Cơ Sở Lý Luận Về Phát Triển Du Lịch Biển Đảo

PHẦN 1. MỞ ĐẦU


1.1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã xác định “Vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh quốc phòng, có nhiều lợi thế để phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển và ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế - xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1996).

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, đã ban hành Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” cũng nhấn mạnh “Phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”. Chính vì thế, việc phát triển kinh tế biển nói chung và du lịch biển, đảo nói riêng có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2007).

Vì vậy, Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg (2011) đã xác định hướng ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch; tập trung phát triển các khu du lịch biển có tầm cỡ, chất lượng cao, tạo thương hiệu và có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới. Đồng thời, theo đó mục tiêu đặt ra đến năm 2020 DLBĐ của cả nước phải được hình thành ít nhất 06 điểm đến mang tầm cỡ quốc tế, có sức cạnh tranh cao trong khu vực, trong đó có Vịnh Bái Tử Long (BTL), tỉnh Quảng Ninh (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, 2013).

Vịnh BTL là một Vịnh thuộc tỉnh Quảng Ninh, nằm liền kề Vịnh Hạ Long, ôm trọn huyện đảo Vân Đồn với tổng diện tích trên 2.170 km², bao gồm 600 hòn đảo lớn, nhỏ tập trung hầu hết ở huyện đảo Vân Đồn với Vườn quốc gia Bái Tử Long, là nơi bảo tồn hệ sinh thái rừng, biển rất giá trị. Tiềm năng tài nguyên DLBĐ Vịnh BTL rất đa, dạng phong phú, đặc sắc và nổi trội, là nơi có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình với những hòn đảo đ ất , đảo đá đẹp (hòn Đũa, hòn Thiên Nga), nhiều bãi biển đẹp hoang sơ (Quan Lạn, Ngọc Vừng…), cùng nhiều di tích

lịch sử văn hóa tâm linh (đền Quan Lạn, chùa Cái Bầu), di chỉ khảo cổ (Ngọc Vừng, Soi Nhụ, Hà Giắt), Thương cảng cổ Vân Đồn đầu tiên của cả nước (Thế Đạt, 2005) đã tạo nên một vùng trời biển hoang sơ mà đặc sắc. Với vị trí địa kinh tế thuận lợi nằm trên hai hành lang kinh tế: Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. Nhận thấy được các giá trị “ngoại hạng” này của Vịnh BTL, Thủ tướng Chính phủ (2009) đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu phát triển Vịnh BTL trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Với những điều kiện đó, DLBĐ Vịnh BTL giai đoạn 2005-2015 đã có bước phát triển quan trọng, đạt được một số thành tựu đáng kể; lượng khách du lịch đến Vịnh tăng bình quân mỗi năm 13,5%. Giá trị tăng thêm của DLBĐ đạt tốc độ tăng trưởng cao trên 29%/năm; hàng năm đóng góp 11,1% vào cơ cấu kinh tế của Khu Kinh tế Vân Đồn và 0,29% vào GDP tỉnh Quảng Ninh (UBND huyện Vân Đồn, 2014a), góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm, tăng tu nhập, cải thiện đời sống cho cư dân địa phương.

Tuy nhiên, DLBĐ Vịnh BTL trong quá trình phát triển còn bộc lộ nhiều hạn chế, thách thức: DLBĐ của Vịnh chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng; thời vụ khai thác du lịch ngắn; hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chưa đồng bộ, đóng góp của DLBĐ vào kinh tế địa phương chưa cao,… Thêm vào đó là thách thức của sự biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và những bất ổn về tình hình chính trị xuất hiện ở biển Đông mới đây đã có những tác động rõ rệt đến an ninh quốc gia và ảnh hưởng không nhỏ tới DLBĐ. Do vậy, việc thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển đưa Vịnh BTL trở thành điểm đến du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đến năm 2020 theo định hướng của Chính phủ sẽ rất khó đạt được, nếu không có những nghiên cứu cụ thể, đánh giá một cách tổng thể về thực trạng từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới hiện nay. Đây là những trăn trở đang đặt ra đối với Chính phủ, cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong việc phát triển DLBĐ Vịnh BTL trong thời gian tới. Làm thế nào để đưa DLBĐ Vịnh BTL thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế, là động lực trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, tạo tiền đề xây dựng Đặc Khu kinh tế Vân Đồn (Huyện ủy Vân Đồn, 2015b) theo định hướng đặt ra? Đến nay

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.

