Nghệ thuật truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa - 4


tay bật công tắc điện phía trên đầu. Điện không sáng. Tú nhỏm dậy vừa lúc cánh cửa bật mở, và một luồng sương trắng từ ngoài cuồn cuộn thốc vào.

Sương mù mịt vẩn lên khắp nhà, lạnh buốt. Tú lờ mờ nhìn thấy trong sương một hình người. Khi sương lắng hết và ánh sáng xanh nhạt bên ngoài làm mọi vật trong nhà nhìn được khá rò, thì Tú thấy rợn người lên.

Ngồi ngay trước mặt Tú, trên chiếc ghế được đóng bằng gỗ xấu là một người con gái lạ. (...) Người đó kéo vạt váy, khép hai đùi lại và mỉm cười. Nét cười lẳng lơ huyền bí.

Tú nhìn cô ta, càng nhìn càng thấy sợ. Rò ràng ngồi đó là một người, mà vẫn có cảm giác không phải là người.

- Em là hoa cẩm tú cầu... - Cô gái nói, âm sắc trong như sương".


Sự xuất hiện lạ kì của hoa cẩm tú cầu, không chỉ làm mê hoặc những ai yêu thích những câu chuyện phiêu lưu đầy chất liêu trai hay còn tin vao những điều huyền hoặc mà quan trọng hơn, nó lí giải cho nỗi cô đơn của con người, nó cất tiếng nói đầy nhân bản bênh vực cho những cô gái bán hoa "tự lòng họ không lả lơi đĩ điếm, mà họ bị chiếu mệnh bởi cẩm tú cầu", nó còn ám ảnh vào tâm hồn người đọc những suy nghĩ về cuộc đời hôm nay, "loài người bây giờ tỉnh táo quá" mà thiếu đi những tâm hồn "sống sơ giản", thân thiện, đáng yêu và đáng tin.

Cùng với câu chuyện kì lạ ấy là một bầu không khí cũng được tắm trong sự hư ảo, huyền hoặc của không gian vùng núi cao với mây, với sương, với ánh trăng trong, với sắc tím hoa bìm bìm, ... được kể bằng giọng kể bảng lảng, hư thực của nhà văn. Tất cả, đều mang một sức hút đến lạ kì, khiến cho thiên truyện ngắn này được coi một trong những tác phẩm tiêu biểu cho "bản sắc" Phạm Duy Nghĩa.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

Sự huyền ảo trong sáng tác của Phạm Duy Nghĩa còn được tạo nên bởi những giấc mơ hoặc trong trạng thái mơ hồ của con người và bao giờ cũng bao quanh bởi một làn sương khói. Đó là hình ảnh và lời báo mộng của Pauxtopki với nhà thơ (Giọt nước mắt dưới trăng), thể hiện sự đồng cảm giữa hai thế hệ; hai giấc mơ nặng nề của Hiên (Đường về xa lắm) với một bọn đầu trâu mặt ngựa đánh đập cô một cách tàn bạo, và hình ảnh những con người chen chúc, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau để được thay máu, "máu của động vật nhai lại là tốt nhất", biểu hiện tâm trạng hoang mang, nghi ngờ vào khiếu thẩm mĩ của nhiều độc giả, nhà nghiên cứu thơ đương đại. Giấc mơ tràn ngập cơn mưa hoa mận trắng của Thuận (Cơn mưa hoa mận trắng), của Doanh (Đồi hoa lạnh) là sự thanh lọc tâm hồn con người. Giấc mơ về những người đi đào mồ của Quân (Người nhà ông Luân) cho thấy khát khao muốn thanh lọc xã hội ...

Ở nhiều truyện ta thấy có sự nhoè lẫn hư thực, hoặc phảng phất, hoặc đậm chất liêu trai (Chuyện ở Ô Cán Hồ, Hoa đào xứ tuyết, Lá Vàng Chải ...)

Nghệ thuật truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa - 4

Yếu tố huyền ảo đan cài tỏ ra rất thích hợp với không gian miền núi xa xôi và bí ẩn trong tác phẩm của Phạm Duy Nghĩa, nó đã góp phần làm nên sự biến ảo, lung linh trong những trang văn của anh. Đằng sau những câu chuyện có phần hoang đường kì quái, không phải chỉ để giải trí đơn thuần mà nhà văn còn muốn nói về những điều rất thật của cuộc sống đời thường hôm nay. Đó là khát vọng mãnh liệt về tình yêu, cái đẹp, những ẩn ức đau thương chìm khuất trong chiều sâu tâm hồn, sự cô đơn, tha hoá đồng thời cũng chính là hành trình tìm kiếm không ngừng để vươn tới bản thể Chân, Thiện của con người. Nhận thức và phản ánh cuộc sống bằng những yếu tố thần bí, linh dị, kì ảo còn giúp tác giả giải thoát những ẩn ức dồn nén đồng thời thông qua đó bộc lộ những suy tư chiêm nghiệm về cuộc đời.


Việc sử dụng yếu tố kì ảo như là “thủ pháp mới ra đời” đã giúp người viết tạo được sự đa dạng trong văn phong và những đặc trưng về phong cách nghệ thuật. Bên cạnh bút pháp tả thực của chủ nghĩa hiện thực cổ điển, việc xuất hiện bút pháp kì ảo, phi thực, đa dạng, nhiều biến ảo này đã khiến văn học trở nên phong phú sinh động hơn và người viết bắt đầu cũng có được gương mặt riêng, sức cuốn hút riêng của mình. Như Sương Nguyệt Minh đã từng nhận xét về Phạm Duy Nghĩa: "chỉ khi nào nghiêng về huyền ảo thì Nghĩa mới là Nghĩa nhất".

1.2.3. Cốt truyện ghép mảnh


Bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỉ XX, cốt truyện ghép mảnh là kiểu cốt truyện được tạo nên từ hệ thống các mảng có tính độc lập tồn tại bên cạnh nhau thông qua (hoặc được gợi lên từ) một đề tài, tư tưởng chủ đề.

Đây là một kết cấu lắp ghép mang hơi hướng của tư duy hội hoạ lập thể. Ở đây, cốt truyện bị đập vỡ thành từng mảnh vụn rời rạc, không theo một trình tự thời gian hay mối liên hệ nhân quả nào và mỗi mảnh vụn chính là một mảnh của hiện thực.

Cốt truyện truyền thống đề cao tính chuyện rò ràng, mạch lạc, do đó cốt truyện luôn giữ một vị trí quan trọng. Với kiểu cốt truyện phân mảnh các nhà văn thể hiện một quan niệm mới về hiện thực đó là hiện thực không toàn vẹn, một hiện thực rời rạc, đổ vỡ, rạn nứt, một cuộc sống đang tan rã dần dần.

Việc sử dụng kiểu cốt truyện phân mảnh thể hiện nỗ lực của nhà văn nhằm cách tân truyện ngắn của mình, nhằm phá vỡ khung tự sự truyền thống. Đồng thời kích thích khả năng tiếp nhận tích cực, chủ động, sáng tạo của người đọc.

Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh được ghép từ những câu chuyện về những cuộc đời khác nhau. Đó là câu chuyện về người trồng hoa có giấc mơ màu


rêu đỏ, cô gái múa điệu vờn mây, người tình của manơcanh và cả chuyện của loài thảo mộc, Hoa cẩm tú cầu kể chuyện mình. Mỗi mảnh ghép ấy là một cuộc đời khác nhau nhưng khi ghép chung lại, nó trở thành một bức tranh về nỗi cô đơn của con người, nỗi cô đơn được lí giải một cách huyền hồ là do bị chiếu mệnh bởi hoa cẩm tú cầu – loài hoa luôn thay đổi sắc mầu.

Trong Gia đình ông Luân, mỗi mảnh ghép lại mang gương mặt của một thành viên trong gia đình: Cây đa giữa cánh đồng làng là bà mẹ một giáo viên dạy văn kì cựu, có biệt tài biến những áng văn tươi xanh thành xanh xao còi cọc hoặc làm khô hoá “những bài thơ ướt và mềm” và “cô chẳng bao giờ đọc sách”. Người ghét sự đục khoét là người cha - chủ tịch thành phố, người ghép nhất loài chuột vừa hôi vừa tối tăm, mờ ám nhưng lại là kẻ đục khoét nhất hạng, có người còn gọi ông là cướp. Cô gái và thế giới ảo là cô con gái nhà ấy có “sở thích chinh phục, đúng hơn là tiêu diệt đàn ông” và coi sự đau khổ của những người bị cô bỏ rơi là niềm vui, sự tích thú của mình, cô tàn nhẫn và độc ác đến mức trước cái chết oan uổng của một nạn nhân cô cũng chẳng mảy may thương xót. Giấc mơ hoa vàng yếm thắm là giấc mơ của Quân - người con trai của nhà ấy. Nhưng giấc mơ đắng ngọt đẹp đẽ ấy cũng bị đè chết bởi sự "hèn đớn, không vượt khỏi lề thói thông thường" của chính Quân. Tất cả những gương mặt, những mảnh ghép ấy đã cho người đọc một cái nhìn một khá hoàn chỉnh về sự tha hóa của con người trong xã hội hiện nay.

Hoa trúc đào giống như những trang viết được lấy ra từ cuốn nhật kí của một nữ sinh mơ mộng, ngưỡng mộ thầy giáo trẻ của mình. Truyện cũng giống như những lá thư cô gái viết cho người thầy giáo thần tượng ấy. Mỗi mảnh ghép là một trang kí ức được đặt tên, đánh số. 1. Con sông mùa nước cạn. 2. Buổi học đầu tiên . 3. Hoa trúc đào. 4. “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”. Mỗi mảnh là một câu chuyện được kể riêng - đó là những câu chuyện mà


nhân vật chính được chứng kiến, tham gia hoặc chỉ là những suy nghĩ rất riêng của cô gái. Dù có sự xuất hiện của nhiều nhân vật tham gia vào những câu chuyện riêng rẽ ấy, trong những cảnh huống khác nhau, song người đọc vẫn có cảm giác tất cả chỉ là lời độc thoại của cô gái với một câu hỏi thao thiết xoáy vào lòng: "Tại sao sự sống đầy mâu thuẫn? Tại sao bằng tất cả thiện chí và khát vọng được hòa hợp, con người ta vẫn là những mảnh vỡ không dễ gì kết dính?".

Không được đặt thành tên, mỗi phần của Thương nhớ Lèng Hồ lại được đánh số từ 1 đến 7 như những đúp quay của một cuốn phim ngắn.

(1) Giới thiệu về Thịnh và những người nhà ông Páo. (2) Giới thiệu về Thuý – 1 cô giáo cắm bản như Thịnh nhưng dạy ở bản của người Dao. (3) Giới thiệu về những học sinh ở Lèng Hồ. (4) Bí mật của ông Páo. (5) Những chuyện trên “Bướu lạc đà”. (6) Kí ức của Thịnh về mối tình đã qua và sự việc Thuý bị ngộ độc do tưởng lá độc là rau. (7) Cái chết của ông Páo.

Đó là những câu chuyện nhỏ được kể lại, những khoảnh khắc trong cuộc sống được ghi lại qua cái nhìn của nhân vật Thịnh. Dù các câu chuyện, sự kiện (mảnh ghép) được sắp xếp theo trật tự thời gian tuyến tính nhưng cũng không tạo ra được mối quan hệ nhân quả giữa bẩy mảnh ghép đó. Truyện không có độ căng của cốt truyện. Mỗi mảnh ghép kể một câu chuyện, một sự kiện riêng, ít liên hệ đến những phần còn lại. Như thể, tác giả lần lượt nhặt chúng ra từ kí ức của mình và đặt chúng cạnh nhau vậy.

Thủ pháp ghép mảnh điện ảnh cũng được sử dụng trong một số truyện khác của Phạm Duy Nghĩa (Đường về xa lắm,...). Ở đó, mỗi miếng ghép lại như một cảnh quay của bộ phim,có khả năng tồn tại độc lập, việc “chuyển cảnh” không gây xáo trộn toàn bộ câu chuyện nhưng vẫn đem lại cảm giác thú vị cho "người xem".


Cốt truyện ghép mảnh đã thể hiện nỗ lực cách tân trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa. Dù có tạo nên một sự gián cách, lỏng lẻo nhất định nhưng không hoàn toàn đánh mất cốt truyện, cũng không quá lộn xộn đến mức làm người đọc mất phương hướng, khó nắm bắt... sự đổi mới trong cốt truyện ghép mảnh của Phạm Duy Nghĩa vẫn giữ được mối dây liên kết mạch truyện, người đọc vẫn nắm bắt được nội dung truyện khá dễ dàng. Điều này phù hợp với độc giả miền núi vì phần lớn tác phẩm hiện nay của anh viết về miền núi. Nhưng sự cách tân về hình thức cốt truyện đã tạo nên sự hấp dẫn, thu hút bởi nó tránh được lối mòn kể chuyện thông thường, và đồng thời cũng góp phần nâng cao trình độ tiếp nhận cho đối tượng độc giả kể trên.

1.2.4. Cốt truyện khung


Bắt đầu xuất hiện từ thời trung đại, nhưng được sử dụng nhiều thời hiện đại và đặc biệt trở lại với văn học đương đại như một sự cách tân, cốt truyện khung “được kể theo lối truyện lồng trong truyện, người kể đóng vai trò là người kể lại một câu chuyện của người khác, như thế sẽ có hai người kể tính khách quan được chú trọng”[4].

Có thể thấy kiểu cốt truyện này ở nhiều truyện của Phạm Duy Nghĩa : Trên đảo, Trăng trên rừng Tông Qua Mu, Hoa đào xứ tuyết hay Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh,.... Những truyện này, bao giờ cũng bắt đầu bằng một câu chuyện của người kể chuyện xưng tôi, sau đó, trong câu chuyện của mình, nhân vật tôi kể về chuyện của người khác, và chuyện của “người khác” ngày mới là chuyện chính.

Hoa đào xứ tuyết bắt đầu bằng việc người kể chuyện “có việc lên thị xã Lào Cai, nhân tiện thăm một người bạn cũ”. Sau nửa trang sách giới thiệu tiểu sử người bạn của người kể chuyện, là câu truyện về mối tình của thi sĩ họ Hoàng với cô gái xứ tuyết xinh đẹp được kể lại bằng lời của chính thi sĩ họ Hoàng.


Tương tự như vậy, Trăng trên rừng Tông Qua Mu bắt đầu bằng chuyện anh kĩ sư lâm nghiệp chán cuộc sống bon chen đã trốn vào rừng sâu để sống cùng thảo mộc, nhưng chuyện chính lại là về anh nhạc sĩ tài hoa gặp nhiều cay đắng mà vẫn yêu đời Vi Văn Quăm.

Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh cũng là cuộc gặp gỡ của tôi, người kể chuyện với nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Văn Hựu. Họ gặp nhau, kể chuyện cho nhau nghe về kết thúc câu chuyện của họ là đi vào quán cá hồi uống ruợư và hẹn nhau đi xem điệu múa vờn mây. Trong câu chuyện gặp gỡ của họ là những chuyện về Hoa cẩm tú cầu, về Tú, May, ông Thụ và chuyện về những con người này mới là chính.

Ở những truyện đã kể trên, thường có một câu chuyện trở thành một cái khung, một đường viền rất mảnh cho câu chuyện còn lại, câu chuyện chính. Và người đọc dễ dàng nhận ra đâu mới là câu chuỵên cần kể của tác giả, đâu chỉ là "câu chuyện dẫn dắt" như một cái cớ để câu chuyện chính diễn ra một cách tự nhiên và chân thực.

Trên đảo lại là một kiểu khác. Đó là hai câu chuyện song song một của "tôi", công nhân nông trường vô tình đi lạc vào đảo, một của Thụy, người đàn ông chối bỏ loài người mang con lên sống trên đảo. Câu chuyện thứ nhất kể về một người đàn bà – Vui. Câu chuyện thứ hai kể về những người đàn bà - những người vợ của ông Thụy. Hai câu chuyện được kể bằng hai giọng khác nhau, hai điểm nhìn khác nhau cho thấy hai khía cạnh khác nhau ở người đàn bà. Một cho rằng họ - đàn bà chung thuỷ, trong trẻo đến lạ thường. Một lại cho rằng đó là loài bạc tình tráo trở, đầy tội lỗi. Sự đối lập trong giọng kể, điểm nhìn và quan niệm thể hiện cách nhìn nhận khách quan về một vấn đề hay chính là những băn khoăn của chính người viết. Tạo nên cốt truyện lồng với hai câu chuyện với giọng kể, điểm nhìn, quan niệm đối lập ấy, tác giả


nhằm lí giải về một vấn đề hay cũng chính là sự băn khoăn đang đi tìm lời giải của nhà văn về một thực thể vốn được coi là vô cùng bí ẩn: Đàn bà. Chúng ta không thể biết đâu là mục đích chính. Nhưng rò ràng, cốt truyện trên đã cho thấy một lối kể khách quan để người đọc suy ngẫm và tự tìm lời giải đáp cho mình - từ truyện, cả từ chính cuộc đời.

1.2.5. Cốt truyện tâm lí


Xuất hiện vào cuối thế kỉ XIX, cốt truyện tâm lí là kiểu cốt truyện được triển khai dựa trên tâm lí của nhân vật với những bức xúc, dằn vặt nội tâm, sự vận động nội tâm đó là cơ sở thúc đẩy truyện phát triển.

Trong lịch sử văn học, kiểu cốt truyện này đã từng manh nha trong truyện ngắn Việt Nam từ những năm ba mươi của thế kỉ trước, tiêu biểu là những sáng tác của Thạch Lam và văn xuôi Tự lực văn đoàn. Hiện nay, kiểu cốt truyện tâm lý sẽ tiếp tục phát triển. Xu hướng đi sâu vào việc miêu tả, phân tích thế giới nội tâm đầy biến động tinh vi, phức tạp của con người đưa kiểu cốt truyện này trở thành tiền đề cho lối viết “dòng ý thức” của văn học đương đại.

Đọc truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa có thể thấy, nhân vật của anh “nghĩ” nhiều hơn là hành động. Tác giả thường chú tâm miêu tả cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật nhiều hơn, để nhân vật của mình chiêm nghiệm và triết lí nhiều hơn là để nhân vật đi lại, nói cười. Chính vì thế mà rất nhiều truyện của Phạm Duy Nghĩa là những dòng tâm trạng của nhân vật. Tuy chưa hẳn là những “dòng ý thức” miên man không dứt, chồng chéo khó nắm bắt, nhưng truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa bao giờ cũng là sự trôi chảy của tâm trạng, của những kí ức, giấc mơ, những ẩn ức, thậm chí là cả những suy tư, dằn vặt, day dứt của nhân vật chính.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 25/07/2022