Thứ hai, luận án lần đầu tiên nghiên cứu sâu về tác động của nợ xấu đến hoạt động ngân hàng trên mẫu các NHTM Việt Nam và chỉ ra được liệu nợ xấu có ảnh hưởng quan trọng như thế nào đến kết quả kinh doanh, hiệu quả chi phí, an toàn vốn hay tăng trưởng tín dụng. Hàm ý chính sách quan trọng từ kết quả nghiên cứu này là để tăng hiệu quả ngân hàng, nhà quản lý nên tăng cường việc giám sát và theo dõi rủi ro của các khoản nợ.
1.7. Cấu trúc luận án
Chương 1. Giới thiệu.
Chương 2. Khung lý thuyết và các nghiên cứu trước về nợ xấu của ngân hàng thương mại.
Chương 3. Mô hình, phương pháp và dữ liệu nghiên cứu. Chương 4. Phân tích kết quả nghiên cứu.
Chương 5. Kết luận và giải pháp.
CHƯƠNG 2. KHUNG LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU TRƯỚC VỀ NỢ XẤU CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
2.1. Khung lý thuyết
2.1.1. Nợ xấu của ngân hàng thương mại
Các định nghĩa trên thế giới về nợ xấu liên quan đến 3 yếu tố: (i) Nợ gốc và lãi quá hạn trên 90 ngày (IMF, 2004) (ii)Sự suy giảm trong khả năng trả nợ của người đi vay; và (iii)Các khoản nợ phân loại vào 3 nhóm có chất lượng tín dụng dưới chuẩn, nghi ngờ và có khả năng mất vốn.
Nợ xấu trong nghiên cứu này được hiểu là khoản vay đã quá hạn thanh toán lãi và/hoặc vốn gốc theo thỏa thuận trên 90 ngày và nghi ngờ khả năng trả nợ của người đi vay. Cụ thể nợ xấu là các khoản nợ thuộc các nhóm 3, 4, 5 bao gồm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn quy định tại Điều 6 hoặc Điều 7 của Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN.
2.1.2. Phân loại nợ và phương pháp đánh giá nợ xấu
Theo nghiên cứu của Bholat và ctg (2016), việc phân loại nợ khó có tiêu chuẩn kế toán quốc tế thống nhất. Việc tiếp cận phân loại nợ được coi như trách nhiệm của người quản lý hoặc chỉ là vấn đề báo cáo giám sát. Tại Việt Nam, theo Quyết định 493/2005/ NHNN và Thông tư số 02/2013/ NHNN cho phép các TCTD được phân loại nợ theo phương pháp định tính và định lượng nhưng hầu hết các TCTD đều phân loại nợ theo phương pháp định lượng và chưa xét đến yếu tố định tính, ngoại trừ 3 ngân hàng lớn là Agribank, BIDV và VCB. Theo các quy định trên thì các TCTD được phân loại nợ theo 5 nhóm sau: Nhóm 1 -Nợ đủ tiêu chuẩn; Nhóm 2- Nợ cần chú ý; Nhóm 3 - Nợ dưới tiêu chuẩn; Nhóm 4 - Nợ nghi ngờ; Nhóm 5 - Nợ có khả năng mất vốn. Cho dù phân loại nợ theo phương pháp định tính hay định lượng thì các khoản nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5 được xếp vào danh mục nợ xấu của ngân hàng.
2.1.3. Lý thuyết các yếu tố tác động đến nợ xấu
2.1.3.1. Các yếu tố kinh tế vĩ mô
- Lý thuyết gia tốc tài chính (financial accelerator theory)
Lý thuyết do Bernanke và Gertle (1995) khởi xướng cho rằng một sự thay đổi nhỏ trong thị trường tài chính có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong nền kinh tế và tạo ra chu kỳ phản hồi. Lý thuyết này giải thích hành vi cho vay của ngân hàng với mối quan hệ biến động mang tính chu kỳ trong nền kinh tế. Về phía ngân hàng, khi gặp cú sốc bên ngoài, giả sử khi NHTW tăng lãi suất, giá trị dự trữ của ngân hàng bị ảnh hưởng do giá cổ phiếu, trái phiếu sẽ giảm.
- Lý thuyết kênh cho vay ngân hàng (Bank lending theory)
Theo lý thuyết kênh cho vay ngân hàng, tác động trực tiếp của CSTT lên lãi suất được khuếch tán thông qua thay đổi trong phần dư nguồn vốn bên ngoài. Phần dư nguồn vốn bên ngoài là chênh lệch giữa nguồn vốn huy động từ bên ngoài và nguồn vốn huy động từ bên trong (từ thu nhập giữ lại). Mức độ chênh lệch này phản ánh sự không hoàn hảo của thị trường tín dụng, tạo ra mức chênh lệch giữa lợi nhuận kỳ vọng của người cho vay và chi phí của người đi vay. Bernanke và Gertler đề xuất hai kênh truyền tải thông qua bảng cân đối tài sản của người đi vay và khối lượng tín dụng thông qua khả năng cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng.
- Lý thuyết cơ chế truyền dẫn của chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ mở rộng dẫn đến giảm sút lãi suất thực tế, và sự suy giảm lãi suất thực tế làm giảm chi phí đầu tư, gây ra sự gia tăng trong chi tiêu cho đầu tư, qua đó dẫn tới gia tăng tổng cầu và sản lượng. Tác động của chính sách tiền tệ tới các biến số vĩ mô qua kênh lãi suất truyền thống được nhiều nhà kinh tế học tán thành, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng ngoài lãi suất, các yếu tố trễ khác như sản lượng, doanh thu và dòng tiền mới là các nhân tố có ảnh hưởng mạnh nhất tới chi tiêu và tiêu dùng (Blinder và Maccini, 1991; Chirinko, 1993; Boldin, 1994).
Tóm lại, các lý thuyết trên cho thấy chính sách kinh tế vĩ mô tác động đến kênh cho vay ngân hàng trong nền kinh tế, từ đó tác động đến chất lượng các khoản vay hay nợ xấu của ngân hàng.
2.1.3.2. Các yếu tố đặc thù ngân hàng
- Tăng trưởng tín dụng
Keeton (1999) giải thích ảnh hưởng của tăng trưởng tín dụng (TTTD) thông qua sự dịch chuyển các nhân tố trong mối quan hệ giữa TTTD và nợ xấu. Thứ nhất, sự dịch chuyển đường cung hàm ý rằng các NHTM sẵn sàng cho vay nhiều hơn bằng cách giảm các yêu cầu về tiêu chuẩn tín dụng. Điều này khiến các NHTM sẵn sàng kỳ vọng suất sinh lời thấp hơn và dễ dàng cho các đối tượng có rủi ro cao về khả năng tài chính vay tiền. Thứ hai, do nhu cầu thay đổi cấu trúc vốn của doanh nghiệp hay dự án đầu tư, đường cầu tín dụng sẽ dịch chuyển sang phải. Sự thay đổi cấu trúc vốn này sẽ giúp cải thiện dòng tiền, từ đó, khả năng trả nợ của chủ thể vay vốn không bị ảnh hưởng tiêu cực, đảm bảo cho chất lượng tín dụng trong tương lai. Thứ ba, sự dịch chuyển của đường cầu do dịch chuyển trong năng suất lao động. Sự gia tăng trong năng suất lao động thể hiện dấu hiệu tốt của chủ thể vay vốn.
- Hiệu quả chi phí và hiệu quả lợi nhuận
Theo giả thuyết “quản lý kém hiệu quả” (bad management hypothesis), nợ xấu và hiệu quả chi phí có mối quan hệ ngược chiều là do các ngân hàng quản lý yếu kém
trong việc giám sát chi phí cũng như khách hàng vay nợ; hay các khoản nợ xấu hình thành do các yếu tố bên ngoài (chẳng hạn suy giảm kinh tế khu vực) khiến chi phí phụ trội liên quan đến các khoản nợ xấu tăng tạo ra hiệu quả chi phí thấp.
- Năng lực tài chính và an toàn hoạt động của ngân hàng
Theo “giả thuyết rủi ro đạo đức” (moral hazard hypothesis), Keeton và Morris (1987) cho rằng mức vốn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ nợ xấu. Về bản chất, những ngân hàng có vốn thấp thường mạo hiểm hơn nên sẽ đầu tư nhiều vào tài sản rủi ro khiến nợ xấu gia tăng bởi vì nếu rủi ro xảy ra thì chủ nợ là người gánh chịu nhiều tổn thất nhất.
- Quy mô của ngân hàng
Giả thuyết “hiệu ứng quy mô” (size effect hypothesis) cho răng quy mô lớn cho phép cơ hội đa dạng hóa nhiều hơn. Ngược lại với giả thuyết “hiệu ứng quy mô”, giả thuyết“quá lớn để phá sản” cho rằng các ngân hàng lớn chấp nhận rủi ro quá mức bằng cách tăng sử dụng vốn cho vay của mình, do đó nợ xấu nhiều hơn.
