Bảng 1.4. Phản ứng của các quần thể rầy nâu ở đồng bằng sông Cửu Long với giống kháng
Quần thể trước đây | Quần thể hiện tại | |||
Cấp hại (1-9) 3 lần nhắc lại | Phản ứng chống chịu | Cấp hại (1-9) | Phản ứng chống chịu | |
3 lần nhắc lại | ||||
IR62032 | 3 - 5 - 5 | MR-MS | 7 - 5 - 5 | S |
IR64 | 5 - 5 - 5 | MS | 7 - 5 - 7 | S |
OM1706 | 5 - 5 - 5 | MS | 7 - 5 - 7 | S |
IR62030 | 3 - 3 - 5 | MR | 5 - 5 - 7 | MS-S |
OM1960 | 3 - 5 - 5 | MR-MS | 5 - 3 - 5 | MR-MS |
OM1726 | 5 - 5 - 5 | MS | 5 - 7 - 5 | MS-S |
OM1723-62 | 3 - 1 - 3 | R-MR | 5 - 3 - 3 | MR-MS |
VSD95-20 | 5 - 5 - 5 | MS | 5 - 5 - 7 | MS-S |
TS128 | 5 - 5 - 7 | MS-S | 7 - 7 - 7 | S |
OMCS97-0 | 3 - 1 - 3 | R-MR | 3 - 3 -3 | MR |
OMCS96 | 7 - 7 - 5 | S | 7 - 7 - 7 | S |
OMCS95-5 | 7 - 7 - 5 | S | 7 - 7 - 7 | S |
OM1633 | 3 - 3 - 3 | MR | 5 - 3 - 3 | MR-MS |
OM1271-4 | 3 - 3 - 3 | MR | 5 - 3 - 3 | MR-MS |
OM1490 | 5 - 5 - 5 | MS | 7 - 7 - 5 | S |
SCM-16-27 | 1 - 3 - 1 | R-MR | 1 - 3 - 3 | MR |
OM997-6 | 3 - 5 - 3 | MR-MS | 5 - 5 - 5 | MS |
OM1270-9 | 5 - 7 - 5 | MS-S | 7 - 7 - 7 | S |
IR50404-57 | 3 - 5 - 3 | MR-MS | 5 - 3 - 5 | MR-MS |
OMCS94 | 5 - 5 - 7 | MS-S | 5 - 7 - 5 | MS-S |
OM1643 | 3 - 3 - 3 | MR | 5 - 3 - 3 | MR-MS |
OM1308 | 7 - 5 - 5 | MS-S | 5 - 7 - 7 | S |
RDM-39 | 7 - 7 - 5 | S | 7 - 7 - 7 | S |
RSB228 | 5 - 5 - 5 | MS | 7 - 7 - 5 | S |
OM1740 | 7 - 5 - 5 | MS-S | 5 - 7 - 5 | MS-S |
SCM54 | 3 - 3 - 5 | MR-MS | 5 - 3 - 3 | MR-MS |
OM1570 | 5 - 7 - 5 | MS-S | 7 - 7 - 5 | S |
OMFi 1 | 7 - 5 - 5 | MS-S | 7 - 7 - 5 | S |
OM2031 | 3 - 5 - 5 | MR-MS | 5 - 5 - 3 | MR-MS |
SCM64 | 7 - 7 - 7 | S | 7 - 7 - 7 | S |
PTB33 ® | 0 - 0 - 0 | HR | 0 - 0 - 0 | HR |
TN1 (S) | 9 - 9 - 9 | HS | 9 - 9 - 9 | HS |
Ghi chú: HR: Kháng tốt; R: Kháng, MR: Kháng vừa, MS: Nhiễm vừa, S: Nhiễm; HS: Nhiễm nặng |
Có thể bạn quan tâm!
- Những Nghiên Cứu Về Sự Phân Bố Và Gây Hại Của Rầy Nâu
- Các Yếu Tố Tác Động Đến Sự Phát Sinh Và Gây Hại Của Rầy Nâu
- Ảnh Hưởng Của Thuốc Trừ Sâu Diazinon Đến Mật Độ Của Quần Thể Rầy Nâu (Dyck Và Ctv, 1979) [42]
- Tỷ Lệ Sống Sót Của 3 Quẩn Thể Rầy Nâu Trên Các Giống Kháng Ở Hàn Quốc
- Phương Pháp Thu Thập Và Duy Trì Giống Chuẩn Kháng Và Giống Chuẩn Nhiễm
- Phương Pháp Nghiên Cứu Ảnh Hưởng Của Biện Pháp Kỹ Thuật Canh Tác (Mật Độ, Phân Bón) Đối Với Giống Lúa Kháng Rầy Nâu Tại Thừa Thiên Huế
Xem toàn bộ 176 trang tài liệu này.
(Nguồn: Phạm Thị Mùi và ctv, 2001) [18]
Từ năm 2005 đến nay, sự bùng phát trở lại của rầy nâu không chỉ gây hại trực tiếp mà còn là môi giới truyền virus gây bệnh lùn xoắn lá và bệnh lúa cỏ cho cây lúa làm giảm sản lượng lúa không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long mà còn ở khu vực miền Trung và các nhà nghiên cứu đã tập trung vào độc tính của rầy nâu. Kết quả nghiên cứu 3 quần thể rầy nâu ở Hà Nội, Hà Tây và Thái Bình của Nguyễn Văn Đĩnh và Trần Thị Liên (2005) [8] cho thấy rằng trong 11 giống lúa mang 8 gen chuẩn kháng được thử nghiệm chỉ có 2 giống Rathu Heenati (mang gen Bph3) và Balamawee (mang gen Bph9) kháng và giống T12 mang gen bph7 là kháng vừa với 3 quần thể rầy nâu thí nghiệm. Quần thể rầy nâu ở miền Bắc và miền Nam nói chung có độc tính cao với đối với giống mang gen chuẩn kháng phổ biến trong tự nhiên và trong sản xuất. Do vậy, cần nghiên cứu lai tạo để tạo một bộ giống kháng rầy và sử dụng bộ giống kháng này một cách phù hợp trong IPM để bảo vệ thiên địch của rầy nâu có như thế mới hạn chế được sự bùng phát dịch rầy nâu trong tương lai (Bảng 1.5).
Bảng 1.5. Cấp hại của 3 quần thể rầy nâu trên các giống lúa chuẩn kháng và giống lúa chuẩn nhiễm
Gen kháng | Cấp hai trên mạ 2 lá sau các ngày lây nhiễm | ||||||
5NSL | 7 NSL | ||||||
Hà Nội | Thái Bình | Hà Tây | Hà Nội | Thái Bình | Hà Tây | ||
Mudgo | Bph1 | 4,0 | 3,0 | 3,0 | 6,5 | 5,0 | 5,7 |
ASD7 | bph2 | 5,8 | 3,0 | 5,0 | 9,0 | 6,8 | 7,5 |
Rathu Henati | Bph3 | 1,0 | 1,0 | 1,4 | 1,4 | 1,8 | 2,2 |
Babawee | bph4 | 4,6 | 4,0 | 3,4 | 5,8 | 6,5 | 5,6 |
Swanalata | Bph6 | 5,2 | 5,0 | 3,5 | 6,8 | 6,5 | 4,6 |
T12 | bph7 | 1,0 | 1,5 | 3,4 | 3,4 | 5,0 | 5,0 |
Thaicol5 | bph8 | 3,4 | 4,0 | 4,0 | 8,2 | 7,0 | 6,5 |
Thaicol1 | bph8 | 1,0 | 4,3 | 7,5 | 4,6 | 5,7 | 7,5 |
Chinsaba | bph8 | 5,4 | 7,0 | 9,0 | 8,0 | 9,0 | 9,0 |
Balamawee | Bph9 | 1,0 | 1,3 | 2,0 | 2,6 | 2,3 | 2,5 |
IR64 | Bph1+a | 4,5 | 5,4 | 5,5 | 7,0 | 9,0 | 9,0 |
(Ghi chú: NSL: ngày sau lây nhiễm)
(Nguồn: Nguyễn Văn Đĩnh và Trần Thị Liên, 2005) [8]
Nhiều nghiên cứu về rầy nâu và giống kháng rầy được thực hiện ở miền Nam và miền Bắc. Do cách biệt về địa lý đã ngăn chặn sự lây lan của các quần thể rầy nâu giữa 2 miền, đồng thời áp lực khác nhau của biện pháp thâm canh và thời tiết - khí hậu đã hình thành nên các quần thể rầy nâu ở miền Nam và miền Bắc với độc tính khác nhau (Nguyễn Văn Đĩnh và Trần Thị Liên, 2005) [7]. Một số nghiên cứu về rầy nâu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy rằng rầy nâu ở vùng này chủ yếu là biotype 2, nhưng khả năng thích ứng gia tăng và đang chuyển biến thành biotype mới (Nguyễn Văn Luật và Lương Minh Châu, 1991) [17]. Kết quả thanh lọc 1000 dòng, giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao đối với 12 quần thể rầy nâu thu thập từ 12 tỉnh thành tại ĐBSCL cho thấy: có 1,59% giống kháng cấp 1; 14,8% giống hơi kháng cấp 3; 48,5% giống kháng trung bình cấp 5. Một số giống lúa mới có triển vọng, chất lượng cao kháng rầy nâu tại nhiều vùng sinh thái như: OM1495-165, OM2517-61, VN21-8, VN2003-7, OM3240-80, OM3242-49, MTL323, OM233-6, OM4085, OM3235-
105... (Lương Minh Châu và ctv, 2006) [4]. Nguyễn Công Thuật và ctv (2000)
[22] đã thông báo một số giống kháng rầy nâu biotype 2 như ASD7, CR84-1, CR 84-2 đã bị nhiễm nặng rầy nâu ở đồng bằng Trung du Bắc Bộ trong những năm 1996 - 1999.
Lê Xuân Thái và ctv (2012) [21] đã đánh giá khả năng kháng rầy, năng suất và tính thích nghi, đồng thời đánh giá biểu hiện của các gen kháng bằng kỹ thuật sinh học phân tử của giống 125 giống lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả cho thấy 77 giống chỉ mang gen kháng bph4, 44 giống chỉ mang gen kháng Bph18, và có 32 giống mang cả hai gen kháng bph4 và Bph18. Việc khảo nghiệm năng suất của các giống lúa tại ba địa điểm Long An, Cần Thơ và An Giang cho thấy một số giống lúa có năng suất trung bình khá cao và thích nghi ở cả ba địa điểm là MTL512, MTL649, MTL657 và OM10043. Trong đó có hai giống lúa MTL649 và OM10043 vừa cho năng suất cao vừa có tính chống rầy cao, hai giống này có triển vọng cao trong sản xuất và làm nguồn vật liệu trong chọn giống tại đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, các kết quả tổng hợp từ nhiều nước cho thấy biotype rầy nâu mới ở Việt Nam khác với các dòng rầy nâu ở Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Ấn Độ,... về phản ứng đối với các giống lúa chỉ thị mang gen kháng bph2. Dùng phương pháp lai các biotype này lại với nhau để theo dõi kiểu di truyền của chúng thì thấy khả năng tấn công các giống lúa có mang gen bph2 của các quần thể này không phải là do một gen điều khiển mà là đa gen (Nguyễn Văn Huỳnh
và Lê Thị Sen, 1993) [14]. Kết quả khảo sát nhiều nơi trên thế giới cũng ghi nhận mỗi biotype của côn trùng thường không những chỉ khác nhau về khả năng sống sót, sinh sản cũng như cách gây hại trên cây ký chủ mà chúng cũng khác nhau về sự phân bố địa lý cũng như sự thích ứng đối với các điều kiện môi trường (Nguyễn Văn Huỳnh và Lê Thị Sen, 1993) [14]. Vì vậy các giáo sư ở Đại học Carcliff (Anh) đề nghị sử dụng dòng địa lý (geographic races) thay vì dòng sinh học (biological races) (Claridge và Hollander, 1980) [38].
Một số kết quả nghiên cứu về rầy nâu ở miền Trung cũng cho thấy trằng, quần thể rầy Thừa Thiên Huế thuộc biotype 1 và biotype 2 (Trần Đăng Hòa và ctv, 2009) [12]. Đồng thời, nhóm tác giả trường Đại học Nông Lâm Huế cũng tiến hành đánh giá tính kháng đối của 30 giống lúa địa phương thu thập từ các tỉnh miền Trung với quần thể rầy nâu Thừa Thiên Huế. Kết quả thí nghiệm trong ống nghiệm cho thấy có 5 giống (Nàng Hương, Tzà-Nàng, Ai Da, Grái, Nếp Dâu) biểu hiện ở mức kháng vừa, 12 giống nhiễm vừa, 12 giống nhiễm, 1 giống nhiễm nặng. Kết quả nghiên cứu đánh giá trong hộp mạ cho thấy có 5 giống biểu hiện kháng vừa là Nàng Hương, ML48 Gia Lai, Triệu Phong, Khải Khong, A Rước; 9 giống có biểu hiện nhiễm vừa và 1 giống nhiễm; không có giống nhiễm nặng. Chính vì vậy, các tác giả cũng đề nghị cần tập trung nghiên cứu xác định chính xác biotype của rầy nâu ở các vùng sinh thái khác nhau của miền Trung và cả nước, trên cơ sở đó định hướng nghiên cứu chọn tạo và sử dụng giống lúa kháng rầy nâu một cách bền vững (Trần Đăng Hòa và ctv, 2009) [12].
Kết quả nghiên cứu của Phạm Thị Mùi và ctv, 2001 [18] cho thấy: trắc nghiệm tính kháng rầy nâu đã được thực hiện trên 299 giống lúa cao sản, 202 giống lúa mùa địa phương và 88 mẫu lúa hoang thì tỷ lệ giống kháng cấp 1 - 3 cao nhất ở nhóm lúa hoang là 68,20%, kế đến là lúa cao sản 14,67% và thấp nhất là nhóm lúa mùa 2,47%. Thử nghiệm 30 giống lúa đang trồng ở ĐBSCL và 11 giống trong bộ chỉ thị biotype với nguồn rầy cũ 1996 và mới 1998 cho thấy chưa có sự biến đổi về nòi của quần thể rầy nâu ở ĐBSCL. Thử nghiệm 30 giống lúa với nguồn rầy nâu thu thập ở 10 tỉnh ĐBSCL cho thấy quần thể rầy nâu ở ĐBSCL tương đối đồng nhất. Các giống lúa kháng rầy cao, ổn định qua các vùng đã được xác định (Phạm Thị Mùi và ctv, 2001) [18].
Khi nghiên cứu độc tính của 2 quần thể rầy nâu ở Hà Nội và Tiền Giang, Nguyễn Văn Đĩnh và Trần Thị Liên (2005) [7] đã xác định trong 6 giống lúa chuẩn mang gen kháng rầy nâu (ADR52, Mudgo, Rathu Heenati, ASD 7, Babawee và ARC 10550) thì chỉ có 2 giống Rathu Heenati mang gen Bph3 và
giống Babawee mang gen bph4 là vẫn giữ được tính kháng rầy nâu Hà Nội. Đối với rầy nâu ở Tiền Giang thì chỉ có 1 giống Rathu Heenati giữ được tính kháng. Như vậy 2 quần thể rầy nâu Hà Nội và Tiền Giang có sự khác biệt về độc tính và có các phản ứng khác nhau khi sống trên các giống lúa khác nhau. Ngoài ra nhiều nghiên cứu cũng đã khảo sát tính kháng rầy nâu của các giống lúa. Trong số 127 giống lúa khảo sát có 4,7% giống kháng, 14,9% giống kháng vừa đối với rầy nâu Hà Nội. Giống lúa P290 do Viện cây Lương thực - Thực phẩm tạo ra có khả năng kháng vừa với rầy nâu (điểm 3), năng suất cao, chất lượng tốt và phù hợp với điều kiện canh tác ở đồng bằng sông Hồng.
Tuy nhiên, đến năm 2005 rầy nâu đã thay đổi độc tính. Kết quả nghiên cứu 3 quần thể rầy nâu ở Hà Nội, Hà Tây và Thái Bình của Nguyễn Văn Đĩnh và Trần Thị Liên (2005) [8] cho thấy rằng trong 11 giống lúa mang 8 gen chuẩn kháng được thử nghiệm chỉ có 2 giống Rathu Heenati và Balamawee mang gen Bph3 và Bph9 kháng và giống T12 mang gen bph7 là kháng vừa với 3 quần thể rầy nâu thí nghiệm. Quần thể rầy nâu ở miền Bắc và miền Nam nói chung có độc tính cao với đối với giống mang gen chuẩn kháng phổ biến trong tự nhiên và trong sản xuất. Do vậy, cần nghiên cứu lai tạo để tạo một bộ giống kháng rầy và sử dụng bộ giống kháng này một cách phù hợp trong IPM để bảo vệ thiên địch của rầy nâu có như thế mới hạn chế được sự bùng phát dịch rầy nâu trong tương lai.
1.4.2. Những nghiên cứu về cơ chế kháng rầy nâu
Giống lúa kháng rầy nâu có nhiều cơ chế kháng khác nhau: cây tiết ra các chất gây độc do sản phẩm của các gen kháng rầy nâu hoạt động qua quá trình sao mã và giải mã tổng hợp nên các sản phẩm protein, khi rầy nâu chích hút các sản phẩm này vào sẽ bị ngộ độc có thể bị chết hoặc nếu không chết cũng bị rối loạn quá trình sinh sản hoặc không lột xác hay hóa trưởng thành được, ngoài ra các giống lúa có thân rất cứng, có nhiều lông, thành phần thân lúa có nhiều silic nên hạn chế khả năng chích hút của rầy nâu; hoặc các giống lúa có khả năng đền bù cao, khi bị rầy gây hại vẫn có khả năng cho năng suất cao.
1.4.2.1. Các cơ chế liên quan đến bề mặt cây trồng
Bằng chứng về cơ chế chống rầy liên quan đến bề mặt cây trồng được chứng minh trong một nghiên cứu của (Woodhead và Padgham, 1988) [88]. Chiết xuất từ thành phần sáp của 3 giống IR22 (giống nhiễm), IR64 (chứa gen kháng Bph1) và IR62 (chứa gen kháng Bph3). Họ đã phát hiện ra trong giống nhiễm IR22 chuỗi hydrocacbon ngắn hơn trong hai giống chứa gen kháng. Điều
này cho thấy cấu tạo của bề mặt cây trồng, cụ thể là lớp sáp có liên quan đến cơ chế chống chịu của cây trồng với rầy nâu. Một nghiên cứu khác của Zhang và ctv (2004) [91] nghiên cứu trên giống kháng B5 và giống nhiễm MH63 và đã chỉ ra rằng hàm lượng silic trong cây B5 cao hơn nhiều so với MH63. Điều này chứng tỏ, silic đóng vai trò quan trong trong cơ chế chống chịu của cây lúa.
1.4.2.2. Cơ chế phòng thủ của lúa đối với rầy
Nhiều nghiên cứu cho rằng, cơ chế chống chịu rầy nâu liên quan đến quá trình trao đổi chất, năng lượng, chu kỳ của tế bào và cả quá trình sao chép ADN, tổng hợp protein (Way và Hoeng, 1994) [87]. Bên cạnh đó, Xu và ctv (2002)
[89] cũng chứng minh rằng, cây bị nhiễm rầy phát ra chất bay hơi (linalool, 3E- 4,8-dimathyl-1,3,7-nonatriene, indol) cao hơn ở cây chống chịu. Sử dụng kỹ thuật phân tích phân tử microarray để tìm ra thông tin về cơ chế chống chịu rầy nâu của cây lúa (Zhang và ctv, 2004) [91], họ đã xác định được, trong nước bọt của rầy nâu chứa elicitors của β-glucosidase, nó liên quan đến axit salicyclic (SA), hydrogen peroxide, và sản xuất ethylene (Dharam, 2014) [41]. Trong các giống chống chịu rầy nâu có biểu hiện của gen PR-1a (axit pathogenrelated protein 1), chitinase (Pr-3) và PAL (phenylalanine ammonia-lyase), tất cả gen này đều liên quan đến tín hiệu SA (axit silic) (Xu và ctv, 2002) [89]. Trong khi hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy rằng, ở các giống chống chịu, khi bị rầy nâu tấn công, phản ứng của cây trồng đều thông qua sự kích hoạt tín hiệu SA (axit silic) hoặc là kích hoạt axit jamonic (JA) (Zhang và ctv, 2004) [91].
1.4.2.3. Kháng không ưa thích (non-preference/Antixenisis)
Cơ chế kháng không ưa thích được tìm thấy trong hầu hết các giống kháng rầy nâu (Dhan và Arti, 2005) [40]. Kháng không ưa thích biểu hiện ở sự ưa thích và khả năng đẻ trứng và cơ chế kháng kháng sinh được đánh giá bằng sự hình thành quần thể (population build-up), chỉ số tăng trưởng (growth index) và tốc độ ăn (feeding rate) của rầy nâu. Thật vậy, bằng thí nghiệm lây nhiễm nhân tạo trong nhà lưới và so sánh biểu hiện của các giống kháng PTB33, Mudgo, giống kháng vừa ASD7, CO42 và giống chuẩn nhiễm TN1, các tác giả của trường Đại học Nông nghiệp Tamil Nadu, Ấn Độ đã đưa ra kết quả như sau:
Về sự ưa thích: Sau 8 giờ lây nhiễm, % BPH có mặt trên giống PTB33 là 9,3 thấp hơn trên giống TN1 (32,6%) và các giống trung gian khác, Sau 24 giờ cho kết quả tương tự, Sau 48 giờ và 72 giờ, % BPH trên giống PTB33 tương
ứng là 5,8 và 5,7%, Tỷ lệ này trên giống Mudgo là 11,6 và 8%; trên giống CO42 là 17,5 và 19,3%; trên giống ASD7 là 23,3 và 26,1% và trên giống TN1 là 23,3 và 26,1%, Tuy nhiên, với giống TN1 ở tất cả giai đoạn tỷ lệ này đều ở mức cao từ 22,1 - 43,2% (Dhan và Arti, 2005) [40].
Về khả năng sinh sản: Có sự sai khác ý nghĩa về số lượng trứng được đẻ trên các giống sau 72 giờ lây nhiễm. Khả năng đẻ trứng thấp nhất ở giống PTB33, trung bình trên giống Mudgo và CO42, cao nhất ở TN1. Từ hai kết quả trên cho thấy có sự tương quan chặt chẽ giữa sự ưa thích và khả năng đẻ trứng trong các giống thí nghiệm (Dhan và Arti, 2005) [40].
Về sự hình thành quần thể: Số lượng rầy non trung bình được đẻ/bụi lúa ở được quan sát có xu hướng tăng dần trên giống PTB33 là 78,0 đến Mudgo (190,2) thấp hơn so với CO42 và ASD7. Số lượng cao nhất đạt được ở giống TN1 với 391,6 (Dhan và Arti, 2005) [40].
Về thời gian phát dục của sâu non: Thời gian đến trưởng thành của sâu non dài nhất trên giống PTB33 là 15,1 ngày, tiếp theo đến Mudgo là 13,9 ngày, ASD7 và CO42 đều 13,3 ngày và thời gian này ngắn nhất trên TN1 là 12,4 ngày.
Về tỷ lệ sống sót của sâu non: Trên giống PTB33 chỉ có 48% sâu non đạt tuổi trưởng thành, Mudgo là 64%. Trong khi đó, tỷ lệ này trên giống TN1 là 92,7% và ở các giống kháng vừa như CO42 và ASD7 tỷ lệ tương ứng đều là 70% (Dhan và Arti, 2005) [40].
Về chỉ số tăng trưởng: Chỉ số tăng trưởng của rầy cũng có sự khác biệt giữa các giống thí nghiệm, chỉ số này tăng từ 3,2; 4,5; 5,1; 5,0 tương ứng với các giống PTB33, IR64, CO 42, IR36 trong khi ở giống TN1 chỉ số này lên đến 7,5 (Dhan và Arti, 2005) [40].
Về tốc độ ăn: chỉ tiêu này được tính theo diện tích và trọng lượng nước bọt được bài tiết ra. Kết quả thí nghiệm cho thấy rầy được nuôi trên giống TN1 thì giọt nước bọt tiết ra lớn hơn (568,2 mm2) và trọng lượng nước bọt cũng cao hơn (33,6mg) so với các giống còn lại. Thấp nhất ở giống PTB33 tương ứng là 112,8 mm2 và 12,4mg (Dhan và Arti, 2005) [40].
1.4.3. Những nghiên cứu về sự thay đổi độc tính và biotype rầy nâu
Khả năng hình thành các biotype mới của rầy nâu sẽ lớn hơn khi tính chống rầy cao của một giống chỉ do một gen chi phối (sử dụng giống kháng đơn
gen). Khả năng đó sẽ ít hơn khi chúng sống trên những giống chống rầy vừa phải nếu tính kháng này do nhiều gen chi phối. Thực tế ở Philipine, Ấn Độ, Srilanca, Việt Nam cho phép tin rằng các quần thể rầy tự nhiên có nhiều biotype khác nhau.
Ở các nước Đông Nam Á (bao gồm Philippine, Indonesia, miền Nam Việt Nam), rầy nâu đã thay đổi tính độc gây hại từ những năm 1970 sau khi sử dụng rộng rãi các giống lúa mang gen kháng Bph1 và bph2. Hiện nay, rầy nâu có thể gây hại các giống mang 2 gen kháng đó. Rầy nâu xuất hiện ở Đông Á bao gồm miền Bắc Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản được xem có cùng quần thể và có nguồn gốc từ miền Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc (Kisimoto và Sogawa, 1995) [63]. Rầy nâu di cư vào Nhật Bản và trở nên độc với gen Bph1 vào năm 1988 – 1990, sự thay đổi này cũng thấy ở Trung Quốc. Để đánh giá sự thay đổi sự gây hại của rầy nâu sau khi sử dụng các giống kháng rầy (hình thành biotype mới) người ta thường sử dụng các giống chuẩn kháng rầy nâu. Tanaka và Matsumura (2000) [84] đã đánh giá tính độc của các chủng quần rầy nâu di cư vào Nhật Bản bằng việc sử dụng các giống chuẩn kháng như 4 giống Indica: Mudgo (mang gen Bph1), IR26 (mang gen Bph1), ASD7 (mang gen bph2), Babawee (mang gen bph4), và 1 dòng Japonica Norin PL10 (mang gen Bph3). Kết quả cho thấy rằng các chủng quần rầy nâu có thể gây hại các giống mang gen Bph1, và các giống mang gen bph2 có thể không có hiệu lực kháng các chủng quần rầy nâu di cư vào Nhật Bản (Tanaka và Matsumura, 2000) [84].
Sự phá vỡ tính kháng rầy nâu của các giống mang gen Bph1 và bph2 trong sản xuất lúa được ghi nhận bởi nhiều tác giả (Pathak và Saxena, 1980; Panda và Khush, 1995) [77] [76]. Đáp ứng tình hình sản xuất và khống chế rầy nâu, giống IR56 và IR60 mang gen Bph3 cũng được đưa ra đồng ruộng (Khush và Brar, 1991) [61]. Điều đó cho thấy rằng trong điều kiện tự nhiên, quần thể rầy nâu có thể nhanh chóng vượt qua những giống mang gen kháng đơn hay nói cách khác các giống kháng đơn gen thường không bền vững đối với một loài côn trùng gây hại có khả năng tiến hóa thích nghi cao như rầy nâu (Xu và ctv, 2002) [89]. Vì vậy, việc tìm ra nguồn gen kháng và cải tiến các giống lúa kháng rầy là việc làm cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trong chiến lược phòng trừ rầy nâu hại lúa hiện nay.