Việc xáo trộn trật tự trước sau của cốt truyện để tạo ra một trật tự trần thuật theo dụng ý của tác giả là một việc làm quen thuộc nhằm mang lại hiệu quả nghệ thuật cùng sự hấp dẫn cho tác phẩm. Với sự thay đổi vị trí của các yếu tố trong nội bộ cốt truyện như vậy, truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa đã tránh được sự nhàm chán đơn điệu, tạo nên sức hấp dẫn mới. Điều này có được cũng là nhờ một phần ở cách kể chuyện đầy dẫn dụ của nhà văn. Nhất là, sự đan xen quá khứ, hiện tại không hề đột ngột mà những đan xen ấy như những lớp lang của truyện, hết lớp này đến lớp khác, trọn vẹn, tuần tự, mạch chuyện không có cảm giác bị chặt vụn, đột ngột, trật tự tuyến tính vẫn được đảm bảo. Người đọc cũng không gặp khó khăn khi nắm bắt cốt truyện.
Không khoát ngôn về những điều "đao to búa lớn", truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa là sự kiếm tìm lặng lẽ những câu chuyện cuộc sống với những con người rất người và rất đời. Và, mỗi truyện lại truyền tải một thông điệp riêng mang đầy ý nghĩa nhân văn. Đó là hành trình đi tìm tình yêu và tự do trong Lá Vàng Chải, là sự kiếm tìm đáp án cho câu hỏi: Hạnh phúc là gì? trong Lá bạch đàn. Là niềm tin rằng: tâm hồn trong sáng, tấm lòng nhân hậu của con người có thể cứu rỗi con người, chắp cánh cho tâm hồn người bay vào tương lai tốt đẹp (Ngôi nhà nhỏ bên hồ), niềm tin mãnh liệt vào sức sống của con người "ở nơi khắc nghiệt mới có bản lĩnh lầm lụi vươn lên" như loài thông "mọc trên núi đá bao giờ cũng cứng rắn hơn thông mọc trên đất thường" (Thông trên đá). Có khi lại gửi đến độc giả một thông điệp như tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn: "văn chương mà làm gì khi người viết ra nó quay lưng lại với nỗi khổ đau của con người." (Vệt sáng trên ban công).
Dung dị, cổ điển mà không hề nhàm chán, những cốt truyện mang tính truyền thống của Phạm Duy Nghĩa cuốn hút người ta bởi cái duyên ngầm. Nét duyên ấy ẩn hiện trong mỗi truyện bằng "một cái "tứ" rất riêng" được chắt ra
từ cuộc sống đời thường và triển khai một cách tự nhiên với “một lớp chi tiết bề mặt rất sống động” (La Khắc Hoà).
Chi tiết là tiểu tiết trong tác phẩm tự sự. Truyện ngắn có thể không có cốt truyện nhưng không thể nghèo chi tiết bởi "truyện ngắn là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết" (Nguyễn Công Hoan). Trong truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa, những "chi tiết đời sống" rất thật đã góp phần làm nên hồn cốt tác phẩm. Có chi tiết đóng vai trò trung tâm thẩm mỹ, là nơi nhà văn gửi gắm tư tưởng nghệ thuật, như chi tiết giấc mơ về cơn mưa hoa mận trắng tinh khiết, tươi lành đến với Thuận (Cơn mưa hoa mận trắng) ngay sau cuộc "giằng giữ, bảo toàn đến tận cùng, khốc liệt", gửi đến cho độc giả khát vọng về một sự thanh lọc trong tâm hồn con người; chi tiết Tú (Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh) cất tiếng gọi tìm người mình yêu trên đỉnh núi gió gào buốt lạnh mà chỉ nhận lại tiếng vọng của chính mình cho thấy nỗi cô đơn đau đớn cùng cực của con người... Ngoài ra, rất nhiều chi tiết phụ trợ mang chức năng đẩy câu chuyện vận động, phát triển......Nhờ những chi tiết mà không khí, cảnh trí, tình huống, tính cách cũng như hành động, tâm tư nhân vật được bộ lộ đầy đủ.
Một chi tiết đắt giá ngoài ý nghĩa chân thực còn cần phải đạt tới ý nghĩa tượng trưng, hàm chứa một cách nhìn, cách đánh giá và năng lực tưởng tượng của nhà văn đối với cuộc sống và con người.
Chi tiết Thuận ăn thịt con khỉ chết cháy với câu chuyện người đàn bà oán hận chồng bỏ vào núi Rú rồi mất tích, chuyện anh Trương lâm trường, sống lâu với khỉ, cười khèng khẹc như khỉ, mọc đuôi như khỉ muốn nói rằng sự cô đơn nơi hoang dã dễ khiến con người trở nên tha hóa, biến dạng.
Chi tiết anh chồng Thuận bị con ngựa đá vào bọng đái để rồi đến đêm “Chị vùi mặt vào tảng ngực trần hồi khét, cào cấu, khóc suốt đêm”, là để nói cái hạnh phúc trần gian bị tước đoạt phũ phàng.
Có thể bạn quan tâm!
- Nghệ thuật truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa - 1
- Nghệ thuật truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa - 2
- Nghệ thuật truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa - 4
- Các Kiểu Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Phạm Duy Nghĩa
- Nhân Vật Thể Hiện Vẻ Đẹp Tâm Hồn Của Con Người
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
Chi tiết nhạc sĩ Vi Văn Quăm trần truồng vùng vẫy điên cuồng, nhảy múa như một hung thần và gào thét dữ dội bên bờ suối giữa rừng già trong đêm trăng, hay chi tiết "ông sếp" cũng trần truồng đi tung tăng như đứa trẻ giữa bãi đậu tương một cách khoái chá, sung sướng, phải chăng là muốn nói đến sự khát khao tự do, khát khao được là chính mình của con người giữa cuộc đời nhộm nhoạm và đầy lừa dối?
Dụng công cho những chi tiết ấy, nhà văn đã tạo nên sức nặng rất riêng cốt truyện của mình. Và, bằng việc “thả những chi tiết đắt giá vào một cấu trúc quen thuộc” Phạm Duy Nghĩa cũng đã tạo cho mình diện mạo rất riêng của một nhà văn trẻ.
Mặc dù được coi là nằm ngoài hệ thống sự kiện tạo thành cốt truyện nhưng ở mỗi tác phẩm văn học - nhất là những tác phẩm văn học có giá trị, sự xuất hiện của yếu tố ngoài cốt truyện đã góp phần đáng kể vào việc soi sáng thêm chủ đề và tư tưởng của tác phẩm, bộc lộ những quan điểm, thái độ của tác giả, giúp người đọc tiếp cận sâu sắc hơn tác phẩm.
Phạm Duy Nghĩa đã tận dụng những ưu thế đó của yếu tố ngoài cốt truyện để làm giàu có thêm cho cốt truyện của mình. Dù cốt truyện đơn giản, nhưng truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa luôn được làm sinh động và tự nhiên bởi những mẩu chuyện luôn được bổ sung cho cốt truyện chính. Đó là “những chuyện tầm phào” Minh (Lá bạch đàn) nhặt nhạnh, chép vào cuốn sổ tay của anh: cách dạy vợ "quái chiêu" của một hoạ sĩ, một nhà khảo cổ; lời tâm sự của một cô y tá bỏ chồng vì chồng khi ngủ luôn phát ra những âm thanh gợi những tưởng tượng hết sức ghê tởm, lời kể của một phụ nữ ghê sợ chồng mỗi khi gần gũi vì bị ám ảnh chồng mình là một con thuồng luồng hay là trang nhật kí của một cô bé về người bố thiếu tế nhị của mình,… Cả sự đúc kết của chính Minh khi lí giải về nguyên nhân đổ vỡ của hạnh phúc gia đình : “Sự rạn
nứt hạnh phúc gia đình ngày càng trở nên đa dạng trong cuộc sống hiện đại. Lâu nay người ta thường chỉ nhắc đến những hiện tượng phổ biến ... Trong thực tế còn tồn tại những bất hạnh khó đặt tên, tưởng chừng không đáng kể. Chúng vụn vặt như một mẩu, mảnh kim loại lẫn trong cỏ cây, đất cát nhưng có thể ngấm ngầm gây vi trùng uốn ván chết người".
Chuyện về người chú tàn tật kì lạ, về anh công nhân có bàn tay dị dạng mà tài hoa ở Cô gái xuống ga Vĩnh Yên, ở Trên đồi lập loè ánh lửa là câu chuyện về cuộc đời người điên tên Hải vốn là một Bí thư xã đoàn năng nổ bị ghen ghét, vu vạ mà phát điên, câu chuyện về đôi gian phu dâm phụ cả gan dẫn nhau lên bãi tha ma làng làm chuyện bậy bạ và phải hứng chịu hậu quả đáng sợ. Ở Cơn mưa hoa mận trắng là những mảng kí ức mang “mùi bùn”, “mùi cá” của nhân vật Thuận.
Những câu chuyện ấy đã làm sinh động thêm không khí truyện, giúp cho câu chuyện chính đi hết một cách tự nhiên và nhiều lúc làm giảm độ căng của truyện. Có khi người đọc còn không phân biệt đâu là chính, là phụ vì chúng thật quá, như thế những câu chuyện ấy tự chúng đã tồn tại như vậy, nhà văn chỉ việc đưa vào trang viết của mình mà không cần sắp đặt gì cả. Và như thế, người đọc cứ bị cuốn đi, hút đi như đang xem một bộ phim 3D sống động, như thể mình cũng đang sống trong thế giới của câu chuyện cho đến tận dấu chấm kết thúc của tác phẩm, mới bừng ngộ và lí giải được tại sao một truyện nói về những điều không mới, kể một câu chuyện hết sức bình thường lại làm mê hoặc người ta đến thế.
Đặc biệt, mỗi truyện của Phạm Duy Nghĩa, nhất là những trang văn viết về miền núi lại "tựa" trên một cái nền thiên nhiên rất riêng, đầy ám ảnh :
Đó là một Tiếng gọi lưng chừng dốc tựa vào "rặng núi xanh thẳm đằng xa đang trong cuộc giằng co với mây trắng", có "cây móc cao buông trùm hoa
vàng" cất tiếng nói của lương tri. Đó là một Ngôi nhà nhỏ ven hồ gắn liền với hình những thân bạch đàn mảnh dẻ trắng xanh ... thì thầm thả xuống màn sương chiếc lá màu đỏ úa ... cảnh vật thiên nhiên thơ mộng như thiên nhiên nước Nga xa xôi, chỉ hiện lên qua những trang tiểu thuyết. Trăng trên rừng Tông Qua Mu lại đóng đinh vào tâm hồn người đọc một hình ảnh một loài cây, đẹp một cách ngạo nghễ và quái đản, hiên ngang, dữ dội đầy sức sống, đầy tự do: “Gỗ nó rắn như gỗ loài tứ thiết, nếu bửa ra, chắc phải đỏ như thịt gỗ cây ngọc am. Rễ nó cắm sâu trên đá phủ đầy rêu đỏ loét như quết trầu. Bốn mùa, lá cây độc một màu đỏ rực, suốt đêm, lá rít gió, cả cây rung chuyển ào ảo như một cơn bão lớn, nhiều chiếc lá bị bứt khỏi cây như những giọt hồng cầu ném quyết liệt vào không gian". Và, độc giả khó có thể nào quên một lòng hồ sáng xanh như một tấm kính đã trở thành tấm gương soi sáng và lưu dấu những kỉ niệm ở quá khứ cũng như hiện tại của Minh và Liên trong Lá bạch đàn.
Giữ một vị trí độc lập nhưng thiên nhiên trong các truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa đã có sức mạnh hỗ trợ rất lớn cho cốt truyện. Nó khiến cho không gian truyện được mở rộng và có chiều sâu, tạo nên sự tươi xanh cho con chữ, trở thành một thứ keo kết dính, nuôi dưỡng mạch chuyện một cách hết sức tự nhiên. Vì thế góp phần truyền tải thông điệp của tác giả tới người đọc. .... “Chúng, thứ thiên nhiên điểm tựa ấy xuất hiện trang văn của Phạm Duy Nghĩa đặc biệt trang trọng và dâng hiến như không có chúng thì anh đã không có những truyện ngắn ấy” (Dạ Ngân).
Có thể nói rằng, Phạm Duy Nghĩa vẫn trung thành với lối viết truyền thống, với sự lựa chọn cốt truyện cổ điển với mạch tuyến tính, trật tự nhân quả. Nhưng, truyện của Phạm Duy Nghĩa không hề rơi vào nhàm tẻ như ta vốn lo sợ. Những chi tiết đắt giá, những yếu tố ngoài cốt truyện được xây đắp công phu được đan luồn một cách khéo léo mà tự nhiên đã khiến cho truyện
ngắn của Phạm Duy Nghĩa trở nên sống động cuốn hút như (thậm chí là hơn) những truyện ngắn có cốt truyện phức tạp, li kì, đầy biến động với vô số sự kiện cũng như nhiều cách tân khác. Bằng cách ấy, Phạm Duy Nghĩa, dù đi trên lối cũ, vẫn để lại dấu ấn của riêng mình.
1.2.2.Cốt truyện huyền ảo
Cốt truyện huyền ảo, ra đời từ thời cổ đại và phát triển đến thời hậu hiện đại thế kỉ XXI, là cốt truyện đan xen lẫn lộn các yếu tố hoang đường với yếu tố thật (Biến dạng - F. Kafka; Trăm năm cô đơn - G. Marque, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, một số truyện đường rừng của Lan Khai, Thế Lữ, ...).
Sự đổi thay trong giao lưu văn học, sự mở rộng trong quan niệm về hiện thực và đối tượng phản ánh của văn học, sự mở rộng trong quan niệm về phương pháp sáng tác và tiếp cận hiện thực, sự tiếp nối có sáng tạo truyền thống văn hoá văn học dân tộc,... đã lí giải cho “những trang viết lạ” gắn với yếu tố kì ảo đầy “ma lực” xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống văn học hôm nay. Điều này cũng chỉ rò, khi mà quan niệm thô sơ, giản đơn về chủ nghĩa hiện thực đã bộc lộ những hạn chế nhất định của nó thì lập tức xuất hiện bộ phận văn học có yếu tố kì ảo, sáng tác theo thi pháp huyền thoại và dần trở nên phổ biến. Đó là một hiện tượng có tính chất quy luật của văn học đương đại.
Nếu truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp viết vào thập niên cuối của thế kỉ XX, cốt truyện được xây dựng bằng một hệ thống chi tiết mang yếu tố kì ảo thì tác phẩm của Phạm Duy Nghĩa chỉ điểm xuyết bằng một vài chi tiết kì ảo. Điều này khiến chi tiết trở nên mờ ảo, tạo tác dụng làm mờ hoá ranh giới giữa hiện thực và thế giới ảo. Những chi tiết này được xếp một cách khéo léo xen giữa nhiều chi tiết của đời thực nhằm biểu đạt dòng tâm trạng của nhân vật. Nó đem lại những cuốn hút kì lạ, bất ngờ cho độc giả. Bởi ở đó, yếu tố kì ảo là nhân tố quan trọng mang lại những giá trị thẩm mĩ thực sự cho tác phẩm
chứ không nhằm mang đến kích thích nhu cầu chuộng lạ đơn thuần của người đọc. Mỗi chi tiết kì ảo của Phạm Duy Nghĩa đều mang một thông điệp thẩm mĩ nhất định.
Ở Trên đồi lập loè ánh lửa, là chi tiết khi Thắm chết: “Trời đất, cô hoá ngay trước cửa đền, chỗ này này. Mà lạ, lúc nhà đền biết, nâng dậy không thấy gì, xác người cứ nhẹ như sương” và “Lúc chôn xong, có con cò sạch sẽ vụt bay lên, trắng muốt”. Những chi tiết ấy, đặt vào trong toàn truyện, phải chăng muốn nói đến tâm hồn trong trắng, trinh bạch của một gái làm tiền là Thắm – dù tấm thân đã lấm láp bụi trần ai, tâm hồn nàng vẫn mãi mãi trinh bạch, trắng trong gấp trăm ngàn lần những kẻ ô hợp đang sống kia, như ông Sướng, như tay Tân đội trưởng đội thi hành án huyện Mường Dồ và những kẻ đang tha hoá đạo đức khác.
Ở Cô gái xuống ga Vĩnh Yên, - một chi tiết nhỏ thôi, ấy là sự xuất hiện của hồn ma của anh công nhân lâm trường xấu xí, có bàn tay sáu ngón dị dạng mà khéo léo, tài hoa . “... những người đi đêm thỉnh thoảng vẫn gặp hồn ma của anh ấy. Tất cả bọn đều khẳng định đã nhìn thấy một cột khói đen giống hình người cụt đầu, bay chập choạng trên mặt hồ và vực lau vào những đêm trăng suông vắng lặng ...”. Sự xuất hiện của hồn ma ấy, phải chăng muốn nói về sự u uất, đau thương không tan đi của một con người không toàn vẹn, hay là sự tiếp tục cuộc hành trình lặng lẽ kiếm tìm cái đẹp, cái vẹn toàn còn dở dang của người công nhân đáng thương ấy.
Ở Người đổi mặt, yếu tố kì ảo lại xuất hiện ở một dạng khác, đó là khuôn mặt biến dạng thành "khuôn mặt lạ". Nếu ở tác phẩm của F.Kafka biến dạng biểu thị sự cô đơn khủng khiếp của con người thì ở tác phẩm của Phạm Duy Nghĩa, đó là sự tha hoá cùng cực của con người. Đó là khuôn mặt biến dạng một cách đáng sợ của một ông quan chức lớn. Một sáng tỉnh dậy, ông
kinh hoảng nhận ra khuôn mặt cũ của mình đã biến mất, thay vào đó là một “khuôn mặt lạ”. Bộ mặt biến dạng ấy, phải chăng, đại diện cho sự biến dạng của đạo đức con người. Qua sự biến dạng của bộ mặt “quan chức lớn”, nhà văn đang chỉ ra rằng, đang có sự tha hoá, xuống cấp về mặt đạo đức của một bộ phận giới chức hiện nay. Như ông "quan lớn" kia chuyên chém gió trên diễn đàn, tuôn bao lời vàng ngọc, những ngôn từ được mạ lên sáng loáng về chống tham ô lãng phí kia lại vốn là một trí thức biến chất hèn hạ từng ăn trộm gà hàng xóm, nhìn trộm mông con gái đi vệ sinh, “lên xe xuống ngựa” được “tất cả chỉ nhờ một chữ “tốt””, luôn mồm chống tham ô lãng phí nhưng luôn chạy sô kiếm phong bì và tết đến thì được coi là mùa vụ làm ăn luôn bội thu với những chiếc phong bì “như những mảnh thiên thạch trắng lốp từ đâu rơi xuống đầy nhà”. Đáng sợ hơn khuôn mặt biến dạng kia là sự dửng dưng, coi như bình thường của những người quanh ông trước sự biến dạng ấy, như vợ ông, cô hàng xóm, hay những cử toạ ngồi nghe ông thuyết giảng vẫn tay bắt mặt mừng, vỗ tay rôm rả, phong bì “dúi” đều. Những người ấy, sống lâu cùng cái giả, sống lâu trong cái giả, sống lâu dưới cái giả đã thành quen mà không nhận ra sự thay đổi của khuôn mặt ông “khác nhau như giọt nước với giọt mực”. Hay là, chính họ cũng biến dạng, cũng đổi mặt, đổi lòng?
Không thể không nhắc tới trong kiểu cốt truyện huyền ảo của Phạm Duy Nghĩa là Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh. Người đọc khó mà quên được cái không khí hư ảo, huyền hồ đầy chất liêu trai khi hồn hoa cẩm tú cầu hiển hiện: "Vào một buổi tối mùa xuân, Tú nằm trong chăn nhìn bóng đêm dìu dịu buông trùm lên ngôi nhà gỗ, vẫn màu tối hòa sắc xanh lam phản chiếu từ hoa bìm bìm. (...) Đang trong trạng thái lơ mơ ngưng đọng thế, thì có tiếng chân người rất khẽ bước lên thang. "Ai thế nhỉ?" - Tú hơi bực vì mình lại phải nghĩ. Tiếng chân dừng lại bên ngoài cánh cửa khép và có tiếng gọi khẽ. Ý nghĩ thứ hai còn lơ lửng đâu đó chưa nhập vào đầu Tú, nhưng theo phản xạ, Tú quài