1.4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là quan hệ HTCBLQ tại tỉnh Lâm Đồng trong PTDLNT theo hướng bền vững.
Phạm vi không gian nghiên cứu: bao gồm các huyện Lạc Dương và Lâm Hà tỉnh Lâm Đồng.
Phạm vi thời gian nghiên cứu: dữ liệu sơ cấp và thứ cấp được thu thập trong 5 năm gần đây nhất.
1.5. Ý nghĩa nghiên cứu của luận án
1.5.1. Ý nghĩa về mặt lý luận
Luận án đã tổng quan, hệ thống và làm rõ các vấn đề lý luận về DLNT, PTDLNT theo hướng bền vững. Tại Việt Nam, PTDLNT đã diễn ra ở nhiều địa phương, tuy nhiên thiếu hẳn nghiên cứu xây dựng nền tảng lý thuyết làm cơ sở các hướng nghiên cứu về sau.
Luận án đã đánh giá được quan hệ hợp tác, vai trò của quan hệ HTCBLQ trong PTDLNT theo hướng bền vững.
Luận án đã xác định các bên liên quan phù hợp cho HTCBLQ trong PTDLNT, các nhân tố ảnh hưởng đến quan hệ HTCBLQ trong PTDLNT tại tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, luận án cũng xác định được các yếu tố để hợp tác thành công cho PTDLNT theo hướng bền vững tại tỉnh Lâm Đồng.
Có thể bạn quan tâm!
- Quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững: Nghiên cứu trường hợp tỉnh Lâm Đồng - 1
- Quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững: Nghiên cứu trường hợp tỉnh Lâm Đồng - 2
- Phát Triển Bền Vững Và Phát Triển Du Lịch Bền Vững
- Hợp Tác Giữa Các Bên Liên Quan Và Phát Triển Du Lịch Nông Thôn Bền Vững
- Cơ Sở Lý Thuyết Về Hợp Tác Giữa Các Bên Liên Quan
Xem toàn bộ 206 trang tài liệu này.
Trên cơ sở áp dụng nền tảng lý thuyết các bên liên quan, luận án đã đề xuất khung nghiên cứu về HTCBLQ trong PTDLNT theo hướng bền vững.
Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính thông qua nghiên cứu trường hợp (case study) tại hai huyện điển hình của tỉnh Lâm Đồng với kỹ thuật chọn mẫu có mục đích kết hợp chọn mẫu quả bóng tuyết. Dữ liệu thu thập được từ phỏng vấn được mã hóa phục vụ cho việc giải thích dữ liệu có độ tin cậy và độ phù hợp cao. Cho đến nay, hầu hết các luận án trong nước mà tác giả tiếp cận được trong lĩnh vực kinh tế đều thực hiện phương pháp định lượng hoặc kết hợp định tính và định lượng với các hàm số thống kê để giải thích kết quả nghiên cứu qua những con số. Trong khi đó, nghiên cứu này chỉ thực hiện phương pháp định tính để nghiên cứu khám phá về quan hệ HTCBLQ tại vùng nông thôn và dữ liệu được giải thích dưới dạng từ, ngữ. Để giải thích dữ liệu rất khó khăn vì nếu không hiểu sâu sắc tình huống, bối cảnh để kể lại một bức tranh chân thực về HTCBLQ tại
vùng nông thôn thì có thể sẽ dẫn đến giải thích dữ liệu không phù hợp, giảm ý nghĩa của thông tin có được và ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.
1.5.2. Ý nghĩa về mặt thực tiễn
Thứ nhất, kết quả nghiên cứu đã xác định quan hệ HTCBLQ từ đó đề xuất các hàm ý nghiên cứu thúc đẩy quan hệ HTCBLQ trong PTDLNT theo hướng bền vững tại Lâm Đồng.
Thứ hai, kết quả nghiên cứu giúp nâng cao nhận thức của các bên liên quan về vai trò của quan hệ HTCBLQ trong PTDLNT theo hướng bền vững. Trên cơ sở đó góp phần giúp các nhà quản lý du lịch và hoạch định chính sách có những giải pháp thiết thực và phù hợp để thúc đẩy quan hệ hợp tác trong PTDLNT theo hướng bền vững. Đối với CQĐP cần hiểu rõ những lợi ích của quan hệ hợp tác trong PTDLNT theo hướng bền vững để từ đó chủ động có những định hướng chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ DNDL cũng như CĐĐP trong việc chia sẻ và đảm bảo lợi ích, sự tham gia bình đẳng trong sử dụng tài nguyên vùng nông thôn; lập kế hoạch xây dựng và triển khai chính sách trong PTDLNT gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp và Chương trình nông thôn mới được đồng bộ, bền vững. Đối với doanh nghiệp ở nông thôn cần nâng cao nhận thức về vai trò là chủ thể kết nối các bên liên quan để gia tăng giá trị nông sản, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường cảnh quan vùng nông thôn, thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm. Còn với người dân địa phương nâng cao nhận thức về sự tham gia chủ động, thúc đẩy hợp tác để khai thác, bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên du lịch hướng đến PTBV để mang lại lợi ích về vật chất, tinh thần cho bản thân và gia đình. Đồng thời kết quả nghiên cứu cũng góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức của các chủ thể khác (nhà nghiên cứu, người làm dự án, khách du lịch,...) về HTCBLQ trong PTDLNT theo hướng bền vững.
1.6. Kết cấu của luận án
Luận án bao gồm 5 chương, cụ thể như sau: Chương 1: Giới thiệu nghiên cứu
Trong chương này tập trung vào các lý do chọn vấn đề nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu, xác định câu hỏi nghiên cứu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu và đóng góp của đề tài.
Chương 2: Tổng quan nghiên cứu và cơ sở lý thuyết
Trong chương này tổng quan các nghiên cứu về DLNT, PTDLNT bền vững, tính bền vững trong PTDLNT, quan hệ HTCBLQ trong PTDLNT theo hướng bền
vững, lý thuyết ứng dụng nghiên cứu và xác định các nhân tố ảnh hưởng đến quan hệ HTCBLQ, các yếu tố để hợp tác thành công trong PTDLNT theo hướng bền vững, từ đó nghiên cứu cơ sở lý thuyết về DLNT và hợp tác trong PTDLNT theo hướng bèn vững và phương pháp nghiên cứu đề tài.
Chương 3: Phương pháp nghiên cứu
Nội dung chương này tập trung làm rõ lý do lựa chọn phương pháp nghiên cứu trường hợp với nghiên cứu định tính thay vì nghiên cứu định lượng và làm rõ quy trình nghiên cứu đề tài, độ tin cậy và phù hợp của dữ liệu nghiên cứu.
Chương 4: Kết quả nghiên cứu
Dựa trên kết quả phỏng vấn bán cấu trúc các bên liên quan, dữ liệu được tổng hợp phục vụ cho việc giải thích kết quả nghiên cứu đề tài. Nội dung chương này tập trung vào nghiên cứu hai trường hợp điển hình về hợp tác trong PTDLNT tại hai huyện Lạc Dương và Lâm Hà. Trên cơ sở đó, kết quả nghiên cứu được so sánh và tổng hợp làm cơ sở cho thảo luận và đề xuất khung nghiên cứu ở chương 5.
Chương 5: Thảo luận và các hàm ý nghiên cứu
Chương này tập trung vào thảo luận kết quả nghiên cứu, trên cơ sở đó đề xuất khung nghiên cứu và những hàm ý nghiên cứu để thúc đẩy quan hệ HTCBLQ trong PTDLNT theo hướng bền vững tại tỉnh Lâm Đồng.
TÓM TẮT CHƯƠNG 1
Chương 1 tập trung vào những vấn đề cơ bản, điều kiện tiền đề định hướng cho nghiên cứu các chương sau. Nội dung đầu tiên chương 1 đề cập đến tính cấp thiết của nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn. Về lý luận đã đề cập đến PTDLNT và vai trò của HTCBLQ. Đồng thời, về lý luận cũng đề cập đến các kết quả nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến HTCBLQ cả trên thế giới và trong nước. Trên cơ sở đó, đã xác định hướng nghiên cứu này còn nhiều khuyết thiếu về nội dung, địa bàn và kết quả nghiên cứu và hợp tác trong điều kiện trình độ kinh tế, nhận thức còn hạn chế và thể chế xã hội chủ nghĩa như ở nước ta thì chưa được nghiên cứu kỹ. Về thực tiễn, nội dung này đã giới thiệu về PTDLNT trên thế giới, tại Việt Nam và tại tỉnh Lâm Đồng, và cũng đã luận giải đặc điểm PTDLNT vùng dân tộc thiểu số có những khó khăn về nhận thức là nguyên nhân quan trọng đòi hỏi cách tiếp cận khác biệt trong thúc đẩy hợp tác. HTCBLQ sẽ tổng hợp được các nguồn lực thúc đẩy PTDLNT, giải quyết được nhiều tồn tại của vùng nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Theo đó, mục tiêu nghiên cứu (tổng quát và cụ thể) được xác lập, trên cơ sở đó hình thành các câu hỏi nghiên cứu phù hợp, đồng thời, tập trung vào đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án. Chương này cũng làm sáng tỏ ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài và xác định kết cấu của luận án gắn với các nội dung nghiên cứu tiếp theo.
CHƯƠNG 2: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT
2.1. Tổng quan nghiên cứu
2.1.1. Các nghiên cứu về du lịch nông thôn
Từ những năm 1970, khủng hoảng nông nghiệp đã làm giảm cơ hội phát triển kinh tế nông thôn. Những thách thức mà sản xuất nông nghiệp ở Mỹ phải đối mặt đó là giá cả nông sản thấp, chi phí cao, toàn cầu hóa,… là những vấn đề làm suy giảm đáng kể thu nhập của các trang trại nhỏ ở Mỹ (Perales, 2002; Su, 2011). Năm 1980 cuộc khủng hoảng trang trại ở vùng Midwest, Mỹ cũng dẫn đến số lượng nông dân giảm và buộc các trang trại phải cơ cấu lại để tăng thêm thu nhập bằng các hoạt động phi nông nghiệp, tiếp tục canh tác hoặc tuyên bố phá sản. Cuộc khủng hoảng nông nghiệp và mất việc làm trong sản xuất nông nghiệp có hiệu ứng đáng kể trong cộng đồng nông thôn. Hậu quả là tốc độ thất nghiệp tăng cao, thu nhập thực tế của cộng đồng dân cư bị suy giảm tại các vùng nông thôn (Wilson và cộng sự, 2001). Cũng theo Wilson và cộng sự (2001) thì những thay đổi này đã hạn chế sự phát triển kinh tế nông thôn, làm cho những chiến lược phát triển cũ kém hiệu quả và buộc phải tìm cách thức mới - cách phi truyền thống để duy trì sự phát triển kinh tế nông thôn. PTDLNT là một trong những chiến lược phát triển kinh tế nông thôn vì nó mang lại thu nhập, tạo ra công ăn việc làm và giúp tiêu thụ nông sản (OECD, 1994; Fleischer và Pizam, 1997; Wilson và cộng sự, 2001; Sharpley, 2002; Su, 2011). Ở các tiểu bang Wyoming, Montana và Idaho của Mỹ, số lượng doanh nghiệp nông trang thân thiện đã tăng nhanh trong 5 năm từ 1985-1990 (OECD, 1994). Các công ty đường sắt bắt đầu quan tâm đến vận chuyển khách du lịch đến các vùng quê xa xôi có danh lam thắng cảnh hấp dẫn. Tuy nhiên, DLNT ở giai đoạn này được quan niệm tương đồng với một số loại hình du lịch ở nông trại, du lịch xanh, du lịch di sản, du lịch nhà nghỉ ở nông thôn. Do DLNT hấp dẫn đặc biệt với khách du lịch vì gắn liền với các đặc điểm văn hóa, lịch sử, dân tộc và địa lý riêng biệt của mỗi vùng nông thôn (OECD, 1994; Wilson và cộng sự, 2001; Darău và cộng sự, 2010; Bhattacharjee, 2015) nên đã tạo một xu hướng du lịch mới là du lịch đến vùng nông thôn để tham quan và trải nghiệm. Theo số liệu thống kê năm 2014 tại Hội nghị Châu Âu về DLNT lần thứ 5, tại Châu Âu, trong tổng số 500.000 doanh nghiệp kinh doanh DLNT có 6 triệu giường ngủ, tương đương 15% khả năng đáp ứng về lưu trú. DLNT đã tạo ra hơn 100 tỷ Europe - chủ yếu trong nền kinh tế và là yếu tố quan trọng đối với sự sống còn và sự hồi sinh của nhiều vùng nông thôn (Hội nghị Châu Âu, 2014).
DLNT không phải là hoàn toàn mới. Sự quan tâm về giải trí ở vùng nông thôn đã tăng nhanh trong thế kỷ 19 và người dân thành phố muốn lấy lại cân bằng trong
cuộc sống do phải chịu sức ép căng thẳng từ quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa (Darău và cộng sự, 2010). DLNT là một trong số các lĩnh vực chính trong chiến lược phát triển nông thôn của nhiều quốc gia Pháp, Úc, Anh (Su, 2011). Nó không chỉ được coi là một con đường để nông thôn tái tạo và đa dạng hóa kinh tế (Su, 2011) mà còn là một hình thức để ngăn chặn các doanh nghiệp quá phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ nông nghiệp (Hegarty và Przezborska, 2005). Năm 1998, lần đầu tiên Tổng cục Du lịch Trung Quốc đã giới thiệu về DLNT. Đây là điều kiện thuận lợi để đa dạng hoạt động du lịch tại các trang trại và số lượng cộng đồng dân cư nông thôn đã tăng lên rất nhanh (Su, 2011).
Các nghiên cứu về DLNT rất đa dạng và ở bối cảnh nhiều quốc gia khác nhau. Nghiên cứu của Wang và cộng sự (2013) về nguyên tắc, mô hình và tương lai của PTDLNT tại Trung Quốc. DLNT đã trải qua giai đoạn phát triển nhanh trong ba thập kỷ trước và DLNT được coi như chất xúc tác hiệu quả thúc đẩy phát triển nông nghiệp và sự suy giảm của vùng nông thôn. Nhóm tác giả đã tổng quan các tiếp cận DLNT dựa trên phạm vi địa lý, mục tiêu phát triển, các nguồn lực, các chủ thể, hệ thống sản phẩm, thị trường, các nguồn lực. Kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra các nguyên tắc của PTDLNT gồm chủ đề nông nghiệp, Chính quyền dẫn dắt sự tham gia của các bên liên quan, ưu tiên hàng đầu lợi ích của người nông dân, phát triển gắn với bảo vệ, thích nghi với điều kiện của địa phương. Dựa trên các nguyên tắc PTDLNT, nhóm tác giả đề xuất các mô hình PTDLNT ở Trung Quốc, bao gồm: mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa dân gian, du lịch làng, du lịch giải trí và kỳ nghỉ nông thôn, du lịch tìm hiểu về nông nghiệp. Trên cơ sở đó, qua kinh nghiệm thực tiễn và thực hành DLNT, nhóm tác giả đã xác định những hạn chế của PTDLNT tại Trung Quốc, bao gồm sự ủng hộ của chính quyền cho PTDLNT, điều chỉnh cấu trúc DLNT, thúc đẩy thực hành hiệu quả vùng đang bị suy giảm, thiếu hụt các hoạt động trải nghiệm, thiếu sự phát triển thích hợp và thúc đẩy văn hóa nông thôn.
Nghiên cứu của Khartishvili và cộng sự (2019) về du lịch ở vùng nông thôn của Georgia và đối tác quốc tế như là một phương tiện để phát triển khu vực nông thôn và là một kênh việc làm thay thế trong lĩnh vực nông nghiệp. Nghiên cứu đã đề xuất thể chế hóa DLNT trong nước và đề xuất các hành động liên quan. Dựa vào kết quả phỏng vấn các bên liên quan khác nhau và thảo luận nhóm, những thách thức gần đây của PTDLNT là tiếp thị du lịch ở mức độ quốc gia gắn với sản phẩm DLNT. Các phát hiện chính của nghiên cứu bao gồm các khuyến nghị tạo ra một cấu trúc trung tâm hàng đầu cho DLNT ở cấp quốc gia, điều này sẽ mang tính chiến lược các vấn đề và định mức chung của DLNT. Đồng thời, nhóm nghiên cứu đề xuất thành lập tổ chức quản lý điểm
đến, vì sẽ tích hợp các quy định chung trong luật pháp vùng và tiếp thị với sự HTCBLQ chặt chẽ tại địa phương.
Blancas và cộng sự (2011) đã đề xuất hệ thống chỉ số để phân tích tính bền vững của hoạt động du lịch tại các điểm đến nông thôn cho công tác quản lý du lịch trong PTDLNT tại Andalusia (Tây Ban Nha). Kết quả xác định các chỉ ra những chỉ tiêu về xã hội đối với CĐĐP; các chỉ tiêu về kinh tế (lợi ích kinh tế, sự hài lòng du khách, lập kế hoạch du lịch, thời vụ, việc làm, vận chuyển du lịch, lộ trình và cạnh tranh điểm đến) và các chỉ tiêu về môi trường (quản lý năng lượng, hệ sinh thái, bảo tồn tài nguyên và xử lý nguồn nước, ô nhiễm không khí). Phương pháp phân tích thành phần chinh (Principal Component Analysis - PCA) được sử dụng để đánh giá chỉ số bền vững cho vùng nông thôn. Kết quả nghiên cứu là chỉ dẫn quan trọng cho các nhà quản lý và nhà hoặc định chính sách PTDLNT bền vững để hiểu rõ hơn quá trình chuyển đổi sang tính bền vững tại các điểm đến DLNT.
Lo và cộng sự (2013) về DLNT và hình ảnh điểm đến thông qua khảo sát 297 người dân là CĐĐP từ 34 điểm DLNT ở Malaysia. Năm giả thuyết bao gồm các lĩnh vực về xã hội, kinh tế, môi trường, văn hóa và cộng đồng về hình ảnh điểm đến đã được phát triển. Kết quả nghiên cứu cho thấy CĐĐP quan tâm nhất đến tác động xã hội và các giá trị của cộng đồng trong việc duy trì hình ảnh điểm đến của họ.
Nghiên cứu của Keyim (2017) về quản trị hợp tác du lịch, phát triển cộng đồng nông thôn ở Phần Lan. Phương pháp nghiên cứu trường hợp đã được thực hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy cộng đồng làng xã nhận được lợi ích du lịch hạn chế do nhiều ràng buộc khác nhau bắt nguồn từ các điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt và hệ thống thể chế của làng. Tuy nhiên, việc đấu tranh để hình thành cách tiếp cận quản trị hợp tác DLCĐ công bằng và hiệu quả có thể mang lại những lợi ích kinh tế xã hội tích cực cho làng và cho các cộng đồng nông thôn đang suy giảm.
Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, PTDLNT đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các nhà nghiên cứu. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào làm rõ cách hiểu về DLNT, đánh giá tiềm năng PTDLNT trong các bối cảnh khác nhau hoặc nghiên cứu hành vi khách du lịch nông thôn (Bùi Thị Lan Hương, 2012; Hoàng Ngọc Minh Châu và Trần Duy Minh, 2016; Đào Ngọc Cảnh và Ngô Thị Ái Thi, 2018). Mặc dù vậy, các nghiên cứu này là nguồn tài liệu tham khảo tốt cho nghiên cứu về PTDLNT của đề tài, đặc biệt trong các bối cảnh vùng nông thôn đang có chuyển dịch cơ cấu kinh tế và gắn với phát triển nông thôn mới ở nước ta.
Nghiên cứu của Hoàng Ngọc Minh Châu và Trần Duy Minh (2016) về tiềm năng PTDLNT tại cù lao Tân Triều, tỉnh Đồng Nai. Nghiên cứu đã tiếp cận một số cách hiểu về DLNT cũng như các điều kiện hình thành và PTDLNT như tính độc đáo của tài nguyên DLNT, vị trí địa lý, tính cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những lợi thế cũng như những hạn chế trong khai thác và PTDLNT tại cù lao Tân Triều, qua đó các giải pháp cũng được khuyến nghị, bao gồm phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao trải nghiệm của du khách. Nghiên cứu này đã đóng góp vào hệ thống lý luận về DLNT và hướng phát triển sản phẩm du lịch khai thác giá trị đặc thù vùng nông thôn nhằm nâng cao các trải nghiệm du lịch cho du khách tại vùng nông thôn, đồng thời gia tăng sinh kế cho người dân nông thôn.
Nghiên cứu của Bùi Thị Lan Hương (2012) về quan niệm và hành vi của khách du lịch nông thôn qua phương pháp khảo sát, thảo luận nhóm. Kết quả nghiên cứu đã chỉ rõ cách hiểu về DLNT, lợi ích, những mong muốn, những e ngại của du khách đến vùng nông thôn, thời gian lưu trú, hình thức tổ chức, thời điểm tổ chức loại hình DLNT. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng chỉ rõ mức chi tiêu và phân bổ chi tiêu của khách du lịch cho các dịch vụ du lịch. Kết quả nghiên cứu là minh chứng sinh động đóng góp hệ thống kiến thức thực tiễn về kinh doanh DLNT, đặc biệt giúp các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có thể xác định được nhu cầu và thị trường khách du lịch của mình.
Nghiên cứu của Đào Ngọc Cảnh và Ngô Thị Ái Thi (2018) về PTDLNT dựa vào cộng đồng dân tộc người Khmer ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Nhóm tác giả đã sử phương pháp khảo sát 50 hộ dân người Khmer và kết quả nghiên cứu đã đánh giá được tiềm năng, các hoạt động của du khách, dự định tổ chức các hoạt động du lịch của các hộ dân tham gia du lịch. Dựa trên kết quả khảo sát, nhóm tác giả đã đề xuất các địa bàn và giải pháp PTDLNT bao gồm: 1) Xây dựng trung tâm du lịch cộng đồng huyện Tịnh Biên,
2) Vận động người dân phát triển các cơ sở lưu trú, 3) Chú trọng xây dựng khu vệ sinh, 4) Đẩy mạnh phát triển làng nghề du lịch, 5) Khai thác các hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng, và 6) Thành lập tổ hướng dẫn du lịch.
Tổng cục Du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (2014) đã xuất bản tài liệu Cẩm nang thực tiễn phát triển Du lịch nông thôn Việt Nam. Tài liệu này đã chỉ ra cách hiểu về DLNT, một số loại hình du lịch như: du lịch di sản, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống, DLCĐ, du lịch nông sinh học, du lịch sinh thái, du lịch dân tộc thiểu số là những loại hình DLNT và tài liệu chỉ rõ phương pháp và quy trình PTDLNT. Đặc biệt, trong tài liệu nhấn mạnh đến vai trò các bên liên quan và liên kết giữa các cơ quan hữu quan. Đây là tài liệu tham khảo có giá trị đối với việc nghiên cứu các bên liên quan trong PTDLNT của đề tài.