Nghiên cứu về tác động của trách nhiệm xã hội đến thành quả hoạt động của các doanh nghiệp ở Việt Nam - 9


đó, mức độ CBTT về nguồn nhân lực khá thấp ở Việt Nam cũng như các nước đang phát triển. Qua đó, gia tăng yêu cầu về nâng cao chất lượng của báo cáo thường niên của các doanh nghiệp có niêm yết ở Việt Nam, đặt ra yêu cầu đối với các nhà quản lý trong việc nâng cao nhận thức về việc cung cấp và cập nhật thông tin, dữ liệu trên báo cáo, làm cơ sở cho các quyết định kinh doanh đúng đắn và kịp thời.

b. Các nghiên cứu về sự tác động của TNXH đến thành quả hoạt động của các doanh nghiệp ở Việt Nam

Trong nghiên cứu, vấn đề TNXH nói chung và tác động TNXH đến thành quả hoạt động doanh nghiệp ở Việt Nam còn rất hạn chế về số lượng và chất lượng. Chưa có nhiều nghiên cứu ở Việt Nam về tác động của trách nhiệm xã hội đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào phân tích tác động của TNXH đến thành quả ở khía cạnh tài chính.

Hồ Ngọc Thảo Trang và Yekini (2014) đã điều tra mối quan hệ giữa các vấn đề xã hội và thành quả ở khía cạnh tài chính của doanh nghiệp Việt Nam. Nhóm tác giả sử dụng mẫu nghiên cứu trong phạm vi khá nhỏ, bao gồm 20 công ty với dữ liệu trong ba năm từ 2010 đến 2012. Trong đó, thành quả TNXH được đo lường bằng phương pháp phân tích nội dung theo chỉ số mức độ CBTT dựa trên danh mục của Gray & cộng sự (1995) bao gồm sáu nội dung: môi trường, năng lượng, sản phẩm, quan hệ khách hàng, cộng đồng, nhân sự. Thành quả tài chính được đánh giá theo các thước đo kế toán như chỉ số ROA, ROE và ROS. Mô hình nghiên cứu được kiểm soát bởi quy mô doanh nghiệp và rủi ro thị trường. Nghiên cứu đã kết luận rằng TNXH có quan hệ tích cực với ROA nhưng lại không có mối quan hệ với quy mô doanh nghiệp. Sử dụng cùng phương pháp phân tích nội dung để đánh giá thành quả TNXH, Nguyễn Thị Ngọc Bích & cộng sự (2015) lại nghiên cứu mối quan hệ giữa CBTT TNXH và giá trị doanh nghiệp tại Việt Nam, tức là thành quả tài chính được đo lường theo thước đo thị trường. Mẫu nghiên cứu bao gồm 50 công ty thuộc 9 ngành nghề khác nhau, có niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) và Hà Nội (HNX) được điều tra từ năm 2010 – 2013. TNXH được đánh giá theo 4 khía cạnh: cộng đồng, môi trường, nhân viên, khách hàng. Tobin’s Q là thước đo giá trị doanh


nghiệp, được kiểm soát bởi sự tăng trưởng doanh thu, đòn bẩy tài chính, quy mô doanh nghiệp và tính thanh khoản. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích hồi quy để phân tích mối quan hệ này, cho ra kết quả rằng mức độ CBTT về môi trường có tác động tích cực đến giá trị doanh nghiệp. Trái lại, CBTT về nhân viên lại có tác động tiêu cực đến Tobin’s Q. Khác với kết quả trong nghiên cứu của Hồ Ngọc Thảo Trang và Yekini (2014), nghiên cứu này không tìm thấy quan hệ của TNXH tổng hợp với giá trị doanh nghiệp.

Một nghiên cứu khác của Hồ Viết Tiến và Hồ Thị Vân Anh (2017) điều tra sự tác động của TNXH đến thành quả tài chính của doanh nghiệp Việt Nam được xem xét ở các góc độ thị trường và kế toán. Phương pháp phân tích nội dung và hồi quy đa biến được sử dụng làm phương pháp nghiên cứu dựa trên dữ liệu là các báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn 5 năm từ 2012 đến 2016. TNXH bao gồm các khía cạnh môi trường, cộng đồng, người lao động và sản phẩm. Thành quả tài chính được đánh giá bởi ROA và rủi ro thị trường. Mô hình được kiểm soát bởi quy mô, đòn bẩy tài chính và ngành công nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ tích cực giữa CBTT TNXH tổng hợp cũng như từng thành phần TNXH với thành quả tài chính. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa mức độ CBTT về người lao động và thành quả tài chính không được thể hiện rõ ràng. Trong mọi trường hợp, trách nhiệm với môi trường và sản phẩm đều có tác động tích cực đối với thành quả tài chính.

Khác với cách tiếp cận về TNXH của các nghiên cứu kể trên, trong nghiên cứu của Châu Thị Lệ Duyên & cộng sự (2014) và Hoàng Cửu Long (2015) đã đánh giá TNXH theo hoạt động bằng việc điều tra, khảo sát các doanh nghiệp. Châu Thị Lệ Duyên & cộng sự (2014) đã kiểm định mối quan hệ giữa thực hiện TNXH, lợi ích kinh doanh và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp ở thành phố Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu đã xác định thang đo mức độ thực hiện trách nhiệm xã hội gồm ba thành phần: chất lượng tổ chức (đáp ứng khách hàng và nhân viên), quan hệ xã hội (đáp ứng nhà cung cấp và cộng đồng xã hội) và bảo vệ môi trường với 14 thuộc tính. Thang đo lợi ích kinh doanh gồm hai thành phần: gắn kết với tổ chức và thu hút nguồn lực


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 279 trang tài liệu này.

với 9 thuộc tính. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy việc tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội tác động mạnh và thuận chiều đến sự gia tăng lợi ích kinh doanh, đồng thời sự gia tăng lợi ích kinh doanh tác động mạnh và thuận chiều đến hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Nghiên cứu đóng góp mô hình lý thuyết về quan hệ giữa trách nhiệm xã hội, lợi ích kinh doanh và hiệu quả tài chính cho các nghiên cứu tiếp theo.

Hoàng Cửu Long (2015) đã tìm hiểu về mối quan hệ giữa sự tác động của định hướng thị trường, TNXH đến thành quả hoạt động trong nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam. Mô hình phân tích kiểm định dựa trên mẫu nghiên cứu của 256 chủ sở hữu, nhà quản lý cấp cao và tổng giám đốc của các doanh nghiệp Việt Nam, được thu thập trên dữ liệu Mekong Data. Bốn khía cạnh của TNXH được sử dụng trong nghiên cứu bao gồm kinh tế, luật pháp, đạo đức, tình nguyện. Sự định hướng thị trường được đánh giá theo ba yếu tố: định hướng khách hàng, định hướng đối thủ cạnh tranh, sự tương tác chức năng nội bộ. Mô hình phân tích cấu trúc (SEM) được sử dụng để đánh giá. Kết quả cho thấy TNXH có tác động tích cực đến thành quả hoạt động. Tuy nhiên, yếu tố pháp luật hầu như không có tác động. Nghiên cứu còn đề xuất đối với các nhà quản lý cấp cao cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của TNXH vì nó giúp tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Mặc dù nghiên cứu đã đánh giá được tác động của TNXH đến thành quả nhưng chỉ dừng lại hai chỉ số thành quả đơn giản.

Nghiên cứu về tác động của trách nhiệm xã hội đến thành quả hoạt động của các doanh nghiệp ở Việt Nam - 9

Phan Thị Thu Hiền (2019) đã phân tích sự ảnh hưởng của TNXH đến hiệu quả tài chính, khả năng tiếp cận vốn, lòng trung thành của khách hàng, sự hài lòng của nhân viên. Nghiên cứu dựa trên dữ liệu của các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam. Trong đó, TNXH được xem xét theo các nội dung là trách nhiệm đối với cộng đồng, người lao động, nhà cung cấp, nhà đầu tư, sử dụng phương pháp điều tra khảo sát. Hiệu quả tài chính được đánh giá theo khả năng sinh lời, tăng trưởng của doanh nghiệp. Bằng cách phân tích mô hình cấu trúc SEM tác giả đã tìm thấy sự tác động tích cực và trực tiếp từ TNXH đến hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, nghiên cứu xác nhận


chưa có đầy đủ minh chứng để kết luận TNXH có ảnh hưởng gián tiếp đến hiệu quả tài chính thông qua một số các yếu tố trung gian phi tài chính.

Phân tích mức độ công bố thông tin phát triển bền vững trong mối quan hệ với chất lượng thông tin kế toán và hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết tại Việt Nam, Nguyễn Thị Thu Nguyệt (2022) đã đánh giá TNXH dựa theo các nội dung của chuẩn mực GRI với các khía cạnh kinh tế, môi trường, xã hội. Dữ liệu được thu thập dựa trên các báo cáo phát triển bền vững của 226 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Hiệu quả hoạt động được xem xét trên các chỉ số tài chính ROA, ROE, ROS, Tobin’s Q. Bằng phương pháp phân tích hồi quy, nghiên cứu đã tìm thấy sự ảnh hưởng tích cực của mức độ công bố thông tin phát triển bền vững đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán ở Việt Nam.

Tóm lại, kết quả thực nghiệm của đa số các nghiên cứu về tác động của TNXH đến thành quả hoạt động tại Việt Nam cho thấy TNXH có tác động tích cực đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp. Hầu hết các nghiên cứu đều đánh giá thành quả TNXH theo chỉ số mức độ CBTT TNXH thu thập trên báo cáo thường niên (Hồ Ngọc Thảo Trang và Yekini, 2014; Nguyễn Thị Ngọc Bích & cộng sự, 2015; Hồ Viết Tiến và Hồ Thị Vân Anh, 2017). Tuy nhiên, các chỉ số đo lường mức độ CBTT TNXH ở các nghiên cứu này còn khá đơn giản, chỉ tập trung đánh giá số lượng thông tin công bố. Ngoài ra, các nội dung khác nhau trong TNXH được đánh giá ngang bằng nhau, không có trọng số giữa các khía cạnh, giữa các ngành nghề khác nhau. Vì vậy, chưa thể đánh giá được mức độ quan trọng của các nội dung khác nhau trong TNXH, cũng như sự khác biệt về CBTT TNXH giữa các ngành nghề. Các nội dung liên quan đến TNXH được nhận xét theo nhiều khía cạnh khác nhau và không trùng lắp giữa các nghiên cứu. Mặc dầu vậy, các nội dung chưa thực sự bao quát về TNXH vì không được dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế về CBTT TNXH như GRI, SA8000 hay ISO26000. Phạm vi nghiên cứu thường nhỏ, mẫu nghiên cứu chỉ từ 20 đến 50 doanh nghiệp nên tính tổng quát chưa cao. Thành quả hoạt động được đánh giá ở góc độ tài chính, chỉ có một nghiên cứu có quan tâm đến các chỉ số phi tài chính nhưng trong phạm vi nhỏ (Châu Thị Lệ Duyên & cộng sự, 2014).


1.3.4. Đánh giá khoảng trống nghiên cứu

Qua tổng hợp các tài liệu nghiên cứu trước đây cho thấy rằng các nghiên cứu thực nghiệm về TNXH được thực hiện nhiều ở các nước phát triển so với các nước đang phát triển. Vì trên thực tế những hiểu biết TNXH ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam vẫn còn hạn chế. Từ đó, tác giả đánh giá một số khoảng trống trong nghiên cứu liên quan đến từng nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với các nội dung phân tích TNXH, nghiên cứu ở các nước phát triển nhiều hơn so với các nước đang phát triển, với những vấn đề khá đa dạng ở góc nhìn của các bên có liên quan như trách nhiệm đối với cộng đồng, nhà cung cấp, khách hàng, nhà đầu tư. Ngoài ra, nội dung TNXH còn được xem xét dưới góc độ hướng đến phát triển bền vững là hài hoà lợi ích giữa kinh tế, môi trường, xã hội. Nghiên cứu của Váquez (2014), Gallerdo (2014), Wang (2015) đã tìm thấy sự tác động của các TNXH ở các khía cạnh kinh tế, môi trường, xã hội đến TQHĐ. Trong khi đó, ở Việt Nam các nội dung về TNXH thường tập trung về trách nhiệm đối với các bên liên quan như môi trường, năng lượng, sản phẩm, quan hệ khách hàng, cộng đồng, nhân sự (ví dụ: Tạ Quang Bình, 2012; Hồ Ngọc Thảo Trang và Yekini, 2014; Châu Thị Lệ Duyên, 2014; Nguyễn Thị Ngọc Bích & cộng sự, 2015; Hồ Viết Tiến và Hồ Thị Vân Anh, 2017; Phan Thị Thu Hiền, 2019). Gần đây, trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Nguyệt (2022), nội dung về TNXH đã mở rộng các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững với quan điểm TNXH là đảm bảo hài hoà lợi ích cho ba mặt kinh tế, môi trường và xã hội. Tuy nhiên, các nội dung vẫn chưa đầy đủ. Do đó, cần có nghiên cứu về việc thực hiện TNXH doanh nghiệp với các nội dung đa chiều và mở rộng hơn trong ngữ cảnh các doanh nghiệp ở Việt Nam. Cụ thể, ở khía cạnh kinh tế là đạt được mục tiêu lợi nhuận song song với phát triển kinh tế bền vững, sử dụng nguồn lực địa phương. Đồng thời với khía cạnh môi trường, không chỉ dừng ở việc bảo vệ và gìn giữ môi trường mà còn phải sử dụng nguồn năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, tuân thủ pháp luật về môi trường. Đối với nội dung ở khía cạnh xã hội, bên cạnh những vấn đề về khách hàng, nhà cung cấp,


cộng đồng, người lao động cần quan tâm đến những nội dung mới như quyền con người, bạo lực, bình đẳng giới.

Thứ hai, về phương pháp đo lường TNXH, trong các nghiên cứu về tác động của TNXH đến thành quả hoạt động ở các nước phát triển, phương pháp đo lường TNXH được sử dụng khá đa dạng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đa số các nghiên cứu tập trung vào phương pháp đánh giá chỉ số phản ánh mức độ CBTT TNXH (Hồ Ngọc Thảo Trang và Yekini, 2014; Nguyễn Thị Ngọc Bích & cộng sự, 2015; Hồ Viết Tiến và Hồ Thị Vân Anh, 2017; Nguyễn Thị Thu Nguyệt, 2022). Đặc biệt, đối với trường hợp của Việt Nam, việc CBTT TNXH chỉ có yêu cầu đối với các công ty cổ phần có niêm yết trên sàn chứng khoán. Vì vậy, việc đánh giá TNXH của doanh nghiệp dựa trên các thông tin công bố chưa khai thác được tổng quát thực tế. Hơn nữa, chưa có nhiều nghiên cứu về TNXH bằng phương pháp đánh giá việc thực hiện TNXH thông qua điều tra, khảo sát ở Việt Nam. Châu Thị Lệ Duyên (2014) có thực hiện nghiên cứu theo phương pháp này nhưng với mẫu nhỏ 50 doanh nghiệp ở Cần Thơ, Phan Thị Thu Hiền (2019) chỉ nghiên cứu trường hợp các doanh nghiệp ngành dệt may. Do đó, cần có nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn đối với các doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề để có cái nhìn toàn diện về việc thực hiện TNXH ở Việt Nam. Hơn nữa, các nghiên cứu trên thế giới thường sử dụng đơn lẻ một phương pháp đo lường TNXH bằng cách sử dụng dữ liệu sơ cấp hoặc chỉ sử dụng thứ cấp, chưa có những nghiên cứu có sự kết hợp cả dữ liệu sơ cấp và thứ cấp để có cái nhìn toàn diện hơn về TNXH ở cả góc độ công bố thông tin và hoạt động thực hiện TNXH.

Thứ ba, về nội dung đánh giá TQHĐ, trong mối quan hệ với TNXH, cần thiết phải xem xét ở khía cạnh tài chính và phi tài chính. TNXH là một nội dung bao hàm nhiều khía cạnh (như đã đề cập ở khoảng trống thứ nhất), do đó xem xét thành quả hoạt động ở khía cạnh tài chính và phi tài chính mới có thể đánh giá toàn diện sự tác động của TNXH đến TQHĐ. Mặc dầu vậy, các nghiên cứu tại Việt Nam chủ yếu phân tích về tác động của TNXH đến thành quả ở khía cạnh tài chính. Trong đó thành quả tài chính thường được đánh giá dựa trên các chỉ số đo lường bằng phương pháp kế toán, hoặc thước đo thị trường (ví dụ: Hồ Ngọc Thảo Trang và Yekini, 2014;


Nguyễn Thị Ngọc Bích & cộng sự, 2015; Hồ Viết Tiến và Hồ Thị Vân Anh, 2017). Ngoài ra, trên thế giới có nghiên cứu của Sweeney (2009), Mishra (2010), Martinez & cộng sự (2017) đã có những phân tích về tác động của TNXH đến TQHĐ, trong đó có kết hợp các chỉ số tài chính và phi tài chính như sự thoả mãn khách hàng, khả năng thu hút tuyển dụng nhân viên, khả năng cải tiến sản phẩm. Một số ít nghiên cứu ở Việt Nam đánh giá sự tác động của TNXH đến các khía cạnh phi tài chính như lòng trung thành của khách hàng, sự thoả mãn của người lao động, danh tiếng của doanh nghiệp (ví dụ: Châu Thị Lệ Duyên & cộng sự, 2014; Phan Thị Thu Hiền, 2019). Tuy nhiên, trong các nghiên cứu này các yếu tố phi tài chính và tài chính chưa có cơ sở để xây dựng vững chắc theo một nền tảng. Vì vậy, cần thiết phải có những nghiên cứu về tác động của TNXH đến TQHĐ được phân tích dựa theo thẻ điểm cân bằng để có cái nhìn tổng thể về sự ảnh hưởng của 2 nhân tố này. Trên cơ sở đó, thành quả phi tài chính có thể được xem xét ở những khía cạnh như khả năng học hỏi và phát triển, quy trình nội bộ và khách hàng.

Thứ tư, sự tác động của TNXH đến thành quả hoạt động ở khía cạnh tài chính qua các trung gian là thành quả ở các khía cạnh phi tài chính như lòng trung thành khách hàng, sự hài lòng của nhân viên sẽ gia tăng đã được chứng minh trong các nghiên cứu trước đây (ví dụ: Sweney, 2009; Mishra, 2010; Gallardo, 2014; Martinez & cộng sự, 2017). Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Phan Thị Thu Hiền (2019) lại cho rằng chưa có minh chứng để nhận định tồn tại mối quan hệ gián tiếp này. Vì vậy, vấn đề này cần có những nghiên cứu tiếp theo để làm rõ nguyên nhân. Do đó, nghiên cứu về sự tác động gián tiếp của TNXH đến thành quả tài chính thông qua các trung gian là thành quả ở khía cạnh khách hàng, quy trình nội bộ, học hỏi và phát triển cần được thực hiện đối với trường hợp các doanh nghiệp ở Việt Nam là điều cần thiết.

Thứ năm, mối quan hệ nhân quả của các khía cạnh đánh giá TQHĐ, đã được chứng minh theo nền tảng thẻ điểm cân bằng phát triển bởi Norton và Kaplan (1992). Hơn nữa, trong một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa các thước đo thành quả tài chính và phi tài chính đã thừa nhận rằng các phép đo thành quả phi tài chính có thể là cơ sở để đo lường thành quả tài chính hiện tại hoặc tương lai (ví dụ: Amir & Lev,


1996; Hughes, 2000; Ittner và Lacker, 1998). Trong đó các yếu tố phi tài chính là yếu tố dẫn đạo (lead) và yếu tố tài chính là yếu tố theo sau (lag). Điều này có nghĩa vòng quan hệ tác động từ thành quả ở khía cạnh học hỏi và phát triển đến khía cạnh quy trình nội bộ, từ đó tác động đến khía cạnh khách hàng, cuối cùng là khía cạnh tài chính (Hoque, 2014; Kumar & cộng sự, 2021). Tuy nhiên, có rất ít nghiên cứu thực nghiệm về các mối quan hệ nhân quả giữa các khía cạnh khác nhau trong thẻ điểm cân bằng, đặc biệt trong trường hợp của Việt Nam chưa có nghiên cứu tiền nhiệm về mối quan hệ nhân quả này. Nghiên cứu trong tương lai có thể điều tra xem liệu mối quan hệ nhân quả giữa các quan điểm cân bằng có thể là kết quả của tạo điều kiện học tập chiến lược của tổ chức và nhân viên và có thể đánh giá tác động đến kết quả chiến lược của tổ chức (Chenhall và Moers, 2007).

Cuối cùng, phương pháp nghiên cứu về sự tác động của TNXH đến TQHĐ trong các nghiên cứu trước đây thường được thực hiện bằng dữ liệu sơ cấp hoặc dữ liệu thứ cấp, chưa có nghiên cứu thực hiện theo phương pháp hỗn hợp kết hợp giữa dữ liệu sơ cấp và dữ liệu thứ cấp. Tuy nhiên, theo Flick (2018), việc lập tam giác (triangulation) của các phương pháp bao gồm điều tra về sự khác biệt tiềm ẩn trong kết quả sẽ làm tăng sự tin cậy cho một nghiên cứu. Thực chất, các nội dung của TNXH và TQHĐ rất đa dạng, cần có những nghiên cứu kết hợp về dữ liệu (sơ cấp và thứ cấp) với các cách xử lý dữ liệu khác nhau như kết hợp phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính bình phương tối thiểu riêng phần PLS-SEM và phỏng vấn chuyên sâu, nghiên cứu tài liệu để gia tăng tính tin cậy của kết quả nghiên cứu. Do đó, cần có những nghiên cứu với sự kết hợp phương pháp, kết hợp dữ liệu trong phân tích sự tác động của TNXH đến TQHĐ ở Việt Nam.

Tóm lại, để phân tích tác động của TNXH đến thành quả hoạt động, cần xem xét TNXH theo các nội dung bao quát liên quan các khía cạnh kinh tế, môi trường, xã hội. Đồng thời, sự ảnh hưởng của TNXH đến thành quả thường mang tính lâu dài, do đó, thành quả hoạt động cần được đánh giá ở cả khía cạnh tài chính và phi tài chính. Nhằm tạo ra cơ sở vững chắc cho nghiên cứu, thành quả hoạt động tài chính và phi tài chính đánh giá dựa theo thẻ điểm cân bằng được đề xuất như một phương

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 15/03/2023