Nghiên cứu việc làm của lao động qua đào tạo nghề ở Việt Nam - 16


động sang các khu vực khác (571.109 người). Tuy nhiên, không phân biệt được phần lao động được đào tạo nghề dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Phần gia tăng việc làm của lao động qua đào tạo nghề trong khu vực công nghiệp và dịch vụ được hình thành từ hai luồng là lao mới gia nhập thị trường lao động hoặc mới được đào tạo nghề và một luồng lao động từ khu vực nông nghiệp chuyển sang.

2.3.4. Chương trình việc làm quốc gia

Giai đoạn 2001-2005 Quỹ Quốc gia về việc làm đã hỗ trợ cho vay 94 nghìn dự án, tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lao động. Chương trình Việc làm quốc gia đã tạo việc làm cho 350 nghìn lao động/năm, trong đó chủ yếu là lao động qua đào tạo nghề. Một số mô hình tạo việc làm có hiệu quả như: sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Đồng Kỵ- Bắc Ninh, dệt thổ cẩm ở Ninh Thuận, Hoà Bình, gốm sứ ở Đồng Nai; phát triển trang trại ở Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bến Tre, Hậu Giang; dự án nuôi cá lồng bè trên biển đạt hiệu quả ở Hải Phòng, Quảng Ninh. . .

Đối tượng chủ yếu của chương trình việc làm quốc gia là các cơ sở sản xuất kinh doanh (Doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại, làng nghề…) có khả năng tạo nhiều việc làm mới cho lao động; các hộ gia đình; các đối tượng yếu thế: lao động là người tàn tật, lao động nữ, lao động khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động là người dân tộc…

Riêng đối với đối tượng lao động nông thôn bị thu hồi đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng. Một số tỉnh/Thành phố có chính sách cụ thể giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất như Đà Nẵng, Nam Định đã hỗ trợ doanh nghiệp kinh phí để đào tạo, kèm cặp nghề và giải quyết việc làm cho lao động. Ngoài ra các địa phương hỗ trợ phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, mở rộng sản xuất và dịch vụ gắn với phục vụ các khu công nghiệp, khu chế xuất (Bình Dương, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam ….). Kết quả đã giải quyết việc làm cho khoảng 55.000 lao động/năm [21].


Giai đoạn 2001-2005, đất thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp là 366.440 ha, chiếm 3,89% đất sản xuất nông nghiệp đang sử dụng. Bình quân mỗi năm

73.288 ha, ảnh hưởng đến 600.000 hộ nông dân, 950.000 lao động và trên 2,5 triệu nông dân. Theo ước tính, với mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ ảnh hưởng đến việc làm của trên 10 lao động nông nghiệp [21]. Lượng lao động bị thu hồi đất cần phải giải quyết việc làm hiện nay lên đến 3,6 triệu người, là một sức ép lớn về việc làm và đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động di cư.

2.3.5. Việc làm thông qua xuất - nhập khẩu lao động

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 209 trang tài liệu này.

Xuất khẩu lao động là một hướng tạo việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bình quân hàng năm cả nước xuất khẩu được 80.000 lao động đi làm việc ở hơn 40 quốc gia trên thế giới và thu về khoảng 1,7 tỷ đô la. Hiện chúng ta có khoảng 500.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, năm 2007 cả nước xuất khẩu được 85.020 lao động. Một số thị trường lao động đang thu hút lao động Việt nam và thu nhập của lao động tương đối cao là Hàn Quốc, Nhật, Đài loan, Cộng hòa Séc. Một số tỉnh thành, địa phương có lượng người đi xuất khẩu lớn như Nghệ an, Hà Tĩnh, Thanh hóa, Bắc Giang, Phú thọ v.v…

Số lao động đi làm việc ở nước ngoài khoảng 30 nhóm ngành thu hút được lao động qua đào tạo nghề như cơ khí chế tạo, xây dựng, lắp ráp điện tử, dệt may, thuyền viên tàu đánh cá và tàu vận tải, dịch vụ xã hội (giúp việc gia đình, chăm sóc người bệnh). Lao động các nghề đặc thù như thuyền viên vận tải biển, lao động trong ngành đóng và sửa chữa tàu biển... trên thực tế dạy nghề, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng được tiến hành tại doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đa ngành nghề trong đó có chức năng xuất khẩu lao động) có đủ điều kiện như Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ, Tổng công ty Hàng hải...

Nghiên cứu việc làm của lao động qua đào tạo nghề ở Việt Nam - 16

Đa phần lao động xuất khẩu là lao động không nghề hoặc chỉ được huấn luyện, giới thiệu nghề ngắn ngày do các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức. Lao động đi làm việc ở nước ngoài có nghề chiếm tỷ lệ thấp (27,5%) trong tổng số


lao động xuất khẩu, bình quân số lượng lao động qua đào tạo nghề đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài tương đương khoảng 135.000 người [99].

Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay đó là việc nhập khẩu lao động. Theo Báo cáo của Bộ LĐTBXH: "Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt nam đang gia tăng, năm 2005 là 21.200 người, năm 2006 là 34.100 người chủ yếu là lao động có CMKT và quản lý, làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh thuộc 50 lĩnh vực, ngành nghề khác nhau" [19, tr.7]. Như vậy, năm 2006, nhập khẩu khoảng 13.000 lao động nước ngoài có CMKT cao vào làm việc tại Việt nam và xuất khẩu 23.380 lao động có nghề đi làm việc ở nước ngoài (27,5%). Với xu hướng gia tăng lao động nhập khẩu này, trong tương lai chúng ta sẽ xuất khẩu lao động không có trình độ, thu nhập thấp để đổi lấy việc nhập khẩu lao động nước ngoài có trình độ CMKT cao, chi phí cao. Đây là một vấn đề cần phải có cách nhìn nhận, những nghiên cứu và giải pháp chính sách thích hợp để vừa thúc đẩy việc làm của lao động qua đào tạo nghề trong nước thay thế nhập khẩu vừa có thể xuất khẩu lao động có nghề, tiền lương và thu nhập cao.

2.3.6. Chính sách sử dụng lao động qua đào tạo nghề

Chính sách việc làm có thể hình dung với hai nhóm: (i) chính sách tạo việc làm như đã trình bày ở trên, và (ii) các chính sách sử dụng lao động. Người lao động là lao động qua đào tạo nghề, lao động có CMKT bậc cao hay lao động chuyên gia, quản lý về cơ bản đều tuân thủ khung pháp lý lao động, việc làm cao nhất là Bộ Luật Lao động.

Chính sách sử dụng lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh dựa cơ bản trên Bộ Luật lao động đã tạo điều kiện để quan hệ lao động hài hòa phát triển và thu hút lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Đây là điểm căn bản tiến bộ của Bộ Luật Lao động trong một thời gian dài áp dụng và điều chỉnh. Trong đó quan hệ hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động trên cơ sở thỏa thuận, mọi tổ chức cá nhân với các điều kiện cơ bản về việc làm, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, tiền lương và thu nhập, sa thải, mất việc làm đều tuân thủ trình tự và thủ tục theo các điều khoản của Luật. Qua quá trình thực hiện Bộ Luật nhìn chung


khung pháp lý là phù hợp với điều kiện hiện nay của Việt nam. Điểm hạn chế là quá trình thực hiện, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực phi kết cấu có sử dụng lao động nhưng đang cố tình né tránh các trách nhiệm liên quan đến hợp đồng, tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, điều kiện bảo hộ và an toàn lao động, chế độ sa thải v.v…

Các chính sách cụ thể như tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, các chế tài liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng lao động trong doanh nghiệp. Nhà nước khuyến khích sử dụng, tuyển dụng lao động có tay nghề trong các doanh nghiệp.

2.3.6.1. Chính sách tiền lương

Chính sách tiền lương có những qui định mở căn bản cho các doanh nghiệp sử dụng lao động, tiền lương tối thiểu, từ đó các doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương cho mình. Cho đến nay, chính sách tiền lương đã có nhiều đổi mới đảm bảo quyền tự chủ của doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Mức lương tối thiểu được Chính phủ công bố, điều chỉnh trên cơ sở cung cầu lao động, khả năng kinh tế và chỉ số giá sinh hoạt theo từng thời kỳ để bảo vệ người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Đây là mức sàn thấp nhất mà các doanh nghiệp không được trả thấp hơn, nhưng được quyền trả cao hơn tuỳ theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Mức lương tối thiểu hiện nay cho tất cả các khu vực, ngành, vùng khác nhau là 540.000 đồng. Với các khu vực khác nhau như khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, các mức là 800.000 đồng/tháng áp dụng từ 1/1/2008 với tất cả các vùng, mức cao nhất là Hà nội, TP HCM có tính đặc thù là 1 triệu đồng. Trên cơ sở tiền lương tối thiểu các doanh nghiệp tự xây dựng thang, bảng lương cho doanh nghiệp mình để sử dụng, trong đó quan trọng có hai vấn đề là phải thỏa thuận với công đoàn cơ sở và phải đăng ký ở cơ quan quản lý lao động địa phương.

Thực tế trong quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vấn đề thang bảng lương không có ưu đãi, khuyến khích sử dụng lao động qua đào tạo nghề. Qui định tiền lương đối với lao động đã qua đào tạo nghề phải ít nhất cao hơn 7% so với lương


tối thiểu (Điều 2.2, Nghị định số 168/2007/ NĐ-CP ngày 16/11/2007). Nhưng khi xây dựng thang, bảng lương các doanh nghiệp đã né tránh khi vận dụng một trong hai cách để xây dựng cơ chế trả lương trong doanh nghiệp là qui chế tiền lương và thỏa thuận tiền lương. Vì qui chế tiền lương là bắt buộc, luật cho phép người sử dụng lao động quyết định có tham khảo ý kiến của công đoàn cơ sở, nên doanh nghiệp luôn đặt ở mức thấp nhất có thể. Khi đó, "qui chế tiền lương lại khống chế kết quả thỏa thuận tiền lương, kìm hãm khả năng thương lượng" [108, tr.219].

Hệ thống thang lương, bảng lương trong các doanh nghiệp nhà nước hiện nay chưa thể hiện đúng bảng giá nhân công, và chưa phù hợp với cơ chế thị trường mà chủ yếu dùng để tính, đóng hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Cơ chế tiền lương trong khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa theo thị trường chưa thu hút và khuyến khích người có trình độ CMKT cao. Nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa đăng ký thang bảng lương, nhiều doanh nghiệp lợi dụng trả lương cho lao động qua đào tạo nghề chỉ cao hơn lương tối thiểu 2-5%. Một số các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa thực hiện nghiêm túc các qui định của pháp luật về tiền lương, tiền công đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động, mức tiền công thường xuyên bị ép xuống thấp, dẫn đến nhiều phát sinh tranh chấp lao động.

2.3.6.2. Chính sách bảo hiểm xã hội

Chính sách bảo hiểm xã hội gắn với việc làm của người lao động và sự vận hành của thị trường lao động. Khung pháp lý hiện hành cao nhất hiện nay là Luật bảo hiểm xã hội ban hành tháng 6/2006. Hiện tại, tình hình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của nước ta đang rất thấp. Trong khoảng 11 triệu lao động làm công ăn lương chỉ có khoảng 6,2 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (chiếm 15% lực lượng lao động). Trong đó đối tượng chủ yếu vẫn thuộc cơ quan khu vực nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Lao động khu vực ngoài quốc doanh tham gia bảo hiểm có xu hướng tăng nhưng mới chỉ chiếm 20% số lao động có quan hệ lao động trong khu vực ngoài quốc doanh [17, tr.4]. Tỷ lệ lao động có quan hệ lao động trong lực lượng lao động của nước ta hiện nay khoảng 25%, và tỷ lệ


tham gia BHXH bắt buộc mới chỉ chiếm 15%, làm cho số người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu có xu hướng giảm xuống (1996: 217 người; năm 2006: 16 người) [17, tr.20-21]. Ngoài ra một hạn chế hiện nay của chính sách này là độ bao phủ còn hẹp, nhiều đối tượng lao động trong khu vực ngoài quốc doanh và khu vực nông nghiệp không có điều kiện tiếp cận và tham gia.

Điểm mới có liên quan, tác động nhiều đến việc làm của lao động qua đào tạo nghề từ góc độ của chính sách BHXH đó là chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Điều 83, Luật Bảo hiểm xã hội, ngoài việc đảm bảo quyền lợi thu nhập của người bị thất nghiệp, còn quy định việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động bị thất nghiệp, đồng thời hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động. Người sử dụng lao động và người lao động đều phải có trách nhiệm đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp (1% tiền lương). Đây là chính sách có tác dụng tích cực nhằm đảm bảo an ninh việc làm cho người lao động và phát triển thị trường lao động linh hoạt.

2.3.6.3. Thời giờ làm việc

Các doanh nghiệp nhà nước thực hiện quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật lao động. Tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu như dệt may, giầy da xuất khẩu,...vẫn còn những vi phạm. Theo kết quả điều tra tình hình thực hiện Bộ luật lao động do Viện Khoa học Lao động và Xã hội thực hiện cho thấy, có 12% DNNN có lao động làm thêm giờ bình quân trên 200 giờ/năm; có những doanh nghiệp trong ngành dệt may có thời gian làm thêm giờ trên 300 giờ/năm.

Việc kéo dài thời gian làm việc, giảm tối đa thời gian nghỉ ngơi gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của người lao động. Điều này giảm tính an toàn của việc làm cũng như tính hấp dẫn của các ngành nghề có thời gian làm việc dài như ngành dệt may, da giày, chế biến thực phẩm. Kết quả tỷ lệ dịch chuyển lao đông khá cao trong các ngành nghề này, dẫn đến tăng chi phí lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu nhập của người lao động thấp.

Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa thực hiện tốt các quy định theo pháp luật lao động của Việt Nam. Điều tra của Viện Khoa học lao động


và xã hội đối với 251 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho thấy, một số doanh nghiệp (20%) vi phạm thời giờ làm thêm (trên 200 giờ/năm) [106].5 Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt, may, da giầy, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất giấy.

Lao động phần lớn nằm trong khu vực phi kết cấu, nhưng đây cũng là khu vực thực hiện chính sách thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi kém nhất. Kết quả một số cuộc điều tra về khu vực phi kết cấu cho thấy thời gian làm việc trung bình của lao động làm thuê là 8,61 giờ/ngày, 6 ngày/tuần, và 11,34 tháng/năm; người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ làm việc trung bình là 48,8 giờ/ngày. So với mức bình quân của lao động trong khu vực nhà nước thì lao động ở khu vực phi kết cấu có thời giờ làm việc bình quân cao hơn khoảng 36%.

Khu vực nhà nước được coi là khu vực có nhiều việc làm tốt (về điều kiện lao động), trong khi đó khu vực tư nhân, kinh tế hộ được coi là khu vực có tỷ lệ việc làm tốt không nhiều. Giảm khả năng tạo việc làm của nền kinh tế khi nhu cầu tăng lao động được giải quyết bằng cách tăng thời gian lao động chứ không phải là tuyển mới. Đây cũng là một trong những lý do giả thích cho việc các doanh nghiệp tư nhân không hấp dẫn đối với lao động qua đào tạo nghề.

Thực tế trong thời gian gần đây cho thấy, do thời gian làm việc quá căng thẳng cũng như không thực hiện các lợi ích đối với người lao động khi làm thêm giờ trong các doanh nghiệp không đúng với qui định của Bộ luật lao động (thường người lao động được trả lương làm thêm giờ thấp hơn mức quy định), nhiều cuộc đình công, lãn công đã nổ ra. (hơn 90% các cuộc đình công, lãn công đòi bảo đảm các quyền lợi về tiền lương, tiền thưởng; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi...).

2.3.7. Một số hạn chế về chính sách tạo việc làm và sử dụng lao động

Chính sách việc làm đã hỗ trợ tích cực cho thị trường lao động, số lao động tham gia thị trường ngày một tăng, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị và tăng


5 Theo kết quả điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, có khoảng 7% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện không đúng các quy định. Các vi phạm chủ yếu là về thời gian làm thêm giờ (chiểm 73% tổng số các doanh nghiệp vi phạm)


tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, qui mô tạo việc làm còn hạn chế, chất lượng việc làm thấp, do lao động vẫn bị dồn nén trong khu vực năng suất lao động thấp. Một số hạn chế cụ thể như sau :

+ Hàng năm, 49,5% việc làm trong nông lâm ngư nghiệp được tạo ra từ các chương trình phát triển kinh - tế xã hội. Đây là những việc làm có năng suất lao động thấp, thu nhập thấp, không ổn định, dễ bị tổn thương..

+ Quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa gắn với kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, dẫn tới thiếu lao động, đặc biệt là lao động có CMKT.

+ Các chương trình phát triển kinh tế-xã hội chưa đưa chỉ tiêu tạo việc làm mới vào như một chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư, dẫn đến chưa có kế hoạch về lao động làm cho thiếu chủ động nguồn cung lao động.

+ Lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu là lao động phổ thông, phần lớn việc làm của họ ở nước ngoài là lao động giản đơn với thu nhập thấp.

+ Chương trình cho vay vốn sản xuất, chất lượng việc làm và hiệu quả đầu tư chưa cao vì vốn vay hạn hẹp, món vay nhỏ nên tác động đến tạo việc làm rất hạn chế, chủ yếu mới cải thiện được tình trạng việc làm và tạo thêm những việc làm đơn giản và sử dụng lao động phổ thông là chủ yếu.

+ Các chính sách tiền lương, tiền công, BHXH, gắn liền với việc phân biệt, khuyến khích lao động có CMKT, có tay nghề các chế độ đãi ngộ khác hoặc chế độ khuyến khích đầu tư phát triển kỹ năng chưa hiệu quả. Các doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt các chế độ BHXH thì các chế độ về tiền lương lại không khuyến khích lao động có nghề. Khu vực ngoài quốc doanh có cơ chế tiền lương linh hoạt thì lại né tránh các trách nhiệm đảm bảo việc làm tốt cho người lao động. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thì tận dụng những điểm yếu của Luật để ép và hạn chế tăng lương, né tránh trách nhiệm, đặc biệt các khu vực sử dụng nhiều lao động, tính chất gia công lớn như dệt may, da giày, chế biến thủy sản, chế biến gỗ, cao su, hóa chất v.v…..

Xem tất cả 209 trang.

Ngày đăng: 06/10/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí