Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh - 13

+ Kiểm sát viên phải tự mình đọc kỹ từng bản cung theo thứ tự về thời gian hỏi cung; cần đối chiếu, so sánh nội dung trong các bản cung xem có gì mâu thuẫn không; nếu có mâu thuẫn thì phải làm rõ lý do và yêu cầu điều tra viên giải thích những mâu thuẫn đó. Kiểm sát viên kiểm sát nội dung và hình thức các bản cung, các tài liệu có trong hồ sơ như: biên bản khám nghiệm, lời khai nhân chứng, bị hại … xem có bị tẩy xóa, viết thêm vào không; đặc biệt khi tiến hành kiểm sát việc hỏi cung cần xác định việc hỏi cung bị can có phải do điều tra viên tiến hành hay do cán bộ điều tra tiến hành hỏi cung sau đó điều tra viên chỉ hợp pháp hoá bằng cách ký xác nhận.

- Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can khi cơ quan điều tra yêu cầu; khi KSĐT mà bị can kêu oan; có dấu hiệu vi phạm của điều tra viên trong quá trình hỏi cung hoặc một số trường hợp nếu qua công tác kiểm sát thấy cần kiểm sát việc tuân theo pháp luật việc hỏi cung bị can (động tác này, thực tế thường gọi là phúc cung). Kiểm sát viên phải thực hiện các thao tác sau:

+ Chuẩn bị hỏi cung:


Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án; đặc điểm nhân thân bị can; lời khai nhân chứng, bị hại; các tài liệu đã có trong hồ sơ. Trong đó cần chú ý đến: Biên bản khám nghiệm, biên bản bắt người có hành vi phạm phạm quả tang, lời khai ban đầu; vai trò vị trí của từng bị can trong vụ án. Kiểm sát viên có thể tự mình hỏi cung bị can hoặc báo cáo lãnh đạo phân công thêm kiểm sát viên nữa cùng tham gia hỏi cung.

Kiểm sát viên phải lập kế hoạch hỏi cung bị can; thông qua kế hoạch hỏi cung đã chuẩn bị kỹ từ trước sẽ giúp cho kiểm sát viên không bị lúng túng trước các diễn biến của quá trình hỏi cung. Kế hoạch hỏi cung phải: xác định được những vấn đề cần được làm rõ; dự kiến những câu hỏi, những câu trả lời; những câu hỏi này thường không tuân theo khuôn mẫu mà tùy thuộc vào từng đối tượng hỏi cung, tùy thuộc vào diễn biến cuộc hỏi cung mà kiểm sát viên có thể đưa ra những câu hỏi cho phù hợp. Dự kiến chiến thuật hỏi cung: hỏi thẳng, hỏi vòng vo, gián tiếp hoặc trực tiếp. Chuẩn bị các phương tiện cần thiết cho việc hỏi cung: máy ghi âm, các tài liệu cần thiết để đưa ra chứng minh hoặc đấu tranh (trường hợp cần thiết có thể sử dụng nhân chứng).

+ Tiến hành hỏi cung: Dự kiến các cuộc hỏi cung có thể có các giai đoạn sau:

Giai đoạn đầu tiên: Đó là thời điểm kiểm sát viên sử dụng cách thức giao tiếp, tạo tâm lý thoải mái và tin tưởng vào kiểm sát viên của đối tượng bị hỏi cung. Như vậy kiểm sát viên cần bình tĩnh, kiềm chế tình cảm nhưng cũng cần có những hành vi, lời nói làm cho bị can yên tâm, tin tưởng vào kiểm sát viên để họ khai báo một cách đầy đủ nhất.

Giai đoạn thứ hai: Nội dung hỏi cung của kiểm sát viên. Tuy nhiên trong kế hoạch hỏi cung, kiểm sát viên đã phải dự đoán được diễn biến của cuộc hỏi cung; có thể bị can sẽ khai báo thành khẩn, khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo.

Đối với trường hợp bị can khai báo thành khẩn thì sau khi kết thúc cuộc hỏi cung, kiểm sát viên nên cho bị can tự viết lời khai về hành vi phạm tội của mình sau đó kiểm sát viên cùng ký xác nhận vào bản tự khai của bị can.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.

Trường hợp bị can khai báo gian dối: Kiểm sát viên phải sử dụng các kỹ năng nghiệp vụ để đấu tranh, vạch trần, sử dụng những mâu thuẫn ngay chính trong các lời khai của bị can, sử dụng các tài liệu chứng cứ đã có trong hồ sơ để buộc bị can phải khai đúng sự thật (trường hợp cần thiết có thể sử dụng nhân chứng hoặc những người biết việc để đấu tranh vạch trần hành vi khai báo gian dối của bị can.

Trường hợp bị can từ chối khai báo: Trước tiên, kiểm sát viên phải tìm rõ nguyên nhân tại sao bị can từ chối khai báo; kiểm sát viên có thể giáo dục, thuyết phục bị can, giải thích động viên nếu bị can khai báo thành khẩn thì sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật; đưa ra những chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội của bị can hoặc sử dụng những lời khai của các bị can khác để chứng minh một cách gián tiếp hành vi phạm tội của bị can; sử dụng các biện pháp khác mà pháp luật cho phép để cho bị can hiểu rằng: Nếu bị can không khai báo thì cơ quan pháp luật cũng sẽ làm rõ được hành vi phạm tội của bị can … Để từ đó bị can có thể khai báo đầy đủ hành vi phạm tội của mình.

Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh - 13

* Nâng cao chất lượng kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường:


Khi thực hiện chức năng KSĐT các vụ án hình sự, kiểm sát viên phải hiểu rõ được khám nghiệm hiện trường vụ án; kiểm sát khám nghiệm hiện trường là biện pháp để thu thập dấu vết, nguồn chứng cứ, chứng cứ trực tiếp để từ đó đánh giá xem xét có hành vi phạm tội xảy ra hay không. Đây là một công việc rất quan trọng, nhất là các vụ án về tai nạn giao thông, những vụ chết người chưa rõ nguyên nhân thì công tác khám nghiệm

hiện trường có những quyết định đến toàn bộ hoạt động điều tra vụ án hình sự. Thường thì công tác khám nghiệm hiện trường được thực hiện trước khi có quyết định khởi tố vụ án. Khi khám nghiệm hiện trường, kiểm sát viên, điều tra viên phải thực hiện tốt các yêu cầu sau:

- Nắm chắc được: các kỹ năng kiểm sát khám nghiệm các loại hiện trường; các quy định pháp luật; quy chế phối hợp của hai ngành Công an - VKS quy định về trình tự, thủ tục và nội dung khám nghiệm từng loại hiện trường; mục đích cần đạt được khi khám nghiệm hiện trường.

- Kiểm sát viên được phân công kiểm sát khám nghiệm hiện trường phải kiểm sát chặt chẽ công tác chuẩn bị khám nghiệm. Đây là một công việc quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả khám nghiệm; kiểm sát việc thành lập Hội đồng khám nghiệm, phương tiện phục vụ khám nghiệm, sự có mặt của những người biết việc. Về nguyên tắc, Hội đồng khám nghiệm phải do cơ quan điều tra thành lập, người trực tiếp khám nghiệm phải là điều tra viên; trong mọi trường hợp khám nghiệm phải nhanh chóng xác định tính chất của việc để từ đó yêu cầu điều tra viên mời các nhà chuyên môn, kỹ thuật tham gia khám nghiệm như Bác sĩ pháp y, chuyên gia về cháy nổ, chuyên gia về hóa chất hoặc yêu cầu cần lực lượng bảo vệ hiện trường, lực lượng Cảnh sát giao tông can thiệp để đảm bảo cho việc khám nghiệm hiện trường được tiến hành một cách bình thường.

- Nội dung kiểm sát khám nghiệm hiện trường:


Theo quy định của pháp luật, điều tra viên là người chịu trách nhiệm tiến hành khám nghiệm hiện trường, những người tham gia khám nghiệm hiện trường phải theo sự chỉ đạo, điều hành của điều tra viên. Khi đã xác định được người chứng kiến thì phải đảm bảo họ có sự chứng kiến từ đầu đến cuối cuộc khám nghiệm. Cán bộ kỹ thuật hình sự, chuyên viên được mời tham gia phải có trách nhiệm giúp đỡ điều tra viên thu lượm, phát hiện dấu vết, chứng cứ hoặc phán đoán, nhận định diễn biến vụ việc; việc làm của họ phải trao đổi và phải được điều tra viên thống nhất.

Kiểm sát viên có trách nhiệm kiểm sát tính hợp pháp của các nhà chuyên môn, theo dõi giám sát toàn bộ diễn biến cuộc khám nghiệm hiện trường, việc tiến hành khám nghiệm hiện trường theo phương pháp nào, chiến thuật nào do điều tra viên quyết định

nhưng kiểm sát viên cũng nên biết trước và chủ động kiểm sát hoặc phối hợp khám nghiệm nhằm mục đích cho cuộc khám nghiệm đạt được: Phát hiện ra dấu vết tội phạm, vật chứng và các tình tiết làm sáng tỏ, có ý nghĩa đối với vụ án. Tránh tiến hành các thao tác khám nghiệm không có liên quan đến vụ việc, tiến hành khám nghiệm sơ sài.

Khi khám nghiệm hiện trường, điều tra viên phải tiến hành các thao tác như: vẽ sơ đồ, chụp ảnh, đo đạc, thu lượm và xem xét dấu vết. Việc chụp ảnh phải có thước tỷ lệ gắn vào đồ vật cần chụp, chụp ảnh theo các góc độ, mức độ do điều tra viên hoặc kiểm sát viên. Việc đo vẽ, mô tả phải nêu rõ đặc điểm, trạng thái của đồ vật. Việc xem xét đánh giá chứng cứ có thể được tiến hành đánh giá sơ bộ ngay tại hiện trường. Ví dụ, qua xem xét vết phanh của phương tiện tham gia giao thông, đồ vật rơi vãi trên đường giao thông có thể xác định được phương tiện nào được điều khiển đúng luật, phương tiện nào điều khiển vi phạm, hướng của các phương tiện … Trong trường hợp không thể xem xét dấu vết, đồ vật, tài liệu đã phát hiện được thì người tiến hành khám nghiệm có trách nhiệm thu giữ, bảo quản nguyên trạng, có niêm phong và đưa về cơ quan điều tra để tiếp tục nghiên cứu đánh giá. Trước khi thu lượm, niêm phong người thi hành khám nghiệm phải ghi nhận đầy đủ những thông tin về đồ vật như: vị trí phát hiện, kích thước, đặc điểm hiện trạng; việc niêm phong phải được tiến hành theo các quy định.

Trong quá trình khám nghiệm hiện trường điều tra viên phải tiến hành lập biên bản khám nghiệm hiện trường ngay tại chỗ; nếu có người trợ giúp thì biên bản phải được điều tra viên, kiểm sát viên đọc kỹ, kiểm tra lại tính khách quan trước khi ký vào biên bản khám nghiệm hiện trường. Nội dung và hình thức của biên bản khám nghiệm hiện trường phải thể hiện đầy đủ toàn bộ quá trình khám nghiệm, ghi rõ thời gian địa điểm khám nghiệm, thành phần khám nghiệm, những tài liệu đồ vật đã thu giữ. Kiểm sát viên phải căn cứ vào mục đích của cuộc khám nghiệm, đối chiếu với kết quả đã khám nghiệm để có thể có những yêu cầu đề ra yêu cầu điều tra viên phải khám nghiệm làm rõ những điểm còn mâu thuẫn, chỉnh lý, bổ sung hoặc yêu cầu điều tra viên khẩn trương tiến hành các thao tác sau khám nghiệm. Ví dụ: cần lấy lời khai ngay những người biết việc, lấy dấu vân tay trên đồ vật, vật dụng. Các ý kiến, các yêu cầu của người làm chứng, người biết việc phải được xem xét, tùy theo từng yêu cầu mà kiểm sát viên, điều tra viên cần chỉnh lý, sửa đổi nếu thấy yêu cầu của họ là có căn cứ và thấy cần thiết.

Cùng với việc thông qua biên bản khám nghiệm hiện trường, điều tra viên phải thông qua sơ đồ khám nghiệm hiện trường. Sơ đồ khám nghiệm hiện trường tuy chưa thể hiện chính xác tuyệt đối nhưng về cơ bản phải thể hiện được tình trạng thực tế của hiện trường, các vị trí, các dấu vết phải được thể hiện mô tả đầy đủ trong sơ đồ hiện trường.

Đối với bản ảnh hiện trường; điều tra viên, kiểm sát viên phải yêu cầu, hướng dẫn người chụp ảnh phải chụp ảnh theo yêu cầu của cuộc khám nghiệm: Chụp toàn cảnh, chụp từ xa tới gần, chụp đặc tả, chụp nơi nghi ngờ có chứa đựng dấu vết mới có liên quan đến vụ việc.

* Kiểm sát việc khám nghiệm tử thi:


Trong mọi trường hợp phát hiện người chết chưa rõ nguyên nhân thì cơ quan điều tra phải mời kiểm sát viên của VKSND cùng cấp hoặc cấp trên tiến hành giám sát việc khám nghiệm tử thi. Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm tử thi nhằm giúp cho công tác khám nghiệm tử thi được tuân theo quy định của pháp luật. Khi tiến hành khám nghiệm tử thi, kiểm sát viên cần kiểm sát các nội dung sau:

- Thành phần Hội đồng khám nghiệm tử thi; theo quy định tại Điều 151 BLTTHS năm 2003, thành phần Hội đồng khám nghiệm tử thi gồm: điều tra viên, kiểm sát viên, bác sĩ pháp y, người chứng kiến (thường là người đại diện cho chính quyền địa phương nơi phát hiện tử thi hoặc nơi cư trú của người chết; người biết việc), đại diện gia đình nạn nhân.

- Kiểm sát việc chuẩn bị phương tiện phục vụ khám nghiệm, đó là những phương tiện nghiệp vụ của cơ quan điều tra như máy ảnh, các loại biên bản khám nghiệm, các dụng cụ chuyên dùng của Bác sĩ pháp y. Điều này tưởng đơn giản nhưng do chủ quan, đã có một số ít cuộc khám nghiệm xảy ra những tình huống đáng tiếc gây phiền hà cho gia đình nạn nhân, ảnh hưởng đến kết quả cuộc khám nghiệm do cuộc khám nghiệm phải kéo dài như: máy ảnh đang chụp ảnh thì bị hết pin đèn, dụng cụ là cưa sắt bị cùn nên khi cần cưa - cắt xương phải tiến hành rất lâu gây đau thương cho thân nhân nạn nhân.

- Kiểm sát viên phải xem xét các quyết định của cơ quan điều tra liên quan đến việc khám nghiệm tử thi; việc thông báo cho thân nhân nạn nhân biết việc khám nghiệm; việc mời giám định viên, kỹ thuật viên chuyên ngành tham gia (khi cần thiết).

- Đảm bảo cho quá trình khám nghiệm tử thi được đúng luật, phải tuân thủ theo quy trình được khám nghiệm: Ghi nhận tình trạng ban đầu của nạn nhân; các dấu vết bên ngoài; phạm vi giải phẫu tử thi.

Về phạm vi giải phẫu tử thi: không phải bất cứ cuộc khám nghiệm tử thi nào cũng phải giải phẫu toàn bộ tử thi, mà tùy theo tính chất vụ việc, tùy theo thể trạng của các dấu vết trên người nạn nhân mà bác sĩ pháp y có thể tiến hành và sau khi đã xin ý kiến của kiểm sát viên, điều tra viên. Ví dụ, trong một vụ khám nghiệm tử thi bị chết do tai nạn giao thông, trong khi khám nghiệm các dấu vết bên ngoài, phát hiện xương sọ của nạn nhân bị vỡ khá rộng. Điều đó đã có thể xác định nguyên nhân chết do bị vỡ sọ não vì vậy không cần thiết phải giải phẫu tử thi bên trong nữa. Có một điểm cần lưu ý là: thường là thân nhân các nạn nhân do cơn sốc hoặc vì nhiều lý do đã kiên quyết không cho Hội đồng khám nghiệm tử thi hoặc giải phẫu tử thi; làm cho thành phần tham gia khám nghiệm rất lúng túng. Trước tình hình đó, kiểm sát viên tham gia phải trực tiếp vận động, giải thích hoặc cùng những thành viên khác trong Hội đồng khám nghiệm tiến hành để cho thân nhân nạn nhân hiểu rõ mục đích của cuộc khám nghiệm, mục đích của việc khám nghiệm tử thi. Để cho họ biết rằng việc làm của Hội đồng khám nghiệm chỉ nhằm mục đích giúp đỡ gia đình họ và cơ quan chức năng: xác định rõ nguyên nhân cái chết, tránh nghi ngờ không có căn cứ sau này, để làm căn cứ cho việc xác định sự thật khách quan của vụ việc. Nếu gia đình nạn nhân vẫn kiên quyết từ chối thì Hội đồng khám nghiệm vẫn phải tiến hành khám nghiệm các dấu vết bên ngoài và yêu cầu gia đình nạn nhân viết giấy cam đoan họ phải tự chịu trách nhiệm về việc không cho giải phẫu tử thi để làm cơ sở pháp lý sau này. Quá trình khám nghiệm tử thi, nếu thấy cần thiết thì tiến hành thu giữ mẫu vật, bệnh phẩm, phủ tạng, dấu vết từ nạn nhân để phục vụ cho việc giám định được khách quan, chính xác. Cuối cùng, cũng như các cuộc khám nghiệm khác, việc khám nghiệm tử thi bao giờ cũng phải được lập biên bản và thông qua biên bản theo đúng quy định của pháp luật.

* Kiểm sát việc điều tra bổ sung, tạm đình chỉ vụ án, đình chỉ vụ án; tạm đình chỉ bị can, đình chỉ bị can:

- Kiểm sát việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

Theo quy định thì VKS có thể trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần trong quá trình giải quyết vụ án hình sự; VKS trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố. Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung được thực hiện bằng quyết định để điều tra bổ sung của VKS hoặc của Tòa án.

Trong trường hợp VKS hoặc Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định ghi trong BLTTHS năm 2003. Việc kiểm sát quá trình điều tra bổ sung của cơ quan điều tra của VKSND được tiến hành theo các thủ tục chung.

Tuy nhiên, khi tiếp nhận hồ sơ do cơ quan điều tra chuyển đến để đề nghị truy tố; kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, phát hiện những vi phạm, kiểm tra những căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung trong những trường hợp sau:

+ Có vi phạm thủ tục tố tụng: Không có yêu cầu khởi tố của người bị hại nếu vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại; lấy lời khai vị thành niên không có người giám hộ; không có văn bản ủy quyền về bồi thường thiệt hại; việc giao các lệnh, quyết định không đúng thủ tục; lý lịch tư pháp của bị can chưa đầy đủ, nhất là các phần tiền án, tiền sự; có căn cứ bức cung, nhục hình trong quá trình hỏi cung bị can …

+ Khi có căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm khác; bỏ lọt tội phạm;


+ Còn thiếu hoặc cần xem xét những chứng cứ quan trọng mà VKS không tự mình bổ sung được: chưa làm rõ được động cơ mục đích của bị can (đối với vụ án động cơ mục đích là yếu tố định tội); chưa làm rõ được hậu quả do bị can gây ra. Ví dụ, không xác định rõ việc bị hại có yêu cầu bồi thường hay không bồi thường trong vụ án cố ý gây thương tích hoặc yêu cầu bồi thường không phản ánh cụ thể.

Đối với những vụ án do Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung; kiểm sát viên cần nghiên cứu xem xét căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung của tòa án. Trong thực tế những vụ án mà tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì có đến 40%, lý do trả hồ sơ để điều tra bổ sung VKS không chấp nhận và hoàn trả lại ngay cho Tòa án để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền. Trong trường hợp nếu không thống nhất với lý do trả hồ sơ của Tòa án thì kiểm sát viên phải trực tiếp trao đổi, thống nhất với Thẩm phán để xác định lại lý do hoàn xem tính có căn cứ và xem việc trả hồ sơ có cần thiết hay không, cần khắc phục những

điểm gì nếu không hoàn hồ sơ mà VKS hoặc cơ quan điều tra vẫn có thể khắc phục bổ sung được. Nếu căn cứ hoàn hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án là có căn cứ thì kiểm sát viên cần chấp hành nghiêm chỉnh theo đúng nội dung, yêu cầu điều tra bổ sung.

- Kiểm sát việc đình chỉ vụ án, đình chỉ vụ án đối với bị can:


Khi cơ quan điều tra, kết thúc điều tra vụ án hình sự chuyển hồ sơ đề nghị VKS truy tố. Nếu thấy không đủ chứng cứ kết tội bị can, đã trả hồ sơ để cơ quan điều tra điều tra bổ sung, vẫn không đủ căn cứ kết tội thì VKS ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án; đình chỉ điều tra đối với các bị can.

Trong các vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, sau khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra chuyển hồ sơ đề nghị VKS truy tố; người bị hại rút yêu cầu, kiểm sát viên phải xem xét, đánh giá nếu đó đúng là họ tự nguyện yêu cầu, thì báo cáo lãnh đạo ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can.

Vụ án mà trong quá trình điều tra, truy tố thấy đủ căn cứ về hành vi phạm tội nhưng xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì cũng phải được đình chỉ.

Kết quả điều tra vụ án hình sự thấy có đủ căn cứ kết tội; nhưng qua kết luận của giám định pháp y - tâm thần kết luận, bị can không có năng lực hành vi trong khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì vụ án phải được đình chỉ.

Kết luận điều tra đủ căn cứ kết tội bị can; nhưng do chuyển biến tình hình, hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì VKS đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự cho bị can.

Các căn cứ để đình chỉ vụ án trên, thường được các đơn vị áp dụng đảm bảo. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ án do công tác KSĐT không được thực hiện tốt nên phải đình chỉ điều tra; đã có các trường hợp xảy ra là: khi áp dụng, vận dụng tình tiết cấu thành cơ bản của điều luật là: "Gây hậu quả nghiêm trọng" thì kiểm sát viên vận dụng không đúng hoặc trong các tội phạm về chiếm đoạt tài sản, nhất là tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 BLHS trong đó hành vi gây hại dưới 500.000đ.

* Tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can:

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 15/05/2022