Nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Phú Thọ - 4


Jankowicz & Hisrich (1987) chỉ ra rằng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp phụ thuộc vào 5 nhân tố đó là Vốn của doanh nghiệp (Capital), Tài sản thế chấp (Collateral), Năng lực trả nợ (Capacity), Phẩm chất của chủ doanh nghiệp (Character) và Các điều kiện cấp tín dụng của ngân hàng (Conditions) [58]. Mô hình 5C đã được áp dụng phổ biến trong công tác thẩm định tín dụng ở các NHTM tại Việt Nam nhằm đánh giá độ tin cậy của khách hàng, qua đó có cơ sở ra quyết định cấp tín dụng. Dựa trên mô hình 5C, nhiều nhà nghiên cứu đã thực hiện kiểm định ảnh hưởng của các nhân tố đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV ở các quốc gia, địa phương khác nhau. Ngoài ra, dựa trên lý thuyết về mạng lưới quan hệ xã hội của Granovetter (1973), nhiều nghiên cứu gần đây cũng đề xuất thêm nhân tố mối quan hệ xã hội, quan hệ nghiệp vụ của DNNVV trong quá trình vay vốn ngân hàng.

(1) Vốn của doanh nghiệp:

Các doanh nghiệp có quy mô vốn đầu tư càng lớn thì khả năng tiếp cận vốn sẽ cao hơn các doanh nghiệp khác [25]. Các doanh nghiệp lớn thường có tính minh bạch tài chính cao, có uy tín tốt hơn các DNNVV trên thị trường vốn, nhờ vậy các doanh nghiệp lớn thường dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với mức lãi suất thấp [11]. Các NHTM thường hạn chế cấp tín dụng cho DNNVV vì các dự án vay vốn của họ đa phần quy mô nhỏ, rủi ro cao hơn các doanh nghiệp lớn [70].

(2) Tài sản thế chấp:

Các NHTM thường có xu hướng dựa vào tài sản đảm bảo để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn vốn cho NHTM. Vì vậy, tài sản thế chấp trở thành nhân tố được các NHTM xem xét hàng đầu khi cấp tín dụng cho DNNVV ([14], [16], [60], [67], [70], [71]). Đối với các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ, khi thẩm định để cấp tín dụng các NHTM thường quan tâm


nhất đến yếu tố tài sản bảo đảm và tài sản của chủ doanh nghiệp [17]. Nếu doanh nghiệp quy mô nhỏ có tài sản đảm bảo sẽ dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hơn [61].

(3) Năng lực trả nợ:

Khi doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất kinh doanh càng cao thì càng dễ dàng tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng [52]. Doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, hoạt động kinh doanh có hiệu quả thì doanh nghiệp mới có khả năng thực hiện đúng các cam kết khi thực hiện vay vốn từ NHTM ([17], [22]).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 248 trang tài liệu này.

Doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận càng cao thì càng có nhiều cơ hội kinh doanh, mở rộng đầu tư hơn các doanh nghiệp khác, những dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả sẽ là minh chứng cần thiết để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng ([24], [25]). Dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV chưa khả thi đã làm cho các NHTM chưa thật sự tin tưởng vào khả năng trả nợ và sự phát triển của doanh nghiệp, dẫn đến các DNNVV khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng [10].

Ngoài ra, khi DNNVV thực hiện vay nợ nhiều hay có lịch sử tín dụng không tốt thì NHTM sẽ rất thận trọng khi ra quyết định cấp tín dụng, do đó DNNVV sẽ khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hơn [61]. Doanh nghiệp có tỷ số nợ càng cao thì xác suất nhận được sự đồng ý cấp tín dụng của NHTM càng thấp [53].

Nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Phú Thọ - 4

Nhiều nghiên cứu cũng cho rằng doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng là do không có đủ số liệu báo cáo tài chính để NHTM làm căn cứ cấp tín dụng ([10], [38], [70]). Thông tin tài chính không minh bạch, không có đầy đủ hệ thống sổ sách kế toán đã cản trở các DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng ([2], [16], [19], [60]).

(4) Phẩm chất của chủ doanh nghiệp:


Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trình độ học vấn và kinh nghiệm của chủ doanh nghiệp là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV ([24], [38], [52]). Phần lớn chủ DNNVV chưa qua các lớp đào tạo kinh doanh chính thức nào, thường dựa vào kinh nghiệm cá nhân để kinh doanh, hoặc chỉ chú trọng vào đầu tư vật chất mà không chú trọng đầu tư cho bộ máy điều hành kinh doanh dẫn đến quy mô kinh doanh phình ra quá lớn so với khả năng quản lý [3]. Khi người quản lý doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm thì khả năng điều hành, quản lý doanh nghiệp tốt hơn và có nhiều cơ hội tốt hơn, đồng thời họ có mối quan hệ rộng hơn, thông hiểu về các thể chế, quy định cho vay hơn, đó chính là động lực và điều kiện để doanh nghiệp đi vay thuận lợi hơn [53]. Khi lãnh đạo doanh nghiệp có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm quản lý sẽ dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hơn [71]. Đồng thời, với trình độ học vấn càng cao thì chủ doanh nghiệp càng thông hiểu các thể chế, quy định cũng như các chính sách hỗ trợ của Chính phủ có liên quan đến trợ giúp phát triển DNNVV, do đó DNNVV dễ dàng tiếp cận với các chương trình cho vay ưu đãi của NHTM hơn [25]. Lao động của các DNNVV bị hạn chế về trình độ và khả năng quản lý làm cho họ khó chuẩn bị các dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh để thuyết phục các NHTM cấp tín dụng [70].

(5) Các điều kiện cấp tín dụng của ngân hàng:

Những khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các DNNVV là do các thủ tục vay vốn phức tạp, các sản phẩm tín dụng không phù hợp với DNNVV, việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng không ổn định, nhiều DNNVV phải chấp nhận vay với số vốn thấp hơn và thời hạn ngắn hơn thực tế đòi hỏi của dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh. Do đó, DNNVV phải tiếp cận các khoản vay phi chính thức để bù đắp phần vốn bị thiếu, làm tăng chi phí sử


dụng vốn và giảm lợi nhuận của dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh [21].

Nếu thời gian vay phù hợp với mục đích vay vốn, quy trình xem xét nhanh chóng, thủ tục cấp tín dụng rõ ràng, kết hợp giảm lãi suất thì khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV càng cao [10]. Lãi suất cho vay có quan hệ cùng chiều với khả năng đi vay của doanh nghiệp, khi lãi suất tăng các doanh nghiệp thường cố gắng tìm kiếm các nguồn tài trợ từ bên trong doanh nghiệp thay vì đi vay NHTM [11]. Nhiều nghiên cứu cũng cho rằng thủ tục vay vốn phức tạp, điều kiện cấp tín dụng khắt khe, thời gian vay vốn không phù hợp ([3], [14], [38]), lãi suất cho vay còn cao ([14], [16], [67]), dịch vụ tín dụng chưa đa dạng, thiếu các sản phẩm tín dụng phù hợp [16],… là những rào cản từ phía NHTM đối với khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DNNVV.

(6) Mối quan hệ của doanh nghiệp:

Nhiều nghiên cứu cho rằng khi DNNVV có mối quan hệ với NHTM tốt thì doanh nghiệp có khả năng vay vốn cao hơn ([24], [25], [61], [67]). DNNVV có thời gian quan hệ nghiệp vụ với NHTM càng lâu thì xác xuất được NHTM đồng ý cho vay vốn càng cao [53]. Hạn chế của DNNVV trong mối quan hệ nghiệp vụ và quan hệ xã hội với NHTM sẽ làm giảm khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đồng thời mối quan hệ với các hiệp hội doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh của DNNVV có vai trò quan trọng trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV [2].

Ngoài ra, nếu DNNVV không tham gia vào mạng lưới sản xuất cũng khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hơn [71]. Khi DNNVV tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, tham gia hiệp hội thì sẽ có nhu cầu mở rộng đầu tư và khi đó nhu cầu vay vốn cao hơn các doanh nghiệp còn lại [8].


Ngoài ra, các nghiên cứu cũng đề cập đến một số nhân tố khác như tuổi của doanh nghiệp ([17], [22], [71]), lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp ([24], [25]), tình trạng pháp lý và chu kỳ tăng trưởng nền kinh tế [71], điều kiện kinh tế vĩ mô bất [38], mục đích vay vốn [53],… cũng được các nghiên cứu đánh giá là có ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV.

2.3. Khoảng trống nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu tổng quan cho thấy, các công trình nghiên cứu thực nghiệm đã phản ánh được một số vấn đề lý luận và thực tiễn về khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV. Các nghiên cứu đều khẳng định các DNNVV đang gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, những khó khăn này có thể xuất phát từ cơ chế chính sách, từ phía NHTM hay chính bản thân DNNVV, nếu giải quyết triệt để những khó khăn này sẽ giúp khơi thông được dòng vốn tín dụng, giúp các DNNVV phát triển, giải quyết tốt hơn các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy vậy, các nghiên cứu đã công bố còn một số vấn đề cần bổ sung và hoàn thiện, tác giả xác định những khoảng trống nghiên cứu về nội dung khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV gồm các vấn đề sau:

Một là, các nghiên cứu đã công bố mới chỉ dừng ở việc nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới từ đó rút ra các bài học “chính sách” cho Chính phủ các quốc gia. Chưa nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện về kinh nghiệm và bài học nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV được rút ra cho tất cả các chủ thể (DNNVV, NHTM, Chính phủ và địa phương).

Hai là, kết quả các nghiên cứu đã công bố tập trung khảo sát và đo lường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng ở một NHTM hay một địa bàn cụ thể, nhưng cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu,


toàn diện về khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV tại tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt, cho đến nay còn thiếu các nghiên cứu kết hợp cả nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng để có các bằng chứng khoa học để đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn của DNNVV tại tỉnh Phú Thọ gắn với điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay.

Ba là, dưới các góc độ nghiên cứu khác nhau, các nghiên cứu trước đó đã xây dựng mô hình về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV, các nghiên cứu đã áp dụng phương pháp nghiên cứu định tính hoặc phương pháp nghiên cứu định lượng trong việc thu thập, phân tích dữ liệu để kiểm định mô hình, từ đó xác định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV ở các địa bàn nghiên cứu, thời gian nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, do khác biệt về thời gian và không gian, những biến động của nền kinh tế vĩ mô, cũng như tác động của những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đối với DNNVV từ khi Luật hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 được ban hành và những cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh Phú Thọ, nên hướng và mức độ tác động của các nhân tố ở các nghiên cứu trước đây có thể sẽ không còn phù hợp khi tiến hành nghiên cứu đối với các DNNVV trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; hoặc tác động của nhân tố “Chính sách hỗ trợ DNNVV của Chính phủ và địa phương” đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV chưa được các nghiên cứu đã công bố đưa vào mô hình nghiên cứu để kiểm chứng.

Như vậy, thông qua việc hệ thống hóa nội dung các công trình đã công bố nghiên cứu về khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV, tác giả xác định được rằng chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện về khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV tại tỉnh Phú Thọ. Trong một chừng mực nhất định, kết quả nghiên cứu của những công trình trước đó có thể được vận dụng và phát triển khi nghiên cứu tại tỉnh Phú


Thọ nhưng cần phải tính đến sự khác biệt về đối tượng, thời gian và không gian nghiên cứu,… Do đó, kết quả nghiên cứu của luận án là không trùng lặp với các công trình đã công bố trong và ngoài nước.

3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu của luận án là dựa trên kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn về khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV, từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các DNNVV tại tỉnh Phú Thọ.

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, các nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể của luận án gồm:

Một là, làm rõ và bổ sung một số vấn đề lý luận về DNNVV, vốn tín dụng ngân hàng đối với DNNVV và khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV; nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia, NHTM trên thế giới về nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV, từ đó rút ra bài học đối với Chính phủ Việt Nam, tỉnh Phú Thọ, các NHTM và các DNNVV.

Hai là, phân tích và đánh giá thực trạng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các DNNVV tại tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, khám phá và kiểm định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các DNNVV tại tỉnh Phú Thọ.

Ba là, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các DNNVV tại tỉnh Phú Thọ.

4. Câu hỏi nghiên cứu

Các câu hỏi nghiên cứu của luận án bao gồm:

- DNNVV, vốn tín dụng ngân hàng, khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV là gì? Những bài học kinh nghiệm nào về nâng cao


khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV được rút ra cho Chính phủ, tỉnh Phú Thọ, các NHTM và các DNNVV?

- Khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV tại tỉnh Phú Thọ hiện nay như thế nào? Khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV tại tỉnh Phú Thọ chịu tác động của những nhân tố nào từ phía DNNVV, NHTM, Chính phủ và tỉnh Phú Thọ? Mức độ và chiều hướng ảnh hưởng của những nhân tố này đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các DNNVV tại tỉnh Phú Thọ?

- DNNVV cần phải làm gì để có thể tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng? NHTM cần phải làm gì để có thể mở rộng tín dụng DNNVV? Chính phủ, NHNN, tỉnh Phú Thọ cần có cơ chế và chính sách gì để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ các DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng?

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

5.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là những vấn đề lý luận và thực tiễn về khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV.

5.2. Phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi nội dung:

+ Về tiêu chí xác định và phân loại DNNVV, tác giả sử dụng cách xác định và phân loại DNNVV của Luật hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

+ Về thuật ngữ “tín dụng ngân hàng” thì luận án chỉ đề cập trên khía cạnh hoạt động cho vay của NHTM đối với DNNVV. Các ngân hàng mà DNNVV tiếp cận vốn tín dụng được giới hạn ở các NHTM.

+ Về các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV, luận án tập trung phân tích các nhân tố thuộc về DNNVV, các nhân tố thuộc về NHTM, và nhân tố thuộc về Chính phủ và địa phương.

Xem tất cả 248 trang.

Ngày đăng: 27/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí