Minh; nhận định sai lệnh về mối quan hệ giữa cơ quan lãnh đạo kháng chiến ở Nam Bộ với Trung ương Đảng ngoài Bắc, cho rằng: Việt Minh Nam Bộ tự trị gần như hoàn toàn đối với Tổng bộ ở Bắc Kỳ, hoặc đánh giá không đúng về vai trò của các cá nhân trong cuộc kháng chiến ở miền Nam, như cho rằng tướng Nguyễn Bình là người một mình xây dựng cuộc kháng chiến miền Nam, đã sáng tạo ra cuộc chiến tranh du kích mà đối phương không dập tắt nổi, trên đồng ruộng và trong rừng rậm Nam Kỳ .
Những sai lạc trên đây rất cần được trao đổi, phản bác bằng những luận
cứ khoa học rút ra từ việc nghiên cứu đề tài này.
Có thể nói, Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp chưa bao giờ được coi là một đối tượng nghiên cứu độc lập. Sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể của Đảng đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ ra sao? Hệ thống các cấp ủy Đảng, nhất là cơ quan đứng đầu ở Nam Bộ được tổ chức như thế nào, có những đặc điểm gì? Sự lãnh đạo kháng chiến có những sáng tạo gì để đưa cuộc kháng chiến “đi trước về sau” của nhân dân Nam Bộ đi đến thắng lợi? Những đóng góp và vị trí của phong trào kháng chiến ở Nam Bộ đối với cuộc kháng chiến toàn quốc ra sao? Bên cạnh đó, việc cơ quan lãnh đạo Đảng ở Nam Bộ còn có nhiệm vụ quốc tế, trực tiếp giúp đỡ phong trào cách mạng của nhân dân Campuchia, xây dựng cơ sở của Đảng ở Campuchia như thế nào.v.v vẫn còn là những khoảng trống cần được nghiên cứu đúng mức. Chừng nào những vấn đề trên chưa được làm sáng tỏ và luận giải thấu đáo thì những đánh giá, kiến giải về quá trình xây dựng Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vẫn chưa đầy đủ, sâu sắc và toàn diện.
3. NHỮNG VẤN ĐỀ LUẬN ÁN TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT
Tổ chức và hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược một đề tài đã được nghiên cứu sinh quan tâm nghiên cứu nhiều năm. Năm 2009, tôi đã thực hiện và bảo vệ thành công đề tài luận văn cao học “Tổ chức và hoạt động của Trung ương Cục miền Nam từ năm 1951 đến năm 1954”. Ở cấp độ một luận văn Thạc sĩ, luận văn mới chủ yếu dừng lại ở việc tái hiện mà chưa đi sâu luận giải nhiều vấn đề về lý luận, về kinh nghiệm tổ chức, hoạt động của một mô hình tổ chức Đảng rất đặc thù ở Việt Nam. Đây là đề tài tiếp tục những nghiên cứu trước đây của nghiên cứu sinh, có sự mở rộng về đối tượng, phạm vi nghiên cứu và đi sâu luận giải, đánh giá một cách sâu sắc những vấn đề nghiên cứu.
Trong khuôn khổ đề tài luận án, nghiên cứu sinh tập trung nghiên cứu, giải quyết những vấn đề sau:
Có thể bạn quan tâm!
- Quá trình xây dựng tổ chức và hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục Miền Nam từ năm 1945 đến năm 1954 - 1
- Quá trình xây dựng tổ chức và hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục Miền Nam từ năm 1945 đến năm 1954 - 2
- Thống Nhất Cơ Quan Lãnh Đạo Của Đảng, Lập Xứ Ủy Duy Nhất Của
- Xây Dựng Và Chấn Chỉnh Lực Lượng Vũ Trang Nam Bộ
- Thành Lập Xứ Ủy Chính Thức, Lãnh Đạo Nhân Dân Nam Bộ Kháng
Xem toàn bộ 182 trang tài liệu này.
- Phân tích toàn diện những điều kiện và nhân tố về đặc điểm kinh tế, xã hội, bối cảnh lịch sử, những chuyển biến của phong trào kháng chiến ở Nam Bộ tác động đến công tác xây dựng cơ quan lãnh đạo của Đảng ở Nam Bộ. Trên cơ sở đó, luận án sẽ lý giải những nguyên nhân Trung ương Đảng quyết định củng cố Xứ ủy Nam Bộ trong khi quyết định giải thể Xứ ủy Bắc Bộ, Xứ ủy Trung Bộ ngay trong năm đầu toàn quốc kháng chiến, cũng như lý giải vì sao đến năm 1951, Trung ương quyết định giải thể Xứ ủy Nam Bộ, lập Trung ương Cục miền Nam, thiết lập sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương đối với các Đảng bộ Nam Bộ.
- Trình bày một cách có hệ thống những quan điểm, chủ trương và sự chỉ đạo cụ thể của Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam từ 1945 đến 1954. Luận án sẽ đi sâu phân tích đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng là nhân tố quyết định thành công của công tác xây dựng cơ quan lãnh đạo của Đảng tại Nam Bộ. Những kết quả nghiên cứu về nội dung này sẽ góp phần bác bỏ những phản ánh sai lệch về hoạt động của
cơ quan lãnh đạo kháng chiến Nam Bộ của một số học giả nước ngoài, như đã trình bày.
- Tái hiện quá trình củng cố, kiện toàn Xứ ủy Nam Bộ trong những năm 1945 -1951, thành lập Trung ương Cục miền Nam vào năm 1951 và sự giải thể của Trung ương Cục miền Nam vào cuối năm 1954. Luận án sẽ trình bày cơ cấu tổ chức, bộ máy, các chức danh nhân sự, nguyên tắc sinh hoạt của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam từ 1945 đến 1954. Đây là một quá trình rất gian khổ, sự phấn đấu liên tục trước hết là của những chiến sĩ cộng sản trực tiếp lăn lộn, hòa mình trong phong trào kháng chiến ở Nam Bộ. Luận án cũng sẽ đề cập đến các cơ quan giúp việc, tham mưu của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam thời kỳ này.
- Làm sáng tỏ những hoạt động lãnh đạo và chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam đối với cuộc chiến tranh cách mạng ở Nam Bộ trên tất cả các lĩnh vực: lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố và phát triển khối đoàn kết dân tộc, xây dựng nền kinh tế, nền văn hóa kháng chiến....Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam đã vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn kháng chiến địa phương, nâng cao tinh thần tự lực cánh sinh, có nhiều sáng tạo trong chỉ đạo thực tiễn, nhất là trong thực hiện chính sách ruộng đất, trong vận động tôn giáo, trí thức, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Làm sáng rõ những hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp phong trào kháng chiến của nhân dân Campuchia. Đây là một vấn đề thường bị các thế lực thù địch bóp méo và xuyên tạc sự giúp đỡ trong sáng của Đảng, Nhà nước ta đối với nhân dân Campuchia.
- Đánh giá một cách xác đáng vị trí, vai trò của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ trên các lĩnh vực và đối với phong trào kháng chiến ở Campuchia. Đồng thời, đưa ra những nhận xét
xác đáng về vai trò, cống hiến của các đồng chí lãnh đạo ở Nam Bộ trên cơ sở
hiệu quả hoạt động cụ thể, đức độ và tài năng.
- Đúc kết một số kinh nghiệm từ việc nghiên cứu tổ chức và hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, nhất là kinh nghiệm về phương thức sinh hoạt, xây dựng qui chế làm việc đạt hiệu quả cao, kinh nghiệm về lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ của Đảng....
- Chính xác hóa những sự kiện, nhân vật trong bộ máy tổ chức của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam còn bị phản ánh sai lệnh trong các công trình nghiên cứu có liên quan đã được công bố.
Tình hình nghiên cứu đề tài xây dựng tổ chức và hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam cho thấy, đến nay chưa có một công trình nào đi sâu nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện về Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam cả về phương diện xây dựng tổ chức và hoạt động của cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng ở Nam Bộ trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Vì vậy, nghiên cứu quá trình xây dựng tổ chức và hoạt động Xứ uỷ Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945- 1954) nhằm phản ánh hiện thực xây dựng tổ chức, nhân sự của cấp uỷ đó; soi tỏ thêm đặc điểm, tổ chức, hoạt động của các cấp bộ Đảng, của những nhân vật lịch sử nổi bật của Đảng trong quá trình lãnh đạo kháng chiến; đúc kết kinh nghiệm xây dựng, bảo vệ tổ chức Đảng để cung cấp thêm những luận cứ khoa học cho công tác xây dựng Đảng hiện nay; bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, hiệu chỉnh những nhận định sai lạc, thiên kiến về vai trò lãnh đạo của Đảng trong kháng chiến.
NỘI DUNG
Chương 1
XỨ ỦY NAM BỘ KIỆN TOÀN TỔ CHỨC, BỘ MÁY VÀ LÃNH ĐẠO
NHÂN DÂN KHÁNG CHIẾN (1945 - 1951)
1.1. Thống nhất hai Xứ ủy thành Xứ ủy Nam Bộ, bước đầu củng cố tổ chức, bộ máy và lãnh đạo nhân dân chống thực dân Pháp mở rộng chiếm đóng (1945-1946)
1.1.1. Thống nhất hai Xứ ủy, bước đầu củng cố tổ chức, bộ máy đáp ứng yêu cầu kháng chiến
1.1.1.1 Khái quát quá trình hình thành cơ quan lãnh đạo cấp xứ ở Nam
Bộ trước Cách mạng tháng Tám 1945
Xứ ủy Nam Bộ(trước Cách mạng tháng Tám - 1945 là Xứ ủy Nam Kỳ) thành lập tháng 12-1930 theo Chủ trương và Điều lệ Đảng được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 10- 1930.
Sau khi thành lập, Xứ ủy Nam Kỳ đã trải qua quá trình xây dựng về tổ chức, bộ máy và phát huy vai trò lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Kỳ hướng tới mục tiêu khởi nghĩa giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân.
Từ năm 1931 đến năm 1935, Xứ ủy Nam Kỳ liên tục bị đánh phá nhưng nhanh chóng được lập lại và đảm trách lãnh đạo phong trào cách mạng ở Nam Kỳ, gây dựng cở sở của Đảng ở Campuchia.
Về mặt hành chính, sau khi thành lập vào tháng 4-1945, Chính phủ Trần Trong Kim đổi Nam Kỳ thành Nam Bộ, Trung Kỳ thành Trung Bộ và Bắc Kỳ thành Bắc Bộ. Tuy nhiên, các Đảng bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn dùng danh xưng là Xứ Bộ Nam Kỳ, Xứ bộ Trung Kỳ và Xứ bộ Bắc Kỳ do các Xứ ủy với các tên gọi tương ứng lãnh đạo. Sau Cách mạng Tháng Tám, danh xưng các Xứ ủy thay đổi cho phù hợp với tên gọi hành chính mới là Ban Chấp hành Xứ Đảng bộ. Tuy nhiên, trong một số văn bản, cho đến năm 1948, vẫn còn tồn tại danh xưng Xứ ủy Nam Kỳ. Để tiện trình bày, Luận án sử dụng tên là Xứ ủy Nam Bộ.
Từ năm 1936 đến năm 1939, Xứ ủy Nam Kỳ được củng cố, lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Nam Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, Nam Kỳ là nơi có phong trào đấu tranh mạnh mẽ; hệ thống tổ chức Đảng bộ được xây dựng từ cấp xứ đến chi bộ, có đội ngũ đảng viên đông và mạnh nhất trong toàn Đảng.
Trong cao trào đấu tranh giành chính quyền 1939-1945, Đảng bộ Nam Kỳ đã vượt qua sự khủng bố ác liệt của chính quyền thuộc địa sau khởi nghĩa Nam Kỳ 23-11-1940, khôi phục thành công hệ thống tổ chức Đảng từ cấp xứ đến cơ sở. Theo thống kê chưa đầy đủ từ lịch sử đảng bộ đã xuất bản của các tỉnh từ Đồng Nai trở vào, tính đến tháng 8 - 1945, 18 tỉnh, thành phố Nam Kỳ đã có cơ quan lãnh đạo tỉnh uỷ hoặc ban cán sự [136, tr.17-19]. Với hệ thống tổ chức Đảng được gây dựng, Xứ ủy Nam Kỳ đã lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Bộ- Sài Gòn ngày 25-8-1945, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại Cách mạng tháng Tám 1945 của dân tộc ta, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Hiện thực lịch sử cho thấy, sự thành lập các xứ ủy, trong đó có Xứ ủy Nam Kỳ, thời kỳ đấu tranh giành chính quyền 1930-1945 là một sáng tạo trong công tác tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc xây dựng chính Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin đồng thời trên cơ sở thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Xây dựng tổ chức và hoạt động trong hoàn cảnh bị chính quyền thuộc địa liên tục khủng bố, cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng không ổn định về tổ chức, Xứ ủy Nam Kỳ gặp phải nhiều khó khăn và bộc lộ một số hạn chế. Đặc biệt, từ 1945, Đảng bộ Nam Kỳ có một hạn chế lớn là không thống nhất về tổ chức. Trong cùng một địa bàn, cùng một nhiệm vụ cách mạng nhưng Đảng bộ có 2 Xứ ủy cùng tồn tại và lãnh đạo là Xứ ủy Nam Kỳ “Tiền Phong’’, thành lập tháng 10- 1943 và Xứ uỷ lâm thời Nam Kỳ “Giải phóng” ra đời tháng 3-1945. Sự thiếu thống nhất của 2 Xứ ủy đã dẫn đến sự song song tồn tại 2 hệ thống tổ chức Đảng ở Nam Kỳ. Nhiều tỉnh có 2 tỉnh uỷ hoặc ban cán sự cùng chỉ đạo.
Nhận thức được những tác hại của việc chia rẽ và được Trung ương uốn nắn, 2 Xứ ủy đã tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ để bàn việc thống nhất về tổ chức, song do những khác biệt về quan điểm chỉ đạo và phương pháp xây dựng lực lượng tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, sự thiếu tin tưởng lẫn nhau nên việc thống nhất cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ Nam Kỳ không mang lại kết quả. Tháng 7-1945, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, 2 Xứ ủy lập “Ban Hành động chung” có đại diện của 2 bên tham gia. Tuy nhiên, do mâu thuẫn 2 Xứ ủy khá sâu sắc nên Ban hành động chung chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Sự thiếu thống nhất về tổ chức trong bộ phận lãnh đạo của Đảng bộ Nam Kỳ tồn tại trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền chưa được giải quyết sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám -1945, thì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nổ ra ở Sài Gòn- Nam Bộ.
Sự tồn tại của 2 cơ quan lãnh đạo trong cùng một Đảng bộ là đặc điểm ảnh hưởng đến công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo kháng chiến ở Nam Bộ khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai.
1.1.1.2. Nhân dân Nam Bộ đi đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
xâm lược và những yêu cầu củng cố Xứ ủy Nam Bộ
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nhân dân Nam Bộ hưởng tự do, độc lập chưa được bao lâu thì đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, quân Pháp bất ngờ gây hấn ở Sài Gòn, đánh chiếm trụ sở Uỷ ban nhân dân Nam Bộ và các cơ quan, công sở của chính quyền cách mạng... mở đầu cuộc xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Đối đầu với họa xâm lăng, với lời thề “Độc lập hay là chết”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ đã chủ động, tiên phong, anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được.
Công cuộc kháng chiến khởi đầu từ Nam Bộ, sự nghiệp xây dựng chế độ mới đặt ra yêu cầu Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong điều kiện Đảng cầm quyền, củng cố và kiện toàn lại cơ quan lãnh đạo các cấp trên cả nước nói chung và Nam Bộ nói riêng.
Ngày 25-11- 1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc đề ra những vấn đề cơ bản về chủ trương, đường lối, phương pháp cách mạng, về xây dựng Đảng đủ năng lực lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ chế độ, kháng chiến gắn liền với kiến quốc. Chỉ thị nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”[62, tr.26]. Chỉ thị chỉ rõ: “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”[62, tr.26]. Chỉ thị đề ra những nhiệm vụ chủ yếu, vừa mang tính cấp bách trước mắt vừa mang tầm chỉ đạo chiến lược, nhiệm vụ bao trùm là bảo vệ và củng cố chính quyền. Để thực hiện nhiệm vụ đó, một trong những yêu cầu về mặt quân sự là Trung ương Đảng phải tăng cường sự lãnh đạo đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ; về Đảng, phải tiến hành củng cố và phát triển hệ thống tổ chức, duy trì hệ thống tổ chức bí mật và nửa công khai của Đảng, phát triển đảng viên và các tổ chức cơ sở Đảng trong các cơ quan, xí nghiệp, trong quân đội, …
Với những nội dung quan trọng trên đây, Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc là cương lĩnh hành động trước mắt của toàn Đảng, toàn dân ta, là cơ sở và định hướng cho cuộc kháng chiến cũng như cho công tác xây dựng và kiện toàn cơ quan lãnh đạo của Đảng ở Nam Bộ.
Là một địa bàn chiến lược trọng yếu, cuộc kháng chiến bảo vệ chính quyền cách mạng ở Nam Bộ có vai trò rất to lớn không chỉ đối với nhân dân Nam Bộ mà còn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ chế độ mới trên phạm vi cả nước, cho phong trào cách mạng của nhân dân 3 nước Đông Dương.
Đảng bộ và nhân dân Nam Bộ thực hiện nhiệm vụ to lớn đó trong hoàn cảnh nhân dân ta phải đối phó với nạn thù trong, giặc ngoài, thế nước còn chông chênh. Trên địa bàn Nam Bộ, từ cuối tháng 10-1945 đến tháng 2-1946, quân Pháp phá vỡ các phòng tuyến bao vây của lực lượng kháng chiến; chiếm các đô thị lớn, các đường giao thông chủ yếu rồi đánh chiếm hầu hết các tỉnh Nam Bộ. Tất cả các tỉnh lỵ Nam Bộ nằm trong vòng kiểm soát của quân đội Pháp. Trong khi đó, chính quyền cách mạng mới ra đời được một thời gian ngắn, chưa có