Phát triển bền vững ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 - 2


thấy rằng việc có được một chính sách phát triển du lịch bền vững cho TP.HCM hoàn toàn phù hợp với định hướng chung về phát triển du lịch của cả nước nói riêng và với xu thế phát triển kinh tế xanh nói chung.

Không những vậy, về mặt lý luận, hiện nay, vẫn còn rất ít công trình nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững tại TP.HCM. Trên thực tế, vẫn có nhiều nghiên cứu bao gồm đề tài, bài báo, luận văn và luận án bàn về phát triển du lịch bền vững, nhưng phần lớn các nghiên cứu này được tiến hành ở những địa phương khác. Vẫn còn trống vắng nhiều nghiên cứu về phát triển du lịch bền vững ở TP.HCM. Nói cách khác, những vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển du lịch bền vững như: hiệu quả, quá trình xây dựng và thực hiện, đầu tư cho chính sách phát triển du lịch của TP.HCM chưa được nghiên cứu một cách bài bản và có hệ thống.

Xuất phát từ luận giải về nhu cầu thực tiễn, chiến lược phát triển du lịch bền vững của trung ương và “khoảng trống” trong nghiên cứu về du lịch bền vững tại TP.HCM như trình bày ở trên, tác giả lựa chọn đề tài “Phát triển bền vững ngành du lịch TP.HCM đến năm 2025” để làm luận văn thạc sĩ.

2. Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài Nhóm nghiên cứu gồm các bài viết ở Hội thảo

- Tư liệu “Hội nghị Quốc tế về du lịch bền vững ở Việt Nam” được tổ chức với sự phối hợp của Tổng cục Du lịch Việt Nam và Quỹ Hanns Seidel (CHLB Đức) tại Huế, tháng 5/1997.

- Hội thảo khoa học “Du lịch sinh thái với phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam” tại Hà Nội, vào tháng 4 năm 1998.

- Hội thảo “Xây dựng chiến lược Quốc gia về phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam” diễn ra vào tháng 9 năm 1999, tại Hà Nội. Hội thảo này do ba cơ quan phối hợp đó là Tổng cục Du lịch, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), và Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP).

- Diễn đàn Du lịch Á Âu (ASEM 2008) lần thứ 3 với về “Tăng cường quan hệ đối tác Á Âu vì sự phát triển du lịch bền vững” đã được tổ chức vào tháng 9 năm 2008 tại Việt Nam.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.

- Hội thảo Quốc tế về “Quản trị du lịch sinh thái cộng đồng”, diễn ra ngày 12/5/2010, tại Huế, do Học viện MêKông (Thái Lan) phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế tổ chức.

- Hội thảo khoa học với chủ đề: “Hướng dẫn phát triển du lịch có trách nhiệm” tháng 6/2012, do Tổng cục Du lịch đã kết hợp cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Tây Ban Nha thực hiện.

Phát triển bền vững ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 - 2

- Hội thảo khoa học nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường cho ngành Du lịch Việt Nam” trong thực hiện “Chiến lược phát triển Du lịch giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030”.

- Hội thảo “Du lịch xanh nhằm hướng tới phát triển du lịch Việt Nam bền vững” tháng 4 năm 2013. Đây là hội thảo thuộc khuôn khổ của dự án MEET-BIS. Dự án này đã phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức. Tham gia hội thảo có rất nhiều tham luận làm rõ cơ sở lí luận cũng như kinh nghiệm phát triển Du lịch bền vững của Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Nhóm nghiên cứu gồm các luận văn

- Phát triển du lịch theo hướng bền vững ở Ninh Bình của tác giả Lâm Thị Hồng Loan (2012), Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế Chính trị, Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Giảng viên lý luận chính trị.

- Phát triển du lịch Yên Tử theo hướng bền vững của tác giả Nguyễn Anh Tuấn năm 2013, Luận văn thạc sĩ Chuyên ngành du lịch, Trường Khoa học Xã hội và nhân văn.

- Quản lý nhà nước địa phương đối với phát triển du lịch bền vững tại một số tỉnh miền trung Việt Nam của tác giả Nguyễn Hoàng Tứ (2016), Chuyên ngành Quản lý kinh tế, Trường Đại học Thương Mại.

- Nghiên cứu tiềm năng và các giải pháp phát triển du lịch sinh thái tại một số trọng điểm vùng du lịch Bắc Trung Bộ của tác giả Nguyễn Quyết Thắng (2012), Luận văn Tiến sĩ ngành Kinh tế phát triển, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.


Các công trình nghiên cứu nêu trên đều có những giá trị về lý luận và thực tiễn nhất định đối với phát triển bền vững ngành du lịch. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ và hoàn thiện về phát triển du lịch bền vững tại TP. HCM.

3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu: phân tích thực trạng phát triển du lịch TP.HCM trên quan điểm phát triển bền vững.

Nhiệm vụ nghiên cứu: từ những thực trạng phát triển du lịch trên quan điểm phát triển bền vững, ta đưa ra những giải pháp cho phát triển du lịch bền vững của TP.HCM thực sự hiệu quả và có đóng góp tích cực cho sự phát triển của TP.HCM.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: ngành du lịch TP.HCM trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội

– môi trường.

Phạm vi nghiên cứu: hoạt động của ngành du lịch trên địa bàn TP.HCM trong giai đoạn 2005 - 2016 và định hướng phát triển đến năm 2025.

5. Phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận

Tác giả sử dụng phương pháp luận Mac - Lenin, cụ thể là áp dụng tư tưởng duy vật biện chứng và duy vật lịch sử vào nghiên cứu vấn đề phát triển du lịch bền vững tại TP.HCM.

5.2. Phương pháp nghiên cứu cụ thể

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu trên, học viện sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính làm chủ đạo. Phương pháp nghiên cứu định tính bao gồm một số phương pháp nghiên cứu cụ thể như sau:

Thứ nhất là phương pháp phân tích. Tác giả đã tiến hành thu thập tư liệu thứ cấp liên quan đến đề tài, để làm cơ sở phân tích sự phát triển du lịch bền vững trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, tác giả còn thu thập số liệu từ Tổng Cục Du lịch Việt Nam, Tổng Cục Thống kê, cục Thống kê TP.HCM, Hiệp hội du lịch…để phục vụ cho việc phân tích thực trạng phát triển du lịch bền vững trên địa bàn TP.HCM, để từ


đó làm căn cứ và cơ sở cho việc khuyến nghị những chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch bền vững trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025.

Thứ hai là phương pháp chuyên gia. Tác giả tiến hành phỏng vấn trực tiếp đối với một số đại diện của doanh nghiệp du lịch, để xem xét đánh giá về chính sách phát triển du lịch bền vững của TP.HCM.

Thứ ba là phương pháp điều tra khảo sát. Ở phương pháp này, tác giả tiến hành khảo sát một số đối tượng là doanh nghiệp lữ hành du lịch, nhà hàng, khách sạn để bổ sung và luận giải thêm nguồn số liệu thứ cấp cũng như để hiểu rõ hơn những suy nghĩ của đối tượng này, đối với vấn đề phát triển bền vững ngành du lịch ở TP.HCM.

Thứ tư là phương pháp phân tích SWOT. Tác giả tiến hành phân tích tình hình phát triển du lịch ở TP.HCM hiện nay kết hợp với các phương pháp nghiên cứu trên để từ đó đề xuất những giải pháp hữu hiệu góp phần phát triển bền vững du lịch TP.HCM.

6. Ý nghĩa nghiên cứu của đề tài

Đề tài không những có ý nghĩa về lý luận mà còn có ý nghĩa về thực tiễn. Về lý luận, đề tài đóng góp vào lý luận về phát triển du lịch bền vững. Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để phát triển du lịch bền vững tại TP.HCM đến năm 2025, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP.HCM, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển bề vững du lịch của Việt Nam trong thời gian tới.

7. Kết cấu của đề tài

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, Luận văn có ba chương.

-Chương 1: Cơ sở lý luận về phát triển du lịch bền vững.

-Chương 2: Thực trạng phát triển du lịch của TP.HCM từ góc độ phát triển bền vững.

-Chương 3: Chính sách và giải pháp phát triển du lịch bền vững trên địa bàn TP.HCM.


CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG

1.1. Quan điểm về phát triển bền vững

1.1.1. Khái niệm phát triển bền vững

Quan niệm phát triển bền vững khởi phát từ năm 1972 khi Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị tại Stockholm, Thuỵ Điển với chủ đề “Phát triển phải tôn trọng môi trường” sau hàng loạt những khủng hoảng về kinh tế. Tại Hội nghị này, lần đầu tiên vấn đề môi trường được đề cập trong khái niệm phát triển. Đây là nền tảng quan trọng dẫn đến sự ra đời của khái niệm “phát triển bền vững” vào năm 1987, “là sự phát triển đáp ứng được yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”.

Giai đoạn 1992 - 2002, vấn đề phát triển bền vững càng nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhiều nước trên thế giới, nhờ đó khái niệm phát triển bền vững ngày càng được quan tâm và hoàn thiện và trở thành nền tảng tư tưởng quan trọng trong chính sách phát triển của các nước trên thế giới.

Cùng với diễn tiến của nhân loại, vấn đề phát triển bền vững cũng được cập nhật và bổ sung. Nếu như năm 1987, vấn đề phát triển bền vững nhấn mạnh đến vấn đề thoả mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại và tương lai, thì đến những năm sau, quan niệm này được bổ sung thêm. Năm 1992, Hội nghị Thượng đỉnh về Trái đất đã đưa ra khái niệm phát triển bền vững là “sự phát triển kinh tế-xã hội lành mạnh, dựa trên việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ con người hiện nay và không ảnh hưởng bất lợi đối với các thế hệ tương lai trong việc thoả mãn những nhu cầu của họ”.

Đến năm 2002, Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững hoàn thiện hơn khái niệm phát triển bền vững. Hôi nghị này cho rằng, “Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa ba mặt của sự phát triển. Đó là phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Nếu như hai khái niệm trước đề cập đến sự tương quan của thế hệ hiện tại và thế hệ mai sau trong phát triển, thì đến khái niệm này, vấn đề phát triển được cụ thể


hoá, ít trừu tượng và mang tính định hướng cho hành động một cách rõ nét hơn với ba nội hàm là phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

1.1.2. Nội dung phát triển bền vững

Phát triển bền vững bao gồm các nội dung như sau:

Thứ nhất là phát triển bền vững về kinh tế. Theo tác giả Phạm Thị Thanh Bình (2015), phát triển bền vững về kinh tế là đảm bảo sự tăng trưởng ổn định về GDP với một tỷ trọng phù hợp, trong đó, đóng góp của khu vực dịch vụ cao hơn so với nông nghiệp, và sẽ chiếm đa số về lâu dài. Tăng trưởng bền vững về kinh tế hoàn toàn khác biệt với quan điểm tăng trưởng bằng mọi giá.

Thứ hai là phát triển bền vững về xã hội. Khía cạnh này nhấn mạnh đến tính nhân bản của sự phát triển. Sự phát triển do con người tạo ra và phải phục vụ cho con người, cho sự công bằng trong xã hội. Để đo lường tính bền vững của khía cạnh xã hội, các nước sử dụng chỉ số phát triển con người (Human Development Index) với ba khía cạnh: tuổi thọ, học vấn và thu nhập GDP bình quân đầu người.

Thứ ba là bảo vệ tốt môi trường tự nhiên. Đó là việc đảo bảo tính tự nhiên của môi trường, không phá huỷ, phá hoại, không làm tổn thương môi trường. Tăng cường bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên làm cho môi trường thật sự trở thành một bộ phận trong lành và mật thiết với con người. Để đánh giá tính bền vững về môi trường, nhiều nước trên thế giới áp dụng chỉ số ESI-chỉ số bền vững về môi trường.

1.2. Lý luận chung về phát triển du lịch bền vững

1.2.1. Khái niệm du lịch bền vững

Có nhiều quan niệm khác nhau về du lịch, tuy nhiên để đảm bảo tính chính thống của khái niệm, tác giả lựa chọn khái niệm du lịch được đề cập trong Luật Du lịch Việt Nam. Theo Luật này, “Du lịch là hoạt động của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thoả mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”.

Theo khái niệm này, du lịch gắn với hoạt động của con người, cụ thể là hoạt động di chuyển, tham quan, giải trí và nghỉ dưỡng của con người. Trong quá trình tham gia vào dịch vụ du lịch, những “con người du lịch” có tác động đến môi trường


tự nhiên và môi trường nhân tạo (do con người tạo ra hay còn gọi là môi trường thứ hai). Sự tác động này có khi là tích cực, nhưng cũng có khi không tích cực. Với nhu cầu làm cho du lịch thật sự có ích, hạn chế những khía cạnh tiêu cực, khái niệm du lịch bền vững xuất hiện.

Du lịch bền vững là vấn đề được các nhà nghiên cứu về du lịch quan tâm với một số quan niệm khác nhau. Tác giả Phạm Trung Lương (2014) cho rằng “phát triển du lịch bền vững là một hoạt động khai thác một cách có quản lí các giá trị tự nhiên và nhân văn nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của khách du lịch, có quan tâm đến lợi ích kinh tế dài hạn trong khi vẫn đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì được sự toàn vẹn văn hóa để phát triển hoạt động du lịch trong tương lai; cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương”.

Tác giả Phạm Trung Lương tiếp cận du lịch bền vững từ ba góc độ: kinh tế, văn hoá, và môi trường. Về kinh tế, du lịch bền vững là phải tạo ra thu nhập cho cộng đồng hướng đến nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương nơi diễn ra du lịch. Về văn hoá là phải bảo tồn và tôn tạo các giá trị văn hoá, đảm bảo sự toàn vẹn của các giá trị này trong hoạt động du lịch. Về môi trường, du lịch bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác du lịch.

Tương tự như vậy, Tổ chức Du lịch thế giới cho rằng “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thoả mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hoá, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống của con người” (Nguyễn Đình Hoè & Vũ Văn Hiến, 2001).

Cùng cách tiếp cận này, Edgell (2006) đưa ra khái niệm cụ thể hơn. Theo ông, phát triển du lịch bền vững là phải thân thiện với môi trường kể cả môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo; không được ảnh hưởng đến các giá trị văn hoá, ngôn


ngữ, phong tục, tập quán và thậm chí là môi trường bối cảnh sống của con người; là phải bảo vệ văn hoá, lịch sử, di sản và nghệ thuật của cộng đồng địa phương.

So với quan niệm của Phạm Trung Lương, quan niệm của Edgell không khác biệt mấy về cách tiếp cận. Đó là đã đề cập đến 02 trụ cột quan trọng của du lịch bền vững là môi trường và văn hoá. Điểm khác biệt duy nhất trong hai khái niệm này là Edgell không đề cập đến khái niệm kinh tế trong du lịch bền vững của mình.

Tóm lại, qua phân tích hai khái niệm về du lịch bền vững ở trên, có thể hiểu phát triển du lịch bền vững là hoạt động vừa mang lại giá trị kinh tế cho cộng đồng địa phương, vừa đảm bảo những vấn đề về văn hoá và môi trường gắn với cộng đồng địa phương đó.

1.2.2. Đặc điểm của phát triển du lịch bền vững

Từ khái niệm về du lịch bền vững ở trên, có thể rút ra một số đặc điểm của phát triển du lịch bền vững như sau:

Thứ nhất, du lịch bền vững phải gắn chặt với cộng đồng địa phương. Cộng đồng địa phương giữ vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch. Đó là nơi diễn ra hoạt động du lịch và là yếu tố quan trọng nếu không nói là quyết định đến chất lượng của hoạt động du lịch. Quan trọng hơn nữa là chính cộng đồng địa phương là nơi tạo nên giá trị của hoạt động du lịch, tạo nên cái gọi là “đặc sản” của du lịch. Theo đó, tính bền vững của hoạt động du lịch phải xuất phát từ tính bền vững của địa phương.

Thứ hai, du lịch bền vững liên quan đền nhiều khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội nên đòi hỏi các hành động phát triển du lịch phải mang tính tổng thể về mặt chính sách. Như đã trình bày trong khái niệm phát triển du lịch bền vững ở trên, ba khía cạnh quan trọng của du lịch bền vững cần phải được quan tâm một cách thoả đáng là kinh tế, văn hoá và môi trường. Đây là ba nội dung quan trọng và lớn của một địa phương và quốc gia. Theo đó, sự phát triển du lịch bền vững phải bao gồm những hành động vừa cụ thể, vừa khái quát, vừa mang tính tổng hợp và liên kết với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Nó phải gắn liền với sự phát triển bền vững nói chung.

Xem tất cả 120 trang.

Ngày đăng: 15/08/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí