Phân Tích Năng Lực Cạnh Tranh Của Cụm Ngành Du Lịch Quảng Bình


CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT


2.1. Lý thuyết về năng lực cạnh tranh


Michael Porter (2008) cho rằng khái niệm có ý nghĩa duy nhất về năng lực cạnh tranh là năng suất (productivity). Năng suất được đo bằng giá trị gia tăng do một đơn vị lao động (hay một đơn vị vốn) tạo ra trong một đơn vị thời gian. Cạnh tranh chính là tạo ra năng suất và chỉ tạo ra cạnh tranh mới đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế lâu dài. Nền kinh tế tạo ra giá trị nhờ khai thác tài nguyên và các điều kiện sẵn có sẽ khó có thể đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững.


Theo Michael Porter, có ba nhóm nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của một quốc gia, gồm: (i) các yếu tố lợi thế tự nhiên của quốc gia, (ii) năng lực cạnh tranh vĩ mô, (iii) năng lực cạnh tranh vi mô. Khung lý thuyết trên được điều chỉnh theo cấp độ địa phương có thể hiểu rằng, có ba nhóm nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của một địa phương, gồm: (i) các yếu tố sẵn có của địa phương, (ii) năng lực cạnh tranh ở cấp độ địa phương,

(iii) năng lực cạnh tranh ở cấp độ doanh nghiệp (theo Vũ Thành Tự Anh, 2011).


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 75 trang tài liệu này.

Các yếu tố sẵn có của địa phương


Các yếu tố sẵn có gồm tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý hay quy mô của địa phương. Những nhân tố này không chỉ là số lượng mà còn bao gồm sự phong phú, chất lượng, khả năng sử dụng, chi phí đất đai, điều kiện khí hậu, diện tích và địa thế vùng, nguồn khoáng sản, nguồn nước, các nguồn lợi thủy sản hay ngư trường…Không phải lúc nào sự dồi dào của các yếu tố này cũng mang lại năng lực cạnh tranh tốt hay sự nghèo nàn của chúng đồng nghĩa với bất lợi trong cạnh tranh. Theo Porter (2008), khi nguồn nguyên vật liệu được cung cấp phong phú với giá rẻ hay lao động dư thừa, thì các doanh nghiệp có khuynh hướng ỷ lại thái quá và khai thác kém hiệu quả. Nhưng khi các doanh nghiệp phải đối mặt với các bất lợi như chi phí đất đai cao, thiếu hụt lao động, nguyên liệu…thì doanh nghiệp phải đổi mới, nâng cấp để có thể cạnh tranh.


Năng lực cạnh tranh ở cấp độ địa phương


Năng lực cạnh tranh gồm các yếu tố cấu thành nên môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, có thể chia thành hai nhóm chính: (i) chất lượng của hạ tầng xã hội và các thể chế chính trị, pháp luật, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; (ii) các thể chế, chính sách như chính sách tài khóa, tín dụng và cơ cấu kinh tế. Xét ở năng lực cạnh tranh, giáo dục cơ bản là nền tảng cho việc học hỏi, tiếp thu tri thức, sáng tạo và đổi mới trong doanh nghiệp; thể chế chính trị được đo lường bởi sự cởi mở và ổn định xã hội ở địa phương, tiếng nói của doanh nghiệp được lắng nghe và tôn trọng, trách nhiệm giải trình của các quan chức chính quyền địa phương được đề cao, tính hiệu lực và hiệu quả của hành chính công được cải thiện; chính sách kinh tế thể hiện ở khả năng chính quyền địa phương áp dụng các chính sách kinh tế vĩ mô vào thực tiễn. Mặc dù các nhân tố kể trên không trực tiếp tạo ra năng suất song chúng có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy hay cản trở nỗ lực tăng năng suất của doanh nghiệp.


Năng lực cạnh tranh ở cấp độ doanh nghiệp


Nhân tố này bao gồm: (i) chất lượng môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, (ii) trình độ phát triển cụm ngành, (iii) chiến lược của doanh nghiệp. Đây là các yếu tố quyết định mức năng suất của doanh nghiệp, có thể hiểu là mấu chốt quyết định năng lực cạnh tranh địa phương.


Môi trường kinh doanh là điều kiện bên ngoài giúp doanh nghiệp đạt được mức năng suất và trình độ đổi mới, sáng tạo nhất. Theo Porter (2008), chất lượng của môi trường kinh doanh thường được đánh giá qua bốn đặc tính tổng quát gồm: (i) các điều kiện nhân tố sản xuất/đầu vào; (ii) các điều kiện cầu; (iii) các ngành công nghiệp phụ trợ và liên quan; (iv) chiến lược công ty, cấu trúc và cạnh tranh nội địa. Porter mô tả bốn đặc tính này thông qua bốn góc của một hình thoi được gọi là mô hình Kim cương Porter.


Sơ đồ 2.1: Mô hình kim cương của M. Porter


Các điều kiện nhân tố sản xuất đầu vào Bao gồm cơ sở hạ tầng nguồn 1


Các điều kiện nhân tố sản xuất/đầu vào: Bao gồm cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, nguồn nhân lực, nguồn tài sản vật chất và nguồn kiến thức. Lợi thế cạnh tranh từ các yếu tố này phụ thuộc vào việc chúng được triển khai và hiệu quả hay không.


Bối cảnh cho chiến lược và cạnh tranh: Yếu tố này đánh giá các điều kiện bên trong nhằm giúp doanh nghiệp đạt được mức năng suất và trình độ đổi mới sáng tạo cao nhất dựa trên độ tinh thông, những kỹ năng, năng lực và thực tiễn quản lý của doanh nghiệp.


Các điều kiện về nhu cầu: Nhu cầu thị trường ảnh hưởng tới quy mô và tăng trưởng thị trường đồng thời liên quan đến cả tính chất khách hàng. Nhìn chung, môi trường kinh doanh lành mạnh sẽ có mức cầu cao từ các nhóm khách hàng địa phương phức tạp, do


đó buộc các doanh nghiệp phải cung cấp hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao hơn mới có khả năng thành công.


Các ngành hỗ trợ và có liên quan: Để có được sự thành công, môi trường kinh doanh vi mô cần có được số lượng lớn nhà cung cấp có năng lực tại địa phương.


Cần lưu ý một số nhân tố như nhân lực, kiến thức và vốn có di chuyển giữa các địa phương, cho nên việc có sẵn các nhân tố này ở mỗi địa phương không phải là một lợi thế cố hữu. Hơn nữa, nguồn dự trữ các nhân tố đầu vào mà một địa phương có được ở một thời điểm cụ thể không quan trọng bằng tốc độ và tính hiệu quả mà địa phương đó tạo ra cũng như việc nâng cấp và sử dụng các nhân tố này trong những ngành cụ thể (Porter 2008). Chính vì vậy, ngoài bốn đặc tính kể trên thì cần phải nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền địa phương trong việc hoạch định và thực thi các chính sách kinh tế, định hình nhu cầu và thiết lập các tiêu chuẩn cho cạnh tranh, nhằm hướng đến cải thiện năng suất.


2.2. Lý thuyết về cụm ngành


Theo Porter (2008), cụm ngành là sự tập trung về mặt địa lý của các doanh nghiệp, các nhà cung ứng và các doanh nghiệp có tính liên kết cũng như của các công ty trong các ngành có liên quan và các thể chế hỗ trợ (ví dụ như các trường đại học, cục tiêu chuẩn, hiệp hội thương mại…) trong một số lĩnh vực đặc thù, vừa cạnh tranh vừa hợp tác với nhau.


Cụm ngành tạo thành một mặt của mô hình Kim cương nhưng đúng hơn nó phản ánh sự tương tác và liên kết giữa bốn mặt của viên kim cương. Sự phát triển của cụm ngành sẽ giúp tăng năng suất và hiệu quả hoạt động, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và các quá trình thương mại hóa cũng như tạo cơ hội cho dòng chảy thông tin và trao đổi kỹ thuật, tăng khả năng phát sinh những cơ hội mới trong ngành công nghiệp, giúp hình thành một hình thức doanh nghiệp mới mang đến phương pháp mới trong cạnh tranh (Porter 2008).


Để phát triển cụm ngành cần có các điều kiện tiền đề, nếu đạt được một số điều kiện trong tổng số này cụm ngành có thể thành công, đó là: (i) cụm ngành có một lượng đủ lớn các công ty nội địa hoặc chi nhánh công ty nước ngoài đã vượt qua phép thử của thị trường; (ii) cụm ngành có một số lợi thế đặc thù hay thế mạnh đặc biệt trong bốn yếu tố của mô hình Kim cương; (iii) nhu cầu đặc thù (thiên thời), vị trí đắc địa (địa lợi), tài năng đặc biệt (nhân hòa); (iv) cụm ngành có sự hiện diện của công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới đã có


những đầu tư quan trọng, đồng thời có cam kết mở rộng hoạt động; (v) có thế mạnh trong các cụm ngành liên quan gần gũi.


Từ góc độ thực tiễn chính sách, sự thành công của các doanh nghiệp nói riêng và cụm ngành nói chung là một thắng lợi về kinh tế cho địa phương. Sự phát triển của cụm ngành góp phần tạo ra môi trường kinh doanh năng động và hấp dẫn, từ đó thu hút thêm các doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo ra công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế và mở rộng cơ sở thuế cho địa phương. Chính vì vậy, chính quyền địa phương có động cơ mạnh mẽ để đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ, giúp cho cụm ngành ở địa phương mình trở nên phát đạt. Trong chính sách phát triển cụm ngành, nhà nước nên hướng vào những chính sách hỗ trợ rộng rãi, chẳng hạn như thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh hấp dẫn, xây dựng cơ sở hạ tầng thích hợp, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ghề, cải thiện chất lượng và mức độ bao phủ của các chính sách y tế và an sinh xã hội…Ở mức độ chủ động cao hơn, nhà nước còn sử dụng cụm ngành như một công cụ chính sách và lấy một hoặc một số cụm ngành làm trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cũng cần chú ý mức độ can thiệp của nhà nước bởi vì kinh nghiệm quốc tế và trong nước đều cho thấy việc nhà nước đứng ra tạo lập cụm ngành hoàn toàn mới bằng cách tự đứng ra đầu tư, trợ giá, bảo hộ, bất chấp điều kiện về nhân tố sản xuất, nhu cầu, cấu trúc thị trường và ngành phụ trợ thường dẫn tới thất bại hơn là thành công.


CHƯƠNG 3. PHÂN TÍCH NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA CỤM NGÀNH DU LỊCH QUẢNG BÌNH


3.1. Các điều kiện về nhân tố sản xuất‌


3.1.1. Nguồn tài sản vật chất Vị trí địa lý

Tỉnh Quảng Bình phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị, phía Đông giáp biển với đường bờ biển dài 116,04 km và có diện tích 20.000 km2 thềm lục địa, phía Tây giáp Lào với 210 km đường biên giới. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 8.065,3 km2.

Quảng Bình nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, khí hậu phân thành hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa.Quảng Bình có hệ thống sông suối khá lớn với tổng lưu vực hơn 7.977 km2, lượng dòng chảy khá phong phú và thuộc hàng lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, địa

hình dốc, dòng chảy ngắn nên thường xảy ra lũ lụt đột ngột, vùng đồng bằng ven biển cũng thường bị nhiễm mặn do thủy triều, gây khó khăn cho đời sống và sản xuất.

Tài nguyên thiên nhiên


Tài nguyên du lịch động


Quảng Bình được mệnh danh là “vương quốc hang động”. Cho tới năm 2010 đã thống kê được 300 hang động thuộc khu vực này. Trong đó, động Phong Nha (hang ướt), động Tiên Sơn (hang khô) từ lâu đã hấp dẫn du khách với các danh hiệu: có cửa hang cao và rộng nhất, có bãi cát và đá ngầm đẹp nhất, có hồ nước ngầm đẹp nhất, có thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất...Động Thiên Đường được đưa vào khai thác cuối năm 2009 cũng làm nức lòng du khách bởi vẻ đẹp tuyệt mỹ ngoài sức tưởng tượng của măng đá, nhũ đá.

Những danh hiệu cao quý tầm cỡ thế giới gần đây đã đem lại cho Quảng Bình lợi thế đặc biệt về du lịch động và vượt qua giới hạn du lịch quốc gia. Hang Sơn Đoòng thuộc quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng là cái tên thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận, nhất là từ năm 2010.Các nhà khoa học xác nhận: Sơn Đoòng dài ít nhất 8,5 km, cao 200m, có nơi lên đến 250m, rộng 150 m đã vượt qua hang Deer ở Vườn quốc gia Gunung Mulu của Malaysia (với chiều cao 100m, rộng 90m, dài 2km) để chiếm vị trí là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Trong lòng hang có sự kỳ vĩ đến khó tin: hang có đoạn chứa lọt cả


một tòa nhà cao 40 tầng của thành phố New York, có đoạn bị sập tạo điều kiện cho ánh sáng ùa vào, cây cối sum suê phát triển tạo nên một cánh rừng kỳ vĩ và được đặt tên là Vườn địa đàng… Theo bình chọn của trang Bored Panda, hang Sơn Đoòng đứng vị trí thứ nhất trong danh sách 15 hang động tráng lệ nhất thế giới. Chuyên mục Du lịch của tờ báo The New York Times đã bình chọn 52 điểm hấp dẫn nhất hành tinh năm 2014, trong đó Quảng Bình xếp thứ 8 và đứng thứ nhất châu Á với hang Sơn Đoòng2.

Cũng giai đoạn này, Quảng Bình còn khai phá thêm một hệ thống hang động đẹp lộng lẫy khác tên là Tú Làn nằm ở thôn Tân Hóa, huyện Minh Hóa, cách Phong Nha khoảng 70 km về hướng Tây Bắc. Hệ thống này gồm 20 hang động và 4 thung lũng vẫn còn hoang sơ nguyên vẹn và có đến 99 đỉnh núi đá vôi khổng lồ cùng hàng trăm loài thực vật, động vật sinh sống, ẩn chứa nhiều bí mật của thiên nhiên hùng vĩ với những dòng sông ngầm hay thác nước bất tận xen lẫn thạch nhũ huyền ảo trong lòng núi đá vôi.

Theo thời gian, số lượng hang động được phát hiện ở Quảng Bình liên tục gia tăng. Từ 16/3/2014 đến 25/4/2014, Đoàn thám hiểm của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh hợp tác với Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã tiến hành khảo sát và thám hiểm lần thứ 16 các hang động thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, phát hiện thêm 39 hang động mới, tiếp tục khẳng định Phong Nha – Kẻ Bàng có hệ thống hang động quan trọng bậc nhất khu vực và thế giới3.

Như vậy, được thiên nhiên ưu ái ban tặng hệ thống hang động phong phú, độc đáo, ấn tượng và đặc biệt nổi trội trên phạm vi khu vực lẫn thế giới, Quảng Bình vô cùng thuận lợi trong phát triển du lịch động và du lịch khám phá.

Tài nguyên du lịch sinh thái


Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wide Fund For Nature – WWF) thừa nhận là khu vực có tính đa dạng sinh học cao.Ở đây có hàng chục đỉnh núi cao trên 1.000m, hiểm trở chưa từng có vết chân người và khu rừngnguyên sinh nhiệt đới đầy sức hấp dẫn ít bị tác động với độ che phủ trên 96,2% và đa dạng sinh học. Về động vật có 493 loài, 67 loài thú, 48 loài bò sát, 297 loài chim, 61 loài cá; về thực vật có 138 họ, 401 chi, 640 loài khác nhau; trong đó 38 loài thực vật được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và 25 loài được ghi vào Sách Đỏ của hiệp hội bảo tồn Thiên nhiên

2Thiên Nhiên (2014)

3Hồng Nhung (2014)


Thế giới. Trong 30 vườn quốc gia của Việt Nam, bao gồm cả Bạch Mã của Thừa Thiên Huế, Phong Nha – Kẻ Bàng vẫn có vị thế riêng.

Khu du lịch nguyên sinh suối nước Moọc là một điểm đến lý thú trong du lịch sinh thái Quảng Bình, cách Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng khoảng 10 – 12 km đường chim bay. Ở đây, khách du lịch có thể hòa mình trong không gian của núi rừng hoang dã với những đụn nước, cột nước trồi ra từ lòng đất, quyện vào nhau, khởi thủy cho dòng chảy của sông Chày thơ mộng. Với chiều dài chỉ khoảng 10 km nhưng sông Chày có nhiều ghềnh đá đẹp và chứa đựng giá trị sinh học đa dạng với nhiều loài động vật thủy sinh quý hiếm, có nơi sâu đến hai chục mét, lòng sông là trầm tích của đá vôi chất đầy đôi bờ, dòng chảy êm đềm lãng mạn với màu nước trong xanh như ngọc bích cùng những tháp karst cổ kỳ vĩ.

Một điểm du lịch sinh thái với sức hấp dẫn khó cưỡng khác nữa là vũng Chùa – đảo Yến non nước hữu tình, biển nước mây trời bình yên và khoáng đạt, nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, cách đèo Ngang khoảng 10 km về hướng đông nam. Vũng Chùa được bao bọc bởi ba hòn đảo là Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm (đảo Yến) nên rất kín gió. Hòn La có nhiều đảo nhỏ, trong đó, đảo Chinh là thiên đường cư ngụ của hàng vạn con chim yến.

Trên địa bàn Quảng Bình còn có nhiều nguồn nước khoáng – nước nóng có giá trị độc đáo: nguồn Thanh Lâm huyện Tuyên Hóa, nguồn Troóc và Đông Nghèn huyện Bố Trạch, nguồn Bang và Thạch Bàn huyện Lệ Thủy, nguồn Khe Sốt huyện Quảng Trạch. Trong đó, suối nước khoáng nóng Bang là nguồn nước khoáng duy nhất tại Việt Nam có nhiệt độ sôi tại lỗ phun đạt đến 1050C.

Có thể nhận thấy, tài nguyên du lịch sinh thái của Quảng Bình không hề kém cạnh tranh so với vườn quốc gia Bạch Mã của Thừa Thiên Huế hay rừng nguyên sinh trên bán đảo Sơn Trà và khu dự trữ thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa của Đà Nẵng. Các địa điểm du lịch sinh thái của Quảng Bình còn chung ưu điểm là không cách xa trung tâm thành phố, nằm trên các tuyến đường dẫn đến các địa điểm du lịch động nổi tiếng, thuận lợi để thiết kế thêm chương trình tham quan nhằm gia tăng sự thích thú khám phá thiên nhiên cho du khách đồng thời gia thời gian lưu trú và khai thác các dịch vụ du lịch khác cho tỉnh Quảng Bình.

Xem tất cả 75 trang.

Ngày đăng: 16/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí