2.2.3. Thực trạng công tác giám sát thị trường vốn Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Đối với công tác giám sát, Ủy bản chứng khoán Nhà nước đã từng bước hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật để triển khai các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin. Từ một hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin với hầu hết các trang thiết bị cũ, hiệu năng yếu và rất thiếu, hiện nay Ủy bản chứng khoán Nhà nước đang xây dựng một hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin mang tính hoàn chỉnh và đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu khai thác thông tin, hiện đại hóa trong công tác chuyên môn.
Tính đến tháng 06/2020, Ủy bản chứng khoán Nhà nước đã xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống giám sát giao dịch trên thị trường chứng khoán là MSS. Hệ thống giám sát giao dịch chứng khoán (MSS) được triển khai xây dựng và đang được nâng cấp trong nhiều giai đoạn đã chứng minh là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động giám sát của Ủy bản chứng khoán Nhà nước nhằm đảm bảo các hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán tuân thủ các điều khoản của Luật Chứng khoán và quy định khác có liên quan. Tuy nhiên, trong công tác tăng cường bảo vệ các nhà đầu tư trên thị trường vốn thì hệ thống công nghệ cần hoàn thiện việc thiết lập các tiêu chí mang tính cảnh báo sớm, cũng như thực hiện những tiêu chí cảnh báo theo tin đồn, thông tin bất thường. Mặc dù, hệ thống đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về giám sát giao dịch chứng khoán ở bước cơ bản, bao gồm: các dữ liệu giao dịch cổ phiếu của thị trường và báo cáo giám sát định kỳ của hai Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam từ năm 2008 đến nay và định kỳ thu thập dữ liệu báo cáo giám sát thông tin thị trường trực tuyến định kỳ hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng; nhưng vẫn mang tính thủ công và các đơn vị liên quan phải chủ động nhập dữ liệu lên báo cáo của hệ thống.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã xây dựng và đang nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để quản lý giám sát các thành viên thị trường như: công ty chứng khoán (Hệ thống SCMS); Công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư, ngân hàng lưu ký giám sát, Văn phòng đại diện/Chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt nam (Hệ thống FMS); người hành nghề chứng khoán (Hệ thống NHNCK), nhà đầu tư nước ngoài (Hệ thống FIMS). Đến nay đã có 100% các thành viên thị trường tham gia sử dụng các hệ
thống công nghệ thông tin để báo cáo và công bố thông tin trên cổng thông tin điện tử Ủy bản chứng khoán Nhà nước với số lượng: 87 công ty chứng khoán, 44 công ty quản lý quỹ, 06 ngân hàng giám sát, 21 văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam. Các hệ thống này đã tạo lập một cơ sở dữ liệu quản lý tập trung về các đối tượng tham gia thị trường từ đó giúp cho Ủy bản chứng khoán Nhà nước khai thác thông tin, thực hiện phân tích, đánh giá và dự báo để phục vụ cho công tác quản lý giám sát chuyên môn có hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, để hệ thống giám sát có thể đám ứng linh hoạt với sự thay đổi của các quy trình nghiệp vụ trong công tác quản lý thị trường vốn thì vẫn còn nhiều bất cập. Do việc xây dựng và phát triển các hệ thống công nghệ thông tin cần phải chú trọng khâu khảo sát, phân tích thiết kế hệ thống. Mục tiêu của các khâu này là thực hiện khảo sát các quy trình chuyên môn nghiệp vụ để nắm bắt được yêu cầu của người sử dụng từ đó đưa ra quyết định, tiếu chí trong việc phân tích thiết kế đối với hệ thống mới. Đồng thời, hệ thống đó phải đáp ứng được yêu cầu hiện tại của người dùng nhưng cũng phải dễ dàng đáp ứng được những cập nhật thay đổi khi cần thiết. Đây được coi là một trong những khâu quan trọng và quyết định sự thành công của quá trình triển khai một dự án ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án, việc lựa chọn nhà thầu có chất lượng tốt, am hiểu nghiệp vụ cũng rất quan trọng do việc triển khai một dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong thị trường vốn có nhiều điểm đặc thù riêng của ngành. Vì vậy, ngoài những yêu cầu chung về kiến thức công nghệ, đơn vị triển khai cần phải có kinh nghiệm và sự hiểu biết đối với các nghiệp vụ quản lý và giám sát của cơ quan quản lý thị trường vốn cũng như các quy định pháp luật liên quan.
2.3 Thực trạng hiệu quả quản lý thị trường vốn Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
2.3.1. Những tiêu chí đạt được trong công tác quản lý thị trường vốn Việt Nam hiện nay gắn với cách mạng công nghiệp 4.0
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Quản Lý Thị Trường Vốn Tại Trung Quốc Trong Bối Cảnh Cmcn 4.0
- Vai Trò, Chức Năng Nhiệm Vụ Của Các Tổ Chức, Cơ Quan Nhà Nước Có Thẩm Quyền Trong Công Tác Quản Lý
- Thực Trạng Cơ Chế Giám Sát Thị Trường Vốn Việt Nam
- Phương Hướng Và Giải Pháp Nâng Cao Hiệu Quả Quản Lý Thị Trường Vốn Việt Nam Trong Bối Cảnh Cách
- Tăng Cường Công Tác Giám Sát, Thanh Tra Thị Trường Vốn
- Hoàn Thiện Công Tác Giám Sát, Thanh Tra Và Xử Phạt
Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.
Tính từ thời điểm thị trường vốn Việt Nam bắt đầu được biết đến cho đến nay đã là 25 năm (từ 1996 – 2021) đã có sự phát triển vượt bậc trong mọi khía cạnh, gắn với
đó là việc ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, cụ thể là sử dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện quản lý thị trường vốn và đã đạt được những thành tựu nhất định.
Thứ nhất, đối với cơ sở hạ tầng của thị trường vốn vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại cũng đã đóng góp những giá trị cốt lõi trong việc thực hiện quản lý thị trường vốn. Cụ thể là việc xây dựng hệ thống bảo mật thông tin để duy trì tính ổn định của thị trường, đây chính là tiến thành công của Ủy ban chứng khoán Nhà nước trong việc hình thành và xây dựng hạ tầng công nghệ với hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu đang được ứng dụng hiện tại. Đồng thời, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã tập trung phát triển, nâng cấp liên tục hạ tầng công nghệ thông tin, để đảm bảo duy trì khả năng triển khai hệ thống, cơ sở dữ liệu quan trọng của ngành. Không dừng lại ở việc xây dựng và lưu trữ thông tin mà còn phát triển hệ thống mạng gắn kết nối giữa Ủy ban chứng khoán Nhà nước với Bộ Tài chính, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán. Đồng thời, việc kết nối cục bộ giữa các cơ quan, tổ chức quản lý thị trường vốn cũng đáp ứng các quy định về an toàn bảo mật thông tin và đảm bảo đạt đúng tiêu chuẩn do Bộ Tài chính đề ra.
Thứ hai, để đảm bảo được công tác quản lý phù hợp giữa các đơn vị, tổ chức, cơ quan Nhà nước với nhau thì Chính phủ đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thị trường vốn. Cụ thể là xây dựng hệ thống hỗ trợ công tác quản lý, giám sát các đơn vị, tổ chức được coi là thành viên của thị trường và bao gồm cả các cơ quan Nhà nước, tổ chức tự quản. Bản chất của hệ thống này chính là thiết lập một nơi lưu trữ của toàn bộ cơ sở dữ liệu, từ đó Ủy ban chứng khoán cũng như các tổ chức tự quản dễ dàng trong việc khai thác thông tin để phân tích, đánh giá, dự báo và đưa ra các biện pháp khắc phục giải quyết vấn đề và phục vụ cho công tác giám sát được tối ưu hóa. Đồng thời, góp phần tăng khả năng cải cách hệ thống chính sách, cũng như tạo điều kiện phát triển cho các đơn vị, tổ chức quản lý đổi mới sáng tạo khung pháp lý.
Ví dụ, xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống giám sát giao dịch chứng khoán (có tên gọi tiếng anh là “Market Surveillance System – MSS”) từ năm 2013 và đã được nâng cấp năm 2020. Để giảm thiểu gánh nặng quản lý trong việc thực hiện giám sát thị trường vốn, hệ thống MSS đã hỗ trợ Ủy ban chứng khoán cũng như cơ quan quản lý khác trong công cuộc giám sát bằng cách đưa ra những thông báo và đây là
công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan quản lý. Từ đó, giúp cho công tác giám sát các hoạt động diễn ra trên thị trường vốn của các cơ quan quản lý có tính tương thích, phối hợp chặt chẽ giữa các bên với nhau.
Bên cạnh đó, thành tựu mang đậm tính công nghệ trong quản lý nội bộ của Ủy ban chứng khoán, đó là phần mềm quản lý chung giữa Ủy ban chứng khoán Nhà nước và các đơn vị trực thuộc Ủy ban. Phần mềm này được sử dụng để quản lý các văn bản điều hành, các chương trình quản lý tài sản thuộc ngành tài chính và chương trình kế toán hành chính sự nghiệp. Bên cạnh đó, còn triển khai, phát triển phần mềm phục vụ các hoạt động nội bộ của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, chẳng hạn như phần mềm quản lý thu phí; hệ thống quản lý thống kê nội bộ; thiết lập hệ thống cơ sở giữ liệu để phục cho công tác thanh tra, giám sát các đơn vị, tổ chức tham gia hoạt động trên thị trường vốn.
Thứ ba, trong công tác đảm bảo tính công bằng giữa các nhà đầu tư trong việc tiếp cận các thông tin là như nhau thì Chính phủ đã xây dựng hệ thống công bố thông tin dành riêng cho các công ty đại chúng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường vốn (phần mềm này có tên gọi tiếng anh là “Information Disclosure System – IDS”). Đây là công nghệ giúp hỗ trợ các công ty đại chúng trong việc báo cáo và công bố thông tin thông qua điện tử thay thế cho việc báo cáo bằng văn bản trước kia. Chẳng hạn như, việc công bố báo cáo tài chính điện tử theo quý, năm của các công ty đại chúng được niêm yết trên thị trường sẽ giúp cho việc tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư được dễ dàng, nội dung giống nhau; góp phần duy trì cán cân giữa lợi nhuận các nhà đầu tư với hiệu quả của thị trường vốn.
Đồng thời, để góp phần đảm bảo tính công bằng giữa các nhà đầu tư thì các chủ thể tham gia giao dịch trên thị trường vốn đều có thể tìm kiếm các thông tin liên quan một cách nhanh chóng, chính xác thông qua cổng điện tử của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (htpps: www.ssc.gov.vn). Đây là cổng thông tin điện tử được nâng cấp trở thành nơi kết nối giữa Ủy ban chứng khoán Nhà nước với người dân, doanh nghiệp và hướng tới xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến với mức 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ quốc gia Việt Nam; từ đó giảm thiểu và cải cách các thủ tục hành chính liên quan.
Qua đó, việc sử dụng công nghệ thông tin được coi là nền tảng đại diện cho cách mạng công nghiệp 4.0 trong việc thực hiện quản lý của cơ quan Nhà nước. Hiện nay, công nghệ thông tin đã phát huy vai trò và trở thành nhu cầu tất yểu đối với các hoạt động nghiệp vụ của Ủy ban chứng khoán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức quản lý khác; từ đó định hướng xây dựng và trở thành Chính phủ số.
2.3.2. Một số tiêu chí hạn chế hiện nay trong công tác quản lý thị trường vốn Việt Nam gắn với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
Hạn chế thứ nhất, hiện vẫn đang tồn đọng chính là đảm bảo tính minh bạch thông tin trên thị trường vốn. Cụ thể là khả năng theo dõi, giám sát và phát hiện các hành vi sai trái liên quan đến việc công bố thông tin. Trên thực tế thường xuyên có các vi phạm về việc không công bố thông tin liên quan đến sự kiện dự kiến giao dịch phải công bố theo quy định pháp luật xảy ra như “cơm bữa”. Điển hình là vụ việc làm chấn động cả thị trường vốn Việt Nam và còn dư âm đến tận bây giờ chính là hành vi “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu do ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC) nắm giữ khi không thực hiện công bố thông tin. Đối với hành vi nêu trên của ông Quyết đã diễn ra từ trước ngày 10/01/2022 và sau 24 giờ kể từ khi hành vi vi phạm diễn ra Ủy ban chứng khoán Nhà nước mới nhận được thông báo của sàn HOSE về hành vi không thông báo và không thực hiện công bố thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC. Nhưng phải sau tám ngày (ngày 18/01/2022) Ủy ban chứng khoán Nhà nước mới ban hành quyết định số 34/QĐ- XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường vốn đối với ông Trịnh Văn Quyết. Nhìn tổng thể trong câu chuyện này có thể thấy trong việc quản lý thị trường vốn của Ủy ban chứng khoán Nhà nước là đâu đó gần như bị động trong việc tiếp nhận thông tin, tức là để tình trạng các bên đã thực hiện giao dịch xong mới biết hoặc phát hiện thông tin muộn, rồi sau đó mới thực hiện kiểm tra, rà soát xem chủ thể phát hành chứng khoán đã thực hiện đúng quy định pháp luật hay chưa.
Hạn chế thứ hai việc xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi theo chưa đạt được mức độ hoàn thiện có tính hệ thống và đóng góp lớn trong hoạt động quản lý. Thực trạng quản lý hiện tại của Ủy ban chứng khoán Nhà
nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 chính là ngay cả khi đã xây dựng hệ thống công bố thông tin IDS (có tên gọi tiếng anh là “Information Disclosure System – IDS”) chuyên dành cho các công ty đại chúng và đi kèm với đó quy chế hướng dẫn công ty đại chúng sử dụng hệ thống công bố thông tin, đều không được phát huy tối đa hiệu quả. Sở dĩ nói vậy, do bản chất của hệ thống IDS là hỗ trợ các công ty đại chúng trong việc báo cáo và công bố thông tin qua điện tử. Tức là hệ thống IDS chỉ là công cụ hỗ trợ cho các công ty trong việc giảm thiểu các công đoạn khi công bố thông tin. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống này không đóng góp lớn trong công tác quản lý, giám sát do không đưa ra được cảnh báo ngay lập tức cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước biết trước khi xảy ra sự cố trên thị trường vốn mà chỉ là nơi lưu trữ, kiểm tra chéo lại thông tin; do hệ thống phụ thuộc phần lớn vào việc các công ty đại chúng đó có thực hiện khai báo lên hệ thống hay không.
Hạn chế thứ ba là việc cán cân giữa hiệu quả và chi phí bỏ ra vẫn chưa được phù hợp và đảm bảo. Cụ thể là Ủy ban chứng khoản Nhà nước đã xây dựng hệ thống công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhưng vẫn đang ở mức cơ bản. Thể hiện rõ ở phần mềm quản lý, giám sát gần như hoàn toàn độc lập với các phần mềm khác và chưa có sự gắn kết hay tương thích một cách hệ thống với nhau. Ví dụ như, cùng một nội dung về báo cáo của doanh nghiệp phải thực hiện nhiều lần trên các ứng dụng phần mềm khác nhau. Điều này gây mất thời gian cho các doanh nghiệp thực hiện khai báo và gây lãng phí ngân sách để tiếp tục duy trì các phần mềm chồng chéo tính năng. Một góc nhìn khác đối với cổng thông tin điện tử của Ủy ban chứng khoán Nhà nước dường như mới chỉ tập trung vào việc cung cấp và công bố các thông tin đến công chúng tại Việt Nam. Ngoài ra, cổng thông tin bằng bản tiếng anh chưa được phong phú, đa dạng; điều này khiến cho các nhà đâu tư nước đang phải loay hoay trong việc tìm hiểu các thông tin, chính sách liên quan đến thị trường vốn Việt Nam.
Hạn chế thứ tư, chính là chưa đảm bảo được tính hiệu quả của thị trường ở yếu tố cơ bản. Cụ thể là gắn trong công tác quản lý thị trường vốn hiện nay để xảy ra thường xuyên tình trạng nghẽn lệnh giao dịch và lỗi mạng. Trong ba tháng đầu năm 2021 hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) thường xuyên bị nghẽn lệnh. Điều này khiến cho các nhà đầu tư không xác định được mối
quan hệ cung cầu cũng như không thể thực hiện giao dịch mua, bán như bình thường; vấn đề này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các nhà đầu tư và uy tín của thị trường vốn Việt Nam đối với quốc tế. Để lý giải cho vấn đề nghẽn lệnh và lỗi mạng thì theo thống kế chỉ số VN – Index nếu thị trường muốn vượt 1.200 điểm tương ứng với đó là tính thanh khoản phải đạt từ 16.000 – 17.000 tỷ đồng; trường hợp muốn vượt
1.300 điểm thì tính thanh khoán phải đạt hơn 24.000 tỷ đồng; yếu tố chính ở đây là các tiêu chí quản lý đối với hệ thống công nghệ khiến cho thị trường bị biến động mạnh, đặc biệt là khi tính thanh khoản cứ khi đạt đến mốc 22.000 tỷ đồng thì thị trường sẽ bị nghẽn lệnh.
Qua đó, có thể thấy rằng: các vấn đề tồn đọng được nêu ở trên mới chỉ là các tình trạng điển hình vướng mắc trong việc quản lý đối với thị trường vốn hiện nay. Đây đều là những thực trạng đã, đang và sẽ tồn đọng nếu vẫn còn tiếp tục duy trì hiện trạng quản lý như bây giờ và chưa kể đến việc khắc phục, giải quyết tận gốc sự cố là điều khó khăn, gây tốn kém chi phí cũng như nguồn nhân lực. Tuy rằng, việc ngay lập tức giải quyết tận gốc của vấn đề trong việc quản lý không thể trong ngày một, ngày hai được; nhưng quan trọng là nhìn nhận được mấu chốt, quyết tâm khắc phục và bù đắp phần còn thiếu là điều cấp bách hơn bao giờ hết.
2.3.3. Nguyên nhân của những bất cập, hạn chế
Nguyên nhân sâu xa đầu tiên phải ghi nhận đó là việc áp dụng công nghệ thông tin trong chức năng quản lý của Ủy ban chứng khoán Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Thể hiện rõ ở các chế tài xử phạt dành cho các đối tượng chịu sự quản lý của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (như công ty đại chúng, công ty chứng khoán…) khi việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thị trường vốn vẫn chưa được hoàn chỉnh và chưa mang tính răn đe rõ ràng. Chưa kể xét về góc độ pháp lý thì các quy định liên quan đến thị trường vốn liên tục thay đổi khiến cho các tiêu chí xây dựng hệ thống công nghệ thông tin bị biến động theo và luôn trong tình trạng “đuổi theo”. Bên cạnh đó đối tượng thuộc thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban chứng khoán khá là rộng trải dài khắp địa lý cả nước, do bao gồm các thành viên tham gia trên thị trường vốn. Điều này đã đặt ra yêu cầu đối với các đối tượng chịu sự quản lý là phải có sự phát triển đồng đều về môi
trường công nghệ thông tin. Do đó, việc triển khai cũng như áp dụng đồng loạt diện rộng công tác quản lý của Ủy ban chứng khoán Nhà nước gặp phải khó khăn.
Nguyên nhân thứ hai là việc đầu tư, phát triển công nghệ thông tin còn mang tính thụ động, chưa có các tiêu chí rõ ràng, cũng như chưa có tính tổng thể và logic. Xét về góc độ đầu tư các trang thiết bị phần cứng thì vẫn đang thực hiện mang tính chất nhỏ lẻ và chỉ khi nào có dự án thì mới đề xuất hệ thống, phần mềm hỗ trợ liên quan. Điều này khiến cho hệ thống của thị trường vốn mang tính rời rạc, không có quy mô tổng thể, không có sự tương thích hỗ trợ giữa các phần mềm với nhau, cũng như chưa tính toán lâu dài trong việc nâng cấp và mở rộng sau này. Đồng nghĩa với việc phân bổ nguồn vốn triển khai xây dựng hệ thống chưa thực sự linh hoạt, chưa được cân đối kinh phí tập trung cho những phần mềm ứng dụng quan trọng.
Nguyên nhân thứ ba gây ra những bất cập trong quản lý thị trường vốn hiện nay chính là đội ngũ cán bộ làm công tác công nghệ thông tin vẫn còn bị hạn chế, khó khăn và chưa đạt chất lượng. Để xây dựng, phát triển được hệ thống quản lý thị trường vốn cần cả đội ngũ có chuyên môn sâu, nhưng hiện tại đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao nên Chính phủ đang phải bỏ chi phí để thuê các chuyên gian sang Việt Nam trực tiếp thực hiện và điều này khiến cho tiến độ thực hiện của dự án bị phụ thuộc và chậm so với kế hoạch. Một mặt khác là việc thực hiện quản lý các dự án lớn theo mô hình tập trung còn rất khiêm tốn do sự hiểu biết chuyên sâu về nghiệp vụ chứng khoán còn hạn chế. Trên thực tế thì các cán bộ trực tiếp thực hiện quản lý, giám sát thị trường đang phải kiêm nhiệm; tức một người được phân công quản trị, xử lý cùng lúc nhiều công việc; khiến cho việc quản lý không đem lại hiệu quả cao và gây tốn kém thời gian trong việc đưa ra phương hướng giải quyết sự cố mang tính cấp bách.
Qua đó, đến thời điểm hiện tại những nguyên nhân, bất cập trong việc thực hiện quản lý của các cơ quan Nhà nước đối với thị trường vốn gắn với bối cảnh cạnh mạng công nghiệp 4.0 được nổi bật hơn bao giờ hết. Đây chính là lý do sâu xa và cũng đã lý giải được những vấn đề đang tồn đọng hiện tại, từ đó tìm kiếm các giải pháp nhằm khắc phục sự cố và tập trung cho mục tiêu phát triển thị trường vốn sắp tới.