Ma Văn Kháng Và Một Chặng Đường Mới Trên Hành Trình Nghệ Thuật


Ý thức mở rộng khả năng chiếm lĩnh hiện thực, khám phá, phát hiện về con người đã trở thành thường trực trong trang viết của Nguyễn Khải. Với mong muốn đổi mới tư duy nghệ thuật, ông vươn tới nhận thức mới về con người qua đối thoại nhiều chiều trước những vấn đề nhân sinh, nhân thế. Sau 1975, cùng với Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyễn Mạnh Tuấn, Ma Văn Kháng…, sáng tác của Nguyễn Khải đã mở rộng, khơi sâu khả năng nhận thức và tự ý thức của con người trước hiện thực. Nhà văn đã nghiên cứu, phân tích con người trong mối quan hệ với thời gian và lịch sử. Trước 1975, con người trong quan hệ với thời gian chưa được thể hiện cụ thể, thời gian ở đây chỉ được xem xét trong tương quan với lịch sử, gắn liền với các biến cố, các sự kiện xã hội. Sau 1975, con người và thời gian được nhìn nhận ở mối quan hệ hữu cơ. Thời gian được nhìn qua lăng kính chủ quan của con người và những con người tích cực đã làm nên ý nghĩa của thời gian như Khôi (Người ở làng pháo), vợ chồng ông Ba Quốc Hội (Hai ông già ở Đồng Tháp Mười)… Tác giả đề cập đến thời gian bên trong, tiếp cận con người ở một chiều sâu mới và mở ra các khía cạnh mới, cái “vận động” và cái “đứng yên”, cái “phù du” và cái “bền vững”, cái “vô hạn” và cái “hữu hạn”… Phương diện “lịch sử bên trong con người” đã được Nguyễn Khải phân tích sâu sắc và triệt để. Từ đó, nhà văn đặt con người trong khả năng lựa chọn một lối sống của riêng mình để thích ứng và sống đúng nghĩa như: Ông Ba Quốc Hội (Hai ông già ở Đồng Tháp Mười); ông đại tá và vị sư già (Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu), bà cô (Nếp nhà), cô Hiền (Một người Hà Nội)… Đó là con người với tư cách cá nhân, với cái tôi độc lập luôn thể hiện bản lĩnh của mình qua sự lựa chọn “dám sống cho một niềm tin”.

Nhu cầu giải phóng cá nhân là nguy cơ làm rạn nứt mối quan hệ gia đình. Nguyễn Khải đã rất quan tâm đến vấn đề này. Đặt con người trong mối quan hệ với gia đình, nhà văn đã để con người được sống là chính mình, sống thật với tâm tư của mình. Họ là Tần (Đổi đời), cô Hiền (Một người Hà Nội), những người vợ, người mẹ (Một bàn tay và chín bàn tay, Cặp vợ chồng ở chân động Từ Thức)… Nguyễn Khải đã đặt vấn đề cần phải soi chiếu con người từ nhiều chiều khác nhau. Nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Khải là những con người của cuộc sống


đời thường như ông Hai (Hai ông già ở Đồng Tháp Mười), bà Bơ, ông Phúc (Nắng chiều)… Nguyễn Khải thường xây dựng kiểu nhân vật lạc thời như ông Trắc (Lạc thời), ông Bột (Sống giữa đám đông), nhà văn (Anh hùng bĩ vận), những người già (Nơi về); những nhân vật bất hạnh, đau khổ như Chị Vách (Đời khổ), hai ông cháu (Ông cháu). Để tăng độ tin cậy, tác giả còn đưa vào trang văn của mình những nhân vật là người thân trong gia đình như cô Hiền (Một người Hà Nội), bà cô (Nếp nhà), chị Đại (Nắng chiều)… Nhìn con người ở chiều sâu suy tư, nhà văn ít xây dựng loại nhân vật tính cách mà thường xây dựng loại nhân vật mang tính vấn đề, nhân vật tư tưởng. Họ luôn dằn vặt, tư duy để hoàn thiện mình (Tần - Đổi đời, ông Trắc - Lạc thời). Nhà văn đã đặt nhân vật trong đối thoại nhiều chiều để soi chiếu chân lí đời sống.

2.2.3.3. Ma Văn Kháng và một chặng đường mới trên hành trình nghệ thuật

Sau nhiều năm gắn bó với miền núi, Ma Văn Kháng trở về Hà Nội tiếp tục viết với những đổi mới mạnh mẽ về tư duy nghệ thuật, về quan niệm về cuộc sống và con người. Trước 1975, hiện thực trong sáng tác của Ma Văn Kháng là hiện thực chiến tranh tàn khốc dữ dội, ngay cả ở những truyện ngắn viết về đề tài miền núi, dù miền Bắc đã hoà bình thì bóng dáng của cuộc chiến tranh vệ quốc vẫn hiện diện (Xa Phủ, Người con trai họ Hạng). Do sự chi phối của thể tài lịch sử nên con người được đặt trong mối quan hệ với cộng đồng, dân tộc; trong hành trình tìm đến với lí tưởng cách mạng.

Sau 1975, chuyển đổi từ cái nhìn sử thi sang cái nhìn đời tư, thế sự, hiện thực mà nhà văn phản ánh là hiện mới ngổn ngang, bề bộn, phải - trái, trắng - đen đan cài. Đó là cuộc sống thành thị với những nhịp đời hối hả, xô bồ. Trong truyện ngắn của ông, cuộc sống hiện lên thật phức tạp và bất ngờ (Mất điện, Bồ nông ở biển, Heo may gió lộng…) nhưng cũng đầy ân nghĩa, ân tình (Ngoại thành, Bến bờ, Người thợ bạc ở phố cũ, Trái chín mùa thu, Kiểm - chú bé - con người…). Trong bối cảnh của cuộc sống mới, Ma Văn Kháng hướng sự quan tâm tới con người cá nhân. Con người theo quan niệm của ông là con người yếu đuối, khó tránh khỏi những lầm lẫn, bất hạnh và thường bị chi phối bởi hoàn cảnh (Mất điện, Bồ


nông ở biển…), bởi bản mệnh và tính cách (Chọn chồng; Xóm giềng; Seo ly, kẻ khuấy động tình trường; Heo may gió lộng; Cái Tý Ngọ…). Con người trong sáng tác của Ma Văn Kháng cũng rất cô đơn như ông Hoàn (Cái Tý Ngọ), thầy Khiển (truyện ngắn cùng tên), Nhâm (Bến bờ)… Có thể nói, quan niệm về con người của Ma Văn Kháng chứa đựng một sự cảm thương sâu sắc. Dù con người có lầm lỗi, nhà văn vẫn lí giải biện chứng và nói lời minh oan cho họ như Khun (Vệ sĩ của quan Châu), những người đàn bà (truyện ngắn cùng tên)…

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.

Nhìn vào “con người bên trong con người”, Ma Văn Kháng còn phát hiện trong dòng đời đa đoan, con người cũng rất ý chí, nghị lực, giàu khát vọng sống như người mẹ (Mẹ và con), Kiểm (Kiểm - chú bé - con người), bà Huyền, ông Thại (Tóc Huyền màu bạc trắng), người nghệ sĩ (Nợ đời)... Những con người này dù có gặp hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt nhưng họ vẫn hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc đời.

Do quan niệm về hiện thực và con người như vậy nên kiểu nhân vật trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng cũng rất phong phú và đa dạng. Nhân vật người trí thức trở đi trở lại với một nỗi ám ảnh day dứt trong những trang văn: có nhân vật trí thức tích cực (thầy Khiển trong truyện ngắn cùng tên, ông Hoàn trong Cái Tý Ngọ, ông Huỳnh trong Chợ hoa phiên áp tết, ông Thại trong Tóc Huyền màu bạc trắng, nhà báo Tư trong Kiểm - chú bé - con người, Nam trong Trăng soi sân nhỏ…); có những nhân vật trí thức giả danh (Bân trong Trăng soi sân nhỏ, Hoằng trong Người giúp việc…). Trong dòng đời sống phồn tạp, Ma Văn Kháng còn phát hiện ra và xây dựng kiểu nhân vật bị tha hóa bởi những cám dỗ của tiền bạc, địa vị (bà chị trong Trung du, chiều mưa buồn; ba của Thuỷ Tiên trong Quê nội).

Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 qua truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng - 8

Ma Văn Kháng cũng rất quan tâm đến mối quan hệ giữa con người với tự nhiên (ông Thiềng - Ngày đẹp trời, Rư - Suối mơ, vợ chồng Hoan - Ngoại thành, ông Huỳnh, anh Khoa, cô Trang - Chợ hoa phiên áp tết…). Ở những truyện ngắn này, con người đã phát hiện ra những tiềm năng của thiên nhiên, biết dựa vào thiên nhiên để thay đổi cuộc đời. Ngược lại, thiên nhiên cũng luôn ưu ái họ nếu họ biết trân trọng nó.


Điều đặc biệt trong sáng tác của Ma Văn Kháng là ông thường hướng đến vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp phồn thực đầy chất sinh toả với sức sống mãnh liệt và sức thu hút kì lạ của con người (Quý - Chọn chồng, Hoan - Ngoại thành, chị Thiên - Chị Thiên của tôi, Nhiên - Nhiên! Nghệ sĩ múa…). Nhà văn khai thác vẻ đẹp thiên tính nữ gợi màu sắc dục. Điều này bắt nguồn từ cái nhìn cởi mở, phóng khoáng về con người và đời sống. Quan niệm về hiện thực và con người của nhà văn bước đầu đã có những thể nghiệm mới, mở ra khả năng khám phá cuộc sống đa chiều, đa diện.

Có thể nói, cách nhìn cuộc sống và con người của Ma Văn Kháng từ sau 1975 đã đạt đến độ sâu sắc, giàu chiêm nghiệm. Nhà văn lo lắng cho số phận con người và nhìn thấy những vẻ đẹp nhân sinh tỏa sáng (Kiểm trong Kiểm - chú bé - con người, Thiềng trong Ngày đẹp trời, Nhiên trong Nhiên! Nghệ sỹ múa và người vợ trong Nợ đời…). Nhà văn cũng phát hiện ra những vẻ đẹp của giá trị đạo đức truyền thống, nền tảng của mọi giá trị bền vững (Bến bờ, Thầy Khiển, Trái chín mùa thu, Chị Thiên của tôi).

Có thể nói, trong giai đoạn văn học sau 1975, Ma Văn Kháng vẫn viết tích cực với những đổi mới tư duy nghệ thuật của mình. Trong công cuộc khai mở nền văn học mới, sáng tác của Ma Văn Kháng thể hiện sự đổi mới trong cách chiếm lĩnh hiện thực và cái nhìn mới về con người. Cuộc sống bao gồm cả cái “tất yếu” và “không tất yếu”, những ngẫu nhiên, phi lý, bất ngờ, một hiện thực đầy phức tạp và con người đầy bí ẩn cần phải khám phá, tìm tòi.

Tiểu kết:

Lí thuyết tự sự học hiện đại đã trở thành cơ sở lí luận được nhiều nhà nghiên cứu áp dụng để tiếp cận tác phẩm văn học. Thành phần năng động của nó gồm ngôi kể, điểm nhìn và giọng điệu trần thuật… Người kể chuyện có thể kể ở NT1 (ở ĐNBN, ĐNBT, ĐNPH) hoặc NT3 (ĐNĐT, ĐNĐaT). Sự gia tăng điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm văn học sẽ làm xuất hiện nhiều giọng điệu: giọng điệu ở khía cạnh trần thuật (giọng tác giả, giọng nhân vật, giọng NKC) và giọng điệu ở khía cạnh sắc thái thẩm mĩ (ngợi ca, trào lộng, mỉa mai, thương cảm…). Đây là tiền đề cho sự xuất hiện các văn bản đa thanh. Giọng điệu thể hiện phong cách nhà văn.


Nghiên cứu truyện ngắn Việt Nam sau 1975 dưới góc nhìn tự sự chính là phát hiện, nhìn ra sự vận động và đổi mới của cấu trúc thể loại trong dòng chảy của văn học dân tộc.

Văn học sau 1975 luôn vận động và phát triển không ngừng để phù hợp với yêu cầu mới của thời đại. Mười năm đầu sau chiến tranh văn học vẫn được viết theo quán tính nên mang âm hưởng sử thi. Từ đổi mới, văn học đi sâu khai thác vấn đề của con người thời hậu chiến, con người cá nhân, con người đời thường… Sự tiếp nối của các thế hệ cầm bút đã làm nên gương mặt đa sắc của văn học sau 1975, đặc biệt là truyện ngắn: có truyện ngắn viết theo lối truyền thống; có truyện ngắn cách tân trên nền truyền thống và có truyện ngắn cách tân theo hướng hiện đại.

Có thể nói, trong tiến trình văn xuôi Việt Nam sau 1975, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng là lớp nhà văn khởi động cho phong trào đổi mới văn học. Mỗi nhà văn một hướng tìm tòi, thể nghiệm: Nguyễn Minh Châu tìm kiếm vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn con người, Ma Văn Kháng “săn tìm” vẻ đẹp của cuộc đời trong các giá trị đạo đức truyền thống, Nguyễn Khải xác lập vẻ đẹp nhân cách của con người trong các tình thế lựa chọn… Từ những tìm tòi trên phương diện nội dung, mỗi nhà văn cũng thể nghiệm những nét riêng trên phương diện nghệ thuật. Những hướng thể nghiệm đó thể hiện tinh thần lao động nghệ thuật miệt mài của các nhà văn. Đó là nền tảng cho những cách tân, đổi mới trong sáng tác của các thế hệ sau.


CHƯƠNG 3

NGÔI KỂ VÀ ĐIỂM NHÌN TRONG TRUYỆN NGẮN SAU 1975 CỦA NGUYỄN MINH CHÂU, NGUYỄN KHẢI, MA VĂN KHÁNG


Tham gia vào dòng chảy của truyện ngắn Việt Nam sau 1975, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng đã nỗ lực đổi mới tư duy thể loại, góp phần đáng kể trong công cuộc cách tân văn học dân tộc. Dựa vào lý luận tự sự học hiện đại, chúng tôi tiến hành khảo sát và phân loại các hình thức trần thuật trong truyện ngắn sau 1975 của ba nhà văn này và nhận thấy hình thức tự sự ở ngôi thứ hai hoàn toàn vắng bóng. Hình thức tự sự ở NT1 và NT3 được vận dụng một cách linh hoạt, đầy biến hóa.

3.1. Truyện ngắn kể theo ngôi thứ ba của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng

3.1.1. Người kể chuyện ẩn mình kể theo điểm nhìn bên ngoài

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, lối tự sự NKC ẩn mình (NT3) kể theo ĐNBN thuộc hình thức “tự sự NKC nhỏ hơn nhân vật” (Todorov) hay hình thức trần thuật “kịch thuần tuý” (Lubbock). Ở hình thức tự sự này, NKC ẩn mình chỉ kể một cách khách quan những gì diễn ra bên ngoài nhân vật như hành động, cử chỉ, ngôn ngữ, diện mạo… mà không thâm nhập vào bên trong ý thức nhân vật, không đưa ra phán đoán, suy xét chủ quan, không giải thích, bình luận dông dài. Người kể chuyện không tham gia can thiệp đối với những điều anh ta nghe được, thấy được. Trong ba tác giả, Ma Văn Kháng là nhà văn sử dụng lối kể theo ĐNBN nhiều hơn cả (14/38 truyện). Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Khải sử dụng rất ít điểm nhìn này (Nguyễn Minh Châu có 2/17 truyện; Nguyễn Khải có 1/30 truyện).

Vận dụng lối kể NT3 theo ĐNBN, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng đều miêu tả một cách khách quan những gì nghe thấy, nhìn thấy. Người đọc tiếp nhận sự việc một cách dân chủ, bình đẳng mà không chịu sự định hướng của bất cứ điểm nhìn nào. Hầu hết các tác phẩm kể ở NT3 theo ĐNBN của ba nhà văn này đều được kể lại một cách thuần tuý bởi một NKC vô hình trong tác phẩm.


Người kể chuyện giấu mình, không trực tiếp bày tỏ những suy nghĩ, cảm nhận. Anh ta tự tước đi cái quyền chi phối xâm nhập vào bên trong câu chuyện. Người kể chuyện dường như chỉ kể một cách khách quan những gì diễn ra bên ngoài nhân vật. Người đọc không thấy nhân vật chìm sâu vào dòng hồi ức hay trăn trở, suy tư với diễn biến nội tâm phức tạp. Trong tiến trình kể, hoàn toàn vắng bóng những đoạn độc thoại nội tâm, dòng ý thức hay lời nửa trực tiếp. Bởi lẽ, ở hình thức kể này, NKC “vô can” trước thế giới nhân vật và sự việc diễn ra quanh nó. Người kể chuyện không cung cấp hoạt động nội tâm nhân vật.

Nguyễn Minh Châu lựa chọn lối tự sự NT3 theo ĐNBN cho hai tác phẩm: Lũ trẻ ở dãy K, Hương và Phai. Ở đây, nhà văn quan sát và nắm bắt mọi hành vi ứng xử của nhân vật để từ đó dẫn người đọc đến những suy nghĩ, đánh giá riêng. Chẳng hạn trong Lũ trẻ ở dãy K, dưới con mắt người kể, cô Hoằng là người đàn bà “tính tình xởi lởi, hồn nhiên”, “cứ dăm bảy ngày hay nửa tháng lại thay một bộ y phục”. Mỗi lần mặc một bộ quần áo mới cô lại đem khoe với những đứa con gái ở cùng chung cư: “Bằng vẻ mặt hớn hở và sự lộng lẫy của y phục, cô quay sang trái, lại quay sang phải…” [33, tr. 289] và hỏi: “Cái eo hông may kiểu này được hông, được hông bay?” [33, tr. 289]; hay cái cách cô Hoằng gọi yêu con chó cún: “Có con bé nhị thể nhà tôi chạy sang bên này không hả bác?” [33, tr. 289]; và cả cái cách cô nói năng với chồng: “Hứ, tôi đã đến nỗi nào… từ nay ông đừng gọi tui như vậy nữa đó nghe…” [33, tr. 291]. Từ những thông tin về trang phục, thái độ, ngôn ngữ của nhân vật, người đọc hình dung cô Hoằng hiện lên với tính nết của một người già mà hồn nhiên, trái khoáy nhiều lúc đến buồn cười nhưng chính cô đã bảo lãnh cho thằng Huấn ra khỏi trại giam và cảm hoá cái thằng côn đồ trở thành lương thiện. Cô là linh hồn của lũ trẻ trong khu nhà dãy K. Lời kể tưởng như bâng quơ của nhà văn đã đánh thức ở người đọc những triết lí, chiêm nghiệm sâu sắc về nhân sinh. Bức tranh cuộc sống đời thường qua truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu hiện lên sinh động, mỗi cá thể mang một sắc màu riêng, mỗi sắc màu lại biểu hiện một giá trị sống nhất định.

Cũng giống như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải rất ít kể ở NT3 theo ĐNBN. Qua khảo sát, chúng tôi thấy chỉ có truyện Nơi về tác giả kể theo cách này.


Nơi về được kể theo “điểm nhìn ống máy quay phim”, nhân vật và sự kiện cứ hiện dần ra qua lời kể. Người kể chuyện đóng vai trò như một người “thợ quay” chứ không phải là “đạo diễn”. Người kể ẩn mình sau nhân vật để kể. Câu chuyện được bắt đầu từ khi thằng Bi đến giúp việc cho nhà hàng xóm của ông Vị. Thằng bé 15 tuổi mà “thân hình phổng phao như đứa 18, trở thành trụ cột gia đình”. Xoay quanh chuyện ông Vị cô đơn ngay giữa ngôi nhà của mình bởi lối sống thực dụng của lũ con cháu, thằng Bi đi ở để giúp đỡ gia đình, câu chuyện được kể với nhịp điệu đều đều, không có biến cố, không có những tình huống hay bước ngoặt… và kết thúc bỏ lửng. Qua việc tái hiện cách sống, cách hành xử của các nhân vật trong truyện, nhà văn đã phơi bày lối sống thực dụng mà con người lấy đồng tiền làm chuẩn mực cho mọi lẽ hành xử ở đời, tình người bị rẻ rúng. Cách thức trần thuật này rất đúng với đặc trưng truyện ngắn của Nguyễn Khải.

Khác với Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, truyện ngắn của Ma Văn Kháng sau 1975 chủ yếu vẫn được kể ở NT3 theo ĐNBN. Hàng loạt những tác phẩm “tên tuổi” đều được kể bởi hình thức này như: Móng vuốt thời gian, Seo ly, kẻ khuấy động tình trường, Hoa gạo đỏ, San Cha Chải, Ngoại thành, Những người đàn bà, Xóm giềng, Thanh minh trời trong sáng, Ngẫu sự… Trong Móng vuốt thời gian, lối kể NT3 theo ĐNBN đã mang lại hiệu quả nghệ thuật cao. Nhà văn cứ dửng dưng theo dòi và ghi lại lối sống sa đoạ của thổ ty Sề Sào Lỉn, tri châu xứ Giáy tự trị miền Tây tỉnh K. Lối kể thản nhiên mà vẫn phơi bày được bản chất xấu xa, tham lam, háo sắc của tên quan họ Sề này. Người kể chuyện không định hướng cho người đọc nhưng những chi tiết anh ta nêu ra đủ để người đọc có thể tiếp nhận tác phẩm theo cách của riêng mình. Trong Seo ly, kẻ khuấy động tình trường lại khác, nhà văn đặt nhân vật Seo ly trong nhiều mối quan hệ và lặng lẽ dòi theo, kịp thời “thông báo” cho độc giả về kết quả của các cuộc gặp gỡ giữa Seo ly và Tống, Seo ly và Ngôn, Seo ly và Giàng A Páo, Seo ly và Cư A Tráng, Seo ly và Cử A Toả, Seo ly với Phếu (con trai của lý trưởng Cư A Toả), Seo ly và người quét chợ… Người kể chuyện đứng ngoài miêu tả và ghi lại một cách khách quan để người đọc nhìn nhận và đánh giá về hiện thực.

Xem tất cả 179 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí