Nguyên Nhân Của Rủi Ro Trong Hoạt Động Cấp Tín Dụng Của Nhtm


Về bản chất, cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó NHTM giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền, được sử dụng vào mục đích xác định, trong một thời gian nhất định với nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi. Như vậy, sau khi kết thúc thời hạn vay, khách hàng phải hoàn trả gốc và lãi cho NH. Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà khách hàng có thể không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi vay đúng thời hạn cho NH. Điều này gây ra rủi ro cho NH, dẫn đến NH phải thực hiện các biện pháp xử lý rủi ro như điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ…

Thứ năm, rủi ro do giao dịch bảo đảm vô hiệu hoặc có hiệu lực nhưng không xử lý được tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Khi thực hiện hoạt động cho vay đối với khách hàng, các NHTM có thể thoả thuận áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay. Trường hợp áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay thì NHTM cũng có thể gặp rủi ro do giao dịch bảo đảm tiền vay vô hiệu61, thậm chí giao dịch bảo đảm tiền vay có hiệu lực nhưng không xử lý được tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc

quan hệ cho vay đó được coi như không có biện pháp bảo đảm. Trong trường hợp này, khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ hoàn trả thì NHTM sẽ khó có khả năng thu hồi vốn và lãi, gây ra rủi ro tín dụng cho các NHTM.

Thứ sáu, rủi ro do NHTM không chuyển giao được các khoản nợ xấu cho khách hàng là bên mua nợ.

Trong HĐCTD, khi xuất hiện nợ xấu, NH có thể chuyển giao các khoản nợ xấu này cho công ty quản lý tài sản (công ty xử lý nợ). Kết quả của việc chuyển giao này là bên mua nợ là người thế quyền NHTM để xử lý nợ. Tuy nhiên, việc chuyển giao các khoản nợ xấu này không phải là điều dễ dàng ở cả góc độ lý luận lẫn thực tiễn. Ở góc độ lý luận, việc chuyển giao này cần phải thực hiện theo nguyên tắc của hợp đồng, vì vậy nó mang tính tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng. Sự chuyển giao các khoản nợ sẽ do NHTM và bên mua nợ thoả thuận thực hiện. Xét ở góc độ thực tiễn thì bên mua nợ sẽ không thực hiện việc mua nợ nếu họ thấy không có lợi và việc xử lý nợ xấu là khó khăn, đặc biệt là hiện nay cơ chế hoạt động của các công ty xử lý tài sản

(AMCs) chưa được phát huy triệt để62. Vì vậy, các NHTM có thể sẽ không chuyển giao

được các khoản nợ xấu, từ đó xử lý rủi ro sẽ gặp khó khăn, gây thiệt hại cho NH.

Rủi ro trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 212 trang tài liệu này.

Bên cạnh những rủi ro chung của HĐCTD, bảo lãnh NH cũng tồn tại những rủi ro riêng.


Pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại Việt Nam - 7

61 Đỗ Văn Chỉnh, “Bàn về giải quyết hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất”, Tạp chí Nghề Luật, số 03/2011, tr 40.

62 Đào Thị Hồ Hương, “Những vấn đề cần chú ý trong việc xử lý nợ xấu tại Việt Nam”, Tạp chí Ngân hàng, số 11, tháng 6 năm 2012, tr 32,33.


Thứ nhất, khi NHTM thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng, nhưng khách hàng không hoàn trả cho NHTM theo thoả thuận.

Bảo lãnh NH là hình thức cấp tín dụng, theo đó TCTD cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc TCTD sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho TCTD theo thỏa thuận. Tuy nhiên, khi NH đã thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng nhưng khách hàng không hoàn trả cho NH theo cam kết. Đây chính là rủi ro tín dụng của NH trong hoạt động bảo lãnh NH. Nguyên nhân của việc khách hàng không hoàn trả có thể do: (i) khách hàng không có khả năng thực hiện nghĩa vụ; (ii) khách hàng cố tình không thực hiện nghĩa vụ: (iii) khách hàng cho rằng mình chưa vi phạm nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh, vì vậy khi NH thực hiện thanh toán theo yêu cầu của bên nhận bảo lãnh thì bên được bảo lãnh từ chối hoàn trả.

Thứ hai, khi có những tranh chấp giữa NHTM và bên được bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh.

Đây được coi là rủi ro khá phổ biến trong hoạt động bảo lãnh NH. Tham gia vào quan hệ bảo lãnh NH có ba bên: bên bảo lãnh là các NHTM; bên được bảo lãnh là khách hàng của NHTM và bên nhận bảo lãnh. Trong quan hệ này, các bên có thể phát sinh những xung đột về quyền và lợi ích, dẫn đến có tranh chấp xảy ra. Trong trường hợp này, NH gặp rủi ro vận hành hoặc rủi ro pháp lý.

Thứ ba, rủi ro đối với NHTM khi xuất hiện chứng thư bảo lãnh giả

Đây được coi là một trong những yếu tố gây ra rủi ro pháp lý và rủi ro uy tín đối với NHTM. Thực vậy, trong một số trường hợp, người ký chứng thư bảo lãnh không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc theo quy chế nội bộ của NH. Bên cạnh đó, một số trường hợp chứng thư bảo lãnh bị giả chữ ký, giả con dấu của NH cũng như các hành vi vi phạm khác. Đặc biệt trong thời gian gần đây, tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng có xu hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và phức tạp, gây hậu quả, thiệt hại lớn63, hoặc những hành vi gian

lận trong bảo lãnh như giả mạo bảo đảm dự thầu của các ngân hàng, giả mạo giấy tờ để rút bảo đảm dự thầu từ ngân hàng...64

Rủi ro trong hoạt động chiết khấu các giấy tờ có giá

Những rủi ro đặc thù của hoạt động chiết khấu giấy tờ có giá như sau:

Thứ nhất, sau khi đã chiết khấu giấy tờ có giá cho khách hàng, NH không thực hiện được quyền truy đòi đối với người được chiết khấu là khách hàng của NH.


63 Mai Thị Lệ Quyên, “Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng”, Tạp chí Cộng sản online, ngày 14/7/2017.

64 Võ Hoàng Quân, “Về xử lý hành vi gian lận trong bảo lãnh dự thầu”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 3, tháng 2/2016, tr 12,13.


Về bản chất, chiết khấu là việc mua có kỳ hạn hoặc mua có bảo lưu quyền truy đòi các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán. Dù đối tượng của chiết khấu là công cụ chuyển nhượng hay giấy tờ có giá khác thì chúng đều là quan hệ mua bán quyền tài sản – quyền đòi nợ65. Sau khi thực hiện chiết khấu, NHTM có quyền truy đòi người thụ hưởng giấy tờ có giá (người được chiết khấu là khách hàng của NH). Song, việc thực hiện quyền này của NHTM có thể gặp khó khăn do người thụ hưởng không có khả năng thanh toán hoặc bị phá sản…

Thứ hai, sau khi đã chiết khấu giấy tờ có giá cho khách hàng, NH không được bên có nghĩa vụ (có thể là người bị ký phát đối với hối phiếu đòi nợ, người ký phát đối với hối phiếu nhận nợ) thanh toán theo cam kết.

Khi thực hiện chiếu khấu thì giấy tờ có giá chưa đến thời hạn được thanh toán. Bên được chiết khấu chuyển giao giấy tờ có giá cho NHTM để NH thực hiện quyền yêu cầu người có nghĩa vụ thanh toán. Tuy nhiên, rủi ro sẽ phát sinh cho NHTM khi bên bị ký phát giấy tờ có giá từ chối thanh toán.

Thứ ba, rủi ro phát sinh khi NH chiết khấu các giấy tờ có giá giả.

Khi thực hiện hoạt động chiết khấu, các NHTM cần kiểm tra các điều kiện chiết khấu giấy tờ có giá như: thời hạn thanh toán, lãi suất chiết khấu, các điều kiện về người được chiết khấu, người phát hành giấy tờ có giá... Tuy nhiên, rủi ro có thể phát sinh nếu giấy tờ có giá được NH chiết khấu là giả do NH không thực hiện đúng quy trình, nghiệp vụ chiết khấu, hoặc do nhân viên NH chưa có kinh nghiệm, trình độ năng lực yếu...

Rủi ro trong hoạt động bao thanh toán

Trong hoạt động bao thanh toán, rủi ro xuất hiện bao gồm:

Thứ nhất, sau khi thực hiện bao thanh toán cho bên bán (bên cung ứng dịch vụ), NH không thu được tiền từ bên mua (bên sử dụng dịch vụ), đồng thời không có khả năng truy đòi bên bán.

Bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng hoặc bên mua hàng thông qua việc mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu hoặc các khoản phải trả phát sinh từ việc mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Khi thực hiện bao thanh toán cho bên bán, NH phải ứng trước khoản vốn tín dụng theo thoả thuận và sẽ được thanh toán lại từ bên mua theo hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Trong trường hợp bên mua không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì NH sẽ thực hiện quyền truy đòi bên bán. Trường hợp bên bán cũng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán do các nguyên nhân khác nhau thì NH sẽ gặp rủi ro tín dụng.


65 Hoàng Minh Thái, “Bàn về điểm mới của pháp luật về chiết khấu công cụ chuyển nhượng”, Tạp chí Luật học, số 5/2013, tr 37.


Thứ hai, sau khi thực hiện bao thanh toán cho bên mua (bên sử dụng dịch vụ), NH không được bên mua hoàn trả khoản vốn tín dụng.

Trong trường hợp NH thực hiện bao thanh toán cho bên mua thông qua việc NH mua các khoản phải trả phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, NH có thể gặp những rủi ro khi bên được bao thanh toán không hoàn trả khoản vốn tín dụng mà NHTM đã ứng trước. Đây cũng được coi là rủi ro tín dụng của NHTM.

Rủi ro trong hoạt động phát hành thẻ tín dụng

Trong việc thực hiện hoạt động phát hành thẻ tín dụng, NHTM có thể gặp những rủi ro như sau:

Thứ nhất, NHTM không được bên sử dụng thẻ tín dụng thanh toán số tiền trong tài khoản thẻ tín dụng.

Khi thực hiện nghiệp vụ phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng, NHTM ứng trước một khoản vốn tín dụng cho khách hàng sử dụng theo điều kiện các bên đã thỏa thuận. Sau đó, bên sử dụng thẻ tín dụng sẽ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi của việc sử dụng thẻ tín dụng đó. Trường hợp bên sử dụng thẻ không thanh toán hoặc không có khả năng thanh toán cho NHTM thì NH sẽ gặp rủi ro tín dụng.

Thứ hai, NHTM có thể gặp rủi ro khi thẻ tín dụng bị giả mạo

Trong quá trình thực hiện nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng có nhiều chủ thể tham gia như NHTM (NH phát hành thẻ tín dụng, bên cấp tín dụng), bên sử dụng thẻ tín dụng (bên được cấp tín dụng), đơn vị chấp nhận thẻ tín dụng.... Trong quá trình thực hiện nghiệp vụ này, NHTM có thể gặp những rủi ro do thẻ bị giả mạo, thẻ bị mất cắp hoặc thất lạc dẫn đến các bên phát sinh tranh chấp, bên sử dụng thẻ bị lợi dụng, đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ giả mạo...

Thứ ba, NHTM có thể gặp rủi ro trong quá trình thẻ tín dụng được sử dụng

Trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng, NHTM có thể gặp rủi ro do những sự cố về kỹ thuật dẫn đến khách hàng khiếu nại, khởi kiện. Bên cạnh đó, rủi ro có thể xuất hiện khi có lỗi bảo mật dẫn đến NH và khách hàng có thể bị lợi dụng. Ngoài ra có thể có rủi ro cho NH do yếu tố đạo đức của nhân viên NH hoặc người sử dụng thẻ.

Tóm lại: rủi ro trong HĐCTD của các NHTM ở Việt Nam là khá đa dạng, nó không chỉ xuất hiện trong HĐCTD nói chung, mà còn xuất hiện trong từng hoạt động cụ thể như cho vay, bảo lãnh, chiết khấu, bao thanh toán, phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng.

2.1.1.4. Nguyên nhân của rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM

a) Nhóm nguyên nhân từ các quy định của pháp luật

Rủi ro trong HĐCTD của các NHTM xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trước hết là nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.


Thực vậy, HĐCTD của NHTM là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro và phức tạp, chịu sự điều chỉnh bởi nhiều quy định khác nhau của pháp luật. Vì vậy, nếu pháp luật được ban hành kịp thời, toàn diện, thống nhất và phù hợp thì sẽ tạo điều kiện cho việc thực hiện HĐCTD an toàn và hiệu quả. Ngược lại, nếu pháp luật chưa hoàn thiện, tồn tại nhiều hạn chế và bất cập thì sẽ ảnh hưởng xấu đến an toàn trong HĐCTD của NHTM. Có thể coi đây là nguyên nhân gây ra những rủi ro trong HĐCTD của các NHTM. Bên cạnh đó, chính sách của nhà nước và các địa phương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế nói chung và HĐCTD của NHTM nói riêng.

b) Nhóm nguyên nhân từ quá trình áp dụng pháp luật

Nhóm nguyên nhân từ quá trình áp dụng pháp luật được thể hiện thông qua những nội dung chủ yếu như trình độ, kiến thức pháp luật của các chủ thể trong quan hệ cấp tín dụng còn hạn chế; nhận thức, ý thức của lãnh đạo NH cũng như cán bộ tín dụng còn nhiều hạn chế, yếu kém, chẳng hạn việc NH không tuân thủ các quy trình tín dụng, không tuân thủ, chấp hành, sử dụng các quy định của pháp luật một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó còn có những hành vi vi phạm hợp đồng cấp tín dụng, bên được cấp tín dụng không có thiện chí trả nợ thậm chí lừa đảo...).

c) Nhóm nguyên nhân khác

Ngoài hai nhóm nguyên nhân đã nêu thì còn có nhóm nguyên nhân khác phát sinh trong quá trình thực hiện HĐCTD của các NHTM. Nhóm nguyên nhân này bao gồm: những nguyên nhân khách quan từ môi trường kinh doanh không thuận lợi (thị trường bất động sản đóng băng, khủng hoảng kinh tế toàn cầu...), hoặc nguyên nhân từ yếu tố cạnh tranh không lành mạnh, tác động từ yếu tố chính trị, kinh tế, địa lý, xã hội,...(xem Phụ lục 1). Ngoài ra còn phải kể đến năng lực tài chính của các NHTM hạn chế, năng lực quản trị điều hành của các NHTM còn yếu, NHTM đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà bỏ qua (hoặc hạn chế) yếu tố bảo đảm an toàn trong HĐCTD của mình.

2.1.1.5. Hậu quả của rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại

Những rủi ro trong lĩnh vực HĐNH để lại hậu quả, ảnh hưởng xấu không chỉ đối với bản thân TCTD, mà còn gây tác hại đến cả hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia, đến nền kinh tế toàn cục và ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể khác như người gửi tiền66. Rủi ro trong HĐCTD của NHTM để lại hậu quả cơ bản như sau:

Đối với NHTM, rủi ro trong HĐCTD ở mức độ thấp làm mất đi cơ hội kinh doanh, giảm uy tín của NH, giảm khả năng tích luỹ vốn, giảm sức mạnh của NH. Theo tiến sĩ Phạm Hữu Hồng Thái, khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên sẽ dẫn đến khả năng sinh lợi của các


66 Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh (2012), Giáo trình Luật Ngân hàng, NXB Hồng Đức, tr 89.


NHTM giảm sút, hiệu quả của ngân hàng sẽ yếu kém67. Ở mức độ cao, rủi ro có thể đẩy NH đến nguy cơ phá sản. Lịch sử hoạt động của các NHTM trên thế giới đã chứng kiến không ít các NH lớn bị phá sản và hậu quả của nó thậm chí không giới hạn trong một quốc gia mà còn lan ra nhiều nước trong khu vực thậm chí là cả châu lục. Ví dụ, hoạt động cho vay dưới chuẩn ở Hoa Kỳ giai đoạn 2002-2006 được coi là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2009. Ban đầu, cho vay dưới chuẩn là một giải pháp giải quyết bài toán thừa vốn nhằm tối đa hóa lợi nhuận của các NH và tổ chức tài chính nói chung. Nhưng việc cho vay dưới chuẩn một cách thái quá dẫn đến mất kiểm soát chất lượng tín dụng, kéo theo là hàng loạt ngân hàng phá sản như Metropolitan Savings Bank, Bear Stearns, Lehman Brothers..., khủng hoảng tín dụng bất

động ở Mỹ năm 2007 và kéo theo đó là khủng hoảng tài chính toàn cầu68.

Đối với người vay, rủi ro trong HĐCTD làm cho người vay hoàn toàn mất nguồn tài trợ từ các NH, cơ hội kinh doanh sẽ tuột mất, tài sản sẽ bị phát mại, người vay sẽ đứng trước nguy cơ phá sản.

Đối với nền kinh tế xã hội, rủi ro trong HĐCTD chứng tỏ người vay vốn đã không thực hiện được hiệu quả đầu tư như đặt ra khi vay vốn tín dụng từ NHTM. Do đó lợi ích kinh tế xã hội dự kiến nhận được là không có, sản xuất và lưu thông hàng hoá sẽ đình trệ, chức năng làm công cụ điều tiết nền kinh tế sẽ bị suy yếu. Quyền lợi của người gửi tiền sẽ không được đảm bảo.

Tóm lại, qua phần phân tích nêu trên chúng ta thấy, HĐCTD là hoạt động cơ bản của NHTM. Sự tồn tại của nó là tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Tuy vậy, HĐCTD của NHTM tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khác nhau, xuất phát do nhiều nguyên nhân gây ra và để lại hậu quả hết sức to lớn. Chính vì vậy nhà nước cũng như chính các NHTM cần có cơ chế bảo đảm an toàn tín dụng trong hoạt động này.

2.1.2. Khái niệm, các tiêu chí đánh giá và nội dung của bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại

2.1.2.1. Khái niệm bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM

Bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM là một vấn đề pháp lý phức tạp. Nghiên cứu bản chất của bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định sự điều chỉnh bằng pháp luật về vấn đề này.

Như phần trên đã phân tích, trong HĐCTD, các NHTM luôn phải đối mặt với nhiều loại rủi ro khác nhau. Những rủi ro đó để lại hậu quả rất lớn đối với các NH cũng như toàn bộ nền kinh tế xã hội. Theo cách hiểu chung nhất, sự xuất hiện rủi ro và


67 Phạm Hữu Hồng Thái, “Tác động của nợ xấu đến khả năng sinh lợi của ngân hàng”, bài viết trong Tủ sách tri thức doanh nhân, NXB Thanh Niên, tr 100.

68 Nguyễn Bá Minh, “Khủng hoảng tài chính toàn cầu: diễn biến, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 384, tháng 5/2010, tr 7.


hậu quả của nó làm mất đi sự an toàn và hiệu quả trong hoạt động của các NHTM. Tuy nhiên, cần phải có cách tiếp cận hợp lý và khoa học về bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM, trong đó có mối liên hệ giữa bảo đảm an toàn và rủi ro cũng như những yếu tố khác có liên quan trong HĐCTD của NHTM.

Các nhà khoa học chủ yếu tập trung nghiên cứu khía cạnh của bảo đảm an toàn trong HĐNH nói chung và HĐCTD nói riêng trên cơ sở hạn chế rủi ro, quản lý rủi ro, quản trị rủi ro và kiểm soát rủi ro.

Về bản chất, hạn chế rủi ro là việc giữ, ngăn không cho rủi ro vượt khỏi giới hạn nhất định. Như vậy nó chỉ là một nội dung của bảo đảm an toàn trong HĐCTD của NHTM. Trong trường hợp rủi ro xảy ra vượt quá giới hạn nhất định thì sẽ cần phải có cách thức xử lý phù hợp mà bản thân việc hạn chế rủi ro không thể khắc phục được.

Tuy có sự khác nhau về bản chất, chức năng, ý nghĩa, quá trình nhưng nhìn chung quản lý rủi ro và quản trị rủi ro đều là quá trình tác động có mục đích của nhà quản trị NH nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn trong HĐCTD. Trong khi đó kiểm soát rủi ro lại nghiêng về những công cụ, kỹ thuật hay chiến lược nhằm né tránh, giảm thiểu và hạn chế rủi ro.

Nếu coi an toàn trong HĐCTD là trạng thái không bị nguy hiểm từ các tác nhân bên trong và bên ngoài theo một mức độ rủi ro có thể chấp nhận được, thì bảo đảm an toàn trong HĐCTD là hoạt động của những chủ thể nhất định nhằm giữ (hay duy trì) được sự an toàn, bảo vệ cho HĐCTD không bị những thiệt hại do các tác nhân bên trong và bên ngoài NH tác động vào, đồng thời duy trì được một mức độ rủi ro có thể chấp nhận được. Nói khác đi, bảo đảm an toàn trong HĐCTD của các NHTM có thể hiểu là việc thực hiện các cách thức hay biện pháp nào đó để yên ổn, tránh được những rủi ro, tổn thất trong HĐCTD của các NHTM. Theo cách hiểu này, bảo đảm an toàn trong HĐCTD đồng nghĩa với việc thực hiện các biện pháp nhằm phòng ngừa và xử lý rủi ro trong HĐCTD của NHTM. Chủ thể chủ yếu thực hiện bảo đảm an toàn trong HĐCTD là các NHTM. Bên cạnh đó, NHNN cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an toàn HĐCTD của NHTM, vì NHNN là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là Ngân hàng Trung ương của Việt Nam, có chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và HĐNH, chức năng ngân hàng trung ương, trong đó có bảo đảm an toàn HĐNH nói chung.

