quân sự. Ủy ban Palme cũng coi an ninh là một khái niệm toàn diện mà trước đây mặt này thường bị bỏ qua khi nói tới khái niệm này. Báo cáo của Ủy ban cho rằng an ninh cần được nhận thức theo nghĩa rộng hơn, bao gồm cả về kinh tế, quân sự và thịnh vượng chung10.
1.1.2. Khái niệm chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ
Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ là cụm từ thường xuyên được đề cập trong quá trình nghiên cứu chính sách của Mỹ. Tuy nhiên, chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ cần được hiểu theo một cách mang tính tổng thể, toàn diện hơn, chứ không chỉ là chiến lược về an ninh như cách hiểu thông thường. Qua nghiên cứu cho thấy các bản Chiến lược an ninh của Mỹ mang tính toàn diện, nó bao hàm tất cả khái niệm an ninh chủ chốt quốc tế. Bởi vì, Mỹ là siêu cường có lợi ích toàn cầu cho nên tất cả những vấn đề an ninh của Mỹ đều liên quan đến vấn đề an ninh toàn cầu.
Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ là một văn kiện mang tính chiến lược, do Tổng thống, đại diện cho nhánh hành pháp (chính phủ), định kỳ trình bày trước Quốc hội, trong đó định hình những mối quan tâm an ninh quốc gia chính của Mỹ và đưa ra cách thức, biện pháp mà chính quyền sẽ triển khai để đạt được các mục tiêu trong chính sách đối nội và đối ngoại.
Trước năm 1986, việc ban hành Chiến lược an ninh quốc gia chưa được “luật hóa” hay nói cách khác, nó không được thực hiện một cách bắt buộc, mặc dù nhiều chiến lược quốc gia đã được ban hành, nhưng chủ yếu dưới dạng tài liệu mật. Đáng chú ý nhất là tài liệu có mã số NSC-68: “Mục tiêu và kế hoạch của Mỹ vì an ninh quốc gia”. Đây là tài liệu được đóng dấu “Tuyệt mật” (đã được giải mật) được Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Truman đưa ra vào ngày 14/04/1950. NSC-68 trình bày chi tiết bối
cảnh chiến lược của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhấn mạnh đến những ý định và khả năng của Mỹ và Liên Xô, đồng thời đề xuất các kế hoạch hành động của Mỹ11.
Tuy nhiên, phải đến năm 1986, cơ sở pháp lý của văn kiện này mới được quy định trong Đạo luật Tái cơ cấu Bộ Quốc phòng Goldwater-Nichols (gọi tắt là Đạo luật Goldwater-Nichols). Đạo luật này quy định, Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ cần trình bày được năm nội dung chủ yếu sau:
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên cứu so sánh chiến lược an ninh quốc gia của các chính quyền Mỹ giai đoạn 1993 – 2012 - 1
- Nghiên cứu so sánh chiến lược an ninh quốc gia của các chính quyền Mỹ giai đoạn 1993 – 2012 - 2
- Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Của Chính Quyền George W. Bush
- Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Năm 2010 Của Chính Quyền Barack Obama
- Nghiên cứu so sánh chiến lược an ninh quốc gia của các chính quyền Mỹ giai đoạn 1993 – 2012 - 6
Xem toàn bộ 125 trang tài liệu này.
(1) Lợi ích, mục tiêu trên phạm vi toàn thế giới có liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ.
(2) Chính sách đối ngoại, cam kết quốc tế và khả năng quốc phòng của Mỹ nhằm ngăn chặn các hành động gây hấn, xâm lược và nhằm triển khai Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ.
(3) Đề xuất việc sử dụng trong ngắn hạn và dài hạn các yếu tố về chính trị, kinh tế, quân sự và các yếu tố khác trong sức mạnh quốc gia Mỹ để bảo vệ hoặc thúc đẩy lợi ích và mục tiêu đã được xác định.
(4) Sử dụng một cách thích hợp các khả năng của sức mạnh quốc gia để triển khai Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ.
(5) Cung cấp đầy đủ thông tin trước Quốc hội về những vấn đề liên quan đến Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ.12
Có thể thấy, Chiến lược an ninh quốc gia là văn kiện xác định nhiệm vụ đối nội, nhiệm vụ đối ngoại và phương hướng phát triển đất nước theo nghĩa rộng nhất (khác với Chiến lược Quân sự quốc gia chỉ tập trung vào những vấn đề xây dựng và hiện đại hoá các lực lượng vũ trang Mỹ phù hợp với sự phát triển tình hình). Việc triển khai Chiến lược an ninh quốc gia được cụ thể hóa
11 “NSC 68: United States Objectives and Programs for National Security”, Naval War College Review, Vol. XXVII (May-June, 1975), pp. 51-108.
