cộng sự (2010) dựa trên nghiên cứu được phát triển trong một mẫu của 599 công ty ở 28 quốc gia, phân tích mối quan hệ giữa thành quả TNXH và thành quả tài chính doanh nghiệp theo cả hai hướng nhân quả, trong đó tài sản vô hình làm trung gian. Thành quả TNXH được đo lường bằng phương pháp phiếu điều tra để đánh giá mức độ thực hiện các hoạt động thể hiện TNXH của doanh nghiệp. Thành quả tài chính được xem xét dựa trên nguồn lực tài chính, tài sản hữu hình, đòn bẩy tài chính. Tài sản vô hình là nguồn nhân lực, văn hóa tổ chức, sự cải tiến, danh tiếng. Họ kết luận rằng không có mối quan hệ trực tiếp giữa hai yếu tố này, nhưng có một vòng tròn quan hệ giữa cả hai nhân tố nói trên thông qua tài sản vô hình. Điều đó có nghĩa là đầu tư vào các hoạt động thể hiện TNXH của công ty giúp cải thiện các hiệu quả sử dụng tài sản vô hình dẫn đến gia tăng thành quả tài chính doanh nghiệp, trong đó các tài sản vô hình phải được tái đầu tư để cải thiện thành quả TNXH của công ty. Tương tự, Waddock & Graves (1997) đề xuất rằng thành quả TNXH của công ty và thành quả tài chính doanh nghiệp mang tính hiệp đồng: thành quả TNXH của công ty vừa là yếu tố dự báo vừa là hệ quả của thành quả tài chính doanh nghiệp, từ đó hình thành nên một vòng tròn nhân quả.
Sử dụng cùng phương pháp và thang đo thành quả TNXH như trên, nghiên cứu của Martinez-Conesa & cộng sự (2017) phân tích sự tác động trực tiếp của TNXH đến thành quả hoạt động và sự tác động gián tiếp của TNXH đến thành quả hoạt động trong đó có nhân tố sự đổi mới làm yếu tố trung gian. Thành quả hoạt động của doanh nghiệp được đánh giá bao gồm khía cạnh tài chính (lợi nhuận và ROA) và phi tài chính (khách hàng: dịch vụ, lòng trung thành, mối quan hệ; nhân viên: sự vắng mặt, lòng trung thành, môi trường làm việc). Yếu tố trung gian là sự đổi mới trong doanh nghiệp được nhìn nhận ở góc độ quy trình cải tiến nội bộ và đo lường bằng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, dòng sản phẩm mới được giới thiệu, sự quan tâm của các nhà quản trị cấp cao đến việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Kết quả cho thấy TNXH đều có tác động tích cực đến thành quả hoạt động, sự đổi mới trong doanh nghiệp, đồng thời sự đổi mới đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa TNXH và thành quả hoạt động của doanh nghiệp. Mercedes & cộng sự (2021) phân tích mối
quan hệ trực tiếp giữa TNXH và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được đánh giá bằng giá trị thị trường, khả năng nhận diện thương hiệu, danh tiếng, sự hài lòng của khách hàng, sự hài lòng của nhân viên. Mặt khác đánh giá khả năng trung gian của một số biến như quản trị nguồn nhân lực xanh và kết quả môi trường trong mối quan hệ này. Mô hình phương trình cấu trúc dựa trên phương sai đã được áp dụng cho một mẫu các công ty khách sạn Tây Ban Nha trong nghiên cứu này. Kết quả thu được cho thấy sự tồn tại của mối quan hệ trực tiếp và tích cực giữa TNXH và thành quả hoạt động. Ngoài ra, nghiên cứu đã tìm thấy ảnh hưởng gián tiếp trong mối quan hệ nói trên thông qua trung gian của quản trị nguồn nhân lực xanh và các kết quả môi trường.
Bằng phương pháp đánh giá thành quả TNXH khác, dựa trên các chỉ số danh tiếng với những nội dung quan tâm khác, nghiên cứu của Wagner (2010) phân tích liên kết giữa sự đổi mới (hướng đến lợi ích xã hội) và thành quả TNXH. Chủ đề này đặc biệt có liên quan với số lượng lớn số công ty thuộc sở hữu gia đình. Các tác giả đã nghiên cứu thành quả TNXH và sự cải tiến của trường hợp 500 doanh nghiệp Mỹ bằng cơ sở dữ liệu KLD, trong đó thang đo TNXH bao gồm TNXH, quá trình phản ứng với những tác động của xã hội, các chính sách, chương trình và kết quả liên quan đến các mối quan hệ xã hội của công ty. Sự cải tiến và đổi mới được xem xét dựa trên hai góc độ: sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp giúp bảo vệ môi trường, hoặc sản phẩm có lợi ích đáng kể cho xã hội. Mô hình phân tích được kiểm soát bằng các biến phản ánh thành quả tài chính như Tobin’s Q, tổng tài sản. Kết quả cho thấy rằng sự cải tiến đổi mới trong doanh nghiệp có mối quan hệ tích cực với TNXH.
Cũng sử dụng chỉ số danh tiếng KLD, nghiên cứu của Hull và Rothenberg (2008) xem xét khả năng ảnh hưởng của TNXH doanh nghiệp tác động đến thành quả tài chính với sự điều chỉnh của sự đổi mới và mức độ khác biệt trong ngành. Các giả thuyết liên quan được kiểm định bằng cách sử dụng dữ liệu thứ cấp. Các nội dung quan tâm của TNXH là cộng đồng, quản trị doanh nghiệp, sự đa dạng, quan hệ nhân viên, môi trường và quyền con người. Kết quả cho thấy cả sự đổi mới và mức độ khác biệt trong ngành đều có vai trò làm yếu tố trung gian cho mối quan hệ tích cực giữa TNXH và thành quả tài chính: TNXH của doanh nghiệp ảnh hưởng mạnh mẽ nhất
đến thành quả tài chính trong các công ty có mức độ đổi mới thấp và trong các ngành có ít sự khác biệt.
Nhằm mục đích khẳng định TNXH của doanh nghiệp trong thế giới kinh doanh được tăng cường nhờ mối liên kết với các biến số có tính chất chiến lược trong hoạt động của công ty, Gallardo-Vázquez và Sanchez-Hernandez (2014) đã xác định một quy mô tổng thể của TNXH bao gồm các khía cạnh khác nhau (xã hội, kinh tế và môi trường) để phân tích mối quan hệ nhân quả với thành quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Nghiên cứu dựa trên mẫu của 67 doanh nghiệp vừa và lớn trong bối cảnh Tây Ban Nha. Thành quả hoạt động được đánh giá dựa trên yếu tố như lợi nhuận sau thuế, thị phần, tăng trưởng doanh thu, mức độ hài lòng của khách hàng, sự thỏa mãn và khả năng giữ chân nhân viên, hình ảnh, danh tiếng. Bằng cách sử dụng mô hình đa cấu trúc SEM, nghiên cứu đã tìm thấy tác động tích cực, trực tiếp và đáng kể của TNXH đối với khả năng cạnh tranh và hiệu quả trung gian đối với thành quả. Tập hợp các chỉ số xác định TNXH của doanh nghiệp cung cấp một hướng dẫn đơn giản và hữu ích cho thực hiện hành động có trách nhiệm để nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực.
Có thể bạn quan tâm!
- Tác Động Của Trách Nhiệm Xã Hội Đến Thành Quả Hoạt Động Doanh Nghiệp
- Tác Động Của Trách Nhiệm Xã Hội Đến Thành Quả Hoạt Động Của Doanh Nghiệp Nghiên Cứu Ở Các Nước
- Nghiên cứu về tác động của trách nhiệm xã hội đến thành quả hoạt động của các doanh nghiệp ở Việt Nam - 7
- Nghiên cứu về tác động của trách nhiệm xã hội đến thành quả hoạt động của các doanh nghiệp ở Việt Nam - 9
- Sự Tác Động Của Tnxh Đến Tqhđ Ở Khía Cạnh Tài Chính
- Sự Tác Động Của Tnxh Đến Tqhđ Ở Khía Cạnh Khách Hàng
Xem toàn bộ 279 trang tài liệu này.
Ở các nước đang phát triển, các nghiên cứu về quan hệ giữa TNXH và thành quả hoạt động đánh giá kết hợp các yếu tố tài chính và phi tài chính đang còn rất hạn chế về số lượng. Cùng xem xét TNXH dưới góc độ các bên có liên quan như trong các nghiên cứu của Martinez-Conesa & cộng sự (2017) và Surroca & cộng sự (2010), trong nghiên cứu của Mishra & Suar (2010) dựa trên các nội dung theo KLD, GRI, SA8000, ISO, bổ sung thêm đối tượng TNXH đối với nhà đầu tư, các tác giả đã phân tích tác động của TNXH đến thành quả tài chính và phi tài chính. Các yếu tố phi tài chính được đánh giá như thị phần, quan hệ công việc, phát triển sản phẩm mới, nghiên cứu và phát triển sản phẩm. TNXH được tìm thấy có mối quan hệ chặt chẽ với thành quả tài chính và phi tài chính đặc biệt trong trường hợp của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong đó, doanh nghiệp càng thể hiện trách nhiệm cao đối với các bên liên quan như nhà đầu tư, cộng đồng, môi trường càng mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho họ.
Hơn nữa, các tập đoàn có thể nhìn nhận việc thực hiện TNXH như là kết quả của tư duy quản lý, có thể mang lại lợi ích cho danh tiếng của công ty và tăng cường ảnh hưởng trong các chiến lược tiếp thị, từ đó tác động tích cực đến thành quả hoạt động của công ty. Chẳng hạn Rettab & cộng sự (2009) đã thừa nhận rằng thành quả TNXH có mối quan hệ đáng kể với thành quả tài chính, sự cam kết của cá nhân với chiến lược chung của công ty. Maqbool và Zameer (2018) nhấn mạnh rằng việc cải thiện TNXH như cải thiện điều kiện làm việc và quan tâm nhiều hơn đến người lao động dẫn đến hiệu quả làm việc tốt hơn. Mối tương quan đáng kể xảy ra khi sự thay đổi của TNXH dẫn đến những chuyển biến tích cực trong chiến lược kinh doanh ngắn hạn và dài hạn (Ruf, 2001; Wuttichindanon, 2017). Tương tự, Judge và Douglas (1998) đã phát hiện ra rằng mức độ tích hợp các vấn đề môi trường có liên quan tích cực với chiến lược xây dựng và đạt được thành quả tài chính của công ty cao. Ngoài ra, TNXH còn được đánh giá là nhân tố giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh, danh tiếng và sự thỏa mãn của khách hàng (Parastoo & cộng sự, 2015).
Wu & cộng sự (2018) tìm thấy rằng công ty thực hiện tốt TNXH có thể thúc đẩy tích cực hiệu suất đổi mới với tác động điều tiết của công bố thông tin. Anser & cộng sự (2018) đã phân tích tác động trực tiếp và trung gian của đổi mới đối với TNXH của doanh nghiệp, chỉ ra rằng hiệu suất đổi mới sẽ trực tiếp dẫn đến thực hiện TNXH của doanh nghiệp. Sun & cộng sự (2020) đã nghiên cứu tác động của TNXH đến danh tiếng, lòng trung thành khách hàng và thành quả hoạt động của các ngân hàng ở Pakistan. Dựa trên mẫu nghiên cứu của 308 ngân hàng thương mại, sử dụng mô hình SEM, nghiên cứu đã chứng minh được TNXH có tác động tích cực đến lòng trung thành khách hàng và thành quả hoạt động. Gần đây, theo nghiên cứu của Mitra (2021) về TNXH và thành quả hoạt động đối với trường hợp của Ấn Độ, cho rằng TNXH là một nội dung bắt buộc đưa vào chương trình nghị sự quốc gia ở các nền kinh tế mới nổi. Đối với các nhà kinh doanh, họ thường tìm cách tối đa hóa lợi nhuận hoặc thành quả phi tài chính. Đó có thể là danh tiếng, hình ảnh, điều đó giúp ích cho việc xây dựng thương hiệu, mang tính chiến lược doanh nghiệp.
TNXH có tác động ngược chiều đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp
Với việc nhìn nhận không phải tất cả các dự án thể hiện TNXH của doanh nghiệp đều mang lại giá trị cho doanh nghiệp vì các hoạt động này có thể tạo ra các loại chi phí. Một số ít tác giả đã tìm thấy tác động tiêu cực của TNXH đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp. Theo Hillman và Keim (2001), khi doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động thể hiện TNXH, họ phải bỏ ra nhiều khoản chi phí vượt lên trên những lợi ích mà doanh nghiệp nhận lại. Gallego & cộng sự (2011) đã sử dụng mô hình chuỗi thời gian (panel data) để phân tích mối quan hệ hai chiều dựa trên quan điểm dựa trên nguồn tài nguyên (Resource – based view) giữa TNXH và thành quả hoạt động. Trong đó, TNXH được đánh giá dựa trên ba nội dung là kinh tế, môi trường và xã hội. Thành quả hoạt động được xem xét trên khía cạnh sự đổi mới và đo lường bằng tỉ lệ chi phí nghiên cứu và phát triển trên tổng doanh thu. Kết quả đã tìm thấy ảnh hưởng ngược chiều của TNXH đến sự đổi mới. Ngoài ra, việc sử dụng các phương pháp đo lường chưa bao quát được các khía cạnh của sự đổi mới hoặc không đánh giá đến nhiều dạng đổi mới khác nhau, trong khi đó, tác động tiềm ẩn của TNXH đến thành quả hoạt động, cụ thể là sự đổi mới là rất đa dạng (Bocquet, 2011).
Như vậy, các nghiên cứu phân tích tác động của TNXH đến thành quả hoạt động có kết hợp tài chính và phi tài chính được thực hiện đa số ở các nước phát triển và rất hạn chế ở các nước đang phát triển. Về đo lường thành quả TNXH, đa số các nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra, đánh giá TNXH theo các hoạt động thể hiện trách nhiệm với các bên liên quan (Martinez-Conesa & cộng sự, 2017; Mishra và Suar, 2010; Surroca & cộng sự, 2010), hoặc việc thực hiện các chính sách, chương trình liên quan đến xã hội, cộng đồng, môi trường (Wagner, 2010). Xét về phương pháp phân tích, một số nghiên cứu phân tích tác động trực tiếp của TXNH đến thành quả tài chính và phi tài chính. Trong khi đó, một số khác lại quan tâm đến vai trò của các yếu tố phi tài chính làm nhân tố trung gian trong mối quan hệ giữa TNXH và thành quả hoạt động. Kết quả phân tích cho thấy tác động của TNXH đến thành quả hoạt động với các yếu tố trung gian là phi tài chính mạnh mẽ hơn là tác động trực tiếp
(Martinez-Conesa & cộng sự, 2017). Đặc biệt, có nghiên cứu không tìm thấy sự tác động trực tiếp từ TNXH đến thành quả hoạt động nhưng lại thừa nhận TNXH có quan hệ cùng chiều đến thành quả hoạt động khi có yếu tố phi tài chính làm trung gian (Surroca & cộng sự, 2010). Ngoài ra, về đo lường thành quả hoạt động, hầu như các nghiên cứu không dựa trên một nền tảng hoặc phương pháp cụ thể như Thẻ điểm cân bằng hay kim tự tháp. Các thước đo thành quả tài chính và phi tài chính được lựa chọn chủ quan theo từng mục đích nghiên cứu khác nhau và rất đa dạng như sự đổi mới (Surroca & cộng sự, 2010), sự cải tiến, hiệu quả sử dụng tài sản vô hình (Wagner, 2010), phát triển thị trường, sản phẩm mới (Mishra và Suar, 2010), lợi thế cạnh tranh (Gallardo-Vázquez và Sanchez-Hernandez, 2014). Các kết quả từ các nghiên cứu này đa số đều tìm thấy mối quan hệ tích cực giữa TNXH và thành quả hoạt động (Gallardo-Vázquez và Sanchez-Hernandez 2014; Hull và Rothenberg 2008; Martinez-Conesa & cộng sự, 2017; Mishra & Suar 2010; Surroca & cộng sự, 2010; Wagner, 2010). Chỉ một số ít các nghiên cứu tìm thấy quan hệ ngược chiều giữa TNXH và thành quả hoạt động (Bocquet, 2011; Gallego & cộng sự, 2011; Hillman và Keim, 2001).
1.3.3. Tác động của trách nhiệm xã hội đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp nghiên cứu ở Việt Nam
a. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam
Hội nhập kinh tế quốc tế giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Song song với điều đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với các vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt liên quan đến xã hội và môi trường. Các vụ ồn ào liên quan đến ô nhiễm nghiêm trọng của nhà máy trên dòng chảy sông Thị Vải và nhiều các trường hợp an toàn sức khoẻ như phân phối sữa nhiễm độc, thành phần độc hại trong hàng tiêu dùng và dư lượng thuốc trừ sâu trong rau đã dẫn đến mối quan tâm lớn hơn đối với TNXH ở Việt Nam. Cùng với những điều kiện môi trường và vấn đề sức khoẻ, các công ty xuất khẩu Việt Nam đã và đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa. Có thể lấy ví dụ việc họ cần phải đạt các loại chứng nhận và tiêu chuẩn khi nhà
đầu tư nước ngoài và người mua yêu cầu để đảm bảo sự tôn trọng đối với người dân, cộng đồng và môi trường. Ví dụ, Hiệp định dệt may Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2003 đặt ra các yêu cầu khi thâm nhập vào thị trường nước này để các nhà chức trách Việt Nam khuyến khích các công ty phải có nghĩa vụ thực hiện TNXH ở Hoa Kỳ. Hơn nữa, đối với một quốc gia có nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, khi tăng trưởng kinh tế bùng nổ, các doanh nghiệp cũng có thể gây ra những vấn đề xã hội. Ngân hàng thế giới (World Bank), Tổ chức lao động quốc tế (International Labour Organization – ILO) và các công ty đa quốc gia đã tạo ra nhiều áp lực cho Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy việc thực hiện TNXH của các doanh nghiệp (Tran & Jeppesen, 2016).
Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập những mục tiêu về môi trường mà công ty sản xuất và dịch vụ phải tuân theo như việc áp dụng ISO 14001 đến năm 2020 (Nguyen & cộng sự, 2019). Đồng thời, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội mười năm (2011 – 2020) của Việt Nam đã cho thấy sự khởi đầu của một chính sách tập trung vào cải cách cơ cấu, hướng đến tính bền vững môi trường, công bằng xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dầu vậy, những chính sách rõ ràng về TNXH vẫn chưa được áp dụng mạnh mẽ ở Việt Nam (Bertelsmann Stifung và GTZ, 2007). Ví dụ, VCCI có trách nhiệm thúc đẩy việc thực hiện TNXH ở Việt Nam nhưng họ không cung cấp một sự hỗ trợ đầy đủ cho các công ty trong nước để thực hiện các tiêu chuẩn về người lao động và môi trường (Tran & Jeppesen, 2016). Nguyên nhân chính là nguồn nhân sự và tài chính của VCCI giới hạn nên không thể quản lý tất cả các hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Họ cũng không có trụ sở ở khắp mọi nơi, chỉ đóng tại một số thành phố lớn nên không thể mở rộng phạm vi áp dụng TNXH trong cả nước (Tran, 2011).
Các doanh nghiệp ở Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và thực hiện TNXH. Những lý do để các công ty trong nước áp dụng các tiêu chuẩn về TNXH là họ hi vọng được các cơ quan chính quyền địa phương công nhận (Husted & cộng sự, 2016). Thứ hai, họ có thể cải thiện thành quả hoạt động như trong các nghiên cứu đã tìm ra tác động tích của của TNXH đến thành quả tài chính (Orlitzky & cộng sự, 2003). Thứ ba, việc thực hiện TNXH như một công cụ để chứng minh với các bên có liên quan
như các nhà đầu tư, khách hàng quốc tế rằng họ có thể bù đắp những khoảng trống liên quan đến vấn đề này ở các quốc gia có nền kinh tế mới nổi (Su & cộng sự, 2016).
Mặc dầu vậy, các công ty thể hiện những động cơ rất thấp trong việc áp dụng các tiêu chuẩn về TNXH như ISO 14001 (Nguyen & cộng sự, 2019). Hơn nữa, việc áp dụng các tiêu chuẩn để thực hiện và kiểm soát TNXH tại các doanh nghiệp chưa nhiều (Wrana và Diez, 2018). Theo nghiên cứu của Bùi Thị Lan Hương (2010) cho thấy rằng trong các doanh nghiệp Việt Nam trước đây ít quan tâm đến TNXH vì các lý do chính sau: các công ty chưa có hiểu biết sâu sắc về tác động của các hoạt động xã hội và thiếu các nguồn lực tài chính cũng như một khuôn khổ pháp lý để thực thi. Những yếu tố này đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty khi áp dụng TNXH vào chính sách hoạt động của họ.
Bên cạnh đó, việc công bố thông tin TNXH của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được thực hiện đồng bộ. Năm 2015, Bộ tài chính ban hành Thông tư 155/2015/TT-BTC hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, quy định nội dung của báo cáo bao gồm phần trách nhiệm doanh nghiệp với môi trường, xã hội. Từ đó, các doanh nghiệp niêm yết trên các sàn chứng khoán đã quan tâm nhiều hơn đến việc công bố thông tin thể hiện ở các báo cáo thường niên. Tuy nhiên, xét về chất lượng, các báo cáo đảm bảo yêu cầu thường thuộc về các doanh nghiệp lớn, đa số báo cáo của các công ty chỉ mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Theo nghiên cứu của Tạ Quang Bình (2012) phân tích khoảng cách về CBTT tự nguyện giữa những yêu cầu của nhà phân tích tài chính và quan điểm của các nhà quản lý, dựa trên những thông tin sẵn có trên các báo cáo thường niên của các công ty phi tài chính có niêm yết trên thị trường chứng khoán. Dữ liệu nghiên cứu bao gồm thông tin của 199 công ty phi tài chính ở Việt Nam trong năm 2009. Các nội dung CBTT tự nguyện bao gồm: thông tin chung, ủy ban kiểm toán, thông tin tài chính, thông tin dự báo, thông tin nhân sự, thông tin về chính sách môi trường và xã hội, cấu trúc Ban quản trị. Kết quả tìm được cho thấy rằng các nhà phân tích tài chính và nhà quản lý đều có mức độ đồng ý cao đối với mức độ CBTT tự nguyện trên các báo cáo thường niên của doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng thông tin. Bên cạnh