2.1.3.3. Yếu tố đặc thù ngành
- Mức độ cạnh tranh ngành
Theo lý thuyết chuyển đổi rủi ro (risk-shifting Paradigm), nếu mức độ cạnh tranh giữa các ngân hàng càng cao thì hệ thống NHTM sẽ ít chịu rủi ro hay có tính ổn định cao hơn. Theo đó, các NHTM lớn sẽ nhận được trợ giúp lớn hơn từ cơ quan quản lý giám sát và dẫn đến vấn đề rủi ro đạo đức trong hoạt động kinh doanh. Ngược lại, quan điểm khác theo giả thuyết “rủi ro đạo đức” cho rằng hệ thống ngân hàng sẽ trở nên bất ổn định và dễ đổ vỡ hơn nếu mức độ cạnh tranh tăng lên. Do các NHTM lớn có tiềm lực và lựa chọn khách hàng cẩn thận hơn nên danh mục tín dụng an toàn hơn. Bên cạnh đó, các NHTM này cũng có đủ tiềm lực để thực hiện đa dạng hóa danh mục tài sản của mình để giảm thiểu rủi ro, đồng thời, hệ thống NHTM với số ít NHTM lớn sẽ dễ dàng quản lý hơn là nhiều NHTM nhỏ.
- Mức độ kiểm soát của chủ sở hữu
Theo lý thuyết Berle Means, tập trung quyền sở hữu sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp tài chính (Shehzad và ctg, 2010). Quyền sở hữu càng tập trung sẽ càng tăng tính thận trọng đối với rủi ro thông qua việc kiếm soát chặt chẽ hơn các khoản vay.
2.1.4. Lý thuyết tác động của nợ xấu đến hoạt động của ngân hàng
2.1.4.1. Tác động của nợ xấu đến hiệu quả của ngân hàng
Giả thuyết thứ nhất là “kém may mắn” (bad luck) cho rằng khi các khoản nợ trở nên quá hạn, ngân hàng bắt đầu tăng cường chi phí điều hành để xử lý nợ xấu. Các chi phí này gia tăng khi nợ xấu gia tăng. Giả thuyết thứ hai là “quản lý kém”(bad management), các ngân hàng hoạt động hiệu quả sẽ có khả năng quản lý rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng yếu, khả năng quản lý đó được xem là một phần năng lực cốt lõi của ngân hàng.
2.3.2. Tác động của nợ xấu đến an toàn vốn của ngân hàng
Giả thuyết rủi ro đạo đức phản ánh mối quan hệ giữa nợ xấu và vốn ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu cao làm tăng sự không chắc chắn về trạng thái vốn của các ngân hàng và do đó giới hạn khả năng tiếp cận vốn để huy động. Điều này lại làm tăng lãi suất cho vay của các ngân hàng và do đó góp phần vào việc giảm tăng trưởng tín dụng. Hai cơ chế bổ sung được đề cập trong các nghiên cứu là chi phí cao, gắn kết với việc quản lý nợ xấu cao (Mohd và ctg, 2010), và vốn thấp hơn mà kết quả từ trích lập dự phòng.
2.3.3. Tác động của nợ xấu đến tăng trưởng tín dụng
Kênh bảng cân đối tài sản của người đi vay liên quan đến trạng thái vốn của người đi vay (hay giá trị tài sản ròng) có ảnh hưởng đến việc tiếp cận tín dụng của họ. Lý thuyết gia tốc tài chính đã đề cập trên cũng giải thích hành vi cho vay của ngân hàng với mối quan hệ biến động mang tính chu kỳ trong nền kinh tế. Cú sốc ngược cho rằng dòng tiền hiện tại của người đi vay càng thấp dẫn đến việc giảm giá trị tài sản ròng và tăng phần dư nguồn vốn bên ngoài. Việc tăng chi phí của người vay sẽ không khuyến khích họ đầu tư nhiều hơn và kết quả ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng, làm ảnh hưởng và khuếch đại hiệu ứng của cú sốc ban đầu.
2.2. Nghiên cứu thực nghiệm trước đây
2.2.1. Các nghiên cứu trước về các yếu tố tác động đến nợ xấu
- Tăng trưởng tín dụng (Clair 1992; Keeton 1999; và Louzis 2012; Le 2016 và Jimenez 2006).
- Quy mô tài sản Louzis và ctg, 2010; Salad và Saurina, 2002; Jimenez, Salad, và Saurina, 2006).
- Hiệu quả ngân hàng (Berger và Humphrey, 1992; Wheelock và Wilson, 1995; Karim và ctg, 2010).
- Cấu trúc vốn và an toàn hoạt động (Salas 2002; Le 2016).
- Tăng trưởng kinh tế (Salad và Saurina 2002; Klein 2013; Park và Zhang 2012…).
- Lạm phát và lãi suất (Salad và Saurina 2002; Klein 2013; Pestova 2011)
- Tỷ giá hối đoái (Castro 2012; Beck 2013; Pestova 2011 và Washington 2014).
- Thị trường bất động sản (Nkusu 2011; Fainstein, 2011).
- Mức độ cạnh tranh ngành(Lee và Hsieh 2013 và Jimenez 2007)
- Mức độ kiểm soát của chủ sở hữu (Iannotta và ctg, 2007; Shehzad và ctg, 2010).
2.2.2. Nghiên cứu thực nghiệm tác động nợ xấu đến hoạt động ngân hàng
Tác động của nợ xấu đến hiệu quả ngân hàng (Alkhar, 2011; Ponce, 2011; Le 2016; và Phạm Hữu Hồng Thái 2013,...).
Tác động của nợ xấu đến vốn ngân hàng (Le 2016 và Lee và Hsieh 2013)
Tác động của nợ xấu đến tăng trưởng tín dụng (Le, 2016; Cucinelli, 2015; Stolz và Wedow 2009; Wangai và ctg, 2012).
CHƯƠNG 3. MÔ HÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. Mô hình nghiên cứu
3.1.1. Mô hình về các yếu tố ảnh hưởng đến nợ xấu của ngân hàng thương mại
Mục tiêu nghiên cứu thứ nhất, dựa trên các mô hình thực nghiệm của các nghiên cứu trước, luận án xây dựng mô hình nghiên cứu các yếu tố tác động đến nợ xấu của các NHTM Việt Nam. Theo các nghiên cứu trước về dữ liệu bảng (như Louzis và ctg (2012), Salas và Sarina (2002), Klein (2013) và Le (2016) về nghiên cứu liên quan đến ngân hàng và các yếu tố kinh tế vĩ mô), cách tiếp cận dữ liệu bảng động được áp dụng để tính đến độ trễ về thời gian trong cấu trúc nợ xấu (NPLs). Mô hình kinh tế lượng động trong luận án gồm các độ trễ của biến giải thích được trình bày như sau:
NPLit = αNPLit−1 + βMt + λ1Ht + π1 Fit + ηt + ε1,it, |α| ≤ 1 (3.1)
Trong đó, t và i=[1, 2,..N] lần lượt là năm t và ngân hàng thứ i, với ηit là các ảnh hưởng của các yếu tố đặc thù đến ngân hàng không quan sát được, ε1,it là các sai số, NPLit là nợ xấu của ngân hàng I năm t, Mit là ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô, Ht là yếu tố cạnh tranh ngành, Fit là các yếu tố đặc thù của ngân hàng.
3.1.2. Mô hình nghiên cứu tác động của nợ xấu đến hiệu quả, an toàn vốn và tăng trưởng tín dụng
Mục tiêu nghiên cứu thứ hai, dựa trên mô hình của Le (2016), Goddard và ctg (2011) và Girardone và ctg (2004) trong đó biến phụ thuộc là các yếu tố hoạt động của ngân hàng sẽ là một phương trình diễn biến điều chỉnh từng phần với mức độ mục tiêu mong muốn, phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô và đặc thù của từng ngân hàng. Ba yếu tố của ngân hàng được đại diện thông qua các biến: (i) EF đại diện cho hiệu quả ngân hàng, bao gồm hiệu quả chi phí và hiệu quả lợi nhuận; (ii) ETA đại diện cho vốn ngân hàng; và (iii) LGR đại diện tăng trưởng tín dụng. Mô hình điều chỉnh riêng của mỗi yếu tố đến hoạt động của ngân hàng theo ba phương trình:
𝐸𝐹𝑖𝑡 = 𝛾2𝐸𝐹𝑖𝑡−1 + 𝜑2𝑀𝑡 + 𝜆2𝑁𝑃𝐿𝑖𝑡 + 𝜋2𝐹𝑖𝑡 + 𝜀2,𝑖𝑡 (3.13)
𝐸𝑇𝐴𝑖𝑡 = 𝛾3𝐸𝑇𝐴𝑖𝑡−1 + 𝜑3𝑀𝑡 + 𝜆3𝑁𝑃𝐿𝑖𝑡 + 𝜋3 𝐹𝑖𝑡 + 𝜀3,𝑖𝑡 (3.14)
𝐿𝐺𝑅𝑖𝑡 = 𝛾4𝐿𝑂𝐴𝑁𝑖𝑡−1 + 𝜑4𝑀𝑡 + 𝜆4𝑁𝑃𝐿𝑖𝑡 + 𝜋4 𝐹𝑖𝑡 + 𝜀4,𝑖𝑡 (3.15)
Trong đó, t và i=[1, 2,..N] lần lượt là năm t và ngân hàng thứ i, 𝜀1,2,3,4,𝑖𝑡 = 𝜂𝑡 +
𝜐𝑖𝑡, trong đó 𝜂𝑖𝑡 là các ảnh hưởng của các yếu tố đặc thù đến ngân hàng không quan sát được,và 𝜐𝑖𝑡 là các sai số.
Bảng 3.1. Mô tả các biến dùng trong mô hình nghiên cứu
Chỉ tiêu | Ký hiệu | Hệ số kỳ vọng | |
Nợ xấu | Tỷ lệ nợ xấu | ||
Hiệu quả của ngân hàng (EF) | Nợ xấu trong quá khứ | L.NPL | (+) |
KNSL | ROA | (-) | |
Hiệu quả chi phí | CE | (-) | |
Tăng trưởng tín dụng | Tốc độ TTTD | LGR | (+) |
Quy mô ngân hàng | Logarit TTS | TA | (+) |
An toàn vốn | Vốn chủ sở hữu | ETA | (-) |
Khả năng thanh khoản | Dư nợ cho vay/vốn huy động | LDR | (+) |
Khả năng bù đắp rủi ro | Tỷ lệ DPRRTD | LLR | (+) |
Mức độ cạnh tranh ngành | Chỉ số tập trung của 4 NHTM lớn nhất | CR4 | (-) |
Chỉ số HHI | HHI | (-) | |
Mức độ kiểm soát của chủ sở hữu | Tỷ lệ sở hữu cổ phần | OWN | (-) |
Biến kiểm soát vĩ mô | Tốc độ tăng trưởng kinh tế | GDP | (-) |
Lạm phát | INF | (+) | |
Lãi suất cho vay | INT | (+) | |
Tỷ giá hối đoái | EXI | (+) | |
Tăng trưởng giá nhà | ESI | (+) |
Có thể bạn quan tâm!
- Tổng Tài Sản Của Các Ngân Hàng Trong Mẫu Nghiên Cứu (Đvt: %)
- Nợ xấu của hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam - 28
- Tình Hình Nghiên Cứu Có Liên Quan Và Vấn Đề Nghiên Cứu
- Phương Pháp Ước Lượng Dữ Liệu Bảng Tổng Quát Hóa Dựa Trên Moment
- Tác Động Của Nợ Xấu Đến Tăng Trưởng Tín Dụng
- Classification Of Debts And Methods Of Non-Performing Loans Assessment
Xem toàn bộ 284 trang tài liệu này.
3.2. Phương pháp nghiên cứu sử dụng cho luận án
3.2.1. Đo lường hiệu quả chi phí của ngân hàng bằng phương pháp bao dữ liệu
Luận án đo lường hiệu quả chi phí bằng phương pháp bao dữ liệu DEA vì phương pháp này yêu cầu rất ít các giả định về hàm sản xuất, tránh giả định tùy tiện về đường biên hiệu quả. Hơn nữa, DEA là một kỹ thuật được sử dụng rộng rãi với các mối liên hệ phức tạp giữa nhiều biến đầu ra. Ba loại hiệu quả thường được đo lường là hiệu quả kỹ thuật (technical effciency) là khả năng sử dụng đầu vào thấp nhất để sản xuất một đầu ra cho trước, hiệu quả phân bổ (allocative effciency) liên quan đến việc lựa chọn đầu vào tạo ra đầu ra ở mức chi phí thấp nhất. Hiệu quả về chi phí (Cost effciency) là “sự kết hợp giữa hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả phân bổ“(Coelli, 2005).
Theo Berger và Humphrey (1997) có hai cách tiếp cận thông thường để đo lường hiệu quả, đó là tiếp cận sản xuất và tiếp cận trung gian. Nghiên cứu này dựa trên cách tiếp cận trung gian, theo cách tiếp cận này các khoản tiền gửi được xử lý như một đầu vào trong quá trình tạo ra đầu ra như thu từ lãi, thu ngoài lãi. Dựa trên nguồn số liệu hiện có và các nghiên cứu trước (Cevdet và ctg, 2000; Matthews và Tripe, 2002; Nguyễn Việt Hùng, 2007) cũng như thực tế hoạt động của NHTM, tác giả chọn ra hai biến đầu ra là thu nhập từ lãi và thu nhập ngoài lãi, ba biến đầu vào là chi phí nhân công, tài sản cố định, tiền gửi của khách hàng.