Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng đồ gỗ, trường hợp nghiên cứu: Vùng Đông Nam Bộ - 20


- Xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới thông tin thị trường và kịp thời cung cấp thông tin thị trường quốc tế về sản phẩm gỗ cho các doanh nghiệp.

- Xây dựng các trung tâm kiểm nghiệm Quốc gia về sản phẩm gỗ tiến tới xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, sản phẩm quốc gia đối với từng loại sản phẩm gỗ.

- Củng cố và nâng cao năng lực của Hiệp hội ngành nghề, vai trò của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam phải thật sự trở thành cầu nối chặt chẽ giữa Chính phủ và từng doanh nghiệp. Quan tâm hỗ trợ Hiệp hội phát triển, đặc biệt là hỗ trợ những chương trình hoạt động của Hiệp hội, quy tụ hội viên nhằm làm cho Hiệp hội và các hội viên trở thành đối tác của Chính phủ trong việc hoạch định chính sách và chỉ đạo phát triển Ngành.

- Duy trì và tăng cường mối quan hệ giữa Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam với các Bộ, Ngành, địa phương và các doanh nghiệp thành viên để nhận được các thông tin 2 chiều và kịp thời nắm bắt các khó khăn và nguyện vọng của các doanh nghiệp. Hiệp hội sẽ cùng với các Bộ, Ngành địa phương cùng trình Chính phủ giải quyết [Phụ lục 6].

* Về xây dựng chiến lược phát triển ngành chế biến đồ gỗ Việt một cách quy cũ

Như đã phân tích trong chương 2, ngành chế biến gỗ đã có từ rất lâu nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng vốn có của ngành. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có một chiến lược đủ hiệu quả để tổ chức phối hợp thực hiện. Mặc dù hiện nay đã có rất nhiều báo cáo, dự thảo, hội thảo, dự án nghiên cứu để đề ra chiến lược phát triển ngành. Tuy nhiên theo cách tiếp cận của luận án thì khi xây dựng chiến lược, Chính phủ cần đề cập đến: xác định sản phẩm chủ lực trong xuất khẩu đồ gỗ là thuộc nhóm sản phẩm nào? Nguồn nguyên liệu đáp ứng cho ngành chế biến trong ngắn hạn và dài hạn được giải quyết ra sao để các doanh nghiệp trong ngành không bị động và quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu như trong thập niên trở lại đây? Định vị thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành đồ gỗ để từ đó có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ tạo thành một chuỗi liền mạch nhằm đủ mạnh trong quá trình thâm nhập vào thị trường thế giới.

Song song đó, Chính phủ có chính sách cụ thể về xúc tiến thương mại đối với ngành đồ gỗ, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng như việc thành lập các khu công nghiệp phục vụ ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ (kể cả các doanh nghiệp trong các ngành phụ trợ như hóa chất, cơ khí, thuộc da…).

* Xây dựng môi trường vĩ mô ổn định, bao gồm các khía cạnh liên quan đến ngành chế biến đồ gỗ, cụ thể:

- Ban hành chế tài nghiêm đối với trường hợp khai thác gỗ lậu, gỗ quý xuất khẩu (từ nguồn rừng tự nhiên) và gỗ non (từ rừng trồng) sang các thị trường khác đặc biệt xuất sang

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 166 trang tài liệu này.


Trung Quốc làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu vốn rất thiếu trong nước.

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng đồ gỗ, trường hợp nghiên cứu: Vùng Đông Nam Bộ - 20

- Tăng cường quản lý công tác kiểm soát và giám sát tại các cửa khẩu trong quá trình nhập khẩu gỗ nguyên liệu, gỗ nguyên liệu vận chuyển trong nội địa. Có chế tài thật nghiêm đối với trường hợp vận chuyển, mua bán và sử dụng gỗ nguyên liệu bị khai thác bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc. Nếu làm tốt việc này, sản phẩm gỗ Việt Nam khi thâm nhập sang các thị trường sẽ đáp ứng tốt các rào cản từ các nước sở tại về LACEY, FLEGT vì đã có chứng chỉ CoC, FSC.

- Sử dụng đồng loạt các biện pháp công cụ vốn có của Nhà nước như lãi suất, tiền tệ nhằm kìm chế lạm phát, hạ nhiệt lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp trong ngành của hệ thống ngân hàng thương mại, xóa cơ chế 2 tỷ giá (tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá thanh toán). Thực tế trong vài năm trở lại đây, lạm phát trong nước tăng cao dẫn đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp cũng tăng theo. Trong khi đó giá bán sản phẩm không tăng theo kịp tỷ lệ lạm phát mà doanh nghiệp phải hứng chịu. Hệ quả là rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ, sản xuất cầm chừng, ngưng sản xuất và phá sản.

* Tóm lại: Ngành đồ gỗ Việt Nam muốn phát triển bền vững đòi hỏi phải có đầu vào ổn định là nguồn nguyên liệu, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhà sản xuất. Để đẩy mạnh trồng rừng, hình thành nguồn nguyên liệu ổn định đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư dài hạn, trong khi đó ngành vẫn chưa có được nguồn đầu tư thích đáng, nếu có thì việc tiếp cận nguồn vốn này cũng rất khó. Chính yếu tố này đòi hỏi Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi dành cho các doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp chỉ có thể phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc đào tạo công nghệ nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới (R&D). Chỉ với con đường đầu tư công nghệ hiện đại, liên tục cho ra đời nhiều dòng sản phẩm mới, chất lượng cao mới có thể giúp các doanh nghiệp đồ gỗ có đủ sức tồn tại và cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó cần tăng cường quản trị hệ thống để tối ưu hóa mọi hoạt động như: tiết kiệm nguyên vật liệu, điện năng… thông qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất cũng như gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây dựng, đăng ký và quảng bá thương hiệu sản phẩm đồ gỗ Việt Nam. Thông qua vai trò đầu mối của Chính phủ, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ liên doanh, liên kết với các chủ rừng để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ. Ngành phải được quy hoạch phát triển theo các khu vực tập trung với quy mô đủ lớn, đảm bảo hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

3.5.2 Kiến nghị đối với Hiệp hội ngành hàng đồ gỗ: Hiệp hội phải là cầu nối thực sự


để các doanh nghiệp trong ngành trao đổi, chia sẻ thông tin cũng như phản hồi những thông tin về những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh

Vì thực tế hiện nay đang tồn tại tình trạng doanh nghiệp tin và trông chờ tuyệt đối ở vai trò của Chính phủ, do đó các Hiệp hội ở các địa phương và trung ương thực sự không có quyền lực vì họ không phải là cơ quan ban hành và giám sát việc thực thi của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến hệ quả là một số doanh nghiệp không mặn mà trong việc tham gia vào Hiệp hội bởi vì theo họ khi tham gia vào đây tốn phí nhưng chưa thực sự mang lại những lợi ích mà họ kỳ vọng (khảo sát 300 doanh nghiệp trên địa bàn nghiên cứu của tác giả, 2011). Như vậy để các Hiệp hội có được sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp, trước hết bản thân các Hiệp hội phải tự nâng cao uy tín và thương hiệu của mình qua các công việc mà Hiệp hội có thể làm, bao gồm:

- Thường xuyên cập nhật tất cả thông tin về ngành hàng trong nước và quốc tế về thị trường đầu vào như tình hình cung ứng nguyên liệu, giá cả, chất lượng, thanh toán giao hàng. Đồng thời có những thông tin thực về năng lực của các nhà cung cấp, tập quán kinh doanh của họ, thời vụ kinh doanh trên từng thị trường diễn ra như thế nào? Đồng thời nghiên cứu, khảo sát và kết hợp với các tham tán thương mại của Việt Nam tại các nước để biết tập quán phân phối, tiêu dùng của từng thị trường, thị trường chủ lực cần gì? thị trường tiềm năng đang mong đợi gì từ sản phẩm đồ gỗ Việt Nam.

- Hiệp hội phải là nơi thường xuyên nghiên cứu nhu cầu và những biến động của thị trường, đặc biệt thị trường thế giới để từ đó có thể đưa ra các dự báo càng chính xác càng tốt. Công tác dự báo nên tập trung vào vấn đề như: các quy định đối với sản phẩm gỗ, giá cả nguyên liệu, tình hình cung ứng nguyên liệu, xu hướng sử dụng nguyên liệu của các thị trường tiêu thụ chủ lực. Ngoài ra phải dự báo nhu cầu tiêu dùng của các thị trường liên quan đến Việt Nam, khuynh hướng mẫu mã thiết kế sản phẩm (mặc dù cho đến hiện nay, công đoạn này vẫn thuộc về quyền của các nhà mua sỉ từ nước ngoài), giới thiệu xu hướng thiết kế, giới thiệu công nghệ mới, các giải pháp xuất khẩu, thông tin thị trường. Hiệp hội lưu ý đến các biện pháp phi thuế quan mà các thị trường tiêu thụ sản phẩm đã đang và sẽ lập và đặt ra yêu cầu đối với đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam. Trong đó phải đặc biệt nghiên cứu kỹ nội dung các đạo luật LACEY của Hoa Kỳ và FLEGT của EU, biện pháp chống bán phá giá của Hoa Kỳ (và EU) đang áp dụng đối với cùng ngành hàng tại Trung Quốc, từ đó cung cấp thông tin chính xác và có hỗ trợ kịp thời đối với doanh nghiệp mỗi khi các doanh nghiệp thành viên cần đến sự hỗ trợ.


Để làm được như vậy, Hiệp hội phải có nguồn kinh phí đủ mạnh, hiện nguồn kinh phí này chủ yếu thu từ sự đóng góp của các doanh ngHiệp hội viên. Tác giả cho rằng Chính phủ nên rà soát và củng cố cơ chế thuận lợi để các Hiệp hội dễ dàng tiếp cận với các nguồn viện trợ từ các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ như ITTO, GIZ, JICA, Ford Foundation Fund… Đây là các tổ chức chuyên hỗ trợ kinh phí nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin về thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại…

* Tóm lại: Một khi đủ mạnh, Hiệp hội chắc chắn sẽ là sân chơi không thể thiếu của bất kỳ doanh nghiệp nào trong ngành cho dù qui mô của họ như thế nào. Được như vậy, Hiệp hội sẽ thực sự trở thành diễn đàn để các doanh nghiệp chia sẻ thông tin lẫn nhau cũng như nhận được thông tin nhằm gắn kết với nhau, tạo nền tảng để các doanh nghiệp tăng sự hợp tác để cùng nhau phát triển. Đồng thời Hiệp hội cũng thực sự trở thành cầu nối tin yêu của doanh nghiệp, mang những trăn trở của họ để phản ánh kịp thời đến các cơ quan quản lý của Chính phủ như việc triển khai thực hiện TT40/NNPTNT ban hành 15/8/2012.


TÓM TẮT CHƯƠNG 3


Toàn bộ nội dung chương 3 đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường sự hợp tác chuỗi cung ứng ngành chế biến đồ gỗ Việt Nam, đó là các doanh nghiệp cần chú trọng ưu tiên hàng đầu làm sao để mở rộng qui mô, khẳng định thương hiệu, nắm bắt và hiểu được tập quán giao dịch của đối tác, chủ động và thường xuyên duy trì mối quan hệ giao dịch với các đối tác một cách có chọn lọc, nâng cao nhận thức về liên kết hợp tác trong chuỗi cung ứng và các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ. Nghiên cứu đã đi sâu phân tích một số nội dung, bao gồm:

1/ Đưa ra quan điểm khi tiến hành xây dựng các giải pháp đối với doanh nghiệp trong ngành, các kiến nghị đối với Chính phủ và Hiệp hội.

2/ Trích dẫn và phân tích một số quan điểm, mục tiêu và phương hướng của các Bộ chủ quản về phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ Việt Nam đến năm 2020.

3/ Điểm lại các căn cứ để xây dựng giải pháp thông qua các bài học kinh nghiệm về chuỗi cung ứng, bao gồm các dự báo của ngành, bài học kinh nghiệm rút ra ở chương 1 và mô hình kinh tế lượng về các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác chuỗi cung ứng ở chương 2. 4/ Đưa ra 6 giải pháp đối với doanh nghiệp trong ngành và 2 kiến nghị đối với Chính

phủ cũng như đối với các Hiệp hội ở các địa phương và trung ương. Cụ thể nội dung của 6 giải pháp xoay quanh kết quả mô hình kinh tế lượng đã xử lý từ dữ liệu trên mẫu khảo sát 275 doanh nghiệp chế biến đồ gỗ vùng Đông Nam Bộ. Trong mỗi giải pháp tác giả cố gắng bố cục thành 4 phần, gồm: mục tiêu giải pháp, biện pháp thực hiện, kết quả kỳ vọng và một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp khi triển khai biện pháp. Các kiến nghị tập trung vào khắc phục các tồn đọng của ngành qua phần nghiên cứu 2.1.3 chương 2.

Sáu giải pháp và hai kiến nghị được đề cập rất chi tiết trong chương 3 là những nội dung mà các doanh nghiệp trong ngành cần lưu ý để từ đó dựa vào điều kiện kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp mình mà lựa chọn lần lượt các giải pháp hoặc kết hợp giữa các giải pháp với nhau để vận dụng vào doanh nghiệp và ngành một cách hiệu quả. Đồng thời doanh nghiệp phải lưu ý các kênh có thể giúp doanh nghiệp phản ánh những trăn trở, khó khăn đến các cơ quan hữu quan để nhận được hỗ trợ kịp thời.


KẾT LUẬN


Qua nội dung nghiên cứu toàn bộ luận án, có thể tái khẳng định rằng ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ rất nhiều tiềm năng phát triển, minh chứng trong hơn thập kỷ qua về tốc độ phát triển quy mô doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm của ngành. Đồng thời có sự tăng trưởng cao và ổn định về kim ngạch xuất khẩu, đưa ngành lên vị trí thứ 4 trong nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ đã có nhiều tiến bộ rõ rệt về mọi mặt như từ bao bì đóng gói đến cách thức làm sao cho sản phẩm ít tốn thời gian lắp ráp nhất khi đến tay người tiêu dùng. Đạt được những kết quả bước đầu như vậy bên cạnh sự năng động và nổ lực không mệt mỏi của các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ, một phần cũng là do các tập đoàn đồ gỗ lớn đã chuyển đơn đặt hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để họ có thể hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi khhi đưa hàng vào thị trường Hoa Kỳ và EU. Song bên cạnh đó, ngành đã và đang bộc lộ nhiều yếu điểm và nếu không kịp cải thiện thì đó chính là những thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành trong thời gian tới. Có thể liệt kê một số đe dọa cơ bản, đó là việc tổ chức sản xuất và phân phối còn mang tính tự phát, chưa thể hiện sự kết nối giữa các bên tham gia, chưa đáp ứng về yêu cầu phát triển bền vững do nghiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Hệ quả này là do các doanh nghiệp trong ngành cũng như ngành chưa có ý niệm đúng đắn về việc thiết lập và triển khai mô hình chuỗi cung ứng thích hợp – đó chính là chuỗi cung ứng hợp tác.

Với mục đích xây dựng cơ sở khoa học nâng cao sự hợp tác chuỗi cung ứng, qua đó đưa ra các giải pháp và đề xuất kiến nghị thiết thực, nghiên cứu này đã hướng trọng tâm nghiên cứu vào các nội dung sau đây:

1/ Tổng kết các lý thuyết về chuỗi cung ứng hợp tác và các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác trong chuỗi, phân tích các điểm đặc thù của ngành công nghiệp chế biến đồ gỗ thế giới, Việt Nam và đặc biệt tại vùng Đông Nam Bộ. Từ đó nhận dạng mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng tại địa bàn nghiên cứu,

2/ Xây dựng và kiểm định mô hình phù hợp, đáng tin cậy về các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng đồ gỗ từ đó xác định mức độ quan trọng của từng nhân tố đến vấn đề cần nghiên cứu,

3/ Vận dụng kết quả nghiên cứu định lượng kết hợp với việc phân tích thực trạng của ngành và chuỗi cung ứng của ngành, các dự báo chiến lược của ngành nhằm hoạch định các giải pháp tăng cường sự hợp tác và hoàn thiện chuỗi cung ứng,


* Những kết quả đạt được của nghiên cứu:

1/ Xây dựng và kiểm định mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến sự hợp tác trong chuỗi cung ứng ngành chế biến gỗ Việt Nam, trường hợp nghiên cứu vùng Đông Nam Bộ vào thời điểm nghiên cứu hiện tại bao gồm 6 nhân tố với 25 biến quan sát, đó là: nhân tố quyền lực (4 biến quan sát), nhân tố thuần thục (4 biến quan sát), nhân tố tín nhiệm (5 biến quan sát, đã loại bớt 2 biến quan sát TRU1,2), nhân tố tần suất (4 biến quan sát), nhân tố văn hóa (4 biến quan sát) và nhân tố chiến lược (4 biến quan sát),

2/ Thông qua mô hình hồi quy bội đã xác định được mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến sự hợp tác chuỗi cung ứng đồ gỗ vùng Đông Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung, Trong đó mức độ cao nhất là nhân tố quyền lực, điều này phản ánh khá chính xác tình hình kinh doanh ngành đồ gỗ - đặc trưng của ngành cần quy mô vốn khá lớn và nhân tố có mức độ ảnh hưởng thấp nhất trong mô hình kiểm định là chiến lược – đây cũng là điểm yếu cơ bản của các doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp chế biến sản phẩm gỗ Việt nói riêng,

3/ Nghiên cứu 2 mô hình chuỗi cung ứng điển hình trong cùng ngành, từ đó rút ra được một số bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai chuỗi cung ứng đồ gỗ tại Việt Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng. Đánh giá những mặt tích cực và những tồn tại của ngành chế biến đồ gỗ, đặc điểm chuỗi cung ứng đồ gỗ tại địa bàn nghiên cứu. Thông qua dữ liệu khảo sát đã cho được kết quả mô hình nghiên cứu như đã đề cập ở phần

2.5.2 chương 2. Đồng thời nghiên cứu này cũng đã chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng và các dự báo về hoạt động của ngành. Trên cơ sở đó đề xuất 6 giải pháp tập trung vào các doanh nghiệp chế biến trong ngành nhằm nâng cao sự hợp tác, đó là:

- Nâng cao vị thế và năng lực để củng cố quyền lực đối với các đối tác;

- Các doanh nghiệp phải thường xuyên duy trì các hoạt động giao dịch với đối tác nhằm tăng mức độ thuần thục tạo thuận lợi thúc đẩy các quan hệ hợp tác;

- Các doanh nghiệp phải chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh doanh nghiệp để tăng cường mức độ tín nhiệm trong các giao dịch với đối tác;

- Các doanh nghiệp phải chủ động tăng cường tần suất giao dịch giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng gồm nhà cung cấp, nhà phân phối và các nhà sản xuất trong ngành;

- Các doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa hợp tác để chủ động duy trì và thiết lập các mối quan hệ giao dịch dài hạn và bền vững;

- Hoạch định chiến lược hợp tác thích hợp với điều kiện kinh doanh mới nhằm góp phần tăng cường tính hợp tác trong chuỗi cung ứng đồ gỗ,


Ngoài ra trong nghiên cứu này còn đưa ra hai kiến nghị đối với Chính phủ và Hiệp hội ngành nghề ở trung ương và địa phương, Cụ thể:

- Đối với Chính phủ: Cần có chính sách kịp thời về tín dụng ưu đãi đảm bảo nguồn vốn vay ngoại tệ với lãi suất hợp lý phù hợp từn giai đoạn để các doanh nghiệp gỗ có vốn lưu động nhập gỗ nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng như chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ các Quỹ đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tổ chức đầu tư trồng rừng nguyên liệu;

- Đối với Hiệp hội: Phải chủ động và thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm thiết thực hơn nữa nhằm giúp các doanh nghiệp cơ hội tìm kiếm thị trường, chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác với nhau. Là nơi đáng tin cậy để các doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, từ đó thu thập tổng hợp và thay mặt doanh nghiệp kiến nghị lên các cơ quan, hội ngành có thẩm quyền tại địa phương và trung ương.

* Những hạn chế của nghiên cứu và hướng nghiên cứu tiếp theo

Do mẫu khảo sát được thực hiện theo phương pháp thuận tiện: tập trung vào doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước, thuộc địa bàn 3 tỉnh thành là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương mà chưa nghiên cứu đến một loại hình rất quan trọng trong ngành là doanh nghiệp có vốn nước ngoài 100% hay liên doanh liên kết, trong khi đó thành phần này lại chiếm một tỷ trọng kim ngạch xuất và nhập khá cao trong tổng kim ngạch xuất nhập của ngành cũng như các doanh nghiệp chế biến tại các vùng miền khác trên toàn quốc. Điều đó cho thấy ở một khía cạnh nào đó mẫu nghiên cứu chưa thực sự là mẫu đại diện để phản ánh hết bản chất liên kết - hợp tác chuỗi cung ứng ngành đồ gỗ Việt Nam. Các nghiên cứu tiếp theo có thể tiếp tục khảo sát mẫu rộng hơn và có thể tìm ra thêm các nhân tố mới hoàn thiện mô hình nghiên cứu hiện tại. Bên cạnh đó, như đã đề cập do hạn chế về nguồn lực và kinh phí nên luận án không thể khảo sát các doanh nghiệp trong ngành gồm doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp và doanh nghiệp phân phối (rất ít) trên cả nước để vấn đề nghiên cứu phản ánh chính xác hơn bản chất hợp tác trong chuỗi cung ứng của ngành.

Xem tất cả 166 trang.

Ngày đăng: 13/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí