Lý luận hàng hóa của C.Mác và vấn đề nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam - 16

PHỤ LỤC

LÝ LUẬN HÀNG HÓA CỦA C.MÁC

Khái niệm hàng hóa

Hàng hóa là sản phẩm của lao động, nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người, được chuyển đến tay người sử dụng bằng con đường trao đổi [3, tr.63; 6, tr.70].

Trước hết, hàng hóa phải là sản phẩm của lao động, còn những vật không phải do lao động tạo ra thì dù có ích cho đời sống con người, cũng không trở thành hàng hóa, như: không khí, đất hoang, đồng cỏ tự nhiên, rừng hoang… [6, tr.70]. Ngược lại, nếu một vật là sản phẩm của lao động nhưng không đáp ứng được nhu cầu của xã hội thì lao động chứa đựng trong vật đó cũng vô dụng, nên vật đó cũng không phải là hàng hóa. Mặt khác, những vật có ích và là sản phẩm lao động vẫn chưa thể là hàng hóa nếu chỉ được dành để thỏa mãn nhu cầu của bản thân người sản xuất ra chúng, hay đến tay những người khác bằng con đường: cho, biếu, tặng…, tức là không bằng cách trao đổi.

Muốn trở thành hàng hóa, sản phẩm được sản xuất ra không phải để tiêu dùng cho bản thân người sản xuất, mà phải là tư liệu sinh hoạt hoặc tư liệu sản xuất cho những người khác, tức là cho xã hội. Do đó, sản phẩm của lao động phải được trao đổi với sản phẩm của người khác.

Tóm lại, hàng hóa phải là vật phẩm do lao động tạo ra, phục vụ nhu cầu nào đó của con người và được chuyển đến tay người sử dụng bằng con đường trao đổi. Khái niệm trên cũng chỉ ra: Bất kỳ hàng hóa nào đều có hai thuộc tính: giá trị sử dụng và giá trị.

1. Giá trị sử dụng của hàng hóa

Giá trị sử dụng của hàng hóa là công dụng của hàng hóa thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người. Tính có ích làm cho vật trở thành một giá trị sử

dụng, nhưng tính có ích đó không phải lơ lửng trên không mà do thuộc tính của vật thể hàng hóa quyết định, nó không tồn tại được ở bên ngoài vật thể hàng hóa này. Vì thế, bản thân vật thể hàng hóa đó, như sắt, lúa mì, kim cương… là một giá trị sử dụng, hay của cải [6, tr.62].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 143 trang tài liệu này.

Về nguồn gốc, giá trị sử dụng của hàng hóa do lao động cụ thể của người sản xuất tạo ra. Lao động cụ thể là loại lao động có ích dưới một hình thức cụ thể của những nghề nghiệp chuyên môn nhất định. Mỗi một lao động cụ thể có mục đích riêng, tư liệu lao động, đối tượng lao động, phương pháp lao động, và kết quả lao động riêng [3, tr.66]. Chẳng hạn, lao động của người thợ may và lao động của người thợ mộc là hai loại lao động cụ thể khác nhau. Mục đích của người thợ may là làm ra hàng may mặc, tư liệu lao động là máy khâu, kéo, thước…, phương pháp lao động là đo, cắt, may…, đối tượng lao động là vải, chỉ… và kết quả lao động là quần áo… Trong khi đó, mục đích lao động của người thợ mộc là tạo ra đồ gỗ, tư liệu lao động là máy cưa, máy bào…, đối tượng lao động là gỗ, phương pháp lao động là cưa, đục, bào… kết quả lao động là bàn, ghế, tủ… Như vậy, những loại lao động cụ thể khác nhau tạo ra những giá trị sử dụng khác nhau. Đồng thời, tính đa dạng của lao động cụ thể tạo ra tính đa dạng của giá trị sử dụng.

Lao động cụ thể có xu hướng bị chia nhỏ do sự phân công lao động xã hội, do đó, tính đa dạng của giá trị sử dụng phụ thuộc trình độ phân công lao động xã hội. Ví dụ, trước khi có phân công lao động xã hội, một người thợ có thể làm toàn bộ chiếc áo, từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa đến tự may áo. Do phân công lao động xã hội phát triển, các công đoạn đó trở thành những nghề riêng biệt, và dâu, kén, tơ, lụa, áo… đều trở thành những giá trị sử dụng riêng, thành loại hàng hóa được mua bán trên thị trường.

Lý luận hàng hóa của C.Mác và vấn đề nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam - 16

Trong quá trình lao động cụ thể, giá trị sử dụng là sự kết hợp giữa lao động và yếu tố vật chất của tự nhiên. Nếu gạt đi tổng số các loại lao động có ích chứa đựng trong hàng hóa thì bao giờ cũng còn lại một cái nền vật chất

nhất định, do tự nhiên mà có chứ không cần đến sự tác động của con người. Quá trình sản xuất hàng hóa thực ra chỉ là quá trình con người làm thay đổi trạng thái của vật chất theo ý muốn chủ quan. Nếu thiếu đi các yếu tố vật chất, chắc chắn con người không thể tạo ra hàng hóa, và do vậy, không thể tạo ra giá trị sử dụng. Như vậy, yếu tố vật chất là một trong những nguồn gốc cơ bản của giá trị sử dụng. Theo quan điểm của C.Mác, trong sản xuất, con người chỉ có thể hành động như bản thân thiên nhiên đã làm, nghĩa là chỉ có thể thay đổi hình thái của vật chất mà thôi. Hơn thế nữa, ngay trong sự thay đổi hình thái ấy, con người cũng luôn luôn dựa vào sự giúp sức của các lực lượng tự nhiên. Như vậy, lao động không phải là nguồn gốc duy nhất của giá trị sử dụng. Như W.Petty nói, lao động là cha của của cải, còn đất là mẹ của nó [6, tr.73].

Những đặc điểm của giá trị sử dụng của hàng hóa là:

Thứ nhất, giá trị sử dụng là một phạm trù vĩnh viễn, không phụ thuộc vào chế độ xã hội, không thay đổi theo không gian và thời gian, mà do đặc tính tự nhiên của vật phẩm quyết định. Chẳng hạn, công dụng “làm chất đốt” của than được tiêu dùng từ xa xưa đến tận ngày nay, ở mọi nơi trên thế giới. Công dụng này do các tính chất vật lý, hóa học tự nhiên của than quy định. Bên cạnh đó, tính chất có ích của hàng hóa không phụ thuộc vào việc người ta mất nhiều hay ít lao động để chiếm lấy những thuộc tính có ích ấy. Ví dụ, bánh mỳ là một loại thức ăn, nếu nhờ một phát minh nào đó mà lao động hao phí để sản xuất bánh mỳ giảm đi 19/20, thì bánh mỳ vẫn có tác dụng như trước. Giá trị sử dụng cấu thành cái nội dung vật chất của của cải, không kể hình thái xã hội của của cải đó như thế nào. Nhưng phát hiện ra những thuộc tính có ích của giá trị sử dụng lại tùy thuộc vào trình độ phát triển của khoa học, công nghệ, vào trình độ văn minh của xã hội.

Thứ hai, giá trị sử dụng của hàng hóa là giá trị sử dụng xã hội, tức là, công dụng hàng hóa không phải để phục vụ ngay chính người sản xuất hoặc

gia đình anh ta, mà để thỏa mãn nhu cầu của người khác. Đối với anh ta, hàng hóa chỉ có giá trị sử dụng trực tiếp như là một phương tiện để trao đổi. Do vậy, anh ta luôn có động lực mãnh mẽ mang hàng hóa của mình đổi lấy những hàng hóa khác mà giá trị sử dụng đáp ứng nhu cầu của anh ta. “Tất cả các hàng hóa đều không phải là giá trị sử dụng đối với người chủ của chúng, và đều là giá trị sử dụng đối với những người không phải là chủ của chúng. Do đó, hàng hóa phải luôn luôn chuyển từ tay người này sang tay người khác” [6, tr.134]. Như vậy, tính xã hội của giá trị sử dụng xuất phát từ mục đích của nền sản xuất hàng hóa là: Tạo ra hàng hóa để trao đổi. Trong tay của người sản xuất, hàng hóa lúc nào cũng có xu hướng thoát ra ngoài để chuyển tới phục vụ những người thật sự cần giá trị sử dụng của nó. Bởi vậy, trước khi tiến hành sản xuất, người sản xuất phải đặt câu hỏi: Sản xuất cho ai? sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào?...

Thứ ba, giá trị sử dụng của hàng hóa chỉ được biểu hiện trong quá trình tiêu dùng. Trong đó, tính có ích của hàng hóa sẽ giúp thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người. Mặc dù lao động cụ thể tạo ra hàng hóa là lao động có ích, nhưng, đối với người tiêu dùng, lao động ấy thực sự có ích không? Có ích đến đâu? Có thỏa mãn được nhu cầu của họ không?... Chỉ có quá trình tiêu dùng thật sự mới đánh giá chính xác giá trị sử dụng của hàng hóa. Như vậy, mặc dù người sản xuất tạo ra giá trị sử dụng hàng hóa, nhưng việc tiêu dùng, đánh giá giá trị sử dụng ấy lại thuộc về những người tiêu dùng, hay những người không sản xuất hàng hóa đó.

Thứ tư, giá trị sử dụng của hàng hóa luôn có xu hướng mở rộng. Với bản chất năng động, sáng tạo, con người luôn nỗ lực tìm kiếm những phương thức tối ưu nhất để thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của mình, nhờ vậy, con người không ngừng phát hiện ra những công dụng mới trong hàng hóa. Ví dụ, năm 2008, hãng Apple sản xuất thiết bị nghe nhạc Ipod Touch với những tính năng hấp dẫn như chụp ảnh, kết nối mạng không dây… nhằm phục vụ nhu cầu giải

trí của khách hàng. Sau đó, quân đội Mỹ đã nhận thấy, thiết bị nghe nhạc Ipod Touch có thể dùng như một vũ khí nâng cao khả năng chiến đấu của lính Mỹ bởi vì chiếc máy này có nhiều tính năng thích hợp cho quân đội: cho phép binh lính nhanh chóng kết nối với đồng đội; nhanh chóng tiếp cận các nguồn tin tình báo; nhận dữ liệu từ vệ tinh, máy bay không người lái; dịch ngôn ngữ nói và viết của tiếng Ả-rập, tiếng Iran của người Kurd…[113].

Dựa vào những phát minh, sáng kiến, con người ngày càng tìm hiểu sâu hơn bản chất, tính chất của nhiều sự vật, hiện tượng, trên cơ sở đó, con người tìm ra và gắn thêm những giá trị sử dụng mới của những hàng hóa đang tồn tại để đáp ứng nhu cầu của mình. Ví dụ, cuối những năm 1950, những vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới – Sputnik I (Liên Xô), Explorer I (Mỹ – được phóng lên nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học và các mục đích chính trị. Sau 3 – 4 thập kỷ, sự phát triển công nghệ viễn thông giúp khai thác những tiềm năng của vệ tinh, không chỉ trong việc phục vụ hoạt động quân sự mà còn hữu ích trong hoạt động kinh doanh, hoạt động trao đổi thông tin. Từ đó, nhiều giá trị sử dụng mới được gắn với sự hoạt động của vệ tinh: hệ thống định vị toàn cầu, truyền hình vệ tinh, Internet vệ tinh, Radio vệ tinh, điện thoại vệ tinh….[119]. Như vậy, sự phát triển khoa học công nghệ nói riêng, sự tiến bộ của sức sản xuất nói chung giúp mở rộng tối đa giá trị sử dụng của hàng hóa.

2. Giá trị của hàng hóa

Giá trị hàng hóa là một khái niệm trừu tượng, muốn hiểu rò khái niệm này thì trước hết phải tìm biểu hiện bên ngoài của giá trị, tức là giá trị trao đổi.

Giá trị trao đổi và giá trị của hàng hóa

Giá trị trao đổi là quan hệ về số lượng, là một tỷ lệ theo đó những giá trị sử dụng loại này được trao đổi với những giá trị sử dụng loại khác [6, tr.63]. Ví dụ, 10m2 vải đổi lấy 50kg thóc, có nghĩa là, 50kg thóc là giá trị trao đổi của 10m2 vải, hay 10m2 vải có giá trị trao đổi bằng 50kg thóc.

Tỷ lệ trên không phải là cố định, mà thay đổi theo thời gian và địa điểm. Mặt khác, 50kg thóc không phải là giá trị trao đổi duy nhất của 10m2 vải, vì mỗi giá trị sử dụng không phải chỉ có một giá trị trao đổi duy nhất mà có nhiều giá trị trao đổi [6, tr.64]. Như vậy, y cái áo, z gram vàng… đều có thể là giá trị trao đổi của 10m2 vải, với điều kiện, tất cả những hàng hóa trên phải giống 50kg thóc, 10m2 vải ở điểm nào đó.

Các hàng hóa khác nhau có thể trao đổi với nhau vì chúng có một điểm chung: Đều là sản phẩm của lao động. C.Mác chỉ ra, là những giá trị sử dụng, các hàng hóa khác nhau trước hết về chất; là những giá trị trao đổi, các hàng hóa chỉ có thể khác nhau về lượng mà thôi, do đó chúng không chứa đựng một nguyên tử giá trị sử dụng nào cả [6, tr.65]. Khi đã gạt bỏ thuộc tính giá trị sử dụng, hàng hóa chỉ còn một đặc điểm duy nhất: Là sản phẩm của lao động. Mọi hàng hóa chỉ là sự kết tinh đơn thuần của lao động. Lao động đã kết tinh trong hàng hóa được gọi là “GIÁ TRỊ”. Như thế là cái chung, biểu hiện trong quan hệ trao đổi hay trong giá trị trao đổi của các hàng hóa, chính là giá trị

của chúng. Nói cách khác, 10m2 vải, 50kg thóc, y cái áo, z gram vàng… có

thể trao đổi được với nhau vì chúng có GIÁ TRỊ bằng nhau.

Như vậy, giá trị của hàng hóa là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa.

Giá trị hàng hóa là một phạm trù lịch sử. Vì, chỉ trong sản xuất hàng hóa thì người sản xuất mới tính hao phí lao động đã bỏ ra, tức là tính giá trị của hàng hóa. Mặt khác, giá trị hàng hóa không phải là bất biến, mà thay đổi theo từng thời kỳ sản xuất, từng địa điểm sản xuất. Khi nào, sức sản xuất tăng lên thì giá trị hàng hóa sẽ giảm xuống.

Giá trị hàng hóa biểu thị mối quan hệ giữa những người sản xuất hàng hóa. Vì, trao đổi hàng hóa không chỉ thuần túy là sự trao đổi những yếu tố vật chất có thuộc tính khác nhau, mà ẩn bên trong là sự trao đổi hao phí lao động của người sản xuất. Mối quan hệ thị trường này chặt chẽ hay lỏng lẻo tùy

thuộc vào trình độ phân công lao động xã hội. Mặc dù không nói lên tính chặt chẽ của mối quan hệ ấy, nhưng giá trị hàng hóa cũng chỉ ra, trong quan hệ trao đổi, những người sản xuất đã đánh giá lao động của nhau như thế nào: cả hai thừa nhận đã hao phí lượng lao động ngang nhau khi sản xuất hàng hóa.

Lao động trừu tượng – nguồn gốc thực sự của giá trị hàng hóa

Hàng hóa có giá trị vì lao động trừu tượng của người sản xuất hàng hóa đã được vật hóa, hay kết tinh ở trong đó. Lao động trừu tượng là sự hao phí sức lao động của con người nói chung, không kể hình thức biểu hiện cụ thể như thế nào [8, tr.310].

Hoạt động sản xuất hàng hóa có thể quan sát dưới hai góc độ: Thứ nhất, xem xét quá trình đó diễn ra như thế nào, người sản xuất sử dụng phương thức lao động nào với công cụ lao động gì… đó là mặt lao động cụ thể. Thứ hai, xem xét quá trình đó tiêu hao bao nhiêu sức lao động (thể lực và trí lực) của người sản xuất, đó là mặt lao động trừu tượng. “Nếu như không kể đến tính chất cụ thể nhất định của hoạt động sản xuất, và do đó, đến tính có ích của lao động, thì trong lao động ấy chỉ còn lại một cái là sự tiêu phí sức lao động của con người. Cả việc may quần áo cũng như việc dệt vải, mặc dầu chúng là những hoạt động sản xuất khác nhau về chất, nhưng đều là một sự chi phí sản xuất về óc, bắp thịt, thần kinh và bàn tay…, của con người, và theo ý nghĩa đó, đều là lao động của con người” [6, tr.74].

Lao động trừu tượng có tính lịch sử, gắn với sự tồn tại và phát triển của sản xuất hàng hóa. Vì chỉ khi sản xuất cho người khác, người sản xuất mới có động cơ phải đo đếm lượng lao động của bản thân đã bỏ ra trong quá trình tạo ra hàng hóa. Do đó, lao động trừu tượng là phạm trù riêng có trong nền sản xuất hàng hóa. Mặt khác, về mặt lượng, lao động trừu tượng hao phí để sản xuất hàng hóa cũng thay đổi theo sự phát triển của nền sản xuất xã hội. Cùng một hàng hóa, mảnh vải chẳng hạn, nếu người sản xuất chỉ sử dụng sức lao động và khung dệt thô sơ sẽ phải hao phí nhiều sức lao động trong thời gian

dài, 10h chẳng hạn. Nếu vẫn người sản xuất đó nhưng nay đã điều khiển hệ thống máy dệt thì chỉ phải hao phí sức lao động ít hơn nhiều, 1h chẳng hạn, để sản xuất ra mảnh vải đó. Như vậy, sự phát triển của ngành dệt giúp người sản xuất ngày càng giảm hao phí lao động trừu tượng.

Bên cạnh đó, lao động trừu tượng còn có tính đồng nhất về chất, vì tất cả đều là sự hao phí sức lao động nói chung của người sản xuất. C.Mác chỉ ra rằng, tính hữu ích của sản phẩm lao động mà biến đi thì đồng thời tính hữu ích của những loại lao động biểu hiện ra trong các sản phẩm ấy, do đó, các hình thái cụ thể khác nhau của những loại lao động ấy, cũng đều biến đi theo; những loại lao động ấy không còn khác nhau nữa, mà được quy thành thức lao động giống nhau của con người, thành lao động trừu tượng của con người [6, tr.66].

Thêm nữa, Lao động trừu tượng còn mang tính xã hội. Điều này thể hiện ở chỗ: sự hao phí sức lao động là để phục vụ xã hội. Đồng thời, hao phí lao động trừu tượng của cá nhân phải do xã hội đánh giá và công nhận. Tức là, người sản xuất chỉ tạo ra hàng hóa, còn việc thừa nhận toàn bộ hay một phần sự hao phí sức lao động lại do xã hội quyết định.

Giá trị hàng hóa bao gồm lao động trừu tượng quá khứ và lao động trừu tượng sống. Lao động trừu tượng quá khứ kết tinh trong tư liệu sản xuất và được chuyển sang giá trị sản phẩm mới theo mức độ tiêu dùng. Lao động trừu tượng sống là lao động mà người sản xuất trực tiếp mới thêm vào và tạo ra giá trị mới. Sức sản xuất càng phát triển thì lao động sống hao phí vào sản phẩm giảm đi tương đối so với lao động quá khứ, vì nhờ việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, hệ thống máy móc tự động hóa, nên chỉ cần ít lao động trực tiếp để sử dụng nhiều tư liệu sản xuất hơn mà vẫn tạo ra nhiều hàng hóa hơn trong một đơn vị thời gian.

Thời gian lao động xã hội cần thiết – thước đo lượng giá trị hàng hóa

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/07/2022