Pháp luật Việt Nam về tiền lương tối thiểu - 2

thành, xác định mức lương tối thiểu chưa được luật hóa rõ ràng, đầy đủ và thống nhất, đồng bộ, các căn cứ, tiêu chí điều chỉnh mức lương tối thiểu chưa được lượng hóa cụ thể dẫn đến việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu trên thực tế chưa thực sự dựa trên các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Trong điều kiện thị trường lao động ở nước ta mới được hình thành, việc thoả thuận tiền lương chưa trở thành thông lệ, người lao động luôn trong tình trạng bị ép tiền công thì tiền lương tối thiểu hiện nay chưa thực sự là công cụ tối ưu để bảo vệ người làm công ăn lương, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ổn định, lành mạnh cùng phát triển [51].

Thứ ba, về mặt luật pháp thì tiền lương tối thiểu đối với khu vực sản xuất, kinh doanh đã được tách khỏi khu vực hành chính, sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (Bộ luật lao động năm 2012) nhưng các nội dung còn quy định chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, một số chế độ, chính sách của người lao động vẫn còn phụ thuộc vào chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang (chế độ đóng, hưởng bao hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chính sách lao động dôi dư; lương hưu...). Luật về tiền lương tối thiểu cũng đã được cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, soạn thảo, tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa trình Quốc hội cho ý kiến (dự kiến năm 2016 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về Luật tiền lương tối thiểu). Việc liên tục phải điều chỉnh lương tối thiểu và việc Luật tiền lương tối thiểu chưa thể ban hành đúng kế hoạch đã chứng minh sự thiếu ổn định ở tầm vĩ mô về những quy định liên quan đến lương tối thiểu [37].

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá mặt được và mặt hạn chế của tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định, thực trạng tình hình thực hiện các quy định của Nhà nước về tiền lương tối thiểu và các yêu cầu đối với tiền lương tối thiểu trong nền kinh tế thị trường, của Tổ chức lao động quốc tế, khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, đề tài khuyến nghị các nội

dung cơ bản hoàn thiện tiền lương tối thiểu ở Việt Nam phù hợp hơn theo kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ổn định, lành mạnh cùng phát triển, gồm:

- Đề xuất, khuyến nghị nội dung và giải pháp để luật hóa đầy đủ, đồng bộ tiền lương tối thiểu phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế (bao gồm cơ chế và nguyên tắc hình thành, xác định, điều chỉnh các mức lương tối thiểu) nhằm thực hiện thống nhất, góp phần bảo vệ người làm công ăn lương, xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, lành mạnh, phát triển.

- Đề xuất, khuyến nghị nội dung và giải pháp để thực hiện tách tiền lương tối thiểu đối với các doanh nghiệp và tiền lương tối thiểu đối với khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhằm tạo sự linh hoạt của tiền lương tối thiểu theo nguyên tắc của kinh tế thị trường.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Trong những năm qua, có một số đề tài, luận văn nghiên cứu về tiền lương tối thiểu như: Đề tài cấp Nhà nước về “Xác định tiền lương tối thiểu trên cơ sở điều tra nhu cầu mức sống dân cư làm căn cứ cải cách tiền lương ở Việt Nam giai đoạn 2001-2010” do tác giả Nguyễn Văn Thường làm chủ nhiệm; Luận văn Thạc sĩ luật học năm 2010 “Chế độ pháp lý về tiền lương tối thiểu và hướng hoàn thiện” của tác giả Đào Duy Phương; cùng một số bài viết như: “Đánh giá tác động của lương tối thiểu đến nhu cầu lao động ở doanh nghiệp tại Việt Nam" của tác giả Nguyễn Việt Cường (2012); “Nghiên cứu mức lương tối thiểu theo giờ” của đồng các tác giả Nguyễn Huyền Lê, Nguyễn Thị Hương Hiền và Trần Thị Diệu (2012)... Từ những thống kê trên cho thấy, các quy định của pháp luật điều chỉnh trực tiếp đến tiền lương tối thiểu còn nhiều khiếm khuyết, hạn chế. Các văn bản pháp lý về tiền lương tối thiểu thay đổi thường xuyên, liên tục; chưa có văn bản quy phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu được ban hành dưới hình thức một Luật riêng để điều chỉnh về nội dung này. Cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu luật

học đáng kể nào về tiền lương tối thiểu, nghiên cứu được toàn diện, đầy đủ về các nội dung cơ bản của tiền lương tối thiểu.

3. Phạm vi nghiên cứu của đề tài

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 98 trang tài liệu này.

Luận văn tập trung nghiên cứu các vấn đề chính sau:

Khái niệm, bản chất, vai trò của tiền lương tối thiểu, các phương pháp xác định tiền lương tối thiểu; các yếu tố ảnh hưởng đến quy định về mức lương tối thiểu; nội dung và hình thức của pháp luật về tiền lương tối thiểu. Thực trạng của pháp luật Việt Nam về tiền lương tối thiểu cũng như các giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về tiền lương tối thiểu ở Việt Nam.

Pháp luật Việt Nam về tiền lương tối thiểu - 2

Lương tối thiểu là vấn đề của cả người lao động làm công ăn lương nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói riêng. Vì vậy, luận văn tiếp cận tiền lương tối thiểu với cả hai đối tượng trên.

4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở vận dụng phương pháp luận duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lê nin và sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể gồm: phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp đối chiếu, so sánh; phương pháp thống kê. Đồng thời, thực hiện việc kết hợp giữa các nhóm phương pháp để nghiên cứu, giải quyết những yêu cầu đề ra.

5. Mục đích và nhiệm vụ của việc nghiên cứu đề tài

Việc nghiên cứu đề tài với mục đích cụ thể là: xây dựng quan điểm và lý thuyết về tiền lương tối thiểu. Đánh giá thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay về lương tối thiểu để rút ra những ưu, nhược điểm của hệ thống các quy định pháp luật hiện hành về lương tối thiểu. Thông qua việc đánh giá khách quan, luận văn đề xuất giải pháp hoàn thiện quy định về lương tối thiểu, nhằm góp phần xây dựng pháp luật lao động hoàn chỉnh, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để đạt được mục đích đề ra, luận văn tập trung nghiên cứu, giải quyết

các nhiệm vụ: nghiên cứu quan điểm, khái niệm, bản chất, vai trò và các vấn đề chung về lương tối thiểu; sự phát triển của pháp luật Việt Nam về lương tối thiểu qua các thời kỳ. Chỉ ra những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về lương tối thiểu. Nghiên cứu đề ra các biện pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về lương tối thiểu trên cơ sở đánh giá khoa học. Đồng thời, nghiên cứu những vấn đề liên quan về lương tối thiểu của một số nước trên thế giới.

6. Một số điểm mới của luận văn

Xây dựng khái niệm tương đối toàn diện, hoàn chỉnh về lương tối thiểu; bản chất, vai trò và các yếu tố ảnh hưởng của lương tối thiểu; các phương pháp xác định lương tối thiểu. Đánh giá tương đối toàn diện quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về tiền lương tối thiểu. Đề ra những yêu cầu, biện pháp tương đối toàn diện, độc lập để hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tiền lương tối thiểu, đáp ứng nhu cầu điều chỉnh quan hệ xã hội về lĩnh vực này trong thị trường lao động.

7. Kết cấu của luận văn

Với phạm vi, đối tượng, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu nêu trên, ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài gồm 3 chương chính như sau:

Chương 1: Những vấn đề lý luận về tiền lương tối thiểu.

Chương 2: Thực trạng pháp luật Việt Nam về tiền lương tối thiểu.

Chương 3: Giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về tiền lương tối thiểu ở Việt Nam.

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TIỀN LƯƠNG TỐI THIỂU VÀ PHÁP LUẬT VỀ TIỀN LƯƠNG TỐI THIỂU


1.1. Khái niệm, vai trò, đặc trưng, các yếu tố ảnh hưởng và căn cứ xác định tiền lương tối thiểu

1.1.1. Khái niệm tiền lương tối thiểu

1.1.1.1. Quan niệm tiền lương tối thiểu của C. Mác

Trong lí luận về giá trị thặng dư C. Mác đã chỉ ra tiền lương là giá cả hàng hóa sức lao động, phụ thuộc vào quan hệ cung cầu lao động, lên xuống xoay quanh giá trị của nó - giá trị sức lao động. Cũng như các loại hàng hóa khác, giá trị hàng hóa sức lao động là thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra nó, tức là giá trị những tư liệu sinh hoạt nhằm bù đắp lại sức lao động đã hao phí của người lao động, gồm 3 loại chi phí sau:

(1) chi phí để nuôi sống và duy trì khả năng lao động của bản thân người lao động với tư cách là người công dân tự do tự nguyện bán sức lao động (ký kết hợp đồng lao động); (2) chi phí để học tập và đào tạo để trở thành người lao động; và (3) chi phí để nuôi sống gia đình người lao động [8].

Do sự phát triển của khoa học công nghệ và sự đòi hỏi chất lượng lao động ngày càng cao của nền sản xuất xã hội, nên chi phí học tập và đào tạo ngày càng tăng và tăng nhanh hơn so với sự tăng lên của 2 loại chi phí còn lại. Trong điều kiện lao động giản đơn không cần học nghề thì những chi phí cần thiết này chỉ là những hàng hóa cần thiết để duy trì đời sống người lao động, là “giới hạn tột cùng” của giá trị sức lao động và tương đối giống nhau giữa những người lao động khác nhau. Từ đó C. Mác kết luận:

Chi phí sản xuất ra sức lao động đơn giản gồm chi phí sinh hoạt

của người công nhân và chi phí tái sản xuất ra người công nhân. Giá những chi phí sinh hoạt và chi phí tái sản xuất đó là tiền công. Tiền công được quy định như vậy là tiền công tối thiểu [8, tr.38-39].

Nhưng sức lao động chỉ tồn tại khi người lao động sống và tham gia các quan hệ xó hội, do đó ngoài yếu tố thuần túy sinh lý, giá trị sức lao động cũng có tính lịch sử xã hội. Giới hạn tột cùng của giá trị sức lao động do yếu tố sinh lý quyết định - đó là giá trị các tư liệu sinh hoạt cần thiết để người công nhân tự duy trì và tái sinh. Yếu tố lịch sử xó hội phụ thuộc vào hoàn cảnh sống và tập quán sinh hoạt của mỗi cộng đồng người, vào công bằng và tiến bộ xó hội đạt được trong mỗi thời kỳ ở mỗi vùng, mỗi quốc gia; yếu tố lịch sử xó hội thường xuyên thay đổi, nhưng có thể không được tính đến khi xác định giá trị sức lao động.

1.1.1.2. Quan niệm tiền lương tối thiểu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)

Năm 1919, trong hiến chương thành lập, ILO đã khuyến cáo bảo đảm mức tiền lương đủ sống cho người lao độnglà một trong những nội dung nhằm hoàn thiện các điều kiện lao động, an sinh xã hội và thúc đẩy hoà bình [42].

Trong Công ước số 26 ngày 30/5/1928 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng: Tiền lương tối thiểu là mức trả công lao động thấp nhất trả cho người lao động làm các công việc đơn giản nhất đủ đảm bảo cho họ một mức sống tối thiểu với tư cách là người chủ gia đình, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội" [41].

Năm 1970, tại Công ước 131 về tiền lương tối thiểu, ILO đã xác định: bảo đảm cho những người làm công ăn lương một sự bảo đảm xã hội cần thiết dưới dạng mức tiền lương tối thiểu đủ sống[43]. Hay nói cách khác, tiền lương tối thiểu là mức tiền lương duy trì cuộc sống ở mức tối thiểu cho người làm công ăn lương.

Năm 1976, trong tuyên bố Chương trình hành động tại hội nghị thế giới

3 bên về việc làm, phân phối thu nhập và tiến bộ xã hội, ILO đã khuyến nghị “Bảo đảm mức sống tối thiểu là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế xã hội và chính sách tiền lương của mỗi nước” [45].

1.1.1.3. Quan niệm tiền lương tối thiểu trong nền kinh tế thị trường

Trong nền kinh tế thị trường, tiền lương tối thiểu được xem xét trong mối quan hệ với việc làm, liên quan trực tiếp đến quan hệ cung cầu trên thị trường lao động, đó là mức tiền lương thấp nhất trả cho người làm công ăn lương làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường mà không một người sử dụng lao động nào có quyền trả thấp hơn. Vì vậy, tiền lương tối thiểu là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp khi nó được quy định cao hơn tiền lương cân bằng của quan hệ cung cầu lao động trên thị trường lao động.

Thông thường tiền lương tối thiểu được luật hóa trên cơ sở có sự tham gia của đại diện người sử dụng lao động và người lao động và trở thành mức sàn thấp nhất theo quy định của pháp luật để trả cho người làm công ăn lương trên thị trường. Mức tiền lương tối thiểu không bao gồm các khoản tiền thưởng hoặc phúc lợi xã hội, không phải là mức trợ cấp xã hội, được tính theo thời gian, thường áp dụng cho lao động thành niên không có kỹ năng, lần đầu tiên tham gia làm việc và có thể được tính theo giờ, ngày, tuần hoặc tháng. Các mức tiền lương thấp nhất xác định thông qua thỏa ước lao động tập thể của các doanh nghiệp không phải là tiền lương tối thiểu, mà đây là mức lương thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và đại diện người lao động.

Với những vai trò và đặc điểm nêu trên, tiền lương tối thiểu phải thỏa mãn các yêu cầu như sau:

- Bảo đảm đời sống tối thiểu cho người lao động ở trình độ lao động phổ thông, phù hợp với khả năng của nền kinh tế trong từng thời kỳ nhất định, phải bảo đảm mức sống tối thiểu thực tế cho người hưởng mức lương tối thiểu.

- Được tính đúng, tính đủ để trở thành lưới an toàn chung cho những người làm công ăn lương trong toàn xã hội, không phân biệt thành phần kinh tế và khu vực kinh tế.

- Bảo đảm mối quan hệ thực sự giữa mức lương tối thiểu, trung bình và tối đa để chống lại xu hướng gia tăng chênh lệch bất hợp lý tiền lương giữa các loại lao động, vi phạm nguyên tắc phân phối theo lao động.

- Là yếu tố tác động đến mức tiền công trên thị trường lao động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tính đủ chi phí đầu vào và đầu tư hợp lý giữa các vùng, ngành, mở rộng môi trường đầu tư và hội nhập.

- Là công cụ điều tiết của Nhà nước nhằm bảo đảm xã hội đối với người lao động làm việc trong ngành nghề, khu vực có quan hệ lao động, thiết lập những ràng buộc kinh tế trong lĩnh vực sử dụng lao động, tăng cường trách nhiệm của các bên trong quan hệ lao động.

1.1.1.4. Quan niệm tiền lương tối thiểu ở Việt Nam

Ở Việt Nam, năm 1993 khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, mức lương tối thiểu được quan niệm là căn cứ xây dựng hệ thống trả công lao động cho các khu vực, ngành nghề; tính mức lương cho các loại lao động khác nhau; tạo ra lưới an toàn xã hội cho lao động trong cơ chế thị trường; thiết lập mối quan hệ ràng buộc kinh tế giữa người sử dụng lao động và người lao động trong thoả thuận ký kết hợp đồng lao động (về tiền lương, tiền công).

Bộ Luật lao động năm 1994 của Việt Nam chỉ rõ:

Mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích luỹ tái sản xuất mở rộng và được dùng làm căn cứ để tính các mức lương cho các loại lao động khác. Chính phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng, mức lương

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 01/03/2024