Quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông - 2

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Giáo dục - Đào tạo đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội nhằm đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong điều kiện kinh tế thị trường và tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hoá, việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo ra những điều kiện cần thiết và cơ hội thuận lợi cho nước ta phát triển. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã nêu “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa”[21]. Người cán bộ quản lý giáo dục phải có trách nhiệm nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực quản lý cho cá nhân mình, cho đội ngũ giáo viên và đặc biệt là cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp vì giáo viên chủ nhiệm lớp là người có trách nhiệm lớn trong việc rèn luyện nhân cách của học sinh.

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, tiểu học là cấp học nền tảng có nhiệm vụ hình thành ở học sinh những cơ sở ban đầu cho sự phát triển nhân cách con người. Chính vì vậy đội ngũ giáo viên tiểu học, đặc biệt là những giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường tiểu học có vai trò quan trọng trong giáo dục nhân cách cho học sinh. Giáo viên chủ nhiệm lớp có trách nhiệm khơi dậy ở trẻ em những mầm mống nhân cách tốt đẹp, hình thành bước đầu ở các em khả năng thích cứng với cuộc sống gia đình, nhà trường và xã hội. Giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp triển khai những mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của nhà trường đến từng học sinh, là người chịu trách nhiệm đánh giá học sinh.

Thực tế trong các nhà trường phổ thông hiện nay, bên cạnh những giáo viên chủ nhiệm lớp nhiệt tình, tâm huyết với nghề, vẫn còn không ít những giáo viên coi nhẹ công tác chủ nhiệm lớp, thiếu quan tâm công tác quản lý lớp, theo dõi đánh giá học sinh một cách cảm tính, không tìm hiểu và nắm vững học sinh về học tập cũng như hoàn cảnh gia đình, tâm tư nguyện vọng của học sinh …Điều này một phần là do năng lực quản lý giáo dục học sinh của giáo viên chủ nhiệm còn hạn chế. Công tác bồi dưỡng năng lực đội ngũ giáo viên chủ nhiệm hiện nay cũng còn những bất cập, hạn


chế, nhiều giáo viên chủ nhiệm lớp chưa có kinh nghiệm, chưa gắn bó với lớp, một số còn vi phạm đạo đức của nhà giáo... Chính những điều này làm cho hiệu quả của công tác chủ nhiệm lớp chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông là một huyện còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh, học sinh trên địa bàn tỉnh rất đa dạng với nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Với đặc điểm học sinh tiểu học, đang ở lứa tuổi có sự phát triển mạnh về tâm lý, sinh lý. Ở lứa tuổi này các em gặp rất nhiều khó khăn trong học tập cũng như trong đời sống tình cảm. Các em rất cần có sự giáo dục, giúp đỡ của cha mẹ, giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp. Cũng giống như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk Glong cũng đang trong tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như giáo viên dạy một số môn học như Tiếng Anh, Tin học… Với số lượng giáo viên năm học 2020 - 2021 là 340 người, huyện đã không ngững thu hút và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của huyện. Bên cạnh đó, công tác chủ nhiệm lớp là một nhiệm vụ khó khăn đối với huyện có đông học sinh dân tộc thiểu số như Đắk Glong. Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đắk Glong, các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã chú trọng tìm các biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn thông qua hoạt động bồi dưỡng giáo viên. Tuy nhiên, trong thời gian qua bên cạnh những kết quả trong công tác quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp nhữ lập kế hoạch thường xuyên, chỉ đạo sát sao… thì vẫn còn những hạn chế do kế hoạch còn chưa cụ thể, chưa khả thi, công tác tổ chức thực hiện còn hình thức chưa đi vào chiều sâu. Do đó, cần thiết phải có những nghiên cứu thực tiễn về vấn đề này. Xuất phát từ những lý do trên, tôi chọn đề tài “Quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông” làm đề tài nghiên cứu của luận văn.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Quản lý công tác giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông và trường tiểu học đã được một số tác giả nghiên cứu dưới hình thức sách tham khảo, luận văn hay

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 107 trang tài liệu này.


bài viết, báo cáo khoa học…Từ rất lâu, công tác bồi dưỡng luôn là vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu nhằm: Tổng kết kinh nghiệm, tìm ra quy luật vận động cùng các nguyên tắc hoạt động để đạt được mục đích nâng cao hiệu quả bồi dưỡng. Trong tiến trình xây dựng, phát triển và đổi mới đất nước, các vấn đề về bồi dưỡng nói chung bồi dưỡng giáo dục nói riêng càng được chú ý, trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm không chỉ của các nhà nghiên cứu mà cả các nhà lãnh đạo, nhà quản lý cũng rất quan tâm, tìm hiểu và khai thác triệt để, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, xã hội có nhiều thay đổi thì công tác bồi dưỡng cần phải có sự thay đổi cho phù hợp. Như vậy, người giáo viên cần tổ chức các hoạt động khác nhau để học sinh có thể tham gia được dễ dàng và học được rất nhiều thứ từ đó. [9]…

Quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông - 2

Ở Việt Nam, từ trước đến nay đã có nhiều tác giả cũng đã quan tâm nghiên cứu vấn đề công tác chủ nhiệm lớp: Trong nghiên cứu“một số vấn đề về công tác chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông hiện nay” của tác giả Nguyễn Thị Kim Dung đã đề cập đến thực trạng công tác chủ nhiệm lớp ở các trường phổ thông hiện nay. [14].

Tác giả Nguyễn Thanh Bình với công trình “Công tác chủ nhiệm lớp ở các trường phổ thông”. Trong công trình này tác giả đã chỉ rõ, vai trò cũng như nội dung công tác của người giáo viên chủ nhiệm lớp ở các nhà trường phổ thông. Nhưng yêu cầu về phẩm chất, năng lực của người giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp [5].

Ngoài ra còn có nhiều nhà khoa học cũng quan tâm đến công tác chủ nhiệm lớp với các công trình như: Hà Nhật Thăng, Nguyễn Dục Quang với các tác phẩm “Công tác giáo viên chủ nhiệm ở các trường phổ thông”, “Những tình huống giáo dục học sinh của người giáo viên chủ nhiệm” [43]

Đề cập đến công tác chủ nhiệm lớp cũng đã có những công trình, đề tài nghiên cứu, đó là: “Một số biện pháp tăng cường quản lý của Hiệu trưởng đối với công tác chủ nhiệm lớp trong các trường THPT tỉnh Bắc Ninh” luận văn Thạc sĩ của Nguyễn Khắc Hiền (ĐHSP Hà Nội. 2005) [25]; “Một số giải pháp quản lý công tác chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông Dân tộc nội trú Trung ương” luận văn Thạc sĩ của Lê Phú Thắng ĐHSP Vinh. 2010 [45]; “Trí tuệ xúc cảm của giáo viên chủ nhiệm lớp THCS” Luận án Tiến sĩ của Nguyễn Thị Dung (Viện Khoa học Giáo dục. 2008) [15]và đặc


biệt tại Hội thảo bàn về công tác giáo viên chủ nhiệm ở trường phổ thông do Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 8/2010 có nhiều bài viết của các nhà khoa học và các nhà QLGD có giá trị, đó là: “Nâng cao chất lượng công tác giáo viên chủ nhiệm lớp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong giai đoạn hiện nay” của PGS. TS Bùi Văn Quân [40],“Một vài điểm mới trong công tác chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông” của PGS. TS Hà Nhật Thăng; “Phương hướng nâng cao năng lực giáo dục cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông” của PGS. TS Nguyễn Dục Quang; “Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông quan niệm và một số kiến giải” của PGS.TS Đặng Quốc Bảo;“Sứ mệnh và vai trò của giáo viên chủ nhiệm” của PGS.TS Mạc Văn Trang; “Nâng cao năng lực làm công tác chủ nhiệm cho giáo viên” của PGS.TS Nguyễn Văn Khôi; “Giáo viên chủ nhiệm với công tác giáo dục đạo đức cho học sinh” của Hoàng Thị Nga... (Kỉ yếu Hội thảo của Bộ Giáo dục & Đào tạo, tháng 8

- 2010).v.v...

Đã có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu về xây dựng các giải pháp bồi dưỡng nhà trường nói chung và công tác chủ nhiệm lớp bồi dưỡng công tác chủ nhiệm lớp ở các trường phổ thông nói riêng, dưới các hình thức khác nhau, tuy nhiên các công trình nghiên cứu mới chỉ tập trung vào chỉ ra các yêu cầu năng lực cần có của giáo viên chủ nhiệm, vào các biện pháp quản lí việc bồi dưỡng của giáo viên chủ nhiệm nói chung, chưa cập nhật được nhưng thay đổi trong môi trường giáo dục hiện nay, chưa đưa ra được các giải pháp giúp công tác quản lý, giáo viên chủ nhiệm lớpkhắc phục được những khó khăn mới nảy sinh. Như các luận văn: Đàm Liên Quân (2012), “Biện pháp quản lí bồi dưỡng công tác chủ nhiệm lớp cho giáo viên trường THPT Yên Hòa, Hà Nội”,Nguyễn Huy Tấn (2014), “Quản lý công tác chủ nhiệm lớp của hiệu trưởng các trường THCS quận Hoàn Kiếm thành phố Hà Nội”… Vì vậy, bồi dưỡng năng lực làm công tác chủ nhiệm lớp trong môi trường giáo dục có mô hình bán trú tiểu học, việc chỉ đạo thực hiện công tác bồi dưỡng, tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả công tác bồi dưỡng chưa thực sự được quan tâm đây là nguyên nhân chính khiến công tác chủ nhiệm lớp của nhiều giáo viên trong giai đoạn hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy việc nghiên cứu các biện pháp “Quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp


cho giáo viên các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông” có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn trong bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm cho giáo viên ở các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực trạng quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, đề xuất biện pháp quản lý bồi dưỡng nâng cao năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp của giáo viên chủ nhiệm các trường tiểu học trên địa bàn huyện huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Hê thống hóa và xác định cơ sở lý luận về quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên Tiểu học.

- Khảo sát, đánh giá thực trạng quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

- Đề xuất một số biện pháp quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Khảo nghiệm tính cần thiết và tính khả thi của các biện pháp.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Về nội dung: Đề tài nghiên cứu quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Về địa bàn: Khảo sát và thử nghiệm đánh giá tại 05 trường tiểu học ở huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông: Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Trường Phổ thông


dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn và Trường Tiểu học Lý Tự Trọng.

Về đối tượng khảo sát: Để đạt được mục đích khảo sát, tác giả đề tài xây dựng phiếu trưng cầu ý kiến với 100 phiếu điều tra (02 cán bộ quản lý tại Phòng Giáo dục huyện Đắk Glong; 18 cán bộ quản lý tại 05 Trường; 80 giáo viên), thu về 96 phiếu (chiếm 96%) có 02 cán bộ phòng, 18 cán bộ quản lý và 76 giáo viên.

Về thời gian: Hoạt động của các trường trong 03 năm trở lại đây.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Cơ sở lý luận nghiên cứu đề tài

Nghiên cứu vấn đề theo nguyên tắc hoạt động: Khi nghiên cứu quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cần nghiên cứu các hoạt động liên quan đến chủ nhiệm lớp của giáo viên tại trường, các hoạt động hỗ trợ của cán bộ nhà trường, các hoạt động chỉ đạo quản lý của Ban Giám hiệu nhà trường về công tác này.

Nghiên cứu vấn đề theo nguyên tắc hệ thống: quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Đề tài xem xét các mối quan hệ biện chứng của các thành tố: mục tiêu, nội dung, phương pháp, các nội dung quản lý và các điều kiện đảm bảo cho quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Nghiên cứu vấn đề theo nguyên tắc phát triển: Khi nghiên cứu về quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông phải nghiên cứu trong sự vận động, biến đổi, tương tác qua lại giữa toàn bộ các hoạt động trong quá trình quản lý và quá trình bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu văn bản, tài liệu: Sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, hệ thống hoá, khái quát hoá các tài liệu lý luận chuyên ngành, liên ngành và nghiên cứu các sách chuyên khảo, luận án, luận văn và các bài báo khoa học liên quan


đến công tác chủ nhiệm lớp; các văn kiện nghị quyết, chỉ thị, quy chế của Đảng các cấp của tỉnh Đắk Nông, của huyện Đắk Glong về công tác giáo dục tiểu học; các văn bản pháp luật, chính sách của Đảng, Nhà nước để xây dựng cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu.

Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi: Đề tài sử dụng phương pháp này nhằm thu thập các dữ liệu khách quan về hoạt động bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp, quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp… qua đó, cung cấp thêm các nội dung liên quan để làm rõ thực trạng nghiên cứu.

Đề tài sử dụng bảng hỏi gửi đến các đối tượng là cán bộ quản lý, giáo viên trong các trường tiểu học, cụ thể: trưng cầu ý kiến với 100 phiếu điều tra (2 cán bộ QL tại Phòng Giáo dục& Đào tạo huyện Đắk Glong; 18 cán bộ quản lý tại 05 Trường; 80 giáo viên), thu về 96 phiếu (chiếm 96%) có 02 cán bộ phòng, 18 cán bộ quản lý và 76 giáo viên.

Phương pháp phỏng vấn sâu:Tác giả luận văn sẽ tiến hành phỏng vấn sâu 05 cán bộ QL; 10 giáo viên khi họ tham gia trả lời bảng hỏi xong nhằm nghiên cứu để tìm hiểu sâu hơn về các quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp của giáo viên ở các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Phương pháp xử lý số liệu bằng thống kê toán học: Đề tài sử dụng phần mềm Excel để thống kê kết quả khảo sát, hoặc tổng hợp các dữ liệu liên quan qua đó tính toán điểm trung bình để so sánh, đánh giá trong thực trạng tại Chương 2 và kết quả khảo nghiệm tại chương 3.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa lý luận

Luận văn đã phân tích, hệ thống hóa những vấn đề lý luận về quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học cũng như chủ thể quản lý đối với HĐ bồi dưỡng, cụ thể: Đã làm rõ hơn các khái niệm liên quan đến năng lực chủ nhiệm lớp, quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn


Luận văn góp phần làm rõ được thực trạng và đề xuất được một số biện pháp quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Kết quả nghiên cứu cũng là nguồn tài liệu để Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông nghiên cứu, áp dụng vào các hoạt động quản lý bồi dưỡng giáo viên trên địa bàn, các trường tiểu học trên địa bàn huyện có thể rà soát, so sánh với thực trạng triển khai.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và khuyến nghị, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn được trình bày theo 3 chương:

Chương 1: Những vấn đề lý luận về quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học;

Chương 2: Thực trạng quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông;

Chương 3: Biện pháp quản lý bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm lớp cho giáo viên các trường tiểu học huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/07/2023