những câu hỏi lớn đó vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có một nghiên cứu thỏa đáng nào vạch ra hướng đi hiệu quả và tối ưu cho DLBĐ nói chung và DLBĐ Vịnh BTL, tỉnh Quảng Ninh. Tác giả nghiên cứu quá trình phát triển DLBĐ Vịnh BTL trong giai đoạn 2005

- 2015 tìm ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức từ đó hệ thống hóa lý luận, đề xuất các giải pháp phát triển DLBĐ Vịnh BTL trong thời gian tới nhằm phần nào giải quyết những vấn đề đó cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Phát triển du lịch biển đảo Vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh - 3

1.2. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ TÀI

1.2.1. Mục tiêu tổng quát

Góp phần phát triển du lịch biển đảo Vịnh BTL theo hướng bền vững.

1.2.2. Mục tiêu cụ thể

- Hệ thống hóa, bổ sung, phát triển cơ sở khoa học trong đó có cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển DLBĐ.

- Đề xuất định hướng, giải pháp nhằm phát triển DLBĐ Vịnh BTL, Quảng Ninh đến năm 2020 tầm nhìn 2030 theo hướng bền vững.

1.2.3. Nội dung nghiên cứu

- Hệ thống hóa, bổ sung, phát triển cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển DLBĐ.

- Đánh giá tài nguyên DLBĐ (xác định mức độ thuận lợi tài nguyên cho phát triển một số loại hình DLBĐ) trên địa bàn Vịnh BTL, tỉnh Quảng Ninh.

- Phân tích, đánh giá thực trạng về phát triển DLBĐ Vịnh BTL, tỉnh Quảng Ninh.

- Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển DLBĐ Vịnh BTL, tỉnh Quảng Ninh.

- Đề xuất một số định hướng, giải pháp hợp lý để phát triển DLBĐ Vịnh BTL, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 tầm nhìn 2030 theo hướng bền vững.

1.3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

1.3.1. Đối tượng nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Là những vấn đề cơ bản của lý luận và thực tiễn về phát triển DLBĐ; thực trạng và những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển DLBĐ Vịnh BTL, tỉnh Quảng Ninh.

- Đối tượng điều tra: Khách du lịch, chính quyền, dân cư bản địa, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các chuyên gia, đơn vị quản lý nhà nước có liên quan về du lịch trên địa bàn Vịnh BTL.

1.3.2. Phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi không gian: Địa bàn Vịnh BTL, tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên xét trên phạm vi không gian về địa giới hành chính. Luận án giới hạn phạm vi về không gian nghiên cứu là: Huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh và vùng phụ cận (Bản đồ 01).

- Phạm vi thời gian: Thời gian nghiên cứu tập trung trong giai đoạn 2005 – 2015; các số liệu sơ cấp được khảo sát, điều tra trong năm 2014; thời gian dự báo đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

1.4. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA ĐỀ TÀI

- Về lý luận: Luận án góp phần hệ thống hoá, bổ sung, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển DLBĐ; tổng hợp các quan điểm đưa ra khái niệm DLBĐ, khái niệm phát triển du lịch biển đảo. Chỉ ra đặc điểm, nội dung và vai trò của phát triển DLBĐ. Nghiên cứu một số mô hình phát triển DLBĐ của một số địa phương trong và ngoài nước. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm về phát triển DLBĐ.

- Về thực tiễn: Luận án đánh giá tài nguyên DLBĐ Vịnh BTL; phân tích thực trạng phát triển DLBĐ Vịnh BTL thông qua các nội dung đánh giá phát triển DLBĐ là: công tác phát triển sản phẩm; phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch và phát triển thị trường khách DLBĐ. Đánh giá kết quả, đóng góp của DLBĐ Vịnh BTL đối với cơ cấu kinh tế của địa phương. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển DLBĐ qua đó chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của phát triển DLBĐ Vịnh BTL giai đoạn 2005 - 2015 là căn cứ đề xuất các giải pháp phát triển DLBĐ Vịnh BTL trong thời gian tới.

- Về giải pháp: Luận án đề xuất 10 nhóm giải pháp cơ bản có tính khả thi để phát triển DLBĐ Vịnh BTL bền vững, góp phần đưa Vịnh BTL trong thời gian tới trở thành trung tâm DLBĐ chất lượng cao có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

PHẦN 2.

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BIỂN ĐẢO

2.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BIỂN ĐẢO

2.1.1. Một số khái niệm

2.1.1.1. Khái niệm về du lịch

Hoạt động du lịch đã có từ lâu trong lịch sử phát triển của loài người và trở thành phổ biến trên thế giới. Có nhiều quan điểm không giống nhau về khái niệm du lịch.

Trước thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, du lịch hầu như được coi là đặc quyền của tầng lớp giàu có, quý tộc và người ta chỉ coi đây như là một hiện tượng cá biệt trong đời sống kinh tế - xã hội. Trong thời kỳ này, người ta coi du lịch như một hiện tượng xã hội góp phần làm phong phú thêm cuộc sống và nhận thức con người (Trần Thị Thúy Lan và Nguyễn Đình Quang, 2005).

Năm 1963, với mục đích quốc tế hóa khái niệm du lịch, tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về du lịch ở Roma, các chuyên gia đã đưa ra định nghĩa: Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc hành trình và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở thường xuyên của họ hay ngoài nước họ với mục đích hoà bình. Nơi họ đến lưu trú không phải là nơi làm việc của họ (United Nations, 1963). Định nghĩa này trở thành cơ sở cho định nghĩa khách du lịch.

Tiếp cận dưới góc độ tổng hợp, Coltman (1989) định nghĩa rất ngắn gọn về du lịch như sau: Du lịch là sự kết hợp và tương tác của 4 nhóm nhân tố trong quá trình phục vụ du khách bao gồm: du khách, nhà cung ứng dịch vụ du lịch, cư dân sở tại và chính quyền nơi đón khách du lịch.

Theo Luật Du lịch Việt Nam, du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định. Theo quan điểm này, du lịch được coi là một hoạt động đặc trưng mà con người mong muốn trong các chuyến đi (Quốc hội, 2005).

Như vậy, có nhiều quan điểm, khái niệm về du lịch, dưới góc độ kinh tế phát triển tác giả xét thấy định nghĩa về du lịch của Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh

Hoà (2004) phù hợp với xu thế phát triển ngành du lịch hiện nay và là cơ sở của quá trình nghiên cứu của Luận án: "Du lịch là một ngành kinh doanh bao gồm các hoạt động tổ chức hướng dẫn du lịch, sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng các nhu cầu về đi lại, lưu trú, ăn uống, tham quan, giải trí, tìm hiểu và các nhu cầu khác của khách du lịch. Các hoạt động đó phải đem lại lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội thiết thực cho Nước (địa phương) làm du lịch và bản thân doanh nghiệp".

2.1.1.2. Khái niệm về du lịch biển đảo

a) Khu vực biển đảo

Theo Liên Hiệp Quốc (1982) về Luật biển: “Đảo” là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thuỷ triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước.

“Quần đảo” là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.

Nhiều học giả về địa lý cho rằng: “Đảo” hay “hòn đảo” được định nghĩa là phần đất được bao quanh hoàn toàn bởi nước nhưng không phải là một lục địa. Tuy vậy, không có một kích thước chuẩn nào để phân biệt giữa đảo và lục địa.

“Biển” được định nghĩa là hệ thống kết nối của tất cả các vùng chứa nước của Trái Đất, bao gồm năm đại dương lớn: Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Nam Băng Dương và Bắc Băng Dương. Từ "biển" được sử dụng trong tên của một vùng nước mặn cụ thể, nhỏ hơn, chẳng hạn như Biển Bắc hoặc Biển Đỏ. Tuy nhiên, không có sự phân biệt rõ ràng giữa biển và đại dương, mặc dù vùng biển nhỏ hơn và là một phần hoặc toàn bộ giáp với đất liền.

Dưới góc nhìn về địa chất học, theo Nguyễn Thu Hạnh (2004) quan điểm “Đảo” là kết quả của quá trình hoạt động địa chất lâu dài của vỏ trái đất, trong mối tương quan giữa biển và lục địa, tác giả này cũng đưa ra khái niệm về Đảo du lịch ven bờ là các đảo có vị trí cách bờ dưới 75 km, có tiềm năng du lịch và điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch.

Từ các quan điểm về “biển” và “đảo” trên, dưới góc độ về du lịch chúng ta có thể hiểu khu vực biển đảo là:

Khu vực biển đảo là khu vực bao gồm các đảo và vùng biển bao bọc xung quanh nằm trong một khu vực xác định, được hình thành từ quá trình hoạt động địa chất lâu dài của vỏ trái đất.

b) Tài nguyên du lịch biển đảo

Theo Luật du lịch (2005), tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử văn hoá, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản đề cấu thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch.

Theo Wu and Chang (2005), tài nguyên DLBĐ là tài nguyên du lịch có tính chất đặc thù gắn liền với khu vực biển đảo, tồn tại dưới hai dạng chính là: tài nguyên du lịch tự nhiên (địa hình, sinh thái biển, hệ thực vật và động vật, bãi biển, thủy triều, địa chất…) và tài nguyên du lịch nhân văn (các làng nghề nuôi trồng thủy hải sản, cư dân ngư nghiệp, đền chùa, các di tích lịch sử và văn hóa…), cả hai dạng tài nguyên này là cơ sở quan trọng cho việc phát triển DLBĐ.

Từ các quan điểm trên, tài nguyên DLBĐ được hiểu là: Tài nguyên du lịch tại khu vực biển đảo. Bao gồm tổng thể tài nguyên tự nhiên thiên nhiên, cùng với các giá trị nhân văn gắn liền với khu vực biển đảo có sức hấp dẫn với du khách.

c) Khái niệm du lịch biển đảo

Đứng trên góc độ của du khách, tác giả Trần Đức Thanh (1999) quan niệm: Du lịch biển đảo là loại hình du lịch với mục đích chủ yếu của du khách là về với thiên nhiên, tham gia các hoạt động như tắm biển, thể thao biển.

Tác giả Phạm Trung Lương (2003), cho rằng: Du lịch biển là hoạt động du lịch được tổ chức, phát triển ở vùng địa lý đặc thù vùng ven biển và hải đảo trên cơ sở khai thác các đặc điểm tiềm năng tài nguyên, môi trường du lịch biển.

Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch (2010): Du lịch biển đảo là loại hình du lịch được phát triển dựa trên cơ sở khai thác tài nguyên khu vực biển đảo, gắn với loại tài nguyên này là các hoạt động như: tắm biển, tắm nắng, tắm khí trời, hít thở khí trời, thể thao nước nhằm thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi, chữa bệnh, vui chơi, giải trí của du khách tại vùng biển. Nói cách khác, DLBĐ là loại hình du lịch ở vùng đất ven biển, trên bãi biển, trên mặt nước và vùng đất mặt nước ven biển.

Theo Thái Thị Kim Oanh (2015) cho rằng: Du lịch biển đảo là một loại hình du lịch theo địa hình; cụ thể đây là hoạt động du lịch tại những vùng sinh thái tự nhiên biển đảo.

Dưới góc độ du lịch sinh thái, tác giả Lê Trần Phúc (2013) quan niệm: du lịch sinh thái biển là loại hình du lịch dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn liền với biển và văn hóa bản địa vùng biển, gắn với giáo dục môi trường biển, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái biển, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương vùng biển.

Như vậy, xuất phát từ các quan điểm trên về DLBĐ để phản ánh mối quan hệ bản chất bên trong làm cơ sở cho việc nghiên cứu, chúng ta có thể hiểu khái niệm DLBĐ như sau:

Du lịch biển đảo là các hoạt động du lịch tại khu vực biển đảo, trên cơ sở khai thác đặc điểm, tiềm năng tài nguyên, môi trường biển đảo nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, lưu trú, ăn uống, đi lại và các nhu cầu khác của khách du lịch.

2.1.1.3. Khái niệm về phát triển du lịch biển đảo

a) Quan niệm về phát triển

Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng: Phát triển là phạm trù triết học dùng để khái quát quá trình vận động từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của tự nhiên, xã hội và tư duy (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, 2015).

Theo quan điểm này, phát triển là quá trình diễn ra vừa dần dần, vừa nhảy vọt, đưa tới sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ. Trong quá trình phát triển, trong sự vật sẽ dần dần hình thành những quy định mới cao hơn về chất, làm thay đổi mối liên hệ, cơ cấu, phương thức tồn tại, vận động, chức năng theo chiều hướng ngày càng hoàn thiện hơn (Lê Thị Thủy, 2014).

Theo tác giả Đinh Phi Hổ và cs. (2008), phát triển là một quá trình lâu dài, luôn thay đổi và xu hướng thay đổi theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn.

Trong hoạt động kinh tế, phát triển được coi là quá trình tăng tiến về mọi mặt của nền kinh tế (Vũ Thị Ngọc Phùng, 2005).

Ngày nay, trong ngôn ngữ thông thường khái niệm “tăng trưởng” thường được xem tương đồng với “phát triển”, bởi tăng trưởng đóng vai trò thiết yếu định hình mức độ phát triển. Để phản ánh sự tiến bộ của một quốc gia hay nền kinh tế

Xem tất cả 222 trang.

Ngày đăng: 09/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí