ra và người già cũng lập tức trở thành vụng dại như trẻ nhỏ”. Nàng đã nguyện trở về kiếp trước, biến thành cây chanh để cứu giúp những người sau đó, những cô gái bị lỡ làng, bị phụ bạc “chính trái cây em đã làm nỗi đau trong tim họ dịu lại. Và sau đó ai ăn trái chanh H’ Điêu người đó sẽ biết quên mình và vậy là người đó biết yêu”. Cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có tình yêu. Nếu không có tình yêu: “thử hỏi thế gian này không còn ai biết mình, không còn ai si mê, không còn tìm đâu ra một kẻ biết yêu…ở trong ngực mọi người chỉ còn là băng giá, chẳng còn những H'Điêu không quản cái chết đi tìm người yêu, thì liệu có đáng còn thế giới này chăng? Thật đáng sợ. Nàng tiên xanh xao trong truyện Nàng tiên xanh xao là một người con gái mồ côi, sống lẻ loi trong rừng sâu. Nàng đã cứu sống một chàng trai con nhà quyền quý bị thương nặng khi đi săn. Nàng cứu chàng trai bằng cách truyền cho chàng một nửa máu đang chảy trong huyết quản của mình thông qua chiếc kim kì diệu của thần Núi. Mất một nửa máu, da nàng trở nên xanh xao đến chính nàng còn phải sợ“ hãi khi thấy mình quá xanh xao”.Cứu vớt cuộc đời của một người con trai chưa từng biết mặt, biết tên, để rồi gửi gắm cả tình yêu và tính mệnh mình cho người ấy, bất chấp cả lời cảnh tỉnh của thần núi:“ Đàn bà muôn đời vẫn vậy,vẫn không thoát ra khỏi dây xích của sự nhẹ dạ…Cứu chàng,rồi đây con sẽ khổ vì chàng”.Nàng vẫn tự nguyện đánh đổi“màu hồng rạng ngời trên má” mình để cứu chàng trai. Được cứu sống hai người đã yêu nhau và tổ chức đám cưới. Nàng sẽ không phải gánh chịu bi kịch một tình yêu, một số phận bất hạnh, nếu trong đêm tân hôn chàng trai không bỏ rơi nàng để vui đùa với những cô gái trẻ đẹp má hồng khác, để nàng một mình trong nỗi cô đơn. Cay đắng trước tình yêu bị rẻ rúng khiến nàng đau khổ, tuyệt vọng và trốn chạy thật xa. Khi nhớ đến và không thấy nàng đâu, chàng đã ân hận và vội vã đi tìm nhưng chỉ thấy một chiếc bóng lẻ loi. Chàng chạy tới ôm lấy và cầu xin nàng hãy ở lại, cầu xin sự tha thứ vì:“đàn
ông đôi khi vẫn thế”, nhưng nàng cự tuyệt. Có thể nói đó là định mệnh, định mệnh sui khiến họ gặp và yêu nhau, bắt cô gái phải chịu số phận bất hạnh, phải nếm trải cảm giác cô đơn một mình bẽ bàng, hoang mang khi chứng kiến những cuộc vui của tân lang. Cuộc sống khác biệt giữa hai người, nỗi cay đắng trước tình yêu bị rẻ rúng và càng không thể khoan nhượng, tha thứ với lý do đàn ông đôi khi vẫn thế để rồi nếu tha thứ lần này biết đâu lần khác nàng sẽ còn ân hận và đau xót hơn nhiều. Chính vì thế, dù chàng vẫn ôm và níu giữ nàng nhưng nàng thì luôn cố vùng vẫy để thoát khỏi cánh tay đó cho đến chết nàng vẫn câm lặng trong nỗi cô đơn vô bờ. Nhà văn Võ Thị Hảo khoác thêm cho nhân vật của mình màu sắc huyền thoại với kết thúc: Linh hồn chàng trai hoá thành những cái gai bảo vệ hoa và cây lạ ấy sau này được người ta đặt tên là cây bưởi.Từ hình ảnh cây bưởi gần gũi quen thuộc ngoài đời nhà văn đã mang đến cho người đọc một sự tích đầy xúc động, một bi kịch tình yêu đầy xót xa, một câu chuyện đầy nước mắt mà đời thường ta vẫn bắt gặp đâu đó. Sự trốn chạy của nhân vật nàng không chỉ là sự trốn chạy tình yêu mà còn là sự trốn chạy cảm giác cô đơn, lẻ loi bị bỏ rơi. Sau khi hoá kiếp, linh hồn nàng biến thành những nụ hoa trắng muốt toả hương thơm ngát, nó tinh khiết và quá đỗi thanh cao nên bàn tay phàm tục của chàng trai mãi không thể với tới. Còn nàng dù đã đổi kiếp nhưng vẫn mãi phải lưu đày trong sự cô đơn và gánh chịu một bi kịch tình yêu cho số phận bất hạnh của mình. Vẫn là bi kịch bị người yêu bỏ rơi, bị người yêu lừa dối, bạc bẽo. Nàng Sải trong Con dại của đá, một người con gái đẹp, sống và yêu tự nhiên như cây cỏ nơi núi rừng. Nàng đã vượt qua mọi ràng buộc, mọi tập tục của buôn làng, gia đình để đến với tiếng gọi tình yêu. Với nàng, đó là tình yêu tự do tha thiết và nồng cháy, tiếc rằng người nàng yêu - Cáo Tờ Quẩy lại là kẻ bạc bẽo, dối lừa và xảo quyệt, mê hoặc và chiếm đoạt được nàng chưa đủ, hắn còn xảo trá phụ bạc và rẻ rúng nàng. Trong đêm tân hôn với Hùng De, nàng vùng chạy
trốn để tìm đến Cáo Tờ Quẩy thì hắn lại ném nàng đến cho lũ bạn hắn làm nhục nàng và còn định đem nàng bán sang Trung Quốc. Nhục nhã, tuyệt vọng trước sự tráo trở và bạc bẽo của người nàng yêu, Sải đã giết chết Cáo Tờ Quẩy rồi tự kết liễu cuộc đời mình. Bi kịch tình yêu của Sải là khi niềm hi vọng biến thành thất vọng, khi nỗi đam mê, cuồng si biến thành sự phẫn uất và lòng thù hận.
Nhân vật Trang trong Bàn tay lạnh, không trả giá cho tình yêu bằng mạng sống của mình nhưng chị sống mà có khác nào đã chết. Là một sinh viên khoa văn xinh đẹp nhưng số phận lại bạc bẽo với chị. Bởi “mẹ chị không hạnh phúc, chị gái chị cũng đã không hạnh phúc, người hàng xóm của chị cũng không hạnh phúc. Vì thế chị phải hạnh phúc, chị không được phép mắc sai lầm”. Cuộc đời có vô vàn những biến cố và những điều bất trắc, không ai có thể khẳng định được điều gì. Thế nên, dù Trang đã hết sức thận trọng khi yêu cũng như chọn người yêu nhưng số phận bất hạnh vẫn cứ bám lấy chị như một sự di truyền. Đến với tình yêu đầu, Trang khao khát được thay đổi số phận, chị đã yêu và gửi gắm biết bao hy vọng về sự gắn bó và che chở. Vậy mà lại thất tình ngay trong đêm hò hẹn đầu tiên. Người mà chị yêu và đặt trọn niềm tin lại là một kẻ sở khanh yêu đùa vì những lời thách đố của đám con trai trong lớp không tán được Trang.Trò đùa quái ác của đám bạn trai trong lớp đã mang đến bi kịch cho cuộc đời người phụ nữ quá đỗi nhạy cảm này,“Trang như loài cây bị gục từ những giọt sương muối đầu tiên và không bao giờ dậy được nữa”. Nỗi đau quá lớn khi niềm tin tan vỡ, bởi tình yêu đã bị trao lầm cho một kẻ không xứng đáng và làm đóng băng trái tim Trang, khiến chị trở thành “một người đàn bà cẩm thạch”. Tình yêu đầu là nỗi ám ảnh suốt cuộc đời chị và là một dấu tích không thể xoá mờ, nó dập tắt mọi ước mơ hạnh phúc đời chị. Xót xa hơn là làm băng giá trái tim và chôn vùi
người phụ nữ ấy trong cuộc sống cô đơn, bất hạnh và sự căm thù, ghê tởm đàn ông.
Còn nhân vật Nàng trong Dây neo trần gian lại yêu đắm say một người đàn ông đã có vợ. Anh bước ra từ chiến tranh và luôn chán chường tuyệt vọng, chờ đợi cái chết đến với anh như những người đồng đội vì nghĩ rằng mình bị nhiễm chất độc hoá học trong chiến tranh nên chẳng còn sống được bao lâu nữa. Nàng đến với anh trong tình thương yêu vô bờ cùng sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc, nàng làm đủ mọi cách để “gương mặt sầu thảm dìm trong rượu của anh sáng lên được một chút”, để lấy nụ cười của anh, để níu anh ở lại trần gian. Khi anh hoàn toàn khoẻ mạnh hạnh phúc nhất với kết quả âm tính thì nàng lại giàn giụa nước mắt“vợ chồng gì đâu! Anh ấy không thuộc về tôi”. Dù anh cố gắng, dù anh không chết thì anh mãi không thuộc về nàng bởi anh còn có gia đình của mình. Nàng dành cho anh một tình yêu say đắm, vô bờ bến nhưng thật bất hạnh với nàng vì đó là một tình yêu ngang trái, éo le và tuyệt vọng.
Có thể bạn quan tâm!
- Nữ Quyền - Ý Thức Về Hạnh Phúc Của Người Phụ Nữ
- Bi Kịch Là Nạn Nhân Của Chiến Tranh
- Bi Kịch Của Những Mảnh Đời Tật Nguyền
- Vấn Đề Đạo Đức Của Các Nhân Vật Nữ Trong Sáng Tác Võ Thị Hảo
- Vấn Đề Giới Tính Của Các Nhân Vật Nữ Trong Sáng Tác Võ Thị Hảo
- Nhân vật nữ trong sáng tác của Võ Thị Hảo - 11
Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.
Hải trong Mắt miền tây là người đàn bà bé nhỏ như một đứa trẻ lên mười, đôi mắt đen thẫm và nụ cười khờ dại, đem lòng yêu Tuấn một gã đàn ông điển trai, kém chị ba tuổi. Cùng nhau kiếm tiền nơi đất khách quê người, trong lúc Hải phải ky cóp từng đồng để giúp đỡ đại gia đình ở trong nước với:“Hai mươi bẩy nhân mạng, già trẻ lớn bé…thì Tuấn một đồng một cắc không gửi giúp bố mẹ, anh em”. Suốt ngày hết nằm ườn lại lê hết quán nọ hàng kia ăn nhậu rồi cắm nợ, để chị phải thường xuyên đem tiền trả nợ hộ Tuấn, phải cho Tuấn "giật tạm" vài chục ngàn đô để tiêu vào việc gì đó không biết. Hải yêu Tuấn và lo cho Tuấn như một người mẹ luôn dõi theo con, Hải phục vụ anh như một kẻ nô lệ, còn Tuấn đã nhiều lần đánh đập Hải, có lần đánh chị ngã từ cầu thang xuống và còn bị hắn đẩy ra đứng ngoài cửa lạnh cóng suốt đêm. Sau khi đã bị đập phá tan tành bàn thờ của mẹ, biết là hắn
luôn nói dối “lúc cần, Tuấn bao giờ cũng biết nói dối một cách trơn tru nhất”. Nhưng chị vẫn tha thiết gắn bó với Tuấn vì yêu đương là duyên số và theo chị“Tuấn sẽ khác khi nhìn thấy người thân, Tuấn sẽ cảm động mà tu tỉnh và Vì gia đình Tuấn chân thật đến thế kia mà”.
Viết về tình yêu, Võ Thị Hảo không quên khắc hoạ hình ảnh những người phụ nữ yêu mà không hề toan tính nên thường bị lợi dụng và bị dối lừa như Hải trong Mắt miền tây. Cũng không nằm ngoài bi kịch tình yêu, bị lừa dối như vậy người mẹ trong Chuông vọng cuối chiều thuỷ chung ở nhà nuôi con chờ chồng trong những năm anh đi công tác xa. Người đàn ông đó lại nỡ phụ tình và lừa dối vợ, với ba năm công tác ở Sa Thầy, đủ thời gian để anh làm một ni cô phải phá giới và có với anh một đứa con. Nhưng vượt lên trên nỗi xót xa vì bị lừa dối, phụ bạc, người mẹ đó đã tha thứ cho chồng trước khi anh nhắm mắt xuôi tay và đành nhận lời chăm sóc cho hai mẹ con người đàn bà bất hạnh hơn mình kia. “Người đàn bà đi tu chỉ vì không hy vọng tìm được một chút hạnh phúc trần thế và sự xa vợ của ông là dịp may duy nhất trong đời người đàn bà ấy”…Vì vậy mà người đàn bà ấy đã phá giới tu hành, chịu đau khổ và đơn độc một thời khi phải bỏ quê sống trốn tránh và âm thầm chịu đựng trong một ngôi chùa hoang. Chính vì nhận thấy số phận bất hạnh của người đàn bà ấy. Bất hạnh vì yếu và xấu xí và không thể vượt lên được hoàn cảnh của mình, mà người mẹ đã cứu giúp và nâng đỡ người đàn bà ấy bằng tình thương, bằng lòng bao dung độ lượng.
Phương trong Phiên chợ người cùi là một người phụ nữ đẹp, sang trọng, chuyên bận màu xám, ở trong một ngôi nhà kín cổng cao tường, với một cô con gái xinh đẹp và một người chồng danh giá. Chị được xem như "vật báu", hễ đi đâu xa chồng đều tháp tùng,“ mắt ông loé lên vừa ghen tuông vừa hãnh diện khi trông thấy bọn đàn ông trên đường cứ bị hút hồn theo chị”. Vậy mà ông không thể vượt qua nổi định kiến khi biết chị mắc bệnh hủi. Ông xa lánh
hắt hủi, không cho chị gần con vì sợ “ảnh hưởng tới thanh danh gia đình, con cái về sau này cũng khó lấy chồng”… Xót xa hơn khi tấm vé xuất viện của chị không đủ thuyết phục gia đình, họ không thể quen được bàn tay cụt ngón của Phương, ai cũng xa lánh và ghẻ lạnh với chị. Gần nửa năm làm khách lạ trong ngôi nhà của mình, chị đã lặng lẽ ra đi và sống cuộc đời những năm cuối có ý nghĩa ở trại phong Quy Hoà cũng như gắng dự hết đời mình “những phiên chợ người cùi”. Viết về những người như Phương, nhà văn Võ Thị Hảo đã gửi gắm sự cảm thông, chia sẻ, bênh vực sâu sắc cho những người phụ nữ bất hạnh và đó là tiếng nói mang giá trị nhân bản cao cả và sâu sắc. Chính là phụ nữ nên nhà văn Võ Thị Hảo luôn quan tâm đến cuộc đời, số phận, vị thế cũng như quyền lợi của những người phụ nữ trong xã hội hiện nay. Người đàn bà Âu lạc trong Hành trang người đàn bà Âu lạc luôn mang trên vai những trách nhiệm nặng nề, hành trang mỗi ngày một thêm trĩu nặng bởi một bên con, một bên chồng, một bên là những triết lí, tôn giáo đạo phu thê, công dung ngôn hạnh…Sự mỏi mệt khiến nàng biết bao lần định dừng lại bên vệ đường để quẳng bớt đi một vài thứ trong gánh nặng mình mang và đến thể kỷ giải phóng phụ nữ, túi hành trang của họ còn được chất thêm những mỹ từ của thời đại mới, “mỗi mỹ từ lại óc ách đầy những giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu của người đàn bà, những sợi tóc bạc, những vết nhăn nheo trước tuổi”. Có thể thấy, đặt ra trong tác phẩm là câu hỏi, đến bao giờ số phận người phụ nữ mới bớt bị chi phối bởi quá nhiều các yếu tố, mà yếu tố nào cũng đều là gánh nặng với họ?
Cùng với những bi kịch của nhân vật nữ trong các truyện ngắn, thì ở tiểu thuyết Giàn thiêu, Võ Thị Hảo đã xây dựng những nhân vật nữ “không tì vết” nhưng cũng để họ phải chịu chung số phận bất hạnh như những người phụ nữ khác bởi:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạch mệnh cũng là lời chung
(TruyệnKiều - Nguyễn Du)
Dẫu Võ Thị Hảo đã ý thức và dành nhiều ưu ái hơn với họ, để họ hiện lên qua những sắc màu của huyền thoại nhưng cuộc đời của những người phụ nữ này vẫn không tránh khỏi hai chữ “bạc mệnh”và số phận bi kịch khi vướng vào tình yêu. Trong Giàn thiêu tình yêu của những người phụ nữ này luôn gắn với khát vọng sống và khát vọng hạnh phúc.Thật vậy: “Chỉ khi nào con người bước vào thế giới của tình yêu thì lúc đó con người mới thực sự được sống với đúng nghĩa của nó” (Danh ngôn phương Tây).
Tình yêu trong tiểu thuyết lịch sử của Võ Thị Hảo không phải là thứ tình yêu “thượng lưu” của những tài tử- giai nhân, của vua chúa và mĩ nhân mà là tình yêu đời thường bởi vậy nó hiện lên với muôn mặt và dư vị riêng của nó. Nhuệ Anh là cô gái bước ra từ “vườn yêu” của Võ Thị Hảo, băng qua một đại lộ có tên là lịch sử và ùa đến cuộc đời Từ Lộ - Thần Tông để làm một niềm khát yêu cháy bỏng- nhưng rồi chính mình lại bị thiêu đốt đau đớn trong ngọn lửa thù hận và tham vọng của người tình. Bằng những nhạy cảm và mặc cảm của thân phận người phụ nữ - yêu, Võ Thị Hảo đã để lại trong sáng tác của mình một vườn yêu riêng cho những người phụ nữ. “Vườn yêu” đẹp nhưng không phải là địa đàng trong huyền thoại, những linh hồn yêu ở đó trinh nguyên, thoát tục nhưng không thoát được nỗi đau trần thế, cứ co ro quằn quại giữa cơn khát tình yêu và nỗi lo sợ trong tiềm thức mà không dám đón nhận tình yêu từ phía cuộc đời. Nhuệ Anh là cô gái thứ bao nhiêu trong khu vườn địa giới ấy. Nàng chỉ khác với Thảo, với Trang với Thuận hay Phương
… nhưng không xa lạ với họ, vì với nàng cũng là tình yêu và nỗi đau…Cuộc đời nàng cũng có thể nói được kể lại bằng hai chữ "lẽ ra". Lẽ ra nàng đã được hưởng hạnh phúc. Tác giả đã rất có ý thức giữ gìn nâng niu hạnh phúc cho
một người con gái khi choàng lên nàng bầu không khí run rẩy rạo rực của tình yêu trước khi để nàng xuất hiện. Dung nhan nàng hiện lên trong nét bút ngập tràn yêu thương của Từ Lộ, cả “cái thần thái của đường mày màu khói nhạt đa đoan đến não lòng”, cũng được cảm thấu và chuyển tải trên cây đèn lồng mỹ nhân, chứng tỏ một sự trân trọng của người yêu và sự hoà quyện giữa hai tâm hồn. Không gian yêu nồng nàn đầy hứa hẹn hạnh phúc của người con gái đang đến gần…vậy mà lại ở rất xa. Cơn gia biến của nhà Từ Lộ ập đến, lòng hận thù khiến chàng buộc phải hắt hủi tình yêu với Nhuệ Anh. Nhưng Nhuệ Anh lại rũ bỏ tất cả vàng bạc, sang giàu, cả sự yên ổn an phận để đi kiếm tìm hạnh phúc của đời mình. Đây là nét riêng so với những người con gái khác vì trong sáng tác của Võ Thị Hảo, rất ít người dám đi kiếm tìm tình yêu bởi đôi khi ngay cả đến yêu họ cũng còn không dám. Kiếm tìm để hiến dâng, để oà vào vòng tay người yêu mà thổn thức “Từ Lộ… em là vợ chàng! để thụ lãnh và biết ơn người đã mang lại cho nàng niềm khoái lạc mênh mang và nỗi đau đớn trần thế kỳ diệu” [15,tr.211-212 ]. Bản chất của sự chủ động mạnh mẽ, dũng cảm này là một sự thụ động đầy nữ tính, đôi chân nàng để cho tình yêu cuốn đi tất cả những con đường Từ Lộ từng qua. Cũng chỉ có người con gái mà sự cả tin đã trở thành một bản tính của giới, mới có thể tin vào trực cảm của mình đến mức mãnh liệt để thả mình theo nó.“ Một linh cảm mơ hồ khiến nàng hiểu rằng Từ Lộ sẽ đi qua những con đường này. Và nỗi bước nàng lại cảm thấy như mình đang đặt chân lên dấu chân chàng vừa đi qua. Khi đến bến Đá Sông Gâm, cảm giác đó lại cồn cào… nàng neo lại, đợi chờ một điều gì đó còn mơ hồ nhưng bằng trái tim tội nghiệp đang thổn thức trong ngực, nàng biết nó đang tới”….Nó là cái đêm được hưởng thụ tình yêu, một đêm hạnh phúc duy nhất phải trả giá bằng nỗi cô đơn của cả một cuộc đời và chỉ có những người con gái yêu mới chấp nhận một cái giá quá đắt như thế, ở đây Võ Thị Hảo đã có sự gặp gỡ với nhà thơ Xuân Quỳnh ở những câu thơ: