngôn ngữ (học để nắm chắc quy tắc ngôn ngữ). Quy trình thực hiện: Các bài khóa (texts) được biên soạn và chia ra thành từng đoạn ngắn. Việc giảng giải quy tắc ngôn ngữ là cơ bản. Học sinh được học về ngữ pháp rất kỹ trên cơ sở các hiện tượng ngữ pháp cơ bản được rút ra từ các bài khóa. Để kiểm tra sự thông hiểu về nội dung bài khóa (nội dung văn hóa, đất nước học nói chung) và các quy tắc ngôn ngữ, HS bắt buộc phải dịch các bài khóa sang tiếng mẹ đẻ. HS không được phép mắc lỗi ngôn ngữ, nếu có phải sửa ngay.

Ưu điểm:

- HS được rèn luyện rất kỹ về ngữ pháp và tiếp thu lượng từ vựng khá lớn.

- HS nắm được tương đối nhiều các cấu trúc câu cơ bản, thuộc lòng các đoạn văn hay hoặc bài khóa mẫu.

- HS có thể đọc hiểu nhanh các văn bản.

Hạn chế:

- Không giúp HS “giao tiếp” được. Hoạt động chủ yếu trong lớp là người thầy; nghĩa là người thầy giảng giải, nói nhiều, HS thụ động ngồi nghe và ghi chép, không có ý kiến phản hồi hoặc không tham gia giao tiếp (nói) với thầy và bạn bè.


- Hoạt động dạy học chỉ diễn ra một chiều - HS hoàn toàn bị động, không có cơ hội thực hành giao tiếp trong lớp; khả năng sáng tạo và đặc biệt kỹ năng nói của HS bị hạn chế nhiều.

Phương pháp Nghe – Nói

Phương pháp Nghe - Nói (Audiolingual Method or Audio-Oral Method) nhấn mạnh vào việc dạy kỹ năng nói và kỹ năng nghe trước kỹ năng đọc và kỹ năng viết. Khác với phương pháp Ngữ pháp – Dịch, phương pháp này đáp ứng đúng mục tiêu cần đạt của người học là hình thành và phát triển cả bốn kỹ năng, nhưng ưu tiên phát triển nói, nghe trước đọc và viết. Việc cung cấp kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) được thực hiện xen lồng trong quá trình dạy học. Phương pháp Nghe-Nói không cho phép việc dùng tiếng mẹ đẻ trong lớp; khuyến khích tối đa dùng tiếng Anh trong quá trình dạy học. Khi thực hiện, người ta nhấn mạnh việc phát triển hai kỹ năng nói và nghe là chủ yếu. Việc dạy học thông qua thực hành cấu trúc câu (structures) và qua các bài tập ứng dụng, người học tự phát hiện và tìm hiểu những điểm giống nhau (so với tiếng mẹ đẻ) về cấu trúc câu, cách phát ngôn và đưa ra các qui tắc ngôn ngữ. Yêu cầu người học bắt trước mẫu do người dạy cung cấp, ví dụ: các bài/mẩu đối thoại mẫu (dialogues) có chứa cấu trúc câu hoặc hiện tượng ngôn ngữ cần truyền đạt. HS luyện tập mẫu đó thực chất là hình thành một thói quen ngôn ngữ theo các hình thức như: hỏi và trả lời về bài đối thoại mẫu, thực hành thêm một số bài tập cấu trúc (thay thế, bổ sung, chuyển đổi).

Ưu điểm:

- Có hiệu quả đối với những người mới học, đặc biệt là HS tiểu học hoặc HS ở đầu cấp THCS. HS cảm thấy phấn khởi và tự tin khi được nghe và tập bắt chước theo giáo viên, ví dụ: HS làm theo lệnh của GV hoặc hát các bài hát tiếng Anh đơn giản.

Hạn chế:

- HS có trình độ ngoại ngữ cao rất dễ nhàm chán với phương pháp này nếu không có sự điều chỉnh phương thức dạy học cần thiết.

- HS áp dụng những gì đã được lĩnh hội trong lớp học vào thực tiễn giao tiếp ngôn ngữ là khó. Các em không thể vận dụng các hình thức ngôn ngữ (các mẫu lời nói) được


luyện tập trên lớp một cách tự nhiên vì tuy HS có khả năng nghe hiểu, nhớ và bắt chước (nói theo) ngay tại chỗ trong lớp học, song các em cũng rất chóng quên và cảm thấy bị “tắc” khi gặp tình huống tương tự trong giao tiếp thực; tức là không diễn đạt được những gì định nói mặc dù sau một thời gian dài học tập.

Phương pháp Giao tiếp

Phương pháp Giao tiếp hay Đường hướng Giao tiếp (Communicative Approach) được xem như phương pháp dạy học ngoại ngữ phổ biến nhất và hiệu quả nhất hiện nay. Hầu hết các giáo trình, SGK phổ thông tiếng Anh trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay đều được biên soạn dựa theo quan điểm của phương pháp này. Qua đó, coi mục tiêu cuối cùng của dạy học ngoại ngữ là phát triển kỹ năng giao tiếp/ kỹ năng ngôn ngữ (linguistic skills), năng lực giao tiếp (communicative competence). Để giao tiếp được, phương pháp này đòi hỏi phải tính đến phương diện xã hội, văn hóa của ngôn ngữ, các điều kiện xã hội của quá trình sản sinh ngôn ngữ, và tính đến ngôn ngữ được dùng trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, phương pháp Giao tiếp còn chú ý tới phương diện nghĩa của ngôn ngữ, hay nói một cách khác cần lưu ý tới ý định giao tiếp (intention of communication). Khái niệm này về sau các nhà ngôn ngữ gọi là chức năng ngôn ngữ (language function). Như vậy, theo Phương pháp Giao tiếp ngôn ngữ không chỉ là phương tiện diễn đạt tư duy mà còn là phương tiện giao tiếp. Mục đích cuối cùng của người học ngoại ngữ không chỉ tiếp thu và nắm chắc kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) mà cần phải đạt được năng lực (khả năng) giao tiếp; tức là phát triển được tất cả 4 kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) và sử dụng được ngôn ngữ để giao tiếp. Vì vậy, các tài liệu dạy học hiện đều hướng đến giúp người học có thể thực hiện được các chức năng ngôn ngữ khác nhau, chẳng hạn như xin phép, đề nghị, yêu cầu ai đó làm việc gì; mô tả sự vật; bày tỏ sự quan tâm, thích thú hoặc không thích v.v …. Hơn nữa, để giao tiếp hiệu quả, người học cần phải sử dụng các hình thức ngôn ngữ thích hợp với tình huống giao tiếp (situations), trong đó yêu cầu người tham gia giao tiếp phải thể hiện được ý định giao tiếp (intention) thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khác nhau (tasks).

Với phương pháp này, trong giờ dạy giáo viên thực hiện theo 5 bước:

+ Giới thiệu ngữ liệu (presentation)


+ Thực hành bài tập (Exercises)

+ Hoạt động giao tiếp (Communicative activities)

+ Đánh giá (Evaluation)

+ Củng cố (Consolidation).

Ưu điểm: Phương pháp Giao tiếp có ưu điểm hơn hẳn các phương pháp khác là nó bao trùm mọi phương diện của quá trình dạy học ngoại ngữ: đó là các yếu tố ngôn ngữ, văn hóa, xã hội, các yếu tố ngoài ngôn ngữ nhằm rèn luyện kỹ năng giao tiếp hoàn chỉnh. Đặc biệt Phương pháp Giao tiếp coi hình thành và phát triển bốn kỹ năng giao tiếp như nghe, nói, đọc và viết là mục đích cuối cùng của quá trình dạy học. Các kiến thức ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp là phương tiện, điều kiện hình thành và phát triển các kỹ năng giao tiếp. Vì vậy, phương pháp Giao tiếp thực sự giúp cho HS có khả năng sử dụng được tiếng Anh để giao tiếp.

Hạn chế: Phương pháp Giao tiếp nhấn mạnh vào việc hình thành và phát triển 4 kỹ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết trong quá trình dạy học, trong đó kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp) không được quan tâm một cách thích đáng. Kết quả là một số HS cảm thấy khó có thể “giao tiếp” vì HS làm sao có thể nghe, nói, đọc, viết được một khi các em không nắm chắc hệ thống qui tắc ngôn ngữ. Mặt khác, theo quan điểm của phương pháp này, quan hệ giữa ý định giao tiếp (bao gồm các hành động lời nói hay là các chức năng ngôn ngữ học được) và hiện thực là quá phức tạp, không rõ ràng. Nói cách khác, người ta khó có thể lựa chọn các phát ngôn theo chức năng phù hợp với nhu cầu giao tiếp thực tế đa dạng và rất phức tạp.

Trong quá trình dạy học, giáo viên giữ vai trò là người hướng dẫn, tổ chức thực hiện; HS đóng vai trò chủ đạo trong quá trình dạy học; tức là phải phát huy cao độ tính tích cực của các em trong luyện tập thực hành. Ở trường THCS (lớp 8 và lớp 9), HS cần tập trung rèn luyện sâu từng kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Muốn thực hiện được, cá nhân HS phải tích cực và tự giác tham gia thực hành, không sợ mắc lỗi, và cần lưu ý rằng độ lưu loát/trôi chảy (fluency) trong giai đoạn này là rất quan trọng. Điều kiện tối thiểu để HS thực hành kỹ năng ngôn ngữ là mỗi lớp học không quá đông (khoảng 35 HS/lớp); có đầy đủ thiết bị nghe nhìn, băng/đĩa CD, tranh tình huống. Việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập nên nhấn mạnh vào 4 kỹ năng, và một


phần nhỏ kiến thức ngôn ngữ. Kiểm tra kỹ năng ngôn ngữ luôn luôn được ưu tiên trong bất kỹ hình thức nào.

Để thực hiện thành công giờ dạy theo phương pháp này, giáo viên cần:

+ Giảm tối đa thời gian nói của mình trên lớp, tăng thời gian sử dụng ngôn ngữ cho HS.

+ Dạy học theo cách gợi mở - GV chỉ gợi mở và dẫn dắt để HS tự tìm ra lời giải đáp hoặc con đường đi của mình.

+ Khai thác kiến thức sẵn có/kiến thức nền về văn hoá, xã hội cũng như ngôn ngữ của HS trong luyện tập ngôn ngữ.

+ Có thái độ tích cực đối với lỗi ngôn ngữ của HS. Chấp nhận lỗi như một phần tất yếu trong quá trình học ngoại ngữ, giúp HS học tập được từ chính lỗi của bản thân và bạn bè.

+ Không chỉ chú ý đến sản phẩm cuối cùng của bài luyện tập (product) mà còn chú trọng đến cả quá trình (process) luyện tập và phương pháp học tập của HS.

1.3.3. Nội dung hoạt động giảng dạy

1.3.3.1. Hoạt động chuẩn bị giảng dạy môn tiếng Anh

Dạy học là công việc vừa có tính khoa học lại vừa có tính nghệ thuật, nó luôn đòi hỏi sự sáng tạo của người giáo viên trong quá trình giảng dạy.Tuy nhiên, không thể có một sự sáng tạo nào mà lại thiếu đi sự chuẩn bị chu đáo. Vì vậy, việc chuẩn bị lên lớp đối với các môn học nói chung, môn Tiếng Anh nói riêng là một hoạt động rất quan trong và cần thiết đối với GV. Để việc chuẩn bị các tiết dạy đạt hiệu quả, CBQL và GV cần phải:

- Hiểu rõ các văn bản liên quan đến môn học;

- Xác định được mục tiêu bài học cho từng bài dạy;

- Hiểu rõ nội dung, chương trình giảng dạy môn tiếng Anh;

- Nâng cao trình độ chuyên môn cho GV;

- Áp dụng đổi mới phương pháp giảng dạy.

1.3.3.2 Thực hiện giảng dạy môn tiếng Anh

Trần Kiểm quan điểm dạy học là một quá trình gồm toàn bộ các thao tác có tổ chức và có định hướng giúp người học từng bước có năng lực tư duy và năng lực


hành động với mục đích chiếm lĩnh các giá trị tinh thần, các hiểu biết, các kỹ năng, các giá trị văn hóa mà nhân loại đã đạt được để trên cơ sở đó có khả năng giải quyết được các bài toán thực tế đặt ra trong toàn bộ cuộc sống của mỗi người học (Trần Kiểm, 2011).

Giảng dạy là hoạt động cụ thể của giáo viên nhằm thực hiện toàn bộ giáo án đã vạch ra. Đây là hoạt động mà người giáo viên và người học tiếp xúc với nhau. Chính trong thời gian đó người giáo viên mới thể hiện đầy đủ tính khoa học và tính nghệ thuật trong công tác truyền đạt tri thức, thể hiện tầm hiểu biết, kích thích sự hứng thú, sáng tạo của học sinh trong quá trình lĩnh hội trí thức. Để đạt được mục tiêu dạy học nói chung, dạy học tiếng Anh nói riêng, đòi hỏi CBQL và GV cần phải:

- Nắm vững các yêu cầu, qui định về việc soạn giảng

- Giảng dạy đúng phân phối chương trình giảng dạy theo từng cấp lớp

- Đủ chuẩn kiến thức, kỹ năng trong dạy học

- Có xây dựng kế hoạch bài dạy

- Việc chuẩn bị bài dạy của giáo viên

- Thực hiện kế hoạch bài dạy đúng theo phân phối chương trình

-Thực hiện việc đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng đồ dùng dạy học qua các tiết dự giờ, thao giảng.

1.3.3.3. Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng trang thiết bị, đồ dùng dạy học trong giảng dạy môn tiếng Anh tại trường

Theo tài liệu tập huấn “Một số vấn đề về đổi mới PPDH môn Tiếng Anh THCS” khái niệm đổi mới PPDH môn tiếng Anh là quá trình chuyển từ thầy thuyết trình, phân tích ngôn ngữ- trò nghe và ghi chép thành PPDH mới, trong đó người thầy là người tổ chức, giúp đỡ hoạt động học tập của HS, còn HS là người chủ động tham gia vào quá trình hoạt động học tập. Tiêu chí cơ bản của PPDH mới là hoạt động tự lập, tích cực, chủ động của HS trong giải quyết các nhiệm vụ giao tiếp bằng ngoại ngữ, tiêu chí chủ yếu để đánh giá kết quả học tập của học sinh là năng lực giao tiếp, năng lực ứng xử bằng ngôn ngữ trong các tình huống giao tiếp cụ thể (Bộ GDĐT, 2002).

Cơ sở vật chất, phương tiện kĩ thuật phục vụ cho quá trình dạy và học tiếng

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/05/2023