Năm 2005, tác phẩm “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư đã tạo nên làn sóng tranh luận sôi nổi trong và ngoài giới phê bình văn học. Nhiều ý kiến trái ngược nhau, có những bài phê bình gay gắt, lại có bài ca ngợi hết lời. Những ý kiến này đề cập đến nhiều phương diện, đặc biệt là những quan niệm khác nhau về cuộc sống, cách nhìn nhận về con người trong sáng tác của chị. Dù đã có khá nhiều bài phê bình khác nhau song công trình nghiên cứu một cách hệ thống về tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư là chưa nhiều. Đặc biệt, vấn đề phong cách nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư trong truyện ngắn vẫn là một đề tài còn chưa được xem xét thấu đáo.
1.4. Chúng tôi nhận thấy ở Nguyễn Ngọc Tư một tài năng thiên bẩm, một khả năng vươn lên mạnh mẽ, sự tự học và trải nghiệm đáng kính nể. Chị xứng đáng được xem là hiện tượng văn học Việt Nam đầu thế kỉ XXI. Trong giới hạn luận văn, chúng tôi muốn thể hiện lòng yêu mến đối với một tài năng trẻ bằng cách dành tâm trí để tìm hiểu “Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư”.
2. Lịch sử vấn đề
Nói tới phong cách nghệ thuật Nguyễn Ngọc Tư đã có nhiều bài viết đề cập đến các khía cạnh riêng lẻ, ở đây chúng tôi đề cập đến một số bài tiêu biểu, có ít nhiều liên quan đến luận văn này. Tác giả Nguyễn Trọng Bình có một số bài viết, chẳng hạn“Phong cách truyện ngắn Nguyễn ngọc Tư nhìn từ phương diện quan niệm nghệ thuật về con người” đã nêu lên: qua truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, ở đây tác giả chỉ ra một “mô hình” về con người rất độc đáo trong cái nhìn riêng của chị. “Mô hình” ấy vừa có sự kế thừa vừa có sự sáng tạo mang phong cách riêng của Nguyễn Ngọc Tư. Đó là “mô hình” con người hướng thiện - kiểu tư duy nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư. Có thể nói, kế thừa truyền thống quan niệm nghệ thuật về con người của các thế hệ đi trước, bằng sự trải nghiệm và sáng tạo của bản thân, Nguyễn Ngọc Tư đã trình ra một “cái nhìn”, một cách “lý giải” về con người rất mới mẻ và độc
đáo, đem đến cho người đọc một sự thích thú, bạn đọc ngày một yêu mến truyện ngắn của chị hơn. Đây chính là dấu ấn riêng góp phần làm nên phong cách truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.[6.1]
Bài “Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn văn hóa” đưa ra nhận định: truyện của Nguyễn Ngọc Tư có những đặc trưng văn hóa đồng bằng sông Cửu Long! Qua những sáng tác của chị, độc giả không những được thưởng thức câu chuyện thắm đượm tinh thần nhân văn mà còn được cung cấp thêm những cứ liệu văn hóa về vùng quê sông nước đồng bằng sông Cửu Long rất bổ ích. Đó là một khuynh hướng thẩm mĩ trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư - khuynh hướng mang vào tác phẩm những bản sắc và giá trị văn hóa của dân tộc, của quê hương (cụ thể ở đây là những nét đẹp văn hóa nơi vùng đất cực Nam của Tổ quốc).[7.1]
Hay trong “Giọng điệu chủ yếu trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư” nhà phê bình cũng cho rằng: Qua khảo sát truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi nhận thấy nếu xem giọng điệu như một yếu tố nhằm thể hiện nội dung và chủ đề của tác phẩm thì giọng điệu chủ yếu trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là Giọng buồn nhưng không chán chường, ủ dột. Còn như xem giọng điệu từ góc nhìn nhằm thể hiện thái độ, quan điểm của tác giả trong quá trình trần thuật, thì giọng điệu chủ yếu trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư là giọng điềm nhiên, trầm tĩnh [5.1]. Tất cả những vấn đề này, ở góc độ nào đó chính là những nét riêng, độc đáo góp phần tạo nên phong cách của Nguyễn Ngọc Tư ở thể loại truyện ngắn.
Bài “Nguyễn Ngọc Tư - đặc sản miền Nam”của GS. Trần Hữu Dũng là một bài viết rất thú vị. Ông đã xem xét truyện ngắn của chị một cách tường tận và thấu đáo trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Trần Hữu Dũng đặc biệt đề cao tài năng sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ của Nguyễn Ngọc
Có thể bạn quan tâm!
- Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư - 1
- Văn Hóa Nam Bộ Và Quá Trình Hình Thành Phong Cách Nguyễn Ngọc Tư
- Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư - 4
- Nguyễn Ngọc Tư Với Cảm Quan Đời Thường Trong Xây Dựng Nhân Vật Văn Học
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
Tư, ông đánh giá đó là một cái riêng đặc sắc không thể trộn lẫn với bất kì nhà
văn nào khác, như là một “đặc sản miền Nam”. Bằng tất cả sự yêu mến chân thành, Trần Hữu Dũng cũng không quên cảnh báo những nguy cơ có thể khiến tác giả trẻ này đi vào lối mòn trong sáng tác bên cạnh sự nhìn nhận tán thưởng tài năng của chị [13.1]. Nói chung, các ý kiến nhấn mạnh đến bản sắc Nam Bộ trong sáng tác của nhà văn này là khá nhiều.
Huỳnh Công Tín với bài viết “Nguyễn Ngọc Tư, một nhà văn trẻ Nam Bộ” cũng dành cho Nguyễn Ngọc Tư những lời khen tặng xứng đáng. Ông đánh giá cao khả năng xây dựng những không gian Nam Bộ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư và thừa nhận: “Đặc biệt vùng đất và con người trong sáng tác của chị được dựng lại bằng chính chất liệu của nó là ngôn từ và văn phong nhiều chất Nam Bộ của chị”. [52.1]. Huỳnh Công Tín cũng đánh giá cao khả năng miêu tả tâm lý người và vật hết sức sắc sảo của Nguyễn Ngọc Tư, ông cũng yêu cầu chúng ta cần có cái nhìn thông cảm hơn khi những vấn đề quan tâm còn nhỏ nhặt và chưa có tầm bao quát. Ông cũng khẳng định cái đáng quý cần phát huy ở chị chính là chất Nam Bộ trong sáng tác.
Bài viết của Trần Phỏng Diều với tựa đề “Thị hiếu thẩm mĩ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư”. Với cách hiểu “đi tìm thị hiếu thẩm mỹ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư nhận diện văn chương chị một khía cạnh khác, thực chất là đi tìm những hình tượng văn học trong sáng tác của tác giả. Các hình tượng văn học này cứ trở đi trở lại và trở thành một ám ảnh khôn nguôi, buộc người viết phải thể hiện ra tác phẩm của mình.”[11.1] Trần Phỏng Diều đã chỉ ra thị hiếu thẩm mỹ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư thể hiện qua ba hình tượng: hình tượng người nghệ sĩ, hình tượng người nông dân và hình tượng dòng sông. Sau khi phân tích vẻ đẹp của từng hình tượng, anh cũng đánh giá rất cao văn phong mộc mạc, cách viết như nói của Nguyễn Ngọc Tư.
Theo anh, nếu chị đánh mất đi vùng thẩm mỹ này thì đồng thời cũng làm mất đi rất nhiều giá trị thẩm mỹ trong tác phẩm của mình.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thu thập được hai bài viết tìm hiểu một số khía cạnh về không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Đó là bài viết “Không gian sông nước trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư” của Thụy Khuê và bài viết “Thời gian huyền thoại trong truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư” của Mai Hồng cùng được đăng trên trang web “Viet-studies”. Nhìn chung, Thụy Khuê thống nhất ý kiến cho rằng Nguyễn Ngọc Tư đã xây dựng được một không gian Nam Bộ với ruộng đồng sông nước đặc sắc trong tác phẩm của mình, góp phần to lớn vào việc phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của tác giả. Việc chỉ ra kiểu thời gian huyền thoại trong truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” cũng là một góc nhìn mới lạ của Mai Hồng trong việc tìm hiểu về truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư ở nước ta hiện nay.
Điểm qua một số bài viết mang tính “học thuật” như thế để hiểu thêm về tình hình nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tư ở nước ta hiện nay nói chung là chưa nhiều và ít có cái nhìn hệ thống mang tính học thuật, đáp ứng việc hiểu và giảng dạy Nguyễn Ngọc Tư trong nhà trường. Đa phần các bài viết đều được đăng tải trên các báo, chưa có một công trình nghiên cứu chính thức được in thành sách. Ngoài ra, hầu hết các bài viết đều trên tinh thần giới thiệu một tập truyện của chị vừa xuất bản, hay phê bình một truyện ngắn cụ thể nào đó. Chiếm đa số trong những tài liệu chúng tôi thu thập được là những bài phỏng vấn Nguyễn Ngọc Tư, những bài viết kể lại những kỉ niệm hay những lần gặp gỡ chị ở Cà Mau. Chúng tôi nhận thấy có rất ít những bài phê bình truyện ngắn của chị trên bình diện khái quát mà đa số tập trung vào truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”. Những bài viết ấy phần lớn đều là khen chê một
cách cảm tính, chủ yếu là những bài báo với tư cách tranh luận trên diễn đàn nhiều hơn là công trình nghiên cứu khoa học thật sự. Thế nhưng, chúng tôi rất coi trọng những ý kiến đánh giá nghiêm túc và đúng đắn của các nhà văn và nhà phê bình như Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Khắc Phê, Nguyên Ngọc, Dạ Ngân,…những ý kiến này đã giúp chúng tôi tỉnh táo và vững vàng hơn trong việc nghiên cứu truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư.
Đề tài của luận văn này là tìm hiểu phong cách nghệ thuật truyện ngắn của một tác giả trẻ, do đó dĩ nhiên chưa thể có những công trình nghiên cứu dày dặn và thấu đáo để người viết tham khảo. Các nguồn tư liệu chủ yếu được thu thập trên các trang web văn học như: Viet-studies, E-văn, Vietnamnet, Văn nghệ Sông Cửu Long…, trên các tờ báo giấy uy tín như: Văn nghệ, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, Tiền Phong, Công an nhân dân…và chúng tôi còn tham khảo trên các diễn đàn văn học, blog cá nhân của tác giả và những nhà văn, nhà nghiên cứu khác để có thêm tư liệu. Không thể nói tư liệu về Nguyễn Ngọc Tư ít ỏi, nhưng trước sự đa dạng của các ý kiến cũng như các nguồn tư liệu, chúng tôi buộc phải cân nhắc khách quan để “gạn lọc” mong để tìm ra những tư liệu, những bài viết có giá trị nhằm phục vụ tốt cho luận văn này.
Ngoài ra đã có nhiều luận văn nghiên cứu tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư như: Đặc điểm truyện ngắn hai cây bút nữ Phan Thị Vàng Anh và Nguyễn Ngọc Tư (Ngô Thị Diễm Hồng); Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Phạm Thái Lê); Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Lê Hồng Tuyến); Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Bích Thúy nhìn từ phương diện văn học - văn hóa (Dương Thị Kim Thoa); Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (Nguyễn Thị Kiều Oanh)...Chúng tôi có kế thừa một số kết quả của các luận văn này.
Chúng tôi nhận thấy chưa có một luận văn, luận án nào nghiên cứu toàn diện phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, do vậy, chúng tôi đã tìm được khoảng trống để thực hiện đề tài này. Các công trình nghiên cứu của những
người đi trước sẽ là gợi dẫn bổ ích và quý báu cho chúng tôi tiếp cận và triển khai đề tài.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng
Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đã xuất bản gồm:
1. “Ngọn đèn không tắt” (Tập truyện - NXB Trẻ - 2000)
2. “Ông ngoại” (Tập truyện thiếu nhi - NXB Trẻ - 2001)
3. “Biển người mênh mông” (Tập truyện - NXB Kim Đồng - 2003)
4. “Giao thừa” (Tập truyện - NXB Trẻ - 2003)
5. “Nước chảy mây trôi” (Tập truyện và kí - NXB Văn nghệ TP.HCM - 2004)
6. “Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư” (Tập truyện - NXB Văn hóa sài gòn - 2005)
7. “Cánh đồng bất tận” (NXB Trẻ 2005)
8. “Gió lẻ và 9 câu chuyện khác” (NXB Trẻ - 2008)
9. “Khói trời lộng lẫy” (NXB Thời đại - 2010)
Đề tài tập trung nghiên cứu phong cách nghệ thuật Nguyễn Ngọc Tư trong truyện ngắn qua những tập truyện mang tính dấu mốc, cụ thể là các tập truyện ngắn sau:
- “Giao thừa”, Nhà xuất bản Trẻ, 2003
- “Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư”, NXB Văn hoá, 2005
- “Cánh đồng bất tận”, NXB Trẻ, 2005
- “Gió lẻ và 9 câu chuyện khác”, NXB Trẻ, 2008
Tuy nhiên việc nghiên cứu phong cách không thể tách rời nghiên cứu cả chặng đường sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư nên chúng tôi có sử dụng những tác phẩm trong cả quá trình sáng tác để thấy được sự vận động trong truyện ngắn của chị.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Chúng tôi nghiên cứu đề tài này trong phạm vi xác định là phương diện nội dung và nghệ thuật của truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư về tư liệu có khảo sát thêm những tranh luận về nghệ thuật xung quanh tác phẩm của chị.
Từ phong cách nghệ thuật truyện ngắn, được biểu hiện qua thế giới nhân vật, ngôn ngữ, nghệ thuật kể chuyện. Vì vậy, chúng tôi đi vào phong cách nghệ thuật Nguyễn Ngọc Tư trong truyện ngắn ở ba phương diện: cơ sở văn hóa hình thành phong cách nghệ thuật Nguyễn Ngọc Tư; nhân vật “con người đời thường” và cái nhìn nhân ái về con người của Nguyễn Ngọc Tư; đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện và sử dụng ngôn ngữ.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi chủ yếu phối hợp sử dụng những phương pháp sau:
4.1. Phương pháp phân tích.
Đi vào phong cách nghệ thuật của một tác giả, luận văn sử dụng phương pháp phân tích tác phẩm để tìm ra các đặc điểm riêng có giá trị, ý nghĩa của tác phẩm ở các cấp độ khác nhau, từ đó làm sáng tỏ những luận điểm của luận văn.
4.2. Phương pháp tổng hợp - so sánh.
Để thấy được phong cách riêng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng như sự đóng góp của Nguyễn Ngọc Tư cho nền văn học Việt Nam đương đại, trong quá trình nghiên cứu người viết có tiến hành so sánh đối chiếu Nguyễn Ngọc Tư với một số cây bút truyện ngắn khác nhất là một số nhà văn nữ cùng thế hệ như: Phan Thị Vàng Anh, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban,…ở từng vấn đề có liên quan để thấy được những nét tương đồng và dị biệt, từ đó thấy rõ hơn đặc điểm truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư.
4.3. Phương pháp nghiên cứu lịch sử.
Chúng tôi đặt Nguyễn Ngọc Tư vào bối cảnh lịch sử để nghiên cứu. Những giá trị truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư được đánh giá trong mối tương quan với thành tựu văn học đương thời sau đổi mới. Nét mới, nét độc đáo được nhìn nhận trong thời điểm nó ra đời.
4.4. Phương pháp hệ thống.
Để hiểu được phong cách nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư trong truyện ngắn, luận văn chú trọng tìm ra được yếu tố tạo nên tính chỉnh thể và quy luật cấu trúc của nó. Mọi đối tượng, vấn đề khảo sát được chúng tôi đặt trong hệ thống, trong quy luật của cấu trúc này.
5. Đóng góp của đề tài
Với đề tài “Phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư”, luận văn sẽ xem xét đặc sắc của sáng tác truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư trên mọi khía cạnh: tư tưởng, hình tượng, nghệ thuật kể chuyện làm nổi bật tính riêng, không trộn lẫn của lối viết Nguyễn Ngọc Tư nhằm khẳng định tư tưởng nghệ thuật của nhà văn, từ đó xác nhận vị trí của Nguyễn Ngọc Tư trong văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XXI.
6. Cấu trúc của luận văn
Luận văn gồm ba phần chính: Ngoài phần Mở đầu và Kết luận; phần
Nội dung được chia làm ba chương:
Chương 1: Khái niệm phong cách nghệ thuật và cơ sở xã hội văn hóa hình thành phong cách Nguyễn Ngọc Tư.
Chương 2: Nhân vật “con người đời thường” và cái nhìn nhân ái về con người của Nguyễn Ngọc Tư
Chương 3: Đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện và sử dụng ngôn ngữ.