xuất khẩu của các nước ASEAN tại thị trường Nga vượt trội hơn so với Việt Nam. Một số nguyên nhân chính được chỉ ra, bao gồm: Cơ chế chính sách của hai nước chưa thực sự chú trọng vào tạo điều kiện phát triển thương mại song phương, Nga thậm chí chưa có những ưu đãi về thuế cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang đây; hoạt động thương mại tại thị trường Nga còn nhiều rào cản về thuế quan, thủ tục hành chính, thủ tục thanh toán; nền kinh tế của hai nước Việt – Nga vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng tới quan hệ thương mại, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa hồi phục sau cuộc khủng hoảng; khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vẫn còn thấp, mẫu mã và chất lượng kém hấp dẫn người tiêu dùng Nga, hàng hóa Việt Nam thậm chí không có thương hiệu riêng; các doanh nghiệp hai nước thiếu thông thông tin, hiểu biết lẫn nhau về những thay đổi trong các quy định pháp lý, môi trường kinh doanh, nhu cầu thị trường, tình hình đối tác… đã gây nhiều trở ngại cho việc mở rộng quan hệ buôn bán giữa hai nước. Đứng trước những tiềm năng, triển vọng và nhu cầu giải quyết các trở ngại, khó khăn cho quan hệ thương mại Việt – Nga, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đưa ra những định hướng cụ thể nhằm phát triển quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga lên tầm cao mới, tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà hai nước đã xác lập. Trên cơ sở những định hướng đó, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhóm 9 giải pháp cho phát triển quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga trong điều kiện hai nước là thành viên WTO. Các giải pháp trong nghiên cứu này cũng tương đối đồng bộ với nhóm giải pháp được đưa ra trong cuốn Liên bang Nga hai thập niên đầu thế kỉ 21, song lại có tính cụ thể hơn. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt – Nga lên một tầm cao mới, góp phần củng cố vững chắc mối quan hệ chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Các nghiên cứu trên tuy có tính bao quát, tính hệ thống, tính chuyên sâu song do yếu tố khách quan là thời gian, mới chỉ đề cập đến vấn đề quan hệ Việt
– Nga chủ yếu trong giai đoạn trước năm 2008, nên hệ thống dữ liệu phân tích đều không mang tính cập nhật. Đồng thời, các nghiên cứu này chủ yếu đi sâu phân tích quan hệ Việt – Nga về mặt chính trị, các phân tích về kinh tế thương mại còn nhiều hạn chế. Mặt khác, những biến chuyển mới trong tình hình kinh tế - chính trị - an ninh thế giới thời gian gần đây đã có những ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động kinh tế và các quan hệ đối ngoại của Liên bang Nga. Vì thế, đòi hỏi phải có một nghiên cứu mới, trên cơ sở kế thừa những thành công của các nghiên cứu trước đây, tập trung phân tích sâu hơn quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga trong bối cảnh quốc tế mới.
1.2. Cơ sở lý luận và thực tiễn của quan hệ thương mại
1.2.1. Cơ sở lý luận
Hoạt động thương mại trên thực tế đã diễn ra từ rất sớm. Đến nay, thương mại vẫn tiếp tục duy trì vai trò quan trọng trong các nền kinh tế và các quan hệ kinh tế toàn cầu. Theo Wikimedia, thương mại là hoạt động trao đổi của cải, hàng hóa, dịch vụ, kiến thức, tiền tệ giữa hai hay nhiều đối tác, và có thể nhận lại một giá trị nào đó (bằng tiền thông qua giá cả) hay bằng hàng hóa, dịch vụ khác như trong hình thức thương mại hàng đổi hàng (barter). Trong quá trình này, người bán là người cung cấp của cải, hàng hóa, dịch vụ... cho người mua, đổi lại người mua sẽ phải trả cho người bán một giá trị tương đương nào đó. Như vậy, hoạt động thương mại về thực chất là hoạt động mua bán và trao đổi hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích sinh lời. Tuy nhiên, hoạt động thương mại đơn thuần sẽ chỉ diễn ra trong phạm vi một quốc gia, một vùng lãnh thổ.
Khi hoạt động trao đổi hàng hóa và dịch vụ không còn dừng lại ở phạm vi hẹp nữa, mà mở rộng ra giữa hai hay nhiều quốc gia thì đó được gọi là hoạt
động thương mại quốc tế. Thương mại quốc tế cũng gồm thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ. Theo thời gian, thương mại quốc tế cũng ngày càng mở rộng về phạm vi và quy mô.
Trong thương mại quốc tế hiện nay, hoạt động thương mại song phương đang dần khẳng định vai trò và sức lan tỏa mạnh mẽ của mình. Hoạt động thương mại song phương giữa hai quốc gia là hoạt động giao thương giữa hai quốc gia đó. Căn cứ vào đối tượng trao đổi, thương mại song phương cũng bao gồm thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, các hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động về quyền sở hữu trí tuệ và hoạt động đầu tư có liên quan đến thương mại.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, vai trò của thương mại quốc tế được đánh giá cao đối với sự phát triển kinh tế. Thứ nhất, thương mại quốc tế giúp các quốc gia có được những loại hàng hóa mà nước đó không có lợi thế, đồng thời tạo ra một số hệ quả khả quan như chuyển giao công nghệ, kích cầu, đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp, tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng, giảm chi phí đầu vào sản xuất. Thứ hai, thương mại quốc tế giúp phân bổ có hiệu quả các nguồn lực sản xuất của thế giới. Dựa trên lợi thế so sánh của mỗi nước, thương mại quốc tế thúc đẩy chuyên môn hóa, làm cho các nước sử dụng nguồn lực của mình một cách hiệu quả nhất. Thứ ba, thương mại quốc tế làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi nhất cho mỗi quốc gia. Theo đó, cơ cấu kinh tế và cơ cấu sản xuất sản phẩm sẽ được điều chỉnh phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, nguồn lực và lợi thế của mỗi quốc gia, phù hợp với những đòi hỏi tất yếu khách quan của quan hệ kinh tế quốc tế và phân công lao động quốc tế. Thứ tư, thương mại quốc tế giúp nâng cao hiệu quả của nền kinh tế cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp. Thứ năm, giữa thương mại quốc tế và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có mối quan hệ qua lại chặt chẽ, bổ sung cho
nhau. Thương mại quốc tế giúp thu hút FDI và FDI giúp thúc đẩy thương mại quốc tế. Thương mại hàng hóa song phương giữa hai quốc gia cũng là một nhân tố đóng góp vào sự thành công của thương mại quốc tế.
Khi đánh giá quan hệ thương mại hàng hóa song phương giữa hai quốc gia cần hết sức chú trọng vào việc áp dụng những lý thuyết thương mại phù hợp, phân tích cụ thể thực trạng và ảnh hưởng của quan hệ đó đối với nền kinh tế quốc gia. Hoạt động đánh giá chính xác giúp chỉ ra được những ưu điểm, nhược điểm, thành công, hạn chế, từ đó đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy mối quan hệ thương mại hàng hóa song phương giữa hai nước, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Lý thuyết thương mại quốc tế là những lý thuyết giải thích cơ sở khoa học hình thành thương mại quốc tế và lợi ích đạt được của các chủ thể tham gia quá trình này. Quan hệ thương mại phát triển từ thấp đến cao, do đó mà các lý thuyết thương mại cũng được phát triển từ đơn giản đến phức tạp. Lý thuyết thương mại gồm ba nhóm cơ bản: lý thuyết thương mại cổ điển, lý thuyết thương mại tân cổ điển, và lý thuyết thương mại hiện đại.
1.2.1.1.Lý thuyết về lợi thế tuyệt đối
Lý thuyết lợi thế tuyệt đối chỉ ra hoạt động thương mại diễn ra giữa hai quốc gia có lợi thế tuyệt đối về sản xuất một loại hàng hóa nào đó. Mỗi quốc gia đều có lợi thế tuyệt đối (về lao động, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên…) trong việc sản xuất một mặt hàng, và ít có lợi thế hơn trong việc sản xuất một mặt hàng khác. Khi đó, việc trao đổi hàng hóa giữa việc đổi một mặt hàng mà quốc gia đó có lợi thế tuyệt đối để lấy một mặt hàng mà quốc gia đó ít có lợi thế, trong khi lại là mặt hàng lợi thế tuyệt đối của một quốc gia khác đã đem lại lợi ích thương mại cho cả hai quốc gia. Việc chuyên môn hóa sản xuất một mặt hàng ở đây thể hiện lợi thế tuyệt đối trong sản xuất một mặt hàng của mỗi
quốc gia. Lợi thế tuyệt đối này đem lại giá trị thương mại cho cả hai quốc gia tham gia trao đổi hàng hóa.
1.2.1.2.Lý thuyết về lợi thế so sánh
Lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo đã hoàn thiện hơn so với lý thuyết lợi thế tuyệt đối của Adam Smith trong việc đặt cơ sở cho thương mại quốc tế. Dựa trên một số giả thiết nhằm đơn giản hóa mô hình: Lựa chọn hai quốc gia với hai loại sản phẩm, thương mại quốc tế diễn ra tự do, sự di chuyển các yếu tố sản xuất trong phạm vi quốc gia, chi phí sản xuất cố định, không tính chi phí vận chuyển, công nghệ sản xuất đồng nhất, dựa trên lý thuyết tính giá trị bằng lao động, lý thuyết này đã chỉ rò hoạt động thương mại diễn ra và đem lại lợi ích cho các quốc gia có lợi thế so sánh trong sản xuất một loại hàng hóa nào đó. Quốc gia nào không có lợi thế tuyệt đối về sản xuất nhiều mặt hàng, vẫn có thể chuyên môn hóa sản xuất vào mặt hàng mà quốc gia đó có lợi thế so sánh. Từ đó, tiến hành xuất khẩu hàng hóa đó, thu về lợi ích thương mại cho quốc gia. Quá trình phân công lao động quốc tế đem lại lợi ích tối ưu cho các quốc gia tham gia thương mại quốc tế. Tuy nhiên, lý thuyết vẫn còn vài điểm hạn chế. Do vận dụng lý thuyết tính giá trị bằng lao động để nghiên cứu mô hình thương mại quốc tế nên lý thuyết tuy đúng song chưa sát với thực tế. Bên cạnh đó, lý thuyết vẫn chưa giải thích được nguồn gốc phát sinh của sản xuất loại hàng mà quốc gia đó có lợi thế so sánh, do vậy chưa lí giải được một cách triệt để về nguồn gốc của quá trình thương mại.
1.2.1.3.Lý thuyết Heckscher – Ohlin (lý thuyết H-O)
Lý thuyết H-O được trình bày như sau: “Một quốc gia sẽ xuất khẩu hàng hóa sử dụng nhiều yếu tố sản xuất mà quốc gia đó dư thừa và rẻ tương đối, và nhập khẩu hàng hóa sử dụng nhiều yếu tố sản xuất mà quốc gia đó khan hiếm và đắt tương đối”. Điểm tiến bộ của lý thuyết này so với hai lý thuyết thương mại trước đó là đã giải thích được triệt để nguồn gốc phát sinh
lợi thế so sánh . Đó là mỗi quốc gia đều sở hữu các yếu tố dư thừa tương đối và nguồn lực sản xuất khác biệt, không quốc gia nào giống quốc gia nào. Một thành công nữa của lý thuyết H-O chính là đã chỉ ra được nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt tương đối về giá cả sản xuất giữa hai quốc gia. Bên cạnh đó, chính phủ các nước còn có thể dựa trên việc nghiên cứu lý thuyết để đưa ra những chính sách xuất khẩu và nhập khẩu sản phẩm phù hợp. Với những ý nghĩa đó, lý thuyết H-O được đánh giá là trọng tâm của lý thuyết thương mại quốc tế. Tuy nhiên, lý thuyết này cũng còn có những hạn chế như chưa giải thích được thực tế rằng không phải mọi quốc gia đều xuất khẩu sản phẩm thâm dụng các yếu tố mà quốc gia đó dư thừa tương đối hay nhập khẩu sản phẩm thâm dụng các yếu tố mà quốc gia đó khan hiếm tương đối; chưa đề cập đến nhiều yếu tố khách quan khác chi phối sản phẩm như yếu tố chất lượng lao động, công nghệ sản xuất, rào cản thương mại (phí vận chuyển, thuế quan, hạn ngạch…).
1.2.1.4. Một số tiêu chí đánh giá quan hệ thương mại song phương
Đối với việc đánh giá quan hệ thương mại song phương giữa hai quốc gia, bên cạnh cơ sở vận dụng các lý thuyết thương mại quốc tế phù hợp, còn cần dựa vào một số tiêu chí cụ thể như sau:
a) Nhóm tiêu chí đánh giá về quy mô thương mại
Quy mô thương mại song phương giữa hai nước hàng năm được xem xét trên chỉ tiêu số tuyệt đối và số tương đối
- Về số tuyệt đối: Số liệu được thể hiện qua sự biến đổi của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu song phương hàng năm trong từng kỳ nghiên cứu.
- Về số tương đối: Xem xét tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu qua các năm trong từng kỳ nghiên cứu.
Nhóm chỉ tiêu này cho thấy vị trí và vai trò của hai nước đối tác trong mối quan hệ thương mại song phương và trong mối tương quan với các quốc gia khác.
b) Nhóm tiêu chí đánh giá về cơ cấu thương mại
Cơ cấu thương mại hàng hóa là tổng thể các bộ phận giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu hợp thành tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của một quốc gia với những mối quan hệ ổn định và phát triển giữa các bộ phận hợp thành đó trong một điều kiện kinh tế xã hội cho trước tương ứng với một thời kỳ xác định.
Đặc trưng của cơ cấu thương mại hàng hóa là được thể hiện qua hai thông số là chất lượng và số lượng; mang tính lịch sử, kế thừa; luôn ở trạng thái vận động phát triển không ngừng.
Cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu là sự phân bổ kim ngạch xuất nhập khẩu theo nước, nền kinh tế và khu vực lãnh thổ thế giới.
Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu là tỷ lệ tương quan giữa các ngành, mặt hàng xuất nhập khẩu. Dưới đây trình bày về 3 hệ thống phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu thường được sử dụng trong thống kê, phân tích và đánh giá thương mại quốc tế.
i) Hệ thống phân loại Harmonised Commodity Description and Coding System (HS)
Ngày 14 tháng 6 năm 1983, Công ước Quốc tế về mô tả và mã hóa hàng hóa đã ra đời tại Bruych-xen, trên cơ sở sửa đổi Danh mục của Hội đồng Hợp tác Hải quan – CCCN (năm 1972), nhằm đáp ứng nhu cầu về một danh mục mô tả chi tiết mặt hàng và có hệ thống mã số hoàn toàn tương thích với Danh mục Hệ thống Phân loại Thương mại Quốc tế Tiêu chuẩn (SITC), cũng như có thể chuyển đổi sang một số danh mục khác. Danh mục Mô tả hàng hóa và Hệ thống mã số hài hòa, gọi tắt là Danh mục Điều hòa (HS) được chia thành phần, chương, nhóm hàng và phân nhóm hàng hóa chi tiết và mã số đến
6 chữ số, kèm theo là các chú giải phần, chương, phân nhóm và các nguyên tắc chung để áp dụng cho việc phân loại hàng hóa. Danh mục HS được thiết kế rất chi tiết về mặt định danh mã hóa và mô tả hàng hóa nhằm phục vụ cho mục đích hải quan, thuế, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho mục đích thống kê và giám sát thương mại quốc tế.
Do sự phát triển không ngừng của công nghệ sản xuất cũng như nhu cầu của người tiêu dùng, mẫu mã cũng như hình thức hàng hóa thường xuyên thay đổi, dẫn đến Ủy ban Hệ thống Điều hòa phải thường xuyên rà soát, cập nhật Danh mục HS. Theo thông báo mới nhất từ Tổ chức Hải quan Thế giới, Danh mục HS mới nhất sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2017 (HS 2017). Hiện nay, Danh mục HS đang được sử dụng là HS 2012 được ban hành năm 2012, gồm 97 chương, hơn 100 nhóm và hơn 5000 phân nhóm. Công ước HS hiện nay bao gồm 150 bên ký kết tham gia.
ii) Hệ thống phân loại thương mại quốc tế tiêu chuẩn, bản sửa đổi lần thứ 3 – Standard Internatinal Trade Classification, Revision 3 (SITC)
Bảng 1.1: Danh mục hàng hóa phân loại theo Danh mục Tiêu chuẩn Quốc tế SITC
Tên hàng hóa | |
A – Hàng thô hay mới sơ chế (nhóm 0-4) | |
0 | Lương thực, thực phẩm và động vật sống |
1 | Đồ uống và thuốc lá |
2 | Nguyên liệu thô, hàng phi lương thực, trừ nhiên liệu |
3 | Nhiên liệu, dầu mỡ nhờ và vật liệu liên quan |
4 | Dầu, mỡ, sáp động thực vật |
B – Hàng chế biến hay đã tinh chế (nhóm 5-8) | |
5 | Hóa chất và sản phẩm liên quan |
6 | Hàng công nghiệp phân theo nguyên liệu |
7 | Máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng |
8 | Hàng công nghiệp khác |
9 | Hàng hóa không thuộc các nhóm trên |
Có thể bạn quan tâm!
- Quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga giai đoạn 2007-2014 - 1
- Quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga giai đoạn 2007-2014 - 2
- Quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga giai đoạn 2007-2014 - 3
- Một Số Lý Thuyết Về Các Mối Quan Hệ Thương Mại
- Các Nhân Tố Tác Động Tới Quan Hệ Thương Mại Việt Nam – Liên Bang Nga
- Tổng Quan Về Quan Hệ Thương Mại Việt Nam – Liên Bang Nga
Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.
Nguồn: UN Comtrade