12 Goldwater-Nichols Department of Defense Reorganization Act of 1986 (Public Law 102-496, Stat. 3190, U.S.C. 50).
bởi các văn kiện mang tính bổ trợ khác, trong đó có Chiến lược quân sự quốc gia, Báo cáo Quốc phòng 4 năm một lần. Với nghĩa đó, Chiến lược an ninh quốc gia được ví như “chiến lược mẹ”, trong khi đó các chiến lược khác là “chiến lược con”.13
Theo Đạo luật Goldwater-Nichols, Tổng thống Mỹ được yêu cầu công bố trước Quốc hội Chiến lược an ninh quốc gia vào ngày đệ trình dự thảo ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo. Ngoài văn kiện mang tính hàng năm này, một Tổng thống mới đắc cử phải đệ trình Chiến lược an ninh quốc gia trong vòng 150 ngày sau khi nhậm chức. Các báo cáo này có thể được đệ trình theo dạng tài liệu mật hoặc tuyên bố công khai. Sau khi đạo luật này ra đời, không phải Tổng thống nào cũng thực hiện “nghiêm” quy định này, nhất là từ khi Tổng thống George W. Bush lên cầm quyền năm 2001. Vị tổng thống thứ 43 của nước Mỹ đã tạo một “tiền lệ” mới là chỉ đệ trình Chiến lược an ninh quốc gia ở đầu nhiệm kỳ, sau khi đắc cử hoặc tái cử. Vì thế, về cơ bản, Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ chỉ được công bố bốn năm một lần, thay vì định kỳ hàng năm như luật định.
Những đặc điểm trên cho thấy, chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ là văn kiện chiến lược do chính phủ soạn thảo, báo cáo Quốc hội định kỳ theo luật định, trong đó xác định rõ lợi ích, mục tiêu của Mỹ trên phạm vi toàn cầu có liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ, đồng thời đề ra chủ trương, biện pháp huy động sức mạnh tổng hợp quốc gia nhằm bảo vệ an ninh, lợi ích và thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của Mỹ.
13 Lê Thế Mẫu, Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ trong một thế giới đang thay đổi, Tạp chí Cộng sản, 5/2010
1.2. NỘI DUNG CHÍNH CÁC CHIẾN LƯỢC AN NINH QUỐC GIA CỦA MỸ GIAI ĐOẠN 1993 - 2012
1.2.1. Chiến lược an ninh quốc gia của Chính quyền Bill Clinton
Bill Clinton là Tổng thống thứ 42 của Mỹ với hai nhiệm kỳ từ năm 1993 đến 2001. Tổng thống Bill Clinton bước vào Nhà Trắng trong bối cảnh Liên Xô đã sụp đổ, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới và xác lập vị trí thế giới một cực trong quan hệ quốc tế. Sự tan rã của Liên Bang Xô Viết, sự sụp đổ của các nước XHCN ở Đông Âu và sự suy yếu của nước Nga đã làm cho bản đồ chính trị thế giới bị thay đổi và cán cân quyền lực nghiêng về có lợi cho Mỹ. Sau Chiến tranh Lạnh, nguy cơ chiến tranh thế giới bị đẩy lùi, nền hòa bình được củng cố. Tuy nhiên, các vấn đề quốc tế và khu vực trước đây bị chi phối bởi trật tự hai cực Xô - Mỹ, đến giai đoạn này được phát triển với nhiều biến động mới: đó là sự nổi lên của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chiến tranh cục bộ, khu vực ngày càng phát triển. Sự nổi lên của các cường quốc như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và các nước thế giới thứ ba làm cho bản đồ chính trị thế giới có nhiều thay đổi và nước Mỹ đứng trước những thách thức mới. Mặc dù vậy, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ bước ra với tư thế là một siêu cường về kinh tế, chính trị, quân sự, duy nhất trên thế giới. Đây là động lực để Mỹ triển khai chiến lược nhằm duy trì và củng cố vị thế siêu cường số một thế giới.
Trong bối cảnh đó, sau khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Bill Clinton đã công bố “Chiến lược an ninh quốc gia về can dự và mở rộng” vào năm 1994. Đến đầu nhiệm kỳ hai, Tổng thống Bill Clinton công bố “Chiến lược an ninh quốc gia cho thế kỷ mới” vào năm 1997. Nội dung chính của hai bản chiến lược an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Bill Clinton như sau:
- “Chiến lược an ninh quốc gia về can dự và mở rộng” (tháng 7/1994), còn gọi là “Chiến lược can dự và mở rộng”, mở đầu với tuyên bố về nhiệm vụ
và vai trò của chính phủ trong bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó có bảo vệ người dân, lãnh thổ và giá trị Mỹ. Phần mở đầu nhấn mạnh đến sự nổi lên của các cuộc xung đột sắc tộc và các quốc gia bất hảo (rogue state); chỉ ra rằng, “sự phổ biến của các loạt vũ khí hủy diệt hàng loạt tạo ra một thách thức lớn đối với an ninh của chúng ta”14. Sự phổ biến của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt đặt ra những thách thức xuyên quốc gia mới, nhất là loại vũ khí đó lọt vào tay các tổ chức khủng bố. Văn kiện này nhấn mạnh, chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ thể hiện được cả lợi ích và giá trị Mỹ, sự cần thiết phải
duy trì sự lãnh đạo của Mỹ trên thế giới, nhấn mạnh đến ngoại giao phòng ngừa thông qua các biện pháp như ủng hộ dân chủ, viện trợ kinh tế, hiện diện quân sự ở nước ngoài, đối thoại quân sự và tham gia vào các cuộc đàm phán đa phương; tích cực xây dựng nhận thức chung trong công chúng Mỹ về việc chủ động can dự vào các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, sự can dự của Mỹ cũng có sự chọn lựa, tập trung vào các thách thức có liên quan trực tiếp đến lợi ích nước Mỹ.
Đánh giá nước Mỹ đang bước vào một kỷ nguyên mới sau Chiến tranh Lạnh, khi sự sụp đổ của Liên Xô đã làm thay đổi sâu sắc môi trường an ninh đối với Mỹ và các đồng minh, chiến lược an ninh quốc gia năm 1994 xác định ba mục tiêu chính: (1) Bảo đảm an ninh nước Mỹ; (2) Thúc đẩy sự thịnh vượng ở trong nước; (3) Thúc đẩy dân chủ trên toàn thế giới15. Tuy nhiên, dù có mạnh đến đâu, thì một mình nước Mỹ cũng không thể đảm bảo những mục tiêu cơ bản đó.
Để thúc đẩy mục tiêu an ninh nước Mỹ, chiến lược an ninh quốc gia 1994 nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược can dự của Mỹ. Theo đó, Mỹ
14 The National Security Strategy of the United of America, The White House, July 1994, http://nssarchive.us/national-security-strategy-1994, tr. i
15 National Security Strategy 1994,tlđd tr. 5
sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh, duy trì và điều chỉnh các mối quan hệ an ninh với các đồng minh chủ chốt; đưa ra những biện pháp thích hợp để đối phó với các mối đe dọa hậu Chiến tranh Lạnh, như ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, kiểm soát vũ trang và các hoạt động tình báo; xây dựng khả năng quốc phòng đủ mạnh để hoàn thành các nhiệm vụ sau: (1) Đối phó với những biến cố lớn ở khu vực, trong đó chỉ rõ CHDCND Triều Tiên, Iran và Iraq là các quốc gia thù địch cần đối phó; (2) Gia tăng hiện diện ở nước ngoài; (3) Ngăn chặn vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhất là khi loại vũ khí này lọt vào tay khủng bố; (4) Đóng góp vào hoạt động gìn giữ hòa bình đa phương; (5) Ủng hộ các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố và thực hiện các nhiệm vụ an ninh khác. Để thực hiện nhiệm vụ, các lực lượng quân sự phải có khả năng phản ứng nhanh và tác chiến hiệu quả; sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Văn kiện xác định thời điểm và cách thức triển khai các lực lượng quân sự: (1) Các lợi ích quốc gia quyết định mức độ và phạm vi can dự; (2) Tìm kiếm sự hỗ trợ của đồng minh hoặc các định chế đa phương có liên quan; (3) Xem xét mức độ quan trọng của các vấn đề trước khi sử dụng lực lượng quân sự; (4) Sự can dự phải có tính khả thi và sử dụng ngân sách hợp lý. Văn kiện xác định mục tiêu ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và kiểm soát các loại tên lửa chiến lược…
Để thúc đẩy sự thịnh vượng ở trong nước, chiến lược an ninh quốc gia 1994 đòi hỏi phải có sự kết hợp những nỗ lực ở trong nước và bên ngoài. Nói cách khác, sự thịnh vượng ở trong nước phụ thuộc vào sự tích cực can dự ở nước ngoài. Sức mạnh ngoại giao, khả năng duy trì quân đội không có đối thủ, sự hấp dẫn của giá trị Mỹ ra bên ngoài đều dựa vào sức mạnh của nền kinh tế. Để thúc đẩy mục tiêu này, Mỹ cần: (1) Tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ; (2) Phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân, gia tăng năng xuất và tăng cường xuất khẩu; (3) Tăng cường tiếp cận các thị trường
nước ngoài, thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương;
(4) Tăng cường hợp tác kinh tế vĩ mô với các cường quốc kinh tế; (5) Đảm bảo an ninh năng lượng; (6) Thúc đẩy sự phát triển bền vững ở nước ngoài.
Để thực hiện mục tiêu thúc đẩy dân chủ trên thế giới, Mỹ sẽ ủng hộ nền dân chủ và các thị trường tự do ở các nơi có liên quan đến lợi ích của Mỹ. Mỹ sẽ tập trung nỗ lực hỗ trợ các quốc gia, khu vực có ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của Mỹ như các nước có nền kinh tế lớn, có vị trí trọng yếu, có vũ khí hạt nhân hoặc có nguy cơ tạo ra làn sóng di cư vào nước Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ. Trong số các quốc gia đó, nổi lên là Nga, Ukraine, Nam Phi, Nigeria.
Về quan hệ đối ngoại, Chiến lược an ninh quốc gia 1994 nhấn mạnh đến các mối quan hệ song phương và đa phương ở các khu vực. Với châu Âu và Á-Âu, Mỹ xác định ba nhân tố quan trọng nhằm thúc đẩy chiến lược can dự và mở rộng của Mỹ ở khu vực này: (1) Tăng cường sức mạnh quân sự và tăng cường liên minh quân sự trong giải quyết các điểm nóng, các vấn đề khu vực và toàn cầu; (2) Thúc đẩy quan hệ kinh tế với Liên minh châu Âu, hỗ trợ cải cách kinh tế thị trường ở các nước Đông Âu; (3) Ủng hộ sự phát triển của nền dân chủ ở Nga, các nước thuộc Liên Xô trước đây. Với Đông Á và Thái Bình Dương, tiếp tục tích cực gia tăng hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương để đảm bảo vai trò dẫn dắt của Mỹ tại khu vực bằng cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan và Phillipines. Để thúc đẩy xây dựng một Cộng đồng Thái Bình Dương mới, Mỹ cần tập trung vào ba trụ cột chính: (1) Tăng cường nỗ lực ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ở bán đảo Triều Tiên và Nam Á; (2) Thúc đẩy hình thành nhiều tổ chức đa phương mới nhằm đẩy lùi các mối đe dọa và tận dụng thời cơ; (3) Hỗ trợ làn sóng cải cách dân chủ ở khu vực. Với Tây Bán
Cầu16, tập trung cải thiện tình hình an ninh, trong đó nhấn mạnh đến tìm giải pháp cho những căng thẳng biên giới, kiểm soát lực lượng nổi dậy, ngăn chặn buôn bán vũ khí. Với Trung Đông, Tây Á và Nam Á, Mỹ cam kết bảo đảm an ninh cho Israel và các bạn bè Arab, đảm bảo sự lưu thông dầu khí; duy trì sự hiện diện lâu dài ở Tây Nam Á, chống lại chế độc độc tài ở Iraq, ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo; tăng cường hợp tác với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh… Với châu Phi, được xác định là một trong những thách thức lớn nhất đối với chiến lược can dự và mở rộng, chính sách của Mỹ là hỗ trợ nền dân chủ, duy trì phát triển kinh tế, giải quyết xung đột thông qua đàm phán, ngoại giao và hoạt động gìn giữ hòa bình.
- “Chiến lược an ninh quốc gia cho thế kỷ mới” (tháng 5/1997) khẳng định sự lãnh đạo của nước Mỹ ngày nay là vì một tương lai an toàn hơn, thịnh vượng hơn trong tương lai. Văn kiện này xác định bối cảnh an ninh nước Mỹ đang đối mặt rất phức tạp và chưa có tiền lệ. Xung đột sắc tộc, các quốc gia bất hảo đe dọa ổng định khu vực; chủ nghĩa khủng bố, các tổ chức tội phạm và sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt là những mối lo ngại xuyên quốc gia; sự hủy hoại môi trường và tốc độ tăng trưởng dân số nhanh gây cản trở sự phát triển của nền kinh tế và ổn định chính trị ở nhiều nước trên thế giới. Văn kiện này xác định ba mục tiêu chủ chốt, gồm: (1) Tăng cường an ninh quốc gia với việc triển khai chính sách ngoại giao và lực lượng quân sự hiệu quả,
sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng; (2) Thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của nước Mỹ; (3) Thúc đẩy nền dân chủ trên thế giới17. Để thúc đẩy các mục tiêu an ninh quốc gia nói trên, văn kiện xác định sáu ưu tiên chiến lược sau: (1)
16 Tây Bán Cầu: Thuật ngữ địa chính trị để chỉ châu Mỹ (Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Mỹ) và các đảo vùng Caribbean.
17 The National Security Strategy of the United of America, The White House, May 1997, http://nssarchive.us/national-security-strategy-1997, tr. ii