An toàn và rủi ro là hai mặt đối lập với nhau trong cùng một chỉnh thể kinh doanh NH, bởi lẽ rủi ro càng cao thì tính an toàn càng thấp và ngược lại. Trên thực tế, khi NH cấp một khoản tín dụng cho khách hàng nhằm mục đích lợi nhuận thì chứng tỏ NH đã chấp nhận một sự rủi ro nhất định và đây chính là mâu thuẫn giữa tỷ lệ rủi ro và khả năng sinh lời do khoản vay mang lại, mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận và mục


tiêu an toàn. Thông thường, một khoản tín dụng có khả năng sinh lời càng cao thì nguy cơ nảy sinh rủi ro càng cao và ngược lại69.

Trong hoạt động kinh doanh nói chung và HĐCTD của NHTM nói riêng, không nên hiểu và không thể đồng nhất bảo đảm an toàn với sự triệt tiêu những rủi ro hay trạng thái không có rủi ro, bởi lẽ bất kỳ nghiệp vụ NH nào cũng gắn liền với rủi ro. Chính vì vậy nhiều người cho rằng, quản trị NH thực chất là quản trị rủi ro và các nhà quản trị NH xem kinh doanh và quản trị rủi ro là nghề nghiệp của họ70. Nội dung của quản trị rủi ro bao gồm nhận diện rủi ro (Risk identification); đo lường rủi ro (Risk measurement); kiểm soát rủi ro (Risk monitoring); hạn chế rủi ro (Risk mitigation)71.

Một phạm trù có nghĩa tương đồng với an toàn trong HĐCTD là “an ninh tài chính”, nó là một khái niệm cơ bản để chỉ một tình trạng tài chính ổn định, an toàn và vững mạnh72. An toàn được hiểu là trạng thái không bị nguy hiểm từ phía các tác động bên trong và bên ngoài. Giữ được an toàn đồng nghĩa với không tự mình gây hại cho mình, đồng thời ngăn chặn và chống lại được sự tấn công phá hoại từ bên ngoài. Vững mạnh là cơ sở cho sự ổn định và an toàn, một trạng thái tài chính yếu không thể giữ được ổn định và đảm bảo an toàn73. Theo quan điểm của tác giả luận án, “an ninh” và “an toàn” là những thuật ngữ có liên quan mật thiết với nhau, nhưng không đồng nhất với nhau, bởi lẽ cả hai thuật ngữ trên đều chỉ một “trạng thái” của một chủ thể (hay một hoạt động) nhất định mà trong đó không bị nguy hiểm từ các yếu tố bên trong và bên ngoài tác động vào. Tuy nhiên thuật ngữ an ninh (security) khác với an toàn (safety) ở chỗ nó chỉ những mức

độ chống lại hoặc bảo vệ từ các tác nhân nguy hại và được sử dụng khá rộng trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, trong khi đó an toàn lại được hiểu ở góc độ được bảo vệ trước những nguy hiểm trong phạm vi rủi ro có thể chấp nhận được. Đồng thời, an ninh tài chính được hiểu theo nghĩa rộng hơn, vì nó không chỉ bao hàm an toàn trong HĐCTD, mà còn bao gồm an toàn trong các hoạt động tài chính khác như chứng khoán, bảo hiểm…

Từ cách phân tích ở trên và trong phạm vi đề tài Luận án, tác giả cho rằng bảo đảm an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của NHTM là việc sử dụng hệ thống các biện pháp, cách thức trong việc phòng ngừa và xử lý rủi ro nhằm duy trì sự ổn định, lành mạnh, hiệu quả hoạt động cấp tín dụng của NHTM, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội.


69 Nguyễn Thị Thủy (2000), Tlđd (số 26), tr 12.

70 Trương Quang Thông (2010), Quản trị ngân hàng thương mại, NXB Tài chính, tr 173.

71 Trần Anh Thiết, “Quản lý rủi ro thị trường – những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 393, tháng 2/2011, tr 23.

72 Vũ Đình Ánh, Tlđd (số 1), tr 36.

73 Vũ Đình Ánh, Tlđd (số 1), tr 36.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 14/05/2023