Thứ nhất là các giải pháp về thể chế liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS mà đầu tiên là việc cần đổi mới tư duy của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực BĐS theo hướng để cho cho qui luật thị trường điều tiết hoạt động kinh doanhnày, giảm tối đa sự can thiệp hành chính của Nhà nước. Vấn đề tiếp theo là đề xuất xem xét việc công nhận quyền sở hữu đối với đất ở thay cho QSD đất giao vô thời hạn như hiện nay nhằm khuyến khích, động viên việc sử dụng đất có hiệu quả hơn trong khi vẫn không làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Tách bạch chính sách xã hội và hoạt động kinh doanh BĐS trong các chương trình giải quyết nhà ở cho các đối tượng cần được ưu tiên.
Thứ hai là giải pháp đồng bộ trong việc giao đất, cho thuê đất và định giá đất trên thị trường sơ cấp, nơi Nhà nước độc quyền nguồn cung đất, nhằm đảm bảo nguồn cung dồi dào, giá cả hợp lý để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường trên nguyên tắc Nhà nước tăng được nguồn thu từ đất đai và mọi người đều bình đẳng trong các cơ hội nhận QSD đất từ Nhà nước. Giải pháp đã phân tích các chính sách chống đầu cơ tích trữ đất cũng như các phương thức khắc phục tính độc quyền của các cơ quan có nhiệm vụ thay mặt Nhà nước giải quyết các thủ tục giao đất, là một trong những nguyên nhân chính tạo ra nhiều khuyết tật của thị trường BĐS và cũng là nguồn gốc của nhiều hiện tượng tiêu cực về đất đai trong xã hội hiện nay.
Thứ ba là các giải pháp đổi mới hệ thống tài chính liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS vì vấn đề vốn được coi là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với hoạt động này. Một trong những nội dung quan trọng ở đây là Nhà nước nên chủ động tạo ra thị trường vốn thứ cấp để tài trợ cho các tổ chức cho vay vốn kinh doanh BĐS nhằm bơm thêm nguồn vốn cho thị trường cũng như tăng tính thanh khoản của các khoản nợ dài hạn đặc trưng cho các khoản tín dụng BĐS. Bên cạnh đó Nhà nước nên tạo ra các thể chế phù hợp để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của các tổ chức, các HGĐ cho thị trường BĐS nhằm
định hướng các khoản đầu tư này theo yêu cầu của thị trường, tránh các hiện tượng đầu cơ theo phong trào, thiếu thông tin, gây nên những hậu quả tiêu cực cho thị trường BĐS. Cải tiến lại một số loại thuế cũng như một số khoản thu liên quan đến BĐS và đất đai để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nói riêng và BĐS nói chung.
Thứ tư là đổi mới công tác hành chính trong lĩnh vực quản lý BĐS hiện nay như việc hoàn thiện công tác cấp GCN QSD đất trên cơ sở một giấy cho cả đất và công trình trên đất cũng như việc xác định ranh giới các thửa đất trên cơ sở hệ tọa độ quốc gia và việc giải quyết tính minh bạch và sự tiếp cận được các nguồn thông tin trong lĩnh vực BĐS.
Cuối cùng là việc nâng cao chất lượng công tác qui hoạch sử dụng đất đai trong đó có đề xuất về tính mở của qui hoạch sử dụng đất để tăng hiệu quả sử dụng đất trên phạm vi toàn xã hội và các vấn đề liên quan đến việc tổ chức lại hệ thống cung cấp dịch vụ cho hoạt động kinh doanh BĐS như tư vấn, môi giới, định giá BĐS.
Với quá trình nghiên cứu lâu năm các vấn đề lý thuyết chung liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS, kết hợp với việc phân tích thực trạng các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS ở Việt Nam trên cơ sở kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này, NCS hy vọng rằng Luận án này sẽ đóng góp một phần nhỏ trong các nỗ lực chung để đưa hoạt động kinh doanh BĐS ở Việt Nam lên một tầm cao mới, tạo ra nhiều BĐS hơn nữa cho xã hội. Tuy nhiên, dù đã hết sức nỗ lực song với khả năng có hạn trong khi các vấn đề cần giải quyết tương đối phức tạp nên chắc chắn Luận án này không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót cần được điều chỉnh, bổ sung. NCS mong muốn nhận được sự chỉ dẫn, góp ý của các thầy giáo, cô giáo, của các chuyên gia và của tất cả những ai quan tâm đến lĩnh vực này.
Có thể bạn quan tâm!