Nghiên cứu dự báo phân bổ nhu cầu đi lại theo phương thức vận tải trong các đô thị Việt Nam - 7


Việc di chuyển của người thực hiện chuyến đi trong thành phố cũng tuân theo những quy luật nhất định. Đặc điểm và cường độ di chuyển của người thực hiện chuyến đi trong đô thị liên quan trực tiếp tới quy hoạch đô thị và sự phân bố dân cư của đô thị đó. Sự phân bố dân cư lại có sự phụ thuộc nhất định vào đặc điểm nơi làm việc và loại công việc ( quy luật thu hút lao động ). Theo quy luật này, một bộ phận lớn lao động sẽ phân bổ ở gần nơi làm việc và sẽ giảm dần theo khoảng cách tính từ nơi làm việc. Sự phân bố dân cư phụ thuộc vào thời gian hao phí để khắc phục khoảng cách từ nơi ở tới nơi làm việc. Rò ràng rằng việc di chuyển của người dân trong đô thị liên quan tới thời gian di chuyển, tăng thời gian di chuyển cho một chuyến đi thì nhu cầu đi lại sẽ giảm xuống. Quy luật này đặc trưng với các loại nhu cầu di chuyển ngoại trừ di chuyển đến các điểm thu hút có ý nghĩa chung toàn thành phố (sân vận động, công viên…) cũng như đến trường học. Trong trường hợp này nhu cầu di chuyển giữa mỗi vùng với điểm thu hút tỷ lệ với lượng dân của nó.

b. Phân loại nhu cầu đi lại và vận tải hành khách

Để phục vụ cho các mục đích nghiên cứu khác nhau trong vận tải hành khách đô thị, có thể phân loại nhu cầu đi lại theo nhiều tiêu thức khác nhau. Bốn tiêu thức thường được dùng để phân loại có thể kể đến là: đặc điểm người thực hiện chuyến đi, đặc điểm chuyến đi, phương thức vận tải và đặc điểm tuyến vận tải. Cách phân loại theo các tiêu thức này thể hiện trong bảng 2.1.

Bảng 2. 1 Phân loại nhu cầu đi lại theo bốn tiêu thức


Đặc điểm

người thực hiện chuyến đi

Đặc điểm chuyến đi

Phương thức vận tải

Đặc điểm tuyến vận tải

- Tuổi

- Giới tính

- Thu nhập

- Quy mô gia đình

- Số lượng xe riêng

- Nghề nghiệp

- Đặc điểm khác

- Mục đích

- Thời gian

- Hướng tuyến

- Chi phí

- Ô tô riêng

- Taxi

- Xe buýt

- Tàu hỏa

- Máy bay

- Các loại khác

- Cao tốc

- Tuyến thường

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.

Nghiên cứu dự báo phân bổ nhu cầu đi lại theo phương thức vận tải trong các đô thị Việt Nam - 7

(Nguồn: Metropolitian Transportation Planning)


Mỗi cách phân loại lại có thể phân chia theo những tiêu thức nhỏ hơn như trong bảng 2.1. Hơn nữa, mỗi tiêu thức lại có thể chia làm nhiều nhóm để nêu bật mối quan hệ giữa các đặc điểm cụ thể của từng nhóm nhỏ và những ảnh hưởng của các đặc điểm này đến việc đi lại. Sự sắp xếp riêng biệt và tổ hợp giữa những yếu tố cấu thành khác biệt dẫn đến một số lượng lớn các mô hình vận tải thay thế để thỏa mãn nhu cầu đi lại của người dân đô thị. Việc phân loại này có ý nghĩa lớn trong công tác dự báo phân bổ nhu cầu đi lại đô thị cũng như trong công tác quy hoạch và quản lý giao thông đô thị.

Các tiêu thức phân loại nhu cầu đi lại cũng được áp dụng trong phân loại vận tải hành khách. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu về giao thông vận tải, thông thường người ta chia vận tải hành khách đô thị thành hai loại là vận tải hành khách cá nhân và vận tải hành khách công cộng. Phương tiện vận tải cá nhân được quan niệm là các phương tiện có sức chứa từ 1-8 người (kể cả người lái) còn phương tiện vận tải công cộng có sức chứa từ 9 người trở lên (trừ taxi) [18, 19].

Một cách phân loại khác người ta chia vận tải hành khách trong đô thị thành hai loại: theo hành trình và không theo hành trình. Trong vận tải hành khách theo hành trình, người ta tổ chức hoạt động của phương tiện vận tải theo các hành trình đã xác định trước, trên đó có bố trí các điểm đầu, cuối, giữa hành trình với các công trình phục vụ kèm theo (nhà chờ, biển chỉ dẫn hành trình …). Còn đối với vận tải hành khách không theo hành trình, các phương tiện không bắt buộc phải hoạt động theo một hành trình cụ thể, Nhìn chung, đa số phương tiện vận tải hành khách công cộng hoạt động theo hành trình, còn phương tiện vận tải cá nhân hoạt động không theo hành trình.

c. Đặc điểm của nhu cầu đi lại đô thị

* Nhu cầu đi lại là nhu cầu phát sinh

Khi con người có nhu cầu về một vấn đề nào đó, họ sẽ tìm cách thỏa mãn nhu cầu của mình. Đối với những nhu cầu về sản phẩm, hàng hóa nói chung, con người sẽ sử dụng một loại sản phầm khi sản phẩm này có giá trị sử dụng, trực tiếp hay gián tiếp thỏa mãn mong muốn của họ.


Với những sản phẩm mà thỏa mãn trực tiếp nhu cầu của con người như lương thực, nước uống… nhu cầu sử dụng những sản phẩm này được gọi là nhu cầu nguyên sinh, giá trị sử dụng của sản phẩm trực tiếp thỏa mãn hay đáp ứng được mục đích của con người. Với một số sản phẩm khác, việc sử dụng những sản phầm này nhằm gián tiếp đạt được một hay nhiều mục đích khác của người sử dụng, nói cách khác những sản phẩm này chỉ là công cụ hay phương tiện để đạt được mục đích nào đó của con người thì nhu cầu về sản phẩm này gọi là nhu cầu phát sinh, nhu cầu thứ phát hay nhu cầu dẫn xuất. Điều này có nghĩa là vì để thỏa mãn một mục đích nào đó, con người sẽ có nhu cầu sử dụng những sản phẩm khác để đạt được mục đích của mình. Vì thế nhu cầu phát sinh và là nhu cầu được nảy sinh do từ một hay nhiều nhu cầu khác.

Trong lĩnh vực vận tải, việc đi lại của người thực hiện chuyến đi không xuất phát từ giá trị sử dụng của dịch vụ vận tải, mà dịch vụ vận tải chỉ là công cụ hay phương tiện để góp phần thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của người thực hiện chuyến đi trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội. Chẳng hạn như, một người nào đó có nhu cầu đến bệnh viện thăm bạn ốm, vì thế họ cần di chuyển từ nhà đến bệnh viện, do đó làm phát sinh nhu cầu đi lại. Như vậy, nhu cầu đi lại phát sinh dựa trên các nhu cầu khác của con người. Nói cách khác ta gọi nhu cầu đi lại là nhu cầu phát sinh hay nhu cầu dẫn xuất.

* Nhu cầu đi lại ít có khả năng thay thế

Với các sản phẩm thông thường như lương thực, thực phẩm, số lượng những mặt hàng có giá trị sử dụng tương đương nhau rất nhiều do đó người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn các sản phẩm có thể thay thế lẫn nhau. Trong lĩnh vực vận tải, số lượng phương thức vận tải có thể thay thế nhau trên một hành trình của người thực hiện chuyến đi là không nhiều, thậm chí là không có, vì vậy cơ hội lựa chọn sản phẩm vận tải thay thế của người thực hiện chuyến đi giảm đi đáng kể so với hàng hóa thông thường.

* Sự thay đổi của giá cước tác động chậm tới nhu cầu đi lại

Sự biến động của lượng cầu vận tải theo giá cước cũng tuân theo luật nhu cầu, nghĩa là khi giá cước tăng thì lượng cầu vận tải giảm và ngược lại, khi


giá cước giảm thì lượng cầu vận tải tăng. Tuy nhiên, sự thay đổi của giá cước không diễn ra đồng thời với sự thay đổi lượng cầu vận tải, mà sự thay đổi lượng cầu vận tải thường xảy ra sau một khoảng thời gian nhất định tính từ khi giá cước thay đổi. Vấn đề này có thể được giải thích như sau: nhu cầu đi lại là nhu cầu phát sinh, nó phụ thuộc vào nhu cầu về sản xuất hay tiêu dùng của con người, nhưng những thói quen tiêu dùng hay kế hoạch sản xuất không thể thay đổi ngay lập tức mà cần phải có thời gian. Do đó, khi giá cước thay đổi thì phải mất một khoảng thời gian nhất định lượng cầu về vận tải mới thay đổi theo sự thay đổi của nhu cầu về sản xuất hay tiêu dùng…

* Nhu cầu đi lại có xu hướng bão hòa và tăng chậm so với nhịp độ phát triển chung của nền kinh tế

Trong các lĩnh vực phát triển của nền kinh tế khi các nhân tố ảnh hưởng thay đổi thuận lợi sẽ làm tăng nhu cầu. Trong lĩnh vực vận tải, xu hướng biến động của nhu cầu có một chút khác biệt. Khi điều kiện sống được cải thiện, thu nhập tăng sẽ dẫn tới tăng nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải cá nhân, nhu cầu đi lại bằng phương thức vận tải công cộng giảm đi đáng kể và sẽ tiếp tục giảm nếu chất lượng của vận tải công công không được cải thiện.

* Nhu cầu đi lại mang tính xã hội sâu sắc

Tính xã hội của nhu cầu đi lại thể hiện thông qua phong tục, tập quán và thói quen trong sinh hoạt của người dân. Mỗi nước khác nhau hay mỗi địa phương trong một nước có những phong tục, thói quen khác nhau trong việc tiêu dùng sản phẩm nói chung cũng như sản phẩm vận tải nói riêng, điều này thể hiện đặc thù của mỗi khu vực hay thể hiện tính xã hội của nhu cầu đi lại.

* Nhu cầu đi lại biến động theo không gian và thời gian

Các hoạt động trong xã hội thường có quy luật và có tính chu kỳ, chẳng hạn như mỗi năm vào dịp tết âm lịch những người xa nhà thường có xu hướng về nhà ăn tết làm cho nhu cầu đi lại vào dịp tết tăng mạnh. Vì lĩnh vực vận tải là lĩnh vực hỗ trợ và phục vụ cho các lĩnh vực khác trong nền kinh tế nên chính sự biến động của hoạt động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của con người có tính chu kỳ cũng làm cho hoạt động vận tải bị chi phối bởi quy luật và chu kỳ đó.


Đối với vận tải hành khách đô thị sự biến động của nhu cầu đi lại thay đổi theo không gian và thời gian mà thể hiện rò thông qua quy luật biến động của luồng hành khách [6].

d. Các nhân tố ảnh hưởng tới quyết đinh lựa chọn phương thức vận tải nhằm thỏa mãn nhu cầu đi lại

Có rất nhiều các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn phương thức vận tải của người thực hiện chuyến đi và có nhiều cách phân loại các nhân tố ảnh hưởng khác nhau. Để phục vụ cho công tác mô hình hóa sau này, trên cơ sở lý thuyết về dự báo nhu cầu đi lại và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, luận án phân loại các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn phương thức vận tải thành các nhóm: Người thực hiện chuyến đi và đặc điểm của người thực hiện chuyến đi; sự sẵn có của các phương thức vận tải thay thế nhau; đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của các phương thức vận tải và các nguyên tắc ra quyết định của người thực hiện chuyến đi. Các nhân tố này sau đó được đưa vào mô hình và tính toán các tham số để phân tích mức độ ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn phương thức vận tải của người thực hiện chuyến đi.

* Người thực hiện chuyến đi và đặc điểm của người thực hiện chuyến đi

Người thực hiện chuyến đi là người ra quyết định lựa chọn phương thức vận tải để thực hiện chuyến đi của mình. Trong mỗi tình huống lựa chọn người ra quyết định lựa chọn có thể là một người thực hiện chuyến đi đơn lẻ hoặc một nhóm người thực hiện chuyến đi, ai là người ra quyết định còn phụ thuộc vào tình huống lựa chọn cụ thể. Chẳng hạn, trong quyết định lựa chọn phương thức vận tải cho các chuyến đi làm của mình, người ra quyết định là cá nhân người thực hiện chuyến đi đó, nhưng trong tình huống lựa chọn phương thức vận tải cho chuyến đi du lịch của một tập thể, quyết định lựa chọn này có thể là kết quả lựa chọn của một tập thể thông qua biểu quyết hoặc có thể là kết quả lựa chọn cá nhân của bản thân người lãnh đạo tập thể đó.

Đặc điểm của người thực hiện chuyến đi là nhân tố ảnh hưởng quan trọng tới quyết định lựa chọn phương thức vận tải của họ. Những đặc điểm được


nghiên cứu trong phân tích lựa chọn phương thức vận tải thường là: thu nhập của người thực hiện chuyến đi hay thu nhập bình quân của nhóm người thực hiện chuyến đi; nơi cư trú; địa vị xã hội của người thực hiện chuyến đi; thói quen, tính cách của người thực hiện chuyến đi …. Mỗi người thực hiện chuyến đi với các đặc điểm khác nhau sẽ có những cảm nhận và đánh giá khác nhau về cùng một phương án lựa chọn cũng như các thuộc tính của phương án đó, dẫn tới trong cùng một hoàn cảnh cụ thể, sự lựa chọn phương thức vận tải của họ là khác nhau. Chẳng hạn như trong việc lựa chọn phương thức di chuyển, hai người thực hiện chuyến đi khác nhau với mức độ thu nhập khác nhau và nơi cư trú khác nhau sẽ gần như chắc chắn có các phương án khác nhau để lựa chọn. Với những người thực hiện chuyến đi có cùng mức thu nhập nhưng thói quen và tính cách khác nhau có thể có những đánh giá khác nhau về tầm quan trọng của các thuộc tính của phương thức vận tải như: thời gian di chuyển, giá cả và các thuộc tính khác. Sự khác biệt này giữa những người thực hiện chuyến đi nên được xem xét rò ràng trong mô hình lựa chọn, do đó, điều quan trọng là phải phát triển các mô hình lựa chọn xuất phát từ đặc điểm người thực hiện chuyến đi và phải bao gồm các biến số biểu thị sự khác biệt giữa những người thực hiện chuyến đi.

* Sự sẵn có của các phương thức vận tải thay thế (Các sự lựa chọn thay thế)

Sự lựa chọn phương thức vận tải chỉ nảy sinh khi có từ hai phương thức vận tải có thể thay thế nhau trở lên. Mỗi người thực hiện chuyến đi sẽ chọn ra một phương thức vận tải (phương án) từ tập hợp các phương thức vận tải khả dụng (tập phương án khả dụng) với họ. Tập tất cả các phương án khả dụng có thể bị ràng buộc bởi môi trường. Chẳng hạn, xe buýt nhanh chỉ là phương án khả dụng đối với những thành phố có tuyến xe buýt nhanh hoạt động. Tập các phương án được xác định bởi môi trường thì được xem như là tập lựa chọn phổ dụng (tập hợp các phương thức vận tải phổ dụng).

Tuy nhiên, ngay cả khi một phương án được mô tả trong tập lựa chọn phổ dụng, nó cũng chưa chắc là một phương án khả thi đối với một cá nhân cụ


thể. Tính khả thi của một phương án đối với một cá thể trong vấn đề chọn phương thức di chuyển có thể bị ràng buộc bởi các điều kiện khác nhau như: các quy định của pháp luật (một người không thể lái xe ô tô nếu chưa đủ 18 tuổi, hoặc hơn 18 tuổi nhưng chưa có bằng lái…), các ràng buộc kinh tế (đi taxi hàng ngày để đi làm là điều cực kỳ khó khăn đối với những người có thu nhập thấp) hoặc các đặc tính của cá thể (người tàn tật không thể tự lái xe một mình). Tập con của tập lựa chọn phổ dụng bao gồm các phương án khả thi đối với một người thực hiện chuyến đi sẽ được định nghĩa là tập lựa chọn khả thi của người thực hiện chuyến đi đó.

Cuối cùng, không phải tất cả các phương án trong tập lựa chọn khả thi có thể được xem xét trong quá trình lựa chọn của người thực hiện chuyến đi đó. Ví dụ, trong những khoảng thời gian có khuyến mại, taxi Uber hay Grab có thể là một phương thức di chuyển khả thi cho một người thực hiện chuyến đi có thu nhập thấp để đến nơi làm việc vì chi phí đi lại có thể ở mức 0 đồng, nhưng cá thể đó có thể không biết về khoảng thời gian khuyến mại này, do vậy khi lựa chọn, họ không đưa taxi vào trong những phương án mà họ xem xét. Tập con của tập các lựa chọn khả thi mà một cá thể sẽ thực sự cân nhắc đến được gọi là tập các lựa chọn được suy xét. Đây mới thực sự là tập các lựa chọn mà ta phải tính đến khi mô hình hóa các quyết định lựa chọn.

* Các đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của các phương thức vận tải (Các thuộc tính của lựa chọn thay thế)

Mỗi một phương thức vận tải trong một quá trình lựa chọn được đặc trưng bởi các đặc điểm kinh tế - kỹ thuật (tập các giá trị thuộc tính) như: thời gian di chuyển, mức độ tiện nghi của phương thức .... Tính thu hút của một phương thức vận tải trong quá trình lựa chọn hoàn toàn được xác định bởi các giá trị của các thuộc tính của nó. Tuy nhiên, độ ổn định về giá trị của các thuộc tính của các phương thức vận tải là khác nhau, có phương thức giá trị của thuộc tính có độ ổn định cao nhưng có những phương thức biên độ dao động về giá trị của thuộc tính lớn. Do vậy, số đo mức độ không chắc chắn hay không ổn định của thuộc tính cũng cần được xem xét trong quá trình xây dựng mô hình lựa


chọn . Chẳng hạn, nếu thời gian di chuyển bằng loại hình vận tải công cộng là không cố định, giá trị kỳ vọng của thời gian di chuyển và số đo mức độ không chắc chắn của thời gian di chuyển đều có thể được đưa vào như là thuộc tính của loại hình vận tải công cộng.

Thuộc tính của các phương thức vận tải có thể có tính tổng quát (tức là chúng áp dụng đều cho tất cả các phương thức vận tải) hoặc riêng biệt (chúng áp dụng cho một hoặc nhóm nhỏ các phương thức vận tải). Trong dự báo lựa chọn phương thức vận tải, thời gian di chuyển trên xe thường được dùng cho tất cả các phương tiện cơ giới bởi vì nó liên quan tới các lựa chọn phương tiện cơ giới. Tuy nhiên, nếu thời gian di chuyển bằng xe buýt được xem là khá nặng nề do quá đông, thời gian di chuyển trên xe tương ứng với xe buýt được định nghĩa là một biến khác biệt, với tham số khác biệt; sự khác biệt giữa tham số này và tham số thời gian di chuyển trên xe của các phương tiện cơ giới khác sẽ được dùng để đánh giá mức độ khó nhọc tương đối của một người phải di chuyển bằng xe buýt so với các phương tiện khác. Những thời gian khác, chẳng hạn thời gian chờ tại điểm dừng, hay thời gian chuyển xe tại điểm trung chuyển chỉ liên quan tới các loại hình vận tải công cộng, mà không liên quan tới các loại hình vận tải cá nhân. Chúng ta cũng thường xem xét thời gian di chuyển đối với các loại hình phi cơ giới (đi bộ hoặc đi xe đạp) như là các thuộc tính riêng biệt của những lựa chọn này.

Một lý do quan trọng của việc phát triển các mô hình chọn rời rạc là để đánh giá hiệu quả của các hoạt động chính sách. Để cung cấp khả năng đó, điều quan trọng là phải nhận biết và đưa vào xem xét các thuộc tính mà giá trị của chúng có thể thay đổi được bởi các quyết định chính sách. Trong dự báo lựa chọn phương thức vận tải, các biến này bao gồm các số đo dịch vụ (thời gian vận chuyển, tần suất, độ tin cậy của dịch vụ…) và chi phí vận chuyển.

* Các quy tắc ra quyết định

Mỗi người thực hiện chuyến đi dựa vào một quy tắc quyết định (tức là một cơ chế để xử lý thông tin và đánh giá các phương án) để chọn một phương thức vận tải từ một tập các phương thức vận tải khác nhau. Quy tắc quyết định

Xem tất cả 203 trang.

Ngày đăng: 09/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí