Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế - 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA KINH TẾ


Nguyễn Anh Tuấn


Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế


LUẬN VĂN THẠC SỸ


Hà nội - 2006

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA KINH TẾ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.


Nguyễn Anh Tuấn

Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế - 1


Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế


Luận văn Thạc sĩ Mã Số: 60 31 01


Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Nguyễn Văn Đính


Hà nội - 2006


PHẦN MỞ ĐẦU

I. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI

Du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước đang phát triển coi Du lịch là ngành kinh tế trọng yếu, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, tăng thu ngoại tệ, cân bằng cán cân thanh toán, tạo nhiều việc làm và nâng cao mức sống của người dân.

Trong những năm gần đây, du lịch trở thành thị trường cạnh tranh cao. Du lịch toàn cầu có nhiều biến chuyển nhanh chóng do tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin-viễn thông, khách du lịch có nhiều kinh nghiệm và nhu cầu đa dạng hơn, toàn cầu hoá kinh tế và giới hạn môi trường đối với tăng trưởng. Nhiều điểm đến du lịch mới nổi lên. Các hãng lữ hành và truyền thông ngày càng tăng ảnh hưởng trên thị trường. Khách du lịch quan tâm nhiều hơn tới chất lượng môi trường của các cơ sở dịch vụ và điểm đến du lịch. Điều đó làm tăng áp lực lên các nước quan tâm phát triển du lịch phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nâng cao năng lực cạnh tranh ngày càng trở nên quan trọng đối với các nước thu hút khách du lịch nhằm giành thị phần lớn hơn trên thị trường du lịch toàn cầu. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với những nước phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào ngành Du lịch. Hơn nữa, vai trò của ngành Du lịch ở nhiều nước cũng có xu hướng tăng, làm nổi bật hơn tầm quan trọng của ngành Du lịch trong nền kinh tế. Qua 46 năm hình thành và phát triển, đặc biệt từ năm 1990 đến nay, Du lịch

Việt Nam đã phát triển khá nhanh, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Du lịch phát triển đã làm tăng vẻ đẹp đô thị, tạo nhiều việc làm, tăng thu ngoại tệ, cải thiện kết cấu hạ tầng và các lĩnh vực căn bản khác của nền kinh tế nước ta. Tài nguyên thiên nhiên, nhân văn phong phú và vị trí địa lý thuận lợi là những nhân tố quan trọng, góp phần vào sự phát triển du lịch của đất nước thời gian qua. Tuy nhiên, là ngành mới phát triển, Du lịch Việt Nam không tránh khỏi những hạn chế. Chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh trên thị trường du lịch thế giới còn thấp. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch



chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác thị trường, xúc tiến du lịch chưa được đẩy mạnh. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng và chất lượng còn thấp. Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và kinh doanh du lịch còn yếu. Nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế về trình độ chuyên môn và kỹ năng đón tiếp khách du lịch. Do đó, lượng khách quốc tế vào Việt Nam thời gian qua chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của đất nước.

Xu thế toàn cầu hoá và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang gia tăng áp lực cạnh tranh đối với ngành Du lịch Việt Nam. Bên cạnh thuận lợi và cơ hội phát triển, Du lịch Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn, đó là tình trạng cạnh tranh quyết liệt trên thị trường du lịch thế giới để thu hút khách quốc tế. Để đứng vững trong cạnh tranh, Du lịch Việt Nam phải tăng cường vị thế và năng lực cạnh tranh, đặc biệt là với các nước trong khu vực để thu hút khách quốc tế. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Du lịch trở thành yêu cầu cấp thiết, quyết định sự phát triển của Du lịch Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.


II. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

Cho đến nay, ở Việt Nam, có rất ít công trình khoa học nghiên cứu, phân tích và đánh giá về năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam. Trong dự án VIE/89-003 về Kế hoạch chỉ đạo phát triển du lịch Việt Nam do Tổ chức Du lịch thế giới, UNDP và Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch phối hợp xây dựng (năm 1991) có một phần nhỏ phân tích về khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam nhưng đã lạc hậu so với sự phát triển du lịch hiện nay. Năm 2003, Luận án tiến sĩ kinh tế của tác giả Phạm Hồng Chương có đề cập vài nét tới khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội. Trên Tạp chí Du lịch năm 2005 cũng chỉ có một số bài viết về sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Hà Nội. Năm 2005, Vụ Thương mại và Dịch vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì đề tài“Khả năng cạnh tranh và tác động của tự do hoá ngành Du lịch” do UNDP tài trợ và nhóm tác giả của Khoa Du lịch và Khách sạn, Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện và dự kiến nghiệm thu trong năm 2006. Tuy nhiên, qua báo cáo tại hội thảo về đề tài này tháng 6/2006 vừa qua tại Hà Nội cho thấy, đề tài này chủ yếu đề cập tới tác động của tự do hoá ngành Du lịch.



Trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010 chưa có phần nào đề cập tới nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch. Hơn nữa, Tổng cục Du lịch cũng chưa xây dựng Chiến lược cạnh tranh cho Du lịch Việt Nam.

III. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU

1. Mục đích nghiên cứu:

Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.

2. Nhiệm vụ nghiên cứu:

Để thực hiện mục đích trên, nhiệm vụ của luận văn là khái quát hoá những vấn đề lý luận về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh, năng lực cạnh tranh trong ngành Du lịch; Nghiên cứu kinh nghiệm một số nước để rút ra bài học cho Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Du lịch. Trên nền tảng lý luận và thực tiễn đó, luận văn phân tích, đánh giá tổng thể thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam, rút ra mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội và thách thức của ngành Du lịch hiện nay, đồng thời phân tích xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển du lịch quốc tế, làm cơ sở đề xuất các giải pháp cơ bản và đồng bộ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.


IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng nghiên cứu:

Như đã xác định trong tên đề tài, đối tượng nghiên cứu của luận văn là năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.

2. Phạm vi nghiên cứu:

2.1. Phạm vi không gian:

- Luận văn giới hạn nghiên cứu thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam trong việc thu hút khách du lịch quốc tế so với một số đối thủ cạnh tranh trong khu vực, chủ yếu là với Thái Lan, Malaysia và Singapore;

- Luận văn sử dụng kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh ngành Du lịch toàn cầu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới để đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam, không đi sâu phân tích yếu tố cấu thành và cách tính ra các chỉ số năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch; Chỉ tập trung nghiên cứu kinh



nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch của 3 nước là Thái Lan, Malaysia và Tây Ban Nha;

2.2. Phạm vi thời gian: Khoảng thời gian được nghiên cứu để phân tích, đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam là từ 1993 đến nay, chủ yếu từ năm 2000 đến nay. Thời gian để thực hiện các giải pháp là giai đoạn 2006-2010 và một số giải pháp có thể kéo dài thêm sang một vài năm tiếp theo, phù hợp với Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010 và định hướng tới năm 2020.


V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Dựa trên phương pháp luận cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, luận văn vận dụng phương pháp nghiên cứu cụ thể sau đây:

1. Phương pháp lịch sử và lô gic;

2. Phương pháp phân tích và tổng hợp;

3. Phương pháp thống kê;

4. Phương pháp so sánh.


VI. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN

- Khái quát, hệ thống hoá một số cơ sở lý luận về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh, năng lực cạnh tranh trong ngành Du lịch. Từ nghiên cứu kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch của một số nước, rút ra một số bài học quan trọng, có thể vận dụng để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam;

- Đánh giá một cách toàn diện về thực trạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam, nêu bật mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội và thách thức của Du lịch Việt Nam hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp đồng bộ, có cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút khách du lịch quốc tế của ngành Du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế. Người viết hy vọng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách về du lịch có được tài liệu tham khảo tin cậy để xây dựng chiến lược cạnh tranh và đưa ra các biện pháp hiệu quả nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Việt Nam phát triển và hội nhập nhanh vào ngành Du lịch toàn cầu.


VII. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN

Ngoài phần mở đầu, khuyến nghị và kết luận, Luận văn gồm 3 chương:



Chương 1: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về năng lực cạnh tranh trong ngành Du lịch;‌‌

Chương 2: Thực trạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam;

Chương 3: Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.

CHƯƠNG I:

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG NGÀNH DU LỊCH


1.1. CẠNH TRANH VÀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH

1.1.1. Một số quan niệm và quan điểm cơ bản về cạnh tranh:

Trong quá trình hình thành và phát triển của sản xuất, trao đổi hàng hoá và sự phát triển của kinh tế thị trường, cạnh tranh xuất hiện. Hoạt động cạnh tranh gắn liền với tác động của các quy luật thị trường như quy luật giá trị, quy luật cung cầu,… Cùng với quá trình hình thành và biến động của kinh tế thị trường, cạnh tranh trở thành chủ đề lý luận lớn được nhiều học giả kinh tế quan tâm đến. Tuy nhiên, do cách tiếp cận và mục đích nghiên cứu khác nhau của mỗi trường phái kinh tế nên trong thực tế có nhiều quan niệm khác nhau về cạnh tranh.

Các học giả thuộc trường phái Tư sản cổ điển cho rằng: “Cạnh tranh là một quá trình bao gồm các hành vi phản ứng. Quá trình này tạo ra cho mỗi thành viên trong thị trường một dư địa hoạt động nhất định và mang lại cho mỗi thành viên một phần xứng đáng so với khả năng của mình”{19, tr3}. Theo Adam Smith, cạnh tranh có thể phối hợp các hoạt động kinh tế một cách nhịp nhàng và có lợi cho xã hội. Vì cạnh tranh, trong quá trình của cải của quốc gia tăng lên, chủ yếu diễn ra thông qua thị trường và giá cả, do đó cạnh tranh có quan hệ chặt chẽ với thị trường. Theo A.Smith, tự do thôi thúc cá nhân thực hiện các công việc một cách tốt nhất và năng suất hơn. Từ đó, cạnh tranh có thể khơi dậy nỗ lực của con người và làm cho của cải của quốc gia tăng lên. Ông chỉ ra rằng, trong điều kiện cạnh tranh, do có nhiều người tham gia nên chẳng những họ phải thường xuyên theo dõi, chú ý tới sự biến động của thị trường mà còn phải chú ý tới biến động cung cầu và áp lực cạnh



tranh. Bằng tài phán đoán, họ khôn khéo điều chỉnh sản lượng cho thích ứng với tình hình thay đổi cung cầu và áp lực cạnh tranh. Như vậy, cạnh tranh có thể cân bằng cung cầu xã hội. Cạnh tranh còn có tác dụng nâng cao năng lực lao động, điều tiết, phân phối các yếu tố tư bản một cách hợp lý. Mục tiêu của nhà tư bản là theo đuổi lợi nhuận, cạnh tranh đã làm cho tư bản chảy vào ngành có lợi nhuận cao nhất.

Theo Mác, sự ra đời và tồn tại của cạnh tranh trước hết dựa vào hai điều kiện cơ bản: phân công xã hội và chủ thể lợi ích đa nguyên. Mác cho rằng “Sự phân công lao động trong xã hội đặt những người sản xuất hàng hoá độc lập đối diện với nhau, những người này không thừa nhận một uy lực nào khác ngoài uy lực cạnh tranh” {7, tr.517}. Trong lý luận cạnh tranh của Mác, có thể thấy nổi bật quan điểm về cạnh tranh giữa những người sản xuất và cạnh tranh đó đã ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Cạnh tranh diễn ra ở ba bình diện: cạnh tranh giá thành thông qua nâng cao năng suất lao động giữa các nhà tư bản nhằm thu lợi nhuận siêu ngạch; cạnh tranh chất lượng thông qua nâng cao giá trị sử dụng hàng hoá; cạnh tranh giữa các ngành thông qua khả năng luân chuyển tư bản để từ đó các nhà tư bản chia nhau giá trị thặng dư {8, 9}.

Các nhà kinh tế thuộc trường phái Tân cổ điển đưa ra lý luận cạnh tranh hoàn hảo, cho rằng trong mô hình cạnh tranh hoàn hảo, sản xuất được điều khiển bởi thị hiếu của người tiêu dùng thông qua cơ chế thị trường. Muốn có lợi ích tối đa, doanh nghiệp phải bố trí sản xuất theo nguyên tắc giá thành cận biên ngang bằng với lợi ích cận biên. Cạnh tranh hoàn hảo là mô hình hướng về người tiêu dùng vì nó thúc đẩy các công ty điều chỉnh quy mô sản xuất tới điểm chi phí bình quân thấp nhất, tới giới hạn sản xuất tối ưu. Điều đó làm cho giá cả giảm và sử dụng tài nguyên hiệu quả nhất.

Trong lý luận về tổ chức ngành, trường phái Harvard cho rằng, phán đoán tính chất cạnh tranh của một ngành nào đó không thể chỉ căn cứ vào hành vi thị trường (hành vi định giá) hoặc hiệu quả thị trường (có lợi nhuận siêu ngạch), mà phải căn cứ vào cơ cấu thị trường, xem ngành đó do một công ty độc quyền chi phối hay nằm phân tán trong các công ty khác, phải xem có nhiều rào cản ngăn chặn các công ty mới tham gia vào thị trường hay không.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/08/2022