Tổng Quan Tình Hình Nghiên Cứu Có Liên Quan Đến Đề Tài Luận Án


đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng cùng với những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này đòi hỏi Chính phủ, các địa phương, ngành ngân hàng và các DNNVV,… cần phải có những giải pháp để thúc đẩy quan hệ tín dụng giữa NHTM với DNNVV, giải quyết triệt để những khó khăn, trở ngại trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV.

Những phân tích trên chỉ rõ tính cấp thiết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài nghiên cứu về khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV. Đó chính là lý do tác giả lựa chọn đề tài “Nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Phú Thọ” làm luận án tiến sĩ của mình.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài luận án

Đến nay, đã có nhiều công trình khoa học công bố trong và ngoài nước có liên quan đến nội dung của luận án. Tác giả chọn lọc và phân loại các công trình mà luận án có so sánh, kế thừa và phát triển theo 2 nhóm:

(i) Nhóm các công trình nghiên cứu lý thuyết để làm căn cứ khoa học, tạo nền tảng lý thuyết cơ bản khi nghiên cứu về khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV, bao gồm lý thuyết phân bổ tín dụng, lý thuyết kinh tế học thể chế, lý thuyết mạng lưới quan hệ xã hội và lý thuyết kinh tế có điều tiết.

(ii) Nhóm các công trình nghiên cứu thực nghiệm gồm các luận án tiến sĩ, các công trình nghiên cứu khoa học, các bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín mô tả kết quả nghiên cứu thực nghiệm về khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV ở một số nước có những nét tương đồng với Việt Nam hoặc ở một số tỉnh của Việt Nam.

2.1. Nhóm các công trình nghiên cứu lý thuyết

2.1.1. Lý thuyết phân bổ tín dụng


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 248 trang tài liệu này.

Lý thuyết phân bổ tín dụng (credit rationing) được đề xuất bởi Stiglitz & Weiss (1981) trong nghiên cứu “Credit rationing in markets with imperfect information” (Phân bổ tín dụng trong các thị trường có thông tin không hoàn hảo). Theo quy luật cung cầu tín dụng, bên cầu tín dụng (người đi vay - DNNVV) với mong muốn tối đa lợi ích kỳ vọng của mình từ việc vay tiền của bên cung tín dụng (người cho vay - NHTM), và để có quyền sử dụng số tiền vay này, DNNVV phải trả cho NHTM một khoản chi phí (lãi vay) trên cơ sở thỏa thuận của hai bên. Tuy nhiên, nghiên cứu của Stiglitz & Weiss (1981) cho thấy quy luật cung cầu tín dụng dựa vào lãi suất không thể giải thích khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV do quyết định cấp tín dụng không chỉ đơn thuần bị điều chỉnh bởi lãi suất trên thị trường, mà quyết định cấp tín dụng phụ thuộc vào cách mà NHTM lựa chọn, đánh giá DNNVV dựa trên thông tin của DNNVV mà NHTM thu thập được [69]. Điều này có nghĩa không phải tất cả DNNVV đều được cấp tín dụng khi có nhu cầu, NHTM sẽ quyết định cấp tín dụng và cấp bao nhiêu dựa trên một tập hợp các thông tin mà NHTM có được về DNNVV. Nói cách khác, dòng chảy vốn tín dụng không chỉ tuân theo lý thuyết cung cầu, nó là một quá trình cân nhắc, trong đó DNNVV nộp hồ sơ vay vốn, sau đó NHTM xác định số tiền cho vay dựa trên cách đánh giá của NHTM đối với DNNVV.

Theo Stiglitz & Weiss (1981), thông tin bất cân xứng sẽ dẫn đến việc các NHTM hạn chế cấp tín dụng cho DNNVV do NHTM khó có thể phân biệt mức độ rủi ro và khả năng trả nợ giữa các DNNVV [69]. Thông tin bất cân xứng xuất hiện trong quan hệ tín dụng khi NHTM có ít thông tin hơn DNNVV về tình hình tài chính, mục đích và quá trình sử dụng vốn vay của DNNVV,... dẫn đến NHTM ra quyết định cấp tín dụng không còn chính xác. Thông tin bất cân xứng làm nẩy sinh hai vấn đề làm cho NHTM không sẵn lòng cấp tín dụng cho DNNVV đó là sự chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức. Để

Nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Phú Thọ - 3


giảm thiểu rủi ro, NHTM đã thực hiện nghiệp vụ thu thập và xử lý thông tin về DNNVV và các dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV, việc sử dụng tài sản thế chấp là phương thức phổ biết nhất để giảm thiểu rủi ro cho NHTM. Trong nhiều trường hợp, NHTM sẽ quyết định không cấp tín dụng, cấp tín dụng ít hơn nhu cầu của DNNVV hoặc cấp tín dụng nhưng với lãi suất cao để bù đắp thiệt hại rủi ro mất vốn có thể xảy ra và các chi phí giao dịch phát sinh khi cấp tín dụng cho DNNVV.

2.1.2. Lý thuyết kinh tế học thể chế

Lý thuyết kinh tế học thể chế (institutional economics) được khởi xướng trong nghiên cứu của Olson (1971) và nghiên cứu của Hardin (1982). Sau đó tiếp tục được nghiên cứu bởi North & Thomas (1973) và được phát triển đầy đủ nhất trong nghiên cứu “Institutions, Institutional Change and Economic Performance” (Các thể chế, sự thay đổi thể chế và hoạt động kinh tế) của North (1991). Các nghiên cứu này xuất phát từ một thực tế là có những hành động mà chỉ có sự hợp tác giữa các bên mới mang lại lợi ích tối ưu, tuy nhiên mỗi bên tham gia hợp tác đều muốn tối đa hóa lợi ích của mình nên điều này có thể ảnh hưởng đến bên còn lại. Việc hành động vì động cơ cá nhân hay chi phí giao dịch phát sinh làm cho các bên tham gia không muốn hợp tác, thậm chí cả khi hoạt động hợp tác đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Thể chế được hiểu là một loạt các quy tắc, quy định (luật chơi) mà các bên tham gia trong hoạt động hợp tác đặt ra, các bên tham gia phải tuân thủ luật chơi này.

Lý thuyết kinh tế học thể chế chỉ ra rằng thể chế giúp gia tăng cơ chế kiểm soát nhằm đảm bảo các bên thực hiện đúng cam kết của luật chơi và làm gia tăng chi phí nếu không thực hiện đúng cam kết trong quá trình hợp tác. North (1991) đã chỉ ra rằng hợp tác lần đầu (trò chơi không lặp lại) thì người chơi phải mất nhiều thời gian và công sức để đảm bảo tài sản của mình không


bị mất đi và không bị lừa gạt [64]. Lý thuyết này hàm ý rằng quan hệ tín dụng giữa NHTM và DNNVV chỉ diễn ra khi các bên tuân thủ luật chơi chung (các quy định trong hợp đồng tín dụng), các DNNVV sẽ gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nếu DNNVV chưa có thương hiệu, chưa tạo được lòng tin với NHTM hoặc thiếu các mối quan hệ cần thiết. Do đó, các NHTM thường ưu tiên cấp tín dụng cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp thường xuyên giao dịch với NHTM hơn là cho các doanh nghiệp nhỏ, DNNVV mới thành lập vay vốn do phải mất nhiều thời gian và công sức để đưa ra “luật chơi” phù hợp nhằm tránh rủi ro không thu hồi được vốn.

2.1.3. Lý thuyết mạng lưới quan hệ xã hội

Trong số các công trình nghiên cứu về lý thuyết mạng lưới quan hệ xã hội (social network) thì tiêu biểu là nghiên cứu của Granovetter (1973) trong bài báo khoa học “The strength of Weak Ties” (Sức mạnh của các mối liên kết yếu). Nghiên cứu chỉ ra rằng mạng lưới quan hệ xã hội dùng để chỉ các mối quan hệ xã hội do con người xây dựng, duy trì và phát triển trong cuộc sống của họ với tư cách là thành viên của xã hội [54]. Lý thuyết này gợi ý rằng với mạng lưới quan hệ xã hội rộng lớn có thể mang lại cho DNNVV các cơ hội tiếp cận với các nguồn lực, giảm các chi phí giao dịch, do mối quan hệ xã hội không những gắn kết các thành viên với nhau mà còn cung cấp thông tin chính xác, cần thiết cho các bên tham gia mạng lưới.

2.1.4. Lý thuyết kinh tế có điều tiết

Lý thuyết kinh tế có điều tiết (economic regulation) là lý thuyết điển hình về nền kinh tế có sự can thiệp của Nhà nước do Keynes (1936) khởi xướng trong nghiên cứu “The General Theory of Employment, Interest and Money” (Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ).

Keynes (1936) đề cao vai trò của nhà nước trong việc điều tiết nền kinh tế thị trường thông qua các công cụ và chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó


Keynes đặc biệt nhấn mạnh đến chính sách tài chính, tín dụng. Keynes (1936) cho rằng Nhà nước cần can thiệp mạnh vào kinh tế bằng cách tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng tiêu dùng, sử dụng ngân sách nhà nước để bảo đảm hiệu quả ở mức có lợi cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư và áp dụng những biện pháp như giảm lãi suất, giảm thuế, thực hiện tín dụng ưu đãi với các doanh nghiệp nhằm khuyến khích đầu tư,… [59]. Sau đó một số lý thuyết hiện đại khác như lý thuyết kinh tế học thể chế,

lý thuyết điều tiết,… các lý thuyết này cũng tán thành với tư tưởng lý thuyết của Keynes là Nhà nước cần can thiệp vào kinh tế, nhưng là can thiệp một cách thích hợp, có mức độ [36].

2.2. Nhóm các công trình nghiên cứu thực nghiệm

2.2.1. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm về khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trên thế giới đã có một số kết quả nghiên cứu về khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV tại một số quốc gia, nhưng để đánh giá một cách toàn diện, tổng hợp về khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV thì tiêu biểu là nghiên cứu “The SME Banking Knowledge Guide” (Cẩm nang kiến thức dịch vụ ngân hàng cho DNNVV) của International Finance Corporation (2009). Nghiên cứu đã đánh giá các trở ngại, khó khăn khi NHTM cấp tín dụng cho DNNVV, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho các NHTM muốn mở rộng tín dụng DNNVV. Kết quả nghiên cứu cho thấy tiếp cận tài chính là một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự tăng trưởng và phát triển của DNNVV, tỷ lệ các DNNVV gặp trở ngại khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cao hơn gần 1/3 so với các doanh nghiệp có quy mô lớn. International Finance Corporation (2009) đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy DNNVV vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ tài chính nói chung và về tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nói riêng. Rào cản cơ


bản khiến các NHTM khó mở rộng tín dụng DNNVV là do thiếu hụt thông tin, DNNVV không đủ tài sản thế chấp và chi phí phục vụ cao hơn các doanh nghiệp lớn do cần phải thực hiện các giao dịch có quy mô nhỏ. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng DNNVV ở các quốc gia phát triển dễ dàng tiếp cận tài chính hơn ở các quốc gia đang phát triển, một mặt do ngành dịch vụ ngân hàng dành cho DNNVV ở các quốc gia đang phát triển còn non yếu, khi mà các NHTM thường cố gắng tránh rủi ro khi cấp tín dụng cho DNNVV; mặt khác, do NHTM ở các quốc gia đang phát triển có nhiều yêu cầu thế chấp hơn, quy mô tín dụng thấp và mức lãi suất cho vay cao hơn ở các quốc gia phát triển [57].

Tại Việt Nam đã có một số nghiên cứu đánh giá về khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các DNNVV tại một số tỉnh, thành phố khác nhau, điển hình là các nghiên cứu của Nghiêm Văn Bảy (2010), Trần Trọng Huy (2013), Đặng Thị Huyền Hương (2016), Ngô Thị Mai Linh (2015), Nguyễn Thị Kim Lý (2013).

Nghiên cứu của Nghiêm Văn Bảy (2010) trong luận án tiến sĩ “Các giải pháp tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển DNNVV ở Việt Nam” đã làm rõ những lý luận về tín dụng đối với sự phát triển của DNNVV trong nền kinh tế thị trường; kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các DNNVV Việt Nam gặp phải rất nhiều trở ngại về quy trình, thủ tục đi vay, do đó rất ít DNNVV có thể vay được vốn từ NHTM, còn lại đa phần DNNVV đi vay ngoài theo các mối quan hệ và với lãi suất rất cao so với lãi suất cho vay của NHTM [1]; từ đó, luận án đề xuất 6 nhóm giải pháp tín dụng nhằm thúc đẩy sự phát triển của DNNVV.

Nghiên cứu của Trần Trọng Huy (2013) trong luận án tiến sĩ “Tín dụng ngân hàng đối với DNNVV tại các Chi nhánh Agribank trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” đã hệ thống hóa được một số vấn đề lý luận về tín dụng ngân hàng và DNNVV; kết quả nghiên cứu thực trạng quy mô và chất lượng


tín dụng trong giai đoạn 2008 – 2012 cho thấy nguyên nhân dẫn đến các DNNVV tại thành phố Hồ Chí Minh không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng thì có tới 96,9% thuộc về DNNVV (không đủ điều kiện cấp tín dụng, năng lực tài chính thấp,…), các nguyên nhân từ phía NHTM chiếm khoảng 2,1% (thiếu vốn, khả năng thẩm định thấp), còn lại chỉ 1% nguyên nhân thuộc về cơ chế chính sách [15]; từ đó nghiên cứu đề xuất các giải pháp đối với DNNVV và các NHTM để mở rộng quy mô tín dụng đối với DNNVV.

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Kim Lý (2013) trong luận án tiến sĩ “Nghiên cứu khả năng tiếp cận vốn cho các DNNVV ở tỉnh Thái Bình” đã hệ thống được các vấn đề lý luận về nguồn vốn và khả năng tiếp cận vốn của DNNVV; nghiên cứu đã đánh giá tình hình tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các DNNVV tỉnh Thái Bình giai đoạn 2004 – 2010 qua việc phân tích theo 09 điều kiện cấp tín dụng của NHTM, qua đó nghiên cứu nhận định ở tỉnh Thái Bình thì lý do làm cho NHTM không yên tâm khi cấp tín dụng cho DNNVV là do năng lực của nhà quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, doanh nghiệp chưa xây dựng được dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tình hình tài chính thiếu lành mạnh, báo cáo tài chính thiếu minh bạch, tài sản đảm bảo không đủ về mặt giá trị và thiếu tính pháp lý [23]. Từ đó, nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn của DNNVV tỉnh Thái Bình.

Nghiên cứu của Ngô Thị Mai Linh (2015) trong luận án tiến sĩ “Giải pháp tài chính phát triển DNNVV trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời kỳ hội nhập” đã tổng hợp những vấn đề lý luận cơ bản về giải pháp tài chính đối với phát triển DNNVV. Kết quả nghiên cứu thực trạng sử dụng giải pháp tài chính để phát triển DNNVV trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2008 – 2014 đã chỉ ra rằng, chỉ gần 21% số DNNVV trên địa bàn thành phố Hà Nội cho rằng thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, số còn lại gặp rất


nhiều khó khăn, điều này xuất phát từ cả hai phía NHTM và DNNVV [20]. Nghiên cứu đã đề xuất các nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện việc sử dụng các giải pháp tài chính từ phía các cơ quan quản lý nhà nước đối với sự phát triển DNNVV trên địa bàn Hà Nội.

Nghiên cứu của Đặng Thị Huyền Hương (2016) trong luận án tiến sĩ “Các nhân tố ảnh hưởng đến sự tiếp cận nguồn vốn vay của các DNNVV trên địa bàn Hà Nội” đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận về nguồn vốn và các nhân tố ảnh hưởng đến sự tiếp cận nguồn vốn vay của DNNVV; trên cơ sở phân tích thực trạng nguồn vốn vay và sự tiếp cận nguồn vốn vay của các DNNVV trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2010 – 2015, nghiên cứu đã chỉ ra các nhân tố thuộc về DNNVV có ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV trên địa bàn Hà Nội, đồng thời nghiên cứu cũng nhận định rằng DNNVV Hà Nội có xác suất tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cao hơn DNNVV cả nước nhưng lượng vốn vay được của mỗi doanh nghiệp lại thấp hơn so với DNNVV ở các địa phương khác [17]. Từ đó, nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường sự tiếp cận nguồn vốn vay của các DNNVV trên địa bàn Hà Nội.

2.2.2. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong các nghiên cứu trước đây đã công bố, ngoài các phân tích định tính thì các nghiên cứu cũng sử dụng khá đa dạng các mô hình kinh tế lượng để kiểm định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV như mô hình hồi quy đa biến, mô hình Probit, mô hình Tobit, mô hình EFA,… Nền tảng của các nghiên cứu thực nghiệm này mô hình 5C của Jankowicz & Hisrich (1987) trong nghiên cứu “Intuition in small business lending decisions” (Phán xét và cảm nhận trong việc ra quyết định cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ).

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/11/2022