Sơ đồ 1.1 Các bộ phận cơ bản của logistics 2
Sơ đồ 1.2 Mô hình năm lực lượng cạnh tranh của Micheal Porter 13
Sơ đồ 1.3 Bốn trụ cột của Cộng đồng kinh tế ASEAN 19
Sơ đồ 2.1 Mật độ đường bộ phân theo vùng (Km/Km2) 39
Sơ đồ 2.2 So sánh chi phí logistics 58
Sơ đồ 3.1 Thành phần các công ty logistics theo hình thức sở hữu năm 2014 67
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển ngành logistics Việt Nam trong quá trình hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN đến năm 2025 - 1
- Lý Luận Chung Về Ngành Logistics Và Hội Nhập Cộng Đồng Kinh Tế Asean
- Các Nhân Tố Tác Động Đến Sự Phát Triển Ngành Logistics
- Sơ Lược Về Cộng Đồng Kinh Tế Asean Và Hội Nhập Cộng Đồng Kinh Tế Asean
Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.
Hội nhập kinh tế quốc tế đang là một xu thế phát triển chung của các quốc gia trên thế giới. Ngày càng nhiều các tổ chức, liên kết khu vực, hiệp định thương mại được ký kết như: EU, WTO, ASEAN, FTA, TPP… Việt Nam (VN) cũng không nằm ngoài xu hướng đó, thông qua việc lần lượt gia nhập vào các tổ chức của khu vực và toàn cầu.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang khẳng định là một trong những hình mẫu hợp tác khu vực thành công trên thế giới, đặc biệt trên phương diện kinh tế được thể hiện thông qua liên kết nội khối: khu vực mậu dịch tự do AFTA. Sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC-2015) là sự tiếp nối của AFTA nhằm tiến tới một mức độ hội nhập kinh tế cao hơn trong sự phát triển không ngừng của khu vực. AEC là một trong ba trụ cột của ASEAN, cùng với Cộng đồng Chính trị - An ninh và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Hiện tại, đây được đánh giá là khu vực phát triển sôi động trên thế giới với hơn 640 triệu dân, tổng GDP khoảng 2.480 tỷ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ USD vào năm 2014. “GDP của ASEAN dự kiến sẽ đạt 4.700 tỷ USD vào năm 2020. Theo dự báo, khu vực có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030. Có rất nhiều lợi ích kinh tế mà chúng ta sẽ gặt hái được, qua đó mang lại cuộc sống sung túc hơn cho tất cả người dân ASEAN”, Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát biểu tại lễ ký kết hồi tháng 11/2015. Theo đó, các quốc gia thành viên sẽ được nhiều lợi ích như: tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn, phân bổ các nguồn lực tốt hơn, tăng cường năng lực sản xuất và cạnh tranh. Tuy nhiên, AEC cũng tạo ra cho các quốc gia nói chung và các ngành kinh tế nói riêng những áp lực lớn về cạnh tranh, về lợi thế, về khả năng hội nhập và thách thức tiềm ẩn.
Đối với VN, Đảng ta xác định ASEAN là đối tác chiến lược – một trong những trụ cột quan trọng trong tiến trình thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tư chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động hội nhập khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, ASEAN cũng là đối tác thương mại hàng đầu và là động lực giúp nền kinh tế nước ta duy trì tốc độ tăng
trưởng và xuất khẩu. Hiện ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của các doanh nghiệp VN, sau Mỹ và Liên minh Châu Âu.
Khi xây dựng AEC, các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí đưa logistics vào lĩnh vực thứ 12 trong danh mục các lĩnh vực ưu tiên hội nhập. Hiện logistics là ngành kinh tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hỗ trợ phát triển kinh tế nói chung và trong hoạt động sản xuất hàng hóa nói riêng. Logistics được hiểu bao gồm mạng lưới các hoạt động tác động qua lại, tương tác với nhau ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế nhằm chuyển đổi và di dời các nguồn lực kinh tế (nguồn nhân lực, nguyên liệu và các sản phẩm đầu vào khác) từ nơi các nguồn lực đó được khai thác hoặc tập trung tới nơi cần thiết cho quá trình sản xuất, tiêu dùng hàng hóa hoặc dịch vụ. Mạng lưới này bao gồm các mối liên kết giao thông vận tải, thông tin viễn thông đa phương diện (dưới nhiều hình thức khác nhau), các nút trạm giao thông liên quan đến sự chuyển giao, dự trữ, các loại giấy phép bàn giao thanh toán, quá trình đóng gói và phân phối sản phẩm. Trong những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả to lớn từ ngành logistics, VN đã có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng và khuyến khích phát triển ngành dịch vụ khá non trẻ này. Nhiều doanh nghiệp (DN) logistics đã được thành lập để cung cấp dịch vụ logistics; từng bước hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ tới các vùng miền trong cả nước và trên thế giới. Những kết quả đạt được của ngành logistics không chỉ thúc đẩy cơ cấu kinh tế VN chuyển dịch theo hướng hoàn thiện hơn mà còn góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của DN logistics Việt Nam.
Tuy nhiên, phải xem xét một cách khách quan rằng, những kết quả đạt được trong phát triển ngành logitics ở nước ta còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh riêng của ngành này. Nhất là trong xu hướng hội nhập kinh tế, khu vực hóa đang diễn ra ngày càng sâu rộng thì ngành logistics ở nước ta đã và đang bộc lộ nhiều bất cập như: năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của dịch vụ logistics ở nước ta còn yếu; khả năng cạnh tranh khá hạn chế của các doanh nghiệp logistics nội địa so với các công ty toàn cầu; hệ thống vận tải – hạ tầng quá yếu kém, cản trở các doanh nghiệp logistics nội địa phát triển theo chiều sâu… Những vấn đề đó trong thời gian qua đã và đang tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ cho sự phát triển ngành logistics VN. Và vấn đề sẽ càng nghiêm trọng hơn nữa nếu không được nhìn nhận và quan tâm đúng đắn khi mà Việt Nam đã chính thức trở thành
thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Xuất phát từ những yêu cầu lý luận và thực tiễn trên, tác giả quyết định chọn đề tài “Phát triển ngành logistics Việt Nam trong quá trình hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN đến năm 2025” làm đề tài luận văn của mình.
2. Mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu tổng quát: Đề tài nghiên cứu nhằm làm rò thực trạng cũng như những tồn tại, yếu kém của ngành logistics Việt Nam khi bước vào “sân chơi chung” là Cộng đồng Kinh tế ASEAN; từ đó xác lập những căn cứ khoa học và thực tiễn của việc đề xuất các giải pháp, khuyến nghị để phát triển ngành này nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025.
Mục tiêu nghiên cứu cụ thể:
- Hệ thống hoá các vấn đề lý luận cơ bản về logistics và phát triển logistics.
- Phân tích và đánh giá thực trạng phát triển của ngành logistics tại Việt Nam.
- Đề xuất các giải pháp nhằm phát triển ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
2.2. Đối tượng nghiên cứu
Ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.
2.3. Phạm vi nghiên cứu
Về mặt nội dung, phạm vi nghiên cứu là sự phát triển ngành logistics Việt Nam đối với yêu cầu hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Về mặt không gian, phạm vi nghiên cứu chủ yếu là ở Việt Nam, có mở rộng ra các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN.
Về mặt thời gian, số liệu nghiên cứu từ năm 2007 đến năm 2014.
3. Câu hỏi và phương pháp nghiên cứu
3.1. Câu hỏi nghiên cứu
1- Những nhân tố tác động đến phát triển ngành logistics ở Việt Nam? 2- Thực trạng ngành logistics ở Việt Nam như thế nào?
3- Giải pháp phát triển ngành logistics Việt Nam trong quá trình hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN?
3.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp luận nghiên cứu: phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử kết hợp với quan điểm thực tiễn về tính ứng dụng của đề tài trong thực tế.
Phương pháp nghiên cứu cụ thể:
Phương pháp thống kê, mô tả
Luận văn sử dụng nhiều nguồn số liệu thống kê được cung cấp từ các tài liệu của Tổng cục Thống kê, Hiệp hội cảng biển Việt Nam, Cục hàng hải Việt Nam, Cục đường bộ Việt Nam, Cục hàng không Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Ngân hàng thế giới (WB),... Các tài liệu này được tập hợp và mô tả nhằm làm rò thực trạng ngành logistics Việt Nam.
Phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh
Ngoài những tài liệu được cung cấp từ các cơ quan có liên quan còn có các tài liệu thứ cấp khác được tác giả thu thập từ các sách báo, tạp chí chuyên ngành, mạng Internet và các cuộc hội thảo. Các tài liệu này được tổng hợp, phân tích và so sánh chủ yếu nhằm tìm ra những đặc điểm, điểm mạnh và điểm yếu của ngành logistics Việt Nam.
4. Tổng quan nghiên cứu
4.1. Một số nghiên cứu nước ngoài
Điển hình là các công trình nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, các học giả trong khu vực như Philippine, Lào. Tiêu biểu là các tác phẩm:
1- Trade and Logistics: An East Asean Perspective, xuất bản năm 2005 của David Hummels và Robin Caruthers. Tác phẩm này đã nêu lên được vai trò của logistics trong hợp tác kinh tế và phân tích mối quan hệ giữa thương mại và logistics ở các nước Đông Nam Á. Các tác giả đã chỉ rò mối quan hệ này phụ thuộc vào mức độ mở cửa của mỗi nước, khẳng định hậu cần có vai trò quan trọng trong việc tăng khối lượng thương mại và đầu tư khu vực.
2- Philippine Logistics Study (2002) của tác giả John Arnold và Theresa Villareal, School of Labor and Industrial Relations. Công trình nghiên cứu này đã nêu lên được sự yếu kém của cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của các nước ASEAN nói chung, cũng như của Philippine nói riêng là nguyên nhân dẫn đến mức tăng chi phí dịch vụ logistics, làm giảm khối lượng trao đổi thương mại và đầu tư trong khu vực.
3- Logistics Development and Trade Facilitation in Lao PDR (2002) của 2 chuyên gia kinh tế Lào Ruth Banomyong và Nipawis Ritthironk. Trong bài viết của mình, các tác giả đã khẳng định vị trí quan trọng của logistics trong thúc đẩy hợp tác kinh tế Lào – Việt Nam, đặc biệt vai trò của giao thông vận tải biển, chiếm tới hơn 30% khối lượng hàng hóa trao đổi giữa 2 quốc gia.
4- Do standards Matter for Export Success của 3 tác giả thuộc Ngân hàng thế giới (WB) là Maggie X. Chen, Tshunehiro Otsuki và John Wilson. Trong công trình này, các tác giả đã nêu bật được các mối quan hệ giữa logistics và thương mại trong hợp tác kinh tế nói chung, cũng như trong thúc đẩy phát triển Cộng đồng kinh tế ASEAN. Các tác giả đưa ra một số gợi ý chính sách nhằm phát triển lĩnh vực này.
4.2. Một số nghiên cứu trong nước
Ở Việt Nam chưa có tác phẩm nào thực sực chuyên sâu nghiên cứu các nhân tố tác động đến ngành logistics, vị trí và vai trò của ngành này trong thúc đẩy hợp tác khu vực. Thậm chí, khái niệm về logistics cũng chưa được hiểu một cách rò nét, toàn diện trong các sách giáo khoa và từ điển. Chỉ có một số bài tham luận phản ánh thực trạng yếu kém của ngành logistics trong nước như:
1- Đề tài nghiên cứu khoa học “Một số vấn đề về phát triển lĩnh vực dịch vụ hậu cần trong tiến trình hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN” – 2008 của TS. Phạm Thị Thanh Bình – Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Trong báo cáo, tác giả đề cập đến vai trò, lợi ích, sự cần thiết của việc hội nhập nhanh ngành dịch vụ hậu cần vào nền kinh tế ASEAN. Đồng thời vạch ra lộ trình hội nhập cho giai đoạn 2008-2015, chưa nêu lên các yếu tố tác động cũng như thực trạng ngành này tại Việt Nam.
2- Nguy cơ thua trận của các doanh nghiệp Logistics nội của ông Bùi Văn Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Trong bài, ông khẳng định mặc dù số lượng các DN logistics của Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực, song Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào đủ tầm kinh doanh logistics đúng nghĩa.
Theo ông Nguyễn Việt Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Container Việt Nam (Vicoship Vietnam), ngành logistics của Việt Nam hiện đang ở tình trạng phôi thai, chưa được thực hiện một cách thống nhất. Sách giáo khoa, tài
liệu tham khảo về loại hình dịch vụ này cũng chưa nhiều, các chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực này vẫn còn quá ít so với nhu cầu phát triển. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đề tài này thực sự rất cần thiết ở Việt Nam.
4.3. Kết luận
Các nghiên cứu trên đã chỉ ra được vai trò của ngành logistics trong hợp tác kinh tế, phát triển thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào chuyên sâu về vai trò của ngành logistics trong hội nhập AEC, cũng như các yêu cầu của hội nhập đặt ra cho ngành này. Do đó, tác giả nhận thấy đây là vấn đề cần làm sáng tỏ.
Các nghiên cứu nước ngoài có chỉ ra tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng trong việc phát triển ngành logistics. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành này chịu tác động của rất nhiều nhân tố chứ không chỉ riêng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, mỗi quốc gia lại có môi trường, điều kiện sống và làm việc khác biệt, tốc độ phát triển kinh tế không giống nhau nên các nghiên cứu trên chỉ mang tính chất tham khảo, áp dụng trong từng thời kỳ hoặc thời điểm nhất định. Còn đối với Việt Nam trong giai đoạn hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN hiện nay cần có những giải pháp và chính sách riêng.
5. Ý nghĩa và những đóng góp của luận văn
5.1. Ý nghĩa lý luận
Nghiên cứu đề tài là một quá trình vận dụng các phương pháp nghiên cứu vào nhận diện vấn đề đang được quan tâm trong sự phát triển kinh tế của một quốc gia nói chung và một ngành kinh tế nói riêng, chính là việc hệ thống hoá các vấn đề lý luận cơ bản về logistics và phát triển logistics của nền kinh tế, chỉ ra các nhân tố tác động đến sự phát triển của ngành này.
Qua việc nghiên cứu, đánh giá, phân tích thực trạng phát triển của ngành logistics, tác giả hy vọng sự đóng góp này làm phong phú thêm nguồn lý luận và kinh nghiệm cho sự tiếp cận và phân tích các công trình khoa học về sau, đồng thời có thể giúp cung cấp thông tin cho những tác giả khác có quan tâm.
5.2. Ý nghĩa thực tiễn
Ngành logistics là một trong những ngành kinh tế chủ lực trong xuất khẩu và vận tải nhưng hiện tại chất lượng ngành này còn thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao. Thực tế
các DN logistics Việt Nam hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí rất nhỏ nên khả năng phát triển và hội nhập là yếu. Do đó, đề tài nghiên cứu làm sáng rò thêm tình hình thực tế, các nhân tố ảnh hưởng và giải pháp để phát triển ngành dịch vụ non trẻ này tại nước ta.
5.3. Những đóng góp mới của luận văn
Hệ thống hóa vấn đề lý luận về logistics và các nhân tố tác động đến ngành này; kinh nghiệm phát triển logistics tại các nước tiên tiến trong khu vực.
Phân tích thực trạng ngành logistics Việt Nam giai đoạn 2007-2014.
Đề xuất các giải pháp phát triển ngành logistics để đáp ứng yêu cầu hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN.
6. Kết cấu đề tài
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, đề tài bao gồm 92 trang được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1: Lý luận chung về ngành logistics và hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN Chương 2: Thực trạng phát triển ngành logistics Việt Nam giai đoạn 2007-2014
Chương 3: Phương hướng và giải pháp phát triển ngành logistics Việt Nam trong quá trình hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN đến năm 2025