Từ Hiện Thực Chiến Tranh Sang Hiện Thực Thời Bình


Vũ điệu thân gầy đã cho thấy một bước đi mới so với thế hệ trước. Những tác giả “8X” chịu sự chi phối của “đặc điểm thế hệ” - họ sinh ra và trưởng thành trong thời bình, thời đại công nghệ, đầy đủ về vật chất nên cách nhìn, cách viết có sự khác biệt rò rệt. Họ đã rất nỗ lực để khẳng định bản lĩnh, cá tính sáng tạo. Tất nhiên, sự chọn lọc của thời gian mới là điều quan trọng nhất để khẳng định mọi giá trị.

2.2.2. Đổi mới tư duy nghệ thuật

2.2.2.1. Từ hiện thực chiến tranh sang hiện thực thời bình

Văn học là tấm gương phản chiếu thời đại. Văn học kháng chiến chịu sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử, thực hiện trọng trách phục vụ cách mạng, tuyên truyền lý tưởng, cổ vũ chiến đấu. Vì thế, hiện thực được phản ánh thường là “hiện thực lớn lao trong xu thế phát triển lạc quan”, nó có thể không phải là cái hiện thực đang tồn tại mà là cái “hiện thực mọi người đang mơ ước”. Đó là hiện thực trong cái nhìn lí tưởng hóa.

Sau 1975, quan niệm về hiện thực trong văn học có sự chuyển biến rò rệt, từ hiện thực của các sự kiện, biến cố lịch sử - hiện thực chiến tranh đến hiện thực về cuộc sống thế sự - hiện thực thời bình, từ cái nhìn một chiều đến cái nhìn đa chiều, “biên độ hiện thực” đã được nới rộng, văn xuôi có điều kiện chiếm lĩnh đời sống nhiều hơn. Những mặt trái, mặt xấu, những khuất lấp của hiện thực dần dần được sáng tỏ và được nhìn nhận một cách dân chủ và sâu sắc hơn. Các sự kiện, biến cố lịch sử chỉ làm nền, là phương tiện để nhà văn khám phá “con người bên trong con người”. Vai trò chủ thể của người viết được quan tâm, nhà văn khẳng định tên tuổi bằng cá tính sáng tạo của mình.

Thời hậu chiến với muôn mặt đời thường, với vô vàn những số phận, tính cách cá nhân đã được đề cập tới. Nó được thể hiện qua hàng loạt các tác phẩm: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu, Hà Nội trong mắt tôi của Nguyễn Khải, Heo may gió lộng của Ma Văn Kháng, Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp, Cát đợi của Nguyễn Thị Thu Huệ… Mối quan hệ bình đẳng, tự do giữa nhà văn với hiện thực được thể hiện qua những sáng tác mang màu sắc "liêu trai" của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Phạm


Hải Vân… Hiện thực là phương tiện để nhà văn bày tỏ tư tưởng, cái nhìn và sự chiêm nghiệm của mình. Vì thế, trong văn học xuất hiện hiện thực “kiểm chứng được” của tâm linh (Giọt máu, Sói trả thù của Nguyễn Huy Thiệp). Tất cả điều đó đòi hỏi người đọc đến với văn học bằng sự trải nghiệm cá nhân và cái nhìn nhiều chiều.

2.2.2.2. Từ con người sử thi sang con người đời thường

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.

Văn học là những đường tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” (Nguyễn Minh Châu). Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, văn học trước 1975 tập trung phản ánh con người mới - con người sử thi. Nhân vật văn học thường được miêu tả theo khuôn mẫu. Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi sau 1975 bắt đầu với việc lấy con người làm tâm điểm soi chiếu lịch sử. Con người được đặt trong mối quan hệ đời thường với tất cả những biểu hiện tốt - xấu. Mỗi cá nhân là “một thế giới riêng” đòi hỏi nhà văn phải khám phá bằng cái nhìn biện chứng.

Người mở đường cho những đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người là Nguyễn Minh Châu. Truyện ngắnBức tranh đã để con người đối diện với chính mình trong hành trình tự nhận thức và phán xét của “tòa án” lương tâm. Đến Nguyễn Huy Thiệp với hàng loạt những truyện ngắn như Tướng về hưu, Chút thoáng Xuân Hương, Muối của rừng, Thương nhớ đồng quê, Không có vua, Giọt máu… thì việc cách tân đã thực sự mạnh mẽ. Nhà văn dũng cảm “lột” tấm áo “thần thánh” để nhìn vào bản thể tự nhiên của con người với tất cả những trạng thái cảm xúc, tiềm thức, tâm linh… Cùng với đó là những tìm tòi đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người qua sáng tác của các nhà văn Nguyễn Khải (Phía khuất mặt người, Đời khổ, Nợ đời, Anh hùng bĩ vận, Nắng chiều…), Ma Văn Kháng (Trăng soi sân nhỏ, Ngày đẹp trời, Quê nội, Chọn chồng…), Nguyễn Kiên (Những mảnh vỡ); Nguyễn Ngọc Tư (Huệ lấy chồng); Tạ Duy Anh (Dịch quỷ sứ)…

Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 qua truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng - 7

Soi rọi từ nhiều trường nhìn khác nhau, các nhà văn đã chạm đến những góc khuất lấp của đời sống tâm hồn con người. Số phận cá nhân với những uẩn khúc được phơi trải trên trang văn như: Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành - Nguyễn Minh Châu); Thai, Lực (Cỏ Lau - Nguyễn Minh Châu); Thảo, Thành


(Người sót lại của rừng cười - Vò Thị Hảo); Chị Vách (Đời khổ - Nguyễn Khải); chị Thiên (Chị Thiên của tôi - Ma Văn Kháng); bà cụ Mạ (Người giúp việc - Ma Văn Kháng)… Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người chính là điểm tựa cho sự đánh giá con người một cách toàn diện, sâu sắc. Đó là cơ sở của một nền “Văn học là nhân học” (M. Gorki).

2.2.2.3. Từ trần thuật theo quan điểm sử thi sang trần thuật theo quan điểm đời tư, thế sự

Như đã nói, văn học 1945 - 1975 chủ yếu thực hiện sứ mệnh lịch sử là tuyên truyền lý tưởng, cổ vũ chiến đấu. Nhà văn đóng vai trò là người thầy thông thái giáo dục bạn đọc. Mối quan hệ giữa người viết với người tiếp nhận là quan hệ độc thoại. Sau 1975, tinh thần dân chủ hóa trong văn học bắt đầu từ chỗ thay đổi quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc: từ quan hệ một chiều thành quan hệ đối thoại hai hay nhiều chiều; người đọc không bị áp đặt chân lý mà được quyền chủ động đi tìm chân lý theo sự trải nghiệm của riêng mình.

Quá trình vận động và đổi mới của văn học sau 1975 gắn với quá trình đổi mới của nghệ thuật trần thuật. Đó là sự chuyển đổi trong quan điểm trần thuật từ khuynh hướng sử thi sang đời tư thế sự. Trần thuật từ NT3 là điểm nhìn đặc biệt phổ biến trong văn học từ sử thi cổ đại đến văn học hiện đại. Trước 1975, truyện ngắn được kể theo NT3 chủ yếu là lối kể có khoảng cách với kiểu chủ thể trần thuật giống như một “vị thần biết tuốt”, giữ vai trò thống soái trong miêu tả, kể chuyện, dẫn chuyện… Điểm nhìn của NKC lớn hơn điểm nhìn của nhân vật. Giữa NKC và nhân vật luôn tồn tại một “khoảng cách sử thi tôn kính”. Quan điểm trần thuật của văn học giai đoạn này là quan điểm sử thi. Nhân vật văn học phải là những hình mẫu tiêu biểu và điển hình. Người kể chuyện luôn giữ cái nhìn ngưỡng mộ đối với nhân vật. Người đọc dễ dàng nhận thấy hàng loạt những truyện ngắn sáng tác trước 1975 được trần thuật theo lối này như: Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), Mùa lạc (Nguyễn Khải), Hoa rừng (Dương Thị Xuân Quý)… Sau 1975, sự chuyển đổi từ khuynh hướng sử thi sang khuynh hướng đời tư, thế sự đã tạo sắc thái nhân văn mới mẻ cho hình thức tự sự NT3. Sự


đa dạng, phong phú, biến hoá trong sáng tạo của chủ thể trần thuật đã đem lại cho truyện ngắn sau 1975 những biến hình mới, sinh động và hấp dẫn. Người kể chuyện có thể kể theo ĐNBN (NKC kể một cách khách quan những gì anh ta nghe thấy, nhìn thấy qua biểu hiện bên ngoài) như: Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp, Miền cỏ hoang của Trần Thanh Hà, Bến trần gian của Lưu Minh Sơn, Thời tiết của kí ức của Bảo Ninh…; kể theo ĐNBT (kể theo điểm nhìn nội tâm nhân vật) như Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Người ven thành, Câu chuyện bờ đầm sen bên đền Đồng Cổ của Tô Hoài, Người từng điều khiển được chiêm bao của Bùi Hiển… Với cách trần thuật này, mọi chuyện diễn ra trong “dòng ký ức nội tâm”. Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Miêng, Trang Thanh, Trần Đức Tiến, Đỗ Hoàng Diệu… đều đi theo xu hướng này. Truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư là dòng chảy miên man trong suy nghĩ của nhân vật Nương - cô gái tội nghiệp, nạn nhân của bi kịch gia đình. Đan xen, kết nối và kết thúc truyện vẫn là những dòng ký ức đau nhói, hoà trộn giữa xót xa và ân hận, giữa thức ngộ và đau đớn… Người ta còn gọi hình thức tự sự này là trần thuật NT3 với sự hoà nhập song trùng chủ thể. Hoặc chủ thể trần thuật có thể kể theo điểm nhìn phức hợp (phối hợp nhiều quan điểm trần thuật) như Chiếc áo xường xám màu hoa đào, Hai đứa trẻ đợi đi của Tô Hoài… Những nhà văn có xu hướng đổi mới trần thuật sớm nhất cho truyện ngắn sau 1975 là Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải và đến Nguyễn Huy Thiệp thì cách trần thuật từ nhiều điểm nhìn đã đạt đến độ đặc sắc. Người kể chuyện của Nguyễn Huy Thiệp phần lớn chỉ thực hiện vai trò sắp xếp, tổ chức, nói đúng hơn, người “cắt dán” các cảnh với ý đồ trung thực nhất, ít chủ quan nhất bằng cách hạn chế thấp nhất sự tham gia của trữ tình ngoại đề.

Bên cạnh hình thức trần thuật NT3 là hình thức trần thuật NT1. Người kể chuyện là một nhân vật đặc biệt. Nhân vật xuất hiện dưới một cái “tôi” nào đó. Trước 1975, người đọc cũng bắt gặp những truyện ngắn kể theo NT1 như Nguồn suối, Nhành mai, Người mẹ xóm nhà thờ, Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu. Dẫu NKC có là “người cùng thời” với đối tượng trần thuật thì quan


niệm trần thuật sử thi vẫn chi phối cái nhìn tôn kính, ngưỡng mộ. Trước 1975, NKC trong văn học thường xuất hiện ở NT3 với tư cách là người “biết tuốt” và rao giảng, áp đặt chân lí cho người đọc. Ngay cả trong trường hợp dùng NT1 thì NKC hầu như cũng chỉ đóng vai trò là “người thầy” để giáo dục hoặc là phương tiện kể chuyện của tác giả mà tính tranh biện, đối thoại gần như bị né tránh. Chẳng hạn như trường hợp truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng, Nguyễn Minh Châu đã để cho nhân vật Lãm kể lại câu chuyện của mình nhưng đó lại là một sự tích đẹp trong chiến đấu được kể qua lăng kính của người đang yêu nên những lời ngợi ca đã bọc nhân vật “trong một bầu không khí vô trùng”. Sau 1975, tự sự NT1 đã thay đổi về quan điểm trần thuật. Tự sự NT1 có thể theo ĐNĐT (chi phối bởi một điểm nhìn của NKC xưng “tôi”) như: Người vãi linh hồn của Vũ Bão, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Hoàng hôn màu cỏ úa của Nguyễn Thị Thu Huệ, Như gốc gội xù xì của Hà Thị Cẩm Anh; có thể kể theo ĐNĐaT (được kể bởi hai hay nhiều NKC xưng “tôi”) như: Dịch quỷ sứ của Tạ Duy Anh, Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, Chút thoáng Xuân Hương của Nguyễn Huy Thiệp, Họ đã trở thành đàn ông của Phạm Ngọc Tiến, Huệ lấy chồng của Nguyễn Ngọc Tư… Với hình thức này, NKC có khi đóng vai trò là một nhân vật phụ để kể chuyện của người khác. Người kể chuyện ở một vị trí thuận lợi nhất để có thể gần gũi, giao tiếp và quan sát nhân vật chính. Người kể chuyện cũng có thể trong tư cách “tôi” để kể chuyện của chính mình... Điều đặc biệt, với đề tài thế sự, xây dựng nhân vật NKC ở NT1, nhà văn đã khéo léo để NKC tham gia vào cốt truyện, “môi giới” dẫn dắt người đọc tiếp cận văn bản. Theo Lê Huy Bắc, “việc để cho người kể tham gia vào câu chuyện theo hướng trải nghiệm trực tiếp là nét phong cách tự sự đặc thù hậu hiện đại” [12, tr. 13].

Gia tăng điểm nhìn trần thuật là sự thể hiện tinh thần tin cậy, tôn trọng bạn đọc. Đó là cơ sở để xuất hiện nhiều kiểu giọng điệu trong trần thuật: giọng điệu khẳng định, ngợi ca; giọng điệu trào lộng, châm biếm; giọng điệu chiêm nghiệm, triết lý; giọng điệu xót xa, thương cảm… Nhìn tổng thể, mỗi nhà văn lại sở hữu một giọng điệu chủ đạo: Nguyễn Minh Châu triết lý - chiêm nghiệm; Nguyễn Khải triết lý - đối thoại; Nguyễn Huy Thiệp khinh bạc, gai góc xen lẫn trữ tình… Sự đa dạng phong phú về giọng điệu trần thuật là dấu hiệu của những văn bản đa thanh.


Truyện ngắn sau 1975 cũng có sự mở rộng đáng kể các phạm trù thẩm mĩ: cái cao cả - cái đời thường, cái thực - cái ảo, cái hài - cái bi… Sự đan xen hòa trộn ấy góp phần làm tăng tính chân thật của cuộc sống trong nghệ thuật. Vì thế, các kỹ thuật trần thuật trở nên linh hoạt hơn.

Nhãn quan ngôn ngữ của truyện ngắn cũng dân chủ và cởi mở hơn. Những "rào cản" ngôn ngữ được gỡ bỏ. Từ ngôn ngữ trang trọng sử thi sang ngôn ngữ đời thường, đậm chất khẩu ngữ… Với sự đổi mới của ngôn ngữ, văn học đã gần hơn với đời sống và con người.

Như vậy, truyện ngắn Việt Nam từ sau 1975 đến nay là cuộc chạy tiếp sức giữa các thế hệ: Từ những cây bút đã trưởng thành trong chiến tranh (Xuân Thiều, Nguyễn Kiên, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, Phạm Hoa, Vũ Bão, Nguyễn Dậu…) đến những cây bút của thời kì đổi mới (Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Y Ban, Trần Thuỳ Mai, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Sương Nguyệt Minh, Hồ Anh Thái, Phạm Ngọc Tiến, Phan Hải Triều, Ngô Tự Lập…) và những cây bút trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, thế hệ “7X”, “8X” (Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thuý, Nguyễn Danh Lam, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Quỳnh Trang, Keng, Vũ Đình Giang, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Thị Cẩm, Phan Việt…). Họ cùng sống và viết trong hoàn cảnh đất nước trở lại quỹ đạo thời bình với ý thức đổi mới nhưng mỗi thế hệ lại có cách tiếp cận và phản ánh đời sống riêng. Tất cả tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ của thể loại truyện ngắn Việt Nam đương đại.

2.2.3. Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng trong dòng chảy của truyện ngắn Việt Nam sau 1975

2.2.3.1. Nguyễn Minh Châu - “người tiên phong” trong công cuộc đổi mới văn học dân tộc

Trong tiến trình của văn học Việt Nam sau 1975, Nguyễn Minh Châu đã vượt lên chính mình và chọn một lối đi riêng. Từ những trang văn trữ tình đậm sắc màu lãng mạn với vẻ đẹp rạng rỡ, hào sảng của cuộc sống và con người trong chiến tranh, nhà văn trở về cuộc sống đời thường với nỗi day dứt, trăn trở về số phận con người


và sự phát triển của đất nước sau cơn binh lửa. Ông không đồng tình với lối viết “thi vị hóa”, minh họa đề tài, ca ngợi một chiều dễ dãi… Điểm nhìn nghệ thuật mới về con người của nhà văn đã mở ra nhiều hướng khác nhau khi tiếp cận hiện thực.

Nhìn ra sự chuyển biến của xã hội từ thời chiến sang thời bình, nhà văn nhận thấy trong mỗi con người luôn có một cuộc đấu tranh “giữa thiện và ác, lí trí và dục vọng, cái riêng và cái chung” [172, tr. 452]. Ông từng bộc bạch: “Tôi đã tìm ra địa bàn cho tiếng nói truyện ngắn của mình: tôi muốn dùng ngòi bút tham gia trợ lực vào cuộc giao tranh không có gì ồn ào nhưng xẩy ra từng giờ, từng ngày và khắp mọi lĩnh vực đời sống” [172, tr. 453]. Vì thế, ta nhận ra qua sáng tác của Nguyễn Minh Châu thước đo giá trị của mỗi người không phải là thành phần giai cấp, là địa vị xã hội mà là nhân cách. Nhà văn muốn khắc phục cái nhìn giản đơn, hời hợt về con người. Con người mà Nguyễn Minh Châu quan tâm là con người với toàn bộ thế giới tinh thần, với tất cả cái tốt đẹp và tầm thường, đức tin và lầm lạc. Hiện thực là cái “không thể biết trước”, “không thể biết hết”, là cái không ngừng vận động, đổi thay và đầy những ngẫu nhiên, nghịch lý, bất ngờ.

Dấu hiệu đổi mới thể hiện rất rò trong hai tập truyện: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983) và Bến quê (1985). Nguyễn Minh Châu tiếp cận con người trong “muôn mặt đời thường”. Hàng loạt những truyện ngắn tưởng không có gì đáng nói nhưng lại chứa đựng cái nhìn sắc sảo về nhân tình thế thái: con người có thể tốt hồn nhiên (Lũ trẻ ở dãy K) mà lại có thể “độc ác một cách hồn nhiên” (Đứa ăn cắp); con người tưởng là hoàn hảo mà lại đầy những lỗi lầm (Bức tranh, Bến quê); công lí có thể không giải quyết được những bi kịch gia đình (Chiếc thuyền ngoài xa)… Tiếp cận đời sống ở bình diện sinh hoạt thế sự, nhà văn đã chú ý đến con người cá nhân với ý nghĩa là một nhân cách độc lập. Mỗi con người phải tự xác định chính mình trong hành trình tự nhận thức (Bức tranh, Dấu vết nghề nghiệp, Sắm vai). Nhà văn giúp chúng ta nhận ra con người có những giới hạn không thể vượt qua (Bến quê)… Đặc biệt với liên truyện Khách ở quê ra Phiên chợ Giát, Nguyễn Minh Châu đã khẳng định một bước ngoặt mới trong tư duy nghệ thuật. Hình ảnh người nông dân lao động hiện lên cần cù, nhẫn nại, nghị lực… Họ là những người tích cực nhất nhưng cũng là


người bảo thủ, lạc hậu nhất… Ở họ, cái mạnh, cái yếu, cái tốt, cái xấu song song tồn tại. Rò ràng, Nguyễn Minh Châu không nhìn con người ở góc độ con người công dân mà nhìn ở góc độ bản chất người lao động với số phận nhọc nhằn và sức sống tự nhiên, dồi dào. Kết thúc truyện, nhà văn đã chỉ ra lối mòn trong suy nghĩ và lối sống của người nông dân. Làm sao để thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy? Đó là sự trăn trở không của riêng ai. Nguyễn Minh Châu còn khám phá thế giới hiện thực đầy bí ẩn trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, vũ trụ (Một lần đối chứng, Sống mãi với cây xanh)… Có thể nói, từ cái nhìn hướng ngoại phổ biến, nhà văn đã chuyển sang cái nhìn hướng nội mà trung tâm là số phận con người. Qua trang viết, tác giả như muốn “thức tỉnh nhân loại”. Bởi lẽ, trong cái “còi nhân gian bé tí” ấy, con người vẫn nhọc nhằn để đi tìm chính mình.

Như vậy, Nguyễn Minh Châu đã không ngừng nỗ lực, tìm tòi trong sáng tạo nghệ thuật. Truyện ngắn của ông mang đến cho người đọc quan niệm mới mẻ về cuộc đời và con người với những chiêm nghiệm, triết lý sâu sắc. Ông đã trở thành một trong số những nhà văn “mở đường tinh anh” của công cuộc đổi mới văn học sau 1975.

2.2.3.2. Nguyễn Khải với đối thoại nhiều chiều về những vấn đề nhân sinh, nhân thế

Trước 1975, văn xuôi nói chung và sáng tác của Nguyễn Khải nói riêng chủ yếu tiếp cận con người ở lập trường đạo đức cách mạng. Hiện thực cuộc sống lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc sau cải cách ruộng đất có sức hút đặc biệt đối với ngòi bút Nguyễn Khải, nhà văn say sưa viết về những phong trào thi đua, về không khí lao động sản xuất với cảm hứng lãng mạn tươi tắn (Mùa lạc, Hãy đi xa hơn nữa, Người trở về). Nhân vật mà nhà văn hướng tới là những con người mới tràn đầy lí tưởng như Nam (Hãy đi xa hơn nữa), Huân, Quang (Mùa lạc)… hay những con người có số phận bất hạnh nhưng giàu nghị lực sống, có khát vọng vươn lên như Đào (Mùa lạc), Tấm (Đứa con nuôi), Thoa (Chuyện người tổ trưởng máy kéo)… Phản ánh sự hồi sinh của những cuộc đời cũ, Nguyễn Khải muốn thể hiện mối quan hệ hai chiều giữa con người và hoàn cảnh. Nhà văn vừa khẳng định giá trị của cuộc sống mới, vừa thể hiện niềm tin vào bản lĩnh và nhân cách con người.

Xem tất cả 179 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí