Lý luận hàng hóa của C.Mác và vấn đề nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam - 17

Về mặt chất, giá trị là lao động trừu trượng kết tinh trong hàng hóa. Về mặt lượng, giá trị hàng hóa được đo bằng lượng lao động trừu tượng đã hao phí để sản xuất ra hàng hóa đó, lượng lao động lại được đo bằng thời gian lao động, vì để sản xuất ra bất kỳ hàng hóa nào, người sản xuất đều phải tiêu phí một thời gian lao động nhất định. C.Mác nhận định rằng, với tư cách là những giá trị thì tất cả mọi hàng hóa đều chỉ là những lượng thời gian lao động nhất định đã kết đọng lại [6, tr.68]. Lượng giá trị của hàng hóa không phải do thời gian lao động cá biệt quy định, mà chỉ có lượng lao động xã hội trung bình, hay thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra một giá trị sử dụng, mới quyết định đại lượng giá trị của giá trị sử dụng ấy [6, tr.68].

“Thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian lao động đòi hỏi để sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó, trong những điều kiện sản xuất bình thường của xã hội, với một trình độ thành thạo trung bình và một cường độ lao động trung bình trong xã hội đó” [6, tr.67]. Tuy nhiên, sức sản xuất phát triển không ngừng làm cho việc sản xuất hàng hóa ngày càng thuận lợi hơn, dẫn đến thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hóa ngày càng được rút ngắn. Vì thế, giá trị hàng hóa cũng có xu hướng giảm dần.

Trên đây là giả định xét quá trình sản xuất trực tiếp, khi xét quá trình tái sản xuất thì giá trị của mọi hàng hóa – và do đó giá trị của những hàng hóa cấu thành tư bản cũng vậy – không phải do thời gian lao động xã hội cần thiết chứa đựng trong bản thân hàng hóa đó quyết định, mà là do thời gian lao động xã hội cần thiết để tái sản xuất ra hàng hóa đó quyết định [5, tr.213]. Khi điều kiện sản xuất của xã hội đã thay đổi, việc tái sản xuất hàng hóa trở nên thuận lợi hơn (hoặc khó khăn hơn) thì thời gian lao động xã hội để tái sản xuất ra hàng hóa sẽ ngắn hơn (hoặc dài thêm). Ví dụ, trong năm thứ nhất, xã hội mất trung bình 10h để sản xuất một máy vi tính. Trong năm thứ hai, xã hội mất trung bình 8h để tái sản xuất một máy vi tính tương tự, thậm chí tốt hơn, thì mỗi máy tính đã sản xuất năm thứ nhất, dù còn mới nguyên cũng chỉ

được thừa nhận giá trị là 8h, nghĩa là bị hao mòn vô hình tương đương 2h/sản phẩm. Thông thường thời gian lao động xã hội cần thiết gần sát với thời gian lao động cá biệt của người sản xuất hàng hóa nào cung cấp đại bộ phận hàng hóa đó trên thị trường. Vì trình độ sản xuất của những người này sẽ đại diện cho sức sản xuất trung bình của xã hội, điều kiện sản xuất của họ cũng có thể coi là những điều kiện sản xuất trung bình của xã hội.

Những nhân tố ảnh hưởng đến giá trị một đơn vị hàng hóa

Một là, giá trị hàng hóa tỷ lệ nghịch với sức sản xuất của lao động. Nói chung, sức sản xuất của lao động càng lớn thì thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa sẽ càng ít, lượng lao động kết tinh trong hàng hóa đó sẽ càng nhỏ, giá trị của hàng hóa, do vậy, càng ít. Ngược lại, sức sản xuất của lao động càng nhỏ thì thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa lại càng lớn và giá trị của nó lại càng lớn. Như vậy, giá trị của hàng hóa tỷ lệ thuận với lượng lao động xã hội cần thiết kết tinh trong hàng hóa đó, và tỷ lệ nghịch với sức sản xuất của lao động đó. Sức sản xuất của lao động lại do các yếu tố sau quyết định: trình độ khéo léo trung bình của công nhân, mức độ phát triển của khoa học và trình độ ứng dụng khoa học vào quy trình công nghệ, sự kết hợp xã hội của quá trình sản xuất, quy mô và hiệu suất của tư liệu sản xuất, và các điều kiện tự nhiên [6, tr.69].

Hai là, trình độ phức tạp của lao động. Lao động phức tạp là lao động thành thạo của người lao động đã qua đào tạo và rèn luyện [8, tr.304]. Nhờ lao động phức tạp, người lao động vận dụng tri thức, kỹ năng để tiết kiệm sức lao động trong quá trình sản xuất hàng hóa. Do vậy, hao phí lao động kết tinh trong hàng hóa ít hơn so với khi sử dụng lao động giản đơn, hay lao động không cần qua huấn luyện chuyên môn.

Lao động phức tạp chỉ là lao động giản đơn được nâng lên lũy thừa, hay nói cho đúng hơn, là lao động giản đơn được nhân lên [6, tr.75]. Trong quá trình tạo ra giá trị, lao động phức tạp hơn bao giờ cũng phải được quy thành

lao động xã hội trung bình, ví dụ, một ngày lao động phức tạp được quy thành x ngày lao động giản đơn chẳng hạn. Tỷ lệ theo đó lao động phức tạp được quy thành lao động giản đơn được xác định một cách thường xuyên bởi một quá trình xã hội diễn ra ngay sau lưng những người sản xuất. Như vậy, dưới góc độ lao động trừu tượng, lao động giản đơn và lao động phức tạp chỉ khác nhau về lượng. Để việc phân tích giá trị hàng hóa được đơn giản hơn, cần thiết phải giả định rằng, người công nhân (do tư bản thuê mướn) đã thực hiện một thứ lao động giản đơn, lao động xã hội trung bình, tức là mọi hàng hóa đều do lao động như nhau tạo ra [6, tr.296].

Giá cả hàng hóa – biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 143 trang tài liệu này.

Giá cả hàng hóa là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa. Nếu như giá trị hàng hóa được đo bằng thời gian lao động thì giá cả hàng hóa được đo bằng đơn vị tiền tệ. Do đó, giá cả hàng hóa thường xuyên khác biệt giá trị hàng hóa, sự cân bằng rất hiếm khi xảy ra.

Giá cả hàng hóa chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố: Một là, và quan trọng nhất là, giá trị hàng hóa là cơ sở để giá cả hàng hóa dao động xung quanh. Chẳng hạn, dù giá cả của một chiếc ôtô và một chiếc xe máy biến động nhiều nhưng giá cả một chiếc ôtô bao giờ cũng lớn hơn giá cả một chiếc xe máy do hao phí lao động xã hội cần thiết – giá trị hàng hóa – của một chiếc ôtô bao giờ cũng lớn hơn hao phí lao động tạo ra chiếc xe máy. Hai là, sức mua của đồng tiền ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa theo tỷ lệ nghịch. Ba là, quan hệ cung – cầu hàng hóa ảnh hưởng đến sự dao động của giá cả hàng hóa theo hướng: khi cung bằng cầu, giá cả bằng giá trị hàng hóa; khi cung lớn hơn cầu, giá cả thấp hơn giá trị hàng hóa; khi cung nhỏ hơn cầu thì giá cả cao hơn giá trị. Bốn là, cạnh tranh trên thị trường hàng hóa ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa theo hướng: cạnh tranh gay gắt giữa những người bán làm giá cả hàng hóa giảm xuống, còn cạnh tranh giữa những người mua khi hàng hóa khan hiếm

Lý luận hàng hóa của C.Mác và vấn đề nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam - 17

sẽ đẩy giá cả lên cao. Ngoài những yếu tố trên, giá cả hàng hóa còn chịu ảnh hưởng của những điểm đặc thù của từng thị trường hàng hóa.

Xem tất cả 143 trang.

Ngày đăng: 24/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí